Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2011

Gien sợ

Gien sợ

(Một người Việt bàn về nỗi sợ của người Việt mình)

Một bữa lang thang trên mạng thấy bài của một blogger với danh xưng khá mới, Nguyễn Thanh. Nói mới vì cái blog anh mới post lên khoảng chục bài và một ít tiểu phẩm. Người sở hữu blog này có tên thật là Nguyễn Thanh Tiến, do Multiply.com tự động lấy first name mà tác giả khai báo nên blog có tên gọn là Nguyễn Thanh.

Trên con blog đã dẫn, tôi rất chú ý đến một bài viết có cái tên là lạ, có vẻ gì đó bỡn cợt: “Gien sợ”.

Tuy cái tên là vậy nhưng bài viết lại nghiêm túc. Từ cách đặt vấn đề, trình bày đến sự phân tích và cắt nghĩa về sự sợ hãi khá là căn cơ và bài bản. Người viết dường như muốn người Việt chúng ta hãy nhìn thấu căn bệnh sợ hãi của mình và tìm ra hướng khắc phục. Theo tác giả này việc “biết sợ” không có gì là sai cả. Nhưng nếu lấy sự “dĩ hòa vi quý” là phương châm hành động của cả một dân tộc thì nó mang lại rất nhiều hậu quả tiêu cực. Vấn đề là phải giải phóng khỏi những nỗi sợ hãi vô hình mới cho được các cơ hội huy động nhiều nhất “trí tuệ dân tộc” trong sự phát triển và hiện đại hóa đất nước.

Có thể chúng ta sẽ đồng tình hoặc chưa/không đồng tình với cách đề cập và lập luận của tác giả. Hoặc cũng có thể chỉ tán thành ở điểm này mà không tán thành ở các điểm khác với Nguyễn Thanh. Tuy nhiên với sự tôn trọng ý kiến riêng của một cây bút mình dẫn, tôi xin post nguyên văn bài viết này. Sự nhận xét, đánh giá hoặc suy ngẫm thế nào đối với các vấn đề blogger này nêu lên là tùy cách nhìn và chỗ đứng của mỗi chúng ta.

NV

---------------

Gien sợ

Ngày nay, với việc giải mã bộ gien, con người có thể dễ dàng phân biệt người này với người khác, dân tộc này với dân tộc khác, bởi mỗi người, mỗi dân tộc đều có những gien đặc trưng riêng của mình mà không thể nào lẫn được với người khác, dân tộc khác. Là một người Việt Nam, tôi tự hỏi, thế gien nào là đặc thù của người Việt chúng ta?

Vì không có trình độ về sinh học nên tôi không thể phân tích gien để chỉ ra đâu là gen đặc trưng của người Việt. Tôi chọn một phương pháp khác, phương pháp sử dụng thuyết tiến hóa. Ta biết rằng tiến hóa là sự đấu tranh giữa tồn tại và không tồn tại, vì vậy để đi tìm gien đặc trưng của một dân tộc thì phải tìm ra gien nào có ảnh hưởng nhiều nhất đến cơ hội tồn tại của những con người trong dân tộc đấy.

Sau khi xem xét nhiều ứng cử viên, cuối cùng tôi khá chắc chắn khi cho rằng gien đặc trưng nhất của người Việt chúng ta đấy chính là "gien sợ". Có thể nói hiếm có một dân tộc nào mà việc biết sợ có ảnh hưởng sự sống còn như dân tộc Việt Nam.

Gien sợ có thể thấy ở đâu?

Có thể thấy "gien sợ" của chúng ta tồn tại ở khắp mọi nơi. Khi ở nhà, con cái phải biết sợ người lớn, và chỉ những đứa trẻ nào biết sợ người lớn thì được gọi là trẻ ngoan. Khi đến trường, học sinh phải biết sợ thầy cô giáo, và chỉ có những đứa trẻ biết sợ mới được gọi là trò ngoan. Lớn hơn nữa khi đi làm, nhân viên phải biết sợ cấp trên, và chỉ những người biết sợ mới là những nhân viên gương mẫu và con đường thăng quan tiến chức cũng dễ dàng hơn. Còn khi ra đường chúng ta phải biết sợ những kẻ liều mạng, những tên cướp hoặc xã hội đen, bởi chỉ có biết sợ, chúng ta mới tránh được những sự "hi sinh" không cần thiết. Hoặc đôi khi còn việc phải dính tới pháp luật hay hành chính chúng ta còn phải biết sợ những người có chức có quyền bởi chỉ có sợ và làm theo "yêu cầu" của họ thì công việc của bạn mới trôi chảy và tránh được những rắc rối không cần thiết.

"Gien sợ" này không phải mới xuất hiện trong con người Việt Nam ngày nay mà có thể nói nó đã cùng dân tộc ta đi suốt chiều dài lịch sử. Bởi lịch sử của chúng ta: "1000 năm đô hộ giặc Tàu, 100 năm đô hộ giặc Tây", tức là lịch sử của một dân tộc nô lệ, mà đã là nô lệ thì biết sợ chính là chân lý để tồn tại. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng trong lịch sử chúng ta đã nhiều lần "anh dũng" chiến thắng ngoại xâm, và chẳng phải "người Việt Nam dũng cảm kiên cường" hay sao. Để tranh luận về vấn đề này tôi xin trích một câu của tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi đã đăng trên Tuần Việt Nam [1]:

Nước ta suốt nghìn năm, mỗi khi Trung Quốc xâm lăng thì ngoan cường tuyên bố "Nam quốc sơn hà Nam đế cư", nhưng thắng họ rồi thì lại đều đặn triều cống, các vua của ta mỗi khi lên ngôi thì luôn xin "thiên triều" phong tước, tự coi mình là nước nằm trong vòng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Vâng, nếu dân tộc ta thực sự dũng cảm kiên cường, tại sao đã chiến thắng rồi lại phải quay lại quỳ gối xưng thần với giặc phương Bắc, hoặc thậm chí còn cho xây cả đền thờ tướng giặc [2], kẻ đã mang quân sang giết hại đồng bào ta, ngay tại kinh thành của mình. Vấn đề này có người đã giải thích rằng bởi nhân dân ta có sự khoan dung và lòng nhân từ cao cả. Hay tôi đã nhầm, gien đặc trưng của dân tộc ta không phải là "gien sợ" mà là "gien nhân từ". Nhưng không, rất nhiều lần tôi không thấy cái gien nhân từ đấy được thể hiện. Ví dụ như: những người theo chế độ miền Nam cũ không được sử dụng sau khi đất nước thống nhất, hoặc tìm cả nước khó gặp được cái đài tưởng niệm nào dành cho những người thuộc phía miền Nam hi sinh trong chiến tranh. Xa hơn một chút, trong cuộc cải cách ruộng đất, nhiều người đã bị đối xử tàn nhẫn (Hồ Chủ Tịch đã nhận lỗi). Thế đấy, nếu nhân từ là gien đặc trưng của người Việt thì nó không thể chỉ được dùng với những kẻ ngoại xâm, mà không có tác dụng với ngay chính những người là đồng bào ruột thịt với mình, những người cùng do mẹ Âu Cơ sinh ra. Tất cả chỉ giải thích bởi nỗi sợ, còn các lời giải thích "có cánh" khác nên kết ở một câu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau", thế đấy vua đã quyết rồi thì tội gì không khen ngợi cho vua thì vui vẻ, mà nhân dân lại tự hào.

"Gien sợ" không chỉ tồn tại trong đời sống hàng ngày, trong lịch sử mà nó còn xuất hiện cả trong đời sống tinh thần người dân Việt. Điểm qua các câu truyện dân gian, ta thấy rất nhiều trong đó có chủ đề là châm biếm quan lại hay như ngày nay gọi là "nói xấu cán bộ", "nói xấu chế độ". Chuyện "Trạng Quỳnh" có thể coi là một thí dụ điển hình về thể loại này. Với Trạng Quỳnh người dân ta vui, bởi những kẻ bị nói xấu, bị chửi, bị chơi xỏ trong chuyện là những kẻ ngày đêm áp bức bóc lột họ, những kẻ mà thường ngày khi gặp họ phải dạ vâng, thậm chí quỳ gối vái lạy, những kẻ mà thường trực mang lại nỗi sợ hãi cho họ. Nhưng đáng buồn thay, đó là “ước mơ” thôi. Mà ngay cả trong ước mơ dân ta vẫn sợ, vì thế dù để thể hiện khát khao chống lại sự áp bức bóc lột nhưng nó lại không thể đưa trí tưởng tượng nhân dân vượt ra ngoài cái khuôn khổ mà chính quyền áp đặt lên họ.[3]

Tại sao "gien sợ" lại xuất hiện nhiều đến vậy?

Ngày nay, còn rất ít nơi mà việc đào tạo "gien sợ" phổ biến và tốt như ở Việt Nam. Nó trải rộng từ trong gia đình, nhà trường cho đến toàn xã hội.

Đối với người Việt Nam, thì chuyện bố mẹ mắng con cái có thể coi là chuyện bình thường, thậm chí đôi khi bố mẹ cho rằng phải đánh thì chúng mới nên người được, thế nên chúng ta mới có câu "yêu cho roi cho vọt". Vì vậy ngay từ nhỏ, khi bắt đầu có nhận thức trẻ con đã được biết thế nào là "sợ" và tất nhiên những đứa nào chưa biết sợ sẽ được "dạy bảo" thường xuyên hơn cho đến khi biết sợ. Bởi cha mẹ nào cũng nhận thức rằng nếu không gắn được cái "gien sợ" cho con mình thì sau này chúng sẽ bị thua thiệt, sẽ hứng chịu nhiều rủi ro của cuộc sống.

Bên cạnh môi trường tiến hóa "gien sợ" ở gia đình, phần lớn trẻ con sẽ được "đạo tạo" một cách chính quy hơn ở một môi trường khác có tên là nhà trường. Ở đây loại gien này sẽ được phân loại bằng cái người ta thường gọi là điểm đạo đức. Tất nhiên những em nào biết sợ sẽ là học sinh ngoan ngoãn, còn ai không biết sợ, dám cãi lại ý kiến của thầy cô giáo sẽ nhận được hình thức kỷ luật tương xứng. Đôi khi việc phân loại "gien sợ" còn đi xa hơn một bước, đó là phân loại dựa trên gien sợ của phụ huynh học sinh: những vị phụ huynh nào không biết "sợ" giáo viên, đặc biệt là trong những dịp lễ tết, thì con của họ cũng sẽ bị xếp vào nhóm không tốt.

Chính vì chúng ta có một môi trường giáo dục hoàn hảo như thế nên khi những đứa trẻ lớn lên chúng ta có cả một xã hội toàn những công dân ngoan hiền dễ bảo, mọi người đều biết tuyệt đối tuân theo chủ trương đường lối của cấp trên. Dù vậy thi thoảng vẫn "nảy nòi" ra những kẻ không biết sợ, thế nhưng những "kẻ" này nhanh chóng bị cộng đồng xa lánh cô lập, bị cho là "dở hơi" hoặc "có vấn đề", bởi cũng giống như câu chuyện "ở xứ mù thì người sáng mắt chính là kẻ dị tật". Trường hợp thầy giáo Đỗ Việt Khoa "dám" chống tiêu cực là một ví dụ như thế.

Còn nếu những kẻ "không biết sợ" mà cộng đồng cũng không xa lánh, không cô lập mà đôi khi còn có phần ủng hộ, thì những kẻ đấy được coi những kẻ đặc biệt nguy hiểm. Họ phải lập tức bị cách ly, bị bắt giam, thậm chí bị tiêu diệt để cho cái "gien không sợ" của họ không có cơ hội phát tán ra bên ngoài, hoặc cảnh báo cho những người có mầm mống "không sợ" phải biết đường mà đi "chữa bệnh". Có thể kể ra điển hình là các văn nghệ sĩ trong "Vụ án Nhân Văn - Giai Phẩm"[4], phần lớn họ được đưa đi cải tạo, treo bút và giam cầm.

Có thể nói chúng ta có một môi trường hoàn hảo để tiến hóa ra những con người biết sợ, nó hoàn hảo đến nỗi cả những kẻ chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng, trong văn học, nhưng lại mang trong mình cái gien không sợ như Chí Phèo hay Trạng Quỳnh thì kết cục cuối cùng vẫn phải là cái chết.

Những ảnh hưởng tiêu cực của "gien sợ" ?

Với một người, việc biết sợ không có gì là sai cả, mà thậm chí còn có thể nói đấy là một hành động khôn ngoan mặc dù đôi khi có thể gọi là ích kỷ. Nhưng nếu lấy "dĩ hòa vi quý" là phương châm hành động của cả một dân tộc thì nó mang lại hậu quả vô cùng to lớn.

Hậu quả đầu tiên có thể thấy là vì chúng ta đào tạo ra những con người biết sợ, luôn làm theo những gì có sẵn (cho an toàn) nên chúng ta có một dân tộc thiếu sáng tạo, dập khuôn, máy móc.

Cũng chính vì "sợ" nên chúng ta đều đặt tiêu chí an toàn cho bản thân lên trên tiêu chí sự thật, đặt sự hài lòng của cấp trên làm thước đo của sự thành công thay vì chất lượng thực sự. Điều này đã dẫn đến bệnh thành tích lan tràn, cách làm ăn gian dối, sự thật bị che đậy, một xã hội bị khủng hoảng niềm tin bởi ai cũng "nói dzậy mà không phải dzậy".

Một hậu quả nữa dễ thấy đó là trộm cướp, xã hội đen ngày càng ngang nhiên hoạt động. Việc sử dụng vụ lực để giải quyết bất hòa ngày càng tăng. Đã nhiều lần báo chí đưa tin cảnh cướp giật hành hung giữa đường mà không ai dám can thiệp, hay là hình ảnh học sinh đánh nhau ngày càng thấy xuất hiện nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Khi mà một vài tên cướp ngang ngược giữa đường mà chẳng có ai dám can thiệp, thì tất nhiên đối với những người có chức có quyền dù họ có làm sai thì phần lớn mọi người cũng chẳng dám lên tiếng. Thế nên tình trạng tham nhũng lan tràn, hình ảnh muốn được việc phải có tiền "bôi trơn" ngày càng phổ biến. Cùng với đó là nạn lợi dụng chức quyền, vi phạm pháp luật của quan chức đã trở thành chuyện thường ngày mà chẳng ai buồn chống lại.

Nhưng nguy hại nhất chính là nó đã kéo lùi sự tiến bộ của cả một dân tộc, biến dân tộc ta thành một dân tộc lạc hậu so với thế giới. Bởi chúng ta có một xã hội không phản biện, mọi người đều không dám lên tiếng nói về chính trị bởi chỉ cần dọa "sặc mùi chính trị" là ai cũng co hết cả lại (không hiểu cái mùi đấy là mùi gì?). Chính vì không ai dám lên tiếng, không có phản biện nên chúng ta không tận dụng được "trí tuệ dân tộc" [5] trong việc phát triển, hiện đại hóa đất nước. Để cho dễ hiểu, có thể hình dung cả dân tộc như một đoàn người lạc trong rừng, để tìm được đường ra thì cách nhanh nhất là phải tận dụng được con mắt, bộ nhớ, trí tuệ của tất cả mọi người. Nhưng vì sợ hãi nên cả đoàn người chỉ biết cúi xuống nhìn mông người đằng trước để xác định hướng đi cho mình. Thành ra cả một đoàn người dài mà chỉ sử dụng mỗi con mắt, bộ não của cái người đi phía đầu hàng, nên đi lạc, đi lòng vòng có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Nguyễn Thanh

Ghi chú:

[1] Bài: Trung Quốc trong mắt Nhật Bản, cách nhìn tạo ra số phận .

[2] Tướng giặc Sầm Nghi Đống.

[3] Đoạn này có sử dụng ý tưởng trong bài "Trạng Quỳnh - Trạng Lợn, hai nét tâm lý người Việt cười" của Đỗ Lai Thúy.

[4] Phong trào Nhân văn Giai phẩm.

[5] Trí tuệ dân tộc là trí tuệ cộng đồng của một dân tộc. Trong trí tuệ cộng đồng có hai đặc tính, thứ nhất là trí tuệ đcộng đồng của một nhóm người tư duy độc lập có thể vượt qua được trí tuệ của người giỏi nhất trong nhóm đó; thứ hai là nhóm càng đông người thì trí tuệ cộng đồng của nhóm đó càng cao. Do vậy có thể suy ra trí tuệ cao nhất của một dân tộc đó là trí tuệ cộng đồng của tất cả thành viên thuộc dân tộc đó.




Chủ Nhật, 24 tháng 4, 2011

Nhẹ lòng

Nhẹ lòng

Một cái tin lướt thấy đăng trên trang điện tử Báo Tiền Phong hôm nay (24/4) làm những người đọc ở lứa tuổi chúng tôi thấy nhẹ lòng. Nói đến lứa tuổi cũng không phải là phân biệt gì. Nhưng phải công nhận, với người đã già hay chớm già là rất hay nhớ về quá khứ. Ai quên hay ít nhớ vềnhững “ngày xưa” ấy là mình đã không thích, là dễ bực dọc và trách cứ rồi… Khổ thế, nhưng thông cảm nha, hãy cảm thông cho các ông/bà già chúng tôi.

Ảnh dưới: Lễ tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh bảo về quần đảo Trường Sa (ngày 22/4/2011 do TWMTTQVN và Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam tổ chức)

Hồi còn đi làm, nhận được tờ giấy mời của ủy ban xã về viếng nghĩa trang liệt sĩ ở quê hương nhân năm hết tết đến, hoặc vào dịp 27/7, tôi thường ủy cho cô em ruột dạy học ở quê đi thay. Đến khi có tuổi lên là không bỏ buổi nào nữa, dù có phải nghỉ một ngày đi làm cũng cố chạy xe về quê để tự mình có mặt. Nhu cầu từ lương tri mách bảo như thế. Như để chính mình được nhìn thấy nấm mộ và thắp một nén hương cho chú em trai hy sinh. Chú ngã xuống gần 40 năm rồi, trên chiến trường Nam Bộ, xương cốt đâu đã tìm thấy, nhưng nấm mộ kia nơi nghĩa trang liệt sĩ quê nhà vẫn là vết sẹo khắc sâu trong tâm khảm mấy anh em gia đình chúng tôi. Nó níu kéo nhắc nhở lớp người sống chúng tôi hôm nay không bao giờ được lãng quên mà mắc tội. Một cá nhân, một gia đình đã thế thì một đất nước, một dân tộc đương nhiên càng phải như vậy. Đơn giản bởi đó là đạo nghĩa ở đời.

… Trên kia tôi viết “ai quên hay ít nhớ” là một câu chuyện có thật. Nhớ đầu năm 1988, hải quân Trung Quốc với lực lượng áp đảo, khai hỏa đánh chiếm các đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao trong quần đảo Trường Sa của chúng ta, giết hại 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam mình tại đảo Gạc Ma. Các anh đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đảo vào ngày 14/3/1988, nhưng đúng dịp 23 năm hơn một tháng trước không thấy báo chí ta nhắc nhở gì. Hay là nhắc đến thì cũng thưa thớt vắng vẻ lắm. Trong khi các trang mạng cá nhân và blog - chưa kể các báo, các hãng thông tấn và đài đóm nước ngoài – thì đều tràn đầy tin tức, bình luận về sự kiện xâm lăng đẫm máu đó của phía Trung Quốc. Nghĩ mà thấy tủi phận cho các chiến sĩ – liệt sĩ ta… Bất giác nhớ tới dịp 30 năm cuộc xâm lăng 6 tỉnh biên giới của Trung Quốc (17/2/1979 - 17/2/2009) báo chí chính thức của ta cũng im lặng trước mốc lịch sử bi thương nhưng oai hùng đó của quân và dân Việt Nam... Thôi thì hôm nay báo chí ta nói được thế cũng là thỏa, bớt tủi lòng người (không rõ còn có tờ báo nào - báo viết và báo mạng– có đưa tin, viết bài về sự việc này không?).

Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.

Tuy nhiên dù thế nào thì việc một tờ báo tiêu biểu của giới thanh niên là Tiền Phong chính thức loan tin này cũng là điều rất tốt rồi. Liệu có thể nhận xét đây là chiều hướng tốt lên do có chỉ đạo trong việc đưa tin về chủ quyền biên giới biển đảo thì tin vui này còn đáng “vui tới hai lần”. Cũng là điềm hồng phúc cho đất nước nữa. Vì còn có gì thiêng liêng hơn việc khẳng định và đề cao “chủ quyền giang sơn lãnh thổ” đối với một quốc gia độc lập, phải không con dân nước Việt chúng ta.

Nguyễn Vĩnh

----------------

Trang điện tử báo Tiền Phong ngày 24/4 đưa tin:

Tri ân liệt sĩ hy sinh tại Trường Sa

TP - Chiều tối 22-4, Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tư lệnh Hải quân đã tổchức lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trên quần đảo Trường Sa. Đoàn đại biểu 54 dân tộc Việt Nam nhân chuyến thăm, làm việc tại Trường Sa và nhà giàn DK1 đã thắp hương và thả vòng hoa tưởng niệm.

Cách đây 23 năm, vào ngày 14-3-1988, cán bộ chiến sỹ các tàu HQ 604, HQ 605, HQ 505 thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân, Lữ đoàn 146, sư đoàn công binh 83 Hải quân đã không tiếc thân mình chiến đấu bảo vệ chủ quyền đối với các đảo Gạc Ma, Cô Lin, LenĐao.

Hình ảnh liệt sỹ thiếu úy Trần Văn Phương, phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma quấn lá cờ Tổ quốcđộng viên chiến sỹ đồng đội với lời nói: “Hãy để máu mình tô thắm thêm lá cờ Tổquốc” đã trở thành bất hủ trong lịch sử đấu tranh và bảo vệ biển đảo quê hương.

Lê Quang Minh

Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/535778/Tri-an-liet-sy-hy-sinh-tai-Truong-Sa.html


Thứ Năm, 21 tháng 4, 2011

Cứu dòng Mê Công (2)


Kế tiếp chủ đề Cứu dòng Mê Công bữa nay xin post bài dưới đây tổng hợp lại các tư liệu và ghi chép liên quan đã được đưa lên trang báo điện tử của Thanh Niên dịp cuối năm 2010.

Mực nước xuống thấp kỷ lục

Ủy ban sông Mê Công (MRC) vừa cho hay mực nước ở thượng lưu sông Mê Công đang xuống thấp kỷ lục và điều này đe dọa nguồn nước và sự sống của hàng chục triệu người.

Hãng tin AFP dẫn lời ông Jeremy Bird thuộc MRC nói miền bắc Thái Lan, bắc Lào và ngay cả vùng đất phía tây nam của Trung Quốc đều bị ảnh hưởng. “Dòng chảy đang ở mức thấp hơn những gì chúng tôi ghi nhận được trong vòng 20 năm qua”, ông Bird nói. Vấn đề này tạo ra một mối đe dọa cho nguồn nước, giao thông đường thủy và tưới tiêu trên một khu vực rộng lớn dọc Mê Công, con sông nuôi sống hàng chục triệu người. Ở khu vực hạ lưu sông Mê Công, 60 triệu người sống phụ thuộc vào con sông này với việc đánh bắt hải sản, trồng trọt, giao thông và các hoạt động kinh tế khác.

Một thông cáo báo chí khác của MRC phát hôm 26/2 nói rằng mực nước của dòng chảy chính của sông Mê Công đo được tại Chiang Saen, Chiang Khan, Luang Prabang, Vientiane, và Nong Khai (tất cả đều ở phía bắc Lào và bắc Thái Lan) đều thấp hơn mực nước đo được trong mùa nước cạn hồi năm 1993, chỉ đứng sau mực nước thấp kỷ lục trong đợt hạn hán năm 1992. Thông cáo báo chí này nói thêm rằng mực nước của con sông này ở tây nam Trung Quốc cũng đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua với dòng chảy chỉ bằng một nửa so với mức bình thường vào tháng 2.

Khoảng 21 tàu chở hàng đang bị mắc cạn trong khi các tour du lịch đường sông giữa Luang Prabang (Lào) và Huay Xai (gần biên giới với Thái Lan) bị hủy bỏ. Về việc mực nước sông Mê Công tụt giảm, MRC nói khó có thể nói rằng nguyên nhân có phải là do khí hậu ấm lên hay không.

Trong khí đó, theo một bài báo của Bangkok Post, các tổ chức phi chính phủ, trong đó có Liên minh Hãy cứu sông Mê Kông, thì tin rằng mực nước thấp bất thường trên sông Mê Công là do các đập của Trung Quốc. “Thật khó để chúng tôi khẳng định một cách tuyệt đối rằng không có sự liên quan giữa mực nước thấp và những con đập đó”, ông Bird nói. Theo ông, sẽ là không bình thường nếu như các con đập này chứa đầy nước trong suốt mùa khô.

Tờ The Nation thì cho hay Thái Lan sẽ gửi thư yêu cầu MRC đàm phán với Trung Quốc để xả thêm nước từ các con đập của họ trên sông Mê Công. MRC nói họ chưa nhận được yêu cầu chính thức nào từ Thái Lan. Và nếu có, MRC sẽ tiến hành thảo luận với Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc và Myanmar là các đối tác đối thoại với MRC, bao gồm Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam.








Trung Quốc đã làm gì sông Mê Công?

Từ năm 1986 đến nay, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 8 đập thủy điện, thủy lợi lớn nhỏ trên sông Mê Công.

Theo Michael Richardson - tác giả bài viết Đập thủy lợi của Trung Quốc biến sông Mê Công thành dòng sông đầy tranh cãi (Dams in China Turn the Mekong Into a River of Discord) đăng trên tạp chí Yale Global ngày 16.7.2009, Trung Quốc xây dựng đập thủy lợi đầu tiên trên sông Mê Công vào năm 1986. Lúc này các nước Đông Nam Á không có nhiều phản ứng.

Nhưng tới ngày nay, ảnh hưởng của hệ thống đập thủy lợi của Trung Quốc đối với khu vực ngày càng khiến nhiều nước phải lo lắng. Cũng theo tác giả này, Trung Quốc đã lợi dụng quy mô to lớn của công trình phát điện do họ xây dựng trên sông Mê Công làm thay đổi dòng chảy tự nhiên của con sông này. Đã có nhiều cảnh báo về điều đó, đặc biệt đối với 4 nước ở khu vực hạ lưu sông Mê Công là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Lào.

Báo cáo tháng 5.2009 của Học viện Kỹ thuật châu Á (Asian Institute of Technology) cũng cảnh báo rằng việc Trung Quốc xây 8 đập thủy lợi, thủy điện tại sông Mê Công có thể tạo nên những hiểm họa to lớn đối với dòng chảy của sông và tài nguyên tự nhiên. Cũng trong tháng 6/2009, một lá thư của một tổ chức xã hội ở khu vực đòi Trung Quốc chấm dứt việc xây đập thủy lợi trên sông Mê Công cũng đã được gửi tới tay Thủ tướng Thái Lan. Lá thư có 11.000 chữ ký của phần lớn nông dân, ngư dân sinh sống ở thượng lưu và hạ lưu sông Mê Công. Tuy nhiên có hiện tượng là các nước Lào, Campuchia và Thái Lan đã bắt đầu đối phó bằng cách thúc đẩy các kế hoạch xây dựng đập thủy lợi thuộc phạm vi nước mình.

Riêng về Trung Quốc, theo hãng AP (Mỹ) ngày 12/12/2009, Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 8 đập thủy điện ở khu vực sông Mê Công. Ở Trung Quốc, sông Mê Công được gọi là sông Lan Thương. Con đập thủy lợi mà Trung Quốc vừa xây dựng tại đây cao 292m - hiện là đập nước cao nhất thế giới - có khả năng tích trữ nước bằng tất cả các khu thủy vực của Đông Nam Á hợp lại.

Ủy ban sông Mê Công (MRC) được thành lập từ năm 1996 bởi Campuchia, Việt Nam, Thái Lan, Lào cùng phối hợp quản lý khu vực sông Mê Công. MRC cho rằng các nước ở khu vực sông Mê Công có lý do để lo ngại việc xây dựng đập thủy lợi của Trung Quốc. Chẳng hạn vào mùa mưa, đập thủy lợi của Trung Quốc sẽ tháo ra rất nhiều nước, có thể gây lũ lụt. Nhưng vào mùa khô hạn, các nước Đông Nam Á hạ nguồn lại lo ngại thiếu nước. Tới nay, Trung Quốc vẫn chưa tham gia để là thành viên của MRC mặc dầu phần thượng nguồn chảy qua nước này của sông Mê Công là rất dài.





(Ghi chép của các phóng viên)



Hạ lưu Mê Công suy kiệt

Mùa khô hạn tàn khốc

Trong tuần qua, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,1m, trong khi xâm nhập mặn sâu vào khoảng 30-40 km.

Tại thị xã Vị Thanh (Hậu Giang), nước mặn đã xâm nhập sâu vào các xã Tân Tiến, Hỏa Tiến và Hỏa Lựu. Độ mặn đo được ngày 26.2 từ 3,1 - 5 phần ngàn, dự báo trong những ngày tới gặp triều cường nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội ô thị xã Vị Thanh và nồng độ có thể lên tới từ 6 - 8 phần ngàn.

Tại Tiền Giang, nước mặn đã xâm nhập vào đất liền trên 35 km buộc cơ quan chức năng phải đóng sớm cống Vàm Giồng ngăn mặn. Ngành nông nghiệp tỉnh này đang lo ngại nước mặn sẽ đe dọa trên 6.000 ha lúa đông xuân thuộc dự án ngọt hóa Gò Công. Tại Bến Tre, nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền trên 23 km. Xâm mặn kéo theo tình trạng thiếu nước ngọt ở các xã ven biển như Thạnh Phước, Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại). Ông Ngô Văn Thử, Chủ tịch UBND xã Thạnh Phước cho biết, sau Tết hơn 10.400 nhân khẩu trong xã phải đi đổi hay mua nước ngọt với giá 2.000 đồng/40 lít về sử dụng. Dự báo từ nay đến tháng 5.2010, nước ngọt càng thiếu trầm trọng trong mùa hanh khô kéo dài.

Tại Cần Thơ, xâm mặn đã lấn sâu vào huyện Vĩnh Thạnh. Tại An Giang, nhiều kênh nội đồng gần như trơ đáy; người dân vùng núi Tri Tôn, Tịnh Biên phải đi mua nước sạch với giá 2.000 đồng/30 lít. Ông Trần Văn Mì, Trưởng phòng NN-PTNT H.Tri Tôn cho biết huyện đang triển khai dự án nạo vét 14 tuyến kênh nội đồng, 5 công trình cấp nước với tổng kinh phí trên 4,2 tỉ đồng nhằm cung cấp nước sạch, nước tưới tiêu ruộng đồng.

Mê Kông đang bị “sát thương”

Sông Mê Kông chảy qua ĐBSCL với chiều dài khoảng 225 km, cung cấp nước và tôm cá dồi dào. Ước tính bình quân 1 ha đất trồng lúa phải tốn hơn 20.000m3 nước/vụ; bình quân mỗi

năm ĐBSCL xuống giống 3,8 triệu ha tức cần hơn 76 tỉ m3 nước. Riêng thủy sản, mỗi năm người dân hạ lưu sông Mê Kông khai thác khoảng 2,6 triệu tấn cá trị giá khoảng 2 tỉ USD. Đối với dân nghèo và nhà nông, sông Mê Kông là nguồn sống trời cho… Thế nhưng, nguồn sống ấy đang bị “sát thương” bởi hàng loạt đập thủy điện xây trên thượng nguồn sông.


Tại diễn đàn “Môi trường và nguồn sống trên sông Mê Kông” diễn ra ngày 3.2 ở TP Cần Thơ, các nhà khoa học đã tỏ ra lo ngại: Mê Kông là dòng sông lớn trên thế giới, tôm cá phong phú tạo sinh kế trực tiếp cho hơn 60 triệu người ở khu vực hạ lưu sông, thế nhưng dòng sông đang chết dần bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có các đập thủy điện.

Giới khoa học nhận định lưu lượng dòng chảy sông Mê Kông giảm chỉ còn 2/3 so với những thập kỷ trước do bị các đập thủy điện ở thượng nguồn ngăn lại. Lượng nước sông Mê Kông giảm sút kéo theo hàng loạt tác hại khôn lường như thiếu nước vào mùa khô và nguy cơ xâm mặn đe dọa từng ngày. Tiến sĩ Chu Thái Hoành, cán bộ Viện Nghiên cứu tài nguyên nước quốc tế (IWMI) nhận định các đập thủy điện sẽ giữ đến 16% trong tổng lưu lượng nước 475 tỉ m3/năm, ảnh hưởng 50% tổng lượng nước sông Mê Kông.

Theo thống kê của Liên minh bảo vệ sông Mê Kông, có 16 đập thủy điện đã và đang xây dựng cùng hàng trăm dự án chằng chịt trên các nhánh chính và rẽ làm thay đổi dòng chảy, ngăn chặn các loài cá di cư đẻ trứng, giảm lượng phù sa hằng năm. Chỉ tính riêng tại khu vực ĐBSCL, bình quân mỗi năm vào mùa lũ sông Mê Kông cung cấp 100 - 200 triệu tấn phù sa.


Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về đất ngập nước, cho rằng nguồn phù sa giảm sút nên người trồng lúa ở VN phải tăng chi phí cho phân bón và giá lúa sẽ tăng lên. Còn tiến sĩ Carl Middleton (Tổ chức Sông ngòi quốc tế Mỹ) ước tính việc xây dựng các đập trên sông Mê Kông sẽ làm mất đi 700.000 - 1,6 triệu tấn thủy sản/năm. Các nhà khoa học đúc kết tổng thiệt hại về thủy sản, nông sản có thể lớn hơn tổng lợi nhuận mà các nước thu được do việc xây đập thủy điện.

Theo tiến sĩ Dương Văn Ni, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm đa dạng sinh học Hòa An - Đại học Cần Thơ, việc xây các đập thủy điện đã kéo theo nhiều tác động như lũ về muộn hơn nhưng kết thúc sớm hơn. Tiến sĩ Ni cho rằng ngày xưa lũ lên từ từ, tôm cá theo nước lũ đẻ trứng sinh sôi nhưng nay lũ rút nhanh phá vỡ quy luật khiến tôm cá sinh sản theo không kịp con nước, phù sa theo đó cũng bị thất thoát trôi ra biển, trôi vào kênh rạch không vào ruộng đồng. Tiến sĩ Ni cho rằng việc các đập thủy điện thượng nguồn trữ nước không cho biết lúc nào xả nước lúc nào không càng gây khó khăn trong mùa khô hạn.

Hạ lưu nguy khốn

Các nước vùng hạ lưu đang lo lắng về những tác động tiêu cực xảy ra khi dòng chảy dưới này hoàn toàn phụ thuộc vào quy trình vận hành của các đập thủy điện trên thượng lưu sông Mê Kông.

Với mục đích phát điện, các hồ chứa sẽ cố gắng tích nước sớm ngay từ đầu mùa mưa. Nếu gặp năm lũ lớn, khi đỉnh lũ về gặp hồ đã đầy nước, không còn khả năng cắt lũ, có thể gây lũ lớn hơn cho hạ lưu. Còn vào những năm lũ vừa và nhỏ, phía hạ lưu - đặc biệt là ĐBSCL - sẽ có những ảnh hưởng nhất định trong cả mùa lũ và mùa kiệt.

Hằng năm, lượng phù sa sông Mê Kông xuống hạ lưu khoảng 150-170 triệu tấn (trong đó từ Trung Quốc chiếm 50%). Các đập thủy điện sẽ làm giảm lượng phù sa xuống hạ lưu và vùng ĐBSCL. Sản lượng thủy sản hằng năm của sông Mê Kông khoảng 400.000 tấn sẽ sụt giảm mạnh.

Các đập thủy điện còn ảnh hưởng tới giao thông thủy, du lịch, sự di cư của một số loài cá cũng như hệ sinh thái rất đa dạng của lưu vực, chưa kể những tác động đến chất lượng nước, sự bồi lắng, xói lở…

Biển Hồ (Campuchia) đóng vai trò rất quan trọng đối với sự điều tiết dòng chảy xuống châu thổ sông Mê Kông. Nếu lũ xuống hạ lưu giảm, Biển Hồ không tích đầy nước vào mùa lũ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự điều tiết dòng chảy kiệt xuống hạ lưu.

Thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan - Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ - cho rằng, ĐBSCL rất cần đến những trận lũ trung bình, ở mức khoảng 4,2m tại Tân Châu (An Giang). Tuy nhiên, từ năm 2003 cho tới giờ, lũ ở ĐBSCL chỉ ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm. Một nhà khoa học tại TP.HCM nhận định: ĐBSCL không mong muốn những trận lũ lớn như các năm 1961, 1978, 1991, 2000… cũng như không mong đợi những trận lũ nhỏ như những năm 1998, 2005, 2008 vừa qua.

Vì vậy, nếu như các đập thủy điện ở thượng lưu làm giảm đỉnh lũ lớn để có thể ít nhiều mang lại lợi ích cho ĐBSCL, thì việc biến những trận lũ trung bình thành lũ nhỏ, biến lũ nhỏ thành không có lũ sẽ gây hại còn nhiều hơn so với lũ lớn. 




Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Cứu dòng Mê Công

Cứu dòng Mê Công

Nhân sự việc Lào hoãn xây đập Xayaburi trên dòng chính Mê Công để làm thủy điện, xin giới thiệu một bài phỏng vấn thực hiện gần một năm trước đây. Bài được công bố trên trang điện tử báo Lao Động tập trung vào một khía cạnh “rất đáng lo lắng” của một quốc gia nằm ở cuối nguồn như Việt Nam đang phải đối mặt một khi chế độ cấp nước và dòng chảy thay đổi vì các con đập dựng lên phía thượng nguồn sông Mê Công.

Nên nhớ là phiên họp chuyên viên mới đây của Ủy hội sông Mê Công thì Lào mới chỉ “hoãn” lại việc xây đập chứ chưa phải là “hủy bỏ” kế hoạch xây đập và dự án làm thủy điện của nước này. Hoãn để cơ chế chuyên viên (tham vấn) trên kia trình lên một hội nghị cấp bộ trưởng hoặc cấp cao hơn nữa sắp tới quyết định chứ chưa phải mọi chuyện đã dứt khoát không xây đập lớn ngăn dòng chảy nữa. Cho nên các vấn đề mà bài phỏng vấn dưới đây nêu lên cách đây đã lâu vẫn giữ nguyên giá trị.


Xưa nay việc các quốc gia-dân tộc hình thành tự nhiên, có chung các con sông chảy qua lãnh thổ của mình thì việc hợp tác gìn giữ dòng chảy sao cho có lợi đối với từng nước nhưng cũng không làm hại đến một hoặc các nước hạ nguồn là một điều ngày càng nổi lên trong các quan hệ quốc tế thời hiện đại. Và đó chính là thiện chí hợp tác của cộng đồng các quốc gia có chung dòng chảy, nhất là với các quốc gia nằm ở thượng nguồn. "Dòng sông quốc tế” Mê Công chảy qua 6 nước (Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, trong đó Việt Nam là nước nằm ở hạ nguồn cuối cùng trước khi con sông lớn kia đổ nước ra Biển Đông.

(Nhân sự việc trên, Blog này dự định sẽ giới thiệu một loạt bài viết về chủ đề dòng sông Mê Công khi năm ngoái chủ blog có dịp tham gia biên soạn một cuốn sách viết về dòng sông này).

NV

--------   

“Cất một tiếng nói cứu con sông Mẹ”

(Phỏng vấn Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Trân*)

Sinh ra trên một cù lao nằm giữa sông Tiền, gần 30 năm trong sự nghiệp khoa học của mình nghiên cứu các vấn đề của sông Mê Công, vùng ĐBSCL, vậy mà tới giờ GS Nguyễn Ngọc Trân vẫn nhận rằng ông chưa hiểu hết con sông Mẹ.

Trò chuyện với tôi (Lâm Tuyền, người thực hiện bài phỏng vấn này) vào ngày 21/6 năm nay (2010), ông Trân khuyên tôi: “Trước hết cô nên về bán đảo Cà Mau đôi bữa”. Trước đó hai ngày, dường như vẫn chưa yên tâm, sau buổi báo cáo chuyên đề “Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với thách thức kép của biến đổi khí hậu” tổ chức tại Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.Hồ Chí Minh ngày 19/6, GS Trân chuyển cho tôi xem 2 tài liệu gần đây ông viết về vấn đề tôi quan tâm khi định hỏi chuyện ông…

Thưa ông, “Người ta có thể học hỏi được rất nhiều điều từ một dòng sông” (lời nhà văn Đức Herman Hesse). Ông học được điều gì từ dòng Mê Công trong 30 năm qua?

– Trước khi trả lời câu hỏi, tôi muốn nhắc lại rằng, nước là yếu tố sống còn cho sự sống trên hành tinh của chúng ta. Cần thiết đến mức khi loài người thám hiểm các hành tinh khác, một trong những điều các nhà khoa học tìm kiếm đầu tiên là dấu vết của sự hiện diện của nước ở đó.

Vì vậy, một vùng lãnh thổ có được một dòng sông chảy qua là một điều may mắn cho vùng đất, cho người dân sinh sống nơi đó. Nhận thức này cần được nhấn mạnh để biết quý trọng dòng sông, giữ gìn và tôn tạo để nó có thể đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Quê tôi ở Mỹ Hiệp, một trong ba xã của cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nằm giữa dòng sông Tiền. Nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, từ 1980 – 1992, tôi là Phó Chủ nhiệm UB Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước. Từ 1983 – 1990, được Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cử làm Chủ nhiệm chương trình khoa học cấp Nhà nước “Điều tra cơ bản tổng hợp vùng ĐBSCL”(CT 60 – 02, 60 – B), tôi càng gần gũi với con sông quê hương.

Gắn bó với sự phát triển của ĐBSCL suốt 30 năm qua, chứng kiến thực tế khai thác dòng sông để phát triển của vùng đất này, tôi luôn nghĩ về nhiệm vụ phải bảo vệ sông Mê Công, thấy nó cần được xem như một cơ thể sống, có cuộc sống của nó, với nhịp điệu và trao đổi, có quá khứ, hiện tại, tương lai mà chúng ta cần biết, càng rõ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và tuỳ thuộc vào cách con người khai thác nó ra sao mà nó sẽ đáp ứng lại.


Có ý kiến cho rằng, cách gọi ĐBSCL như hiện nay là chưa chuẩn. Đúng ra, phải gọi là Đồng bằng hạ lưu Mê Công. Gọi tên chính xác, để khi phát sinh vấn đề tìm được cách chính xác giải quyết? Quan điểm của ông với tư cách là một nhà khoa học hiện đang nghiên cứu các vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH), Giám đốc MDDRC?

- Gọi ĐBSCL cũng có cái lý của nó, cho người dân dễ hiểu. Xưa nay, nói ĐBSCL, người ta hiểu ngay nói đến vùng đất nào. Từ góc độ khoa học, thì đó là châu thổ sông Mê Công phần đất Việt Nam. Tôi đã gọi vùng đất này như vậy trong báo cáo của tôi tại Hội nghị thường niên lần thứ 78 của Uỷ ban Quốc tế về các đập lớn vừa qua họp tại Hà Nội (23 – 26/5/2010).

Nói đến tình trạng của sông Mê Công hiện nay là nghĩ ngay tới những con đập lớn đã, đang được xây trên dòng chính của sông Lan Thương – tức Mê Công phía thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc? Tôi có tìm đọc bài báo của James Burke trên tờ Epoch Times (22/3/2010), trong đó nói đến phim “Tan chảy ở Tây Tạng” của nhà làm phim tài liệu Canada – Michael Buckley về những con sông bắt nguồn từ Tây Tạng, ảnh hưởng của việc xây đập trên dòng Mê Công. M.Buckley nói: “Cách tốt nhất để giết chết một con sông là xây trên đó những cái đập”…

- Có ba hoạt động chính khai thác sông Mê Công ảnh hưởng đến dòng chảy của nó.


Trước tiên là việc khai thác nước cho sinh hoạt của người dân và sản xuất, đặc biệt cho tưới tiêu. Diện tích tưới tiêu ở Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Campuchia và Lào, năm 1998 lần lượt là 4,836, 2,767, 1,663, 0,270 và 0,167 triệu hécta. Sắp tới đây, với xu hướng khí hậu nóng lên cộng với tăng trưởng dân số, khả năng đáp ứng yêu cầu về nước sẽ ngày càng khó khăn.

Thứ hai, đó là việc xây các đập thuỷ điện trên dòng chính. Số đập trên dòng chính chính thức được Trung Quốc công bố là 8. Theo Michael Buckley, số đập mà họ dự kiến xây trên hai sông Nu (Salween) và Lan Thương (Mê Công) trên lãnh thổ này lên đến 31. Việc xây dựng các đập sẽ làm thay đổi dòng chảy, chất lượng nước và tài nguyên thuỷ sinh. Đó là điều mà báo cáo của tôi đã làm chỉ ra qua kết quả mô phỏng bằng mô hình toán tại hội nghị nói trên.

Thứ ba là việc chuyển nước từ lưu vực sông Mê Công sang các lưu vực khác. Thái Lan có hai dự án chuyển nước: Dự án Kok-Ing-Yom-Nan chuyển nước ra khỏi lưu vực; và Dự án Kong-Chi-Mun chuyển nước trong lưu vực. Nhưng gây lo ngại lớn là dự án đồ sộ chuyển nước Nam - Bắc trên lãnh thổ Trung Quốc với ba tuyến chuyển, dự kiến đưa 44,8 tỉ m3/năm nước từ sông Trường Giang sang sông Hoàng Hà, sau đó đến Bắc Kinh, Thiên Tân. Trong 17 tỉ m3/năm từ tuyến phía Tây, có nước sông Mê Công. Việc chuyển nước sẽ gây nhiều hậu quả về môi trường và về kinh tế xã hội to lớn ở hạ lưu.

Như vậy, ứng xử với dòng Mê Công, cả sáu quốc gia nhất thiết phải tính đến những vấn đề lớn hơn, chung cho cả lưu vực ra sao?

- Đầu tháng 4/2010, trước khi diễn ra hội nghị của Uỷ hội sông Mê Công ở Hua Hin (Thái Lan), Trung Quốc mời một đoàn gồm một số nước trong Uỷ ban sang tham quan đập Cảnh Hồng. Động thái này, lần đầu tiên, có vẻ để đối phó lại với dư luận quốc tế về hậu quả của việc xây dựng các đập trên sông Lan Thương hơn là một sự hợp tác thực chất.


Theo tôi, điều cần thiết là số liệu về thuỷ văn trên toàn lưu vực sông Mê Công và chế độ vận hành các đập cần được chia sẻ giữa các quốc gia trong lưu vực để cùng nhau quản lý tốt các rủi ro có thể xảy ra trong lưu vực.

Gần đây, phía Trung Quốc cam kết sẽ cung cấp dữ liệu tại hai đập Cảnh Hồng và Mạn Loan vào 9 giờ mỗi sáng thứ hai và kết thúc “vào cuối mùa khô”. Dữ liệu bao gồm các thông tin về mức nước, dòng chảy, lượng mưa mỗi ngày, nghĩa là chỉ một phần nhỏ các số liệu cần thiết. Nhưng dù sao đây cũng là một bước tiến trước yêu cầu chính đáng của các nước ở hạ lưu Mê Công.

Quan điểm của ông về quyền lợi và nghĩa vụ của các quốc gia có chung dòng Mê Công?

– Tại hội nghị quốc tế nói trên đây, tôi đã trình bày quan điểm đồng thời cũng là kiến nghị của mình: Đây là một con sông quốc tế. Nước là tài nguyên có liên quan đến các quốc gia trong lưu vực. Do vậy các dự án chuyển nước cũng như các dự án xây dựng đập phải được xem xét một cách thận trọng nhất.

Trong cả hai trường hợp, nhất thiết phải có báo cáo tác động môi trường đối với toàn bộ lưu vực. Lợi ích của một quốc gia trong lưu vực không thể tách rời lợi ích của các quốc gia khác cùng chia sẻ lưu vực. Hợp tác để cùng phát triển bền vững là cách ứng xử đúng đắn nhất.

Ông có thể giải thích rõ hơn về từ “kép” ông dùng khi nói đến thách thức của biến đổi khí hậu đối với ĐBSCL?

– Nói Đồng bằng sông Cửu Long chịu sự thách thức kép là vì thách thức từ phía nguồn, thượng lưu sông Mê Công, và thách thức từ phía biển không tác động riêng lẻ mà quyện vào nhau thông qua sự giao thoa không một giây ngưng nghỉ giữa quá trình sông và quá trình biển, hay nói cách khác thông qua sự tương tác giữa ba yếu tố sông, sóng và triều, ngay trên đồng bằng.

Ngày 20/8/2009, Bộ Tài nguyên Môi trường công bố “Kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam”. Chính phủ dự trù chi 222 tỉ đồng cho nhiệm vụ nâng cao nhận thức trong xã hội về các tác động của BĐKH, và 921 tỉ đồng để các ngành các địa phương xây dựng, triển khai các kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH. Trong 3 ngày (16 – 18/6), tôi về xóm Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau,  trao đổi chuyện trò với người dân thấy họ rất thản nhiên, hồn nhiên. Họ cười, cũng có thấy mỗi năm nước dâng cao hơn, nhưng ông Trời dâng nước rồi lại rút xuống. Vậy, nói chuyện “trong nhà” với nhau, thì vấn đề nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân (cụ thể ĐBSCL) về BĐKH, ở ta, hình như đang làm sai, mang tính hình thức. Phải chăng, vấn đề mấu chốt là giáo dục tính cộng đồng – việc này chưa được quan tâm từ giáo dục trong nhà trường, gia đình?

– Các tác động của biến đổi khí hậu lên mỗi vùng sinh thái – kinh tế, ngoài những điểm chung, do các đặc thù địa lý của mỗi vùng, có những đặc điểm riêng không giống với các tác động lên các vùng sinh thái – kinh tế khác.

Để công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu thấm sâu, nâng cao hiểu biết và tính chủ động của người dân và cán bộ trên địa bàn, theo tôi nghĩ, Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban Chủ nhiệm Chương trình Môi trường quốc gia (CTMTQG) cần tổ chức họp theo vùng (Tây Bắc, Đông Bắc, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, và đồng bằng sông Cửu Long) giới thiệu cụ thể các tác động của biến đổi khí hậu lên vùng, các thách thức mà người dân trong vùng cần vượt qua và chương trình hành động dự kiến bước đầu để được bổ sung. Làm tốt việc này là một bước quan trọng đặt việc triển khai CTMTQG lên đúng đường ray…

Lâm Tuyền (thực hiện)

(Để tập trung chủ đề về sông Mê Công với nguồn nước của nó, chủ blog chỉ tập trung vào cuối bài phỏng vấn này).

-------------------------

* Ông NGUYỄN NGỌC TRÂN là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) - tên giao dịch quốc tế viết tắt theo tiếng Anh là MDDRC.


Thứ Ba, 19 tháng 4, 2011

Nỗi sợ tăng lương tăng giá


Nỗi sợ tăng lương tăng giá

Vài ba tuần nay bạn bè chúng tôi vẫn trao đổi email với nhau thì hầu hết đều than vãn chuyện đời sống hằng ngày. Nào là “các bà xã nhà mình nhà tớ” cứ bạc nhược ủ rũ mỗi khi đi chợ đi siêu thị về… Đôi khi họ còn kêu toáng lên như vừa bị mất cắp. Bởi giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu không mua không được cho cuộc sống thì hầu như đều thi nhau phi nước đại. Nghĩa là tăng vùn vụt, “thi đua” tăng mà chẳng mấy người bán nào thèm giải thích cắt nghĩa nguyên do sao nữa! Chỉ có đôi chị bán rau bán cá, cô bán thịt đầu chợ vốn xưa nay lắm lời thì không nhịn được: Thì chúng em mua vào nó thế rồi bác ạ, bán thấp xuống thì có mà chúng em ăn cám, sức đâu phơi mày phơi mặt chợ búa thế này phục vụ các bác…

Cùng cánh hưu trí cả nên các chuyện thường ngày ở huyện như thế đám bạn bè trao đổi với nhau thì đều hiểu hết nông nỗi... Thì cũng than vãn với nhau mong nguôi ngoai, chia sẻ thôi chứ giúp nhau được gì bây giờ? Có chăng là vài lời động viên chung chung gửi qua gửi lại cho nhau. Thôi thì thời gạo châu củi quế, lương hưu ba cọc ba đồng, có sao thì cũng gắng gượng mà sống với con với cháu... Ít chi tiêu đi, ít đi lại, ít thăm nhau ngồi quán, tức là ít “cầu” đi, giảm đến mức tối thiểu là “coi như xong”, bạn hữu đùa nhau thế. Còn “phản ứng tiêu cực” thì kiểu gì cho xuể đây! Nên vẫn có vị sẵn óc trào lộng, còn “cao hứng” reply cho nhau mấy câu thơ vui. Nhưng ai đọc lên cũng chẳng cười tươi được mà buồn muốn chết. Vị này kể trong bài thơ hài của mình đại ý rằng, “Ừ cứ hoắng lên nhong nhong cái xe gắn máy gặp nhau cho nhiều vào, xà quán cà phê cà pháo mà chuyện phiếm đi! Xăng gần 1 đô một lít, rửa con ngựa sắt giờ lên mười lăm hoặc hai chục nghìn đồng - tùy nơi; đồ uống quán giải khát giờ chẳng “món” nào dưới mười lăm nghìn. Đảm bảo là các ông sẽ “cháy túi” sớm trước mồng 5, mồng 7, khéo không vợ nó cấm vận còn sớm hơn đấy nha!” 

Cứ tưởng dân hưu kêu than vậy, bữa nay đọc trên thông tin lề phải - tờ báo điện tử nổi tiếng VietnamNet cũng có đến 2 bài liền về vụ “lương ơi đừng tăng nữa” (nhại một giai điệu bài hát).

Chủ blog đưa lên đây một bài trong số đó để cùng thấy bà con nhà mình - cả hưu cả đương chức đương nhiệm đều đang nháo nhác cả lên vì cái sự tăng giá, tăng lương gần đây.

Câu chuyện đời sống hằng ngày đó cả thôi. Nhưng từ góc độ người quản lý và lãnh đạo xã hội thì chớ có coi thường! Họ cần phải biết lắng nghe rất nghiêm túc qua cái “hàn thử biểu sống động” kia mà cân chỉnh chính sách, đưa ra những biện pháp thích hợp. Đó mới là cách an dân tốt nhất lúc này (sát ngày tổng tuyển cử bầu bán rồi) chứ không tụng mãi những lý thuyết xuông hoặc đưa ra những liều an thần mà chắc chẳng ai muốn uống nó bây giờ nữa.

Nguyễn Vĩnh  

-----------------

'Lương ơi, đừng tăng nữa!'

Cập nhật lúc 19/04/2011 06:10:00 AM (GMT+7)

– Sau khi VietNamNetđăng tải bài viết “Dân công sở buồn vì... được tăng lương”, nhiều bạn đọc như được “gãi đúng chỗ ngứa” đã gửi không ít phản hồi bày tỏ ý kiến đồng tình.

TIN LIÊN QUAN:

Tăng lương chưa đủ bù trượt giá

Bạn đọc Lê Huy là một trong những độc giả đầu tiên gửi phản hồi về nghịch lý tăng lương nhưng vẫn không vui. Bạn Huy cho biết: “Từ khi tôi bước chân vào nghề dạy học đến nay (khoảng 10 năm) theo tôi, lương chưa bao giờ tăng về mặt thực tế (tức là kéo theo cả việc tăng chất lượng sống, mức sống).

10 năm trước tôi sống như thế nào thì bây giờ có khi mức sống ấy lại là ước mơ mà tôi đang hướng tới”.

Bạn đọc Nguyễn Đức Dư viết: "Đọc bài này, tôi cũng như tất cả các viên chức thông thường thấy đúng quá. Lương chưa tăng nhưng trường học của con tôi đã tăng thêm 500 nghìn học phí vì lý do tăng lương. Với 1 viên chức đã công tác 10 năm như tôi, để sống bằng lương thấy khó quá. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tháo gỡ khó khăn này???".


Cùng chung quan điểm với bạn đọc Lê Huy, bạn đọc Đỗ Nghị đánh giá: “Tăng lương cơbản, người dân lo sợ cũng đúng thôi, vì mỗi lần tăng lương thì giá cả mặt hàng các nhu cầu thiết yếu tăng. Lương tăng 1 giá cả tăng gấp nhiều theo một hiệu ứng. Muốn biết giá trị thật của đồng tiền thì chỉ cần quy đổi ra sức mua của nó là biết. Thiết nghĩ, cách tăng lương càng làm cho 'bão giá hoành hành' thêm mạnh...”.

Đợt 'bão giá' này không chỉ khiến công chức thu nhập thấp khốn khổ mà nó còn khiến cả những người làm doanh nghiệp tư nhân hoặc doanh nghiệp nước ngoài phải lên tiếng vì sau hơn 1 tháng chạy theo 'bão giá', đến nay họ đã cảm thấy mình đang “giật lùi tứ phía”.


Bạn đọc Hải Nam làm cho một công ty nước ngoài cho biết: “Công ty tôi được tăng từ 1/4/2011 với mức tăng là 50 USD, vậy mà cũng thấy bị giật lùi tứ phía. Các bạn làm công chức Nhà nước được tăng 100 ngàn đồng/tháng quả là không tưởng...”.

Trong khi đó, bạn Trần Tiến, làm cho doanh nghiệp tư nhân vừa than thở chuyện lương lậu thời bão giá, vừa lo lắng về nguy cơ thất nghiệp đang hiện hữu: "Lương người lao động ư? Bạn là công chức có nhà nước trả, nhà nước lo các loại bảo hiểm bắt buộc. Còn chúng tôi làm trong doanh nghiệp nếu có đủ việc thì không sao nhưng không đủ việc thì thu nhập lại ít đi bởi tiền bảo hiểm Xã hội, BHYT, phí công đoàn phải tăng theo. Chủ doanh nghiệp họ cũng phải tăng nộp các loại bảo hiểm cho người lao động. Doanh thu không tăng có nghĩa người lao động “càng móm”khi tăng lương tối thiểu...”.

“Lương ơi, đừng tăng nữa”

Trong bài viết “Dân công sở buồn vì... được tăng lương” có đề cập đến trường hợp chị Thuận, thu nhập 10 triệu đồng/tháng (cả hai vợ chồng) nhưng vẫn chật vật sống giữa thủ đô đắt đỏ. Nhiều bạn đọc vẫn cảm thấy chị Thuận còn may mắn hơn mình, bởi họ cũng đang phải thuê nhà, nuôi con nhỏ và trang trải hàng trăm khoản nhưng thu nhập của hai vợ chồng chỉ chưa đầy 7 triệu đồng/tháng.

“Tôi cũng đang chật vật phải xoay sở cho 4 miệng ăn và phải thuê nhà với mức 7 triệu/tháng đây. Thật không biết làm thế nào để chung sống lâu dài với cảnh bão giá này nữa. Vậy mà xung quanh tôi nhiều người thu nhập còn thấp hơn nữa. Có những cặp vợ chồng công nhân lương cả hai chỉ 4 triệu/tháng, cũng thuê nhà, cũng nuôi con. Lương thấp giá cao, không ai chết cả nhưng ai cũng khổ lắm”,(bạn đọc Lê Đào).

 Tính đến thời điểm này, các dịch vụ như internet, truyền hình cáp, v..v… đã tăng phí thêm 1,5 lần. Mỗi ngày cầm tiền đi chợ, người dân có cảm giác như bị “ăn cắp” bởi mỗi bữa ăn muốn đầy đủ một chút cũng đã “ngốn” hết cả trăm ngàn đồng. Bạn đọc Hoàng Ánh Hồng than thở: “Lương ơi đừng tăng nữa”.

Hiện nay, điều mà đại đa số độc giả quan tâm là làm sao những người làm quản lý các cấp phải kìm hãm cơn bão giá này bằng các biện pháp thiết thực, cấp bách và xử lý nghiêm những trường hợp tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”.


“Tại sao đầu giá nơi nhà vườn và giá người tiêu dùng chênh lệch có thể đến 300% mà không ai xử lý? Vấn đề tăng giá kiểu té nước theo mưa của con buôn không được xử lý đích đáng và nghiêm minh đã khiến bão giá hoành hành thêm”(bạn đọc Quốc Cường).

Tuy nhiên, cũng có những người 'động viên' người khác: "Bài viết rất sâu sắc, nhưng trong hoàn cảnh hiện này chúng ta cần phải thông cảm và gánh vác khó khăn cùng Chính phủ. Xem thời sự sẽ thấy các nước ngoài vấn đề kinh tế còn phải đối mặt với những vấn đề khác... Hãy vững tâm lên!".

N.Anh (tổng hợp)

Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2011

Hội Hoa Anh Đào 2011

Hội Hoa Anh Đào 2011
Năm nay Hội này gọi tên Nhật Bản là "Lễ hội Genki Nhật Bản tại Việt Nam". Quy mô lễ hội nhỏ hơn mấy năm trước, chỉ gói gọi trong khuôn viên sân trước Triển lãm Giảng Võ. 

Genki được giải nghĩa là từ cổ trong tiếng Nhật, có nghĩa là khỏe mạnh, vận động, vui vẻ. Như mọi năm người tới xem có thể chiêm ngưỡng hoa anh đào tươi - quốc hoa của xứ sở Phù Tang. Đồng thời thưởng thức các tiết mục biểu diễn đậm chất văn hóa Nhật Bản. Ví dụ như múa Yosakoi, múa Nakin, Cosplay; cũng có thể quan sát Trà đạo, Kiếm đạo, nghệ thuật gấp giấy Origami hay thưởng thức ẩm thực Nhật Bản và tới quan sát các lều nhỏ trưng bày tranh phong cảnh Nhật Bản.
Theo ban tổ chức, lễ hội năm nay được tổ chức hướng tới kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2013). 
Vừa qua động đát và sóng thần xảy ra tại Nhật Bản gây thiết hại vô cùng to lớn cho nhân dân xứ hoa Anh Đào nên tại lễ hội, ban tổ chức cũng có các hoạt động quyên góp ủng hộ người dân Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai.
Nhớ lại từ năm 2007, lễ hội hoa anh đào Nhật Bản bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam. Liên tiếp từ đó mỗi năm sự kiện này lại diễn ra tại Việt Nam và đều thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân đặc biệt là các bạn trẻ, những người yêu thích loài hoa này cũng như văn hóa Nhật Bản. 
Chiều nay 17/4, cũng là ngày kết thúc lễ hội, hai vợ chồng tôi đã tới Giảng Võ, chỉ kịp lướt qua các hoạt động trên trong vòng 30 phút đồng hồ, vì cũng đông người chen chúc quá. Có chụp được ít tấm ảnh và 2 đoạn video - xin đưa lên đây, mời các bạn liếc qua.


(Không tải lên được/bổ sung sau)



Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Cuối tuần một chuyện vui

Cuối tuần một chuyện vui

Với người Việt, “thày bói xem voi” (hoặc đôi nơi cũng nói “xẩm xem voi”) vốn là một thành ngữ rất đỗi quen thuộc. Đơn giản là nó nói lên một điều, muốn biết đúng về sự vật, không thể chỉ chỉ bằng cảm giác bề ngoài, nhất là cảm giác đó lại chỉ xuất phát từ một chi tiết nhỏ của sự vật.

Ý nghĩa ‘bóng bẩy’ hơn nếu suy ra được, đó là đừng ai vội cho ý kiến mình là hay là đúng, thậm chí là duy nhất đúng. Và rồi tiến xa hơn đi tới áp chế ý kiến của người khác một cách vội vã... Phải chi những người như vậy, nếu không tỉnh táo dừng lại cuộc "tranh phần tài giỏi" hơn người này, hóa ra cũng chỉ là một đám xẩm sờ voi thì tội nghiệp. Ở đời cũng nên tôn trọng một ý khái quát rất đúng của câu thành ngữ "bách nhân bách khẩu" (trăm người trăm ý).

Hơn tuần lễ vừa rồi có những chuyện lời qua tiếng lại xem ra hao hao vài mẩu chuyện dưới đây. Chúng đã được người xưa kể lại như một thứ ngụ ngôn răn đời. Hầu chuyện Quý bạn đọc Cuối tuần như một chầu Thư giãn miễn phí.

NV    

----------------

NGƯỜI MÙ SỜ VOI

Vào một ngày xuân nọ,
Có đám mấy người mù,
Họ bỗng nhiên hội ngộ
Trong một khu vườn nhỏ,
Và cùng gặp con voi.
Họ cùng nhau đoán thử!
Một anh sờ tai voi,
Bảo voi như quạt nan rộng
Một anh sờ cái vòi
Bảo voi như con trăn to
Một anh sờ cái chân,
Bảo voi giống cái vò.
Một anh sờ đuôi voi,
Bảo chổi xuể một đống!
Một anh sờ vào mình voi,
Bảo là tấm phản rộng!

Mỗi người một ý khác nhau,
Không ai ý hợp, tâm đầu với ai.
Chớ cậy giỏi, chớ cậy tài,
Nắm được chân lý hơn người thế gian!

(Truyên này của Aesop (620-560 BC) được Phật (563-483) nói trong kinh Pali là Kinh Đại Bát Niết Bàn 大般涅槃 do ngài Đàm Vô Sấm 昙无谶 (Dharmaraksa) pháp sư người Ấn, dịch ra Hoa ngữ và Kinh Trường A Hàm của Phật Giáo có kể truyện như sau:


Con voi và sáu người mù

Ngày xưa có một ông vua minh triết, thấy các đại thần của mình thường bảo thủ cố chấp các hiểu biết nhỏ hẹp của mình, bèn sai người dắt đến một con voi thật lớn và một bọn người mù bẩm sinh, để cho họ sờ voi. Sau đó vua hỏi: “Các ông đã biết con voi là như thế nào chưa?”
- Biết rồi! Bọn người mù đáp.
- Thế voi như thế nào?
- Voi xem ra như cái đòn xóc. Người sờ ngà voi bảo.
- Voi như cái quạt. Người sờ tai nói.
- Voi như tảng đá. Người sờ đầu voi đáp.
Người sờ vòi lại bảo: “Voi giống như cái chày”.
- Voi giống như cái hộp gỗ. Người sờ mắt voi nói.
- Không phải. Voi như cái giường. Người sờ lưng voi khẳng định.
- Theo tôi con voi như cái thùng to. Người sờ bụng voi kêu lên.
- Đừng cãi nhau nữa, con voi như sợi dây thừng. Người sờ đuôi xác nhận.
Nhà vua nghe bọn mù tranh cãi nhau, cảm khái nói:

Người mù đều rất đông
Tranh nhau nói sự thật
Voi vốn chỉ một thân
Thị phi lại bất đồng.

(NV Sưu tầm)

Thứ Tư, 13 tháng 4, 2011

Toán học & Chính trị

Toán học & Chính trị

Vừa rồi có chuyện Giáo sư toán học Ngô Bảo Châu“đột ngột” đóng lại blog Thích Học Toán của mình. Blog này rất đáng đọc nên đã gây sự tiếc nuối cho những ai hay vào trang này. Văn phong nhẹ nhàng, khúc chiết mà lại dí dóm, vui đùa với sự khích lệ lòng yêu khoa học đã đành, mà còn là những tâm sự về nhân tình thế thái của một con người tưởng chỉ biết vùi đầu vào làm toán.

Bản thân Gs Ngô Bảo Châu không nói lý do đóng cửa blog cho thật rõ ràng. Chỉ viết rằng “Mỗi ngày đi qua, cái nhu cầu làm mới lại mình bằng sựtĩnh lặng trở nên cần thiết hơn. Vậy bây giờ là thời điểm để dừng lại và suy nghĩ”. Thế thôi.

Tuy nhiên thế giới mạng thì lại cho rằng lý do chính là những phản hồi có thể là quá ‘nóng’, thậm chí là bất công và hơi ‘phũ phàng’ đối với một bài viết của anh trên blog này (bài “Về sự sợ hãi”) ngay sau phiên tòa sơ thẩm xử Ts Luật học Cù Huy Hà Vũ.

Mặc dầu vị Giáo sư Toán nổi tiếng này đã lên tiếng về sự “cáo lui” với lời chia tay rất có văn hóa cùng bạn đọc của mình, nhưng dư luận xem ra vẫn không “buông tha” sự việc mà họ cho rằng anh gây ra từ bài viết. Người xưa bảo rằng, lời nói một khi đã vuột ra khỏi miệng thì “tứ mã nan truy”. Ác nghiệt là vậy cái sự“lập ngôn”!

Thực ra thì chính trị không phải là việc riêng của ai. Đúng là các chính khách - những người chuyên tâm và dành hết thời giờ cho công việc này, nhưng các nhà toán học, các nhà khoa học cả tự nhiên và xã hội nói chung cũng như mọi công dân có hiểu biết khác, tất cả họ đều có thể tham gia luận bàn về chính trị. Tức là chính trị và các hoạt động chính trị không khoanh vùng riêng cho một ai, một lớp người nào cả. Tỏ một thái độ như Ngô Bảo Châu về một phiên tòa xử một người có tri thức cao như Cù Huy Hà Vũ, cái việc anh bàn tới các vấn đề chính trị xã hội rộng lớn bên ngoài toán học của anh thì cũng là một công việc hết sức bình thường. Anh cũng bình đẳng như mọi người viết khác. Tuy nhiên do là con người của công chúng, lời nói của anh Châu, quanđiểm và cách hành xử của vị giáo sư toán lừng danh vượt cả ra ngoài bờ cõi đất Việt tất phải được nhìn nhận xem xét “khắt khe” hơn so với một con người bình thường khác. Đây cũng là một điều hiểu được, không thể khác. Nên có thể các hệ lụy đến“không ngờ”, ngay với chính người viết ra vài ba chục dòng chữ ngắn ngủi kia cũng“tính không hết”, nên anh Ngô Bảo Châu đã buộc phải chọn cách rút lui về “tháp ngà” khoa học của riêng anh, thay vì phân trần trước dư luận? Làm một người nổi tiếng, một danh nhân thường chịu nhiều áp lực và sự phán quyết bất ngờ và ồ ạt đến như vậy.

Nhưng chúng ta cũng phải công bằng với Gs Ngô Bảo Châu chứ. Bởi anh chỉ phát ngôn với tư cách một nhà toán học nặng lòng với đất nước về một vài ý tưởng nẩy ra trong anh sau phiên tòa kia. Anh không định tranh luận với ai, bởi anh chỉ viết blog, thứ nhật ký cá nhân, chứ có gửi cho báo chí nào đăng đâu, công bố đâu? Tuy nhiên khi các trang mạng có số người truy cập lớn post bài này lên, anh vừa nhận được bao lời ngợi khen thì cũng ngay sau đấy hứng trọn một “trận đòn” dư luận. Oái oăm thời bùng nổ thông tin, một mặt có nhiều điều rất hay, mặt khác tức thì gây nên những điều không phải ai cũng muốn chuốc lấy này.

Trở lại bài bài viết của Ngô Bảo Châu đúng chỉ gói gọn trong 288 từ. Là anh chỉ muốn chuyển tải một ý tưởng: “Không thể lấy sự cẩu thả và sự sợ hãi làm phương pháp bảo vệ chế độ”. Còn các vấn đề khác chắc là anh nhường các cây bút, các nhà văn nhà báo nhà lý luận giỏi giang khác chứ anh đâu dám lấn sân vô. Việc anh bị phê phán, thậm chí là “chửi bới” theo nghĩa đen (các comment trên nhiều blog) là tập trung vào hai mệnh đề anh viết: Đó là “…lý lẽ ông (CHHVũ) đưa ra không thấy có tính thuyết phục đặc biệt” và bản thân anh vốn thuộc tạng người“không đặc biệt hâm mộ ông CHHVũ”. Anh nói thế tôi nghĩ là không có gì sai trái, chỉ có chưa chặt chẽ. Sự kiệm lời đã làm anh vất vả khi hứng chịu bao nhiêu là phản ứng. Trong bối cảnh lúc này của đất nước, những điều mà các bài viết của CHHVũ nêu lên động chạm đến tất cả các vấn đề nhạy cảm nhất mà đất nước đang đối mặt, nói đúng hay sai, đều - hoặc là có công, hoặc bị kết tội. Chắc chắn Gs Ngô Bảo Châu ý thức rõ những điều đó. Tuy nhiên anh đã không đi sâu vào bất cứ vấn đề gì trong các lập luận và lý lẽ của CHHVũ. Vả lại trong cả bài viết, Gs Ngô Bảo Châu cũng đâu có một lời kết tội CHHVũ, thậm chí còn có ý so sánh ông Vũ như một Hector, một Turnus, một Kinh Kha của thời nay đã "không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình", tưởng đó cũng là một sự đánh giá rất cao phẩm giá dũng cảm đối mặt với số phận khắc nghiệt mà ông Vũ đang vấp phải.

Ở điểm này tôi còn nghĩ rằng, ai đó không hâm mộ, không thần tượng một ai đó thì phải coi là điều rất bình thường trong cuộc sống chứ. Có sao đâu, có hại cho ai đâu! Cũng như việc nhận định, kiến giải, lý lẽ của bất cứ ai đưa ra mà có người nhận xét là không/chưa thuyết phục (lại là thuyết phục “đặc biệt”) thì đâu có húy kỵ, sai trái gì nhỉ!

Dân chủ, Tự do là nguyện vọng và quyền được hưởng của người dân phải tranh đấu mới có được thì cái việc hiểu và diễn giảng đối với hai cặp từ cao quý này cũng nên để mọi người, mọi công dân được rộng đường dưluận. Độc quyền (dù là độc quyền mà mình coi là chân lý đi nữa) ở trong bất cứ trường hợp nào phỏng có ích gì. Tôi cũng từng viết trên blog này nhân cuộc tổng tuyển cử để nên bầu QH và HĐND các cấp của nước ta diễn ra cuối tháng 5 sắp tới, là một ứng cử viên đưa ra có tới 100% người tán thành thực ra cũng không phải là một hiện tượng đáng mừng vui gì nhiều. Cái cách ta đang làm về tuyển cửbầu cử nó đưa lại một kết quả kiểu như trên đâu phải là cách hay nhất, cách thuyết phục người dân nhất lúc này. Một con người sẽ làm việc công mà ngàn, vạn lá phiếu nhất loạt bầu cho (100%) trong bối cảnh xã hội ở ta chưa chắc là người hội đủ các phẩm chất và tính cách mà nhân dân cần đến lúc này. Được tín nhiệm của dân đến quá bán, cao hơn là 60 – 70% có thể đã là những con người làm được việc cho công chúng, thậm chí là làm được các việc tốt cho đa phần người dân mong muốn chứ đâu cứ phải tròn 100% đồng ý đã là tốt? Người cả trăm người nhất loạt đồng ý khéo không là người ba phải, mười tám cũng ư mười tư cũng gật, bây giờ dân đâu cần!

Vậy anh Ngô Bảo Châu có thể phát ra hai ý kiến trên, sao lại vội chụp cho anh cả lô cái mũ không đáng có? Anh có quyền không bàn sâu vào các vấn đề chính trị và xã hội mà Ts Cù Huy Hà Vũ luận bàn tới. Đồng ý với ý tưởng của Hà Vũ, hoặc đồng ý từng phần, không đồng ý nữa cũng vẫn là quyền của Ngô Bảo Châu. Vả lại, Ngô Bảo Châu vẫn hoàn toàn có quyền như một số người khác là chưa tán thành các lập luận và lý lẽ của của một ai đó về các quan điểm chính trị - xã hội thì âu cũng là lẽ thường. Chứ sao lại vội vàng dội những quả bom tấn vào một vài ý kiến như trên của vị giáo sư còn trẻ với chuyên tâm là toán học. Đòi hỏi cao là cần với người tài, nhưng liệu như thế có quá cao và không cần thiết với một con người như Ngô Bảo Châu. Hậu quả là khiến nhà toán học bản lĩnh là vậy đã phải chán nản cáo lui vào hậu trường, rời khỏi các diễn đàn cộng đồng. Nghĩ thấy phí phạm và càng tiếc nuối quá.

Tôi viết những dòng này cũng vì còn nguyên cáiấn tượng khó quên của mình hồi vị giáo sư trẻ Ngô Bảo Châu nhận Giải thưởng toán học danh giá ở Ấn Độ. Kế đến anh về nước được tôn vinh ở mức “không thể cao hơn” (ở nước ta); rồi qua lời ăn tiếng nói của anh đã thu hút ra sao công luận cả nước thời kỳ đó … Tất cả đã làm tăng thêm cảm tình vốn có của mình đối với một lớp trẻ Việt Nam có học vấn đã thể hiện sự tự tin trong thờiđất nước mở cửa hội nhập toàn cầu.

Ngay cái việc anh Ngô Bảo Châu lúc đó công khai nói mình sẽ tiếp tục công việc nghiên cứu khoa học trên đất Mỹ chứ không trở về Việt Nam làm việc - dù được vồvập và tung hô - chúng ta thấy công luận và công chúng lúc ấy đều đồng tình chứchẳng ai mắc mỏ thắc mắc gì.


Có thể từ những câu chuyện kể trên đã thúc đẩy tôi cố gắng tìm tòi trên mạng để đọc thêm những bài viết mà mình có thể chưa biết tới xung quanh nhân vật này.

Sự cất công mày mò khá mất thì giờ của tôi quảlà không uổng! Trong vô số các bài viết năm ngoái mà báo chí và thế giới mạng công bố - khi anh Châu nhận giải thưởng lớn; khi anh về nước; thời điểm anh nhận căn hộ nhà nước cấp; lúc anh nhận về nguyên tắc là sẽ điều khiển như một người đứngđầu một trung tâm nghiên cứu toán học cao cấp nhà nước lập ra mà hằng năm anh sắp xếp thời gian về nước làm việc - tôi để ý nhất đến một bài dưới đây.

Đó là cuộc chuyện trò giữa anh và một người viết văn nữ còn ít tuổi hơn cả anh.Điểm chung họ đều là những trí thức Việt Nam trẻ tuổi sống ở nước ngoài. Nội dung cuộc trò chuyện này hình như đã “gói trọn tính cách và cũng là nhân cách sống và làm việc” của nhà toán học trẻ tuổi.

Tôi hoàn toàn không muốn thanh minh cho Ngô Bảo Châu. Bởi đó không phải là công việc của chúng ta. Tôi chỉ muốn, qua vụ scandal vừa rồi xung quanh nhà toán học, nếu trong lòng chúng ta còn quý hóa tài năng và nhân cách của một chàng trai trẻ tuổi có chí hướng rõ rệt về các cống hiến cho khoa học, tôi thiết nghĩchúng ta nên bình tâm lại. Hãy cố gắng lắng nghe những tâm tình, tâm sự của Ngô Bảo Châu cách đây đúng trọn một năm...

Nguyễn Vĩnh

-----------------

Trò chuyện với nhà toán học Ngô Bảo Châu

Phan Việt  (thực hiện)
- Anh đã bắt đầu ngấm cái chuyện anh rơi vào trường bất tử chưa?
Trường bất tử là thế nào?

Tức là... với thế giới thì có thể là anh chỉ được biết nhiều trong giới toán học; nhưng mà ở Việt Nam thì anh chắc chắn sẽ đi vào lịch sử rồi, có thể là sẽ có trường Ngô Bảo Châu, có đường Ngô Bảo Châu, có giải thưởng Ngô Bảo Châu, vv...
Thực ra thì đấy là cái đáng ngại nhất đấy, đấy chính là cái đáng ngại nhất...

Nhưng anh có tự hào về điều đó không?
Không.

Không tự hào?
Ừ… là vì từ bé anh đã có cảm giác là mình phải sống thế nào để sau khi mình ra đi thì mình không để lại dấu vết gì về bản thân nữa. Anh nghĩ là chuyện không để lại dấu vết gì cũng là chuyện quan trọng. Giống như trong cuộc sống bình thường, khi mình rời khỏi nơi nào đó hoặc làm xong chuyện gì thì mình nên thu dọn sạch sẽ để ra đi.
(Trên đây là NV chọn ra như một cái Box cho bài phỏng vấn này)

NỘI DUNG TRỌN VẸN CUỘC PHỎNG VẤN DƯỚI ĐÂY:

Tôi gặp anh Châu lần đầu vào cuối tháng 1-2010, lúc anh đã nhận lời sang Đại học Chicago làm giáo sư. Trong lần gặp đầu tiên đó, anh Châu đi cùng với hai người bạn chung của chúng tôi ở Chicago; chúng tôi hẹn nhau đi ăn tối ở trong khu Việt Nam. Hôm đó, trời rét đậm. Anh Châu mặc một chiếc áo choàng dài màu đen và đội mũ len; dáng người nhỏ, đôi mắt chắc chắn của người thường xuyên phải đọc và mái tóc đã bạc nhiều. Cảm giác đầu tiên không thể nhầm lẫn khi gặp anh Châu: anh Châu là một người rất giản dị và cởi mở. Trong xe ô tô trên đường vào khu Việt Nam, anh phụ họa đọc thơ với một người bạn.

 Hôm đó, chúng tôi không có dịp nói chuyện nhiều. Điều mà tôi nhớ nhất là trong câu chuyện, anh hỏi tôi “Viết văn chắc là khó lắm nhỉ?”. Câu hỏi ấy làm tôi nhận ra có thể không chỉ có tôi thấy khó hình dung về công việc của một nhà toán học như anh, mà ngược lại những người làm toán có lẽ cũng không biết nhiều về công việc của người làm nghệ thuật. Nhưng có thể, toán học và văn học nói riêng, cũng như khoa học và nghệ thuật nói chung, đều chỉ là việc dùng những ngôn ngữ và công cụ khác nhau để mô tả và giải thích thế giới. Và đấy là lí do tôi đề nghị anh Châu cho tôi phỏng vấn anh trong lần gặp sau, với mong muốn rằng việc biết rõ thêm một chút về hành trình công việc và hành trình cá nhân của anh có thể giúp rất nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau có thêm niềm tin với những gì họ theo đuổi.

Chúng tôi đã hẹn sẽ gặp nhau lúc 9 giờ sáng ở nhà anh rồi đi bộ vào trường. Đầu tháng Tư, Chicago đã có nắng ấm; hoa tulip, thủy tiên và mộc lan bắt đầu nở trên mặt đất mặc dù lá chưa mọc trở lại trên các cây cổ thụ dọc các con đường trong khu Hyde Park.

Chúng tôi mua cà phê ở Reynold Club rồi vào Hutch Commons ngồi. Hutch Commons là phòng lớn, nơi sinh viên và cả các giáo sư thường tới ngồi làm việc, ăn trưa, gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp. Căn phòng cao, với nhiều cửa sổ lớn gắn kính màu đón nắng mặt trời. Dọc hai bên tường có treo ảnh các đời hiệu trưởng của trường. Lúc này còn sớm và lại là thứ Hai nên trong Hutch Commons chỉ có vài ba sinh viên ngồi rải rác làm bài tập. Chúng tôi chọn một bàn ở góc trong cùng của căn phòng. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng việc tôi thú nhận rằng tôi không biết sẽ phải phỏng vấn như thế nào; anh Châu nói thôi thì cứ nói chuyện bình thường thôi. Tôi ghi lại đây một số đoạn từ cuộc “nói chuyện bình thường” này và giữ nguyên cách xưng hô “anh-em” để trung thực với cuộc trò chuyện.

Phan Việt (PV): Anh có nói với em là anh muốn đi khỏi Princeton sang Chicago bởi vì Princeton không có cảm giác cuộc sống. Cái “cảm giác cuộc sống” đấy chính xác là cái gì? Anh tìm kiếm điều gì?

Ngô Bảo Châu (NBC): Anh sinh ra ở 47 Hàng Bài, lúc nào cũng có 1 triệu người quay xung quanh; ở Princeton không đủ 1 triệu người quay xung quanh, nên thấy thiếu cảm giác cuộc sống (cười). Đùa vậy chứ thật ra thì anh thích Hyde Park này; nó ở trong thành phố lớn nhưng mà nó vẫn đủ nhỏ. Nếu anh ở một mình thì đơn giản, nhưng có trẻ con thì ở Hyde Park này là một lựa chọn tốt.
Thế tức là trong quyết định của anh, trẻ con là một phần rất quan trọng?
Ừ, tất nhiên rồi. Không, tức là nó có hai phần; một phần là trẻ con, phần nữa là về khoa học thì anh thích mấy người ở trường Chicago này. Về toán thì Chicago thực ra là xuất sắc, nhất là trong ngành của anh.
Ngành của anh chính xác là gì ạ?
Anh làm cái nó gọi là algebraic geometry (hình học đại số) và chương trình Langlands. Nó cũng rộng. Cho nên cái Bổ đề mà anh vừa viết ấy, anh viết 8 chương, 200 trang, thì anh vừa nhận được 6-7 cái report của những người đọc kiểm tra các phần khác nhau, có người thì đọc toàn bộ, có người thì đọc một phần thuộc về chuyên môn của người ta thôi, để xem nó có chính xác chặt chẽ không. Ai có chuyên môn phần nào thì đọc phần đấy... vì ngoài chuyện chuyên môn thì đọc như thế cũng là một việc mất thời gian mà cũng là cái hy sinh của người ta; một bài đấy cũng phải mất vài tháng để đọc nếu có chuyên môn, còn nếu không có chuyên môn thì phải lâu hơn.
Nhân anh nói chuyện hy sinh... Lúc mà tạp chí Time công bố là công trình của anh nằm trong 10 công trình khoa học lớn nhất năm 2009 thì VnExpress có đưa tin về chuyện đó và chuyện anh về Chicago dạy học. Em không biết là anh có đọc những ý kiến bạn đọc ở bên dưới không...
Anh có đọc loáng thoáng.
Thì có một số ý kiến nói nào là chảy máu chất xám, nào là lẽ ra anh phải về Việt Nam cống hiến. Anh có cảm thấy đòi hỏi như vậy là bất công với anh không?
Anh không thấy bất công ... nói chung là có một số ý kiến mà nó... nó ấu trĩ đến mức mà anh không thể nào quan tâm được (cười). Anh cảm thấy là anh đã qua cái tuổi mà anh còn chịu áp lực xã hội rồi. Tất nhiên là anh vẫn chịu áp lực từ một số người mà mình quan tâm ý kiến của họ; ý kiến của họ chính xác thì làm anh suy nghĩ; còn có nhiều ý kiến xuất phát một là từ sự ấu trĩ, hoặc là từ sự ghen tị thì anh không để ý.
Nhưng mà, để đi đến cái chỗ biết cái gì là ấu trĩ để mà bỏ qua cũng là cả một quá trình, đúng không ạ? Lúc đầu có lẽ mình không làm được như vậy đâu; kể cả mình biết là người ta nói vô lí thì mình vẫn đau...
Anh nghĩ là... thực ra để đạt đến sự ổn định thì mình phải có sự nhạy cảm nhất định với cuộc sống. Một khi mình đã đau thì mình đừng nhắm mắt bịt tai, mà mình phải cố gắng phân tích cho đến cùng cái đau đấy, hoặc là cái ngu ngốc của mình. Anh thực ra không phải là người có nhiều va chạm xã hội; chỉ có điều là mỗi một lần va chạm thì anh chịu khó phân tích cái va chạm của mình; thì mỗi lần va chạm, mình càng đau mà mình càng chịu khó phân tích thì mình càng hiểu, hiểu mình và hiểu người khác hơn.
Nhưng nếu như mình cứ phải phân tích để biết cái gì không đáng làm mình đau, thì nó cũng có thể làm mình chai sạn, mệt mỏi. Có thể với toán học thì khác; nhưng với nhà văn chẳng hạn, nếu mà mình cố gắng lý trí để không làm mình đau thì mình cũng có khi làm mất cái con mắt quan sát thuần khiết của mình đi…
Làm toán thì tất nhiên nó hơi khác nhưng nó cũng có cái giống như thế. Bởi vì làm toán thực ra là cực kỳ violent (bạo lực) với bản thân mình, lúc nào mình cũng phải lý trí, không bao giờ được chiều bản thân mình, không được chiều theo cái ham muốn hiện tại. Với lại, toán cũng có cái mâu thuẫn giống như em nói. Một mặt nó cũng là một dạng profession (nghề nghiệp), tức là nó cũng có những hoạt động của nó; tức là phải đi làm seminar, đi làm hội thảo, viết báo cáo; tức là nó cũng phải có những thủ tục; cộng đồng thì bao giờ cũng phải có thủ tục; nhưng nếu có thủ tục mà thành chuyên nghiệp quá thì vô thức nó cũng có thể giết đi cái trong sáng, cái khởi thủy của người làm toán, tức là cái con mắt trong sáng của trẻ con, cái gì mình cũng muốn hiểu ngọn ngành từ đầu đến cuối, trong khi nếu mình thành chuyên nghiệp thì mình chỉ chú tâm để ý những cái gì đang nổi, đang mới, đang là mốt, làm cho mình quên đi cái cơ bản nhất. Nếu muốn làm nhà toán học giỏi thì không thể để mất đi cái cơ bản. Thực ra anh viết blog Thích Học Toán một phần là như thế; vì lúc nào anh cũng có điều kiện xem lại những thứ cơ bản nhất.
Em muốn quay lại với chuyện về tìm kiếm “cảm giác cuộc sống” mà anh đã nói. Với văn học, người ta có khái niệm cảm hứng rất rõ ràng và nó thường xuất phát từ cuộc sống. Thế với toán học thì nguồn cảm hứng đấy ở đâu ra?
Nó là bài toán toán học. Nhưng mà bài toán toán học, khi mình đã làm việc đủ lâu với nó, thì nó cũng hiển hiện như là một xã hội; nó có hình tròn, hình cầu, hình méo...
Nó có đem lại cảm giác say mê như với say mê nhân vật, say mê ngôn ngữ không ạ? Tức là có cái cảm giác mình không thể sống được nếu mình không làm toán?
Tất nhiên nếu anh không làm toán thì anh cũng không đi tự tử (cười) nhưng mà... nó là cái phần cơ bản của mình, nó là một nguồn hạnh phúc lớn. Mà anh không nói đến làm toán theo kiểu chỉ có nghiên cứu viết báo cáo đâu, anh nói đến việc mình liên tục đọc sách, xem cái mới, cái cũ, tìm kiếm, suy nghĩ, nó là một hành trình liên tục...
Cái hành trình và cái hạnh phúc đấy nó liên quan nhiều đến sự phát triển nội tâm của mình, đúng không? Nó gắn với hành trình phát triển của con người mình.
Đúng rồi. Anh nghĩ là nếu một người mất cảm giác mình vẫn còn nhiều cái không biết thì không thể nào làm được cái gì hay ho nữa. Cho nên phải học. Ví dụ như anh thì có một cái kém mà nhiều lúc cũng khó xử đấy; tức là anh cảm tưởng cái gì anh cũng không biết rõ lắm, cái gì anh cũng biết lơ mơ; dĩ nhiên cái mà anh làm thì anh biết rõ còn lại thì anh rất lơ mơ, nhưng anh lại không có thói quen giấu cái sự lơ mơ đấy; thế thì nó khó xử là đi đâu lúc đầu người ta cũng trọng vọng mình, nhưng xong rồi người ta hỏi cái gì mình cũng không biết thì có khi cũng khó xử vì ở những vị trí nhất định thì mình không thể xuề xòa quá được... Cho nên bây giờ anh cũng phải học. Đấy, mình phải giữ cái ham muốn học hỏi, và mình cũng phải học cách chia sẻ nữa. Cũng phải chọn người mới chia sẻ, đâu phải ai cũng chia sẻ được, vì nhiều khi nó có thể làm mình rất tổn thương; ví dụ là có những cái mà mình quý nhất thì người ta lại coi thường.
Trong văn học, anh thấy là có khái niệm “văn phong” rất là rõ ràng. Toán học thì có khái niệm phong cách riêng không?
Có chứ, nhưng nói chung là nó hơi khác, vì toán thì… khi mà nó đến cái mức hoàn hảo thì nó không còn có tính cá nhân nữa, nó vô tính, nó trong sáng đến mức không biết là ai nữa mặc dù style làm toán thì cũng có tại vì cái cách suy nghĩ của mỗi người thì có khác nhau.
Thế style của anh là gì nếu anh phải mô tả bằng một vài từ?
Anh cũng không rõ nhưng mà anh làm toán hầu như không bao giờ cần giấy cả.
Anh cứ nghĩ trong đầu?
Ừ, anh không cần phải ngồi tính toán, anh cứ nghĩ đến một lúc mà anh cảm tưởng là được rồi thì anh ngồi viết ra; lúc đó lại phải lắp ghép lại. Thực ra cái quá trình viết ra đấy là quá trình hiện thực hóa vì lúc mình nghĩ thì nó giống như là mình xây dựng cả một thế giới của mình, nó có nhiều đường, nhiều ngã rẽ; đến lúc mình viết ra giấy thì mình phải viết tuần tự. Có những bài toán đơn giản thì dễ nhưng với bài toán phức tạp như cái Bổ đề vừa rồi thì anh viết rất nhiều lần; lúc mới bắt đầu viết, anh cũng không biết là viết thế nào cả... anh cũng phải chuẩn bị rất nhiều... như văn chắc là cũng phải chuẩn bị, nhưng văn thì có thể chuẩn bị thừa một chút chứ toán thì về mặt nguyên tắc là không được chuẩn bị thừa cái gì cả, chỉ viết cái gì cần thiết, đúng như thế thôi, không dài hơn. Lúc đầu anh viết thì anh không biết chính xác là cái gì mình cần, bởi vì nó là cả một cái hệ thống, anh cứ mô tả dần dần cho đến cuối cùng, sau đó thì mới quay lại sửa. Cái quá trình đấy cũng tương đối là painful (khó khăn), vì lúc mình nghĩ trong đầu thì kể cả mình suy nghĩ nhiều, mình cũng không thể nào chặt chẽ 100% được, có nhiều chỗ lúc nghĩ thì mình bảo chỗ này được rồi, có thể bỏ qua, mình sẽ làm được, cái đấy là do kinh nghiệm thì mình biết và thường là cũng đúng, nhưng mà lúc viết ra, thì mỗi đoạn đấy lại phải bổ sung chi tiết, thì có khi mình thêm chỗ này nó lại phình ra chỗ kia.
Hôm qua em ngồi đọc về Viện IAS ở Princeton mà anh đang làm việc. Thì có người chỉ trích là cái viện đó thực ra cũng là chỗ giết chết nhiều người tài, tức là lúc trước họ làm được nhiều thứ tử tế, nhưng khi đến Viện thì không làm được gì nữa bởi vì sang đó chỉ phải ngồi nghiên cứu thôi, không có áp lực dạy học hay làm gì nếu không muốn, cho nên họ đi đến chỗ cô lập, bế tắc. Anh có nghĩ là đứng về mặt sáng tạo, việc được “bao cấp” và không có áp lực như thế là cái có hại?
Với một số người thì nó có hại thật. Có những người, khi họ không còn chịu áp lực phải xuất bản công trình nghiên cứu nữa, thì họ chẳng làm gì cả. Nhưng ngược lại nếu phải chịu áp lực xuất bản nhiều quá, như ở Mỹ này áp lực lớn quá thì người ta cũng in nhiều thứ nhảm nhí chẳng ai đọc.
Em thấy rác nhiều lắm.
Nhưng không có cái áp lực xuất bản công trình nghiên cứu đấy thì cũng nguy hiểm. Cho nên anh vẫn nói làm khoa học nó có hai mặt; một mặt mình vẫn phải giữ cái con mắt trong sáng của người muốn tìm hiểu, một mặt mình vẫn phải giữ con người làm việc chuyên nghiệp. Đến hẹn mình vẫn phải tham gia hội thảo, làm thuyết trình, đấy là việc mình phải làm, mình không nên từ chối bởi vì khi mà mình từ chối, mình tự rút ra khỏi xã hội thì không sớm hay muộn mình cũng bị thoái hóa. Thu mình vào thì nhiều khi cũng cần thiết để mình có thể nghĩ lâu một cái gì đó nhưng mình cũng có thể bị một cái bệnh là bệnh chủ quan, tức là mình chỉ quan tâm đến cái mình nghĩ thôi mà mình lại quên mất nhiều thứ, và mình sẽ khó giao tiếp với người khác. Thì ở IAS có những người rất là giỏi, bài toán nào các ông ấy cũng giải được, mà ai có gì khó thì các ông ấy đến giúp; nhưng các ông ấy không thấy có động lực đủ lớn để làm thêm cái gì nữa, có lẽ họ đã chán toán rồi.
Lúc bé, anh có ý thức gì về việc thích toán không?
Anh có ý thức là mình muốn trở thành nhà toán học không? Lúc bé anh chẳng có ý thức gì cả. Lúc bé thì toán văn anh đều học giỏi cả nhưng bố anh bảo anh vào chuyên toán thì anh vào chuyên toán.
Thế thì anh có nghĩ là cần định hướng sớm cho trẻ con về nghề nghiệp không? Ví dụ như là hướng cho trẻ con trở thành nhà toán học hay bác sỹ hay kiến trúc sư?
Anh nghĩ là cũng không cần phải định hướng về mặt nghề nghiệp sớm như thế đâu. Với nhạc sỹ chẳng hạn thì anh không biết, có thể họ cần định hướng từ lúc rất bé; còn những nghề mà làm việc trí óc nghiêm túc thì nhận thức về nghề nghiệp nó phải là lúc mình trưởng thành rồi. Chẳng hạn như ông Langlands, ông ấy là một trong những người có ảnh hưởng mạnh nhất tới toán học thế kỷ 20-21, nhưng mà ông ấy thực ra cứ tự học, mà học toán cũng tình cờ; bố ông ấy là tiều phu, ông ấy không đi học trường trung học hay đại học nổi tiếng nào cả, đào tạo cơ bản của ông ấy thực ra bình thường; nhưng khi ông ấy đi học đại học bên Canada thì học cũng được, thế là thầy giáo toán của ông ấy bảo ông ấy đi làm PhD (tiến sỹ). Ông ấy bảo PhD là cái gì. Sau rồi ông ấy thấy ừ thì bây giờ được đi học có học bổng, mà lại được lấy vợ sớm nữa thì cũng thích (cười); thế là đi làm PhD. Cho nên anh thì anh không nghĩ chuyện định hướng nghề nghiệp sớm cho trẻ con là quan trọng.
Đối với các cháu nhà anh bây giờ anh có định hướng gì không?
Anh không định hướng gì cả.
Anh có dạy các cháu học không?
Anh có dạy. Thực ra mấy năm nay anh cũng bận nhưng anh có dạy, và anh cũng để ý rèn các cháu những thứ mà đối với anh là quan trọng, là có giá trị.
Ví dụ là thứ gì?
Ví dụ là đọc sách, là cố gắng viết đúng chính tả (cười)... vì cái gì bố không làm được thì con phải làm được2.
Đọc sách gì ạ?
Sách thì cũng đủ loại... đến bây giờ thì con gái lớn của anh cũng lớn rồi nên anh cũng không muốn áp đặt. Tất nhiên anh cũng cố gắng hướng dẫn một chút để nó không đọc sách nhảm nhí nhưng anh cũng không muốn áp đặt
Anh có kỳ vọng điều gì ở con anh không?
Anh chỉ kỳ vọng là chúng nó có một cuộc sống bình thường, hạnh phúc... anh không kỳ vọng chúng nó phải làm gì vĩ đại cả.
Nhưng anh có cảm thấy là mình đã biết đến cuộc sống trí thức và cái cuộc sống đấy làm cho nội tâm mình thanh thản, nó sạch, nó là một lựa chọn sống tương đối thích so với một số ngành nghề khác, thì anh có hướng các cháu vào cuộc sống đấy không?
Anh không nghĩ là cuộc sống trí thức là điều kiện bắt buộc để có cuộc sống trong sáng. Nhưng cái mà em nói đúng là quan trọng, tức là có cuộc sống nội tâm trong sáng là cái quan trọng. Nhưng mà có nhiều cách để đạt được chuyện đó. Đấy là một trong những cái mà lúc nào anh cũng muốn dạy cho trẻ con, tức là cách quan hệ xử sự với người khác, rồi là thái độ đối với của cải vật chất như thế nào, những chuyện đấy thì anh nói tương đối nhiều...

Nhân anh nói đến của cải vật chất...
Ừ (cười)
Bây giờ thì anh giàu rồi, đúng không ạ?
Ừ (cười)
Giả sử là anh không giải quyết được Bổ đề và anh cứ sống cuộc sống trung lưu hoặc nghèo khó đến hết đời, thì đối với anh điều đó có khó chấp nhận không? Có cái thời điểm nào mà anh nhìn ra rằng kể cả nếu mình chỉ sống nghèo khó như thế này hoặc mình không có tên tuổi gì đến hết đời thì điều đó cũng không sao?
Không, thực ra chưa bao giờ anh thấy bức bối lắm về chuyện thiếu thốn vật chất, kể cả lúc anh không nhiều tiền. Thực ra lúc nào anh cũng cố gắng ý thức cái chuyện là mình không ham muốn những cái không cần thiết cho mình; chỉ có lúc nào là mình cần mà mình không làm được thì cũng hơi bức bối; thực ra ở Việt Nam thì cái đấy cũng khó; nhưng ở nước ngoài thì việc hạn chế những cái không cần thiết, những cái phù phiếm cũng tương đối dễ dàng; cho nên chưa bao giờ anh cảm thấy bức bối về chuyện đó. Đồng lương của giảng viên đại học thì cũng đủ để sống trung lưu bình thường, nói chung là anh thích cuộc sống trung lưu.

GS. Ngô Bảo Châu
1972: Chào đời tại Hà Nội. Là con trai duy nhất của Tiến sỹ cơ học Ngô Huy Cẩn và Tiến sỹ dược học Trần Lưu Vân Hiền.
1988: Huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Úc
1989: Huy chương vàng Olympic toán quốc tế tại Đức. Là người Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng Olympic toán.
1990: Sang Pháp du học tại Đại học Paris 6, sau đó là Đại học Ecole Normale Supérieure.
1997: Trở thành tiến sỹ toán; về công tác tại Trung tâm khoa học quốc gia Pháp
2004: Cùng nhận giải thưởng của Viện toán học Clay với Giáo sư Gerard Laumon cho công trình Bổ đề cơ bản cho các nhóm Unita.
2005: Được đặc cách phong hàm Giáo sư tại Việt Nam và trở thành Giáo sư trẻ nhất của Việt Nam.
2007: Sang Princeton, Mỹ, làm việc tại Viện nghiên cứu cấp cao (Institute for Advanced Study)
2008: Hoàn thành chứng minh Bổ đề cơ bản trong trường hợp tổng quát cho các đại số Lie.
2009: Kết quả chứng minh Bổ đề cơ bản Langlands của Ngô Bảo Châu được tạp chí Time bình chọn là 1 trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu của năm 2009.
2010: Ngô Bảo Châu sẽ báo cáo tại phiên toàn thể của Đại hội Toán học thế giới. Anh được đánh giá là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho giải thưởng Fields – giải thưởng toán học tương đương với giải thưởng Nobel, được trao 4 năm một lần cho một nhà toán học dưới 40 tuổi. Anh cũng đã nhận lời về làm giáo sư toán tại Đại học Chicago kể từ mùa thu 2010.

Nhưng mà em đang nói tới lúc anh trẻ hơn... em hỏi điều này bởi vì là anh đã thành công sớm, ta tạm gọi là như vậy, anh được 2 giải Olympic toán quốc tế, cho nên có thể có một số kỳ vọng hoặc sức ép thành công nào đó về mặt danh vọng hoặc của cải vật chất.
Không, thực ra thì có một cái là... dạo mà anh học cấp 2, cấp 3 chẳng hạn, anh cứ nghĩ đến những anh được giải toán quốc tế như là thiên tài vĩ nhân; xong đến lúc mình thi được giải thì mình thấy nó cũng… bình thường (cười). Thì vì anh coi chuyện đấy là bình thường cho nên anh cũng không thấy có áp lực gì. Lúc anh làm luận án thì cũng có khó khăn, nhưng mà làm việc gì cũng có lúc khó khăn cả; nó khó khăn là vì bản thân cái việc đó nó khó khăn chứ không phải là vì có sức ép xã hội; anh thì không tưởng tượng là xã hội kỳ vọng gì ở bản thân mình.
Có thể là toán học ít sức ép xã hội hơn vì xã hội không có cái kỳ vọng là ví dụ trong vòng 2 năm, anh Ngô Bảo Châu phải giải xong bài toán này. Nhưng với nhà văn, đôi khi có cảm giác sức ép là bởi vì nhà văn phải có sản phẩm là cuốn sách và phải công bố ở diện rộng hơn công trình toán học và ai cũng có thể phê bình...
Ừ, như lúc nãy anh nói là phải có thái độ rõ ràng với hai mặt của công việc mà hai cái đấy mình không thể xem nhẹ cái nào; một cái là chuyện học thuật của mình, còn một cái là đời sống xã hội của mình, cái cách mình cư xử với sức ép xã hội. Thì đối với sức ép xã hội, mình phải quản lý nó theo nghĩa là mình quản lý nó chứ mình không để nó ép mình; quản lý tức là những việc mình thấy nên làm, như việc dự hội thảo hay đi nghe thuyết trình thì cứ đúng đến ngày đến giờ là mình đi; nếu cái hội thảo đó có nghĩa cho công việc của mình, thì tuần nào cũng đến đúng giờ đấy là anh đi nghe, chứ mình không đi nghe theo kiểu là cứ thấy ông này nổi tiếng, ông kia nổi tiếng thì mình đi nghe. Anh nghĩ là trong đời sống giao tiếp với xã hội, nếu mình muốn giữ nó là một cái có ích cho mình thì mình phải rất kỷ luật, cứ tuần tự mà làm, mình không từ chối nó nhưng mình cũng không cố gắng ôm thêm vào người. Có thể mình đang theo đuổi một cái gì đó cần lâu dài, thì mình cứ làm nhưng trong lúc đó mình cũng nên làm một cái gì đó tuần tự để giữ vững tinh thần của mình...
Thế lúc tinh thần của anh không vững, tức là lúc anh nản chí ấy, thì anh làm gì?
Nói chung là lúc mà tâm lý đã đi xuống thì chỉ cứ đợi cho nó đi qua thôi.
Trên blog Thích Học Toán của anh, anh có nói đến một cụm từ là “15 cô đơn với Bổ đề”, và anh hứa là anh kể, nhưng anh vẫn chưa kể.
Từ lúc anh bắt đầu làm PhD, tức là năm 1993 ấy, thì đến giờ là 15 năm. Lúc mà anh làm PhD thì vấn đề của Langlands chẳng ai quan tâm, người ta coi là vấn đề chết; tức là mấy chục năm không ai làm được thì người ta không làm nữa. Cái luận án tiến sỹ của anh cũng gần giống với Bổ đề Langlands; nó là của ông Jacquet; nó dĩ nhiên là không nổi tiếng và không kéo theo quá nhiều những kết quả rực rỡ gì khác như Bổ đề Langlands nên người ta càng không để ý. Lúc anh làm PhD là khoảng thời gian thử thách tâm lý rất lớn; lúc đấy mình còn chưa tin lắm vào khả năng của mình. Mà lại còn có nhiều chuyện làm mình nản. Chẳng hạn như là ngay cái tên ấy, ông Langlands ông ấy đặt cái tên “Bổ đề cơ bản” nghe nó đã buồn cười rồi. Cái Bổ đề bình thường thì nó không phải là một kết quả quan trọng, nó chỉ là một kết quả trung gian thôi, người ta dùng cái đó để làm cái khác. Nhưng mà với Bổ đề Langlands thì vì sau này có quá nhiều thứ liên kết với nó, phụ thuộc vào sự vững chắc của Bổ đề cơ bản cho nên nó mới trở thành vấn đề trung tâm của ngành. Thì lúc mà anh đi phỏng vấn xin việc lần đầu ở Pháp ấy, người ta hỏi anh làm cái gì, anh bảo là anh làm Bổ đề cơ bản, thì đến một nửa cái hội đồng phỏng vấn là họ phá ra cười, vì nghe nó buồn cười, nghe nó ngớ ngẩn, vì người ta không biết ngành của anh. Tất nhiên là lần đấy anh không đỗ, sau này anh mới đỗ. Lúc đó thực ra không mấy ai tin là có thể giải quyết được Bổ đề Langlands; kể cả lúc anh sang Chicago năm 2001 rồi sang Princeton, thì lúc đó thực ra anh cũng chỉ có âm mưu giải quyết nó thôi, chứ anh cũng không chắc chắn lắm; có điều là lúc nào anh cũng giữ trong đầu một cái hy vọng là lúc nào đấy sẽ làm. Không biết em có thấy không, ở đây thì ít đấy chứ ở Princeton có rất nhiều những cái cờ xanh đỏ cắm trên bãi cỏ để đánh dấu chỗ này là đường ống nước, chỗ này là đường cáp điện, thì ở Princeton mọi người hay đùa đấy là cờ tưởng niệm các chiến sỹ đã hy sinh vì Bổ đề Langlands (cười).

Thế nếu anh không làm được Bổ đề cơ bản thì nó có phải là một thất bại cá nhân nặng nề không? Nó có phải là một điều kinh khủng không?
Anh cũng không biết... Về bản chất anh không phải là người thích cuộc sống của mình trở thành dramatic (kịch tính). Nếu đã để nó trở thành một thứ như là một thất bại nặng của đời mình thì lại thành ra dramatic quá. Giả sử anh đã công bố anh làm được rồi mà hóa ra là giải sai thì lúc đó rất tệ; nhưng mà lúc anh chưa làm được thì thực ra cũng bình thường. Nó chỉ là một cái mình thích và mình làm thôi… Thực ra ấy mà, nhiều khi anh cũng muốn tìm ra một vấn đề mà mình không bao giờ làm được.
Vì sao ạ?
Vì, nói thật là, khi mình đang làm toán, khi mình đang theo đuổi một vấn đề thì nó vô cùng thú vị, nó như là một nguồn sinh lực sống với mình... Toán học ấy mà, lúc mình theo đuổi một vấn đề, thì thực ra là mình tự làm đau mình, đúng không? Như là tự hành hạ bản thân vậy. Nhưng mà làm xong rồi thì lại phải tìm chỗ khác để hành hạ tiếp (cười). Anh nghĩ là trong cuộc sống, bản chất con người là không thích sự ngẫu nhiên, bất định; mình chỉ muốn sự ngẫu nhiên ở một mức nhất định cho cuộc sống vui vẻ thôi, còn về bản chất thì mình muốn có một cuộc sống logic, mà để có cái logic đấy thì phải chọn một cái mục đích gì đó. Dĩ nhiên mục đích nó phải đủ cao quý thì nó mới vực được cuộc sống của mình lên, chứ mục đích mà thấp kém hèn hạ thì nó cũng chẳng thể là cứu cánh được cho mình. Nhưng bản thân cái mục đích đấy cũng chỉ là cách để mình tổ chức cuộc sống thôi, cho nó có hướng; nếu không thì cuộc sống của mình nó vô hướng. Anh cảm thấy đối với anh, việc tìm một bài toán để giải nó xuất phát từ nhu cầu tự nhiên là con người mình cần một cái mục đích để tổ chức cuộc sống của mình... nhưng nó chỉ là đích, mình không cần cố sống cố chết đạt được; cái chính là khi mà mình đi tới cái đích ấy thì mình phải biết cách thưởng thức con đường trong lúc mình đi. Cái đích chỉ là cứu cánh cho mình sắp xếp cuộc sống, để cho mình đi qua cuộc đời này một cách hạnh phúc thôi.
Thế cứu cánh tiếp theo của anh là gì?
Chưa tìm được cứu cánh tiếp theo... Chưa tìm được cứu cánh cụ thể. Vẫn đang đi tìm; phải đi tìm chứ.
Anh đã bắt đầu ngấm cái chuyện anh rơi vào trường bất tử chưa?
Trường bất tử là thế nào?
Tức là... với thế giới thì có thể là anh chỉ được biết nhiều trong giới toán học; nhưng mà ở Việt Nam thì anh chắc chắn sẽ đi vào lịch sử rồi, có thể là sẽ có trường Ngô Bảo Châu, có đường Ngô Bảo Châu, có giải thưởng Ngô Bảo Châu, v.v...
Thực ra thì đấy là cái đáng ngại nhất đấy, đấy chính là cái đáng ngại nhất...
Nhưng anh có tự hào về điều đó không?
Không.
Không tự hào?
Ừ… là vì từ bé anh đã có cảm giác là mình phải sống thế nào để sau khi mình ra đi thì mình không để lại dấu vết gì về bản thân nữa. Anh nghĩ là chuyện không để lại dấu vết gì cũng là chuyện quan trọng. Giống như trong cuộc sống bình thường, khi mình rời khỏi nơi nào đó hoặc làm xong chuyện gì thì mình nên thu dọn sạch sẽ để ra đi.
Nhưng mà Flaubert có nói là cứ đưa cho tôi một người anh hùng, tôi sẽ viết cho anh một bi kịch; có thể hiểu một nghĩa là sau người anh hùng nào cũng có bi kịch. Anh bây giờ là anh hùng rồi đấy, dù anh có muốn hay không. Thế anh có bi kịch nào không? Hoặc là một cái gì đấy mà đến cuối đời, nó có thể coi là một cái mà mình đã không dọn được sạch sẽ để ra đi?
(Cười)...
Ngần ngừ tức là có rồi (cười)
(Cười)
Em muốn hỏi cái này từ góc độ nhà văn. Với nhà văn hoặc người làm nghệ thuật, khi mà mình muốn làm cái gì tử tế ấy, thì nhiều khi mình phải cực đoan lắm. Ông Faulkner có nói là “nghĩa vụ duy nhất của một nhà văn là nghĩa vụ với nghệ thuật; tất cả những thứ khác như danh dự, tự trọng, cuộc sống ổn định, hạnh phúc cá nhân, tất cả, đều tung hê hết, miễn là có thể viết. Nếu cần phải ăn cướp từ mẹ đẻ để hoàn thành cuốn sách, thì một nhà văn cũng làm, nếu như anh ta thực sự là một nhà văn”. Anh nghĩ đối với người làm toán hoặc người làm khoa học nói chung thì nghĩa vụ cao nhất là nghĩa vụ với cái gì hoặc với ai?
Anh nghĩ là toán thì nó không cực đoan như thế, nhưng để làm cái gì tử tế thì mình cần có sự nghiêm túc. Nghĩa vụ của người làm khoa học là làm khoa học, tất cả những cái khác là hệ quả, chứ không phải cái mình tìm đến. Bởi vì giá trị của khoa học nó thể hiện chính xác ở sản phẩm khoa học mình làm ra.
Có thể là toán khác, vì toán không có tính personal (cá nhân) nhiều…
Ừ, nó không personal, nó không quá quan tâm đến quan hệ xã hội như nghệ thuật hoặc văn học. Toán thực ra là quá trình giành giật chiến đấu với bản thân mình, nó không liên quan nhiều đến người khác, đến các quan hệ. Đấy, văn khổ là ai cũng tưởng mình hiểu, còn toán thì cứ yên tâm là người ta không hiểu (cười), đỡ lo lắng.
Thế thì với toán, cái lo lắng nhất là cái gì?
Toán học thì khó nhất chính là làm được lâu, tức là giữ được sự ham mê lâu. Hầu như đến 90% các nhà toán học khi già ấy mà, anh thì không nghĩ là vì họ già nên họ không làm được nữa đâu, mà là họ chán; khi thấy cuộc sống ổn định, đủ tiền tiêu, thì làm toán chỉ còn là một cái nghề, đến giờ thì đi dạy học, cũng làm nghiên cứu nọ kia nhưng nó không còn đam mê nữa
Anh có nghĩ là anh sẽ đến lúc đấy không? Lúc chán?
Bây giờ thì chưa chán. Anh nghĩ là để biết cách duy trì cái ham mê của mình cũng phải có nghệ thuật. Chính cái chuyện mà người ta muốn mình thành expert (chuyên gia) về một cái gì đấy là cái giết chết sự đam mê trong sáng của mình; cho nên mình phải chống trả quyết liệt cái chuyện đó. Cho nên là có khi mình phải đặt mình vào một tình trạng hơi kì cục, tức là tình trạng của người lúc nào cũng đang đi học.
Khi nói đến toán học, hoặc đến người như anh, người ta hay nói đến khái niệm trí thông minh và người ta cứ nói nó là bẩm sinh, có hoặc là không có chứ không luyện tập được. Anh có nghĩ thế không? Nếu có thể luyện tập được thì có thể luyện theo những cách nào?
Anh nghĩ là cũng phải có bẩm sinh, nhưng mà anh nghĩ cái bẩm sinh đó không phải hiếm như người ta nghĩ, rất nhiều người có cái bẩm sinh đó, nhưng mà cái quá trình rèn luyện trong làm việc mới đưa đến thành công.
Bây giờ em muốn hỏi anh một số câu hỏi ngắn, mà anh không được nghĩ, anh phải trả lời ngay… Hằng ngày anh dậy lúc mấy giờ?
7 giờ sáng.
Khi lên mạng anh làm gì?
Kiểm tra thư, đọc báo.
Món ăn mà anh thích... nhất? Hoặc một số món ăn.
Phở.
Thời gian trong ngày mà anh làm việc hiệu quả nhất?
Buổi sáng.
Mô tả một ngày bình thường của anh?
Sáng dậy ăn sáng, chuẩn bị cho các cháu đi học; đến khoảng 8 giờ rưỡi thì anh bắt đầu làm việc; đầu tiên là có email anh phải trả lời thì trả lời cho xong. Buổi sáng là lúc đầu óc sáng sủa nhất thì anh ngồi làm những thứ mà phải suy nghĩ nhiều nhất; ăn trưa xong đến chiều thì nếu có hẹn gặp người nào thì anh hẹn gặp nói chuyện buổi chiều. Đến cuối giờ làm việc thì anh trả lời nốt email anh phải trả lời; sau rồi chiều tối anh về nhà; cho trẻ con học, xong nếu còn đủ minh mẫn thì anh ngồi nghĩ tiếp hoặc anh đọc sách, rồi đi ngủ.
Anh có thường mơ trong lúc ngủ không?
Cũng hay mơ lung tung (cười).
Anh có đức tin tôn giáo nào không? Hoặc là cảm thấy anh gần với một tôn giáo nào đó?
Anh không tin cụ thể nhưng anh cũng thấy tôn giáo cũng thú vị. Anh đọc sách cả về đạo Phật và Thiên Chúa giáo; anh cũng chia sẻ một số suy nghĩ của họ nhưng bản thân anh không phải là con người tôn giáo theo nghĩa anh tin vào một cái gì đó; nhưng triết lý sống của họ có nhiều cái phải suy nghĩ.
Anh quan niệm thế nào là bất hạnh?
Bất hạnh nhất là không biết mình muốn cái gì.
Anh dễ tha thứ nhất cho tính xấu nào của con người?
Con người bình thường thì ai chả có nhiều tính xấu nhưng mà đối với anh thì chuyện đấy nó bình thường, anh không chỉ trích họ.
Phẩm chất hoặc tính cách mà anh đánh giá cao nhất ở một con người?
Không bao biện cho bản thân. Bao biện tức là có lúc mình xử sự sai, lẽ ra phải làm thế này thì mình làm khác; mình làm sai và sau đó mình luôn tìm cách viết lại lịch sử của bản thân. Trên blog Thích Học Toán, anh có viết về phim Rashomon, em đã xem phim đó chưa?
Em chưa.
Phim đó là một phim tuyệt hay.
Nhưng em nhớ anh có viết là đừng bao giờ viết lại lịch sử của bản thân để làm cho mình thấy tử tế hơn, để có thể sống với bản thân mình...
Đúng rồi.
Nhà văn, nhà thơ mà anh yêu thích?
Nhà thơ thì hồi xưa anh thích Quang Dũng. Nhà văn thì anh thích Thomas Mann với J.M. Coetzee.
Tài năng hoặc năng khiếu bẩm sinh mà anh muốn có nhất?
Có lẽ nếu có một điều ước thì anh muốn có năng khiếu âm nhạc.
Anh có chơi giỏi một môn thể thao nào không? Hoặc có quan tâm đến thể thao?
Càng ngày càng ít quan tâm. Ngày trước thì anh cũng thích bóng đá.
Mong muốn lớn nhất của anh bây giờ là gì?
Tìm lại nhịp sống bình thường để làm toán trở lại. Thời gian vừa rồi anh cũng nhiều việc, chuyển nhà rồi đi lại.
Câu hỏi này có lẽ hơi buồn cười. Triết lý sống hoặc khẩu hiệu sống của anh là gì?
Không để lại dấu vết.
Nhiều người bảo anh có nụ cười hiền. Anh có nghĩ “hiền” là từ chính xác để mô tả anh không?
Anh nghĩ là đúng... Em không nghĩ thế à?

Không, em nghĩ là đúng. Ngô Bảo Châu là một người hiền.

4-2010
------------------------
1 Blog Thích Học Toán của Ngô Bảo Châu: http://www.thichhoctoan.org
2 Trên blog Thích Học Toán, anh Châu thỉnh thoảng viết sai chính tả và anh thường đùa rằng tình hình chính tả của anh rất nan giải.

Nhà văn Phan Việt (1978) là tác giả hai tập truyện ngắn Phù Phiếm Truyện; Nước Mỹ, nước Mỹ, và tiểu thuyết Tiếng Người. Chị vừa hoàn thành chương trình tiến sỹ ngành công tác xã hội tại Đại học Chicago và sẽ trở thành giáo sư đại học (assistant professor) tại Mỹ từ tháng 7-2010.

----------

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...