Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

Chuyện cá chết Vũng Áng sắp đến hồi cao trào

Chuyện cá chết Vũng Áng sắp đến hồi cao trào

Từ khi xảy ra vụ cá chết vùng biển Vũng Áng đến nay đã gần 1 tháng. Mình hằng ngày update tin tức, lướt facebook và cũng viết đều stt trên FB. Nhưng blog thì vẫn để trống. Hôm nay đọc có tin tương đối mới, lạ.

Bởi về mặt chính thức, các nhân vật có vị trí chính quyền mới chính thức có ông phó Hà Tĩnh, phó bộ Tài - Môi, rồi phó thủ tướng tới thị sát, gần đây nhất ông trưởng bộ Tài - Môi xuất hiện. ý kiến chưa có gì đặc biệt ngoài úy lạo, định hướng, tỏ quyết tâm tìm nguyên nhân...

Nhưng hôm qua, có thể nói có một sự kiện mới. Trước khi vào Tp HCM chủ trì cuộc gặp các doanh nghiệp VN, ông thủ tướng đã có ý kiến. Nhân vật cấp cao nhất bên Chính phủ tỏ rõ quyết tâm của chính phủ điều tra cho ra kết quả sớm nhất có thể, huy động nhiều ngành, gồm cả chuyên gia nước ngoài nếu thấy cần, tìm bằng được nguyên nhân gây ra cá chết. Thậm chí ông thủ tướng còn ra lệnh cho Bộ Công an vào cuộc, tìm xem có dấu hiệu hình sự hay không trong vụ này.  Nói vậy là có ẩn ý khá mới bên trong. hãy chờ...

Dù sao thì cũng rất kịch tính đây.

Xin giới thiệu bản tin dưới đây đang ở báo có phép nhà nước - tờ báo Dân trí.

(Đầu đề là nguyên văn trên báo Dân trí).

Vệ Nhi

  ------

Thủ tướng giao Bộ Công an rà soát dấu hiệu hình sự vụ cá chết





(Dân trí) -  Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Thủ tướng nhấn mạnh, nếu phát hiện vi phạm hình sự, kiên quyết xử lý nghiêm.


 >> Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường nhận khuyết điểm
 >> Bộ Tài nguyên - Môi trường: Chưa thể khẳng định Formosa liên quan đến thảm trạng cá chết (!?)

Chiều qua, 28/4/2016, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp về xử lý các vấn đề liên quan đến việc hải sản chết bất thường tại một số tỉnh ven biển miền Trung. Tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, đại diện lãnh đạo các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Công an và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe báo cáo của các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát biểu của các đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân.

Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phù hợp để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và một số Bộ trưởng đã đến làm việc, kiểm tra trực tiếp vùng bị ảnh hưởng.



Cá chết dạt bờ biển, nhiều thương lái đã tổ chức thu mua.
Cá chết dạt bờ biển, nhiều thương lái đã tổ chức thu mua.


Tuy nhiên, đây là sự cố môi trường biển trên diện rộng, phức tạp, lần đầu tiên xảy ra ở nước ta, mặc dù các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa làm rõ được nguyên nhân, chưa đáp ứng được yêu cầu, gây bức xúc xã hội.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan (Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công an, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, UBND các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế…) tiếp tục khẩn trương thực hiện các biện pháp đã chỉ đạo trước đó.

Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng huy động các nhà khoa học, trường hợp cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương, kịp thời làm rõ nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Công an tập trung thu thập tài liệu chứng cứ, nếu phát hiện có vi phạm pháp luật hình sự thì kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy định.



Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND các tỉnh nói trên rà soát, thống kê, kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ người dân bị thiệt hại, không để người dân bị thiếu đói; Phối hợp với Bộ Y tế chỉ đạo các địa phương thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; nghiêm cấm việc vận chuyển, kinh doanh hải sản chết; Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn các địa phương, người dân trong việc tiếp tục nuôi trồng, khai thác và sử dụng hải sản an toàn.

Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao là đầu mối cung cấp thông tin chính thức cho các cơ quan thông tin truyền thông liên quan đến vụ việc này.

P.Thảo

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Đừng mong người khác cứu

Đừng mong người khác cứu

Khổ, khi nghe tin bên TQ họ "thông cảm" mở đập thượng lưu cho nước xuống hạ lưu sông Mê Công, nhiều dòng thông tin chính thống chạy tít, hưởng ứng viết tin - bài ra chiều hoan hỉ, thì tôi đã không một chút "lấy làm mừng".  

Vì sao tôi nghĩ vậy?

Là bởi vì đơn giản nghĩ rằng: Cái kẻ cho xây cả loạt đập trên ngọn nguồn để làm tắc nghẹn dòng sông lớn này là họ thủ đầy âm mưu hại người khác rồi!

Bây giờ, khi này rót một đợt nước, lúc khác bảo sẽ xem xét trợ giúp "bạn bè", rồi hàng xóm phía dưới dòng sông..., thì chính là bước vào thời đoạn họ biến việc dòng sông chảy một cách tự nhiên bao thế kỷ nay của các nước chung dòng chảy đó thành ra "các điều kiện" nhằm đổi chác, hoặc là gây sức ép chính trị - xã hội lên các nước láng giềng mất rồi. 

Và đến khi đó, mình (tức các quốc gia cuối nguồn), chúng ta buộc phải nghĩ khác, phải hành động khác.Chứ tuyệt nhiên đừng ngồi đợi ban ơn!

ĐÓ LÀ PHẢI QUYẾT TÌM RA NHỮNG CÁCH "TỰ CỨU" LẤY MÌNH...

Vì thế tôi rất thích bài viết dưới đây của tác giả Lê Anh Tuấn đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày hôm nay, 11/4/2016. Xin phép tác giử đưa lại lên đây để bạn bè chúng tôi đọc tham khảo.


Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

11/04/2016 14:54 GMT+7

TTO - Sau loạt bài "Ngược dòng Mekong đang hấp hối" mà các phóng viên đã ghi nhận, Tuổi Trẻ đăng tải những ý kiến của các nhà nghiên cứu về vấn đề sông Mekong.


Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Ông Lê Anh Tuấn - Ảnh: Chí Quốc
“Đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong
Margaret Zhou


Hơn 10 ngày qua, bạn đọc đã theo dõi những bài viết “Ngược dòng Mekong đang hấp hối” do bốn nhóm phóng viên Tuổi Trẻ phản ánh từ bốn quốc gia trên dòng sông Mekong là Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Campuchia.

Mở đầu là bài viết của ông Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ. Dưới đây là nội dung bài viết.

Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Đỉnh lũ năm 2015 được xem là thấp nhất trong 90 năm qua (1926 - 2015) và đây là lời cảnh báo sớm cho Việt Nam


Cảnh báo sớm, 
ứng phó vẫn chậm

Khô hạn năm nay không phải là hiện tượng thiên tai không được cảnh báo sớm.
Kể từ mùa khô 2014-2015, nhiều nhà khoa học đã thông báo sự trở lại của El Nino - hiện tượng nóng lên dị thường của lớp nước biển bề mặt ở khu vực xích đạo trung tâm và Thái Bình Dương làm lưu vực sông Mekong mưa ít nắng nhiều.
Tiếp đến, cả mùa mưa năm 2015 lượng mưa quá ít. Bởi do ít mưa nên mùa lũ 2015 quá thấp, gần như lũ không đáng kể thì việc dự báo khô hạn tiếp theo cho mùa khô 2015-2016 là hoàn toàn dễ tiên đoán để có những cảnh báo cần thiết.
Bên cạnh chuyện ông trời là chuyện của con người, khi ai cũng biết thượng nguồn Mekong đã có hàng loạt thủy điện được xây dựng và góp phần làm trầm trọng thêm vấn đề của thiên nhiên khắc nghiệt. Từ hai yếu tố vừa nêu, nước mặn có cơ hội xâm nhập sâu nội đồng.
Các nhà khoa học đã nói trước, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia có cảnh báo trước.
Tuy nhiên, gần như toàn đồng bằng và cả nước không có một chuẩn bị đối phó nào đáng kể để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).
Ngay từ khi dứt mùa mưa, qua mùa khô, diện tích trữ nước tự nhiên cho canh tác nông nghiệp và cả nước dự trữ cho sinh hoạt không có gia tăng, diện tích xuống giống vụ đông xuân vẫn không gia giảm bao nhiêu so với các năm trước, số trạm bơm, máy bơm cũng giữ ổn định với con số cũ.
Nói chung, không có một chỉ thị nào từ các ngành chức năng dàn xếp nguồn nước chia cho từng diện tích sản xuất ở các vùng canh tác nông nghiệp. Đến khi khô, mặn hoành hành, lúa màu khô cháy la liệt thì cả vùng mới nháo nhào lên.
Trong khi đó từ mùa khô năm 2014-2015, một số nước láng giềng đã có những điều chỉnh kịp thời kế hoạch sản xuất và cung ứng của họ trước những cảnh báo nguy cơ hạn hán: Trung Quốc và Lào chỉ đạo đóng cửa van, huy động gom nước từ sông suối trữ ở các hồ chứa thủy điện, hoàn toàn bỏ hoang các vùng có diện tích canh tác nông nghiệp lớn ở Vân Nam của Trung Quốc, vùng miền trung và miền nam của Lào.
Chính phủ Thái Lan đã sớm phổ biến quyết tâm giảm lớn diện tích trồng lúa, người Thái sẵn sàng từ bỏ vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân không gieo mạ cho vụ lúa chiêm xuân trên các ruộng lúa của họ, thậm chí có lúc phải huy động quân đội ngăn chặn việc bơm nước ở các con kênh và hồ trữ nước quan trọng.
Ngành thủy lợi hoàng gia Thái xúc tiến xây dựng thêm trạm bơm và chuẩn bị triển khai chuyển nước từ sông Mekong đến các vùng khô hạn phía đông bắc và dự kiến có thể qua cả lưu vực sông Chao Phraya.
Ở Campuchia, nước được dồn cho những vùng có nguồn cá tự nhiên hoặc cá nuôi thay vì dùng cho canh tác nông nghiệp.


Khô hạn: ​Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu
Xu thế suy giảm dòng chảy sông Mekong xuống ĐBSCL - Nguồn: Lê Anh Tuấn, 2016


Tự cứu mình, đừng mong người khác cứu

Khi hạn hán bắt đầu gia tăng mức tác động vào trung tuần tháng 2-2016 thì Việt Nam yêu cầu Trung Quốc đáp ứng việc xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Jinghon) để cứu hạn, mặn cho vùng đồng bằng. Ngoài ra Lào cũng lên tiếng xả nước để giúp Việt Nam.
Tuy nhiên sau những lời có vẻ thiện chí đó, nhiều nhà khoa học đã có số liệu chứng minh việc Trung Quốc xả nước thủy điện từ Cảnh Hồng trong các tháng đầu năm đến hết tháng 3-2016 là bình thường, thậm chí ít hơn lượng xả nước của năm 2015 và 2014.
Một nhà vận động chính sách người Thái, bà Piaporn Deetes, thuộc Tổ chức Sông ngòi quốc tế, đã chỉ ra rằng việc Trung Quốc xả nước nhằm mục tiêu phát điện cho họ và nâng tạm thời mực nước sông phía dưới giúp thuận lợi cho thuyền chở hàng hóa của Trung Quốc xuống Thái Lan và Lào không bị mắc cạn do nước sông xuống quá thấp.
Một nhà hoạt động môi trường khác, cô Margaret Zhou, đã viết trên báo The Diplomat ngày 23-3-2016 rằng “đừng có bị mắc lừa về tuyên bố của Trung Quốc về chuyện xả nước cứu hạn xuống sông Mekong”.
Như vậy không cần phải yêu cầu, Trung Quốc vẫn phải xả nước qua tuôcbin để phát điện như một vận hành bình thường.
Rồi chưa kể nguồn nước ít ỏi từ thủy điện của Trung Quốc xả xuống sông để phát điện cũng bị Thái Lan - một nước nông nghiệp lớn nhất khu vực - vận hành hàng chục máy bơm công suất lớn thi nhau hút nước đưa vào những vùng đất trũng đang khô nứt.
Lào là nước vừa gom nước trên các sông suối dòng nhánh trữ trong các hồ thủy điện, vừa xả nước từ thủy điện ở vùng Bắc Lào xuống nhưng cũng tiếp tục lấy nước cứu hạn từ trên đổ xuống cho vùng Trung và Hạ Lào.


Campuchia nhận định có thêm chút nước từ thủy điện có thể giải hạn cho các khu trữ cá, nhưng cũng chẳng vui gì hơn nhiều. Trong khi đó ở Việt Nam, những dòng thông tin trái chiều không đầy đủ từ báo chí tạo ra những hệ lụy khác nhau.
Nông dân ĐBSCL nghe các quan chức tuyên bố trên báo chí là thủy điện Trung Quốc xả nước xuống cho Việt Nam đã vội vàng làm đất xuống giống vụ hè thu.
Người này thấy người kia chuẩn bị xuống giống thì cứ làm theo và không hề biết nước về đến ĐBSCL còn được bao nhiêu, đủ cho bao nhiêu hecta diện tích lúa!
Phải nói rằng mùa hạn, mặn năm nay là một bài học đắt giá cho Việt Nam!
 
LÊ ANH TUẤN

Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016

Người trẻ Việt thật giỏi

Người Việt trẻ thật giỏi

Chưa thể so với người Do Thái/Israel ở nước Mỹ và một số quốc gia công nghiệp hóa khác thường được coi là dân tộc rất thông minh, thành đạt ở nhiều lĩnh vực..., nhưng quả thật người Việt Nam xa xứ, hoặc bỏ xứ sở đi làm ăn, sinh sống ở nước ngoài đã có khá nhiều người được chỉ tên tuổi, điểm mặt là các anh tài. 

Có thể nói không sợ sai sót rằng, bất cứ trong lĩnh vực nào cũng có mặt người Việt Nam đang định cư ở nước ngoài, cả ở những hoạt động chính trị là một môi trường chọn lựa gắt gao, cũng như trên các môi trường hoạt động về kinh tế, xã hội, khoa học và văn hóa nói chung đều đòi hỏi người có tài năng xuất sắc thì người Việt chúng ta đều tìm được, đạt được những chỗ đứng xứng đáng. Đôi khi có thể là chỗ đứng khá cao, rất cao trong xã hội Mỹ và phương Tây.

Về chủ đề tôi vẫn để tâm theo dõi này nhiều năm nay, trong hòm thư gần đây tôi nhận được từ bạn bè gửi cho bản danh sách đúng 8 con người danh giá như trên nói tới. Đặc biệt hơn nữa toàn bộ họ lại thuộc lứa tuổi trẻ mới lại càng đáng quý và trân trọng. 

Chủ blog tôi xin trân trọng đưa lên đây để bạn bè và bà con cùng biết và chia sẻ một thông tin đáng vui mừng này.

Vệ Nhi

------   

8 tài năng người Việt làm việc tại Google
 
Những bạn trẻ Việt thế hệ 8X, 9X đang ngày càng khẳng định chỗ đứng của bản thân trên trường quốc tế khi được “gã khổng lồ” công nghệ Google chào đón và công nhận.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Người đầu tiên phải kể đến “anh cả” Nguyễn Quang Dũng. Sau khi tốt nghiệp ĐH Georgia Insitute of Technology tại Mỹ, chàng trai được “ông lớn” Google nhận vào làm việc. Hiện tại, 8X là đồng sáng lập, giám đốc Minh Việt Hitech, tác giả của Garagames – một cổng chơi game online đang dần lớn mạnh.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Làm việc cho Google châu Á từ năm 2007 đến nay, Bạch Dương cũng là người Việt đầu tiên giữ chức vụ quản lý cho tập đoàn công nghệ Google. Anh hiện phụ trách một số dự án về điện thoại Android ở châu Á Thái Bình Dương.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Việt Anh là cháu trai của nữ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Khi mới 22 tuổi, anh đã trở thành kỹ sư phần mềm ở Tập đoàn lớn tại Thung lũng Silicon. Năm 2010, được cả Facebook, Microsoft nhận vào làm việc, nhưng Việt Anh lại quyết định chọn Google.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Năm 2000, Thành Nhân đoạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi Tin toàn quốc. Năm 2010, 8X đầu quân cho “gã khổng lồ” Google. Anh hiện thuộc nhóm AdWords, làm việc trực tiếp với các công ty trả tiền quảng cáo.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Lê Viết Quốc bắt đầu làm việc ở tập đoàn này từ năm 2012. Đây là đại diện đầu tiên của Việt Nam vào top 35 nhà sáng tạo trẻ (dưới 35 tuổi) có những đóng góp hữu ích cho cộng đồng thế giới do tạp chíTechnology Review bình chọn . Công nghệ “Deep learning” của anh được Google sử dụng trong việc tìm kiếm hình ảnh và nhận dạng giọng nói. Hiện anhcònđảm nhiệm vai trò giáo sưở ĐH Carnegie Mellon (Mỹ).
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
Năm 2012, Tuấn Hưng thực tập tại NASA và Google. Quyết định chọn Google, anh có cơ hội làm việc cùng nhiều kỹ sư để cải thiện cách thức các video trên YouTube đến gần hơn với người khiếm thính. “Mình muốn đi Mỹ học tập và trong vòng 10 năm sẽ trở về Việt Nam. Ra đi cũng là để trở về”, chàng trai chia sẻ.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
8X từng làm stylist, nhiếp ảnh và thiết kế cho tạp chí Elle, giám đốc điều hành của Zalora, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại điện tử, truyền thông và tiêu dùng. Từ tháng 7/2015, Phương Anh chính thức chịu trách nhiệm giám sát và quản lý những hoạt động tiếp thị của Google trên tất cả sản phẩm cũng như chiến dịch thương hiệu.
người Việt làm việc tại Google, Google, Nguyễn Quang Dũng, Bạch Dương, Nguyễn Đặng Việt Anh, Nguyễn Thành Nhân, Lê Viết Quốc, Phạm Tuấn Hưng, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Hải Khánh
9X giành cơ hội làm việc tại tập đoàn Google, với mức lương 6 số (USD)/năm. Trải qua 5 vòng phỏng vấn trực tiếp tại Australia, Hải Khánh đã ký bản hợp đồng để trở thành người của Google từ đầu năm 2017, làm việc ở xứ sở Kangaroo.

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2016

Các nhà lãnh đạo bàn về xã hội dân sự

Các nhà lãnh đạo bàn về xã hội dân sự

Bài viết từ giữa năm 2014, nhưng ý nghĩa của vấn đề đặt ra vấn có giá trị thời sự.

Bài vừa nhận được từ một nhóm chuyên gia gửi cho đọc, thấy được ý nghĩa và giá trị thời sự của vấn đề nêu ra, lại của các vị lãnh đạo viết và nghiên cứu, vậy xin đưa lại ở đây để bạn bè blog và mọi người đọc, tham khảo.

Vệ Nhi g-th 

Bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải

LTS: Mới đây, tại diễn đàn Kinh tế mùa xuân do uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, ông Trương Ðình Tuyển, nguyên bộ trưởng bộ Thương mại, cho rằng “đã đến lúc thừa nhận xã hội dân sự”. Ông Tuyển đưa ra nhận định “thể chế kinh tế thị trường hiện đại phải bao gồm thị trường, nhà nước và xã hội dân sự” trong bối cảnh các diễn giả đang bàn thảo về cải cách thể chế, mở đường tiếp tục phát triển. 
 
Phóng viên Người Ðô Thị trò chuyện với PGS.TS Ðặng Ngọc Dinh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), nhằm tìm hiểu rõ hơn tính chất và vai trò của xã hội dân sự (XHDS) trong bối cảnh hiện nay. 

 Năm 2006, trong một lần trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông nói “Ðừng sợ xã hội dân sự”. Tám năm qua, xã hội dân sự của chúng ta đã phát triển hay thụt lùi và tác động của nó đối với sự phát triển chung hiện ra sao, thưa ông?

Trước hết, ta cần nhắc lại một vài khái niệm: XHDS là các tổ chức xã hội nằm ở khu vực ngoài nhà nước, ngoài gia đình và ngoài doanh nghiệp, ở đó người dân tự nguyện kết nối với nhau vì những quyền lợi chung. Một thành phần quan trọng của XHDS là các hội, hiệp hội, các tổ chức tự nguyện trong dân chúng, từ làng xóm đến đô thị, mang tính chất liên kết cộng đồng.

Một xã hội muốn phát triển bền vững, cần được vận hành theo một thể chế dựa trên “chiếc kiềng” ba chân: nhà nước, thị trường và XHDS. Nhà nước vận hành theo luật pháp; thị trường theo lợi nhuận; còn XHDS vận hành theo sự liên kết tự nguyện và dựa trên đạo lý, nhân văn.

Ở Việt Nam đã và đang tồn tại XHDS, mà điển hình là các hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các tổ chức dựa trên cộng đồng (CBOs). Tuy nhiên, có câu hỏi thường đặt ra là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức quần chúng (hội Nông dân, Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh…) ở Việt Nam có thuộc XHDS không?

Theo định nghĩa trên đây thì câu trả lời có thể là các tổ chức này có tính chất đặc biệt: vừa mang tính XHDS (tính xã hội: liên kết người dân, phản ánh nguyện vọng người dân), vừa mang tính chính trị (đặt nặng chức năng “vận động” người dân thực thi các chính sách của nhà nước).

Với cách hiểu như trên, XHDS ở Việt Nam đã có những bước phát triển trong nghiên cứu cũng như trong hoạt động thực tiễn và có tác động tích cực đến sự phát triển của xã hội. Ngoài những hoạt động thường xuyên và tích cực của các tổ chức NGO, đặc biệt là các NGO thuộc liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), một vài dự án phát triển như “Thúc đẩy sự tương tác hiệu quả giữa Quốc hội và tổ chức xã hội” nhằm góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả của các cơ chế tương tác giữa tổ chức xã hội và Quốc hội, hoặc dự án “Con đường tham gia” (2011) nhằm nâng cao năng lực và vị trí của XHDS trong cung cấp các dịch vụ chống căn bệnh HIV tại cộng đồng…

Tuy nhiên, có một hiện trạng là trong những năm gần đây, nếu hoạt động của XHDS ở nước ta có phong phú, tích cực hơn, thì ở khía cạnh “thể chế” lại chưa đạt được những tiến bộ tương ứng. Luật về hội (một thành phần cơ bản của XHDS) vẫn chưa được ban hành.

Khi ông đặt vấn đề “đừng sợ”, nghĩa là đã có những lo sợ, mà sự phát triển của xã hội dân sự thì có tính quy luật. Vì sao chúng ta lại sợ một “quy luật”? Làm thế nào để hoá giải nỗi sợ này?

Đến nay, ở Việt Nam, trên các văn bản chính thống (của các cơ quan nhà nước và truyền thông quốc gia) XHDS hình như vẫn là vấn đề “nhạy cảm”, chưa được bàn luận một cách cởi mở. Đó là do còn nghi ngại về vai trò và mối quan hệ giữa XHDS và nhà nước. XHDS có thể hoạt động với vai trò thể hiện trong một “dãy” các vị trí từ (1) đến (6) (theo nhà nghiên cứu Hannah 2003).

Trong đó: (1) là vị trí mà XHDS gần như là một tổ chức nhà nước, vận động người dân thực thi các chính sách của nhà nước” (vì vậy ở vị trí này XHDS được gọi là “cánh tay nối dài” hoặc “cái bóng” của nhà nước); (2) Vận động chính sách: XHDS hoạt động để chính sách được hoàn thiện và thực thi hiệu quả; (3) Vận động “hành lang” (lobby), XHDS cố gắng hoạt động nhằm thay đổi chính sách theo chiều hướng có lợi cho người dân; (4) Giám sát, ở vị trí này XHDS tiến hành những hoạt động giám sát việc thực thi chính sách, phản biện chính sách, chống tham nhũng trong xã hội.

Đây là vị trí thể hiện vai trò XHDS một cách tích cực nhất, tác động hiệu quả nhất của XHDS đến xã hội. Tiếp theo (5) và (6) là hai vị trí mà nhà nước coi là XHDS mang tính tiêu cực, và không khuyến khích, trong đó (5): vai trò của XHDS trong chức năng đối lập (ngôn luận trái chiều, những chỉ trích của công chúng về chính sách); và (6): vai trò của XHDS thể hiện trong việc vận động công chúng kháng cự lại chế độ (bất tuân chính quyền).

Người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của xã hội dân sự là đối thoại, hoà giải, mang tính nhân văn, đạo đức. Qua dãy các vị trí của XHDS và mối quan hệ với nhà nước nêu trên đây, hoàn toàn hiểu được tại sao chính quyền chưa vượt qua được “nỗi sợ” XHDS, lo rằng XHDS chỉ là hoạt động ở vị trí (5) và (6)! Tuy nhiên, nên thấy rằng, người dân không bao giờ muốn “chỉ trích”, “bất tuân chính quyền” vì bản chất của XHDS là đối thoại, hoá giải, mang tính nhân văn, đạo đức.
 
Dù có “thừa nhận” hay không thì XHDS vẫn đang tồn tại dưới dạng này hay dạng khác. Có lẽ vấn đề “thừa nhận” mà ông Tuyển đặt ra liên quan đến khuôn khổ pháp luật, làm nhiều người nghĩ đến dự án luật về hội dang dở mười mấy năm qua hay nhu cầu bức thiết về một luật biểu tình chưa được đáp ứng. Theo ông, vấn đề “thừa nhận” nên được hiểu và hành động như thế nào? Tác động đối với xã hội nói chung và với bản thân XHDS nói riêng nếu chúng ta thừa nhận hay không thừa nhận?

Tất nhiên, sự “thừa nhận” tốt nhất, tối ưu là thông qua thể chế (ban hành luật về hội), khi đó sẽ rất thuận lợi và “song phẳng” cho hoạt động của XHDS; trong đó, nhà nước quy định pháp luật rõ ràng để XHDS tuân thủ; XHDS giám sát để nhà nước không bị mua chuộc bởi thị trường, và khuyến khích thị trường mang tính xã hội, nhân bản.

Một khi hoạt động của XHDS được thể chế hoá, nhà nước và xã hội sẽ khai thác được những mặt tích cực của XHDS (vị trí 1, 2, 3, 4 đã trình bày) và khắc phục, hạn chế hoặc loại bỏ những mặt tiêu cực của XHDS (vị trí 5 và 6).

Để thúc đẩy quá trình “thừa nhận” XHDS bằng thể chế, những hoạt động từ nghiên cứu, đào tạo đến thực tiễn cần xúc tiến nhiều hơn, nhằm phân tích những măt tích cực/tiêu cực của XHDS (đặc biệt những mặt tích cực trong bối cảnh Việt Nam, một quốc gia có truyền thống liên kết, hỗ trợ, “đùm bọc” trong người dân, từ làng quê đến đô thị); tiến hành nhiều hơn những hoạt động của XHDS theo các vị trí (1) đến (4), từ góp phần xoá nghèo, hoàn thiện chính sách, đến giám sát, phản biện xã hội.

 Lê Vy thực hiện 

------
 
Xã hội công dân là tất yếu

… Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất những khuyến nghị sau:

“Thứ nhất là, cần phải thiết lập đồng bộ ba yếu tố kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội công dân ở nước ta. Hiện nay chúng ta đang xây dựng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; và tất yếu cũng phải xây dựng xã hội công dân của nhân dân… Trong di sản lý luận của C.Mác: xã hội công dân là trung tâm thực sự, vũ đài thực sự của toàn bộ lịch sử.

Xã hội công dân là lĩnh vực đời sống xã hội được tổ chức một cách tự nguyên, tự chủ và tự quyết, độc lập với nhà nước và được ràng buộc bởi những quy định hoặc hệ thống luật lệ chung. Xã hội công dân là môi trường thực hiện dân chủ, lôi cuốn đông đảo quần chúng tham gia vào đời sống xã hội và củng cố, bảo vệ lợi ích cộng đồng. Xã hội công dân được hình thành và phát triển còn hỗ trợ, phối hợp với nhà nước thực hiện những chức năng xã hội mà nhà nước không làm được hoặc thực hiện không có hiệu quả. Mặt khác, nó lại phản biện, giám sát nhà nước, hạn chế sự lạm quyền, chuyên quyền của nhà nước.

Để hình thành xã hội công dân, trước hết cần xác định rõ phạm vi quyền lực, chức năng của nhà nước, phạm vi các quyền tự do cá nhân, còn khoảng trống giữa cá nhân và nhà nước chính là phạm vi của xã hội công dân. Những năm trước đây chúng ta đã thiết lập hệ thống chính trị mà quyền lực của Đảng và Nhà nước dường như bao trùm toàn bộ đời sống xã hội, ngay cả trong lĩnh vực đoàn thể nhân dân (phi nhà nước) cũng mang tính chất hành chính nhà nước, còn cá nhân thì mờ nhạt đi, gần như hoà tan trong cộng đồng xã hội…

Để hình thành xã hội công dân, cần khuyến khích phát triển các hội, các đoàn thể tự nguyện, tự chủ, tự quản, đảm nhận những chức năng xã hội như: từ thiện, nhân đạo; giúp nhau xoá đói giảm nghèo, nâng cao nghề nghiệp; đảm bảo môi sinh, môi trường, an ninh xã hội…; khôi phục những mặt tích cực của các thiết chế tự quản truyền thống như thiết chế làng xã, phường hội… Nhưng quan trọng là đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của các đoàn thể nhân dân… Khắc phục tính chất hành chính nhà nước của các tổ chức này và nhằm nâng cao tính tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự quyết trong tổ chức và hoạt động…”.

 (Trích khuyến nghị trong đề tài nghiên cứu “Mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị một số nước trên thế giới”,  do TS. Tô Huy Rứa làm chủ biên, nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia 2008)

Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đáp ứng lòng mong muốn của người dân Myanmar

 Đáp ứng lòng mong muốn của người dân Myanmar

Trong inbox thấy bạn bè gửi cho chủ blog tôi một bài mới của anh Chu Công Phùng trả lời phỏng vấn về tình hình mới nhất ở Myanmar sau khi tổng thống mới nước này vừa được QH bầu. 

Trên blog Nguyễn Vĩnh này vài năm trước đã từng đăng một serie tổng cộng tới13 bài của anh Chu Công Phùng (khi đó đương nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar gửi trực tiếp cho blog tôi). Bạn nào quan tâm chuyện về Myanmar có thể vào blog hoặc tra cứu ở Google là có (chỉ cần vào Google, đánh chữ vinhnv43 là có thể thấy loạt bài này).

Bài phỏng vấn rất mới vừa đề cập ở trên có nhiều thông tin hữu ích, được một người từng sống và làm việc với tư cách nhà ngoại giao cao cấp tại nước sở tại nên những nhận xét, đánh giá chắc chắn là sát hợp và có nét thú vị đặc biệt.

 Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phóng vấn đó (đã được đăng trên báo điện tử VietnamNet/trang chuyên đề TuanVietNam vào ngày chủ nhật, 3/4/2016..

Vệ Nhi g-th

------
 “Gắng hết sức thực hiện mong muốn của nhân dân”

“Tân Tổng thống Htin Kywa chưa đưa ra các chính sách, nhưng qua việc sắp xếp Nội các mới và việc bà Aung San Suu Kyi kiêm nhiệm 4 chức Bộ trưởng...đã hé mở những điều mới mẻ mà Chính phủ mới Myanmar đã và sẽ thực hiện.”

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar.     
                  
Trong tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã đưa ra những thông điệp quan trọng. Ví dụ như việc hoài giải dân tộc, trách nhiệm để có một hiến pháp phù hợp với những tiêu chuẩn dân chủ, thực hiện mong muốn của nhân dân... Thưa ông đại sứ! Ông bình luận gì về lời tuyên thệ của tân tổng thống Htin Kyaw?

Đại sứ Chu Công Phùng: Từ nội dung tuyên thệ ngắn gọn của tân Tổng thống Htin Kywa trước Quốc hội Myanmar, không khó để nhận ra 3 thông điệp mà ông Htin Kywa muốn gửi tới nhân dân Myanmar và bạn bè quốc tế. Đó cũng là 3 nội dung quan trọng mà đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi và chính phủ mới ở Myanmar sẽ phải thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Thứ nhất là, vấn đề hòa giải dân tộc, tiến tới đạt được nền hòa bình trong cả nước.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi Myanmar giành được độc, 7 đời Thủ tướng và Tổng thống Myanmar dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa chấm dứt được cuộc nội chiến sắc tộc trong lãnh thổ Myanmar.

Tháng 10/2015, chính quyền của Tổng thống  Thein Sein đã ký một Thỏa thuận đình chiến toàn quốc với 8 nhóm sắc tộc chính, nhưng tiếp tục phải đối phó với hơn 10 nhóm sắc tộc ly khai có vũ trang chưa đạt được bất kể thỏa thuận ngưng bắn nào với chính phủ trung ương, trong đó có Lực lượng Quân đội liên minh dân chủ dân tộc Myanmar (MNDAA) do Bành Gia Thanh - người Hoa đứng đầu có khoảng 5.000 tay súng hoạt động ở vùng biên giới Bang Shan giáp biên giới tỉnh Vân Nam với sự hậu thuẫn của Trung Quốc.


Myanmar, Aung San Suu Kyi, Trung Quốc, Thủ tướng Myanmar
Đại sứ Chu Công Phùng


Ngoài ra, xung đột quyết liệt và đổ máu kéo dài giữa cộng đồng Hồi giáo Rohinga với cộng đồng Phật giáo tại Bang Rakhine và Vùng Mandalay diễn ra từ năm 2011 gây bất ổn định lớn trong xã hội Myanmar, khiến Liên Hợp Quốc và các Tổ chức nhân quyền quốc tế rất quan ngại. Chính phủ của Tổng thống Thein Sein tuy rất tích cực giải quyết nhưng chưa đạt được kết quả cuối cùng. Cộng đồng Hồi giáo Rohinga với 1,3 triệu người nhiều năm qua không được coi là một dân tộc thiểu số của Myanmar, họ không có quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử chính quyền các cấp.

Bà Suu Kyi đã bị một số Tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì không bảo vệ quyền lợi của người Hồi giáo Rohinga.  Bà chỉ nói rằng nhiệm vụ của bà là hòa giải giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo.

Trong cuộc họp báo trước thềm  bầu cử, bà kêu gọi báo chí không được "thổi phồng" vấn đề Rohingya ở một đất nước còn có nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tổ chức “Vận động Burma” ở London cho rằng đảng NLD của bà Suu Kyi “chỉ xoa dịu chứ không thách thức  thành kiến chống lại người Hồi giáo và khiến cho nhiều người Hồi giáo hết hy vọng về các hoạt động chống Hồi giáo sẽ chấm dứt".

Vì vây, nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ Htin Kywa là phải đàm phán ký kết Thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai và giải quyết ổn thỏa vấn đề xung đột sắc tộc giữa Phật giáo và Hồi giáo. Giải quyết được hai vấn đề nan giải này thì mới có thể đạt tới mục tiêu tạo ra môi trường hòa bình trong cả nước.

Thứ hai là, nâng cao mức sống của nhân dân

Hiện tại Myanmar vẫn là nước chậm phát triển, hơn 70% dân số tập trung ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong đó khoảng 20% sống ở mức nghèo khổ. Cơ sở hạ tầng trong cả nước rất lạc hậu, công nghiệp kém phát triển, thiếu điện, nước, thiếu hàng hóa tiêu dùng... 5 năm vừa qua chính phủ Thein Sein đã thực hiện một số cải cách kinh tế đem lại một số kết quả nhưng cũng khiến cho phân hóa giầu nghèo, chênh lệch vùng miền càng dãn rộng hơn, gây bất bình trong xã hội... Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến đại bộ phận cử tri Myanmar bỏ phiếu cho đảng NLD trong cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2015, hy vọng đảng NLD lên cầm quyền sẽ đem lại  cuộc sống tốt hơn cho họ.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng đại của chính phủ Htin Kywa là phải thực hiện những cam kết đã hứa với cử tri, nâng cao mức sống cho các tầng lớp dân chúng trong cả nước.

Thứ ba là, tiến tới Hiến pháp phù hợp với những tiêu chuẩn dân chủ và phù hợp với đất nước.
Bất kỳ người dân Myanmar nào cũng biết:  Bản Hiến pháp 2008 của chính quyền quân sự Myanmar có 2 điều phi dân chủ . Đó là Điều 59f quy định các công dân Myanmar có thân nhân là người nước ngoài không được tham gia lãnh đạo chính quyền các cấp và Điều 436 quy định 25% số ghế trong Quốc hội thuộc về quân đội. Mọi nghị quyết của Quốc hội phải đạt được trên 75% phiếu tán thành. Hai điều khoản này của Hiến pháp đã ngăn cản bà Aung San Suu Kyi không được làm Tổng thống (vì có 2 con trai mang quốc tịch Anh) và quân đội nghiễm nhiên có 25% ghế tại Quốc hội mặc dù đảng USDP do quân đội Myanmar hậu thuẫn chỉ đạt 10% số ghế trong Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2015.

Năm 2014, đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi đã vận động được 5 triệu chữ ký của cử tri cả nước yêu cầu Quốc hội và đảng USDP sửa đổi Hiến pháp 2008. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 2008 với đa số là nghị sĩ đảng USDP và nghị sĩ quân đội về nguyên tắc chấp nhận đề nghị của đảng NLD sửa đổi Hiến pháp nhưng quyết định lùi đến sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới.

Vì vậy,  nhiệm vụ tất yếu phải làm của Quốc hội và chính phủ mới Myanmar trong nhiệm kỳ này là yêu cầu các nghị sĩ đảng USDP và quân đội giữ lời hứa, thành lập Ủy ban mới về sửa đổi Hiến pháp, trong đó đảng NLD sẽ chiếm đa số. Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản vì Quốc hội rất khó đạt được trên 75% phiếu thông qua khi mà quân đội chiếm tới 25% ghế Quốc hội, chưa kể còn 10% ghế thuộc về đảng USDP.

Đó chính là 3 nội dung chính mà Tổng thống Htin Kywa đã cam kết "cố gắng hết sức để thực hiện mong muốn của nhân dân".


Myanmar, Aung San Suu Kyi, Trung Quốc, Thủ tướng Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi


Thế còn việc bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi nắm giữ 4 bộ của nước này, ông có thể bình luận gì?

Đại sứ Chu Công Phùng: Do bà Aung San Suu Kyi không thể trở thànhTổng thống Myanmar, vì vậy, bà đã chọn ông Htin Kywa – vừa là bạn, vừa là Trợ lý thân cận thay bà đảm nhận chức vụ Tổng thống. Đây là một giải pháp tình thế mà đảng cầm quyền NLD và bà Aung San Suu Kyi buộc phải lựa chọn. Dân chúng Mynamar và dư luận quốc tế đều hiểu ông Htin Kywa là “Tổng thống ủy nhiệm” của bà Aung San Suu Kyi như trên thế giới đã có “Tổng thống ủy nhiệm”, “Thủ tướng ủy nhiệm” ở Ấn Độ, Thụy Điển, Thái Lan…

Để có thể “đứng trên Tổng thống” như đã tuyên bố và điều hành chính phủ dân sự mới Myanmar thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước như đã hứa với dân chúng, bà Aung San Suu Kyi đã quyết đoán chấp nhận quy định của Hiến pháp, từ bỏ các chức vụ trong đảng NLD và trong Quốc hội để đảm nhận 4 chức vụ Bộ trưởng trong chính phủ mới: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn phòng Tổng thống, Bộ Giáo dục, Bộ Điện lực và Năng lượng. Quyết định táo bạo này của bà Aung San Suu Kyi là có tính toán kỹ lưỡng và có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là:

1. Giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, với uy tín quốc tế rất cao của mình (từng được trao tặng thưởng Giải Nobel hòa bình năm 1991), bà Aung San Suu Kyi sẽ có nhiều dịp giao tiếp quốc tế để tuyên truyền chính sách đối ngoại và nâng cao hình ảnh của Myanmar, vận động quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Myanmar phát triển kinh tế song song với thực hiện mục tiêu dân chủ hóa chính trị xã hội của Myanmar.

Điều quan trọng nữa là, với chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, bà Aung San Suu Kyi nghiễm nhiên trở thành một thành viên trong Ủy ban an ninh quốc gia – cơ quan quyền lực cao nhất Myanmar quyết định các vấn đề hệ trọng và khẩn cấp của đất nước – cơ quan này lâu nay do đảng USDP của Tổng thống Thein Sein và quân đội độc chiếm.

2. Giữ chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi sẽ nắm giữ, điều hành và tư vấn các hoạt động của Tổng thống Htin Kywa và 2 Phó Tổng thống, trong đó có Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe – nguyên Trung tướng tình báo quân đội, được quân đội giới thiệu theo quy định của Hiến pháp 2008. Nói cách khác, mọi hoạt động của Ban lãnh đạo cao nhất trong chính phủ Myanmar đều thuộc quyền kiểm soát của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD.

3. Giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục, bà Aung San Suu Kyi muốn đẩy mạnh hơn nữa cuộc cải cách giáo dục mà chính phủ cũ của Tổng thống Thein Sein chưa làm được bao nhiêu, trong đó có 2 việc quan trọng là:

(i) đưa nền giáo dục Myanmar tái hòa nhập với quốc tế, đầu tư để khôi phục chất lượng giáo dục của Myanmar trở lại như thập kỷ đầu sau khi đất nước độc lập (thập kỷ 50 thế kỷ XX, Đại học Yangon xếp thứ 19 thế giới về chất lượng đào tạo) và (ii) giải quyết dứt điểm các cuộc biểu tình của nhân dân liên quan đến hậu quả mà nhiều giáo viên, sinh viên học sinh đang gánh chịu vì họ từng bị chính phủ quân sự đàn áp, tù đày trong các cuộc biểu tình ủng hộ đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi từ năm 1988 đến năm 2007.

4. Điện lực và Năng lượng là hai lĩnh vực nhạy cảm và thiếu hụt trầm trọng gắn liền với đời sống xã hội và phát triển kinh tế của Myanmar. Mấy năm qua, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng liên quan nhiều đến vấn đề điện lực và năng lượng (phản đối chính phủ bán khí đốt cho Thái Lan, phản đối dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư phá huy môi trường sinh thái lưu vực sông Irrawaddy…).

Với cương vị Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng, bà Aung San Suu Kyi sẽ có những quyết sách mạnh tay để khắc phục vấn đề thiếu hụt năng lượng của đất nước và cũng là dịp để bà đứng ra giải quyết thỏa đáng căng thẳng giữa Myanmar với Trung Quốc xung quanh cuộc tranh luận “tạm dừng” hay “dừng hẳn” dự án thủy điện Myitsone mà chính phủ cũ của Tổng thống Thein Sein chưa giải quyết được.

Nhìn chung, 4 Bộ quan trọng kể trên liên quan chặt chẽ tới việc duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế của Myanmar. Với uy tín và tài năng của mình, trên cương vị Bộ trưởng 4 Bộ quan trọng đó, bà Aung San Suu Kyi muốn nhận trách nhiệm với đất nước và muốn khẳng định đảng NLD và cá nhân bà sẽ làm được những việc đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân dân.

Ông có thông tin gì về các kế hoạch cụ thể mà Nội các mới sẽ áp dụng cho đất nước Myanmar? Liệu rằng với mô hình và đường hướng và kế hoạch hành động của chính phủ mới có giúp họ sớm “thực hiện mong muốn của nhân dân” như tổng thống Htin Kywa đã tuyên thệ không?

Đại sứ Chu Công Phùng: Tuy tân Tổng thống Htin Kywa chưa đưa ra các chính sách, nhưng qua việc sắp xếp Nội các mới và việc bà Aung San Suu Kyi kiêm nhiệm 4 chức Bộ trưởng ... đã hé mở những điều mới mẻ mà Chính phủ mới Myanmar đã và sẽ thực hiện.

Động thái cải cách đầu tiên của Tổng thống Htin Kyaw đang được dư luận đánh giá cao là tinh giản bộ máy chính phủ từ 36 Bộ xuống còn 21 Bộ (trong đó có một Bộ mới thành lập). Với việc tinh giản bộ máy này, mỗi năm sẽ tiết kiệm được 4 triệu USD chi phí hành chính – một con số không nhỏ đối với đất nước Myanmar đang cần huy động  mọi nguồn tài lực để phát triển kinh tế.

Việc NLD và Tổng thống Htin Kywa quyết định thành lập thêm Bộ Các vấn đề sắc tộc là một việc làm kịp thời rất “được lòng dân”, bởi lẽ hai vấn đề phát triển kinh tế và hòa hợp dân tộc là hai bài toán khó nhất mà chính phủ mới phải xử lý trong những năm đầu tiên lên nắm quyền. Động thái này của NLD không chỉ được cộng đồng các dân tộc thiểu số Myanmar nhiệt liệt hoan nghênh mà các đảng phái chính trị khác nhất là các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai cũng rất quan tâm, họ nhìn thấy tương lai của họ qua kênh đối thoại với các quan chức NLD trong Bộ Các vấn đề sắc tộc, thay vì họ phải đối thoại với quân đội chính phủ luôn giữ lập trường cứng rắn trước đây.

Có ý kiến bình luận rằng, đây là một “sáng kiến vĩ đại” của NLD không chỉ làm giảm vai trò của Bộ Các vấn đề biên giới do quân đội nắm giữ, mà còn giành lại một cách hợp pháp thực quyền đối thoại, giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa chính phủ trung ương với các sắc tộc thiểu số và các nhóm sắc tộc ly khai có vũ trang mà lâu nay thuộc thẩm quyền của Bộ Các vấn đề biên giới.
Ngoài ra, việc Nội các mới sát nhập Bộ Mỏ vào Bộ Tài nguyên - Môi trường, là giúp chính phủ tập trung chỉ đạo lĩnh vực nhạy cảm này, vì các nguồn khoáng sản phong phú của Myanmar đều tập trung ở các khu vực cộng đồng thiểu số nhưng người dân địa phương bị thiệt thòi nhiều về ô nhiễm môi trường và chỉ được thụ hưởng rất ít từ những khoản lợi tức khổng lồ mà khai thác mỏ mang lại.

Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, những vấn đề khó khăn nan giải nhất tồn đọng hơn nửa thế kỷ của đất nước Myanmar đã được chính phủ của Tổng thống Thein Sein giải quyết bước đầu. Kế thừa di sản này, chính phủ của Tổng thống Htin Kywa đang hội tụ đủ 3 nhân tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

Thiên thời: Hòa bình và phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại. Cả thế giới đều hoan nghênh khích lệ những thay đổi to lớn vừa qua ở Myanmar và ủng hộ chính phủ Ktin Kywa tiếp tục cải cách phát triển và dân chủ hóa hơn nữa, đưa Myanmar thực sự hội nhập với thế giới. Hơn nửa thế kỷ qua, chưa bao giờ Myanmar có môi trường phát triển tốt đẹp như hiện nay.

Địa lợi: Myanmar có diện tích rộng lớn (gấp 2 lần Việt Nam), dân số hơn 50 triệu người, với vị trí đắc địa nằm giữa hai thị trường khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ và tiếp giáp với một nền kinh tế khá năng động khác là Thái Lan.

Nếu liệt kê những ưu thế về kinh tế mà Myanmar đang sở hữu ở thời điểm hiện tại thành một danh sách, ắt hẳn nó sẽ mê hoặc bất cứ một nhà đầu tư nào trên thế giới, dù lớn hay nhỏ. Ở bất cứ lĩnh vực nào, dù là sản xuất hàng hóa hay đầu tư khai thác tài nguyên và tiêu dùng nội địa, Myanmar cũng là"mảnh đất mầu mỡ cuối cùng của Châu Á" hứa hẹn với bất cứ nhà đầu tư thuộc lĩnh vực nào. Sau những thị trường mới mở cửa gần nhất trong khu vực như Trung Quốc hay Việt Nam, giờ đây Myanmar cũng đang được đánh giá sẽ trở thành một con hổ kinh tế mới ở khu vực.

Nhân hòa: Đối thủ chính trị lớn nhất của NLD là đảng USDP và quân đội đều thừa nhận kết quả cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2016 và đang hợp tác khá suôn sẻ với đảng NLD xung quanh việc thành lập chính phủ mới và bàn giao quyền lực các cấp. Dư luận trong và ngoài Myanmar đều ghi nhận: cả bên thắng và bên thua trong cuộc chơi này đều là những người "tự trọng". Hơn nữa, NLD và Chính phủ Htin Kywa còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp dân chúng, cộng đồng 135 dân tộc thiểu số và các đảng phái chính trị khác.

Với những thuận lợi cơ bản kể trên, các nhà quan sát tin rằng, NLD và chính phủ mới của Tổng thống Htin Kywa sẽ tiếp tục theo đuổi những cải cách mà chính phủ Thein Sein đã thực hiện, vượt qua những khó khăn nảy sinh để trong nửa nhiệm kỳ đầu đưa Myanmar vào quỹ đạo phát triển toàn diện, tiến tới mục tiêu trước năm 2020 sửa đổi Hiến pháp 2008 – mục tiêu cuối cùng của nền dân chủ - nhằm đưa bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống như mong muốn của dư luận trong và ngoài Myanmar.

Xin cám ơn ông đại sứ đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh – Thu Hà thực hiện

 Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/297255/gang-het-suc-thuc-hien-mong-muon-cua-nhan-dan.html

 



  

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...