Từ khi thôi không ứng cử ĐBQH nữa, tác giả này ít xuất hiện cả trên báo chí viết hoặc là các phỏng vấn truyền hình. Ông là Ts Nguyễn Sỹ Dũng. Có phải là ông muốn nghỉ ngơi một chút sau nhiều chục năm dành cho công việc? Và cũng có thể là ông Dũng dành thời gian, sức lực để chiêm nghiệm hoặc nghiên cứu viết sách thì cũng chưa ai biết được, trừ chính ông.
Bữa nay lướt mạng thấy một bài viết ngắn nhưng ý sâu sắc của ông nên đưa lên đây. bài xuất hiện ở một tờ báo mạng ít người vào đọc, đó là Tạp chí Nông thôn Việt trong khi trước kia bài của ông Nguyễn Sỹ Dũng thường đăng ở VietnamNet, Tuổi trẻ hoặc Lao Động...
Nhiều ý kiến phản hồi xung quanh bài viết này nhưng tôi nhớ nhất đoạn bình ngắn của một nhà báo nổi tiếng, như sau: "Lâu rồi mới được đọc bài của TS Nguyễn Sỹ Dũng. Biết ông gần 30 năm và không ngạc nhiên khi một người uyên bác và sắc sảo như ông lại chỉ lên được tới phó chủ nhiệm VPQH".
Thấy ông Dũng vắng bóng lâu nay hoặc như đang chuẩn bị để viết tiếp những điều gì sâu sắc, sắc sảo khác nữa như tôi đã đặt vấn đề ở trên có thể là có lý và hiểu được.
Xin phép tác giả và Tạp chí NTV đưa lên trang nhà.
Vệ Nhi g-th
-------
Nhà nước kiến tạo phát triển
Nhà
nước kiến tạo phát triển đang là thuật ngữ rất được ưa dùng, nhất là
sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội về quyết tâm xây
dựng một “Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục
vụ nhân dân”. Tuy nhiên, nội hàm của nhà nước kiến tạo phát triển là
gì? Và một nhà nước như vậy thì khác gì với Nhà nước mà từ trước
đến nay chúng ta đã có?
Thực
ra, thuật ngữ “nhà nước kiến tạo phát triển” được nhà nghiên cứu Chalmers
Johnson đưa ra từ những năm tám mươi của thế kỷ trước khi ông nghiên
cứu về sự phát triển thần kỳ của Nhật Bản. Ông nhận thấy rằng
trong sự phát triển thần kỳ ấy có vai trò rất quan trọng của nhà
nước. Nhà nước Nhật Bản đã không chỉ tạo ra khuôn khổ cho sự phát
triển, mà còn định hướng và thúc đẩy sự phát triển đó. Sau này,
ngoài Nhật Bản ra, Hàn Quốc, Trung Quốc... đều được xem là những nhà
nước kiến tạo phát triển. Theo các nhà nghiên cứu, đây là mô hình
nhà nước nằm ở giữa nhà nước điều chỉnh (theo chủ thuyết thị
trường tự do) và nhà nước kế hoạch hóa tập trung (theo mô hình xã
hội chủ nghĩa truyền thống). Nhà nước kiến tạo phát triển không
đứng ngoài thị trường, nhưng cũng không làm thay thị trường. Nhà nước
kiến tạo phát triển chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy
phát triển và hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đã được đề ra.
Để đạt được mức tăng trưởng GDP gấp đôi, một nhà nước điều chỉnh
(như Hoa Kỳ) sẽ phải mất đến 50 năm, trong lúc đó một nhà nước kiến
tạo phát triển (như Trung Quốc) chỉ mất 10 năm.
Như
vậy, nhà nước kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước kết hợp
được ưu điểm, đồng thời khắc phục được nhược điểm của cả hai mô
hình nhà nước điều chỉnh và nhà nước kế hoạch hóa tập trung.
Thế
thì nhà nước kiến tạo phát triển cần phải làm những gì?
Trước
hết, Nhà nước kiến tạo phát triển phải hoạch định đường lối phát
triển cho đất nước (đặc biệt là đường lối công nghiệp hóa và chương
trình xóa đói giảm nghèo) và thúc đẩy việc hiện thực hóa đường
lối đó. Thúc đẩy việc hiện thực hóa thì không có nghĩa là làm thay
người dân và các doanh nghiệp, mà tối thiểu phải làm được những
việc sau đây:
Trước
hết, Nhà nước phải tạo ra được hệ thống khuyến khích để các nguồn
lực của xã hội được tập trung đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
Hệ thống khuyến khích đó có thể là chi tiêu công, là thuế, là tín
dụng, là thương quyền... Ngoài ra, Nhà nước còn cần phải phát huy
thế mạnh của Nhà nước điều chỉnh là tạo ra khuôn khổ thể chế và
mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể dễ dàng làm
ăn và mưu cầu hạnh phúc. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam
có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và
sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến
với đất nước ta. Và đó cũng mới chính là sự phát triển thực chất
nhất. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế
cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng
hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài
sản, quyền tự do kế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải
được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các
tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra,
một điều kiện không thể thiếu ở đây là việc bảo đảm sự ổn định
kinh tế vĩ mô. Vì thiếu sự ổn định kinh tế vĩ mô, không doanh nghiệp
cũng như một người dân nào có thể làm ăn dễ dàng được. Đây, vì vậy,
là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhà nước kiến
tạo phát triển.
Hai
là, Nhà nước cần tìm mọi cách để cung cấp các dịch vụ công chất
lượng, giá rẻ cần thiết cho sự phát triển năng lực và việc làm ăn
của các doanh nghiệp, của những người dân. Muốn làm được điều này,
phải xây dựng được một bộ máy hành chính-công vụ hết sức chuyên
nghiệp và hiệu quả. Bộ máy này phải được tuyển dụng, bổ nhiệm dựa
nghiêm ngặt trên cơ sở của trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Ba
là, Nhà nước phải biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi
chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người
tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn
và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là
tài giỏi hơn và đạo đức hơn. Trong đời sống kinh tế, thúc đẩy cổ phần
hóa các doanh nghiệp Nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp
còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ
dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả,
và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn
cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách
nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho
được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được
công việc). Tất nhiên, chúng ta cũng phải trao quyền tuyển chọn cho
những quan chức này.
Với
một khuôn khổ khái niệm như trên, Nhà nước ta quả thực đã có những
bước chuyển mình rất cơ bản sang mô hình nhà nước kiến tạo phát
triển. Vấn đề là chúng ta cần sớm làm rõ khung khái niệm của Nhà
nước kiến tạo phát triển để có những bước tiến mạch lạc và vững
chắc hơn.
TS Nguyễn Sĩ Dũng (Tạp chí Nông thôn Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét