Bàn về điều này là khó, rất khó là khác. Tuy nhiên với hơn 2 ngàn 500 chữ, bài viết của Nguyễn Quang Dy cũng đã đủ điều kiện gợi lên và mở ra nhằm kiến giải tương đối sáng rõ 2 vấn đề hệ trọng liêm quan đến nhau: Vấn đề kiểm soát quyền lực và Vấn đề tranh giành quyền lực.
Đây cũng là một góp ý nhiệt tâm và chân thành của một nhà nghiên cứu, một cây bút luôn muốn đất nước có sức sống đổi mới, bắt được các thời cơ mở ra (có ngay trong những thách thức lớn). Mục đích bài viết này và nhiều bài viết khác của anh Nguyễn Quan Dy đều nhằm đẩy tới công cuộc đổi mới kinh tế; và mặt khác song song với đổi mới kinh tế cần đổi mới thể chế. Cả 2 tiến trình đổi mới này sẽ chắc chắn chỉ đem lại cho đất nước và người dân nhiều điều tốt lành hơn.
Tại cụ thể bài viết này, tác giả đã chốt lại và gửi gắm ở mấy dòng cuối cùng: "Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ có một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể chế toàn diện, trước khi quá muộn".
Tôn trọng cách đặt vấn đề, cách dẫn dắt và phân tích nghiêm túc các vấn đề đặt ra của tác giả (đều là những vấn đề quan trọng trong quản lý & điều hành chính trị-xã hội cả), blog tôi xin đăng nguyên văn bài viết để bạn đọc tham khảo và tự đánh giá, đưa ra các kết luận cho mình.
Vệ Nhi
* Đầu bài ở Entry là của chủ blog đặt; bài viết dưới là của tác giả Nguyễn Quang Dy
------
Kiểm soát quyền lực hay tranh giành
quyền lực
Tác giả: Nguyễn Quang Dy
“Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng
tuyệt đối”
“Absolute power corrupts absolutely”
(Lord Acton)
Quan hệ nhân quả
Cách đây
gần một năm, ông Vũ ngọc Hoàng (nguyên phó ban Tuyên giáo TƯ) đã làm dư luận ồn
ào với loạt bài về “Kiểm soát Quyền lực” (Tuần Việt Nam, 22/9/2016). Những gì
ông Hoàng đề cập về cơ bản là đúng (tuy không mới). Chỉ có điều cứ như “đến hẹn
lại lên”, dư luận ồn ào rồi lại xẹp xuống, nóng lên rồi lại nguội đi. Nay “quả
bom Đồng Tâm” lại gây chấn động dư luận, thức tỉnh mọi người như cảnh báo: cái
gì phải đến sẽ đến!
Hội nghị
Trung ương 5 sắp họp để chuẩn bị thay đổi nhân sự giữa kỳ. Dư luận lại nóng lên
như một cơn sốt định kỳ với chủ đề “nhất thể hóa” vai trò của đảng và chính
quyền. Đằng sau câu chuyện về tranh giành và thâu tóm quyền lực còn có một sự
thật trần trụi: thu không đủ chi. Vì nợ công chồng chất nên ngân sách thâm hụt
ngày càng nan giải, không thể bao cấp mãi một bộ máy nhân sự chồng chéo khổng
lồ nhưng thiếu hiệu quả. Quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối, và nguồn
lực cuả đất nước cũng “cạn kiệt tuyệt đối”.
Mỗi khi
tranh cãi về chủ đề quyền lực, người ta thường hay đề cập đến mấy khái niệm cơ
bản như: bản chất của quyền lực (nature of power), giới hạn của quyền lực
(limits of power), chuyển dịch của quyền lực (power shifts), tham nhũng quyền
lực (power corruption), tranh giành quyền lực (power struggle), và giám sát
quyền lực (power supervision).
Các khái
niệm trên liên quan đến nhau như quan hệ nhân quả. Quyền lực có xu hướng tham
nhũng: quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Chừng nào còn duy trì
quyền lực tuyệt đối (không bị kiểm soát) thì không thể kiểm soát được tham nhũng.
Chỉ có đổi mới thể chế toàn diện thì may ra mới kiểm soát được quyền lực và
tham nhũng.
Trong thực
tế cuộc sống, nhiều người bị hấp dẫn bởi ma lực của đồng tiền và quyền lực, nên
dẫn đến sùng bái quyền lực. Các nhóm lợi ích thân hữu (nhất là “con ông cháu
cha” và “đồ đệ”) thường được hưởng đặc quyền đặc lợi, nên việc kiểm soát quyền
lực rất khó. Người dân thường sợ quyền lực nên hay bị chính quyền lợi dụng bắt
nạt. Muốn không bị lợi dụng bắt nạt thì người dân phải “thoát khỏi nỗi sợ” (như
bài học Đồng Tâm).
Bản chất của quyền lực
Chính
quyền nào cũng phải dựa vào quyền lực (thường là quyền lực cứng). Nhưng bên
cạnh “quyền lực cứng” (hard power)
còn có “quyền lực mềm” (soft power).
Quyền lực cứng thường “đẻ ra từ nòng súng”,
nên dễ dẫn đến chuyên quyền và độc tài, cực đoan và vô cảm. Chính quyền không
lắng nghe dân, vì họ coi dân chúng như công cụ.
Lâu nay,
các khẩu hiệu mị dân như “của dân, do
dân, vì dân” hay “dân biết, dân bàn,
dân làm, dân kiểm tra” chỉ là bình phong trống rỗng để trang trí. Sai lầm
cải cách ruộng đất và cái chết thê thảm của bà Năm (Cát Hanh Long) vẫn còn là
một nỗi ám ảnh. Người ta nói cách mạng bạo lực như con quái vật, sau khi ăn
thịt kẻ khác sẽ quay lại ăn thịt chính mình.
Muốn kiểm
soát quyền lực thì trước hết phải thực sự tôn trọng con người và lắng nghe dân.
Cơ chế quyền lực phải xây dựng trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”, độc lập và cân bằng với nhau để giám sát lẫn
nhau (checks and balances). Cơ chế đó phải dựa trên “pháp trị” (rule of law) và
tự do dân chủ, để người dân có quyền bầu ra người cai trị mình. Muốn có “quyền
lực mềm” để bổ xung cho “quyền lực cứng” phải có xã hội dân sự.
Những khái
niệm cơ bản về pháp quyền, dân quyền và nhân quyền là những giá trị phổ quát
của nhân loại tiến bộ, chứ không phải là đặc sản riêng của Mỹ và phương Tây.
Một số nước phương Đông như Nhật đã chịu khó tham khảo và vận dụng để canh tân
nên đã trở thành cường quốc. Chính cụ Hồ cũng đã vận dụng những giá trị phổ
quát này trong Tuyên ngôn Độc lập. Nay Việt Nam muốn được công nhận là nền kinh
tế thị trường, nhưng lại phủ nhận những giá trị phổ quát kèm theo, là một
nghịch lý chẳng khác gì “đầu ngô mình sở”.
Khái niệm
“kinh tế thị trường định hướng XHCN”
là một kế sách để đối phó tình huống nhằm lý giải cải cách kinh tế mà không cải
cách chính trị. Nó bắt chước dập khuôn theo khái niệm “kinh tế thị trường XHCN” của Trung
Quốc, nhưng “sáng tạo” bằng cách thêm hai chữ “định hướng” cho mềm đi.
Về nguyên lý, đó là một khái niệm tối nghĩa, phản quy luật và duy ý chí. Nó
cũng giống như khái niệm “làm chủ tập thể” của ông Lê Duẩn và khái niệm “chủ
thể” (Juche) của ông Kim Nhật Thành trước đây (mà bây giờ chẳng ai còn nói
đến).
Các khái
niệm đó chỉ có giá trị nhất thời như một cách ngụy biện cho một tình huống, chứ
nếu ngộ nhận biến thành chủ thuyết và mô hình thì rất nguy hiểm. Nó tạo ra
những lỗ hổng chết người về thể chế để các nhóm lợi ích thân hữu thao túng trục
lợi. Nay thì mọi ngưởi đã thấy rõ hệ quả khủng khiếp như thế nào rồi. Bài học
về “quả đấm thép” Vinashin (và các tập đoàn kinh tế khác) là minh chứng về sự
báo hại của mô hình đó. Nguyên bộ trưởng (MPI) Bùi Quang Vinh đã phải bức xúc
thốt lên về cái mô hình “làm gì có mà đi
tìm”.
Hệ quả tai
hại của tư tưởng cực đoan và “ấu trĩ tả khuynh” muốn chính trị hóa mọi thứ, kể
cả tư duy kinh tế, đã kéo đất nước vào một bãi lầy tư tưởng không lối thoát.
Chủ nghĩa Mác-Lê “bách chiến bách thắng”
đã sụp đổ tại Liên Xô, Đông Âu cách đây 27 năm. Chủ nghĩa Mao cũng đã nằm trong
mồ từ sau Cách mạng Văn hóa. Nhưng tàn dư (legacy) của chúng vẫn còn lẩn quất
đâu đây như những bóng ma, biến dạng thành các khẩu hiệu cực đoan và tư duy bảo
thủ như “chủ nghĩa đặc thù” (exceptionalism) hay “tiệm tiến” (gradualism).
Khủng hoảng
về tư duy và ngộ nhận về tư tưởng không chỉ gây ra tụt hậu và khủng hoảng kinh
tế, làm cạn kiệt nguồn lực và tài nguyên quốc gia, mà còn dẫn đến khủng hoảng
lòng tin, khủng hoảng thể chế, và khủng hoảng chính sách. Đó là một hiệu ứng
domino nguy hiểm mà người ta đổ cho “diễn biến” và “suy thoái”. Hệ quả là quyền
lực của đảng và nhà nước đã mất tính chính danh (legitimacy), mất lòng dân
(unpopular), vì thối nát (decay).
Sự ngộ
nhân về quyền lực thường dẫn đến ảo tưởng và ngạo mạn về quyền lực. Quyền lực
tuyệt đối thì ngạo mạn tuyệt đối (và sai lầm cũng tuyết đối). Người Mỹ đã phải
trả giá rất đắt trong chiến tranh Việt Nam vì đã ngộ nhận và ngạo mạn về quyền
lực nên không hiểu “giới hạn của quyền
lực”. Người Việt cũng phải trả giá rất đắt trong thời hậu chiến vì đã ngộ
nhận và ngạo mạn về chiến thắng nên đã thua thiệt. Trong cuốn sách “Sự Ngạo mạn
của Quyền lực” (The Arrogance of Power, Random House, 1967), thượng nghị sỹ
William Fulbright đã rút ra bài học, “Người
ta không thể bảo vệ các giá trị nhân văn bằng vũ lực có tính toán và không cần
duyên cớ, mà không làm tổn thương chính những giá trị mà họ cố bảo vệ”.
Sự kết thúc của quyền lực
Nếu
Francis Fukuyama nối tiếng với cuốn “Sự Kết thúc của Lịch sử” (the End of
History and the Last Man, 1992) thì Moises Naim nổi tiếng với cuốn “Sự Kết thúc
của Quyền lực” (the End of Power, March 2013). Theo Moisés Naím, “quyền lực đang thối nát” và đang trải
qua một sự “đột biến” (mutation) rất
cơ bản nhưng “chưa được hiểu và nhận thức
đầy đủ”. Đó là một sự dịch chuyển và đột biến của quyền lực chưa từng có
trong lịch sử. Quyền lực đang dịch chuyển từ cơ bắp sang trí tuệ, từ phương Tây
sang phương Đông, từ những nhà cai trị độc tài sang người dân, từ những tập
đoàn lớn sang những công ty khởi nghiệp nhỏ.
Mark Zuckerberg đã chọn cuốn này của Moises Naim để mở đầu
chương trình đọc sách năm 2015 (A
Year of Book). Điều đó cũng dễ hiểu vì Facebook là một ví dụ điển hình, cùng
với Angelina Jolie, Warren Buffett, Bill
Gates & Melinda Foundation. Đó là những quyền lực siêu nhỏ “micropowers”
nhưng siêu việt so với “megaplayers” (như Oxfam, Red Cross).
Lấy một ví
dụ để dễ hình dung các giá trị quyền lực đang dịch chuyển: Trong khi ngân sách
quốc phòng Mỹ năm 2012 là 700 tỷ USD, thì Al Qaeda chỉ cần 500.000 USD là đủ để
gây ra vụ khủng bố 9/11. Không chỉ trong lĩnh vực an ninh mà cả trong lĩnh vực
chính trị hay kinh doanh, quyền lực cũng đang dịch chuyển. Những nhóm ly khai,
các chính đảng lề trái, các công ty khởi nghiệp, báo chí công dân, và hackers,
đang làm đảo lộn trật tự cũ.
Hiểu quyền
lực đang mất đi các giá trị của nó thế nào là
chìa khóa để hiểu xu thế quan trọng nhất đang làm thay đổi diện mạo thế giới
trong thế kỷ 21. Tác giả dự đoán tương lai còn nhiều bất trắc hơn, qua bầu cử,
trưng cầu dân ý, cạnh tranh quyền lực, phân chia lại quyền lực, từ những chủ
thể cũ sang những đối thủ cạnh tranh mới. Tác giả lập luận rằng trong kỷ nguyên
“hậu bá quyền” (post-hegemonic era) “không
một quốc gia nào có đủ khả năng áp đặt ý chí của mình lên các quốc gia khác một
cách tuyệt đối và lâu dài”.
Nếu
có nguy cơ to lớn nào đe dọa các xã hội dân chủ tự do ở thế kỷ 21, thì ít có
khả năng đến từ các mối đe dọa thông thường (như Trung Quốc) hoặc bất thường
(như nhà nước Hồi giáo) mà có nhiều khả năng là từ sự phân liệt trong lòng xã
hội. Tác giả cho rằng giải pháp khả thi cho sự phân liệt giữa chính phủ và dân
chúng là chính phủ phải đổi mới thể chế để phục hồi lòng tin của dân. Theo tác
giả, nhân dân phải tự tìm cách chấp nhận sự cai trị, và chính phủ cũng phải tìm
cách ứng xử xứng đáng với sự chấp nhận đó của người dân.
Tuy việc
phân tán và suy tàn của quyền lực là một thách thức to lớn đối với lãnh đạo các
quốc gia và chính sách đối nội của họ, nhưng tác giả cho rằng trong lĩnh vực
hợp tác quốc tế có nhiều rủi ro hơn. Thế giới đang đối diện với những thách
thức ngày càng phức tạp, đòi hỏi sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau,
mới có thể hóa giải được những bất ổn mới. Quyền lực trở
nên dễ đổ vỡ hơn và khó củng cố hơn, làm cho hệ thống quyền lực toàn cầu có xu
hướng khó hồi phục, với những thể chế quốc gia và quốc tế ngày càng yếu.
Các chính
đảng truyền thống và lãnh đạo đang bị đe dọa bởi sự thối nát của quyền lực.
Điều đó càng rõ khi các chính đảng lớn phải chuyển giao quyền lực cho các nhóm
lề trái. Quyền lực không còn nằm yên
trong mô hình truyền thống khi các đảng phái lề trái tại phương Tây đang trỗi
dậy mạnh mẽ, khi vai trò của các thế lực quân sự phi truyền thống ngày càng
lớn. Ngày nay, người ta có thể giành quyền lực một cách khá dễ dàng, nhưng lại
khó giữ và khó vận dụng nó. Các “megapowers” đang bị gạt ra ngoài lề bởi các
“micropowers”.
Thay lời kết
Có thể nói
Đồng Tâm là một “micropower” mới, và là một hiện tượng đặc biệt như một tác
nhân làm thay đổi tư duy của nhiều người, và (dù muốn hay không) làm thay đổi
“đột biến” bàn cờ cải cách thể chế tại Việt Nam. Nói cách khác, người dân Đồng
Tâm chấp nhận bị cai trị nhưng “có điều kiện” (tức là có “làn ranh đỏ”), trong
khi chính quyền Hà Nội đang tìm cách vãn hồi lòng tin của người dân bằng cách
đối thoại và nhân nhượng (từng bước) để tiếp tục cai trị. Dù thế nào, đây là
một biến chuyển tích cực như một “hệ quả
không định trước”, dù động cơ là để kiểm soát quyền lực hay để tranh giành
quyền lực.
Nếu “quả
bom Đồng Tâm” là tín hiệu có thể thay đổi thể chế từ dưới lên, thì việc kỷ luật
Đinh La Thăng mở màn cho trận huyết chiến tranh giành quyền lực giữa kỳ từ trên
xuống. Sự kiện Đồng Tâm vừa phản ánh đặc thù của một địa phương tại Việt Nam,
vừa phản ánh xu hướng và quy luật chung trên thế giới. Xu hướng này đang diễn
ra tại Anh (Brexitism), tại Pháp (Le Penism), tại Philippines (Duterteism), và
tại Mỹ (Trumpism). Nó phản ánh sự thối nát và “đột biến” của quyền lực, có thể
dẫn đến sự “kết thúc” của quyền lực (hiểu theo nghĩa hẹp, như quyền lực của
Đảng Dân Chủ hay di sản của Obama).
Hệ quả tất
yếu của sự “diễn biến” và “suy thoái” trong nội bộ đang làm hệ thống quyền lực
của đảng và nhà nước mục ruỗng, làm mất tính chính danh của chế độ và lòng tin
của dân. Muốn ngăn chặn “hiệu ứng domino” làm cả hệ thống “đôt biến” một cách
nguy hiểm (nên đánh chuột lại “sợ vỡ bình”) thì phải súc rửa bình cho sạch,
hoặc thay bình mới. Lúc này, muốn khôi phục lòng tin của người dân và cứu vãn
chế độ khỏi suy sụp, thì chỉ có một cách duy nhất là nhanh chóng cải cách thể
chế toàn diện, trước khi quá muộn.
------
Tham khảo
1. “Kiểm soát quyền lực”, Vũ ngọc Hoàng, Tuần Việt Nam,
22/09/2016
2.
“The End of Power: From Boardrooms
to Battlefields and Churches to States, Why Being In Charge Isn’t What It Used
to Be”, Moisés Naím. Basic Books. March 2013
3. “The limits of power: the end of American Exceptionalism”, Andrew Bacevich, Metropolitan Books, 2008
4.
“Powershift: Knowledge, Wealth, and Power
at the Edge of the 21st Century”, Alvin Toffler, Bantam Books, 1991
5. “New Power Center
in Trumpland: The Axis of Adults”, Kimberly Dozier, Daily Beast, April 17,
2017
6. “Is Trumps Axis of Adults Beating Down
the Cabal of Crazies?”, Max Boot, Foreign Policy, April 18, 2017
7. “The
Brilliant Incoherence of Trump’s Foreign Policy”, Stephen
Sestanovich, Atlantic, May
2017 Issue
NQD.
27/4/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét