Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Tin buồn


TIN BUỒN


Bữa nay gặp mặt anh em ngoại giao cũ bọn tôi "tự nguyện" hội vui với nhau. Vừa tan cuộc trở về thì nhận email Nhật Tuấn từ Sài Gòn.

Nhà văn phương Nam báo tin nhà văn Hoàng Yến vừa mất, hưởng thọ 90 tuổi. Trong thư Nhật Tuấn bảo tôi đăng trên mạng tin của anh báo để bạn bè, anh em viết lách trong Nam ngoài Bắc mình cùng biết.

Nếu coi chuyện anh em bọn tôi ngồi vài ba tiếng đồng hồ trước là chuyện vui, thì ập đến là ngay một chuyện chia ly, đau buồn rồi. Đời người chả biết thế nào...

Đành rằng ở tuổi anh Hoàng Yến, sự ra đi cũng là quy luật tạo hóa, nhưng thử ngoảnh lại nhìn vào cuộc đời và cơ nghiệp văn chương chữ nghĩa, cũng như cách sống nhiều năm nay anh Hoàng Yến chọn cho mình, không người viết nào lại không dâng trào một niềm thương cảm xen lẫn sự nể trọng kính phục.

Xin mời bạn bè chia sẻ với lời thông báo phân ưu của nhà văn Nhật Tuấn dưới đây.

Xin kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà văn Hoàng Tiến. 

 

Nguyễn Vĩnh blog

 

--------

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN HOÀNG YẾN




Nhà văn Hoàng Yến (15-10-1922), sinh tại Hòa Vang, Quảng Nam Hội viên sáng lập Hội nhà văn 1957, thân phụ nhà văn Hiền Phương, đã trở về nơi vĩnh hằng vào 19 giờ 30 ngày 23 tháng 2 -2012 tức ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Thìn tại tư gia ở Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Yến tham gia cách mạng từ 1942, chủ sự phòng tư pháp Công an Trung Bộ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông đưa gia đình ra khu 4 làm thư ký tòa soạn báo khu 4, thư ký riêng của ông Nguyễn Chí Thanh, chuyển sang sư đoàn 304 tham gia nhiều chiến dịch, kể cả Điện Biên Phủ.
Năm 1957, tập thơ “Tình người soi dặm đường” (NXB Hội nhà văn) của Hoàng Yến ra đời với giọng điệu đa cảm khiến vài cây bút phê bình “mao ít hơn cả tuyên huấn” phê phán kịch liệt. Tập thơ đó đã dẫn tới một vụ “án văn chương” âm thầm không qua “xét xử” . Nguyên do Hoàng Yến viết một bài phê bình thẳng thắn thơ Tố Hữu đăng báo Nhân Dân khiến ông này nổi giận, quy tội "phản động" bắt Hoàng Yến đi cải tạo lao động 3 năm tại Văn Lĩnh (Phú Thọ) . Sau khi ở tù ra , ông không in thơ nữa, chuyển sang viết tiểu thuyết lích sử , kịch bản sân khấu và chuyển công tác sang Cục sân khấu Bộ Văn hóa Thông tin.
Nhà văn Hoàng Yến viết khá nhiều , nổi bật là:
“ Câu thơ yên ngựa” (Tiểu thuyết lịch sử )
“ Chân mây khép mở”( Tiểu thuyết lịch sử (1991)
“ Thanh gươm cô đô đốc “ - Tuồng, có tiếng vang lớn, được gửi đi Paris công diễn.
“ Hình và bóng” kịch nói, gây chấn động dư luận , tuy nhiên chỉ sau hai đêm diễn ở Hải Phòng, vở kịch đã bị cấm.
“ Kẻ trôm nước trời” ( Tiểu thuyết 1996)
“ Suối Hoa”
“ Đêm Tiền Hải”
“ Lý Thường Kiệt”
và nhiều tác phẩm khác...
Ông từng được nhiều giải thưởng: 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho các kịch bản sân khấu.
Nhiều năm nay nhà văn Hoàng Yến sống lặng lẽ, xa lánh hẳn những hoạt động ồn ào của Hội nhà văn VN, tức cách sống như vô vi, coi cuộc đời và văn chương như giấc mộng thoảng qua...
Linh cữu quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q3, TP Hồ Chí Minh từ ngày 24-2-2012.
Vĩnh biệt ông – vĩnh biệt một nhà văn tài năng, một con chim chỉ hót trong bóng tối.
Xin trân trọng gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhà văn Hiền Phương cùng gia quyến.

Nhật Tuấn
(Nguồn: Blog Nhật Tuấn)




Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...