Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Mạnh vì gạo, bạo vì tiền

Người ta nói, mạnh vì gạo bạo vì tiền, vậy cấm có sai. Có tiền nhiều, thật sự giàu có từ dầu hỏa, cái quốc gia có tên "Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất - UAE - là một nơi như thế. Tại đây thật là có tiền mua tiên cũng được. Giữa mênh mông đất cát sa mạc khô hạn, thế mà họ có thể trồng rất nhiều hồng để đua nở tới hàng chục triệu bông hoa tại đây cho người bản địa nhìn ngắm và đón chào du khách quốc tế tới tham quan...

Càng thấy, với một đất nước thì hãy đi theo tiêu chí "Làm nhiều hơn Nói". Quan trọng là đất nước phải làm sao cho dân, cho nước giàu có hùng mạnh lên chứ đừng chỉ nói với mớ lý thuyết xuông quá nhiều mà chả làm được gì cho nên hồn...

Vệ Nhi g-th 


-------

45 triệu bông hoa giữa sa mạc 

Giữa sa mạc khô cằn và rộng lớn của Dubai, vườn hoa Dubai Miracle Garden hiện lên như một thứ phép lạ, thu hút sự quan tâm của hàng nghìn du khách tới tham quan.

 
Dubai Miracle Garden được bình chọn là vườn hoa lớn nhất thế giới, với diện tích lên đến hơn 70.000 m2 và hội tụ 45 triệu bông hoa đủ màu sắc, chủng loại.


 
Vườn hoa này được nhiều du khách miêu tả là kỳ diệu đúng như tên gọi của nó - Miracle Garden, bởi nó được hình thành ngay giữa sa mạc khô cằn của Dubai.

 
Khu vườn bắt đầu mở cửa đón khách từ Valentine năm 2013, đến nay thu hút được hàng chục nghìn du khách ghé thăm nhờ sự độc đáo, choáng ngợp.

 
Nơi đây rất chú trọng tới các vị khách thuộc tầng lớp giàu có, do đó họ đưa ra khá nhiều dịch vụ sang trọng đi kèm.

 
Dubai đầu tư nhiều tiền bạc để xây dựng những bãi đỗ xe VIP, khu vực ngồi, phòng cầu nguyện, các khu nhà vệ sinh, cơ sở tắm gội, phòng an ninh, cấp cứu...

 
Tất cả dịch vụ đều rất hoàn hảo và nhận được nhiều lời khen từ du khách.

 
Những người từng tới đây cho biết, họ có cảm giác như lạc vào thế giới nghìn lẻ một đêm, với những tòa lâu đài kết bằng hoa tuyệt đẹp.

 
Khu vườn thường được mở cửa từ tháng 10 đến cuối tháng 5.

 
Những người phụ trách vườn hoa cho biết, thời điểm mùa hè khí hậu nơi đây khá oi bức, không phù hợp đón tiếp khách tham quan nên họ đóng cửa để tránh nóng.


 

Vườn hoa được tạo nên từ 45 giống hoa khác nhau trên thế giới và tọa lạc tại khu vực North West Quadrant của Arabian Ranches.
Anh Minh (theo Dubai Miracle Garden)

Nguồn: VnExxpress

Thứ Bảy, 20 tháng 6, 2015

Chỉ ra & chống lợi ích nhóm

 Chỉ ra &  chống lợi ích nhóm


Bài viết dưới đây gây xôn xao trong dư luận gần đây. Nhiều blog cá nhân, nhiều trang mạng xã hội đưa lại với nhiều nhận xét và lời bình. Đó là bài viết “Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” - cảnh báo nguy cơ mà tác giả của nó là một vị ủy viên trung ương Đảng, hiện là phó ban thường trực ban Tuyên giáo trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng.

Sau khi xuất hiện trên Tạp chí Cộng sản bài viết của ông Hoàng được nhiều tờ báo lề phải đăng lại nên dư luận lại dậy lên những đồn đoán về nhiều khía cạnh mà bài báo đề cập.

Dù đã chậm một nhịp nhưng chủ blog tôi vẫn đưa bài toàn văn lên đây để bạn bè chưa tìm được nguồn thì cùng đọc và suy ngẫm, chia sẻ.

Vệ Nhi    

-----



Nhận diện và ngăn chặn lợi ích nhóm

TS VŨ NGỌC HOÀNG (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương)

Kỳ 1: Đáng báo động! 


Ông Vũ Ngọc Hoàng, phó trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương.


"Mổ xẻ” về lợi ích nhóm để tìm kiếm giải pháp cho vấn đề lớn này, chúng tôi xin giới thiệu bài viết của TS Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, đăng trên báo Tuổi trẻ sáng 2.6.2015.

Hiện nay, lợi ích nhóm và hoạt động của nhóm lợi ích ở Việt Nam đã và đang diễn ra tại nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong các vị lãnh đạo cấp cao, người đầu tiên công khai và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với lợi ích nhóm ở nước ta là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ông đã phát biểu tại Hội nghị trung ương 3 (khóa XI) và sau ông, một vài vị lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo quyết liệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống lợi ích nhóm.

Lợi ích nhóm là gì?

Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ lợi ích chung chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, trước sau gì nhất định sẽ thất bại.


Ngược lại, lợi ích nhóm (theo nghĩa tiêu cực) mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. Lợi ích nhóm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các nhóm lợi ích. Đặc điểm của các nhóm lợi ích là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, nhóm lợi ích còn móc nối, "kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận luận theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích và xuyên tạc, vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. Lợi ích nhóm sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực cùng với tham vọng tiền bạc.
Lợi ích nhóm cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu” do hoạt động của nhóm lợi ích gây nên.
Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý các loại cấp giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành.
Đi sâu vào nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ việc mà dư luận có nhiều ý kiến thì sẽ có nhiều thông tin cụ thể về tình hình lợi ích nhóm ở Việt Nam. Tức là tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến, nghiêm trọng đến mức báo động.

Tác hại của lợi ích nhóm

Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích có tác hại gì?
Trước nhất là làm đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm, không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường "ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và loại trừ lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp.
Hầu hết các nước bị “bẫy” thu nhập trung bình kéo dài nhiều thập kỷ, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển, là do lợi ích nhóm - nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu. Với sự chi phối của các nhóm lợi ích, nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của quốc gia, mà nhằm hướng phục vụ lợi ích nhóm; việc bố trí đầu tư, sắp xếp dự án và kể cả ban hành chính sách, điều hành xử lý công việc cũng vậy.
Hậu quả thứ hai do nhóm lợi ích gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị nhóm lợi ích độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân văn thì nhóm lợi ích lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, tranh giành và chiếm giữ quyền lực, làm quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu XHCN (chân chính).
Lợi ích nhóm và nhóm lợi ích có từ rất sớm, ít nhất là từ buổi đầu của thời kỳ phong kiến; nhưng sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa thì nó phát triển và diễn biến phức tạp hơn, kể cả trình độ, quy mô và tính chất. Trong chủ nghĩa tư bản “hoang dã”, “mông muội”, các nhóm lợi ích hoạt động phổ biến, công khai, tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người.
Hậu quả thứ ba do nhóm lợi ích gây ra là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn (đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân mạnh nhất)? Việc phân hóa giàu – nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Hỏng văn hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn lường, thâm sâu và lan tỏa rộng trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Hậu quả thứ tư là làm lẫn lộn thật - giả, đúng - sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào được cuộc sống...; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và đối với nhà nước, tức làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí mất nước.
Hậu quả thứ năm là chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn chạy chức chạy quyền, “buôn quan”, buôn vua”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ” chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã hoặc bị nhóm lợi ích thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của dân, mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ đó nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.(còn tiếp)

Theo TS Vũ Ngọc Hoàng 

• Thượng tướng NGUYỄN VĂN RINH
(nguyên thứ trưởng Bộ Quốc phòng):
Lợi ích nhóm làm suy yếu kinh tế đất nước
Nói đến lợi ích nhóm gần như là nói đến những người cùng động cơ tham nhũng, biến của công thành của riêng, chứ không phải phục vụ cho đất nước, cho nhân dân. Trách nhiệm của Đảng và Nhà nước phải chi rõ các nhóm lợi ích tiêu cực, tham nhũng. Hoạt động của họ có thể rất tinh vi, thông qua vợ con, gia đình, họ hàng, những người đồng hành để chiếm đoạt.
Ở các nước, người ta có thể quản lý được thu nhập, tài sản cá nhân, trong khi ở ta rất khó kiểm soát vì chủ yếu chi tiêu bằng tiền mặt. Chính vì vậy, họ có thể dễ dàng đưa tiền tham nhũng vào đầu tư các lĩnh vực sân sau, hợp thức hóa tài sản bất hợp pháp. Tác hại của lợi ích nhóm rất lớn, làm suy yếu nền kinh tế đất nước. Muốn chống lợi ích nhóm phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng các giải pháp tăng tính công khai, minh bạch, tiếp tục đổi mới công tác cán bộ để thật sự chọn được cán bộ có tài, có đức.
V.V. Thành ghi
Chưa có nhiều nghiên cứu về lợi ích nhóm
Trong giới khoa học Việt Nam đã có một số nghiên cứu, chưa nhiều và mới ở dạng lý thuyết chung về lợi ích nhóm, chưa gắn với thực tế tình hình nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về vấn đề này gắn với quá trình phát triển của một số quốc gia. Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam về “ Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống lợi ích nhóm. Tình hình nhóm lợi ích ở Việt Nam đã đến mức độ nào? Đang và sẽ đi về đâu? Như chúng ta đã biết trước đây, trong lịch sử nhiều lần các triều đại phong kiến Việt Nam phải sụp đổ, kể cả có lúc phải chia cắt đất nước là do nhóm lợi ích gây nên. Ngày nay, tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về lợi ích nhóm ở Việt Nam, tuy nhiên qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người thì tình hình lợi ích nhóm đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch.         


Kỳ 2

Cuộc chiến trắng đen lẫn lộn chống lợi ích nhóm
         
TT - Chống lợi ích nhóm là công việc hết sức khó khăn, phức tạp vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó.

Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch và doanh nghiệp nhà nước của họ cũng ít hơn ta.






Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại có phần yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng.

Vì vậy đề phòng lợi ích nhóm ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả.

Không thể để nhóm lợi ích chi phối

Lợi ích nhóm là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ XHCN (lành mạnh).

Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại.

Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”.
Biến tướng của nhóm lợi ích
Suốt mấy trăm năm nay, qua quá trình cạnh tranh, qua đấu tranh xã hội, chịu sự tác động của các quy luật khách quan về kinh tế và xã hội, CNTB buộc phải liên tục điều chỉnh, nhờ vậy mà tiến bộ dần. Ngày nay CNTB hiện đại đã có những tiến bộ rất đáng ghi nhận; họ đã tạo ra nhiều thành tựu và một số nước phát triển cao, tính chất xã hội hóa cao hơn, đang dần dần từng bước tạo ra các nhân tố mới của xã hội tương lai (XHCN).
Đồng thời với quá trình tiến hóa tự nhiên ấy, trong thực tiễn thế giới tư bản còn xuất hiện một khuynh hướng khác, một khuynh hướng không lành mạnh, không bình thường, một khuynh hướng tha hóa, đó là CNTB thân hữu, một loại hình nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia.
Nước nào rơi vào CNTB thân hữu thì không ngóc đầu lên được. CNTB thân hữu thực chất là sự bành trướng, biến dạng, biến tướng, sự thoái hóa cao độ của nhóm lợi ích gây ra. Đây là một loại hình rất lạc hậu, khác xa so với CNTB hiện đại (CNTB hiện đại có nhiều mặt tiến bộ mà chúng ta cần nghiên cứu để học tập kinh nghiệm của họ) và tất nhiên là càng xa lạ với CNXH văn minh.
Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của nhóm lợi ích, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường XHCN chân chính nữa, mà sẽ là nơi phát triển chủ nghĩa tư bản (CNTB) thân hữu, mong muốn của hàng triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu và hi sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được.

Lúc này, hơn lúc nào hết cần phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ Đảng, không để Đảng bị nhóm lợi ích và CNTB thân hữu thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.

CNTB thân hữu còn có các cách gọi khác nhau, là “CNTB lợi ích”, “CNTB bè phái”, “CNTB bè cánh”, “CNTB lũng đoạn”... CNTB thân hữu không phải là một giai đoạn của CNTB, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của CNTB.

Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình.

Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào quan chức để từ đó dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch.

Đặc trưng của CNTB thân hữu là có sự câu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị.

Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì không có hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn nhưng tai hại hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án, các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng...
Họ thu lợi thông qua các công ty “sân sau”, công ty của “gia đình”, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) CNTB “man rợ”, CNTB “dã man”, chứ không phải CNTB văn minh.

Giải pháp chống lợi ích nhóm

CNTB thân hữu không chỉ có trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hóa) mà còn có trong các xã hội khác, ở các nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó lợi ích nhóm, nhóm lợi ích, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém).

Thực tiễn thế giới cho thấy CNTB thân hữu kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương đường lối; gây nên các khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để lại hậu quả lâu dài.

CNTB thân hữu xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: lợi ích nhóm tiêu cực, các dạng mafia, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa và không có cơ chế tốt để dân làm chủ, để nhân dân có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm.
Ở đâu và khi nào mà nhóm lợi ích không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa thì ở đó tất yếu sẽ kéo theo CNTB thân hữu xuất hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay không.

Lâu nay Đảng ta đã nhiều lần lưu ý nguy cơ chệch hướng. Nếu chệch hướng thì sẽ chệch đi đâu? Chắc không thể trở lại chế độ phong kiến, vì trình độ phát triển đã vượt qua.

Cũng không thể chệch sang CNTB phát triển văn minh, vì trình độ phát triển của nước ta chưa đạt đến và nếu vậy thì có ý kiến cho rằng cũng không đáng sợ, bởi chúng ta sẽ gần hơn với CNXH.

Khả năng lớn nhất, hiện hữu và cũng đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là chệch hướng sang CNTB thân hữu, con đường nguy hại cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng nguy hại cho chế độ chính trị xã hội.
Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận; Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống lợi ích nhóm, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách.

Tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống lợi ích nhóm, sử dụng tất cả biện pháp có thể; khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, bằng quyền lực của nhân dân và bằng công luận); cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính.
Chúng ta cần đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống lợi ích nhóm.

TS VŨ NGỌC HOÀNG (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương)



-----
 Xem nguyên văn đăng trên Tạp chí Cộng sản:
http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2015/33662/Loi-ich-nhom-va-Chu-nghia-tu-ban-than-huu-canh.aspx

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2015

Tài sản riêng

Tài sản riêng


Lâu nay không gặp Hồ Anh Thái vì anh đang thực hiện một chuyến công cán ngoại giao hạn định 3 năm ở một nước Tây Á. Thỉnh thoảng, từ bên đó Hồ Anh Thái vẫn gửi cho mình những bài viết hoặc truyện ngắn nào anh thấy ưng ý...

Gần đây đọc thấy bài viết dưới đây của anh đăng trên trang báo điện tử "Người đại biểu nhân dân" chứ không phải Hồ Anh Thái thường vẫn gửi email cho mình đọc.

Đây là bài viết có cách đặt vấn đề rất độc đáo. Hóa ra lâu nay rất nhiều người, nhất là người thành danh, cứ đi tiêu pha phung phí một thứ tài sản chỉ mình có mà "không biết tiếc", sao dại đến như vậy hỡi con người ?! Đúng là nhà văn Hồ Anh Thái  đã có những phân tích và luận giải về thứ "Tài Sản Riêng" mà anh nói tới kia một cách rất tinh tường và sâu sắc.

Xin phép tác giả đưa lên trang Blog này để thêm người cùng đọc.

Vệ Nhi

----


Tài Sản Riêng

HỒ ANH THÁI 


Những người có danh, nhưng công việc mang tính đơn lẻ cá nhân như nhà văn, họa sĩ hay nhà khoa học, thì có danh cũng để đấy, danh có thể gác sang một bên, để mà được sống đời cá thể tự do sáng tạo. Người như vậy không cần được nhận ra giữa đám đông. Tiêu chí danh tiếng của họ không phải ở chỗ được quen mặt và dễ nhận ra. Họ có thể đi mua hàng mà không bị phiền phức vì đám đông xúm lại, cũng không cần tận dụng ưu thế quen mặt để xin xỏ anh cảnh sát một khi vi phạm quy định giao thông, vì mắt kém chẳng hạn. Người ta không cần bán cái danh hoặc bán sự thoải mái cá nhân để mua lấy một sự ưu đãi cảm thông giá rẻ.



Nghệ sỹ vẫn thường được người đời cảm thông vì cái tính nông nổi. Không phải tất cả, nhưng nhiều người như vậy. Họ có thể sâu sắc trên sân khấu, trên màn ảnh, trong trang sách, nhưng hời hợt trong đời riêng. Thông cảm. Họ có thể chín chắn trong tác phẩm nhưng nhẹ dạ trong đời riêng. Thông cảm. Họ có thể nghiêm khắc khó tính trong lao động nghệ thuật, nhưng dễ dãi trong đời riêng. Thông cảm. Họ có thể sắc sảo duy lý trong sản phẩm nghệ thuật, nhưng rất bản năng nông nổi trong đời riêng. Thông cảm.

Luôn luôn người ta được nghe những kiểu bộc bạch trên phương tiện thông tin đại chúng theo kiểu chồng tôi và tôi yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi bay trở ra Hà Nội thì một ngày sau anh ấy cũng từ Sài Gòn bay ra theo, anh ấy tìm đến đúng lúc chúng tôi đang diễn tập vở mới, và chính lúc ấy chúng tôi hiểu rằng mình đã thuộc về nhau mãi mãi. Một nhà thơ danh tiếng thì báo chí nào cũng kể chuyện mình lấy vợ ra làm sao, gia đình vợ thuộc loại danh gia vọng tộc nên cô con gái cành vàng lá ngọc không hề muốn bị đưa lên báo chí như thế này, nhưng dù sao nhà văn vẫn cứ kể. Đám cưới thì tưng bừng Hà Nội, thành truyền thuyết rôm rả trên khắp hệ thống thông tin đại chúng.

Thấy những tưng bừng rộn rã kiểu ấy, thú thật tôi có chút ái ngại cho đương sự. Họ đang ồn ào bắc một cái thang để trèo lên, nhưng không nghĩ rằng có lúc phải xuống thang. Phô diễn tình yêu tuyệt vời hôm nay, không nghĩ rằng nhỡ đâu ngày mai tan đám, biết ăn biết nói với công chúng ra sao. Có hợp thì có tan, và ngược lại. Người phù phiếm thì chẳng có gì phải ngại phải lo. Ngày mai tan thì lại tận dụng báo chí làm một cuộc rầm rộ mới, lợi cả đôi đường. Nhưng đây ta nói chuyện giữa những người có tâm có trí với nhau. Như anh bạn nhà thơ kia, giờ đây mọi thứ không còn là ban đầu nữa, đời sống gia đình mòn mỏi, cô lá ngọc cành vàng kia giờ héo úa, cả ngày cô không có gì để nói với chồng dù chỉ một câu. Bây giờ là lúc xuống thang, nhưng anh giấu, anh không còn dám mượn báo chí để phát tán truyền thuyết.




Không phải ai cũng vậy. Nhiều người sau đấy có được một đời sống riêng có thể nói là yên ổn và ấm áp. Nhưng ngay cả viên mãn như vậy thì đời sống riêng không phải là cái để đem khoe. Đời sống riêng là một thứ tài sản, của riêng ta. Nó cần phải hơi ích kỷ một chút. Không chia sẻ theo kiểu bao la hào phóng rộng rãi được. Nó dị ứng với tất cả những gì theo kiểu chia phần một miếng giữa làng với công chúng, nó không chịu được sự can thiệp từ bên ngoài của công chúng, không chịu được sự nhòm ngó theo kiểu tìm chuyện để mua vui. Người khôn ngoan homo sapiens tìm thấy niềm vui trong việc gìn giữ bảo quản một đời sống riêng. Ta có thể trong ánh hào quang của sân khấu cuộc đời, khi ấy ta thuộc về đám đông, nhưng khi đèn tắt, ta về với tổ ấm của ta, ở đấy không ai bên ngoài được phép thọc cái mũi tò mò vào. Có một anh bạn rạch ròi được theo cách này. Anh không bao giờ để cho vợ con đến cơ quan anh. Cũng không để cho người cơ quan đến nhà mình. Mọi việc hầu như đều có thể thu xếp được mà không bị lẫn lộn nhập nhằng bên này với bên kia. Vợ con như vậy khó có điều kiện can thiệp vào chuyện ở cơ quan. Người cơ quan thì mọi việc có thể giải quyết ở cơ quan, thân tình hơn tí nữa thì ngoài giờ làm việc ngồi quán bia quán cà phê. San sẻ cảm thông gì gì thì cũng chỉ ở mức ấy.

Những người có danh, nhưng công việc mang tính đơn lẻ cá nhân như nhà văn, họa sĩ hay nhà khoa học, thì có danh cũng để đấy, danh có thể gác sang một bên, để mà được sống đời cá thể tự do sáng tạo. Người như vậy không cần được nhận ra giữa đám đông. Tiêu chí danh tiếng của họ không phải ở chỗ được quen mặt và dễ nhận ra. Họ có thể đi mua hàng mà không bị phiền phức vì đám đông xúm lại, cũng không cần tận dụng ưu thế quen mặt để xin xỏ anh cảnh sát một khi vi phạm quy định giao thông, vì mắt kém chẳng hạn. Người ta không cần bán cái danh hoặc bán sự thoải mái cá nhân để mua lấy một sự ưu đãi cảm thông giá rẻ.

Người có danh mà không bị nhận ra nơi công cộng còn được hưởng một cái thú. Khi ấy anh ta được thực hiện vai trò chúa tể trong nghệ thuật, được quan sát thế giới người, một vai trò nhìn thấy tất cả biết hết tất cả. Ta đang quan sát mọi người, đang nghe họ giãi bày, họ đang dần dần bộc lộ trước mắt ta, ta biết họ là ai, nhưng rất thú vị ở chỗ họ lại không biết ta là ai. Những người có danh, danh lại lớn hơn cả tài năng thực, thì nhiều người biết họ là ai, nhưng bản thân họ lại không biết người khác, không biết cuộc đời.

Bản tính con người là thích khoe khoang. Phần lớn con người. Nghệ sĩ càng thích khoe khoang. Lại thêm cái nghề rất cần tiếp thị, rất cần có thêm khách hàng và người mến mộ. Họ ngấm ngầm hãnh diện khi thấy chỉ một cái hắt hơi của mình cũng là tiếng sấm trong dư luận và trên phương tiện thông tin đại chúng. Họ thú vị cảm thấy mình đang áp đảo đang điều khiển được đám đông. Đấy là một sự nhầm lẫn và ngộ nhận, giống như đời sống vốn nhiều nhầm lẫn và ngộ nhận. Nhiều người đã thành nạn nhân của tính phô trương lúc khởi đầu và tai tiếng lúc chung cuộc.

Ở trên đã nói khoe khoang là bản tính con người. Nhưng người không có danh thì chỉ khoe khoang được với hàng xóm láng giềng, với người thân, không tận dụng được báo chí đại chúng. Họ leo thang ít người biết, xuống thang cũng ít ai hay.

Còn cô đạo diễn nọ, đại chúng hóa tình yêu sét đánh và chuyện người yêu diễn viên từ Sài Gòn theo ra, rốt cuộc sau dăm ba năm lại thành nạn nhân của công chúng. Báo chí ồn ào cả lên về vụ đánh ghen của cô với chồng và bồ của chồng, phá khóa vào nhà bắt quả tang anh ả ở trong ấy, càng khẳng định bất chính khi anh ả đang ngồi uống nước chứ không nằm, trên người quần áo đầy đủ chứ không thiếu mảnh nào.

Họ không hiểu được rằng đời sống riêng chính là tài sản riêng. Là báu vật. Chỉ người trong nhà với nhau mới có thể được dùng chung thứ tài sản này. Chỉ trong một phạm vi hẹp mới được quyền chia sẻ. Trân trọng gìn giữ thứ tài sản riêng ấy cũng đem lại cho người ta một niềm hạnh phúc, đích thực.




  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...