Nhanh nhảu nhất là thủ tướng Nhật "tạt" vào New York, đến tận Trump Tower để gặp người đắc cử tổng thống nước Mỹ. Sau đó là khá nhiều các cuộc điện đàm của ông Trump với lãnh đạo các nước cả Đông và Tây đã được độ ngũ giúp việc tân tổng thống Mỹ xác nhận và được thông tin rộng rãi cho truyền thông, báo chí......
Chưa hết... Mới đây ở TQ, lãnh đạo Bắc Kinh đã tiếp riêng Kissinger. Tưởng thế là "cao kiến" thì ở bên Mỹ, sau vài tiếng ông Trump có cuộc điện đàm "vô tiền khoáng hậu" với bà Thái Anh Văn, người đứng đầu của Đài Loan.
Nhìn lại, việc ông Henry Kissinger tới Bắc Kinh dự Hội thảo mà được giới chức chóp bu nước này tiếp đón riêng đủ thấy một ván bài mới mà TQ đang muốn chơi. Là thông qua nhà kiến tạo quan hệ Mỹ-Trung những năm 1971-1972 này để nhắm "làm ấm lại" quan hệ song phương 2 nước đang lạnh nhạt, căng thẳng thời ông Obama thì đến thời tổng thống vừa đắc cử Donald Trump sẽ cải thiện lên...
Thế nhưng chính ông Trump ở bên nước Mỹ lại có phản ứng khó hiểu khi rất đường đột phá vỡ quy tắc 1 nước TQ. Ông Trump tỏ ra quan tâm và nhận nói chuyện riêng điện đàm với nhà nữ lãnh đạo mới được bầu của Đài Loan. bà này vốn không được Bắc Kinh ưa thích thì đây thật là gáo nước quá lạnh đội vào các nhà lãnh đạo bắc Kinh.
Dĩ nhiên đây là giai đoạn đang chuyển giao chính quyền cũ-mới của nước Mỹ. Chưa nên có kết luận gì về các động thái có thể mang tính chiến thuật này của những nhà lãnh đạo Mỹ và các nước liên hệ. Thậm chí đây có thể là những bước đi thăm dò, dương đông kích tây, nhận diện phản ứng mà đối tác thể hiện... Tất cả chờ sau ngày ông Trump nhậm chức chính thức, ngày 20/1/2017 tới.
Đọc thấy trên blog và mạng xã hội mấy bài viết sau, xin phép các tác giả post lên để bà con làng blog và bạn bè cùng đọc tham khảo.
Vệ Nhi
-----
Hướng về Bắc Kinh: Tân tổng thống Mỹ ra chiêu đòn lạ
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/12 đã có cuộc hội kiến cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.
Nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ là người đặt nền tảng để Mỹ-Trung bình thường hóa quan hệ sau chuyến công du Trung Quốc lịch sử năm 1972. Ông Kissinger cũng trở thành khách quý của Bắc Kinh trong suốt nhiều năm qua.
Trong chuyến đi tới Trung Quốc để dự Hội thảo quan hệ Mỹ-Trung lần này, Kissinger cũng gặp gỡ với một nhân vật cấp cao khác của Trung Nam Hải là Bí thư Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc, ông Vương Kỳ Sơn.
Quy cách tiếp đón long trọng đối với một nhân vật không thuộc chính quyền Mỹ như Kissinger cho thấy Bắc Kinh kỳ vọng lớn vào những thông tin mà cựu Ngoại trưởng mang tới, liên quan đến Tổng thống đắc cử Donald Trump và cuộc chuyển giao quyền lực của ông.
Tại cuộc hội kiến, ông Tập Cận Bình ca ngợi cống hiến của Kissinger và kêu gọi hai nước hợp tác, "bảo đảm quan hệ Mỹ-Trung bình ổn trong giai đoạn quá độ, tiếp tục phát triển ổn định ở vạch xuất phát mới".
Henry Kissinger cũng nhấn mạnh hai nước xử lý ổn thỏa các bất đồng trong lập trường, đồng thời gửi thông điệp quan hệ song phương phát triển tốt hơn "cũng là kỳ vọng của chính quyền mới".
Kissinger nói với Tập Cận Bình rằng ông "đánh giá rất cao" cuộc hội kiến và kỳ vọng củng cố lòng tin giữa hai bên trong giai đoạn mới.
Ông Vương Kỳ Sơn (đứng), người lãnh đạo chiến dịch chống tham nhũng ở Trung Quốc, gặp mặt ông Kissinger ngày 1/12 tại Bắc Kinh (Ảnh: Xinhua)
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) hôm 3/12 cho hay, trong bối cảnh ông Trump chuẩn bị nhậm chức, cuộc đối thoại giữa ông Tập và Kissinger rất có khả năng cung cấp nhiều "manh mối" về phương hướng quan hệ hai nước trong tương lai.
Đáng chú ý, một thông cáo từ nhóm của ông Trump cho thấy Henry Kissinger đã gặp Trump tại New York vào 2 tuần trước khi sang Trung Quốc, và quan hệ Mỹ-Trung là một trọng điểm được bàn bạc.
Trả lời phỏng vấn đài CNN (Mỹ), Kissinger nói rằng không phải tất cả cam kết của Trump khi tranh cử đều sẽ được thực hiện, được cho là nói đến các tuyên bố cứng rắn như dọa tăng thuế lên 45% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cựu Ngoại trưởng mô tả Trump là tổng thống đắc cử "đặc biệt nhất" mà ông từng gặp gỡ.
Tuy nhiên, kết quả cuộc gặp Tập Cận Bình-Henry Kissinger nhanh chóng bị "dội nước lạnh" bởi chỉ vài tiếng sau đó, ông Trump đã phá bỏ mọi nguyên tắc ngoại giao trong quan hệ với Trung Quốc từ năm 1979 để tiếp điện thoại của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Bắc Kinh nổi giận.
Bị chính phủ Trung Quốc chỉ trích gay gắt, Trump lập tức lên Twitter - nơi mà các lãnh đạo Trung Quốc không "hiện diện" - để đáp trả:
"Trung Quốc có hỏi chúng ta hay không về việc họ phá giá đồng nội tệ (khiến các công ty Mỹ khó cạnh tranh), đánh thuế nặng các sản phẩm của chúng ta vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ) hay xây dựng một tổ hợp quân sự đồ sộ ở giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ là có chuyện đó".
Giới quan sát lĩnh vực ngoại giao ở Trung Quốc cho rằng, Kissinger là "cầu nối" giúp Trung Nam Hải hiểu thêm về con người ông Trump và giảm nhân tố bất ổn trong quan hệ hai nước, song chính Trump đang "bơm thêm" sự hoài nghi khiến Bắc Kinh không thể tin cậy hoàn toàn vào thông điệp của cựu Ngoại trưởng.
Trung Nam Hải dường như bối rối trong lựa chọn phương án ứng xử với "cây gậy và củ cà rốt" của Mỹ, mà Tổng thống đắc cử Mỹ đang tỏ rõ vai trò "cây gậy".
HẢI VÕ
ĐỌC BÀI CỦA LINK TRÊN:
John Kerry: Trump phớt lờ Bộ ngoại giao Mỹ khi tự ý liên hệ với các lãnh đạo quốc tế
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng Trump nên tham vấn Bộ Ngoại giao trước khi liên hệ với các lãnh đạo thế giới.
Ngoại trưởng Kerry ngày 4/12 phát biểu, nhóm chuyển giao của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã có thể nhận được những tư vấn quý báu nếu họ tham vấn Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tổng thống đắc cử điện đàm với các lãnh đạo quốc tế.
"Việc đó [tham vấn Bộ ngoại giao Mỹ] rất có giá trị, tôi cho rằng đó là việc nên làm. Thật tiếc là nhóm chuyển giao đã không làm như vậy," ông Kerry nói.
"Chúng tôi chưa từng được liên lạc trước các cuộc hội thoại. Chúng tôi chưa từng được yêu cầu để cung cấp các quan điểm đối ngoại", người đứng đầu cơ quan Ngoại giao của Mỹ nói về các cuộc tiếp xúc của ông Trump với những lãnh đạo khác.
Ông nói thêm: "Tôi nghĩ rằng, việc nhận được những lời tham vấn, ít ra cũng có cũng có những giá trị nhất định. Còn việc bạn lựa chọn thực hiện theo những tư vấn đó hay không lại là chuyện khác.
Nói chuyện với những người "thạo việc", có kinh nghiệm luôn rất tốt. Họ sẽ chỉ ra cho bạn các thông tin về tình hình hiện tại cũng như có điều gì đặc biệt cần lưu ý hay không".
Cuộc điện đàm giữa Trump và nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vào ngày thứ Sáu (2/12) đã châm ngòi cho sự phản đối của Trung Quốc.
Cũng có phỏng đoán rằng cuộc gọi đó là một động thái có tính toán của Trump, nhằm truyền đi tín hiệu về sự thay đổi trong đường lối đối ngoại đối với Trung Quốc.
Giả thiết này đã bị Phó tổng thống đắc cử Mike Pence gạt đi vào ngày Chủ Nhật, khi ông cho rằng đó chỉ là một cuộc gọi "ngoại giao".
Kể từ khi cựu tổng thống Jimmy Carter đóng cửa đại sứ quán Mỹ tại Đài Loan năm 1979 và thừa nhận quan điểm "một Trung Quốc", Trump là lãnh đạo đầu tiên của Mỹ điện đàm với một lãnh đạo Đài Loan.
Cho đến nay, ông Trump - người chưa từng đảm nhận một chức vụ nào trong chính quyền các cấp, không có kinh nghiệm ngoại giao và quân sự - vẫn đang lựa chọn nhân sự cho vị trí Ngoại trưởng của nội các mới.
NGỌC ANH
-----
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét