Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

Chuyện Vàng



Chuyện Vàng

Vàng là quý, hiếm nên chuyện liên quan nó là có sức thu hút. Thị trường Vàng và những chuyện mắc mớ về Vàng ở ta gần đây rộ lên trên nhiều tờ báo. Một trong đó là tờ Thanh Niên có uy tín về tin tức và các nhân định thì không ngờ chỉ vì muốn chứng minh việc làm của Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể gây nên một sự thiệt hại kinh tế nói chung và là nguyên nhân đẩy giá vàng lên, gây chênh lệch quá đáng với giá vàng thế giới… đã khiến cho tờ báo đó bị dọa nạt điều tra, cứ như đã mắc vào tội hình sự...

Hãy cứ bình tĩnh nào. Quyền lực nhà nước dù nắm trong tay thì cũng phải có lẽ phải, có lý thì dân mới nghe mới phục. Chứ đâu phải lớn tiếng áp đặt rồi lấy quyền áp chế bịt miệng là xuôi, là được việc được sao!?

Và báo chí truyền thông cũng thế. Điều nghĩ thấy đúng thì phải thẳng thắn nêu lên. Trong trường hợp nói không đúng, nêu không trúng, thì phải cải chính nói lại. Mức cao nữa là xin lỗi bạn đọc. Chứ không phải báo viết chưa đúng, sai sót gì đó là tức khắc  cơ quan nhà nước đưa hình luật ra đe nẹt dọa nạt. Cách xử thế đó phải nói là xưa rồi, dân trí mà tiến lên được thì phải gạt bỏ nó đi!

Cuối cùng thì hãy để cho thời gian làm trọng tài. Thước đo chân lý thường là có thời gian làm chứng là cách tốt nhất. Hạn cuối tháng 6 này mà giá vàng ổn định, kinh tế tài chính tiền bạc tín dụng…, tất thảy trôi chảy cải thiện thì Ngân hàng đúng. Còn không thì lúc đó Ngân hàng chớ có chối bỏ trách nhiệm trước dân, trước công luận đấy! Đơn giản thế thôi.

Liên quan chuyện này, trong ngày nghỉ dài này  mình nhận được bài viết của Tiến sĩ Tô Văn Trường viết về chuyện Vàng. Định qua hết đợt nghỉ lễ mới đưa lên, nhưng vài anh bạn mình ngồi cà phê với nhau sáng nay thì lại bảo bài viết hay và công phu thế, nên đưa ngay để bạn bè cùng biết và chia sẻ…

Vệ Nhi


------ 

 QUẢN LÝ VÀNG - THẤT BẠI ĐƯỢC BÁO TRƯỚC!


Tác giả: Tô Văn Trường


 Nhớ ngày nào có một câu thơ đã trở thành ca dao, thành một khẩu hiệu thôi thúc chúng ta rầm rập đi trên con đường làm ăn tập thể để mong sớm được đổi đời:

" Cầm vàng còn sợ vàng rơi.
Vào Hợp tác xã đời đời ấm no!"





 Và vì thế nên khi ấy chẳng ai trong chúng ta dám nghi rằng sẽ có một ngày mà các cửa hàng kinh doanh vàng mọc ra như nấm, sẽ đến một ngày mà suốt ngày đài báo nói đến vàng, cả nước lên cơn sốt vì vàng, Tôi cũng vậy, làm cái nghề chẳng liên quan đến vàng, mà rồi cũng không thể không lo lắng, không thể không nói đến vàng.


Vai trò của vàng

            Vàng và đô-la  là hàng hóa, lại là loại hàng hóa đặc biệt, không phải chỉ vì nó là ngoại tệ có giá và vật cất trữ không giảm chất lượng, mà còn vì  nó là hàng hóa thông dụng nhất, muốn bán lúc nào cũng được, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà cả quốc tế. Khách hàng của nó không phân biệt hạng người, nghề nghiệp. Hễ ai  có yêu cầu là họ mua, thậm chí không có yêu cầu mà ai bán rẻ cũng mua hoặc “mua dùm". Người có vàng, bất cứ lúc nào cũng là vật phòng thân tốt nhất, hơn cả đô-la. Từ hàng trăm năm nay, chưa ai thủ tiêu được hai loại hàng hóa nầy, riêng vàng là hàng ngàn năm.

          Bản chất của vàng và đô la tăng giá là do nền sản xuất và nền tài chính quốc gia mất cân đối từ vĩ mô đến vi mô mới trầm trọng. Còn mất cân đối nhất thời thì là lẽ thường tình, nước nào mà chả có. Từ khi ta đổi mới đến nay, vàng và đô la luôn tăng giá, lúc tiệm tiến, lúc ào ạt, nhưng kìm được trong khung trượt giá của rổ hàng hóa nói chung nên đất nước không khủng hoảng (cả kinh tế+chính trị). Vì sản xuất không lời thì chỉ có mua vàng là bảo toàn vốn. Xúm nhau mua vàng thì vàng lên giá, phải nhập (cho dù nhập lậu) thì giá đôla sẽ lên. Trên thế giới vì dân cho rằng lạm phát sẽ là vấn đề nên họ đẩy tiền mua vàng khiến giá vàng nhảy vọt (chính vì đánh giá sai lầm nên người ta bắt đầu bỏ vàng chuyển vào chứng khoán do đó mà giá vàng đang trên đà xuống và sẽ còn tiếp tục xuống).  Ở Việt Nam lại thêm nạn lạm phát càng khiến dân  chạy đuổi mua vàng là bảo toàn vốn. Thế nhưng giá vàng VN cao hơn giá vàng thế giới có lý do đặc biệt sẽ giải thích sau.




Người bạn đồng nghiệp (AITAA)  đã trải qua thời bao cấp nhớ lại để thả nổi được vàng miếng chúng ta đã phải qua rất nhiều năm tranh đấu. Đó là một vấn đề quan trọng trong việc đi tới thị trường tự do. Nay người ta mượn cớ kinh tế khó khăn để độc quyền vàng miếng là định lấy trí khôn của một người thay cho trí khôn tương tác của cả triệu người. Nghĩa là trong quản lý vàng chúng ta đang quay lại thời bao cấp. Muốn dân không giữ vàng nữa thì đơn giản thôi, chỉ cần lạm phát 10 năm liền dưới 3% là đến năm thứ 11 dân sẽ bán sạch vàng miếng. Các biện pháp hành chính chui vào thì dễ, chui ra mới khó. Mọi người cả lề phải lẫn lề trái hay chửi mắng "giá lương tiền" năm 1985 nhưng không hiểu đó là cái giá phải trả để chui ra khỏi bao cấp. Nay nếu ta tiếp tục kiểm soát vàng, điện, xăng, than, thì một ngày đẹp trời sẽ có một cuộc cân bằng giá mới khốc liệt không kém gì thời 1985-1986 để quay lại thị trường tự do.

Về ngoại hối
Tỷ giá hối đoái được thả nổi dần từ sau năm 2000 đến 2006 là tương đối tự do. Đến 2007-2008 do lạm phát mà VND mất giá, thâm hụt thương mại là cái ngòi pháo, còn lạm phát VND mới là khối thuốc pháo. Từ 2009 đến nay kiểm soát tỷ giá ngày càng đi xa kinh tế thị trường. Đến 2011 việc ép lãi suất USD xuống 2% đã làm một khối lượng khổng lồ USD được bán ra từ dân sang ngân hàng nhà nước. Cộng với kiều hối tranh thủ về để hưởng chênh lệch lãi suất nên VND đã giữ ổn định so với USD, trong điều kiện VND vẫn tiếp tục lạm phát cao. Điều đó khiến cho VND lên giá tương đối so với USD và hậu quả là nhìn quanh ta cái gì cũng đắt hơn ở nước ngoài. Doanh nghiệp nào càng chế biến sâu ở VN càng chết, chỉ gia công chừng 30% đổ lại còn cạnh tranh được vì 70% giá thành ăn theo nước ngoài.

 Dân đã bán ra rất nhiều đô la dự trữ và kiều hối về năm nào đổi sạch thành VND. Dự trữ ngoại hối phải nhìn toàn cục như là dự trữ của dân + dự trữ của ngân hàng  nhà nước.  Dự trữ của dân có độ linh động cao hơn và không bị bóp méo vì quan hệ. Trong hai đợt tăng giá USD gần đây, lượng ngoại tệ của dân bán ra đã không đủ để dập tắt cơn tăng giá (nay ở ngoài vẫn là 21.300 đồng/1 đô la trong khi ngân hàng 21.090 đồng) chứng tỏ ngoại tệ của dân đã mỏng đi và không loại trừ tổng dự trữ đã giảm mặc dù dự trữ của Ngân hàng nhà nước tăng lên.

            Có ý kiến không hiểu sao mà Thái Lan và Lào có đồng nội tệ ổn định hơn ta, dân họ có đời sống vật chất và tinh thần khá yên ổn vậy?. Hàng chục năm rồi, hai tấm gương ấy có sức thuyết phục hơn hàng trăm lý sự cùn!. Đơn giản hãy nhìn sang Lào, đồng Kip gần như thả nổi mà từ 2005 đến giờ tăng giá thật sự, từ 10.500 Kip/đô la nay đã 7.500 Kip/đô la. Hay như Thái Lan, đồng Baht hoàn toàn thả nổi từ 1997 đến nay đã về gần với giá trị trước khủng hoảng: 29Baht/USD so với 25Baht trước khủng hoảng và 53Baht/USD sau khủng hoảng.


Vai trò trách nhiệm của ngân hàng nhà nước 

Ngân hàng nhà nước muốn kiểm soát được tiền tệ nên muốn kiểm soát đươc xuất nhập vàng tiền tệ (không phải vàng nữ trang).  Trong thời gian dài cho đến tận hôm nay, họ cho phép ngân hàng thương mại nhận ký gửi vàng, giống như đôla, với lãi suất thấp, và trả lại bằng vàng. Đây là chính sách sai lầm vì nó khuyến khích dùng vàng thay tiền.  Vì lãi suất ký gửi vàng  thấp so với lãi suất tiền đồng, các ngân hàng bán vàng đổi ra tiền để cho vay với lãi suất cao.  Trong thời gian vàng lên giá thì đây là nguồn tài chính cho vay lãi rất hời của ngân hàng thương mại, họ làm giầu rất ngon lành.  Khi lãi suất tăng thì nợ xấu cũng tăng và các ngân hàng mất khả năng chi trả, nhất là chi trả vàng ký gửi.
Ngân hàng nhà nước tuyên bố không cho phép nhận ký gửi vàng nữa và phải thực hiện vào tháng 6 năm nay. Các ngân hàng thương mại  phải cần vàng để trả lại cho khách hàng và phải mua vàng.  Nhu cầu cao,  do đó vàng trong nước lên giá so với vàng nước ngoài. Ngân hàng nhà nước ra lệnh tạm nhập tái xuất. Có nghĩa là bỏ tiền mua vàng vào để tăng cung với mục đích làm giảm gía vàng trong nước.

Khi thực hiện biện pháp nêu  trên dẫn đến một số sai lầm (1) Tại sao lại tuyên bố cân bằng giá nước ngoài và giá trong nước?  Đây không phải là nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước. Đáng lẽ họ chỉ cần làm sao có đủ vàng cho ngân hàng thương mại trả lại vàng cho dân. (ii)   Nếu phải nhập vàng, tại sao Ngân hàng nhà nước lại giao cho một số ngân hàng thương mại làm mà không tự làm? Tất nhiên nhập với giá thấp để bán với giá cao là lời. Cái này rất thiếu minh bạch do đó, dễ tạo ra nhóm lợi ích là điều dễ hiểu.


Cần công khai minh bạch
  Điều khó hiểu là số vàng cần để các ngân hàng  thương mại đủ trả cho khách hàng là bao nhiêu? Có nguồn tin cho rằng tổng số vàng cần ở thành phố  Hồ Chí Minh là 50 tấn, trong đó 25 tấn ký gửi có lãi và 25 tấn ký gửi giữ hộ. Cả nước cần bao nhiêu thì không rõ, chỉ được biết ngân hàng nhà nước đã bán ra 12 tấn vàng. Trước đây, Việt Nam nhập khoảng 30-40 tấn vàng  mỗi năm. Mỗi tấn là 60 triệu đô thì tốn khoảng 1, 8 đến 2.4 tỷ đô la. Theo World Council of Gold thì được biết năm 2011 Việt Nam  nhập 77 tấn (66 tấn là vàng khối) và 2012 là 100 tấn (88 tấn là vàng khối), đây là số ròng trừ đi số mua đi, bán lại. Như vậy,  có thể sai số nhưng đây là số nhập vì Việt Nam  hầu như không sản xuất vàng. Nếu trừ đi số nhập chính thức qua Hải quan thì sẽ ra số nhập lậu. Như vậy nếu 40 tấn là số nhập chính thức thì có dến 40-60 tấn năm 2011-2012 là nhập lậu! Vì không rõ ràng minh bạch nên chính vấn đề vàng đã tạo thêm trò đầu cơ  đánh bạc!

Rõ ràng là nếu cho nhập khẩu đủ thì giá vàng trong ngoài sẽ cân bằng và người nắm vàng trong nước sẽ chết rục. Ngân hàng nhà nước hoàn toàn có thể diệt được đám đầu cơ và thực hiện được việc cấm nhận ký gửi vàng. Vấn đề là tại sao họ để gây ra tình trạng trên thì chỉ có ngân hàng nhà nước mới trả lời được “ẩn khúc” nói trên.  


Một số vấn đề cần lưu ý

          Vàng là bảo đảm giá trị cho tiền và phản ánh chân thực  nhất qui luật giá trị, sức khỏe nền kinh tế cũng như năng lực can thiệp của các chính sách trong điều kiện bình thường. Ngoại lệ là trong những trường hợp chính trị hóa nền kinh tế hay xung đột vũ trang. (Ví dụ đồng tiền cụ Hồ trong thời chiến chỉ bảo đảm bằng "uy tín", vàng chỉ còn là trang sức, mà vẫn ổn). Nhưng khi qui luật thị trường được vận hành tự do, vàng trở về đúng vị trí của nó thì các nhóm lợi ích nắm lấy, chính phủ không có chính sách tiền tệ ổn định, hệ thống ngân hàng lành & mạnh thì bị nó thao túng.

Ngày nay, niềm tin vào "uy tín" như xưa không còn, hệ thống tài chính, ngân hàng không minh bạch nên yếu kém, dân & nhà đầu tư mất lòng tin vào VND, đành phải tìm đến vàng/USD  để giữ "túi" của mình. Người dân "thế thủ", cất trữ là chính. Chính sách nới ra một tý, hay nhà đầu tư khát vốn, thì họ "lướt sóng" kiếm chút lãi rồi lại thu về cho chắc ăn. Các doanh nghiệp nhà nước thì liên thông với Tài chính/Ngân hàng để khai thác quyền lực của các ngành này lấy vốn, hoãn nợ, giảm lãi suất để bù lỗ hoặc tránh phá sản. Nhiều đơn vị thành công vì hết nhiệm kỳ là xong !. Lẽ ra , nhà cầm quyền đứng giữa các nhóm lợi ích phải có chiến lược dài hạn, có thái độ nhất quán điều chỉnh các mối quan hệ thì chỉ chăm chăm bảo vệ doanh nghiệp nhà nước èo ọt, nhưng cùng Nhóm mình, thả nổi cho người dân bơi trong dòng vàng trôi nổi. Quốc hội kêu quá thì Ngân hàng thay đổi vải qui định để "chữa cháy", nên không thể nào ổn định được, thị trường vàng vẫn nằm trong tay các giới có máu mặt.       
Không biết các nhà hoạch định chính sách có thấy được tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là hết sức khó khăn hay họ tin vào các số liệu của Tổng cục thống kê?  Tháng 4 năm nay,  chỉ số công nghiệp tăng lên chút it (5%) và chắc chắn các số liệu kiểu này tháng sau sẽ cao hơn tháng trước bất chấp thực tế nó diễn ra thế nào và chắc chắn GDP của cả năm nếu không đạt 5,5% thì  cũng là 5,46 (làm tròn sẽ là 5). Điều này,  diễn ra thành thói quen lặp đi , lặp lại nhiều năm trong công tác thống kê.  Trước đây, tôi đã viết bài  nói về những bất cập “Đằng sau các con số thống kê” .  Đến nay,  những người am hiểu muốn nói và có thể nói,  hầu hết đều đã và sẽ không muốn nói nữa (người thì sợ phiền toái,  người thì chán cảnh “đàn gẩy tai trâu”). Phải chăng nút thắt của nền kinh tế là vàng mà ngân hàng nhà nước nước hầu như chỉ tập chung lo chuyên bán vàng? Những ai tham gia đấu thầu vàng? Làm gì có dân nào tham gia vào ba cái vụ này, vì chẳng liên quan gì đến việc gỡ khó cho doanh nghiệp và giúp nền kinh tế. Việc hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp tiếp cận được vốn là đúng nhưng vì sao vốn vẫn ứ đọng? Quan trọng hơn cả chính là thể chế, tình trạng tham nhũng, buôn lậu và thủ tục hành chính, càng nhiều chính sách càng tham nhũng mà chống  tham nhũng dường như là nhiệm vụ bất khả thi. Chống tham nhũng không thể  chỉ bằng  Nghị quyết 4 của Trung ương. Nhớ lại Na-pô-lê-ông khi làm chủ cả lục địa mà không cấm vận nổi nước Anh, buộc phải đấm bàn mà thét lên rằng: "Làm hoàng đế châu Âu dễ hơn chống buôn lậu".  

Điều đáng buồn là xu thế quản lý kinh tế vĩ mô theo tư duy “kinh tế kế hoạch”, tập trung, qui về một đầu mối đang thắng thế trở lại! Quan điểm  như “bình ổn giá vàng”, kéo giá vàng về sát giá thị trường, làm thương hiệu quốc gia hùng mạnh, nghe qua tưởng luôn đúng như nghĩ lại thấy không thể hoặc rất khó có thể làm được !!! Thất bại là tất yếu, có thể nhìn thấy trước! Chẳng lẽ, nhà nước rồi sẽ cho phép qui về 1 loại thương hiệu xi măng giao cho Bộ Xây dựng, một thương hiệu gạo giao cho Bộ Nông nghiệp & PTNT, các mặt hàng quan trọng đều giao về cho các Bộ quản lý ?. Không thể lấy lý do chống lạm phát, bình ổn giá vàng, làm thương hiệu quốc gia, kéo giá vàng về sát giá vàng thế giới, để rồi qui về một mối SJC !!!

Thay cho lời kết
            Chúng ta đã trải qua thời kỳ “kinh tế kế hoạch”, kinh tế chỉ huy quá lâu, tư duy của một thời bao cấp đã ăn quá sâu vào “máu huyết” của mỗi con người, tới mức khi thoát ra được nó một chút thì cảm thấy luyến tiếc, cảm thấy mất mát, cảm thấy thiếu đi một sự che chở, bảo bọc bờỉ một chính sách có lợi cho bản thân , cho nhóm lợi ích của mình !!!


Sẽ không quá đáng nếu nói rằng với cách điều hành quản lý vàng như hiện nay thì sẽ chỉ làm dễ cho  những kẻ “đục nước, béo cò” và gây khó cho hàng triệu người dân đang muốn yên ổn làm ăn. Có vẻ như chính sách vàng như vậy đã thất bại, chỉ có nhóm lợi ích là thắng lợi mà thôi! 


       TVT
                                               

Chủ Nhật, 28 tháng 4, 2013

Luận về 2 ông Nam Hàn "làm to"

Luận về 2 ông Nam Hàn "làm to"




Làm to ở đây là "to" nhất thế giới. Người đầu tiên là quan chức cấp cao số 1 thế giới, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon; và người thứ hai đứng đầu Ngân hàng thế giới (World Bank) có tên Jim Yong Kim. 

Quan sát tại chỗ khi dự buổi thuyết trình của hai ông quan "ngoại cỡ quốc gia" này đều là người Hàn, cây bút Hiệu Minh (HM) đã khéo phóng chiếu cái nền tảng tạo nên hai con người - mà sự tài giỏi được thế giới công nhận qua bầu bán hẳn hoi - thì một là xuất phát công dân Hàn Quốc và hai là sự giáo dục từ đất Mỹ cộng hưởng vào khiến họ thành công. Trong khi cũng "người đồng hương" gốc Hàn, bán đảo Cao Ly như Bắc Triều Tiên kia thì đầy kho bom đạn và vũ khí nguyên tử cũng có nhưng chẳng một ai được thế giới biết đến, thêm nữa dân còn đói khổ...

Tác giả đảo qua lướt qua thế thôi, rất ít dòng mà khái quát hết cả số phận thân thế người Hàn. Nếu để ý HM bao giờ cũng thế, anh viết hay xen những ý dí dỏm nhưng đều sâu sắc (cả sâu cay nữa), chẳng hạn phần cuối bài, tác giả lồng khéo vào khi liên hệ hai ông công dân Hàn Quốc này với người Việt Nam mình.  

Ở đây bảo là HM mong ước cũng đúng, nhưng bảo là tác giả đá xéo cái vào "gôn" ngành giáo dục, "điểm mặt" công việc đào tạo con người, cách dùng cách cất nhắc người tài ở nước mình... nó còn nhiều bất cập... thì cũng không phải là nhận xét lạc đề.
   Người ta sẽ thấy cay cay xống mũi khi đọc câu này HM viết: "Chúng ta phải làm gì để 50 năm nữa, nước ta xuất hiện hai ông Việt lên làm Chủ tịch WB và UN nói tiếng Anh như gió cho ông Triều Tiên ngồi dưới nghe?" 

Đúng không, bởi vì chúng ta "chẳng biết phải làm gì" nếu như cứ một cách giáo dục đào tạo dạy dỗ và với cách sắp xếp tổ chức con người như lâu nay trường diễn ở ta thì sự mong đợi kia chắc là uổng công.

Nếu lời bàn vậy không đúng với ý tác giả thì xin được lượng thứ.

Cuối cùng xin phép tác giả Hiệu Minh đưa bài về trang nhà. Cám ơn. 

Vệ Nhi 


-----
Hai ông Nam Hàn bàn chuyện thoát… hàn
Tác giả: Hiệu Minh


Hai ông Triều Tiên bàn chuyện toàn cầu. Ảnh: HM
Hai ông Triều Tiên bàn chuyện toàn cầu. Ảnh: HM

Hôm thứ 6 vừa rồi (19-4-2013), có hai ông  gốc gác Nam Triều Tiên (Nam Hàn) hay còn gọi là Hàn Quốc, đến nói chuyện với nhau tại đại bản doanh World Bank. Đó là Jim Yong Kim và Ban Ki-moon. Ông Jim Kim là Chủ tịch World Bank, ông Ban Ki (tên giống tiếng Việt thế) là Chủ tịch Liên Hiệp Quốc (TTK UN). Cả thế giới có hai chức to nhất lại do người Triều tiên nắm hết.


Jim Kim sinh năm 1959 tại Seoul, sang Mỹ từ lúc 5 tuổi. Chắc là tiếng Triều vẫn hiểu, nhưng tiếng Mỹ thạo hơn, giống cu Luck bây giờ. Trước  khi đến World Bank, ông từng làm Hiệu trưởng trường Dartmouth, một trong 10 ivy leagues của Hoa Kỳ.

Cụ Ban già hơn chút, sinh năm 1944  tỉnh Chungju (Nam Triều Tiên), lớn lên thời nội chiến liên Triều nên biết thế nào là chiến tranh. Sau này học tại Trung tâm John F. Kennedy tại Đại họcHarvard vào năm 1985.
Cả hai đến từ một quốc gia  nghèo như Việt Nam, nhưng Hàn Quốc đã vượt lên số phận…hàn của mình. Họ có Samsung, LG, Daewoo, có Hyundai, có Kim Chi, có Korean Air… nổi tiếng thế giới. Phim Hàn làm người Việt khóc. Gần đây có điệu nhảy Gangnam làm điên đảo hàng tỷ người.

Trong khi Bắc Triều Tiên theo lý tưởng riêng có tên lửa, bom nguyên tử, suốt ngày đỏi hủy diệt Mỹ, dân thì chết đói nhưng lãnh tụ béo tròn.

Bây giờ Hàn Quốc có hai ông, một ở New York, một ở Washington DC, đang bàn chuyện làm thế nào đến năm 2030 giảm số người nghèo (sống với 1,25$/ngày) trên thế giới xuống còn 3%.


Quang cảnh hội thảo Global Voices on Poverty. Ảnh: HM
Quang cảnh hội thảo Global Voices on Poverty. Ảnh: HM

Ông Ban bảo “Almost 1 billion people go to bed hungry every night. This is an unacceptable situation” – Gần 1 tỷ người đi ngủ bị đói hành hạ. Không thể chấp nhận  được”.

Người Hàn Quốc bàn chuyện toàn cầu như ý tưởng quốc tế vô sản. Nghe hai ông nói, mình cứ tưởng là Lê Nin sống lại, vì trông họ cũng hơi hói trán.  Ý tưởng thật đơn giản “What Will It Take to End Poverty – Bằng mọi cách hãy xóa nghèo”.

Chắc hai ông cũng buồn. Bàn chuyện xóa nghèo cho cả thế giới, nhưng trừ Bắc Triều Tiên.

Hai ông nói với nhau bằng tiếng Mỹ, chẳng cần phiên dịch. Ông Jim nói tiếng Anh như người Mỹ, ông Ban kém hơn, lúng búng, phát âm vẫn có giọng Triều Tiên, nhưng rất rõ ràng, mạch lạc.

Tổng Cua lại ước…. Giá nước mình có hai ông Việt, một ông Nam, một ông Bắc hay một ông Trung, lên vũ đài UN hay World Bank nói chuyện bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp cho Tây lác mắt.

Có tới 5 triệu người Việt sống rải rác trên thế giới mà chưa thấy ai nổi tiếng như hai ông này.

Diện tích VN gấp 3 lần Hàn Quốc, dân số gấp đôi. Đi ngoài đường, đố ai biết người Việt và người Triều khác nhau chỗ nào. Hàn Quốc cũng từng rất nghèo, cũng chia cắt do chiến tranh lạnh.

Thế mà  chả hiểu tại sao, hiện nay GDP của Hàn Quốc khoảng 1.614 tỷ đô la, xếp thứ 15 trên thế giới về kinh tế,  gấp 5 lần GDP của Việt Nam (320 tỷ). (?) --->>> (con số này chủ blog tôi chưa nghe, chưa đọc được ở đâu, nên cho đánh một dấu hỏi ở đây - Vệ Nhi).

Chúng ta phải làm gì để 50 năm nữa, nước ta xuất hiện hai ông Việt lên làm Chủ tịch WB và UN nói tiếng Anh như gió cho ông Triều Tiên ngồi dưới nghe?

Trong lúc Nhà nước chưa lo được hết, để đạt được ước mơ, chúng ta hãy giúp các em bé trong ảnh dưới đây (nguồn: Quê Choa) để tỷ lệ nghèo tại VN giảm thiểu nhất “What Will It Take to End Poverty”.

Nhóm Thiện nguyện “Vì ta cần nhau – Thanh Chung” và Cơm có thịt – Trần Đăng Tuấn đã mang lại nụ cười cho hàng ngàn trẻ thơ nghèo miền núi. Còn biết bao người ngày đêm vì trẻ em mà HM Blog không thể kể hết được.

Trong lúc chờ đợi, Tổng Cua xứ Hoa Lư đang ngồi nghe các ông Đại Hàn Triều Tiên nói tiếng Mỹ, bàn chuyện thoát…hàn cho nhân loại, và y mơ nước Việt lên … tiên.

Cảm ơn các bạn.



Bao giờ thì đất nước ta hết cảnh này. Ảnh: Xeo nhiếp ảnh.
Hãy chung tay giúp đất nước hết cảnh cơ hàn này. Nguồn: XÓM nhiếp ảnh.

Hãy góp tiền gửi giúp trẻ em miền núi. Ảnh: Tình nguyện trẻ.
Hãy góp tiền gửi giúp trẻ em miền núi. Nguồn: Nhóm Tình nguyện trẻ.

Nhìn quan này biết là nguyên nhân đói từ đâu.
Nguyên nhân của sự đói nghèo.


Nụ cười trẻ “Cơm có thịt”. Nguồn: Blog Trần Đăng Tuấn.

Nhóm thiện nguyện "Vì ta cần nhau". Ảnh: Thanh Chung Facebook.
Nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau”. Nguồn: Thanh Chung Facebook.

HM. Viết nhân ngày sinh Lê Nin  22-04-2013.


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2013

Tiếp tục câu chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh


Tiếp tục câu chuyện về ông Nguyễn Bá Thanh

Lên mạng mình lại thấy vô khối các bài viết, có vẻ như đồng loạt rộ lên - lề đảng cũng có và lề dân cũng có - về những hoạt động và lời nói của ông Trưởng ban Nội chính của TW Đảng. 

Ông Nguyễn Bá Thanh trước & sau, nghĩa là khi còn ở Đà Nẵng và nay là Hà Nội, vẫn đạt mức một "hiện tượng" - theo nghĩa tích cực của từ này - trong đời sống chính trị ở ta nó vốn trầm lặng khi nhìn hình thức bên ngoài. 

Quan sát kỹ mà xem, chừng như mọi chuyện có vẻ êm thấm, được dàn xếp ổn thỏa với nhau..., nhưng kỳ thực trong chính trường mấy năm nay bản thân các người trong cuộc đã "bật ra", thì ra nó cũng không ít những phê phán mổ xẻ nhau gay gắt, cốt là nhằm tạo lên áp lực và gây ảnh hưởng, sau hết giành phần ưu thế cho mình và người cùng cánh, phe nhóm lợi ích. Bảo là vẫn "đoàn kết nhất trí" như truyền thống xưa nay - như các văn kiện công bố - là điều thiếu dũng cảm nói thật. 

Chính vì thế những bài viết về ông Nguyễn Bá Thanh, hoặc liên quan đến những những gì ông Nguyễn Bá Thanh nói và làm đều có được sức thu hút mạnh mẽ người đọc và người muốn tìm hiểu về ông và thế sự...

Xin đưa lên đây vài ba bài sưu tầm được để bà con và bạn bè tham khảo.

Vệ Nhi 


-----


BÀI TRÊN BÁO ĐIỆN TỬ VnExpress

Thần thái và khẩu khí ông Nguyễn Bá Thanh trở lại như hồi ở Đà Nẵng




Ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tiếp xúc với cử tri huyện Hòa Vang sáng 25/4. Ảnh: Nguyễn Đông
Ồng Nguyễn Bá Thanh tiếp xúc với cử tri huyện Hòa Vang sáng nay 25/4-Ảnh Nguyễn Đông
Ông Nguyễn Bá Thanh: 'Đà Nẵng cần xây nhiều sân golf'

THUYẾT PHỤC NGƯỜI DÂN ĐỒNG THUẬN XÂY DỰNG SÂN GOLF Ở XÃ HÒA NINH (HUYỆN HÒA VANG, TP ĐÀ NẴNG), ÔNG THANH NÓI: "NGƯỜI DÂN TIN TÔI ĐI. ĐÀ NẴNG CẦN XÂY NHIỀU SÂN GOLF ĐỂ PHÁT TRIỂN DU LỊCH VÀ NGỒI ĐÓ CŨNG CÓ THỂ THU TIỀN"


Sáng 25/4, ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã lắng nghe ý kiến các cử tri huyện Hòa Vang liên quan đến những vấn đề "nóng" như giá giải tỏa đền bù đất, ô nhiễm môi trường, mở rộng đường tránh Hải Vân để giảm thiểu tai nạn, dự án sân golf...

Trước thắc mắc của cử tri Võ Thị Thanh Mai về dự án sân golf ở xã Hòa Ninh ảnh hưởng đến nguồn đất nông nghiệp, trong khi dự án này đang bỏ hoang, người dân không có đất sản xuất nên rất bất bình, ông Thanh giải thích, dự án đang tạm dừng để điều chỉnh thiết kế và sẽ làm hai sân golf chứ không phải một cái.
Dành gần 15 phút để nói về sân golf, ông Thanh kể câu chuyện ở Lương Sơn (Hòa Bình) cũng làm một sân golf trên đất đất bạc màu, mỗi năm thu 50 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động. Hay như ở Bà Nà (Đà Nẵng) hiện có người chơi golf thâu đêm.

Theo ông Thanh, đây môn thể thao được cả thế giới chơi. Như ở Osaka (Nhật Bản) có 103 sân golf, người dân làm việc từ thứ hai đến thứ sáu và dành ngày cuối tuần chơi golf giải tỏa áp lực rồi đầu tuần lại làm việc. Trong khi đó, Việt Nam hiện chỉ có 26 sân golf mà bị "chửi lên chửi xuống, đưa ra tận Quốc hội". Trong khi không phải người Việt mà người nước ngoài đến kinh doanh, du lịch... cũng chơi.

"Tôi có hỏi vị đại biểu Quốc hội thường hay la lối về sân golf rằng ông đã đến đó lần nào chưa? Ông ấy bảo chưa. Tôi bảo vậy sao la lối dữ vậy? Không tới, không biết mà cứ la. Lượng thuốc sâu phun ở sân golf không nhiều đâu. Tôi cũng chơi golf ba năm nay, người dân tin tôi đi", Trưởng ban Nội chính Trung ương nói và cho rằng, Việt Nam phải có ít nhất 500 sân golf, bởi số lượng 100 sân golf như quy hoạch của Chính phủ là ít và chỉ bằng thành phố Osaka (Nhật Bản).

Đà Nẵng đang tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ thông tin và du lịch theo cách "du khách bước xuống sân bay là được quảng bá về golf, hút được khách thì ngồi đó cũng có thể thu tiền". Và đó là cách mà ông Thanh tin nhiều người sẽ ủng hộ cho Đà Nẵng trong việc phát triển du lịch.

"Người dân cũng có thể tranh luận thoải mái nhưng phải tin vào đường hướng, khi lãnh đạo thành phố đã quyết định những vấn đề chiến lược như thế đều tính toán hết. Lãnh đạo thành phố lâu nay chưa làm ẩu cái gì gây thiệt hại cho dân", nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói thêm.
Giải đáp thắc mắc của cử tri Võ Quang Vinh về giá giải tỏa đền bù 100 ha đất của một dự án ở xã Hòa Châu thấp hơn 50.000 đồng một m2 so với huyện Điện Bàn (Quảng Nam) nằm giáp ranh, ông Thanh yêu cầu thành phố xác minh thông tin, nếu đúng như phản ánh thì phải xem xét để giải quyết.

Nhìn nhận việc người dân lâu nay khiếu kiện đất đai chủ yếu xoay quanh vấn đề giá đền bù thấp, ông Thanh dẫn câu chuyện vui: "Đến bù mà lấy một cây mít tính ra một năm 20 chục trái, một trái 50.000 đồng, đấy là tính thế chứ còn có quả thối, quả hỏng. Hay người ta cán chết con gà thì đền con gà chứ lại bảo con gà đó đẻ ra cả bầy, rồi đòi đền cả bầy mới đúng thì không biết đường mô mà tính".


Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nêu ý kiến sẽ nâng cao phần đầu của cầu Rồng hiện tại. Ảnh: Nguyễn Đông
Ông Nguyễn Bá Thanh cũng nêu ý kiến sẽ nâng cao phần đầu của cầu Rồng hiện tại. Ảnh:Nguyễn Đông


Đề cập đến cầu Rồng, ông Thanh kể, có người gặp ông nói ngày trước từng phản đối gay gắt việc xây cầu tại vị trí hiện nay nhưng bây giờ nhìn lại thấy hợp lý. "Hồi đóng cọc, anh thấy anh nản, bảo là cầu xây vào chỗ trời ơi, nhưng nó có cái hợp lý riêng", ông Thanh nói.

"Còn về đầu Rồng thấp thì lắp thêm 3m đường ống nữa là cao lên thôi, để đó từ từ đến cuối năm lắp vô. Có điều con rồng đó có gọi là con rồng không hay người ta lại bảo là con mèo, đó mới quan trọng", ông Thanh phát biểu trước hàng trăm cử tri về các đề xuất nâng đầu rồng lên cao.

Rồi vị cựu Phó chủ tịch huyện Hòa Vang tâm sự với người dân quê rằng, công việc của tân Trưởng ban Nội chính Trung ương cũng mức độ và có thể chịu đựng được. Ăn uống thì không hợp nhưng cũng quen dần. "Tuy giảm vài ba ký nhưng cũng tốt vì tuổi mình đang cần giảm cân", ông hài hước.

Nói về công việc của thành phố, ông Thanh cho biết thêm, thời gian tới ông Trần Văn Minh (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) sẽ lại về làm lãnh đạo. "Sáng nay tôi đi thắp nhang ở nghĩa trang, có người gặp bảo anh đi tôi buồn. Tôi cũng đi đi về về và còn tham gia Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố nên bà con yên tâm với những kiến nghị của mình, mỗi người cũng nên góp một tay giúp thành phố phát triển", ông nhắn nhủ.


Nguyễn Đông



-----



BÀI TRÊN BÁO "NGƯỜI LAO ĐỘNG"

Bá Thanh: Tui đi, Đà Nẵng như mất một 'tiền đạo'


"Có bức xúc gì, bà con cứ điện cho tui!" - ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, khẳng định như vậy với tư cách Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội Đà Nẵng trong buổi tiếp xúc cử tri TP này ngày 25/4.

Ông Thanh dặn dò cử tri: “Bà con thấy gì thiệt bức xúc cứ điện thoại cho tui
Ông Thanh dặn dò cử tri: “Bà con thấy gì thiệt bức xúc cứ điện thoại cho tui"..


"Bắt nhốt hết!

Ông Thanh cho biết đây là buổi tiếp xúc cuối cùng của ông với tư cách trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (QH) Đà Nẵng. Nhiệm vụ này sẽ được trao lại cho Phó Trưởng đoàn Đại biểu QH Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa.
Tại buổi tiếp xúc, ông Thanh đã chia sẻ cùng cử tri Đà Nẵng về nhiệm vụ mới, đồng thời tin tưởng vào lãnh đạo mới của Đà Nẵng: “Tui đi, Đà Nẵng như mất một “tiền đạo” nhưng tui tin cán bộ sẽ làm được việc, công việc vẫn xong. Các công trình trọng điểm: Cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cáp treo thứ 3 Bà Nà… được khánh thành đúng tiến độ đó thôi”.
Ông Thanh cũng dặn dò cử tri: “Bà con thấy gì thiệt bức xúc cứ điện thoại cho tui. Mọi người thấy tui đi, cho rằng tui không theo dõi, giám sát ở đây là nhầm”.
Ông Thanh cho biết vừa “xử” một cán bộ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đặt hàng làm sổ theo dõi khám - chữa bệnh không đảm bảo chất lượng, giấy mỏng nhưng lại có giá hơn 2.000 đồng/sổ, trong khi thực chất chỉ 800-900 đồng/sổ. “Xây bệnh viện là để từ thiện, nhũng nhiễu ở đây là ác lắm, có lỗi với dân” - ông Thanh bức xúc.
Ông Thanh cũng chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra, xác minh, kịp thời bố trí cho những những hộ thực sự bức xúc về nhà ở. Riêng vấn nạn "cò" chung cư, cán bộ nhũng nhiễu, bắt chung chi, ông Thanh đề nghị ngành công an phải quyết liệt xử lý triệt để, "bắt nhốt hết".

Bức xúc vì cán bộ công chức ăn cắp giờ công

Cũng trong buổi tiếp xúc, hàng trăm cử tri Đà Nẵng bày tỏ lo ngại về công tác cải cách tại một số bộ, ngành hiện nay còn nhiều bất cập khiến người dân lo lắng. Chẳng hạn, Bộ GD-ĐT càng cải cách lại càng rối rắm, chất lượng lại giảm chưa thấy tăng. Bộ LĐ-TB-XH thì vẫn loay hoay mãi với câu chuyện tăng lương, còn Bộ Y tế vẫn chưa thoát khỏi câu chuyện về y đức và tiền bạc. Trong khi đó, việc tinh giảm biên chế trong bộ máy công chức cũng đã nói lâu nhưng vẫn chưa thấy thực sự tinh giảm.
Cử tri Nguyễn Thanh (quận Hải Châu) tỏ ra lo lắng đối với việc tăng lương, bởi khi tăng lương cơ bản, những người có hệ số lương thấp thì lại càng thấp, những người có hệ số lượng cao lại càng cao nên ngày càng tạo ra khoảng cách giàu nghèo ngay trong những cán bộ công chức. Vì vậy, các cử tri đề nghị QH nên xem xét lại và phân loại mức lương để tăng nhằm tạo công bằng trong cán bộ và người lao động.
Nhiều cử tri bức xúc phản ản hiện nay, tình trạng cán bộ công chức ăn cắp giờ công, bỏ bê công việc để cà phê, đi chợ diễn ra đầy rẫy. Vì thế, phải nghiêm trị những trường hợp vi phạm này thì người dân mới thấy hài lòng.
Theo Người Lao Động

------


THAM KHẢO

Tin dưới đây là một thông tin nhiều người quan tâm, tuy nhiên nội dung tin này thông báo ra chưa được kiểm chứng, chỉ đọc để tham khảo. Nếu đúng thì nó cắt nghĩa được, ít nhất là về hình thức, việc ông Bá Thanh đi tiếp xúc cử tri ở Đà Nẵng trở lại chính khẩu khí thẳng thắn và quyết liệt khi vào cuộc bất cứ chuyện gì mà ông thấy đúng, cần phải làm (Vệ Nhi chú thêm):

 


Bộ Chính trị đã có kết luận về vấn đề đất đai của Đà Nẵng


Hai Xe Ôm


Theo một nguồn tin giấu tên cho hay, BCT đã nhóm họp thứ 2 ngày 22/4/2013 vừa qua để chốt lại những nội dung sẽ được đưa ra trình Hội nghị BCHTW đầu tháng năm này; Một trong những nội dung đã được thống nhất sau khi nghe trình bày của các cơ quan chức năng của Chính phủ trong đó có Bộ Công an, đó là vấn đề kết luận của thanh tra Chính phủ về vấn đất đai của Đà Nẵng…

Theo nguồn tin này, đa số BCT đã nhất trí kết luận: chính quyền Đà Nẵng không vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giảm thuế tiền thuê đất cho một số dự án dân sinh tại địa phương này; Có nghĩa Đà Nẵng sẽ không phải thu hồi số tiền trên 3000 tỷ đồng mà Thanh tra Chính phủ đã kết luận…

Với kết luận này, vấn đế ứng viên bổ sung vào Bộ Chính trị của ông Nguyễn Bá Thanh chắc sẽ được bỏ phiếu thông qua trong kỳ họp sắp tới…

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Ghi chút về bác Cơ

Ghi chút về bác Cơ


Từ tết đến giờ bác Cơ (nguyên thứ trưởng NG Trần Quang Cơ) người yếu thêm nhiều. Nhưng bạn bè đến thăm chơi bác vẫn tiếp và nghe chuyện nhẹ nhàng được...

Với ngành đối ngoại, bác Cơ xứng là một "đại thụ" ngoại giao, và có lẽ sự nghiệp và bản lĩnh chỉ xếp sau bác Thạch (Nguyễn Cơ Thạch). 

Chắc mọi người quan tâm đến thời cuộc đều nhớ cuốn sách không in rộng rãi nhưng lại phổ biến rộng trên internet - "Hồi ức và Suy nghĩ" với những phân tích và nhận định về TQ đều sát đúng với bản chất của nước này, đặc biệt quan hệ của họ với ta, nhưng thời bác Cơ nói ra là quá sớm...

Gần đây mình được bác Trần Quang Cơ tặng cuốn sách mới về cuộc đời và công việc bác làm, có nhan đề "Ngược dòng thời gian", sách dày 338 trang, do gia đình tự in tặng biếu bạn bè... 

Cảm kích nhất là dòng chữ cuối sách bác viết dành cho người bạn đời: "Từ 10 năm nay, tôi quen dần với cách sinh hoạt của một người tàn tật... (xin đọc tiếp trên ảnh dưới phía trái)". 





Mấy lần tai biến khiến chân tay bác Cơ điều khiển khó, nên mấy chữ ghi tặng sách với mình quý hóa lên gấp bội...(ảnh  bên phải)







Dòng chữ ấy viết năm 2008, nghĩa bây giờ bác Cơ trải qua 15 năm như bác đã nói rồi. Thán phục sự phấn đấu chống lại tuổi già và bệnh tật để vẫn nghĩ suy và ghi lại được những điều tâm huyết dành cho thế hệ làm ngoại giao sau này của bác Cơ (sinh 1927).

Vệ Nhi


Thứ Ba, 23 tháng 4, 2013

Tỉ đô không phải tỉ đồng


Tỉ đô không phải tỉ đồng

Tin trên truyền thông báo chí nêu rằng ông UBND tỉnh Bình Định đang thuyết phục Bộ Công Thương sớm trình lên Chính phủ cho hợp tác với công ty dầu khí Thái Lan làm nhà máy lọc dầu hoành tráng nhất VN. Dự kiến hoàn thành sẽ tiêu tốn 27 tỉ đô đầu tư. Nên có báo giật tít đó là một “siêu dự án”. Gớm ghê, đó chỉ là một dự án kinh tế của một tỉnh Việt Nam thôi nhá.

Ngẫm lạ, cái gì nước mình cũng thích to thích nhất. Còn nhớ nếu Quốc hội nước mình cho ngơ qua  thì cái dự án đường sắt siêu tốc Bắc - Nam còn định chi tới 56 tỉ đô kia.

Kể với nước giàu có hùng mạnh thì vài ba, thậm chí năm sáu chục tỉ đô Ô-ba-ma cũng không phải gì ghê gớm lắm. Nhưng cái anh thân còm VN nhặt nhạnh từ cân thóc cân cá cân cà phê để góp cho GDP cả nước, hội đủ các ngành kinh tế khác chỉ mới đạt trên trăm tỉ đô (cũng chỉ mấy năm gần đây mới đạt tới 3 con số đó) thì phải thấy tỉ đô nó lớn lắm. Rất lớn đấy bác đất võ Bình Định à. Chắc chắn nó không phải là tỉ đồng Việt, đương nhiên rồi…

Tuy nhiên vấn đề không phải chỉ là tỉ đô lớn hay nhỏ mà Bình Định phải luôn luôn cân nhắc khi đầu tư để phục vụ bài toán phát triển kinh tế xã hội địa phương. Mà vấn đề lớn hơn, quan trọng hơn là bất cứ ngành nào, địa phương nào định làm gì lớn đều phải suy nghĩ thấu đáo đến quy hoạch tổng thể, đến mối tương quan và liên hệ trong và ngoài ngành, giữa các địa phương với nhau nằm chung trong nền kinh tế đất nước.

Nghĩ đến điều trên đây, lại chiếu theo thực tế đời sống thì mình càng thấy “lạ quá”! Đó là với dự án đầu tư, lấy cả tiền nước ngoài về cho đất nước mình làm kinh tế như dự án lọc dầu Nhân Hội (Thái Lan đầu tư vào), lẽ ra PetroVietnam - đơn vị được Chính phủ giao trách nhiệm “chủ trì” phát triển sự nghiệp dầu khí – phải mở rộng hơn cả hai cánh tay ra đón chào, rồi sấn vào giúp sức chứ…? Đằng này trái lại, không! Và chính cái anh Dầu khí VN xịn này lại phản đối dự án.

Vậy là “có chuyện” ở đây rồi!

Chuyện gì, xin mới bà con cùng bạn bè đọc hai bài viết dưới đây: một là PetroVietnam không tán thành dự án Nhân Hội, hai là một góp ý và phân tích khá khúc chiết của một chuyên gia kinh tế xung quanh việc có nên đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu Nhân Hội hay không? Hy vọng hai bài viết này đáp ứng phần nào mong muốn tìm hiểu thực chất vấn đề xung quanh dự án Nhân Hội mà dư luận đang xôn xao bàn tán.

           Vệ Nhi  

              --------      


PetroVietnam phản đối “siêu dự án” lọc dầu 27 tỷ USD


(Dân trí) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nhơn Hội trị giá khoảng 27 tỷ USD do Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) làm chủ đầu tư.


 >>  Ngợp với siêu dự án hàng chục tỷ USD
 >>  Yêu cầu giải trình "siêu dự án" lọc dầu 26,9 tỷ USD

Dự án lọc hóa dầu trị giá 27 tỷ USD dự kiến đặt tại Khu Kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) hiện đã xong báo cáo tiền khả thi. Dự án có quy mô dự kiến 660.000 thùng/ngày, tương đương 30 triệu tấn dầu thô/năm - gấp gần 5 lần Nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Chủ đầu tư dự án này là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã trao đổi với UBND tỉnh Bình Định trong hơn một năm qua. Được biết, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung quy hoạch và cho phép nhà đầu tư được triển khai dự án.
Trước đó, vào chiều 4/2, tại cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương về chủ trương đầu tư dự án lọc hóa dầu trị giá khoảng 27 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định).

Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước


Trước những thông tin trên, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) - đơn vị đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nhà máy lọc Dầu Nghi Sơn - đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương không nên đồng ý dự án của Tập đoàn Dầu khí Thái Lan, nhằm tránh tình trạng mất cân bằng cung cầu. Bởi theo quy hoạch phát triển ngành dầu khí đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025 (trên cơ sở dự báo để đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu của Việt Nam đến năm 2025 và các năm tiếp theo) không có dự án lọc dầu Nhơn Hội.
Cũng theo PetroVietnam, “siêu dự án” 27 tỷ USD Nhơn Hội lại rất gần các điểm như Vũng Rô, Vân Phong, Dung Quất - nơi đã được quy hoạch xây dựng nhà máy lọc dầu.
Và dù Tập đoàn Dầu khí Thái Lan đã đưa ra định hướng một phần sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội sẽ xuất khẩu nhưng theo lập luận từ phía PetroVietnam, tập đoàn này đã đầu tư Dung Quất, đang đầu tư Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa), tổ hợp lọc hóa dầu miền Nam và đang tiếp tục nghiên cứu đầu tư Nhà máy lọc dầu Long Sơn với mục tiêu đến năm 2025 sẽ vận hành ba trung tâm hóa dầu tại Việt Nam. PVN còn nêu đang phải bao tiêu sản phẩm cho Dung Quất, sắp tới là Nghi Sơn.
Được biết, với một tổ hợp dự án mà PetroVietnam đã, đang triển khai và đưa vào hoạt động, dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam - 9 tỷ USD, công suất thiết kế giai đoạn một là 10 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, cùng với Dung Quất (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, hiện đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước), sẽ đóng góp 50% lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa mỗi năm.
Ngoài ra, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được giao triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa). Dự kiến, công suất thiết kế của nhà máy này khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Nếu bổ sung thêm Nhà máy lọc dầu Nhơn Hội sẽ tạo nguy cơ thừa nguồn cung với thị trường nội địa, ảnh hưởng đến khả năng bao tiêu của PetroVietnam và giảm hiệu quả sử dụng vốn nhà nước tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, Nghi Sơn...
An Hạ

------


Về dự án lọc hóa dầu Nhân hội

Tác giả: N. Lang

            Vì nhận được yêu cầu đột xuất nên tôi không thể thu thập được tương đối đầy đủ thông tin cần thiết nên chỉ có thể có một số ý kiến sơ bộ như sau:

                                                                      I
            1 – Dự án lọc hóa dầu Nhân hội do Tập đoàn dầu khí Thái (PTT) lập dự án tiền khả thi và đã làm việc với tỉnh thừ nhiều năm nay. Theo đó, dự án này :
            - sử dụng 30 triệu tấn dầu thô năm và, so với thế giới, là nhà máy đứng hàng thứ 6 về quy mô.
            - sử dụng 27 tỷ $, 2.000 ha đất.
            - v.v…..

            2 – Dự án tiền khả thi này còn một số vấn đề chưa rõ, tỉnh yêu cầu PTT trả lời để trình Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư :
            - các đối tác tham gia góp vốn là những ai ?
            - cam kết tham gia góp vốn.
            - cân đối cung – cầu về sản phẩm lọc dầu.
            - phương án tiêu thụ sản phẩm.
            - phương án cung cấp dầu thô.
            - các hạng mục công trình biển (cảng, đê chắn sóng, …)
            - v.v….

            3 – Trong điều kiện đó, đang có nhiều dư luận phản đối chủ trương đầu tư nhà máy lọc hóa dầu Nhân hội. Một trong những người phản đối, đề nghị cân nhắc kỹ là bản thân tập đoàn dầu khí VN (PVN).

                                                                      II
            Trong điều kiện đó, chúng ta có thể tham gia thực hiện phản biện xã hội một cách kịp thời. Theo tôi, để phản biện xã hội đối với dự án này, có thể đi từ mấy khía cạnh chủ yếu sau đây :

            1 – Đặt dự án Nhân hội trong quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu. Theo Bộ Công thương thì đã có quy hoạch phát triển ngành dầu khí VN đến 2015, đưa vào vận hành năm 2020 và tầm nhìn đến 2025. Theo đó thì có :
            - trong quy hoạch có 7 dự án lọc hóa dầu. Dự án Dung quất đã đi vào hoạt động. Dự án Nghi sơn đang đi vào triển khai. Còn có thêm các dự án Vũng rô, Long sơn, Nam Vân phong, … Có hai dự án lọc hóa dầu tại Phú yên, sử dụng 20.700 ha, do Singapo đầu tư và đã được Thủ tướng chấp nhận chủ trương đầu tư. Dự án Nhân hội không nằm trong 7 dự án đã được quy hoạch.
            - dự kiến đến 2015, tổng công suất các dự án đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước vì còn thiếu 1 triệu tấn dầu.
            - v.v….
            Nhìn chung thì quy hoạch phát triển ngành lọc hóa dầu là một chủ trương lớn, mang xu hướng đảm bảo khả năng tự cung tự cấp về nhu cầu xăng dầu nên ý kiến đồng thuận chấp nhận chủ trương đầu tư dự án Nhân hội là để bù đắp số 1 triệu tấn dầu còn thiếu so với nhu cầu trong nước. Chính vì thế nên phải chăng chủ trương phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu đã trở thành một chủ trương lớn trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội nước ta ?



Ảnh bên: Một góc nhà máy lọc dầu (ảnh minh họa)

            2 – Đặt quy hoach phát triển ngành lọc hóa dầu trong phát triển ngành năng lượng. Xét theo giác độ này thì cần làm rõ thêm thực trạng là nguồn năng lượng hóa thạch đang đứng trước ba vấn đề cơ bản :
- Sự cạn kiệt nguồn năng lượng hóa thạch đặt thế giới trước nhu cầu phải tìm nguồn năng lượng thay thế.
- Việc khai thác nguồn năng lượng hóa thạch gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm môi trường nước, trong đó có ô nhiễm môi trường biển. Hiện nay nhân loại đang đứng trước tình hình nguồn tài nguyên trên đất liền không còn khả năng tiếp tục đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên đã hình thành xu hướng đi vào khai thác nguồn tài nguyên biển. Vì thế nên việc ô nhiễm môi trường biền là một vấn đề không thể xem nhẹ.
- Việc sử dụng nguồn nang lượng hóa thạch gây ô nhiễm không khí, trong đó có vấn đề làm thay đổi khí hâu, làm nước biển dân lên. VN là một trong những nước hàng đầu bị uy hiếp bởi nguy cơ nước biển dâng lên.
            Nhìn chung lại, có vấn đề cần làm rõ thêm :
- Thế giới đang đi vào con đường tìm và khai thác các nguồn năng lượng sạch, tái sinh như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sóng biển, năng lượng địa nhiệt, …. Đồng thời cũng đi vào con đường tìm cách nâng cao hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch để giảm nhu cầu phụ thuộc vào nguồn năng lượng này. ….
- Với xu hướng tập trung đầu tư phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, phải chăng VN đang đi vào con đường trở thành bãi rác công nghệ lạc hậu do các nước công nghiệp phát triển thải ra ? Tại sao không đi ngay vào đón đầu công nghệ sử dụng năng lượng sách, năng lượng tái sinh mà thế giới đang đi vào ?

            3 – Đặt quy hoạch phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu trên địa bàn Miền Trung nước ta. Có thể khẳng định là các dự án đầu tư phát triển nhà máy lọc hóa dầu được qquy hoạch phát triển trên mảnh đất Miền Trung nước ta. Trong điều kiện đó, cần xem xét thêm mấy khía cạnh chủ yếu sau đây.
            - Phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu không phù hợp với nhiệm vụ phát huy thế mạnh của Miền Trung nước ta. Vùng đất này dựa lưng vào rừng, trông ra biển nên cần quán triệt đầy đủ hơn câu tổng kết của ông cha ta là RỪNG VÀNG, BIỂN BẠC. Trải qua hai chục năm thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, một nội dung chủ yếu của đường lỗi công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chiến lược phát triển kinh tế xã hội vùng đất này đã tập trung vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn. Do đó rừng bị tàn phá, không những gây tác hại lớn đến môi trường mà còn làm tăng tác hại của thiên tai. Ngành đánh bắt thủy hải sản không được đầu tư thỏa đáng nên không những không khai thác và bảo vệ được các nguồn tài nguyên biển mà ngư dân VN còn bị uy hiếp trên biển, không đủ năng lực vừa đánh bắt hải sản vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền của VN trên biển.
            - Việc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa nông thôn làm mất quỹ đất vùng đồng bằng duyên hải, vốn đã chật hẹp và nhỏ bé. Trước nguy cơ vung duyên hải này bị chìm dưới biển do biến đổi khí hậu thì chiến lược phát triển theo hướng này uy hiếp ngành ngông nghiệp và đời sống nông dân, uy hiếp an ninh lương thực.
            - Việc phát triển tập trung ngành công nghiệp lọc hóa dầu còn gây ô nhiễm đến môi trường biển nên không chỉ uy hiếp ngành đánh bắt hải sản mà còn uy hiếp ngành du lịch, một ngành được coi là ngành mũi nhọn của vùng lãnh thổ Miền Tring này.
            - v.v….

            4 – Nhìn chung lại, chỉ mới xét trên ba phương diện trên đã cho thấy chiến lược, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu là một lĩnh vực cần được xem xét, cân nhắc lại. Chỉ trên cơ sở đó mới có thể đánh giá là chủ trương đầu tư xây dựng dự án lọc hóa dầu Nhân hội có phù hợp không ?

                                                                    III
            Từ sự phân tích ban đầu như trên, việc xem xét tính hợp lý của chủ trương đầu tư dự án lọc hóa dầu Nhân cơ dẫn đến nhu cầu phải rà soát lại :
            - Cần nhận thức và quán triệt sâu sắc hơn, đúng mức hơn Nghị quyết ĐH XI về điều chỉnh chủ trương phát triển, tử phát triển nhanh sang phát triển bền vững.
            - Thực hiện nhiệm vụ đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
            - Quán triệt Nghị quyết HN TƯ 3, K XI về nhiệm vụ rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch, kế hoach, chủ trương đã phê duyệt để loại bỏ ảnh hưởng của “tư duy nhiệm kỳ” tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí và “lợi ích nhóm”. Đồng thời qua đó thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh thích hợp để “Quy trình và phương pháp xây dựng, tổ chức điều hành thực hiện quy hoạch, kế hoạch phải thực sự khoa học, đi từ tổng thể chung của cả nước, đến các vùng lãnh thổ, rồi mới đến từng địa  phương, cơ sở.” (Văn kiện HN TƯ 3, K XI, tr 247).
Thực tế diễn biến chủ chủ trương đầu tư xây dựng nhà náy lọc hóa dầu Nhân cơ, cũng như nhiều chủ trương đầu tư khác như đầu tư cảng Lạch Huyện, khu hành chính - kinh tế Vân đồn và khu cửa khẩu Móng cái, …. đã không quán triệt nhiệm vụ rà sát, điều chỉnh ngay quy trình, phương pháp xây dựng và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch chủ trương theo tinh thần đi từ quán triệt các mục tiêu chung của nền kinh tế để rồi đi qua các quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ để cuối cùng thể hiện thành chủ trương đầu tư phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng cơ sở.

            Thời gian có hạn, việc thu thập thông tin cũng có hạn nên chỉ có thể lạm bàn, trình bày một số ý kiến ban đầu như vậy, mong anh thông cảm.

22/4/2013
N. Lang

(Xin post nguyên văn bài viết. Cách viết hoa danh từ riêng của tác giả cũng giữ nguyên theo tác giả)   


  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...