Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2018

Tin nóng: Đằng sau sự hủy cuộc gặp Mỹ - Triều

Tin nóng: Đằng sau sự hủy cuộc gặp Mỹ - Triều

Vừa qua thế giới thở phào nhẹ nhõm khi 2 miền Bắc Nam bán đảo Triều Tiên gặp nhau, kế đó có thông tin gặp thượng đỉnh Mỹ - Bắc Triều Tiên (đã đi đến định ngày hẳn hoi, là 12/6 tại Singapore). 

Nghĩ là sẽ dần dần có thương lượng và hòa bình cho vùng đất Đông Bắc Á, nhưng rồi lại đổ vỡ vì 2 vị thủ lĩnh Bắc Triều Tiên và Mỹ cùng "chơi chảnh". Mới đầu lời qua tiếng lại như kiểu "dọa nạt" nhau, mặc cả với nhau. Và rồi đi đến đổ vỡ, không gặp nhau nữa. 

Sự hủy gặp này là ông tổng thống Mỹ gửi thư giấy trắng mực đen đàng hoàng cho nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên.
  
24 tiếng đồng hồ đã qua kể thừ lúc công bố lá thư, thế giới đủ kiểu bình luận, nhận định. 

Chủ blog có đọc nhiều bài, trong số đó có một bài viết sau đây có thể tham khảo được do bởi các nhận xét chính trị nghiêm trang lại xen kẽ với lời lẽ dân dã, đường phố. Như vậy khi đọc bài ít khô khan, căng thẳng mà trái lại có sự thú vị riêng của nó. Xin phép tác giả bài viết đưa bài lên trang nhà.

Vệ Nhi g-th

------

Ảo thuật chính trường

By Peter Pho

Những gì xẩy ra trên chính trường đều như ảo thuật, thiên biến vạn hoá, tuyệt đối không có một kịch bản nhất định. Hơn nữa, cầm chịch cuộc chơi lại là những cao thủ số một của thế giới - Những khối óc Do Thái lạnh băng và thâm hiểm. Khi tôi viết những bài về Un, lần một, lần hai ghé thăm quan thầy Bắc Kinh trong đấy tiềm ẩn những lo ngại của Un và cả của Tập về ván cờ này. Tập dậy cho Un cách ra bài tiếp theo là những nước cờ thực tế vẫn cứ đi, ví dụ như thả ba tù nhân Mỹ, phá hủy điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, nhưng lại đưa ra chỉ trích cuộc tập trận chung thường niên của không quân Hàn-Mỹ mang tên "Sấm sét cực đại" (Max Thunder) và dọa hoãn gặp mặt. Tập e ngại sự hiện diện quân sự của Mỹ tại bán đảo Triều Tiên ngay trước ngõ nhà mình nên đã chỉ đạo Un, cộng thêm sự lo ngại của Un với con bài ngửa của Trump về điều kiện đặt ra với Triều Tiên trên bàn hội nghị là: Yêu cầu hủy bỏ vũ khí sát hại hàng loạt của Triều Tiên một cách vĩnh viễn, có kiểm chứng, tháo dỡ không thể lặp lại” (permanent, verifiable, irreversible dismantling of North Korea’s WMD program). Như vậy sẽ hoàn toàn không được như ý Un và Tập yêu cầu tiến hành hủy bỏ theo giai đoạn. Hủy bỏ theo giai đoạn sẽ chỉ là trò bịp không thành ý mà chỉ có Obama mới bị lừa vì hám danh Nobel Hoà Bình. Nhưng đối với Trump và phe diều hâu thì đừng hòng lừa được. Cả Tập và Un một lần nữa đều đánh giá sai cách làm việc của người Mỹ, lấy ví dụ, một công dân Trung Quốc bị nước ngoài bắt giữ, Trung Quốc có thể hy sinh mạng người đó để không muốn gây hấn với nước bắt giữ. Nhưng với Mỹ, sẵn sàng xả thân dù tốn kém bao nhiêu cũng chơi, dù có mất quan hệ với nước đó cũng chơi, bố mày đã nói thì các con phải tin, đừng nghi ngờ và hiểu rõ rằng ưu tiên đảm bảo an toàn cho công dân Mỹ ngang tầm với bảo đảm an ninh quốc gia.

Có một bạn hỏi tôi về tình trạng đàm phán sắp tới sẽ ra sao? Tôi chỉ trả lời rằng “rắc rối và kinh hoàng”. Đến nay thì nước cờ lại thay đổi. Bởi lo sợ, không thành ý và không nắm bắt được cách làm việc của người Mỹ nên Tập xui Un ra đòn giả vờ lấy cớ cuộc tập trận “Max Thunder” mà tung tin có thể hoãn cuộc gặp mặt. Qua đó muốn tăng thêm áp lực cho Trump và may ra thực hiện được ý đồ hủy bỏ theo giai đoạn. Hủy bỏ theo giai đoạn thì Un sẽ được kéo dài thời gian chơi trò đi trốn đi tìm, vẫn giữ được cán dao, vẫn còn tác dụng dọa dẫm thế giới từ đó vẫn thu được lợi ích cho mình, có tiếng, vẫn có miếng. Còn Tập thì lại thu được lợi ích khác từ con bài Un, đứng sau lưng chỉ trỏ, ra bài với Mỹ trong các cuộc đối đầu về mậu dịch, về chính trị khác.

Ngày 24 tháng 5 là một ngày có những tin tức nặng ký:

1. Triều Tiên phá hủy điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Đúng 11 giờ, cho nổ tung hầm đạo số 2, nơi đã từng dùng để tiến hành 5 cuộc thử hạt nhân. Sau đó vào lúc 2 giờ 17 phút, cho nổ phá hủy hầm đạo số 4, mới toanh chưa sử dụng. Kế tiếp 30 phút sau, dỡ bỏ năm toà nhà nằm trong khu thử nghiệm. Hầm đạo trọng yếu số 3 cũng được cho nổ phá hủy vào lúc 4 giờ 02 phút chiều. Đến 4 giờ 17 phút sau khi phá hủy nốt hai doanh trại quân sự và nghi thức phá hủy kết thúc.

2. Cùng ngày 24 tháng 5 theo giờ Washington, sau khi Triều Tiên phá hủy xong điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri. Trump ra con bài “Át Nhép”, thông báo cho Un hủy bỏ cuộc gặp mặt. Tập và Un chết lặng.

3. Chỉ ít phút sau, Bộ quốc phòng Mỹ thông báo với bộ quốc phòng Trung Quốc rút lời mời Trung Quốc tham gia vào tập trận hải quân Thái Bình Dương quy mô lớn vì động thái được cho là “tiếp tục quân sự hóa” trên Biển Đông của Bắc Kinh.

Ba cái tin giật gân này tưởng như không liên quan, nhưng nó lại dính dáng mật thiết vào nhau. Đây công nhận cũng là một tính toán theo kiểu thương gia của Trump, đòi giá, trả giá, thay đổi khôn lường, không sợ thất tín, chê bai, đấy cũng là một biểu hiện logic chính trị theo chủ nghĩa hiện thực mới mà Trump đang ứng dụng.

Tại sao Trump lại đưa ra tuyên bố hoãn cuộc gặp mặt sau khi Bình Nhưỡng đã phá hủy bãi thử nghiệm và thả ba tù nhân Mỹ? Đấy là phong cách của Trump kết hợp hàng loạt những sự việc xẩy ra từ khi hai bên đồng ý ngồi xuống với nhau. Cuối cùng đều nhằm một mục đích dành quyền chủ động khi đàm phán. Khi Un tỏ ý có thể hoãn cuộc gặp mặt thì lợi thế nằm phía Un. Sau khi Trump tuyên bố chính thức hoãn cuộc gặp mặt thì lợi thế lại nghiêng sang Trump.

Trên thực tế, Trump không hài lòng về cách làm việc của Moon Jae-in Tổng thống Hàn Quốc trong vấn đề này. Moon Jae-in quá chủ động tiếp xúc với Un và Tập, cho rằng chìa khoá cửa chính nằm ở hai người này mà có chút lơ là với quan thầy Mỹ. Trong cuộc viếng thăm trước đây của Moon Jae-in đến Washington, Trump đã biểu lộ ra vẻ mặt lạnh nhạt với Moon, tỏ ra chán chường khi nhìn mặt Moon Jae-in. Điều này khiến các ký giả Hàn Quốc bất bình, cho rằng Trump quá coi thường thậm chí vô lễ với người đứng đầu nước mình. Với cách đối xử như vậy đã phản ảnh rõ rệt sự bất mãn của Trump đối với chính phủ của ông Moon Jae-in trong khuôn khổ cuộc gặp với hy vọng đem lại hoà bình ở bán đảo Triều Tiên. Trump bực mình cũng có lý của lão. Lý do bắt Un phải quy tụ chính bởi do sức ép từ Mỹ. Nhưng bước sang năm 2018, cục diện thực tế của bán đảo lại do hai bên Triều - Hàn chủ động gặp gỡ thương thuyết trong đấy lại có thêm sự điều tiết từ Bắc Kinh. Như vậy khiến tác dụng của Mỹ bị giảm mạnh, có cảm giác như mình bị rơi vào cảnh yếu thế, bị qua mặt, bị loại khỏi biên, quyền chủ đạo bị mất dần và không khéo còn bị rơi vào tay Bắc Kinh.

Giành lại thế chủ đạo, gây sức ép cho Trung, Hàn, Triều, lấy thêm một con bài tốt, đưa bóng vào gần khung thành Triều Tiên để mong muốn một trận đấu mà phần thắng chắc chắn trong tay. Đấy là những điểm mà Trump mong muốn. Trump và các cố vấn Do Thái đều đánh giá rằng, nếu vẫn đi tiếp đến cuộc gặp mặt này thì kết quả vẫn là 0 - 0. Với tính cách của Trump sẽ phủi áo đứng lên dời bàn hội nghị. Còn Un cũng chẳng sợ hãi gì bởi có Tập dựa lưng, 1.000 anh em bác học, khoa học, nhân viên kỹ thuật với kinh nghiệm, dữ liệu còn đó. Chỉ cần anh Tập cho ít tiền và dầu lửa, huy động sức mạnh toàn dân, chỉ 3 tháng sau, một bãi thử nghiệm mới sẽ hình thành.

Peter Pho

Nước Nga lúc này nghĩ gì về Trung Quốc?

Nước Nga lúc này nghĩ gì về Trung Quốc?

Thế giới dù thay đổi, bây giờ Trung Quốc lớn mạnh lên, nhưng cái tam giác quyền lực của thế giới vẫn không thay đổi là Mỹ - Nga và Trung Quốc.

Nhắc thế vì khi còn Liên Xô thì tam giác quyền lực thế giới khi đó vẫn là Mỹ - Trung - Xô.

Các quốc gia khác, ngay cả sức mạnh kinh tế ghê gớm của Nhật Bản và bên phía Tây là khối EU phát triển và cường thịnh cũng không thể gây khó khăn đáng kể cho 1 trong 3 "siêu cường" kể trên.

Dưới góc nhìn và những tư liệu mới, bài viết nghiên cứu dưới đây cho chúng ta thấy những người Nga đang suy nghĩ như thế nào trước sự vươn dậy của Trung Quốc. Bài đáng đọc.

Xin phép các tác giả đưa bài lên trang nghà.


Vệ Nhi g-th

-------

 

Người Nga nghĩ gì trước sự trỗi dậy của Trung Quốc?

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Ngô Đại Huy (Trung Quốc) | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành

Giới thiệu của người dịch: Việc Trung Quốc (TQ) nhanh chóng trỗi dậy đã gây ra ở người Nga những tâm lý trái ngược. Mối quan hệ Nga- TQ hiện đang phát triển ổn định. Nga chủ trương vừa hợp tác vừa đề phòng, vừa nhờ vả vừa nghi ngại. Đồng thời ở Nga cũng xuất hiện luận điệu “TQ đe doạ” và “TQ sụp đổ”.  Bài viết rất công phu dưới đây của tiến sĩ Ngô Đại Huy, công tác tại Viện Nghiên cứu Nga-Đông Âu-Trung Á đăng trên tạp chí “Ngoại giao TQ” số 2/2006 phân tích kỹ thái độ của Nga đối với TQ. Bài rất dài, khi dịch đã rút gọn.  

Mối quan hệ Nga-TQ phát triển tốt kể từ năm 1992, khi hai nước coi nhau là quốc gia hữu hảo, năm 1994 xác lập quan hệ bạn bè có tính xây dựng, năm 1996 nâng lên quan hệ hợp tác chiến lược, năm 2001 ký “Hiệp ước hợp tác hữu hảo láng giềng” và năm 2004 nguyên thủ hai nước giải quyết vấn đề biên giới cuối cùng.

Nhưng đồng thời về phía Nga cũng xuất hiện những hoà âm trái tai. Cuối năm 2002, công ty dầu mỏ TQ buộc phải rút khỏi cuộc đấu thầu cổ phần công ty dầu mỏ Slav của Nga, năm 2004 Nga thay đổi tuyến đi của đường ống dẫn dầu Viễn Đông – hai việc này cho thấy phía Nga có cảm giác cực kỳ không an toàn về TQ.  Gần đây, luận điệu “TQ đe doạ” thường xuyên xuất hiện ở Nga. Trên tạp chí “Các vấn đề Viễn Đông” số 1/2002,  A. Jakovlev viết bài bình luận về quan điểm “TQ là kẻ thù số 1 của Nga” của A. Sharavin Giám đốc Viện Nghiên cứu phân tích chính trị quân sự Nga, được coi là “bộ óc thứ hai” của Tổng thống Putin. Báo “Sự thật Thanh niên cộng sản” (báo lớn nhất ở Nga) số ngày 21/8/2004 đăng ý kiến của A. Rempelj, nhà chiêm tinh nổi tiếng nhất Viễn Đông, rằng “Trước năm 2040, vùng Primorje sẽ trở thành lãnh thổ TQ” … Tóm lại thái độ của Nga đối với TQ trỗi dậy là vừa nhờ cậy vừa sợ hãi, vừa hợp tác vừa đề phòng.

1. TQ trong quá trình trỗi dậy là lực lượng Nga có thể nhờ cậy

Nhìn chung, tầng lớp tinh hoa của Nga nhất trí 4 quan điểm cơ bản sau đây về tình hình quốc tế 20 năm đầu thế kỷ 21 : 1) Mỹ vẫn là nước mạnh nhất thế giới;  2) Sau 20 năm đó, TQ sẽ trỗi dậy thành nước mạnh nhất thế giới;  3) Nga vẫn là một nước lớn ở thời kỳ đang phục hồi, song chỉ là nước lớn trong quá khứ, không phải trong tương lai;  4) Không nước nào có thể một mình ngăn nổi chủ nghĩa đơn phương của Mỹ. Từ đó suy ra Nga trong 20 năm đầu thế kỷ 21 phải quan tâm TQ vì TQ có thể trở thành quốc gia quan trọng nhất để Nga dùng làm đối trọng với Mỹ. Giám đốc Viện nghiên cứu chính trị Nga B. Mironov nói: “Chỉ TQ mới có thể đối chọi được với phương Tây do Mỹ đứng đầu.” Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada S. Rogov nói: “Phát triển quan hệ với TQ và Ấn Độ mới có thể tăng được vị thế của Nga trong quan hệ với phương Tây”.

Nga tin rằng trong 20 năm đầu thế kỷ 21 TQ sẽ là bạn bè chiến lược của Nga, không những vì TQ ngày càng mạnh mà còn vì :  – TQ cần Nga hợp tác để đối phó với Mỹ; sức ép của Mỹ đối với TQ lớn hơn với Nga;  – Sự trỗi dậy  của TQ có tính chất hoà bình, TQ cần môi trường phát triển ổn định; ít nhất trong quá trình trỗi dậy TQ sẽ không áp dụng chiến lược bành trướng đối với Nga. Tóm lại, ít nhất sau đây 20 năm sự hợp tác Nga-TQ vừa cần thiết lại vừa có khả năng; nó có tính chiến lược (vì xuất phát từ lợi ích lâu dài và toàn bộ) và tính nhờ vả (muốn nhờ TQ để đối chọi Mỹ). Giới tinh anh Nga cho rằng sự hợp tác Nga-TQ nhằm mục đích nhờ vả TQ chứ không ỷ lại TQ. D. Trenin Giám đốc Quỹ Carnegie Moscow nói: Chiến lược đối với TQ “nhằm xây dựng mối quan hệ hữu hảo bình đẳng có lợi cho Nga chứ không làm Nga phụ thuộc vào TQ”.

Sự nhờ cậy chiến lược trong 20 năm tới chủ yếu tập trung trên 4 lĩnh vực:
  1. Đề phòng Mỹ khống chế các tổ chức quốc tế mà nòng cốt là Liên Hợp Quốc (LHQ), tổ chức quốc tế quan trọng nhất; không thể để Mỹ chi phối việc cải cách LHQ; phải hợp tác với TQ trong các tổ chức toàn cầu khác trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, tiền tệ, thương mại.
  2. Tăng cường hợp tác trong tiến trình xây dựng cục diện mới khu vực. Nga cho rằng xây dựng cục diện mới của mỗi vùng đều là một phần của cục diện thế giới mới. Trung Á, Trung Đông, bán đảo Triều Tiên đều đứng trước sự tổ hợp lại lực lượng, TQ hoặc Nga để không thể một mình ngăn được sự thâm nhập của phương Tây. Ngay cả một số nước SNG cũng đã có thay đổi chính trị, Nga không còn “sân sau” nữa.
  3. Tránh để các cơ chế kiểm soát quân sự quốc tế bị Mỹ hoàn toàn chi phối. Mỹ đang giữ vị trí chủ đạo trong các cơ chế này. Nga và TQ đang hợp tác chặt chẽ tránh vũ khí hoá vũ trụ, lạm dụng vũ lực trên vấn đề cấm phổ biến vũ khí sát thương hàng loạt
  4. Gửi hy vọng vào việc đáp con tàu nhanh của TQ. Trong 20 năm Nga phải tập trung phát triển quốc lực, muốn vậy phải khai thác thị trường TQ. Nga muốn gắn sự phát triển miền Đông với sự phát triển nhanh chóng của TQ; đến năm 2010, chậm nhất 2015, buôn bán Nga-TQ phải bằng mức buôn bán với Hàn Quốc, với Nhật.
Gần đây Nga và TQ có lập trường quốc tế giống nhau, song một số học giả và chính khách Nga lại cho rằng điều đó chỉ thể hiện ảnh hưởng của TQ đang tăng chứ không động chạm đến lợi ích đôi bên. Thí dụ, TQ coi Tổ chức Hợp tác Thượng Hải là bước thí nghiệm sự nhất thể hoá khu vực có TQ tham gia, nhưng Nga chưa coi trọng tổ chức này.

Tuy vậy, tuyệt đại đa số người Nga cho rằng nhờ cậy ảnh hưởng quốc tế ngày càng mạnh của TQ để xác lập địa vị nước lớn của Nga trong 20 năm đầu thế kỷ 21 là phù hợp lợi ích chiến lược của Nga. Ngay Sharavin cũng nói sự đe doạ của TQ không phải là hiện nay, mà là sau khi TQ trỗi dậy, tức 20 năm sau, thậm chí lâu hơn, TQ sẽ trở thành mối đe doạ quân sự lớn nhất, thực tế có khả năng nhất, duy nhất của Nga. Học giả A. Devtov nói: theo đà tăng quốc lực của TQ, sự đe doạ đó sẽ chỉ tăng không giảm, hợp tác Nga-TQ sẽ ngày một lỏng lẻo, thậm chí ngừng lại và xuất hiện xung đột quân sự, dự kiến “Có thể khi hiệp định hợp tác hữu hảo Nga-TQ hết hạn (2020) sẽ là ngày Nga tiến hành xung đột biên giới gay gắt với TQ vì bị mất một phần lãnh thổ”.

2. “TQ sau trỗi dậy có thể là mối đe doạ chính đối với Nga”

Từ giữa thập niên 90 thế kỷ 20, Nga luôn luôn nhắc tới  luận điệu này. Sharavin nói TQ sau 20 năm nữa sẽ trở thành “Mối đe doạ thứ 3” mạnh hơn rất nhiều so với chiến tranh Chesnya và Kosovo. Sharavin và những người cổ suý thuyết “TQ đe doạ” cho rằng sau khi trỗi dậy, TQ sẽ đe doạ an ninh của Nga. Quan điểm của họ thể hiện trên các mặt:
  1. Thuyết “Lãnh thổ cũ trở về TQ”. Đây là quan điểm phổ biến ở Nga. Sharavin nói: Chính phủ TQ có dã tâm lãnh thổ đối với Nga, vì thế dung túng cho báo chí TQ làm om xòm vấn đề này. “Chớ nên chỉ quan tâm vụ tranh chấp 4 đảo nhỏ với Nhật”, “Vấn đề biên giới Nga-TQ như quả bom nổ chậm”. “Lực lượng tấn công mạnh của TQ tập kết ở vùng tuyến đầu biên giới, tuy cách đường biên 200km, nhưng cự ly này không đáng kể”. Chính sách hiện nay của TQ chưa gây ra đe doạ, “nhưng 10 năm nữa, ai có thể bảo đảm TQ không chia cắt bản đồ Nga?” Giám đốc Trung tâm Dự báo quân sự A. Tsyganok (thuộc Viện của Sharavin) cho rằng “TQ luôn có dã tâm lãnh thổ”, “Nguy hiểm ở chỗ biên giới hai nước còn có những đoạn tranh cãi; người TQ không chỉ một lần nhấn mạnh họ sẽ không từ bỏ lãnh thổ vốn có của họ bị Nga chiếm hồi thế kỷ 17-18”; sau khi mạnh lên, TQ tất nhiên sẽ thu hồi các lãnh thổ này, Nga-TQ rất có thể nổ ra chiến tranh hạt nhân, vì “TQ hiện có 450 đầu đạn hạt nhân: 150 đầu đạn hạt nhân chiến lược, 150 bom hạt nhân, và 150 đầu đạn pháo hạt nhân”.
  2. Thuyết “Bành trướng dân số dư thừa”. 10 năm trước, quyền Thủ tướng Nga hồi ấy là Egor Gaida nói: tại vùng tiếp giáp hai nước “mật độ số dân TQ gấp 100 lần của Nga. Tổng số dân TQ gấp 8 lần Nga”, “Sự suy thoái của chúng ta và đất đai rộng rãi vùng Viễn Đông của ta chưa khai thác chính là miếng mồi nguy hiểm”. Tsyganok cho rằng TQ luôn dùng cách di dân bất hợp pháp để lặng lẽ tiến hành “bành trướng kiểu bò dần”. Một cuộc thăm dò ý dân vùng Viễn Đông cho thấy 50% số người nói sau 10 năm nữa, dân di cư của TQ sẽ chiếm 20-40% số dân vùng này; 20% nói tỷ lệ đó tới 40-60%.
  3. Thuyết “Tranh cướp nguyên vật liệu” dựa trên cơ sở cho rằng TQ do kinh tế phát triển nhanh đã trở thành “mãnh thú năng lượng”; để giành được nguồn cung cấp nguyên vật liệu, sau khi đã dùng hết các biện pháp hoà bình, TQ sẽ dùng vũ lực cướp đoạt nguyên vật liệu của thế giới, trước hết từ các nước xung quanh. Sharavin nói, TQ thiếu tài nguyên, sau 20 năm nữa sẽ không còn sức để duy trì kinh tế phát triển “cho nên nhất định TQ sẽ xâm lược và cướp nước Nga giàu tài nguyên”.
Sau nhiều năm cố gắng tuyên truyền của Chính phủ TQ, “thuyết TQ đe doạ” đã phai nhạt dần ở phương Tây và Đông Nam Á, thế nhưng nó vẫn tồn tại ở Nga, đó là bởi vì  :
  1. Người Nga không thể xoá được ký ức lịch sử. Vùng Viễn Đông là khởi nguồn của “Thuyết TQ đe doạ”, do tính hợp pháp của việc nước Nga Sa hoàng xâm chiếm lãnh thổ TQ vẫn là gánh nặng tâm lý của người Nga; Viễn Đông là tuyến đầu trong thời kỳ Liên Xô -TQ đối đầu 30 năm trước; hồi ấy LX tốn 300 tỷ rúp để củng cố vùng này, hơn gấp 2 ngân sách bình quân năm của LX thập kỷ 80. Tình cảm đối địch với TQ ngày ấy không thể tan hết ngay.
  2. Hiện thực tương phản không ngừng tăng. GDP của TQ hiện gấp 5 lần Nga, số dân gấp 9 lần. Ưu thế cũ của Nga về mức sống, trình độ giáo dục, sức mạnh quân sự (kể cả vũ khí hạt nhân) so với TQ đang bị thu hẹp, thậm chí bị TQ đuổi kịp. Thập kỷ 50 thế kỷ XX, Viễn Đông là nơi viện trợ chính cho TQ, ngày nay lại là nơi khao khát nhận viện trợ của TQ nhất. Mối quan hệ bạn bè không còn cân đối nữa.
  3. Các sai sót của phía TQ bị lợi dụng. Sai sót lớn nhất là để cho các thương gia TQ kém phẩm chất và hàng giả hàng xấu của TQ tràn sang Nga. Các nhà tư bản Nga mới phất không muốn tạo ưu đãi cho đầu tư nước ngoài lợi dụng dịp này cổ vũ thái độ bài Hoa.
  4. Phương Tây thừa cơ cổ suý. Mỹ luôn khiêu khích quan hệ Nga-TQ mà “Thuyết TQ đe doạ” là một công cụ. Công ty tư vấn Mỹ Rand mới đây đưa ra báo cáo nghiên cứu “Trước năm 2020 chiến tranh Nga-TQ không thể tránh khỏi”. Đài truyền hình Nga ở Viễn Đông còn dựng phim về chuyện này.
3. “Tương lai của TQ trỗi dậy vẫn tồn tại sự bất định rất lớn”

Gần đây Nga đặc biệt quan tâm đến việc liệu TQ có thể giữ được xu thế phát triển bền vững hay không. Một số người thuộc tầng lớp tinh hoa Nga cho rằng tương lai của TQ có nhiều “tính không ổn định” thậm chí tồn tại khả năng “TQ sụp đổ”. Họ bàn luận vấn đề này vì các lý do: Thù ghét TQ;  Đề phòng Nga bị TQ thất bại kéo theo xuống hố;  Cảnh giác với việc hợp tác Nga-TQ.

Theo người Nga phân tích, TQ có tương lai bất ổn hoặc sụp đổ là do 4 khả năng sau:
  1. Tính không xác định của mô hình phát triển”. Tăng trưởng kinh tế TQ 20 năm qua xây dựng trên cơ sở nhân công rẻ, tiêu hao năng lượng lớn nhất và phá hoại sinh thái nặng nhất; mô hình đầu vào cao đầu ra thấp này đang đi vào ngõ cụt.
  2. “Tính không xác định của việc cải cách chính trị chậm”. Nhiều học giả và chính khách Nga nghi ngờ TQ do đảng Cộng sản lãnh đạo, cho rằng xã hội và kinh tế TQ vẫn đang ở thời kỳ quá độ, lưu giữ các thành phần cơ chế chủ nghĩa quyền lực, phân hoá xã hội ngày càng nặng; “mâu thuẫn giữa đa nguyên hoá kinh tế với đảng độc quyền nắm chính trị ấp ủ nguy cơ chính trị nghiêm trọng”; cải cách chính trị tụt hậu xa so với phát triển kinh tế; mâu thuẫn giữa cơ sở kinh tế phát triển với thượng tầng kiến trúc lạc hậu ngày càng gay gắt; thay ê kíp lãnh đạo đảng CSTQ không có nghĩa là cải cách chính trị.
  3. “Tính không xác định của thất bại khi dùng vũ lực giải quyết Đài Loan”. Nếu thế lực mạnh của bên ngoài can thiệp làm thất bại giải pháp vũ lực của TQ thì thế lực đó sẽ thừa cơ can thiệp vào nội chính của TQ.
  4. Tính không xác định của vấn đề dân tộc địa phương hóc búa”. Tây Tạng, Tân Cương sẽ có thể nổ ra bạo loạn sắc tộc. Cựu thứ trưởng ngoại giao, cựu đại sứ Nga ở Triều Tiên G. Kunadze giữ quan điểm này.
Nhiều người Nga cho rằng 4 nhân tố trên cũng liên quan đến an ninh quốc gia của Nga. “Nếu TQ không kiểm soát được tình hình chính trị thì sẽ xảy ra di dân quy mô lớn, nguy hại cho Nga”. Nếu Tây Tạng và Tân Cương nổi loạn thì an ninh quốc gia Kazakhstan và Nga sẽ bị ảnh hưởng, vì hai nước này có các hiệp định tương trợ, “Nga sẽ bị cuốn vào xung đột dân tộc Uygua với Kazak, Uygua với Hán tộc”.

4. Hai trái ngược trong tâm lý đối với TQ: Hợp tác trong đề phòng

Bản báo cáo nổi tiếng “Nước Nga thế kỷ XXI: chiến lược phát triển” của câu lạc bộ quốc tế “Thế hệ mới” viết: sự lớn mạnh và xáo động kịch liệt của TQ tương lai sẽ thách thức sự ổn định và an ninh của khu vực và toàn cầu. TQ lớn mạnh sẽ làm cho lãnh đạo TQ tích cực hơn trong việc tìm kiếm địa vị chủ đạo trong vùng, thậm chí thách thức địa vị lãnh đạo toàn cầu của Mỹ. TQ xáo động mạnh sẽ dẫn đến mất kiểm soát số dân, không tránh khỏi việc dân chúng tràn như nước lũ qua biên giới. Ngoài ra số lượng lớn vũ khí TQ tích luỹ được cũng sẽ mất kiểm soát.

Một mặt là sự nhờ vả lợi ích chiến lược, một mặt là tâm lý lo lắng sợ hãi, người Nga có tâm trạng phức tạp hai mặt trái ngược nhau đối với sự trỗi dậy của TQ. Chủ yếu thể hiện ở các mặt:
  1. Trên lĩnh vực chính trị quốc tế: vừa nhờ cậy TQ để đối chọi lại Mỹ, lại chủ trương ức chế TQ. Bản báo cáo nói trên viết: nên từ phía nam và đông nam (Đài Loan), phía bắc (Mông Cổ và Nga) xây dựng một liên minh trung lập để khống chế sự xâm lược của TQ về chính trị, ngoại giao, kinh tế, quân sự. Nên có biện pháp dự phòng và cảnh cáo để sử dụng khi thất bại trong việc ức chế xâm lược từ TQ.
  2. Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế: vừa muốn đáp chuyến tàu nhanh của TQ, lại chủ trương không viện trợ kinh tế TQ. Một số nhân vật tinh anh Nga phản đối bán dầu khí cho TQ, vì không những đó là dùng “dòng máu năng lượng” Nga nuôi kẻ địch tiềm tàng và khiến cho dòng máu ấy bị hút cạn, mà cuối cùng còn làm Nga trở thành nước xuất khẩu năng lượng, không thể hoàn tất chuyển đổi kinh tế, và do quá ỷ lại vào thị trường TQ mà trở thành thuộc địa nguyên liệu của TQ. So với TQ thì Nhật thích hợp làm bạn bè hợp tác của Nga hơn, có thể giúp Nga hiện đại hoá, vì Nhật chính trị ổn định, trình độ kỹ thuật và sức mạnh tài chính đều hơn TQ. Đây là quan điểm tiêu biểu của Nga.
  3. Trên lĩnh vực hợp tác quân sự: vừa muốn ổn định hiện trạng bán vũ khí cho TQ, lại chủ trương hạn chế chất lượng vũ khí xuất khẩu. Nga rất sợ mất thị trường vũ khí ở TQ, song vẫn có người đề nghị giảm hợp tác quân sự Nga-TQ, “lĩnh vực hợp tác duy nhất cần ngừng là bán cho TQ vũ khí tối tân của Nga, các vũ khí chưa trang bị toàn diện cho quân đội Nga”. “TQ đặt mục tiêu xây dựng quân sự là tiến hành tác chiến quy mô lớn trên đất và trên biển ở vùng biên giới, kể cả dùng vũ khí hạt nhân”. Điều đó cho thấy “TQ sau khi hiện đại hoá lực lượng vũ trang và giành được tiến bộ kinh tế lớn thì sẽ rất có thể theo đuổi chính sách bành trướng dựa vào quân sự”.
  4. Trên vấn đề thống nhất quốc gia: vừa mưu cầu TQ ủng hộ chính sách Chesnya của Nga, lại vừa chủ trương Nga có bảo lưu về vấn đề Đài Loan. Một số người Nga luôn nhắc nhở Chính phủ họ có thái độ lý trí trên vấn đề Đài Loan, việc ủng hộ TQ nên lấy giới hạn là không để nổ ra chiến tranh Đài Loan, vì điều đó không hợp lợi ích của Nga, trong khi buôn bán Nga-Đài Loan đến 2 tỷ USD. Nga chớ nên vì ủng hộ TQ dùng vũ lực đánh Đài Loan mà ảnh hưởng đến quan hệ với phương Tây. Người Nga còn lo nếu Mỹ can thiệp vũ lực vào Đài Loan thành công thì Mỹ sẽ can thiệp nội tình TQ, gây ra nội loạn ở TQ, do đó nguy hại an ninh của Nga. Một quan điểm khác là: nếu TQ hoà bình thống nhất được Đài Loan thì tiếp đó TQ sẽ chọc thủng biên giới ở chỗ nào ? Không loại trừ khả năng căng thẳng quan hệ TQ-Ấn Độ, TQ-Nhật, điều này sẽ làm Nga khó xử khi lựa chọn thái độ trên các vấn đề đó; “khi ấy TQ rất có thể nêu ra yêu cầu lãnh thổ với Nga”.
Điều đáng an ủi là trong tiến trình quan hệ giữa hai nước phát triển, mặc dù các tạp âm “TQ đe doạ” và “TQ sụp đổ” lúc ẩn lúc hiện, thậm chí có lúc bất chợt khuếch đại, song chính phủ và nhân dân hai nước Nga-TQ luôn luôn đặt việc hợp tác chiến lược lên địa vị quan trọng. Trong thực tế, sự hợp tác này đều ở địa vị chủ đạo không giao động, về tổng thể, trong mối quan hệ Nga-TQ thì hợp tác lớn hơn đề phòng, tín nhiệm lớn hơn nghi ngờ. Tư tưởng “Đời đời hữu hảo, mãi mãi không là kẻ địch” đang không ngừng đi sâu vào lòng dân hai nước./.

Nguyễn Hải Hoành lược dịch

-----
Nguồn: Tạp chí điện tử Nghiên cứu Quốc tế  

Thứ Hai, 21 tháng 5, 2018

Cần lắm một nếp sống văn hóa ăn uống


Cần lắm một nếp sống văn hóa ăn uống

Cũng từng ngồi quán bar ở London hay là các quán ăn trong dó có bán rượu, bia uống ngay tại chỗ, nhưng mình chưa bao giờ thấy thực khách xứ này nâng cốc, nâng ly "quá mức" tưng bừng, ồn ào như ở Việt Nam mình. Cái chính là người châu Âu không bao giờ muốn gây phiền, làm phiền lòng những người xung quanh. Đó là thứ văn hóa đã thấm vào máu ở những con người này.

Về bia rượu, nên nhớ đây là xứ sở của (rượu) whitsky lừng danh thế giới và cũng là một đất nước tiêu thụ nhiều loại bia rất ngon nhập của các nước làm bia giỏi, nhưng cái cách mà họ ăn uống ở nơi công cộng (ở nhà, ở các nơi thân hữu chắc càng như thế) là luôn luôn là sự chừng mực, lịch sự. Vui vẻ thì rất vui vẻ nhưng giữ ý tứ để không ồn ã, xô bồ.

Vậy thì đã đến lúc trong chúng ra, không chỉ người Hà Nội, mà người khắp các địa phương khác trên khắp quê hương Việt Nam mình đã đến thời điểm phải "chỉnh trang" lại nết ăn, nết uống. Chứ như hiện tại thì... tệ quá rồi.

Nhân đây xin phép bạn Tuệ Phong đưa lại bài bạn viết trên facebook cách đây hơn một tuần.

Vệ Nhi   

----- 

BÀI CỦA TÁC GIẢ TUỆ PHONG:

Đợt tôi về thăm gia đình, hôm đó cùng với mấy chú em rủ nhau ra quán uống bia. Vừa ngồi được một lúc tôi đã nhận ra một sự khác biệt, đó là sự ồn ào hỗn độn nếu không muốn nói là đinh tai nhức óc.





 

Bia mang đến, tôi và mọi người vừa nâng cốc để uống thì bất chợt tôi giật thót mình khi nghe thấy ở bàn bên cạnh một tiếng hô rất to như kiểu bộ đội ra trận xung phong :1,2,3, Zdôôô...
 

Tôi ngạc nhiên nhìn sang thì thấy khoảng chục thanh niên đang đứng ngửa cổ nốc những giọt cuối cùng của cốc bia vào họng.
Lúc sau thấy yên yên, tôi không để ý và đang nói chuyện bình thường với mọi người thì một lần nữa tôi lại giật mình vì từ đằng sau cái bàn của tôi lại diễn ra cái cảnh đúng như trước và lại : 1,2,3 Zdôôô...
 

Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu thì cái bàn phía trước mặt lại diễn ra cái cảnh đó một lần nữa và cứ như vậy liên tục suốt cả buổi từ lúc đến chúng tôi phải ngồi uống bia trong cái khung cảnh ầm ĩ, hỗn độn và gào thét đó. 

Đến lúc ra về, cậu em tôi với vẻ ái ngại nói :


-Anh ơi, có những hôm em còn chứng kiến cảnh mấy ông mồm còn đang đầy thức ăn chưa kịp nuốt đã hô, nên bắn tung tóe hết cả vào mặt người đối diện thật là vô ý thức, mất vệ sinh và bất lịch sự. 


Nghe đến đây tôi thực sự lắc đầu ngao ngán và cảm thấy buồn cho cái văn minh hiện nay ở Thủ đô Hà nội. Và cho đến tận bây giờ tôi vẫn không hiểu cái văn minh ấy nó từ đâu mà ra ? Và ai là người đã mang nó đến đây ? Bởi từ trước đến nay tôi có nhìn thấy những cảnh như thế ở cái đất Hà nội thanh lịch này bao giờ đâu. 


Trong tiềm thức của tôi, ngày xưa mọi người nhất là các cụ trong bữa, họ ăn uống rất nhỏ nhẹ và nói năng lễ độ, xưng hô đúng mực và có ngôi thứ, cũng như kẻ nói phải có người nghe rất tôn trọng và lễ phép, bất quá thì cụng chén nhẹ với nhau một cái cho nó thân thiện và lịch sự, chứ đâu có như bây giờ ?





Tôi cũng không hiểu họ làm như thế để làm gì ? Họ đi ăn đi uống hay đi đánh trận ? Mà không phải chỉ có một vài người, ở đâu tôi cũng gặp và với mọi tầng lớp như một kiểu cách sành điệu, thời thượng hiện nay ở Hà nội. Thôi thì già trẻ, gái trai ai cũng thế cứ động uống là đồng loạt cầm cốc đứng dậy chẳng ai bảo ai: 1,2,3 Zdôôô...cứ như bộ đội cụ Hồ ra trận hô “xung phong” vậy. 


Thật là vô văn hoá và thô thiển, ồn ào ảnh hưởng và không tôn trọng người khác cũng như chính bản thân mình.
Những cái văn hoá kệch cỡm bất lịch sự du nhập vào Hà nội đó vô tình đã làm hỏng hết cái thuần phong mỹ tục, cái bình yên trang nhã của người Tràng An, cái lịch lãm cao sang của người Hà thành...


Thật là đáng tiếc.


T.P.

Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2018

Tháng 4 & vết thương chiến tranh tạm lành


Tháng 4 & vết thương chiến tranh tạm lành

(Bài viết đã đăng trên trang facebook ngày 30/4/2018)

Nguyễn Vĩnh

Giữa tháng 4 năm nay, 2018, có thể nói là niềm vui lớn vô bờ, đúng hơn là một "hồng phúc" đã gõ cửa và bước vào nhà gia đình chúng tôi.

Em tôi (là em của 2 anh em đầu nhưng là anh của mấy em gái tiếp sau) - liệt sĩ Nguyễn Văn Yên, giấy báo tử gửi đến nhà giữa năm 1977, phải đến hôm nay, nghĩa là 41 năm sau, mới tìm được ra nơi em hy sinh, hoàn cảnh em ngã xuống.

Người duy nhất còn sống trong trận chiến ngày ấy, giờ đã 70 tuổi, quê tận Cao Bằng, qua rất nhiều tình huống phải nói là ngẫu nhiên và quá may mắn mới biết quê quán chính xác thôn xã của em tôi. Và ông, tên là Bế Văn Hợp (tên khai sinh Bế Nhật Hợp, dân tộc Tày Cao Bằng) đã không quản đường sá xa xôi, tuổi cao, mới đây ông đã tìm tới được gia đình tôi báo tin. Tôi đang ở xa đất nước nhưng có các em gái tôi ở quê may mắn sao đã gặp được ông.

Nghe người thân tôi kể lại, đận tìm đường vào quê tôi của ông cũng khó khăn vất vả. Khi xướng tên làng xã cũ, có người ông gặp hỏi đã trả lời không biết (vì đổi tên nên không còn tên xã ở khu vực này nữa mà chỉ là phường, là thị xã, mà tên tỉnh cũng khác rồi...). Ông kiên trì tìm ra UBND phường, may mắn sao lại gặp được người con rể của chú tôi, ông em đó quá biết chuyện nên đã dẫn ngay ông cựu chiến binh già vào nhà bà em gái tôi (gọi thế vì em gái tôi cũng đã 73 tuổi).

Tôi nghĩ người cựu binh già này làm công việc báo tin trên như một nghĩa cử với người đồng đội đã khuất. Ông làm mà không ai thúc giục, không một động cơ gì, bởi sự việc 49 năm đã trôi qua rồi còn gì? (vì năm em tôi hy sinh là năm 1969, ngày 28/9; chứ không phải 1972, ngày 5/7, như giấy báo tử). Ông thật là người đáng kính trọng. Gia đình chúng tôi mãi mãi coi ông là vị ân nhân của gia đình mình.

Ông Bế Văn Hợp kể lại hoàn cảnh và giây phút Nguyễn Văn Yên hy sinh cùng 3 đồng đội khác bị lính Mỹ phục kích bắn chết; và chính ông và 1 đồng đội ngày hôm sau đi lượm xác về chôn cất lại bị phục kích tiếp, đồng đội hy sinh, ông mất tích. Ông Hợp kể tiếp là hồi đó, từ sau Tết Mậu Thân 1968, vùng đóng quân của ông và em Nguyễn Văn Yên vô cùng khốc liệt, bộ đội ta thiếu ăn vì bố ráp, càn quét liên tục. Lính Mỹ không tin lính Sài Gòn nên kéo quân thêm, thay thế hết các đơn vị tác chiến. Mỹ trực tiếp cho xe ủi phát quang nhiều cánh rừng cao su bạt ngàn khi trước là nơi ẩn nấp của quân ta chờ lực lượng tinh nhuệ từ miền Bắc vào chi viện, củng cố. Đó là một giai đoạn vô cùng khó khăn cho các cánh quân của ta đóng trên địa bàn Tây Bắc mặt trận Sài Gòn - Gia Định.

Mọi việc liên quan đến sự hy sinh của các đồng đội của ông Hợp khi đó đều diễn ra tại xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - mà ngày đó gọi là Thủ Dầu Một. Chính người chiến binh già này còn nhớ như in trong lòng, nay vẫn vẽ ra được địa đồ, rành rọt chỉ ra nơi các chiến sĩ Trung đoàn 16 bị phục kích (anh con trai tôi bảo ông Hợp chắc hồi ở bộ đội được học về trinh sát).
Và mới đây năm 2017 trong chuyến "cựu chiến binh về nguồn", ông đã vào tận nơi khi địa phương vừa xây dựng xong Đền thờ, lập bia tưởng niệm.

Tại địa phương và qua những tấm bia tưởng niệm ông mới biết được chi tiết thôn - xã - huyện nguyên quán của em Yên tôi, chứ lâu nay ông chỉ biết Nguyễn Văn Yên quê ở tỉnh Hà Bắc (hồi đó gộp tỉnh, chứ nay chia đôi thành Bắc Ninh và Bắc Giang).

Với một người chỉ biết quê quán ở tỉnh nào đó thì thử hỏi tìm ra sao được người cần tìm?! Cũng qua ông, gia đình tôi mới biết được chi tiết chính xác ngày em Yên tôi hy sinh là 28/9/1969 chứ không phải 5/7/1972 như giấy báo tử.

Sự sai sót này trong giấy tờ, trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt là điều dễ hiểu. Chính vị cựu binh này cũng nằm trong danh sách liệt sĩ ghi trên bia cùng với em tôi, mất sau em tôi 1 ngày, dù ông thì vẫn sống.

Số là sau chuyến đi với nhiệm vụ chôn cất đồng đội thì lại bị địch phục kích như tôi đã viết ở phần trên. Người chiến sĩ đi cùng bị lính Mỹ bắn chết còn ông Hợp bị thương nặng rồi mất tích; và sau đó đơn vị báo lên là ông Hợp đã hy sinh nên nay là liệt sĩ, được ghi ở bia tưởng niệm. Chuyện sai sót, lầm lẫn, thiếu tính chính xác trong một cuộc cuộc chiến tranh rất lâu dài, với nhiều mất mát thì khó mà tránh khỏi.

---

Hôm nay là ngày 30/4/2018, với gia đình tôi, tôi muốn nhắc lại điều này một lần nữa, bởi nó có ý nghĩa thiêng liêng với gia đình chúng tôi. 43 năm đã qua kể từ ngày đất nước có hòa bình, thì với gia đình chúng tôi những ngày trước tháng 4 nhiều sự việc, nhiều sự kiện lịch sử như thế này vẫn canh cánh bên lòng, giấu kín một nỗi đau sau tờ giấy báo tử em tôi, liệt sĩ Nguyễn Văn Yên gửi cho bố mẹ tôi từ một mùa hè giữa năm 1977.

Có thể nói suốt hơn 40 năm dài dằng dặc ấy, ý nghĩa hòa bình và yên hàn cho cuộc sống bình thường vẫn chưa tới với gia đình chúng tôi, nhất là với cha mẹ khi hai Người còn sống. Cứ mỗi khi nhìn lên bàn thờ thấy tấm ảnh Nguyễn Văn Yên mặc quân phục để lại cho gia đình trước thời điểm đi B, là mỗi người thấy thắt lòng, pha chút chua sót, thua thiệt mà ở những người chịu mất mát to lớn mới cảm nhận được. Bà mẹ chúng tôi trước khi nhắm mắt, chỉ nhìn tôi và nói "còn một việc nữa là,... em Yên"; và rồi không nói gì thêm ngoài ánh mắt chỉ như muốn lặng tắt. Tôi tin chắc cả ngàn cả vạn gia đình khác có người ruột thịt ngã xuống chiến trường miền Nam mà chưa tìm ra xương cốt, chưa xác định được địa điểm và hoàn cành hy sinh của liệt sĩ, thì cũng cùng một tâm trạng như chúng tôi mà thôi.

Suốt thời gian sau 1977 đến những năm gần đây, dù các thành viên trong gia đình tôi đã cố công tìm những thông tin về trường hợp ngã xuống trên chiến trường của em Yên tôi, nhưng các ngả đường tìm kiếm đó đều không có kết quả, nói đúng hơn là vô vọng.

Nhiều lần đi thực địa, nhiều lần lên các Sở, Ban trên tỉnh cũ, tỉnh mới, từ khi có mạng internet thì tra cứu thông tin ở các website ghi danh các nghĩa trang và tên liệt sĩ, đăng thông báo nhờ tìm kiếm..., thì vẫn những thông tin loanh quanh đã cũ, những tư liệu không mấy liên quan tới Nguyễn Văn Yên. Giờ nghĩ lại cũng phải, địa phương căn cứ vào tin tức thu thập từ chiến trường để làm giấy báo tử, mà giấy báo tử kia đã sai cả về thời điểm để gửi báo đến địa phương và gia đình (hy sinh theo giấy báo tử là năm 1972 mà năm 1977 mới báo), lại sai cả về năm tháng em Nguyễn Văn Yên hy sinh khi so với người cựu binh già Bế Văn Hợp biết rõ trực tiếp vừa kể lại... thì làm sao mà tìm ra thông tin nơi em Yên tôi ngã xuống cho được.

Đúng là vỏn vẹn trong giấy báo tử chỉ ghi mấy chữ "hy sinh tại chiến trường B2 miền Đông Nam Bộ". Một vùng địa lý rộng lớn như thế, bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống... Có đi tìm liệt sĩ thì mới thấy xã ấp nào của vùng đất Nam Bộ nói tới kia cũng nghĩa trang nối tiếp nghĩa trang, bia tưởng niệm rồi tiếp bia tưởng niệm. Vùng đất sát mặt trận Tây Bắc Sài Gòn - Gia Định, kế giáp với Campuchia, luôn là cái túi hứng bom đạn, là một chiến trường hết sức ác liệt, bao nhiêu chiến sĩ đã ngã xuống nơi đây, thì biết cách nào mà xác định một con người hy sinh được?

Bản thân tôi cũng nhiều lần đi các xã - huyện của tỉnh Tây Ninh, của vùng ngoại vi Tp HCM, có lúc tới cả đất của chính tỉnh Bình Dương, nhìn thấy bao nhiêu ngôi mộ, bao nhiêu tấm bia, nhưng rồi cũng không có tin tức, tư liệu gì về em mình.

Con trai tôi (năm nay cháu 46 tuổi), công tác tại Tp HCM còn có nhiều chuyến đi hơn tôi với mong muốn sớm tìm ra tin tức, tung tích người chú ruột của mình. Nhưng vô vọng.

Cho nên việc ông Bế Văn Hợp rất bất ngờ, có phần ngẫu nhiên, mang đến tin vui cho gia đình chúng tôi đã làm cho bố con tôi, bà vợ tôi và các em tôi vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc khôn cùng.
Sau khi ông Hợp đến thăm nhà ở quê tôi để báo tin, vẽ sơ đồ gửi vào Tp HCM, thì ngay lập tức anh con trai tôi đã đi lên Bình Dương xác định rõ thêm về nơi hy sinh của người chú của cháu. May mắn chồng lên may mắn, một đồng sự cùng công tác với cháu tại cơ quan lại có quê đúng tại Thanh An, Dầu Tiếng đã hăng hái cùng đi với con trai tôi. Tại địa phương các cháu đã ghi lại được những tấm hình mà tôi post lên với stt này, tất cả rất khớp với lời mô tả qua điện thoại của ông lính già Bế Văn Hợp.

Vấn đề đến lúc đó chỉ còn là chuyện có đúng là Nguyễn Văn Yên ở Đồng Quang, Tiên Sơn, Hà Bắc hay không? Vậy là người thân trong gia đình tôi đã ra ngay UBND xã (nay đổi là phường), xin phép tìm trong danh sách liệt sĩ lưu ở địa phương, thì không một liệt sĩ nào trùng tên trùng họ như em Yên cả.

Từ hôm đó là những câu chuyện trên điện thoại hoặc tin nhắn giữa hai bố con tôi, giữa tôi và các em gái, với bà vợ..., thôi thì mừng tủi tủi, chỉ biết đội ơn người ân nhân Cao Bằng, cảm tạ trời phật, tổ tiên đã phù hộ độ trì để nên một kết thúc có hậu như trường hợp gia đình nhà tôi có được hôm nay.
Giả sử mà xem, người lính già 70 tuổi kia sau những năm vất vả Nam Bắc chinh chiến mất đi sức khỏe, trí nhớ?

Giả sử gia đình riêng của ông (nghe ông kể lập gia định muộn) cứ lận đận, không có ngày tháng an nhàn, không đi chuyến "về lại chiến trường xưa" thì lấy đâu ra thông tin quê quán em Yên tôi (mà chỉ chung chung ở Hà Bắc thì thật bó tay). Mà giả sử nữa, nếu ông CCB Hợp về nguồn trước 2016 thì làm sao nhìn thấy tấm bia ghi tên em tôi với quê quán chi tiết. Bởi vì cho đến năm đó thì xã Thanh An mới xây xong Đền thờ và khắc bia đá.

Rồi giả thử nữa, khi ông Hợp từ chiến trường xưa về Bắc lại ốm đau, bệnh tật chợt đến, rồi lại ngại ngùng cách trở đường xá xa xôi (với một người cao tuổi) mà không trực tiếp tìm về tận quê tôi thì sao?...

Giả sử như hôm về quê tôi khi hỏi han ban đầu mà ông nản lòng, hoặc đến ủy ban mà người tiếp chuyện không phải là con rể ông chú tôi, có khi sự việc đã khác (vì chuyện em Yên tôi hy sinh là câu chuyện đã trải qua nửa thế kỷ rồi)...

.... Tóm lại phải là may mắn, rất may mắn; phải là gia đình chúng tôi có hồng phúc trùng lai thì mới bỏ qua đi được những "giả sử" kia. Mà cái thứ giả sử đó nó lại rất có thể xảy đến bất kỳ. May mắn thật.

Các em gái tôi, vợ con tôi rồi sẽ thu xếp lên Việt Bắc thăm nhà và cám ơn ông CCB già Bế Văn Hợp. Còn tôi chờ khi có mặt trở lại VN, tôi cũng phải sớm lên tạ ơn ông Hợp, người đồng đội sống và chiến đấu bên em Yên, biết rõ giờ phút nơi chốn Nguyễn Văn Yên hy sinh.

Rồi việc nữa là tôi sẽ đến nơi em ngã xuống, lấy nắm đất tại đó mang về quê hương, phần sẽ chôn cất tại ngôi mộ trong nghĩa trang liệt sĩ địa phương, phần sẽ chôn ở góc tấm bia đá ngay trong sân vườn lối cổng vào nhà tôi ở quê - tức là thay vào hai nắm đất hơn 10 năm trước bố con tôi đi tìm, lòng thành lấy ở địa phận tỉnh Tây Ninh. Khi mang nắm đất về đã xin phép địa phương chôn cất tại nghĩa trang, và cũng chôn cất ở sân vườn nhà.

Như có linh tính, nơi lấy nắm đất hơn chục năm trước nếu tính đường chim bay thì không xa nơi Nguyễn Văn Yên hy sinh là bao nhiêu, chỉ bên này bên kia khúc sông Sài Gòn chảy phân chia 2 tỉnh Bình Dương và Tây Ninh.

Câu chuyện lấy nắm đất hơn 10 năm trước có nhiều tình tiết về tâm linh đáng nhớ, đợi có dịp tôi sẽ kể lại...

Và sau hết, đợi khi tôi có nhà tại quê (do tôi là trưởng nam nên các em có ý chờ), trong một lần cúng giỗ cho em Nguyễn Văn Yên, anh em chúng tôi sẽ thắp thêm nén hương xin được cải lại ngày giỗ cho chính xác thời điểm em tôi hy sinh. Thay vì vẫn giỗ ngày 25/5 âm lịch (báo tử ngày 5/7/1972) thì nay giỗ vào ngày 17/8 âm lịch (ngày hy sinh chính xác 28/9/1969).

Con người Việt Nam mình là thế, nghĩa tử là nghĩa tận. Ở đây hai chữ "nghĩa tử" lại là sự hy sinh của một chiến sĩ, là liệt sĩ ngã xuống nơi chiến trường, điều ấy càng làm những người thân thấm thía ý nghĩa sâu xa.

Người đời chẳng thường bảo rằng, chỉ khi làm được những gì tốt đẹp nhất cho người đã khuất thì trong lòng người đang sống mới an nhiên được.

London, UK
30/4/2018


@ Ảnh Liệt sĩ Nguyễn Văn Yên. Các ảnh còn lại do con trai tôi chụp tại Đền thờ xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương hồi giữa tháng 4/2018 vừa qua. -->> Bia ghi tên liệt sĩ Nguyễn Văn Yên (ảnh thứ 2, hàng thứ 4 từ dưới lên); Bia ghi tên liệt sĩ Bế Văn Hợp (ảnh 5, hàng đầu tiên; nhưng ông Hợp may mắn vãn còn sống); ảnh 4 là Sơ đồ CCB Bế Văn Hợp vẽ địa điểm hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Văn Yên. Ảnh 3 là ngôi nhà chính của Đền thờ xã Thanh An.











  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...