Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

Điều rất khó tin!



Điều rất khó tin! 

“Xã hội dân sự” vừa được báo Nhân Dân và tác giả bài viết trên báo đó là ông Dương Văn Cừ coi (nó) như một thứ “thủ đoạn diễn biến hòa bình” của các thế lực ở phương Tây nhằm vào nước ta (mà trước đó đã diễn biến đến mức lật đổ hết phe xã hội chủ nghĩa; rồi gần đây đã và đang diễn ra các cuộc cách mạng “màu”, “mùa” ở Bắc Phi, Trung Đông - theo tác giả - cũng đi từ cái xã hội dân sự như thế này mà ra cả.

Quái lạ, đến lúc này - và trong tình hình đất nước như thế này – (là phải đương đầu với biết bao khó khăn về kinh tế và xã hội, về mối đe dọa mất đất mất biển đảo…) - mà lý do sao không biết, ban biên tập báo Đảng vẫn duyệt đăng một bài báo trút gần như hết cả những là tì vết là xấu xa, cũng như mưu mô mưu mẹo cho cái “xã hội dân sự” nhắm vào lật đổ những chế độ xã hội tự khẳng định là mình ưu việt hơn hẳn như Việt Nam lúc này và như các nước phe xã hội chủ nghĩa tồn tại vài thập kỷ trước. Nói xuôi thì như thế, nhưng sao ta không dám nói ngược lại là, khi một xã hội được cho là ưu việt hơn hẳn thì sợ gì một thế lực đen tối nào lật đổ được chúng ta, trái lại ta sẽ thôn tính, sẽ diễn biến hòa bình lại chúng nó, chứ sao không!   

Về “xã hội dân sự” không chỉ có một cách tiếp cận vấn đề như tác giả Dương Văn Cừ. Nhưng sa đà tranh luận sẽ rất mất thì giờ và dài dòng lắm, xin phép cho tạm dừng ở đây.

Trước khi kết thúc entry này chỉ muốn nói thêm, một đất nước như Việt Nam ngày nay, có một chính đảng mạnh được coi là lãnh đạo toàn diện đất nước, từng biết tổ chức toàn dân đánh bại nhiều kẻ thù xâm lược hùng mạnh; và nay đang trong công cuộc xây dựng đất nước mạnh giàu, với định hướng dân chủ hóa đời sống xã hội. Vậy can cớ gì mà mình “thù ghét” cái “xã hội dân sự” đến mức như thế này!? Thật là khó hiểu. Càng khó hiểu hơn khi chúng ta luôn hô hào lấy người dân làm gốc, mà mục đích trung tâm và duy nhất của cách mạng là nhằm mang lại phúc lợi ấm no tự do hạnh phúc cho nhân dân, vậy mà khi người dân tự giác tự nguyện phụng sự cho một xã hội dân sự, không lý gì quyền lực Đảng và quyền lực Nhà nước lại đi nghi kỵ và cản trở xu hướng “dân sự hóa” xã hội đó khi nhân dân mong muốn.

Tôi không tin các vị lãnh đạo ở cấp rất cao của chúng ta lại có suy nghĩ giống như tác giả Dương n Cừ khi ông viết những dòng dưới đây về xã hội dân sự. Khéo không ở đây có biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, hoặc theo một cách “cố lên gân” nào đó nhằm minh chứng cho thứ lập trường kiên định (than ôi, cũng là những thứ cũ càng lắm rồi).

Còn nếu đó cũng là ý của những người lãnh đạo cấp cao của đất nước này thì thôi, người dân mình chẳng còn vai trò gì nữa, bởi mọi việc đều sẽ có “Đảng và Nhà nước lo” cho mình tất cả rồi, bà con ạ.     

Vệ Nhi

-----

Nguyên văn bài viết của tác giả Dương n Cừ:   

"Xã hội dân sự" - một thủ đoạn của diễn biến hòa bình   
                     
(Đăng ở Mục "Bình luận - Phê phán" của Báo Nhân Dân)
Cập nhật lúc 02:14, Thứ sáu, 31/08/2012 (GMT+7)
Thời gian qua, việc tác động để hình thành một "xã hội dân sự" (XHDS) ở Việt Nam theo tiêu chí phương Tây đang được một số người cổ vũ và thực hiện. Vậy thực chất "xã hội dân sự" là gì, đây có phải là một trong các phương thức hoạt động nhằm chuyển hóa chế độ mà những thế lực chủ mưu diễn biến hòa bình (DBHB) đã áp dụng thành công ở Ðông Âu, Trung Ðông, Bắc Phi, và hy vọng sẽ thành công ở Việt Nam?
Theo một số học giả và tổ chức nước ngoài, khái niệm XHDS (civil society) xuất hiện sớm nhất ở nước Anh, và được hiểu là việc những con người sống trong cộng đồng. Theo lý thuyết của Scottish (thế kỷ XVIII), XHDS có nghĩa là xã hội văn minh với một nhà nước không độc đoán. Ðến thế kỷ XIX, Hegel mô tả XHDS như là một phần của đời sống đạo đức, bao gồm ba yếu tố gia đình, XHDS và nhà nước, trong đó các cá nhân theo đuổi những lợi ích riêng trong giới hạn đã được pháp luật thừa nhận... Theo tổ chức Liên minh thế giới vì sự tham gia của công dân (CIVICUS) - một tổ chức phi chính phủ (NGO) tại Nam Phi, XHDS là "diễn đàn giữa gia đình, nhà nước và thị trường, nơi mà mọi con người bắt tay nhau để thúc đẩy quyền lợi chung". Cùng với khái niệm XHDS, còn có một số cụm từ, khái niệm khác có liên quan, như: "xã hội công dân" (citizens society - CS), "tổ chức XHDS" (Civil Society Organization - CSO), "tổ chức phi chính phủ" (Non governmental organization - NGO)... Ðây là những khái niệm ra đời từ các chủ thể khác nhau nhưng lại có liên quan chặt chẽ, trong đó nổi bật là quan niệm không có NGO (tổ chức quần chúng, hội, đoàn thể...) thì không thể hình thành XHDS. Trong một xã hội, nếu có nhiều tổ chức NGO hoạt động mạnh thì sẽ có XHDS phát triển và ngược lại. Nhìn từ cấu thành cơ bản một xã hội với ba thành phần là nhà nước, doanh nghiệp và XHDS, một số nhà nghiên cứu nước ngoài cho rằng, nếu ba yếu tố này cân bằng thì xã hội, chế độ chính trị sẽ ổn định, phát triển hài hòa. Ngược lại, nhà nước mạnh sẽ dẫn tới chế độ độc tài, nếu XHDS mạnh, thì sẽ dẫn tới vô chính phủ, bất ổn về xã hội và chế độ sẽ sụp đổ. Ðây chính là lý do để các thế lực thù địch quan tâm nghiên cứu, vận dụng, nhằm lợi dụng vai trò của XHDS trong hoạt động lật đổ một chế độ như họ đã thực hiện tại một số nước trong thời gian qua.



Một số học giả trên thế giới có quan điểm chống cộng rất đề cao vai trò của XHDS trong các cuộc "cách mạng màu" lật đổ chế độ XHCN tại Ðông Âu trước đây. Bronislaw Geremek, nhà sử học, cố vấn đặc biệt của Tổng thống Ba Lan Lech Valesa từ những ngày đầu xuất hiện Công đoàn Ðoàn kết cho rằng: "Khái niệm XHDS, được hiểu như một chương trình chống lại chủ nghĩa cộng sản, xuất hiện đầu tiên tại Ba Lan vào cuối những năm 70 và đầu những năm 80 của thế kỷ XX, ban đầu chỉ đặt trong mối liên quan đến phong trào Ðoàn kết. Thời gian dài sau đó, trong thế giới cộng sản xuất hiện một phong trào độc lập của quần chúng đòi tẩy chay hệ thống cầm quyền". Bronislaw Geremek đánh giá cao vai trò của XHDS trong việc lật đổ chế độ XHCN tại Ba Lan: "Ðối đầu với phong trào quần chúng khổng lồ này là sức mạnh của bộ máy chế độ, gồm: quân đội, cảnh sát và bộ máy hành chính (kể cả guồng máy Ðảng Cộng sản). Tuy nhiên, đến khi đó, tất cả đều không còn tính hợp pháp, họ bị loại ra khỏi tầm kiểm soát xã hội, đồng thời cũng mất đi mọi sự ủng hộ của xã hội. Trong phong trào Ðoàn kết, chúng tôi đặt hy vọng bao vây, cô lập bộ máy công quyền đó bằng một thứ giống như cái kén tằm, từng bước cô lập và sau đó là đặt bộ máy đảng - nhà nước ra bên lề".

Tại Ðông Âu trước đây, có những "tổ chức chính trị đối lập" hình thành, phát triển và hoạt động với danh nghĩa là "tổ chức XHDS", như Công đoàn Ðoàn kết ở Ba Lan, Hội Văn hóa Ucraina ở Liên Xô trong những năm 80 của thế kỷ XX... Thông qua việc lôi kéo công nhân, với sự hỗ trợ từ nước ngoài (như Trung tâm Ðoàn kết Lao động Quốc tế Mỹ - ACILS) và một số tổ chức Công giáo, từ những năm 70 tại Ba Lan đã xuất hiện các tổ chức như: Ủy ban bảo vệ công nhân (KOR), Phong trào Bảo vệ các quyền dân sự và con người (ROPCiO), sau đó Công đoàn Ðoàn kết Ba Lan được thành lập.

Thông qua Công đoàn Ðoàn kết, các thế lực thù địch đã tổ chức thành công việc lật đổ chế độ XHCN tại nước này. Tương tự, tại Tiệp Khắc, với sự hỗ trợ của bên ngoài, các đối tượng chống đối chế độ đã thành lập Phong trào Hiến chương 77 làm hạt nhân. Các cuộc "cách mạng đường phố" tại các nước vùng Trung Ðông - Bắc Phi thời gian qua cũng cho thấy vai trò của các cơ quan đặc biệt nước ngoài, các NGO, trong việc hỗ trợ các tổ chức XHDS lôi kéo, kích động quần chúng lật đổ chế độ.
Hiện nay, các nước, các tổ chức quốc tế, các NGO nước ngoài đang tìm mọi cách để hình thành, phát triển XHDS theo tiêu chí phương Tây ở Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu lật đổ chế độ XHCN bằng biện pháp "bất bạo động", "phi vũ trang". Hoạt động này nằm trong ý đồ thực hiện "tiến trình dân chủ ở Việt Nam" với mục đích lợi dụng XHDS để gây mất ổn định chính trị, tiến tới thay đổi chế độ như xảy ra tại các nước Ðông Âu, SNG và Trung Ðông - Bắc Phi thời gian qua. Báo cáo Khỏa lấp sự cách biệt: XHDS mới nổi tại Việt Nam của một tổ chức quốc tế cho rằng, các NGO Việt Nam và các tổ chức tại cộng đồng đã tạo ra một thách thức to lớn. Bản báo cáo khuyến nghị một số lĩnh vực cần quan tâm để thúc đẩy XHDS tại Việt Nam, như cải thiện môi trường xã hội, luật pháp và kinh tế cho các NGO, tăng cường năng lực các tổ chức xã hội cho việc thực hiện nghiên cứu và đánh giá các hoạt động của các tổ chức XHDS tại Việt Nam. Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, một số NGO nước ngoài rất quan tâm đến các tổ chức chính trị, xã hội ở nước ta và tìm cách xâm nhập, tác động, chuyển hóa các tổ chức này để chuyển hướng hoạt động chính trị trong khi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức đối lập. Thông qua các hoạt động như triển khai dự án, hỗ trợ, tài trợ, tổ chức hội thảo với các NGO Việt Nam, một số tổ chức nước ngoài đã cố gắng tìm hiểu nội bộ, xu hướng quan điểm của các NGO Việt Nam về sự lãnh đạo của Ðảng đối với tổ chức quần chúng, kích động sự thoát ly vai trò lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, cổ vũ quyền tự do lập hội theo tiêu chí phương Tây. Ngoài ra, một số tổ chức nước ngoài còn tài trợ tài chính cho một số NGO Việt Nam để hỗ trợ việc xuất bản, phát hành tài liệu nghiên cứu, văn bản luật nước ngoài nhằm tuyên truyền quan điểm, pháp luật phương Tây đến với công chúng Việt Nam một cách công khai.

Các tổ chức phản động nước ngoài cũng tìm cách phát triển XHDS tại Việt Nam để phục vụ ý đồ chống phá từ bên trong. Tổ chức Bảo vệ người lao động (của Trần Ngọc Thành tại Ba Lan) gia tăng hoạt động nhằm chuyển hướng hoạt động xâm nhập vào trong nước với ý đồ xây dựng các tổ chức công đoàn tự do. Tổ chức Mạng lưới tuổi trẻ Việt Nam lên đường đã tiến hành Ðại hội thanh niên sinh viên Việt Nam trên thế giới lần thứ V vào tháng 1-2008 tại Malaysia với chủ đề XHDS: dân chủ từ sức mạnh quần chúng với mục đích trao đổi để tìm cách cho ra đời một XHDS độc lập với chính quyền, tôn trọng nhân quyền, có các công đoàn độc lập, có tự do báo chí... Tại đại hội này, các đối tượng tham gia đã đề ra mục tiêu để tiến hành "cuộc cách mạng hòa bình" tại Việt Nam là phải xây dựng được một XHDS bền vững và muốn thay đổi xã hội thì không chỉ trên phương diện chính trị, mà còn trên các phương diện kinh tế, luật pháp, trong mỗi cộng đồng dân cư. Tại hội thảo Chuyển đổi Nhà nước Việt Nam: Các tác động lên Việt Nam và khu vực do các đối tượng bên ngoài tổ chức ở Hồng Công tháng 8-2008 đã tập trung bàn luận các nội dung: thách thức tự nhiên của XHDS đối với chế độ độc đảng ở Việt Nam; XHDS trong bối cảnh Việt Nam, sự trỗi dậy của XHDS qua việc tập trung vào hoạt động của Khối 8406 và Việt Tân. Qua đây cho thấy, các thế lực phản động bên ngoài rất quan tâm đến việc lợi dụng XHDS để thực hiện âm mưu lật đổ chế độ.

Ðáng chú ý là một số đối tượng cơ hội chính trị có quan điểm chống đối cực đoan đã lợi dụng một số tổ chức quần chúng hợp pháp để tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn có nội dung đòi hỏi đưa Hiến pháp 1992 trở về Hiến pháp năm 1946, trưng cầu ý dân về Ðiều 4 cũng như toàn bộ Hiến pháp, lập Tòa án Hiến pháp, thúc đẩy XHDS và thực hiện các quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội theo tiêu chí phương Tây, tư hữu hóa đất đai... Nếu thực hiện các nội dung này theo ý đồ của họ thì chế độ XHCN thực tế sẽ không còn tồn tại ở Việt Nam. Ðây là phương thức đấu tranh công khai rất nguy hiểm, nếu không cảnh giác có thể sẽ giúp các thế lực thù địch lợi dụng các tổ chức XHDS để đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi thể chế, thay đổi hệ thống luật pháp XHCN bằng luật pháp dân chủ, tư sản.

Ðể góp phần phòng, chống âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS theo tiêu chí phương Tây, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước các âm mưu và hoạt động tác động hình thành XHDS của các thế lực thù địch, đặc biệt là tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đối với an ninh quốc gia. Bên cạnh việc tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, cần thường xuyên tổ chức, tiến hành các hoạt động tuyên truyền về âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề XHDS để tác động chuyển hóa chính trị. Ðảng, Nhà nước cần ban hành các chủ trương, chính sách, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật phù hợp, điều chỉnh hoạt động của các tổ chức chính trị, xã hội phù hợp với định hướng phát triển đất nước. Cùng với việc nghiêm túc thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về tổ chức, hoạt động của các hội, đoàn thể cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, sao cho phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa Việt Nam. Ðồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức xã hội, không để các thế lực thù địch lợi dụng. Trong bối cảnh các tổ chức xã hội đang có xu hướng ngày càng phát triển, cần thường xuyên nắm chắc tình hình, diễn biến hoạt động của các tổ chức này nhằm phát hiện kịp thời những vấn đề phức tạp có liên quan đến an ninh quốc gia để chủ động xây dựng các biện pháp, giải pháp đấu tranh phòng, chống hiệu quả. Ðặc biệt, cần kiên quyết xử lý các hành vi hoạt động vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường đối thoại, tiếp xúc, cảm hóa, không để các thế lực thù địch lôi kéo nhằm thực hiện ý đồ chống đối từ bên trong...

Dương Văn Cừ

Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

10 xấu 10 tốt



10 xấu 10 tốt


Cái tít giật gân, tưởng như nhại chuyện "4 tốt 16 chữ vàng". Không, ở đây chẳng có dính dáng gì về ông bạn láng giềng mà chỉ thuần chuyện Ngân hàng.

Tạp chí Tài chính Toàn cầu (Global Finance - GF) vừa xếp hạng các Ngân hàng Trung ương trên thế giới và đi đến kết luận, chọn ra được: 10 Thống đốc điều hành tốt nhất và 10 Thống đốc điều hành kém nhất.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bị xếp vào 10 vị kém nhất. 

Buồn cũng đúng mà... vui cũng đúng. 

Buồn là nước mình "kém tắm" ở lĩnh vực "mạch máu nền kinh tế", cũng thấy chạnh lòng khi nhìn ra thế giới...

Nhưng "vui" cũng chẳng sai vì chính từ đây nó chỉ ra một cách khách quan sự yếu kém ở người lãnh đạo của ta.

Rồi dân tình rộng rãi biết thì Chính phủ cũng khó thanh minh hoặc bênh vực bằng được, lấy cớ là lĩnh vực nhạy cảm, chỉ nên đóng cửa bảo nhau.

Còn Quốc hội cũng có thêm cơ sở nhìn nhận đánh giá, lấy phiếu tín nhiệm cho thành viên chính phủ trong kỳ họp cuối năm nay.   

Trở lại 2 bảng xếp hạng của thế giới đưa ra. Hiện coi như chưa biết ngay sự đúng sai, khách quan, tiêu chí, độ chính xác trong sự xếp hạng đến mức nào, nhưng nên nhớ rằng những Tạp chí như GF - chuyên sâu về lĩnh vực tài chính ngân hàng - là rất có uy tín trên trường quốc tế. Tên tuổi của họ đã định hình ở cấp độ cao và nổi tiếng toàn cầu khiến họ không thể tự mình bôi lem chính mình bằng những đánh giá ất ơ kiểu xin-cho danh hiệu từ bất cứ ngân hành nào, quốc gia nào... 

Lạ là tình hình "rất chi là tình hình" như vậy, nhưng không hiểu sao trong nước mình lại vẫn có những cơ quan báo chí thuộc cỡ báo nhớn, website to đùng lại đi ca ngợi tâng bốc ông Nguyễn Văn Bình như là một nhà quản lý giỏi trong lĩnh vực tiền tệ. Tự các tờ báo đó, mạng thông tin đó sẽ mất điểm với dư luận. 

Còn chúng ta hãy cùng lướt qua 2 bảng xếp hạng: 1 Bảng "người tốt việc tốt", và 1 Bảng "người xấu việc xấu" ngay dưới đây.

Vệ Nhi

 

------

 

10 thống đốc ngân hàng trung ương tốt nhất năm 2012

30-8-2012 (VF) – Tạp chí Global Finance dựa trên kết quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý lãi suất của các ngân hàng trung ương đã đưa ra danh sách 10 thống đốc NHTW có màn trình diễn tốt nhất năm 2012 (BI, 24-8).
 

Mark Carney, Canada

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: B+
  • Lạm phát cơ bản: 1,7%
  • Thất nghiệp: 7,3%
  • Lãi suất cơ bản: 1%




 

Glenn Stevens, Australia

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 1,2%
  • Thất nghiệp: 5,2%
  • Lãi suất cơ bản: 3,5%




 

Stanley Fischer, Israel

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 2%
  • Thất nghiệp: 6,7%
  • Lãi suất cơ bản: 2,25%



 

Zeti Akhtar Aziz, Malaysia

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 1,7%
  • Thất nghiệp: 3%
  • Lãi suất cơ bản: 3%


Amando Tetangco Jr., Philippines

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 3,2%
  • Thất nghiệp: 6,9%
  • Lãi suất cơ bản: 3,75%


Fai-Nan Perng, Taiwan

  • Xếp hạng 2012: A
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 1,29%
  • Thất nghiệp: 4,3%
  • Lãi suất cơ bản: 1,875%


Agustin Carstens, Mexico

  • Xếp hạng 2012: B+
  • Xếp hạng 2011: B
  • Lạm phát cơ bản: 3,59%
  • Thất nghiệp: 5%
  • Lãi suất cơ bản: 4,5%


Rodrigo Vergara, Chile

  • Xếp hạng 2012: B+
  • Xếp hạng 2011: N/A
  • Lạm phát cơ bản: 2,5%
  • Thất nghiệp: 6,6%
  • Lãi suất cơ bản: 5%


Sergei Ignatiev, Russia

  • Xếp hạng 2012: B+
  • Xếp hạng 2011: B
  • Lạm phát cơ bản: 2,9%
  • Thất nghiệp: 5,4%
  • Lãi suất cơ bản: 8%


Sanusi Lamido Sanusi, Nigeria

  • Xếp hạng 2012: B+
  • Xếp hạng 2011: B+
  • Lạm phát cơ bản: 12,0%
  • Thất nghiệp: 23,9%
  • Lãi suất cơ bản: 12%




Nguồn: http://www.vietfin.net/10-thong-doc-ngan-hang-trung-uong-tot-nhat-nam-2012/


------

10 thống đốc ngân hàng trung ương kém nhất năm 2012

30-8-2012 (VF)
 
 Tạp chí Global Finance dựa trên kết quả kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và quản lý lãi suất của các ngân hàng trung ương đã đưa ra danh sách 10 thống đốc NHTW có màn trình diễn tồi nhất năm 2012 (BI, 27-8).
 

Mercedes Marcó del Pont, Argentina

  • Xếp hạng 2012: D
  • Xếp hạng 2011: D
  • Lạm phát cơ bản: 9,8%
  • Thất nghiệp: 7,5%
  • Lãi suất cơ bản: 14,125%




Pedro Delgado, Ecuador

  • Xếp hạng 2012: D
  • Xếp hạng 2011: NA
  • Lạm phát cơ bản: 5,09%
  • Thất nghiệp: 5,19%
  • Lãi suất cơ bản: 0,2%


Masaaki Shirakawa, Japan

  • Xếp hạng 2012: C-
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 0,2%
  • Thất nghiệp: 4,4%
  • Lãi suất cơ bản: 0,1%


Duvvuri Subbarao, India

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: B
  • Lạm phát cơ bản: 7,0%
  • Thất nghiệp: 3,8%
  • Lãi suất cơ bản: 8%


Andras Simor, Hungary

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 3,49%
  • Thất nghiệp: 11%
  • Lãi suất cơ bản: 7%


Kim Choongsoo, South Korea

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 1,36%
  • Thất nghiệp: 3,1%
  • Lãi suất cơ bản: 3%


Nadezhda Ermakova, Belarus

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: N/A
  • Lạm phát cơ bản: 10,5%
  • Thất nghiệp: 1%
  • Lãi suất cơ bản: 12%


Gill Marcus, South Africa

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: C
  • Lạm phát cơ bản: 4,42%
  • Thất nghiệp: 24,9%
  • Lãi suất cơ bản: 5%


Nguyen Van Binh, Vietnam

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: N/A
  • Lạm phát cơ bản: 5%
  • Thất nghiệp: 2,29%
  • Lãi suất cơ bản: 9%



Xem thêm: Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn UBTV Quốc Hội 21-8-2012


Riad Salameh, Lebanon

  • Xếp hạng 2012: C
  • Xếp hạng 2011: A
  • Lạm phát cơ bản: 6%
  • Thất nghiệp: 9,7%
  • Lãi suất cơ bản: 10%




Nguồn: http://www.vietfin.net/10-thong-doc-ngan-hang-trung-uong-kem-nhat-nam-2012/





Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Vẫn chuyện Hải quân phải mạnh

 Vẫn chuyện Hải quân phải mạnh
 
Loanh quanh bây giờ con tàu ngầm lớp Kilo do Nga đóng và ta mua vừa mới hạ thủy (ngày 28/8/2012 theo công xưởng đóng tàu Nga đưa tin và đài BBC thuật lại. (Mời xem bài viết dưới entry này). 

Hạ bút viết chữ “loanh quanh” là xuất phát từ tâm lý sốt ruột của ta, bên phía người đi mua mong chờ tàu về. Chờ không chỉ tính tháng tháng mà là chờ hàng ngày. Mong 6 tàu ngầm thế hệ hiện đại mà chúng ta ký hợp đồng tiêu tới 2 tỉ đô la này chóng về với Hải quân Việt Nam . Về tàu ngầm lớp Kilo xin mời xem thêm chi tiết tại ---> http://nguyenphutrong.net/cung-kham-pha-tau-ngam-kilo-viet-nam-mua-cua-nga.html

Đã nhiều lần tôi viết trên blog này là chúng ta không nôn nóng có vũ khí để đe dọa hay gây sự với ai cả. Mà chúng ta phải phòng thủ. Phòng thủ tốt nhất là có vũ khí đủ mạnh. Và quan trọng hơn là con người kiên cường anh dũng sử dụng vũ khí ấy. Vế thứ hai không khoe hoặc hoắng với ai, nhưng quả thật dân tộc ta vốn một lòng  kiên trung và có tinh thần bất khuất trải suốt chiều dài lịch sử chứng minh. Nên đội quân của nhân dân VN đương nhiên mang theo ý chí bất khuất tự cường đó. Vì thế chúng ta tự tin, nếu Hải quân được trang bị đầy đủ, chắc chắn chẳng hề ngần ngại trước bất cứ thế lực xâm lăng dù đông đảo và cậy sức mạnh đến đâu. 

Vừa đây thôi Trung Quốc lại có những hành động ngang ngược tiếp nữa trên Biển Đông. Tệ nhất là họ vẫn giọng lưỡi ngọt sớt thiện chí ở chốn đâu đó để che mắt thiên hạ, còn thực chất là tiến hành những hành động xâm lấn mới. Bằng chứng là Bắc Kinh bật đèn xanh để Tập đoàn dầu khí nước này lại chào thầu đợt thứ hai ở vùng Biển Đông à xem bài này trên VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/86427/tq-lai-moi-thau-dau-khi-o-bien-dong.html

Với tình hình như thế, Hải quân VN hơn lúc nào phải mau chóng trở nên một lực lượng đủ hùng mạnh. Đất nước có bờ biển dài rộng, thông thương thẳng ra đại dương lớn nhất thế giới - Thái Bình Dương -, thì không lẽ gì không sở hữu một lực lượng hải quân đủ mạnh mẽ đạt tới độ "đủ tính răn đe", như thế mới trị được thói hung hăng kiểu bành trướng bá quyền của những kẻ thích lấn lướt biển đảo sang nhà người khác. Thế giới người ta theo dõi và công bố nhiều tài liệu xác thực về các phe phái diều hâu hiếu chiến trong giới quân sự cũng như hàng ngũ lãnh đạo chóp bu ở TQ là không hề thay đổi gì trong nhiều thập kỷ qua. Có chăng là khi này khi khác họ ngụy trang hữu nghị và trỗi dậy hòa bình để che mắt thiên hạ mà thôi. Chứ tham vọng độc chiếm và bá chủ Biển Đông của TQ lâu nay là có thực trong cả chính sách cụ thể cũng như một chiến lược lâu dài bất di bất dịch.  Từ Biển Đông họ lấy đó làm bước nhảy đà và cũng là thăm dò để tiến dần tới chỗ bá chủ thế giới. 

Nghĩ rộng hơn là với thế giới, phải chăng đã đến lúc cần đến một mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết rộng lớn để ngăn chặn những tham vọng ngông cuồng. Điều ấy có thực trong các giới diều hâu ở TQ lúc nào họ cũng nuôi mộng bá đồ vương, ấp ủ dã tâm thống trị thế giới ngày nay.  

Vệ Nhi


-------
 

Hạ thủy tàu ngầm đầu tiên của VN


Nhà sản xuất của Nga chính thức hạ thủy chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên trong loạt sáu chiếc Việt Nam đặt mua.
Bộ phận báo chí của Công ty Cổ phần Nhà máy đóng tàu Admiralteisky loan báo hôm thứ Ba 28/8 rằng nhà máy này sẽ hạ thủy tàu ngầm Project 636 trong ngày.






Sau khi hạ thủy, chiếc tàu ngầm này sẽ được thử nghiệm để chuyển cho Việt Nam "vào mùa xuân năm 2013".

Cuối năm 2009, Nga và Việt Nam đã ký một hợp đồng cung cấp sáu tàu ngầm Project 636 "Kilo" dùng cả dầu diesel và điện năng, trị giá khoảng 2 tỷ đôla, cho Việt Nam.

Cũng theo bộ phận báo chí của nhà máy này, trong tháng Tám vừa qua, Nhà máy đóng tàu Admiralteisky đã ký kết với tập đoàn bảo hiểm SOGAZ một hợp đồng bảo hiểm cho loạt sáu tàu ngầm Project 636 của Việt Nam với giá trị bảo hiểm là 2 tỷ đôla.

Hợp đồng bảo hiểm này có hiệu lực cho đến tháng 9/2016 và bao gồm "các lần hạ thủy tàu ngầm, thực hiện neo đậu, thử nghiệm tại nhà máy sản xuất và kiểm tra cấp nhà nước, đồng thời bao gồm cả việc thực hành các thao tác trên tàu và vận chuyển cho tới khi chuyển giao cho khách hàng".

Sớm trước thời hạn

Đây là công ty cổ phần nhưng có sự tham gia đặc biệt của Nhà nước Nga.

Nếu như mọi việc suôn sẻ, toàn bộ hợp đồng sáu chiếc tàu ngầm sẽ được thực hiện trước năm 2016, sớm trước thời hạn dự tính từ trước là hai năm.

Việc đẩ̉y nhanh tiến độ này được cho là do nhu cầu đòi hỏi, nhất là trong tăng cường năng lực phòng thủ biển của Việt Nam.

Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh từng nói rằng tàu ngầm là "một trong nhiều nội dung của chủ trương hiện đại hóa quân đội" của Việt Nam.

Tuy nhiên ông khẳng định quân đội Việt Nam chỉ sử dụng loại vũ khí đặc biệt này "vào mục đích bảo vệ Tổ quốc", tức tự vệ.

Indonesia cũng đang chuẩn bị nhận ba tàu ngầm diesel-điện từ Nam Hàn. Hiện Indonesia chỉ có hai tàu ngầm loại cũ, nhưng Jakarta muốn tăng con số này lên 10 chiếc trong vòng 12 năm tới.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/08/120828_submarine_launch.shtml





Chủ Nhật, 26 tháng 8, 2012

Vụ Tổng biên tập bên TQ "tìm đến cái chết"


Vụ Tổng biên tâọ bên TQ "tìm đến cái chết"

ĐỌC TRÊN MẠNG

Tổng biên tập Phụ san một tờ báo lớn của TQ nhảy lầu tự vẫn không phải là loại tin chết chóc hay các vụ tai nạn xoàng trong dân.

Mà đây hẳn nhiên là một "tin lớn". Nguyên nhân và ý nghĩa của nó chắc còn được bàn luận dài dài trong dư luận và truyền thông không những ở TQ mà cả nhiều nước trên thế giới.

Bởi đơn giản là ông Tổng biên tâọ Từ Hoài Khiêm làm ở phụ san Nhân Dân Nhật Báo, tờ báo chính thức và lớn nhất của Đảng CSTQ. Dư luận trong và ngoài TQ đương nhiên chờ đợi những giải thích của giới chính trị cấp cao của nước này về lý do hoặc một ý muốn động cơ gì trong cái chết của ông Từ.

Còn nếu chỉ đưa ra vẻn vẹn mấy ý, đại loại ông Từ mắc bệnh trầm cảm, chán đời chán sống v.v... rồi tìm đến cái chết thì chắc khó thuyết phục dư luận. Ít nhất trên một bản tin của BBC đánh đi ngay sau cái chết của ông Từ Hoài Khiêm (1 giờ chiều ngày 25/8, giờ GMT tức 9 giờ tối thứ Bảy 25/8 giờ Việt Nam) đã hé lộ một nguyên do khiến ông Từ "chán sống": "Tôi đau đớn vì dám nghĩ nhưng lại không dám nói ra. Nếu dám nói thì lại không dám viết và nếu tôi dám viết thì chẳng nơi nào chịu đăng bài tôi cả".     

Xin tạm dừng ở đây. Nhưng chắc chúng ta sẽ đồng tình là cùng tiếp tục theo dõi sự vụ này, vì bản thân câu chuyện nhà báo - một nhà quản lý cơ quan tuyên truyền cấp cao chọn cách tự vẫn hé lộ sau sự việc đó những "khúc nhôi" trong làng truyền thông báo chí của Trung Quốc.

Vệ Nhi



------

Bản tin đăng trên BBC      





TQ xôn xao vụ tổng biên tập tự tử


Cập nhật: 13:16 GMT - thứ bảy, 25 tháng 8, 2012
Nhân dân Nhật báo
 
 
 
Từ Hoài Khiêm công tác nhiều năm tại Nhân dân Nhật báo.

Vụ tổng biên tập một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc tự vẫn gây phản ứng mạnh trong dư luận và các diễn đàn mạng.
 
Ông Từ Hoài Khiêm, 44 tuổi, làm chủ bút phụ trương "Đại địa" (có tin dịch là "Trái Đất" - VN thêm) của Tờ Nhân dân Nhật báo.

Theo thông tin từ kênh chính thức, ông đã nhảy lầu tìm đến cái chết hôm 22/8.

Trang microblog của Nhân dân Nhật báo nói trước đó ông đã xin nghỉ phép vì trầm cảm và đã tìm kiếm trợ giúp y tế.

Từ Hoài Khiêm sinh năm 1968, tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh năm 1989.

Gần như suốt cuộc đời làm báo của mình, ông công tác tại Nhân dân Nhật báo. Ông Từ được đánh giá cao với tư cách cây bút viết các bài bình luận.

Trong một phỏng vấn trước khi qua đời, ông Từ Hoài Khiêm nói: "Tôi đau đớn vì dám nghĩ nhưng lại không dám nói ra. Nếu dám nói thì lại không dám viết và nếu tôi dám viết thì chẳng nơi nào chịu đăng bài tôi cả".

"Tôi ngưỡng mộ những cây bút tự do, nhưng tôi không thể rời hệ thống vì nếu làm như vậy thì gia đình tôi sẽ chịu hậu quả."

Trong bài báo mang tựa đề "Hãy để cái chết chứng thực", ông viết: "Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì xã hội không tỉnh dậy mà để ý và chẳng giải quyết được vấn đề gì".

Choáng váng và giận dữ

Các phát biểu trên của Từ Hoài Khiêm đã được nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn mạng của Trung Quốc.





"Chết là một từ nặng nề, nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì xã hội không tỉnh dậy mà để ý và chẳng giải quyết được vấn đề gì." (Nhà báo Từ Hoài Khiêm)
 


Một độc giả viết trên mạng xã hội Đằng Tấn: "Tôi mới bắt đầu công việc phóng viên mà đã gặp nhiều khó khăn tới nỗi tôi thấy không thể nào khắc phục được".

Một người khác đặt câu hỏi trên mạng Sina: "Từ Hoài Khiêm chết như một nhân chứng chăng? Cá nhân ông bị trầm cảm hay cả thời đại này trầm cảm? Cái đất nước nào mà lại thế này?"

Có người nhận xét rằng vì phải sống với những điều giả dối lâu ngày nên ông Từ lâm bệnh.

Họ cũng tỏ ra thất vọng về tình trạng tinh thần của các trí thức và nhà báo Trung Quốc.

"Người dân chính là các tổng biên tập của một đất nước. Họ chỉ có cuộc đời của mình để đăng lên. Cuộc đời của họ là bài báo và cái chết là nhuận bút. Kết thúc cuộc đời một cách bi thảm là bản nháp chưa hoàn thành."

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/08/120825_china_editor_suicide.shtml

------

CÒN DƯỚI ĐÂY LÀ TIN ĐƯA TRÊN BÁO "TUỔI TRẺ" - PHIÊN BẢN DÀNH CHO ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG - ttmobile


Tại sao nhà báo Trung Quốc tự sát?

TT - Việc tổng biên tập Từ Hoài Khiêm của phụ trương Trái Đất thuộc Nhân Dân Nhật Báo nhảy lầu tự tử hôm 22-8 tạo ra niềm tiếc nuối vô hạn cho giới báo chí và văn đàn Trung Quốc.
 

Nhà báo Từ Hoài Khiêm - Ảnh: Tài Chính Trung Quốc


Dư luận Trung Quốc đặt câu hỏi: "Điều gì đã khiến một nhà báo tài năng phải chọn lấy cái chết?". Đây không phải lần đầu tiên ý định "chết" xuất hiện trong suy nghĩ của nhà báo Từ Hoài Khiêm. Trước đây nhà báo Từ đau xót viết trong bài báo "Làm chứng bằng cái chết": "Chết là một từ nặng nề nhưng ở Trung Quốc, trong nhiều trường hợp, không chết thì không đủ để khiến xã hội xem trọng điều mình muốn nói, không chết thì không thể giải quyết vấn đề một cách thỏa đáng".
 
Nhân Dân Nhật Báo cho biết nhà báo Từ Hoài Khiêm mắc chứng trầm cảm và đã nhiều lần điều trị. Dù vậy, nhiều người bạn chí cốt của ông trong báo giới vẫn không khỏi bất ngờ khi hay tin nhà báo 44 tuổi đã quyết từ bỏ cuộc sống. Tác giả Lý Vân Dũng của trang mạng Hồng Võng đặt câu hỏi: "Nhà báo Từ Hoài Khiêm chết vì chịu đựng chứng trầm cảm của bản thân mình hay vì sự trầm cảm của cả thời đại?".
 
Trên mạng Weibo Sina, nhà bình luận lĩnh vực bất động sản nổi tiếng Lạt Khương khẳng định: "Tổng biên tập phụ trương Trái Đất của Nhân Dân Nhật Báo Từ Hoài Khiêm nhảy lầu tự sát do dám nghĩ không dám nói, dám nói không dám viết, dám viết không dám công bố".
 
ĐÔNG PHƯƠNG
 
 
 
 
 
 
 
 

Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2012

Không thể như thế được Quan họ ơi




Không thể như thế được Quan họ ơi 
 
 

Hôm nay có việc vê quê. Đến Từ Sơn nghe loa phóng thanh phát bài quan họ quen thuộc của NS Nguyễn Trọng Tạo.  

Mọi khi nghe bài hát này tôi cũng giống hệt những bà con đồng hương đất Kinh Bắc, là dù nghe cả trăm lần vẫn một cảm giác không nhàm chán, trái lại vẫn thấy dâng lên trong lòng mình một tình cảm xao xuyến. Thấy giang san đất nước quê nhà, sông Cầu hội Lim câu ca quan họ liền anh liền chị những ngày xưa sao mà đẹp sao mà thiết tha trữ tình đến như vậy nhỉ...   

Thế mà hôm nay cũng làn điệu quen thuộc này, nghe qua thấy cái gì đó như khựng lại, hệt lúc ăn miếng cơm chạm phải hạt sạn (quá oan cho anh Tạo làm bài hát và ca sĩ biểu diễn bài này, ở trường hợp này!).

Sao vậy? Chả là vài chục phút trước khi qua Yên Viên, anh bạn cùng quê gặp trên đường, chào nhau xong níu lại buông ngay lời bực tức, thế ông đã đọc bài Quan họ "hầu nhậu" chưa? Mạng đưa đầy kia kìa. Đúng là đẹp mặt cho Quan họ quê ta nhá... - anh bạn như trút bằng hết nỗi bất bình, như thể tôi - tức bạn anh là thủ phạm, hoặc là bầu hát hoặc chủ quán bày đặt ra trò Quan họ hát rồi trơ trẽn xin tiền khách nhậu vậy.
 
... Chỉ đến khi tôi ôn tồn kể anh bạn nghe ý tôi đồng tình và tôi cũng đã vào mạng và đọc được bài đó rồi (thậm chí "cóp" bài để chuyển những người quen biết đọc nữa). Và tôi cũng nói thẳng với anh về sự bực tức và xấu hổ cho sự xuống cấp của đời sống văn hóa nghệ thuật thời nay. Bạn tôi bỗng trùng giọng xuống, nói với tôi mà như anh tự sự với lòng mình trước khi hai chúng tôi tạm chia tay để tôi đi tiếp hướng Bắc Ninh: Đói cho sạch rách cho thơm, lời xưa các cụ chẳng đúng nữa! Thật là đau Vĩnh à. Mà chắc gì mấy cô mấy anh ca Quan họ kia đã đói đã rách? Rồi bạn tôi chuyển hướng - Nhưng chả lẽ các ông quan quản lý văn hóa nghệ thuật vô can hả ông?  

Bạn tôi lên xe về Hà Nội vẫn còn nguyên nỗi bức xúc dù ngay trước đó tôi đã nêu một cái hẹn với anh ngồi café đầu tuần tới sẽ bàn tiếp câu chuyện Quan họ "đập đầu" - là cách nói mỉa, nghĩa là đến các bàn hầu hát và gợi ý xin tiền bo ở các nhà hàng bây giờ...

Thật ra cái cách "tăng thu nhập" cho ca sĩ từ khán giả được phục vụ trực tiếp nó không có lỗi. Ở nhiều nước khi thưởng thức một buổi "không phải là" hòa nhạc, ca nhạc cũng có tập quán tặng tiền tận chỗ ngồi hao hao như thế này. Ví dụ tới nhà hàng ẩm thực, dự ngày vui hoặc kỷ niệm ai đó, sự kiện nào đó nổi tiếng, có sức thu hút đông đảo người dự khán... thì những ca sĩ ở đó thể theo yêu cầu có thể đến bàn này, nhóm kia hát tặng đúng cái bài, tác phẩm mà người ta muốn nghe. Và người nghe "hết sức" tự nguyện móc ví trả cho cái sự ưu tiên ưu đãi, sự quan tâm đối với riêng họ đó... Tịnh không có cái gì - đối với người thưởng thức - là bó buộc, bị động phải "nộp mình"; và đối với người phục vụ lại là cố ý cố tình, thậm chí "tấn công" vào người thưởng thức như trường hợp Quan họ nhà mình đã làm buồn lòng anh bạn tôi.  

Và với lý do đó tối nay blog tôi xin phép tác giả Thủy Hướng Dương đưa bài "Hậu nhậu - Đừng đập đầu quan họ ai ơi!" lên đây (mời đọc bài đặt ở dưới entry này) như sự chia sẻ và đồng cảm với cách đặt vấn đề thẳng thắn trước một thực trạng văn hóa nghệ thuật xuống cấp hiện nay.
 
Còn chủ blog tôi, một đồng hương quê Bắc Ninh Kinh Bắc chỉ muốn nhắn những người có trách nhiệm về văn hóa của quê hương và những liền anh liền chị chuyên và không chuyên... cũng chỉ đơn giản một lời: "Không thể như thế được Quan họ ơi!" , xấu hổ muối mặt lắm...


Vệ Nhi
 


-----





Hậu nhậu - Đừng đập đầu quan họ ai ơi!

Vẫn biết được ăn, được nghe hát là hạnh phúc mà còn băn khoăn nọ kia thật chẳng nên chút nào nhưng sao cứ thương Quan họ đến thế. Lòng thông cảm với các liền chị vô cùng nhưng sao vẫn cứ thấy xót xa cho Quan họ.

 
Hậu nhậu - Đừng đập đầu Quan họ ai ơi!

Hậu nhậu - Đừng đập đầu Quan họ ai ơi
              Lẽ ra được ăn nhậu xong là người ta phải biết giữ cái mồm cái miệng để… lần sau còn được mời đi ăn nữa dưng mà tớ đek chịu được. Nhịn không yêu chồng một tháng còn được chứ mà nhịn miệng không nói thì quả là khó lắm, khó lắm.

            Chuyện là thế này, tối qua tớ được mời đi nhậu ở mãi Hồ Tây. Nơi mà bọn tớ vẫn thường đến tụ tập khi nổi hứng thơ phú.
            
            Sẽ chẳng có gì để báo cáo bà con nếu như gần tới cuối bữa nhậu bọn tớ bất thình thình “phải” nghe ba liền chị tới “trân trọng tặng quí khách vài điệu dân ca quan họ Bắc Ninh của chúng em”.

             Nhà hàng này có một đội các em xinh xẻo chuyên phục vụ những bài ca quan họ cho khách tới ăn ở nhà hàng. Mà thực tế là cách bàn ăn của chúng tớ không quá 4m, cũng có một số các anh đã yêu cầu các em ấy đến hát. Ngồi bên này bọn tớ vừa ăn, vừa nghe, vừa quan sát, vừa bình loạn. Các anh ấy cười hô hố đòi làm anh hai, nghe các em hát xong, các anh ấy còn kéo tay định cho các em ngồi trên lòng để tỏ lòng mến mộ.

              Bọn tớ nhìn thấy những cảnh đó đã bắt đầu chạnh lòng, nhưng lòng ngại nói ra đành chúi đầu chuyện vãn tiếp. Ừ, thì các anh ấy có nhu cầu, các em sẵn sàng phục vụ có gì đâu mà khó chịu, phải không ạ?

             Bẵng đi một lúc, các liền chị tới bàn bọn tớ và thẽ thọt những lời như trên. Bọn tớ hơi bất ngờ nên im lặng khá lâu mới có một bác lên tiếng phá vỡ không khí nặng nề. Bất ngờ vì mấy lẽ: Lẽ thứ nhất, bọn tớ không yêu cầu mà bỗng dưng các liền chị đến, làm bọn tớ tiếp nhận sự nồng hậu của các chị thật là gượng gạo. Chả lẽ lại nói chúng tôi không muốn nghe thì “phũ” quá. Mà quả tình là bọn tớ không muốn nghe thật. Không phải các liền chị hát dở mà vì dư âm sự đối đãi của khán giả (là các anh bên kia) với các chị chẳng bằng mấy người hát rong ngoài đường vẫn còn đọng lại, thật chẳng phải là tích cực gì. Lẽ thứ hai, giá như các liền chị đến mà nhà hàng cho nhân viên báo trước bàn bọn tớ được biết thì có phải là quan họ sang trọng lên bao nhiêu không? Chứ ai lại để các chị tự đến từng bàn mà “xin tặng” thế này, rẻ rúng Quan họ quê mình quá.




            Tớ còn nhớ sách xưa kể rằng, mỗi lần quan lớn chứ chưa nói tới ông vua mà vời được một gánh hát rong vào hát ở trong dinh là quan lớn coi trọng gánh hát lắm. Hát xong nếu quan có thưởng tiền cũng thưởng một cách trân trọng, chủ gánh hát có cúi đầu lạy tạ quan cũng tới gần nâng lên.

            Tớ biết, các liền chị đi hát thế này, đến từng bàn “năn nỉ” thế này cũng là việc cơm áo gạo tiền cực chẳng đã. Các chị phải chào những người không quen biết, để rồi rút tơ lòng bằng tiếng hát tặng người không quen biết chắc các chị cũng phải dằn lòng bỏ qua cái tôi mới dũng cảm như vậy được. Các chị và nhà hàng có nghĩ rằng nếu hình ảnh ấy mà được ghi lại bởi một du khách nước ngoài thì họ sẽ nghĩ gì về một làn điệu dân ca đã được Unessco công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại?

            Vẫn biết được ăn, được nghe hát là hạnh phúc mà còn băn khoăn nọ kia thật chẳng nên chút nào nhưng sao cứ thương Quan họ đến thế. Lòng thông cảm với các liền chị vô cùng nhưng sao vẫn cứ thấy xót xa cho Quan họ.

Người xưa có câu, biết ăn biết chơi mới là bậc phong lưu, nho nhã. Từ câu chuyện phục vụ hát quan họ tại các bàn ăn này tớ liên tưởng tới việc tại sao không chuyên nghiệp hóa ngành dịch vụ du lịch như một nhà hàng Nhật nọ, cũng có đàn hát phục vụ nhưng họ biết cách làm, khiến khách hàng dù phải trả nhiều tiền mà cảm thấy không hối tiếc vì được phục vụ xứng đáng.

              Ai ơi đừng đập đầu Quan họ mà dí xuống bùn đen như thế này.

 Thủy Hướng Dương
          9/8/2012


Nguồn: http://thuyhuongduong.com/vi/news/Vun-vat-doi-thuong/Hau-nhau-Dung-dap-dau-Quan-ho-ai-oi-473/



 

Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2012

Nhân chuyện một người gốc Việt "làm to"



Nhân chuyện một người gốc Việt "làm to"

Hôm nay (24/8) khá nhiều báo điện tử và trang mạng cá nhân đưa tin Phó thủ tướng Philipp Rosler, người Đức gốc Việt sắp thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm chính thức của một nhà lãnh đạo cấp rất cao -  được coi là nhân vật số 2 của CH Liên bang Đức, quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu hiện nay - đến nước ta.

Nhân đây có mấy lời, trước là chia vui, sau cũng là chút nghĩ ngợi nhân một người gốc Việt "làm to" trở về mảnh đất quê hương.

Không chút nghi ngờ tin ông Rosler về thăm Việt Nam với cương vị lãnh đạo chính phủ Đức là niềm vui không chỉ cho tình hữu nghị và sự hợp tác Việt – Đức mà còn một niềm vui “bên trong” của người Việt mình (lớn nhỏ có khác nhau, nhưng đều có, và ngay cả người Việt hải ngoại nữa đều vui, chắc thế…). Vui lại xen cả chút tự hào, nhất là thấy báo chí cứ nhắc đi nhắc lại là “một người gốc Việt”, hay bay bổng hơn “phó thủ tướng Đức gốc Việt”.

Một nghĩa nào đó, đây là sự hiển vinh trong truyền thống xưa người Việt, đỗ đạt làm quan áo mão võng lọng về làng, thứ “vinh quy bái tổ” người dân xưa ao ước. Lần này khác chăng diễn ra trong thời hiện đại và hội nhập, nên có thể ông phó thủ tướng Đức đi lâu ngày, ngay khi chưa đầy một tuổi, giờ sống với các tiêu chí văn hóa đã khác thì chả có mấy bận tâm với chuyện võng lọng áo mão nữa...

Nghĩ vui, và cũng từ vui mà ngậm ngùi chạnh lòng nữa. Đất nước mình bao phen tao loạn, đời sống dân tình nghèo cực nên bao người phải dứt áo ra đi… Nhưng người Việt mình giỏi quá, họ ở khắp nơi trụ vững và thành đạt, dù khi rời nước ra đi khối người chỉ đôi bàn tay trắng…

Trở lại với ông Rosler, giờ ông đã là công dân Đức xịn “trăm phần trăm” rồi nên ta nhận phần ta đến mức nào thôi. Bởi bao nhiêu công nuôi dưỡng, đào tạo và phấn đấu cá nhân ở nước Đức của ông mới làm nên Quý ngài phó thủ tướng hiện nay. Chứ nói dại, vì cớ gì đó chuyến xin con nuôi ngày xưa của cặp cha mẹ Đức kia không thành thì cậu bé Việt mồ côi hồi đó không hiểu sẽ ra sao... Đúng là có số phận và con người ta rất phụ thuộc môi trường sống và điều kiện để những con người được tự do và bình đẳng trưởng thành... 

Vệ Nhi g-th


------ 

* Mời các bạn đọc dòng tin thời sự, trích ngang lý lịch hoạt động và đặc biệt một bài phỏng vấn đã đăng trên báo Spiegel của Đức đọc rất thú vị trong dịp này về ông Philipp Rosle.


Phó Thủ tướng Đức gốc Việt sắp thăm Việt Nam

Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho hay Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế – Công nghệ Đức Philipp Rösler sẽ thăm chính thức Việt Nam tháng 9 tới.





Ông Marko Walde, trưởng đại diện văn phòng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam cho hay, Phó Thủ tướng Đức, sẽ thăm Việt Nam 3 ngày, từ 17 đến 19/9.

Tháp tùng ông Rösler là một phái đoàn doanh nghiệp Đức. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tê ́- Công nghệ Đức sẽ có các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam. Ông cũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Đức – Việt Nam tại TP HCM vào ngày 19/9.

Theo TTXVN, hôm 22/8, tại Berlin, trong buổi tiếp Đại sứ Việt Nam tại Đức Nguyễn Thị Hoàng Anh, ông Philipp Rösler bày tỏ mong muốn chuyến thăm Việt Nam của ông sẽ góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Việt-Đức.

Ông đánh giá cao vị thế và tiềm năng phát triển của Việt Nam, khẳng định Việt Nam nằm trong chiến lược phát triển kinh tế của Đức.

Phó Thủ tướng Đức nhấn mạnh chuyến thăm thu hút nhiều sự quan tâm của chính giới và cộng đồng doanh nghiệp Đức, hy vọng chuyến thăm sẽ tạo tiền đề xây dựng các dự án hợp tác mới với Việt Nam.

Đánh giá cao cộng đồng người Việt tại Đức hội nhập thành công, là nhóm hội nhập tốt nhất ở Đức, Phó Thủ tướng cho rằng học sinh con em người Việt là nhóm học sinh giỏi ở Đức nhờ thừa hưởng văn hóa gia đình và coi trọng việc học hành.

Ông mong muốn mở rộng dạy và học tiếng Đức ở Việt Nam nhằm góp phần tạo thuận lợi cho phát triển quan hệ Việt-Đức. Ông cũng mong sẽ có dịp đưa gia đình về thăm Việt Nam để các con biết về nguồn gốc của mình.


Nguồn nguoiduatin blog:


------


Đọc thêm:

Trích ngang chút về nhân thân (chỉ nói quãng đời "làm cán bộ" cho gọn  ---> lấy ở nguồn Wikipedia):

Tiến sĩ Philipp Rösler (sinh ngày 24 tháng 2 năm 1973[fn 1] tại Khánh Hưng, Ba Xuyên, nay là Sóc Trăng, Việt Nam) là một chính trị gia Đức của Đảng Dân chủ Tự do (FDP). Từ ngày 18 tháng 2 đến ngày 22 tháng 10 năm 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Kinh tế kiêm phó Thủ hiến bang Niedersachsen (hay Hạ Saxon). Từ ngày 28 tháng 10 năm 2009, ông là Bộ trưởng Bộ Y Tế Liên bang Đức trong nhiệm kỳ thứ nhì của Thủ tướng Angela Merkel. Ngày 13 tháng 5 năm 2011, tại Đại hội Đảng FDP, ông được bầu làm chủ tịch đảng FDP và sau đó được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức [1] kiêm Bộ trưởng Bộ kinh tế và công nghệ liên bang.

-------


... và bài phỏng vấn trên báo Đức:

Phó Thủ tướng Đức chia sẻ về 'nguồn gốc Việt Nam'

   
Trong buổi phỏng vấn với Spiegel, Phó Thủ tướng Đức gốc Việt Philipp Rosler thổ lộ ông từng mơ mình là một hoàng tử Việt Nam.





>> 'Cậu bé mồ côi' gốc Việt trở thành chủ tịch chính đảng lớn tại Đức

Bộ trưởng Kinh tế Đức gốc Việt, Philipp Rosler, được gia đình Đức nhận nuôi từ khi còn thôi nôi, tuy nhiên ông khẳng định chưa bao giờ gặp rắc rối về xuất thân của mình. Ông đã thẳng thắn trả lời phỏng vấn trên Spiegel về nguồn gốc Việt Nam, sự hòa nhập và ý nghĩa khi trở thành một người Đức của mình.

- Thưa Bộ trưởng Rosler, ông được sinh ra ở Việt Nam và được bố mẹ người Đức nhận nuôi khi mới 9 tháng tuổi. Khi nào ông bắt đầu chú ý rằng mình khác biệt so với những đứa trẻ Đức khác?- Khi tôi lên 4 hay 5, cha tôi đặt tôi đứng trước gương cùng ông và nói: “Hãy nhìn vào con, sau đó nhìn cha, chúng ta khác nhau. Nhưng dù cho mọi người có nói gì và có điều gì xảy ra thì cha vẫn là cha con”.
Ông Rosler từng mơ mình là hoàng tử Việt Nam.

- Lúc nhỏ ông có bị trêu chọc vì bề ngoài hay không?- Không, không bao giờ. Thỉnh thoảng tôi còn mơ mình là một hoàng tử Việt Nam bị mất tích. Ý tưởng này đã xuất hiện trong đầu tôi, tôi còn hỏi cha mình là liệu ở Việt Nam có hoàng tử hay không. Ông nói rằng Việt Nam cũng từng có vua nhưng không còn nữa, lúc đó là vào những năm 1980.

- Với bề ngoài khác biệt của mình, đã bao giờ ông tưởng tượng có ngày mình trở thành Phó Thủ tướng Đức chưa?- Liệu một thiếu niên có thể tưởng tượng mình sẽ trở thành Phó thủ tướng hay không? Tôi nhận ra rằng người Đức rất khoan dung và có thể chấp nhận sự thật rằng trông tôi khác với những người Đức bình thường. Còn trên thế giới, điều này cũng gây được sự chú ý. Gần đây, khi tôi hộ tống Thủ tướng tới Washington và khi chúng tôi tới Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã rất tò mò về sự nghiệp chính trị của tôi.
Ông luôn cởi mở và thân thiện.

- Việt Nam có phản ứng như thế nào khi ông trở thành Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (FDP), liên minh với Đảng của Thủ tướng Angela Merkel và trở thành Phó Thủ tướng Đức?- Tôi nhận được rất nhiều lời chúc mừng từ các chính phủ, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến tôi rất hạnh phúc.

- Người dân Việt Nam có tự hào về Philipp Rosler?- Những chiếc xe du lịch tour của Việt Nam thường dừng trước Bộ của tôi và đối với nhiều người Việt Nam, điều này rất đặc biệt. Nếu một người con nuôi Đức được làm việc trong chính phủ Việt Nam thì người Đức cũng cảm thấy thích thú.
Gia đình hạnh phúc của Bộ trưởng Rosler.

- Là một Bộ trưởng Kinh tế, ông có kế hoạch nới lỏng luật nhập cư vào Đức hay không?- Tôi sẽ ủng hộ Đức đi theo chiều hướng trên. Đức cần một bộ phận người nhập cư chất lượng và sẽ vô lý khi Đức bỏ nhiều tiền để đào tạo các sinh viên nước ngoài rồi sau đó họ tốt nghiệp và chỉ ở lại đây một năm.

- Ở Đức, cộng đồng người châu Á được xem là hòa nhập tốt nhất. Tại sao lại như vậy?- Cha mẹ người Việt, cũng giống như các bậc phụ huynh nước ngoài khác, luôn muốn con cái mình được hưởng nền giáo dục tốt nhất.

- Bản thân ông có bao giờ gặp rắc rối trong chính trị bởi vì người có nguồn gốc châu Á luôn thân thiện và dễ gần?

-
Tại sao thân thiện và dễ gần lại trở thành một vấn đề nhỉ?
Ông được xem là "cánh tay phải" của Thủ tướng Đức.


- Ông có biết chi tiết về nguồn gốc Việt Nam của mình hay không?- Tôi có biết. Trong một sự kiện ở thị trấn Holzminden, có một người đàn ông đã hỏi chính xác nơi tôi sinh ra là ở đâu. Tôi nói cho ông ấy biết tên ngôi làng nơi tôi sinh ra, được ghi trong giấy khai sinh. Người đàn ông này cho biết đây quả là một sự trùng hợp ngẫu nhiên vì con gái ông cũng đến từ nơi đó...
Ông Rosler luôn để lại một hình ảnh gần gũi trong lòng người dân.

- Điều gì ông thích nhất về Việt Nam?- Cảnh vật ở đây rất đẹp và thức ăn cũng rất tuyệt vời. Khi bạn tới một nhà hàng châu Á ở Đức, tất cả đã được Đức hóa. Nhiều người châu Á thậm chí cũng không muốn tới đây vì đơn giản là hương vị không được như ở quê nhà.

- Ông có phải là hình mẫu lý tưởng cho những người nước ngoài ở Đức?- Rất nhiều người xem tôi là hình mẫu. Khi tôi mới trở thành Bộ trưởng, trong buổi gặp mặt ở nhà hàng Bundestag, một người đàn ông da đen đã tới gặp tôi và nói: “Tôi nghĩ thật tuyệt vời khi có một người trong chúng ta có thể thành công”.

- Ông có hài lòng không?- Tất nhiên rồi, bởi vì những lời nói đó rất chân thật và xuất phát từ trái tim.

- Cảm ơn Bộ trưởng vì cuộc phỏng vấn thú vị này.



Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Ông Assad sẽ ra đi?


ĐỌC TRÊN MẠNG

Ông Assad sẽ ra đi?

 
 
Những thông tin dạng này cũng từng xuất hiện ở Syria nhưng rồi xung đột vẫn ngày thêm leo thang và kéo dài. Tuy nhiên thông tin trên lần này đưa ra ở Matxcova và sau khi Phó thủ tướng nước này thảo luận với lãnh đạo Nga. Thôi thi thế giới phải chờ thêm.
 
Nhân câu chuyện Syria, xin ghi lại đây vài hàng để trước hết là tự giải đáp cho bản thân, điều nữa là chia sẻ với bạn bè quan tâm.. 
 
Đúng là tình hình đất nước Syria nội chiến ác liệt tơi bời và là lâu nay là tâm điểm thời sự quốc tế. Cái kịch bản Kadhafi liệu có diễn ra với ông tổng thống của nước này hay không là điều giới lãnh đạo (không được lòng dân/hoặc nổi lên như thế lực độc tài) của nhiều quốc gia trong vùng này quan tâm và lo lắng.
 
Tuy nhiên việc ai đổ ai chết, và nhất là bao sinh mạng dân thường, binh lính ngã xuống..., tất cả các điều ấy có vè là không mấy quan trọng bằng việc vũ khí, phương tiện chiến tranh cứ nua bán được, lượng dầu mỏ khổng lồ ở đây cứ thoải mái lên xuống thất thường miễn cái núi tiền bạc kia trút hết được vào cái túi của bọn tài phiệt quốc tế đủ loại và đủ các nước từ Đông sang Tây… Có một cơ chế” quyền uy ngoài khu vực điều khiển, khống chế, lôi kéo. Chiến tranh lúc nóng lúc lạnh, còn thì hầm hè căng thẳng và xung đột cứ liên miên tiếp diễn, nước này qua nước kia, trải dài suốt từ những năm 1948 cho đến nay ở khu vực này…

Đó mới là điều phải nghĩ. Và những nỗi thống khổ người dân Trung Cận Đông, Bắc Phi phải gánh chịu suốt mấy thập kỷ qua cứ mãi tiếp diễn, thật là quá phi lý, phi lý đến múc... không ai làm gì được!.


Vệ Nhi 
 
 
-----  
 
 
Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng thảo luận?
Syria sẵn sàng thảo luận một phương án chính trị để Tổng Thống Bashar al-Assad có thể rời chính quyền.
Tin đầy bất ngờ này được Phó Thủ Tướng Qadri Jamil đưa ra với báo chí ở Maxcơva hồi trưa nay, ngay sau cuộc thảo luận với ông và giới lãnh đạo Liên Bang Nga.
Ông Jamil nói rõ là Tổng Thống Al-Assad không bao giờ từ chức, nhưng ông và các viên chức Maxcơva đều tin một giải pháp chính trị để người lãnh đạo Damascus ra đi êm thắm là điều có thể xảy ra.

Giải pháp được ông nói tới là sẽ tổ chức cuộc bầu cử được quốc tế giám sát, với sự tham dự của các đảng phái và cá nhân, trong đó có ông Al-Assad.

Nếu được cử tri tín nhiệm, ông Al-Assad sẽ tiếp tục nằm quyền, bằng không, ông sẽ rời khỏi chính trường.



Phản ứng của thế giới với lời phát biểu này vẫn là thái độ hoài nghi.

Rất nhiều tuyên bố đã được các chính phủ như Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước Ả Rập đưa ra, với nội dung nói rằng nhà lãnh đạo Syria đang tìm cách kéo dài thì giờ, và điều này chỉ gây thêm thiệt hại cho người dân.

Cũng cần nói thêm là báo cáo của Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Syria cho biết hôm qua, lại có thêm ít nhất 198 người dân Syria thiệt mạng vì những vụ chạm súng giữa quân chính phủ và lực lượng nhân dân nổi dậy ở thành phố Aleppo cũng như tại một số khu vực nằm sát thủ đô Damascus.

Bản tin của RFA ngày 22/8/2012


 

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...