Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ 1-7. Nhưng hôm nay
(26-6) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phải triệu tập gấp cuộc họp với
trưởng đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố để bàn cách hoãn.
Ngày
27-11-2015, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ
luật Hình sự (sửa đổi). Bộ luật gồm 3 phần, 26 chương và 426 điều, có
hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 - Ảnh: V.D.
“Mức độ nghiêm trọng hơn rất nhiều so với sự cố điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội trước đó.” - Một thành viên tham dự cuộc họp cho biết.
Cuộc họp đã thống nhất rằng các trưởng đoàn ĐBQH sẽ đem theo tài liệu, dự thảo nghị quyết, phiếu biểu quyết về triệu tập cuộc họp đoàn trong 1-2 ngày tới để thảo luận vấn đề này.
“Các ĐBQH sẽ biểu quyết bằng phiếu tại cuộc họp đoàn, niêm phong phiếu đó lại, trưởng đoàn ĐBQH có trách nhiệm đem số phiếu của đoàn ra Quốc hội, bầu ban kiểm phiếu và tiến hành kiểm phiếu."- nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết.
Nguồn tin này cũng cho rằng: "Lẽ ra phải triệu tập kỳ họp Quốc hội bất thường, nhưng không còn thời gian để làm việc này nữa, vì vậy đây là biện pháp khả thi nhất để Quốc hội Khóa XIII sửa sai, không để những sai sót trong Bộ luật Hình sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.”
Nếu đa số các ĐBQH đồng ý theo phương án được trình, Bộ luật Hình sự sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-1-2017. Trong thời gian đó, Quốc hội Khóa XIV sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung hơn 90 nội dung phát hiện có sai sót.
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định Nguyễn Anh Sơn nói với phóng viên Tuổi Trẻ: “Đoàn ĐBQH chúng tôi triệu tập cuộc họp vào ngày 28-6, sau đó biểu quyết ngay, bởi dự kiến ngày 30-6 Quốc hội đã phải ban hành nghị quyết cho lùi thời điểm bộ luật có hiệu lực thi hành. Đây là chuyện rất hi hữu, bộ luật có quá nhiều lỗi, chắc chắn phải sửa thì mới thi hành được”.
LÊ KIÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét