Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010
Báo chí và nghề nghiệp báo chí
Đầu xuân con Cọp, có ít dòng khai bút về nghề nghiệp.
Báo chí được định nghĩa như tấm gương phản ánh xã hội và người làm báo chính là thư ký của đời sống, của thời đại.
Làm được sứ mệnh thư ký cuộc sống thư ký thời đại, làm được tấm gương phản ánh xã hội thì tất nhiên báo chí cần được tự do và tự do báo chí như thể một khế ước xã hội cần được thiết lập và tôn trọng.
Thời đại nào, thể chế nào hiểu được vai trò quan trọng của báo chí thì thường biết tạo điều kiện cho báo chí và những người làm nghề báo phát huy cái sứ mệnh cao quý được nêu trên, điều ấy giúp ích cho xã hội. Làm khác đi thì xã hội, và lâu dài hơn là lịch sử, nhất là lịch sử của một đất nước một dân tộc, sẽ bị những thua thiệt.
Nói đến báo chí người ta hay nói đến tự do báo chí. Cụm từ này đương nhiên có nhiều cách cắt nghĩa, nhiều cách vận dụng. Tuy nhiên cái nội hàm tối thiểu của nó cần phải có là báo chí phải được tự do và người làm báo có sự tự do trong hành nghề.
Ai cũng hiểu tự do không có nghĩa là tự do bừa bãi, tự do vô tổ chức. Tự do của người làm báo, tự do của báo chí cũng nằm trong khung cảnh xã hội chung, trong đó nhiều nghề nghiệp khác nhau, nhiều thể chế định chế xuất phát từ khế ước xã hội chung nó va đập tác động vào nhau, mà tự doa báo chí không thể vượt thoát những câu thúc ràng buộc lẫn nhau đó.
Người làm nghề báo đương nhiên phải có sự độc lập trong nhận thức và tư duy. Thứ độc lập cần thiết mà những người cầm bút đứng trước thực trạng xã hội mà mình lựa chọn phản ánh.
Nhớ lại các thời kỳ xã hội trước đây, Hồ Chí Minh từng viết về tự do báo chí như sau:
Tây cốt làm dân ta ngu, làm cho dân ta hèn. Ngu thì phải hèn. Ta ngu hèn thì nó dễ trị, dễ ăn hiếp, dễ bóc lột. Chính nó là cách bưng mắt. Nó không cho ta tự do ra báo chí. Nên trong nước và thiên hạ có việc gì lạ cũng không biết.
Chính đó cũng là một cách lừa gạt.
Một bậc cộng sản tiền bối xuất sắc khác - ông Phan Đăng Lưu*- ngay từ thập niên 1930 đã khái quát tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Bởi theo ông vì nhiều lẽ:
- Khi các báo được tự do xuất bản thì chỉ những tờ báo có dân chúng ủng hộ mới có thể sống, còn không thì chết hoặc sống ngắc ngoải, chẳng có ảnh hưởng gì đáng sợ.
- Một tờ báo đã sống, đương nhiên nó đại diện cho một tầng lớp dân chúng, nó diễn đạt tất cả hoài vọng và chí hướng của đám dân ấy. Nhà cầm quyền muốn cai trị được hoàn thiện, không thể bỏ qua những hoài vọng hoặc chí hướng của đám dân này. Tất nhiên cũng cần đọc hết tờ báo ấy.
- Một tờ báo nói vượt qua trình độ dân chúng, kêu gào dân chúng làm những việc tày trời không bao giờ dẫn đạo được dân chúng, sẽ bị dân chúng gạt qua bên mặt trận nghịch thù.
- Một tờ báo sống một cách mạnh mẽ, có ảnh hưởng trong dân chúng, đưa ra những vấn đề trái ngược với quyền lợi của nhà cầm quyền, cũng chẳng có hại cho cuộc trị an. Nó chỉ là một tiếng còi báo trước cho chánh phủ hãy thay đổi chính sách cai trị đi để chuộc lòng dân.
Căn cứ vào những lẽ đó, chúng tôi quả quyết rằng tự do báo chí không bao giờ có hại cho nhà cầm quyền. Có hại chăng là một chánh sách cai trị hẹp hòi, đi ngược với sự tiến hóa của dân chúng mà thôi.
Xem đó thì báo chí lúc nào cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng và tự do báo chí thật sự là cần thiết cho xã hội.
Nguyễn Vĩnh
---------------------
* Phan Đăng Lưu (1902-1941) là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông sinh ra tại xã Tràng Thành (nay là Hoa Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông tốt nghiệp Trường Canh nông và tham gia Hội Phục Việt (sau đổi thành Tân Việt Cách mạng Đảng) làm đến chức uỷ viên Tổng bộ. Từ đó ông lien tục hoạt động cách mạng, từng giữ nhiều trọng trách trong đảng. Năm 1940, ông tham dự Hội nghị VII của Ban Chấp hành trung ương Đảng, tại đây ông được bầu là Ủy viên Thường vụ và được phân công chỉ đạo phong trào ở Nam Kỳ. Trung ương Đảng đã cử ông vào Nam Kì để thông báo hoãn cuộc khởi nghĩa. Ngày 22 tháng 11 năm 1940, ông bị bắt khi vừa về đến Sài Gòn do kế hoạch bị bại lộ. Ngày 18 tháng 8 năm 1941, ông bị thực dân Pháp kết án tử hình và bị bắn ở Hóc Môn.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...