Thứ Hai, 4 tháng 4, 2016

Đáp ứng lòng mong muốn của người dân Myanmar

 Đáp ứng lòng mong muốn của người dân Myanmar

Trong inbox thấy bạn bè gửi cho chủ blog tôi một bài mới của anh Chu Công Phùng trả lời phỏng vấn về tình hình mới nhất ở Myanmar sau khi tổng thống mới nước này vừa được QH bầu. 

Trên blog Nguyễn Vĩnh này vài năm trước đã từng đăng một serie tổng cộng tới13 bài của anh Chu Công Phùng (khi đó đương nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Myanmar gửi trực tiếp cho blog tôi). Bạn nào quan tâm chuyện về Myanmar có thể vào blog hoặc tra cứu ở Google là có (chỉ cần vào Google, đánh chữ vinhnv43 là có thể thấy loạt bài này).

Bài phỏng vấn rất mới vừa đề cập ở trên có nhiều thông tin hữu ích, được một người từng sống và làm việc với tư cách nhà ngoại giao cao cấp tại nước sở tại nên những nhận xét, đánh giá chắc chắn là sát hợp và có nét thú vị đặc biệt.

 Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phóng vấn đó (đã được đăng trên báo điện tử VietnamNet/trang chuyên đề TuanVietNam vào ngày chủ nhật, 3/4/2016..

Vệ Nhi g-th

------
 “Gắng hết sức thực hiện mong muốn của nhân dân”

“Tân Tổng thống Htin Kywa chưa đưa ra các chính sách, nhưng qua việc sắp xếp Nội các mới và việc bà Aung San Suu Kyi kiêm nhiệm 4 chức Bộ trưởng...đã hé mở những điều mới mẻ mà Chính phủ mới Myanmar đã và sẽ thực hiện.”

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với ông Chu Công Phùng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Myanmar.     
                  
Trong tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội, tân Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đã đưa ra những thông điệp quan trọng. Ví dụ như việc hoài giải dân tộc, trách nhiệm để có một hiến pháp phù hợp với những tiêu chuẩn dân chủ, thực hiện mong muốn của nhân dân... Thưa ông đại sứ! Ông bình luận gì về lời tuyên thệ của tân tổng thống Htin Kyaw?

Đại sứ Chu Công Phùng: Từ nội dung tuyên thệ ngắn gọn của tân Tổng thống Htin Kywa trước Quốc hội Myanmar, không khó để nhận ra 3 thông điệp mà ông Htin Kywa muốn gửi tới nhân dân Myanmar và bạn bè quốc tế. Đó cũng là 3 nội dung quan trọng mà đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi và chính phủ mới ở Myanmar sẽ phải thực hiện trong nhiệm kỳ 5 năm tới.
Thứ nhất là, vấn đề hòa giải dân tộc, tiến tới đạt được nền hòa bình trong cả nước.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua kể từ khi Myanmar giành được độc, 7 đời Thủ tướng và Tổng thống Myanmar dù đã cố gắng nhưng vẫn chưa chấm dứt được cuộc nội chiến sắc tộc trong lãnh thổ Myanmar.

Tháng 10/2015, chính quyền của Tổng thống  Thein Sein đã ký một Thỏa thuận đình chiến toàn quốc với 8 nhóm sắc tộc chính, nhưng tiếp tục phải đối phó với hơn 10 nhóm sắc tộc ly khai có vũ trang chưa đạt được bất kể thỏa thuận ngưng bắn nào với chính phủ trung ương, trong đó có Lực lượng Quân đội liên minh dân chủ dân tộc Myanmar (MNDAA) do Bành Gia Thanh - người Hoa đứng đầu có khoảng 5.000 tay súng hoạt động ở vùng biên giới Bang Shan giáp biên giới tỉnh Vân Nam với sự hậu thuẫn của Trung Quốc.


Myanmar, Aung San Suu Kyi, Trung Quốc, Thủ tướng Myanmar
Đại sứ Chu Công Phùng


Ngoài ra, xung đột quyết liệt và đổ máu kéo dài giữa cộng đồng Hồi giáo Rohinga với cộng đồng Phật giáo tại Bang Rakhine và Vùng Mandalay diễn ra từ năm 2011 gây bất ổn định lớn trong xã hội Myanmar, khiến Liên Hợp Quốc và các Tổ chức nhân quyền quốc tế rất quan ngại. Chính phủ của Tổng thống Thein Sein tuy rất tích cực giải quyết nhưng chưa đạt được kết quả cuối cùng. Cộng đồng Hồi giáo Rohinga với 1,3 triệu người nhiều năm qua không được coi là một dân tộc thiểu số của Myanmar, họ không có quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử chính quyền các cấp.

Bà Suu Kyi đã bị một số Tổ chức nhân quyền quốc tế chỉ trích vì không bảo vệ quyền lợi của người Hồi giáo Rohinga.  Bà chỉ nói rằng nhiệm vụ của bà là hòa giải giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo.

Trong cuộc họp báo trước thềm  bầu cử, bà kêu gọi báo chí không được "thổi phồng" vấn đề Rohingya ở một đất nước còn có nhiều vấn đề cần được giải quyết. Tổ chức “Vận động Burma” ở London cho rằng đảng NLD của bà Suu Kyi “chỉ xoa dịu chứ không thách thức  thành kiến chống lại người Hồi giáo và khiến cho nhiều người Hồi giáo hết hy vọng về các hoạt động chống Hồi giáo sẽ chấm dứt".

Vì vây, nhiệm vụ hàng đầu của chính phủ Htin Kywa là phải đàm phán ký kết Thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai và giải quyết ổn thỏa vấn đề xung đột sắc tộc giữa Phật giáo và Hồi giáo. Giải quyết được hai vấn đề nan giải này thì mới có thể đạt tới mục tiêu tạo ra môi trường hòa bình trong cả nước.

Thứ hai là, nâng cao mức sống của nhân dân

Hiện tại Myanmar vẫn là nước chậm phát triển, hơn 70% dân số tập trung ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, trong đó khoảng 20% sống ở mức nghèo khổ. Cơ sở hạ tầng trong cả nước rất lạc hậu, công nghiệp kém phát triển, thiếu điện, nước, thiếu hàng hóa tiêu dùng... 5 năm vừa qua chính phủ Thein Sein đã thực hiện một số cải cách kinh tế đem lại một số kết quả nhưng cũng khiến cho phân hóa giầu nghèo, chênh lệch vùng miền càng dãn rộng hơn, gây bất bình trong xã hội... Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến đại bộ phận cử tri Myanmar bỏ phiếu cho đảng NLD trong cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2015, hy vọng đảng NLD lên cầm quyền sẽ đem lại  cuộc sống tốt hơn cho họ.

Vì vậy, nhiệm vụ trọng đại của chính phủ Htin Kywa là phải thực hiện những cam kết đã hứa với cử tri, nâng cao mức sống cho các tầng lớp dân chúng trong cả nước.

Thứ ba là, tiến tới Hiến pháp phù hợp với những tiêu chuẩn dân chủ và phù hợp với đất nước.
Bất kỳ người dân Myanmar nào cũng biết:  Bản Hiến pháp 2008 của chính quyền quân sự Myanmar có 2 điều phi dân chủ . Đó là Điều 59f quy định các công dân Myanmar có thân nhân là người nước ngoài không được tham gia lãnh đạo chính quyền các cấp và Điều 436 quy định 25% số ghế trong Quốc hội thuộc về quân đội. Mọi nghị quyết của Quốc hội phải đạt được trên 75% phiếu tán thành. Hai điều khoản này của Hiến pháp đã ngăn cản bà Aung San Suu Kyi không được làm Tổng thống (vì có 2 con trai mang quốc tịch Anh) và quân đội nghiễm nhiên có 25% ghế tại Quốc hội mặc dù đảng USDP do quân đội Myanmar hậu thuẫn chỉ đạt 10% số ghế trong Quốc hội trong cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2015.

Năm 2014, đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi đã vận động được 5 triệu chữ ký của cử tri cả nước yêu cầu Quốc hội và đảng USDP sửa đổi Hiến pháp 2008. Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 2008 với đa số là nghị sĩ đảng USDP và nghị sĩ quân đội về nguyên tắc chấp nhận đề nghị của đảng NLD sửa đổi Hiến pháp nhưng quyết định lùi đến sau cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội mới.

Vì vậy,  nhiệm vụ tất yếu phải làm của Quốc hội và chính phủ mới Myanmar trong nhiệm kỳ này là yêu cầu các nghị sĩ đảng USDP và quân đội giữ lời hứa, thành lập Ủy ban mới về sửa đổi Hiến pháp, trong đó đảng NLD sẽ chiếm đa số. Tuy nhiên, việc làm này không đơn giản vì Quốc hội rất khó đạt được trên 75% phiếu thông qua khi mà quân đội chiếm tới 25% ghế Quốc hội, chưa kể còn 10% ghế thuộc về đảng USDP.

Đó chính là 3 nội dung chính mà Tổng thống Htin Kywa đã cam kết "cố gắng hết sức để thực hiện mong muốn của nhân dân".


Myanmar, Aung San Suu Kyi, Trung Quốc, Thủ tướng Myanmar
Bà Aung San Suu Kyi


Thế còn việc bổ nhiệm bà Aung San Suu Kyi nắm giữ 4 bộ của nước này, ông có thể bình luận gì?

Đại sứ Chu Công Phùng: Do bà Aung San Suu Kyi không thể trở thànhTổng thống Myanmar, vì vậy, bà đã chọn ông Htin Kywa – vừa là bạn, vừa là Trợ lý thân cận thay bà đảm nhận chức vụ Tổng thống. Đây là một giải pháp tình thế mà đảng cầm quyền NLD và bà Aung San Suu Kyi buộc phải lựa chọn. Dân chúng Mynamar và dư luận quốc tế đều hiểu ông Htin Kywa là “Tổng thống ủy nhiệm” của bà Aung San Suu Kyi như trên thế giới đã có “Tổng thống ủy nhiệm”, “Thủ tướng ủy nhiệm” ở Ấn Độ, Thụy Điển, Thái Lan…

Để có thể “đứng trên Tổng thống” như đã tuyên bố và điều hành chính phủ dân sự mới Myanmar thực hiện cương lĩnh xây dựng đất nước như đã hứa với dân chúng, bà Aung San Suu Kyi đã quyết đoán chấp nhận quy định của Hiến pháp, từ bỏ các chức vụ trong đảng NLD và trong Quốc hội để đảm nhận 4 chức vụ Bộ trưởng trong chính phủ mới: Bộ Ngoại giao, Bộ Văn phòng Tổng thống, Bộ Giáo dục, Bộ Điện lực và Năng lượng. Quyết định táo bạo này của bà Aung San Suu Kyi là có tính toán kỹ lưỡng và có ý nghĩa rất quan trọng. Đó là:

1. Giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, với uy tín quốc tế rất cao của mình (từng được trao tặng thưởng Giải Nobel hòa bình năm 1991), bà Aung San Suu Kyi sẽ có nhiều dịp giao tiếp quốc tế để tuyên truyền chính sách đối ngoại và nâng cao hình ảnh của Myanmar, vận động quốc tế ủng hộ, giúp đỡ Myanmar phát triển kinh tế song song với thực hiện mục tiêu dân chủ hóa chính trị xã hội của Myanmar.

Điều quan trọng nữa là, với chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, bà Aung San Suu Kyi nghiễm nhiên trở thành một thành viên trong Ủy ban an ninh quốc gia – cơ quan quyền lực cao nhất Myanmar quyết định các vấn đề hệ trọng và khẩn cấp của đất nước – cơ quan này lâu nay do đảng USDP của Tổng thống Thein Sein và quân đội độc chiếm.

2. Giữ chức vụ Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống, bà Aung San Suu Kyi sẽ nắm giữ, điều hành và tư vấn các hoạt động của Tổng thống Htin Kywa và 2 Phó Tổng thống, trong đó có Phó Tổng thống thứ nhất U Myint Swe – nguyên Trung tướng tình báo quân đội, được quân đội giới thiệu theo quy định của Hiến pháp 2008. Nói cách khác, mọi hoạt động của Ban lãnh đạo cao nhất trong chính phủ Myanmar đều thuộc quyền kiểm soát của bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD.

3. Giữ chức vụ Bộ trưởng Giáo dục, bà Aung San Suu Kyi muốn đẩy mạnh hơn nữa cuộc cải cách giáo dục mà chính phủ cũ của Tổng thống Thein Sein chưa làm được bao nhiêu, trong đó có 2 việc quan trọng là:

(i) đưa nền giáo dục Myanmar tái hòa nhập với quốc tế, đầu tư để khôi phục chất lượng giáo dục của Myanmar trở lại như thập kỷ đầu sau khi đất nước độc lập (thập kỷ 50 thế kỷ XX, Đại học Yangon xếp thứ 19 thế giới về chất lượng đào tạo) và (ii) giải quyết dứt điểm các cuộc biểu tình của nhân dân liên quan đến hậu quả mà nhiều giáo viên, sinh viên học sinh đang gánh chịu vì họ từng bị chính phủ quân sự đàn áp, tù đày trong các cuộc biểu tình ủng hộ đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi từ năm 1988 đến năm 2007.

4. Điện lực và Năng lượng là hai lĩnh vực nhạy cảm và thiếu hụt trầm trọng gắn liền với đời sống xã hội và phát triển kinh tế của Myanmar. Mấy năm qua, nhiều cuộc biểu tình của dân chúng liên quan nhiều đến vấn đề điện lực và năng lượng (phản đối chính phủ bán khí đốt cho Thái Lan, phản đối dự án đập thủy điện Myitsone do Trung Quốc đầu tư phá huy môi trường sinh thái lưu vực sông Irrawaddy…).

Với cương vị Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng, bà Aung San Suu Kyi sẽ có những quyết sách mạnh tay để khắc phục vấn đề thiếu hụt năng lượng của đất nước và cũng là dịp để bà đứng ra giải quyết thỏa đáng căng thẳng giữa Myanmar với Trung Quốc xung quanh cuộc tranh luận “tạm dừng” hay “dừng hẳn” dự án thủy điện Myitsone mà chính phủ cũ của Tổng thống Thein Sein chưa giải quyết được.

Nhìn chung, 4 Bộ quan trọng kể trên liên quan chặt chẽ tới việc duy trì ổn định xã hội và phát triển kinh tế của Myanmar. Với uy tín và tài năng của mình, trên cương vị Bộ trưởng 4 Bộ quan trọng đó, bà Aung San Suu Kyi muốn nhận trách nhiệm với đất nước và muốn khẳng định đảng NLD và cá nhân bà sẽ làm được những việc đem lại lợi ích lớn nhất cho nhân dân.

Ông có thông tin gì về các kế hoạch cụ thể mà Nội các mới sẽ áp dụng cho đất nước Myanmar? Liệu rằng với mô hình và đường hướng và kế hoạch hành động của chính phủ mới có giúp họ sớm “thực hiện mong muốn của nhân dân” như tổng thống Htin Kywa đã tuyên thệ không?

Đại sứ Chu Công Phùng: Tuy tân Tổng thống Htin Kywa chưa đưa ra các chính sách, nhưng qua việc sắp xếp Nội các mới và việc bà Aung San Suu Kyi kiêm nhiệm 4 chức Bộ trưởng ... đã hé mở những điều mới mẻ mà Chính phủ mới Myanmar đã và sẽ thực hiện.

Động thái cải cách đầu tiên của Tổng thống Htin Kyaw đang được dư luận đánh giá cao là tinh giản bộ máy chính phủ từ 36 Bộ xuống còn 21 Bộ (trong đó có một Bộ mới thành lập). Với việc tinh giản bộ máy này, mỗi năm sẽ tiết kiệm được 4 triệu USD chi phí hành chính – một con số không nhỏ đối với đất nước Myanmar đang cần huy động  mọi nguồn tài lực để phát triển kinh tế.

Việc NLD và Tổng thống Htin Kywa quyết định thành lập thêm Bộ Các vấn đề sắc tộc là một việc làm kịp thời rất “được lòng dân”, bởi lẽ hai vấn đề phát triển kinh tế và hòa hợp dân tộc là hai bài toán khó nhất mà chính phủ mới phải xử lý trong những năm đầu tiên lên nắm quyền. Động thái này của NLD không chỉ được cộng đồng các dân tộc thiểu số Myanmar nhiệt liệt hoan nghênh mà các đảng phái chính trị khác nhất là các nhóm sắc tộc vũ trang ly khai cũng rất quan tâm, họ nhìn thấy tương lai của họ qua kênh đối thoại với các quan chức NLD trong Bộ Các vấn đề sắc tộc, thay vì họ phải đối thoại với quân đội chính phủ luôn giữ lập trường cứng rắn trước đây.

Có ý kiến bình luận rằng, đây là một “sáng kiến vĩ đại” của NLD không chỉ làm giảm vai trò của Bộ Các vấn đề biên giới do quân đội nắm giữ, mà còn giành lại một cách hợp pháp thực quyền đối thoại, giải quyết mâu thuẫn, xung đột giữa chính phủ trung ương với các sắc tộc thiểu số và các nhóm sắc tộc ly khai có vũ trang mà lâu nay thuộc thẩm quyền của Bộ Các vấn đề biên giới.
Ngoài ra, việc Nội các mới sát nhập Bộ Mỏ vào Bộ Tài nguyên - Môi trường, là giúp chính phủ tập trung chỉ đạo lĩnh vực nhạy cảm này, vì các nguồn khoáng sản phong phú của Myanmar đều tập trung ở các khu vực cộng đồng thiểu số nhưng người dân địa phương bị thiệt thòi nhiều về ô nhiễm môi trường và chỉ được thụ hưởng rất ít từ những khoản lợi tức khổng lồ mà khai thác mỏ mang lại.

Nhiều nhà phân tích quốc tế cho rằng, những vấn đề khó khăn nan giải nhất tồn đọng hơn nửa thế kỷ của đất nước Myanmar đã được chính phủ của Tổng thống Thein Sein giải quyết bước đầu. Kế thừa di sản này, chính phủ của Tổng thống Htin Kywa đang hội tụ đủ 3 nhân tố Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa.

Thiên thời: Hòa bình và phát triển vẫn là dòng chảy chính của thời đại. Cả thế giới đều hoan nghênh khích lệ những thay đổi to lớn vừa qua ở Myanmar và ủng hộ chính phủ Ktin Kywa tiếp tục cải cách phát triển và dân chủ hóa hơn nữa, đưa Myanmar thực sự hội nhập với thế giới. Hơn nửa thế kỷ qua, chưa bao giờ Myanmar có môi trường phát triển tốt đẹp như hiện nay.

Địa lợi: Myanmar có diện tích rộng lớn (gấp 2 lần Việt Nam), dân số hơn 50 triệu người, với vị trí đắc địa nằm giữa hai thị trường khổng lồ là Trung Quốc và Ấn Độ và tiếp giáp với một nền kinh tế khá năng động khác là Thái Lan.

Nếu liệt kê những ưu thế về kinh tế mà Myanmar đang sở hữu ở thời điểm hiện tại thành một danh sách, ắt hẳn nó sẽ mê hoặc bất cứ một nhà đầu tư nào trên thế giới, dù lớn hay nhỏ. Ở bất cứ lĩnh vực nào, dù là sản xuất hàng hóa hay đầu tư khai thác tài nguyên và tiêu dùng nội địa, Myanmar cũng là"mảnh đất mầu mỡ cuối cùng của Châu Á" hứa hẹn với bất cứ nhà đầu tư thuộc lĩnh vực nào. Sau những thị trường mới mở cửa gần nhất trong khu vực như Trung Quốc hay Việt Nam, giờ đây Myanmar cũng đang được đánh giá sẽ trở thành một con hổ kinh tế mới ở khu vực.

Nhân hòa: Đối thủ chính trị lớn nhất của NLD là đảng USDP và quân đội đều thừa nhận kết quả cuộc Tổng tuyển cử 8/11/2016 và đang hợp tác khá suôn sẻ với đảng NLD xung quanh việc thành lập chính phủ mới và bàn giao quyền lực các cấp. Dư luận trong và ngoài Myanmar đều ghi nhận: cả bên thắng và bên thua trong cuộc chơi này đều là những người "tự trọng". Hơn nữa, NLD và Chính phủ Htin Kywa còn nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp dân chúng, cộng đồng 135 dân tộc thiểu số và các đảng phái chính trị khác.

Với những thuận lợi cơ bản kể trên, các nhà quan sát tin rằng, NLD và chính phủ mới của Tổng thống Htin Kywa sẽ tiếp tục theo đuổi những cải cách mà chính phủ Thein Sein đã thực hiện, vượt qua những khó khăn nảy sinh để trong nửa nhiệm kỳ đầu đưa Myanmar vào quỹ đạo phát triển toàn diện, tiến tới mục tiêu trước năm 2020 sửa đổi Hiến pháp 2008 – mục tiêu cuối cùng của nền dân chủ - nhằm đưa bà Aung San Suu Kyi lên làm Tổng thống như mong muốn của dư luận trong và ngoài Myanmar.

Xin cám ơn ông đại sứ đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Lan Anh – Thu Hà thực hiện

 Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/297255/gang-het-suc-thuc-hien-mong-muon-cua-nhan-dan.html

 



  

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...