Dưới đây chủ blog tôi xin phép đăng lại ý kiến tâm huyết của một vị tướng, nguyên đại biểu Quốc hội 3 khóa liền - ông Nguyễn Quốc Thước - nói về vụ anh Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế lấy đất ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng.
Vệ Nhi
g-th
------
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên ĐBQH, nguyên Tư lệnh QK 4 mới đây đã gửi bức tâm thư đến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, góp ý kiến về sự kiện chấn động dư luận ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
LTS: Vụ cưỡng chế khu đầm
của một số đối tượng trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn (thôn Chùa Trên, xã Vinh
Quang, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) ngày 5/1 khiến 6 cán bộ công an, huyện đội
bị thương đã gây chấn động dư luận. 12 ngày sau vụ nổ súng, Thủ tướng Chính phủ
Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu TP Hải Phòng rà soát lại toàn bộ sự việc để báo cáo
Thủ tướng. Đến nay, nhiều Bộ, ban ngành đã vào cuộc. Tuy nhiên, nhiều thông tin
trái chiều được đưa ra khiến dư luận cả nước vẫn không khỏi băn khoăn. Trước sự
việc này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên UVTW Đảng, nguyên ĐBQH, nguyên
Tư lệnh QK 4 mới đây đã gửi bức tâm thư đến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trong đó,
tướng Thước cũng nêu những bài học nhãn tiền, những vụ việc được đánh giá là
phức tạp hơn rất nhiều so với vụ cưỡng chế tại Tiên Lãng.
GDVN xin đăng nguyên văn
bức thư.
“Kính gửi: Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng
Về vụ Tiên Lãng tôi đã có chính kiến của mình qua giaoduc.net.vn và Vietnam.net.
Trước ý kiến chính đáng của nhiều đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo cao cấp, các lão thành trên các lĩnh vực và dư luận rộng rãi của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị cho lãnh đạo Thành phố Hải Phòng và các cơ quan chức năng của Chính phủ phải làm rõ vụ việc và xử lý một cách nghiêm minh, kịp thời rút kinh nghiệm để không xảy ra sự việc tương tự trong cả nước, giữ vững sự ổn định chính trị để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh theo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Dư luận rất hoan nghênh Chỉ thị của Thủ tướng và hy vọng, sự việc sẽ được giải quyết tận gốc vấn đề nhất là khi BCHTW đã có Nghị quyết về những vấn đề cấp bách, về xây dựng Đảng, liên quan đến vấn đề đất đai, vấn đề hết sức nóng bỏng đang chiếm trên 70% vụ việc khiếu kiện của cả nước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Nguyễn Minh Thuyết tại một buổi Giao lưu TT với độc giả báo Giáo dục Việt Nam |
Từ kinh nghiệm thực tế của mình khi làm Tư lệnh Quân khu 4 những năm 1990 giải quyết những tranh chấp đất đai, những sai phạm của cán bộ trên địa bàn, tôi xin góp một số ý kiến như sau:
- Sự việc này, nếu xảy ra vào những năm 1990 thì chẳng nói làm gì nhưng cách đây hơn 20 năm, Đảng - Nhà nước đã rút kinh nghiệm từ những vụ việc còn phức tạp hơn nhiều. Nhưng nay, tuy sự việc không đến nỗi phức tạp lắm mà để lại một hậu quả cực kỳ nghiêm trọng, đang tác động xấu đến cả nước, đang để kẻ xấu lợi dụng, kích động là không thể chấp nhận được.
Vụ việc này thể hiện bản lĩnh chính trị, năng lực lãnh đạo, điều hành của các cấp xã, huyện là quá non nớt, nếu không nói là quá yếu kém; thể hiện tính chất là một bộ máy cường quyền, không đúng với bản chất Nhà nước.
- Sự việc này nếu được giải quyết đến tận gốc, từ nguyên nhân để xảy ra sự việc và xử lý một cách nghiêm minh cả về mặt kỷ luật và pháp luật thì sẽ có tác dụng tốt đối với cả nước. Nếu không hậu quả sẽ ngược lại. Bài học đó cách đây đã hơn 20 năm đã được khẳng định.
Xin nêu 2 vụ việc điển hình lúc bấy giờ tại Quân khu 4 để cùng nhau suy nghĩ:
Câu chuyện thứ nhất:
Vụ việc tranh chấp đất đai kéo dài giữa 2 xã thuộc huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An năm 1992. Trong vụ này, lãnh đạo địa phương không kiên quyết giải quyết triệt để, dẫn đến tình trạng Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND 2 xã huy động lực lượng dân quân vũ trang do 2 xã đội trưởng chỉ huy, xây dựng công sự chướng ngại vật, hầm hào để bảo vệ vùng đất tranh chấp.
Đã xảy ra đấu súng giữa hai bên. Huyện, tỉnh không thể vào tiếp cận được, cán bộ nào vào bị bắt giữ cán bộ đó, làm tắc nghẽn, tê liệt giao thông đường Quốc lộ 1.
Trước tình hình đó, TW khiển trách lãnh đạo tỉnh và chỉ thị giải quyết ngay, bảo đảm thông suốt đường quốc lộ duy nhất Bắc-Nam.
Vì sự việc đã quá kéo dài, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Quân khu cho lực lượng thiết giáp ra để dẹp loạn. Lúc đó, tôi nói rõ với lãnh đạo tỉnh, nếu vài trăm tên địch thì chẳng cần xe tăng thiết giáp, chỉ trong vòng 15 phút tôi sẽ giải quyết ngay. Nhưng đây là dân quân (2 xã 2 đại đội), là dân. Đưa xe tăng ra bắn ai? Chưa nói xe tăng, nếu không may nổ súng chết 1 người dân thì sự việc không dừng lại ở việc tranh chấp mấy mảnh ruộng mà sẽ biến thành một vấn đề chính trị lớn.
Lãnh đạo tỉnh hỏi giải quyết thế nào? Tôi trả lời, phải tháo ngòi nổ, không đổ dầu vào lửa. Tôi liền giao nhiệm vụ cho đồng chí Đại tá – Tham mưu trưởng Quân khu sau này là Trung tướng, Phó Tổng Cục trưởng tình báo Quân đội Nhân Nam mang theo 2 vệ binh không có vũ khí, 1 loa cầm tay vào tiếp cận, gặp gỡ anh em để tìm hiểu tình hình, tìm cách tháo gỡ tránh xảy ra xung đột.
Tuy là một cán bộ dày dạn trận mạc nhưng đồng chí Tham mưu trưởng vẫn băn khoăn và hỏi lại: Nếu vào em bị bắt thì làm sao? Tôi liền trả lời, sợ địch bắt anh tôi mới lo, chứ dân bắt anh thì việc gì phải lo. Dân không “thịt” anh đâu, trái lại còn cho anh ăn nữa nếu anh giải quyết có tình có lý.
Khi tiếp cận trận địa, một số dân quân chưa biết đồng chí liền dọa bắt giữ. Nhưng đồng chí nói rõ nhiệm vụ Quân khu giao. Đồng thời, ra lệnh cho các xã đội trưởng nguyên là chiến sĩ thuộc Sư đoàn thu súng, lui quân.
Thế là chỉ trong 1 đêm, ta đã tháo được ngòi nổ. Lãnh đạo địa phương vào tổ chức nắm tình hình, xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo 2 xã. Sau đó, xử lý nghiêm kỷ luật những đồng chí chủ trị với động cơ lợi ích cục bộ, cá nhân đã không nghe sự chỉ đạo, để xảy ra sự việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng chung đến cả nước.
Sau khi tổ chức lại bộ máy lãnh đạo, dần đi vào ổn định. Bây giờ, khu công nghiệp Hoàng Mai đang phát triển mạnh mẽ. Hoàng Mai đã trở thành thị xã, cuộc sống nhân dân từ chỗ thường xuyên gây tranh chấp làm tê liệt sản xuất trước đây, nay đang trở thành một điểm sáng về chính trị và kinh tế của Nghệ An”.
Câu chuyện thứ hai:
Vụ Trung Lương thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (xã Trung Lương là một xã có truyền thống cách mạng, đã từng rèn giáo mác cho phong trào Xô Viết 1930). Một thời gian dài, một số cán bộ lãnh đạo, chính quyền xã có những sai phạm nghiêm trọng, tham ô của dân. Khi nhân dân đấu tranh lại tìm cách trù dập, trả thù.
Bị ức chế cao độ, một số người kích động nhân dân đứng lên chống lại, bắt số cán bộ có vấn đề, yêu cầu cấp thị xã giải quyết. Nhưng do nể nang, xã không kiên quyết xử lý. Sự việc kéo dài, không được giải quyết, trở thành điểm nóng. Nhân dân bắt giữ số cán bộ sai phạm, rào làng chiến đấu, xây dựng công sự trận địa, chướng ngại vật, canh gác ngày đêm, không cho ai ra vào.
Trước tình hình đó, tỉnh và thị xã cho công an vào để giải quyết với mục đích bắt số người chủ mưu bắt giữ cán bộ trái phép.
Nhưng cho rằng, công an vào không phải để giải quyết vi phạm của cán bộ mà để bắt những người chống lại cán bộ chính quyền nên các chiến sĩ công an vào đều bị giữ lại.
Tiếp đến, lãnh đạo công an thị xã tổ chức lực lượng, đem theo chó nghiệp vụ, xe cộ vào giải tỏa nhưng cũng đều bị giữ.
Tình hình đến tai TW, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh chỉ thị cho BCH Quân sự tỉnh tổ chức lực lượng đặc công cùng với lực lượng đặc nhiệm của công an tổ chức bí mật đột nhập, tập kích lực lượng chống đối như một trận đánh.
Thấy chủ trương không phù hợp với nhiệm vụ quân đội, đồng chí Chỉ huy trưởng Tỉnh đội báo cáo lên Quân khu. Bộ Tư lệnh quân khu điện không được hành động theo phương án đó vì không đúng chức năng quân đội.
Lúc đó, lãnh đạo tỉnh tỏ thái độ không bằng lòng và cho rằng Quân khu không ủng hộ Tỉnh, nếu để kéo dài ảnh hưởng đến uy tín của Tỉnh.
Rút kinh nghiệm vụ Quỳnh Lưu - Nghệ An, Quân khu chỉ thị cho đồng chí Chỉ huy trưởng Tỉnh đội trực tiếp vào tiếp cận nhân dân để tìm cách tháo ngòi nổ, đưa vụ việc trở về giải quyết theo đúng luật pháp, có tình có lý.
Cũng như vụ Quỳnh Lưu, khi đồng chí Chỉ huy trưởng Tỉnh đội vào tiếp cận, một số người hung hăng cũng dọa bắt giữ như bắt các đồng chí công an. Với lý lẽ xác đáng, nói rõ quân đội không vào bắt dân mà tìm hiểu sự việc để đề nghị Tỉnh, quân khu giải quyết, bảo đảm lợi ích chính đáng của dân, cũng đồng thời là lợi ích quốc gia và hứa, nếu cán bộ sai đến đâu sẽ xử lý nghiêm minh đến đó.
Hiểu rõ ra điều đó, nhân dân không nghe những thành phần quá khích nữa mà yêu cầu cấp trên vào giải quyết, ổn định tình hình cho dân làm ăn.
Cuối cùng, số cán bộ tham nhũng bị cách chức. Một số bị đưa ra xét xử theo pháp luật, những “đầu sọ” quá khích, kích động quần chúng chống lại chính quyền cũng bị xét xử. Đời sống nhân dân trở lại bình thường và một thời gian sau, từ một điểm đen, xã Trung Lương với bộ máy mới được nhân dân lựa chọn đã trở thành một điểm sáng cho các địa phương trong quân khu.
Từ 2 vụ việc trên, xem lại vụ Tiên Lãng thấy rằng, việc xem xét về mặt luật pháp xung quanh việc cấp đất, việc thu hồi đất tuy có phức tạp nhưng chắc không khó giải quyết lắm. Bởi trong luật pháp đã có những quy định cụ thể. Cũng biết rằng, luật đất đai của ta hiện nay còn những điểm không còn phù hợp với sự phát triển (việc này Quốc hội đang nghiên cứu để sớm sửa đổi) nhưng trước tình hình đó, lãnh đạo, chính quyền phải nắm vững quan điểm là luật pháp là để bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của dân nên nếu có chỗ nào bộc lộ không còn phù hợp thì cần trên quan điểm lợi ích của dân cũng là lợi ích của Nhà nước để xử lý có tình có lý.
Nhưng theo dõi tình hình thì thấy rằng, hành động của xã, huyện (cả bộ máy) có quá nhiều sai phạm về quan điểm, nguyên tắc của một cấp chính quyền của dân, vì dân.
Nhiều chủ trương vi phạm về quyền hạn, vi phạm về các bước giải quyết của một vấn đề dân sự, sai phạm trong cách sử dụng lực lượng vũ trang. Nói để cưỡng chế nhưng bộ phận chống đối chỉ có dăm ba người. Vì sao lại huy động đến hàng mấy chục (có tin nói hàng trăm) công an và bộ đội?
Sai phạm trong việc sử dụng hệ thống chính trị, mang tính chất một bộ máy cường quyền và hậu quả thì đã rõ: dân chuẩn bị vào tù (cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến hành động chống đối quyết liệt của những con người bản chất là lương thiện, có ý chí làm ăn theo định hướng của Đảng), còn lực lượng vũ trang thì không sử dụng đúng dẫn đến thương vong như một trận đánh?
Sự việc đã gây ra một hình ảnh xấu trước đất nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình chính trị của địa phương. Nếu không được giải quyết đúng mức thì sẽ tác động tiêu cực đến tình hình cả nước, khi mà vấn đề đất đai đang là vấn đề nóng bỏng của đất nước, trong đó nhiều nơi có nguyên nhân trực tiếp là do sai phạm của các cấp chính quyền ở đó.
Dư luận nhân dân yêu cầu Chính phủ phải có những kết luận đầy đủ về bản chất sự việc, nguyên nhân cơ bản của sự việc và có những biện pháp kiên quyết, xử lý một cách nghiêm minh, trước hết đối với những cán bộ đã để xảy ra sự việc trên quan điểm bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, giải quyết vụ việc đến tận gốc, để rút kinh nghiệm cho cả nước.
Bài học đắt giá này, nếu giải quyết tốt cũng là chìa khóa cho việc tháo gỡ những điểm nóng về đất đai hiện nay, mà nhiều nơi bắt nguồn từ động cơ lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm của một bộ phận cán bộ có chức quyền.
Dư luận hoan nghênh Chỉ thị của Thủ tướng và mong rằng với tư cách là đại biểu Quốc hội của khu vực Hải Phòng, đồng chí Thủ tướng sẽ thể hiện đầy đủ vai trò của người đại biểu của nhân dân, vì lợi ích của người dân và lợi ích của quốc gia, thực chất hai lợi ích chính đáng đó là không có mâu thuẫn.
Mong rằng, Chính phủ sẽ có một quyết định đúng đắn để công bố cho toàn dân rõ với tất cả niềm tin”.
Trung tướng: Nguyễn Quốc Thước
Nguyên Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10
http://www.tinmoi.vn/vu-cuong-che-tuong-thuoc-gui-tam-thu-toi-thu-tuong-02752471.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét