Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Trung Quốc có phải đang xuống giọng với Mỹ chăng?


 Trung Quốc có phải đang xuống giọng với Mỹ chăng?

Trung Quốc có tiền, ai cũng biết. Nhưng không phải có tiền là mạnh được ngay. 

Từ ngày ông Trump vào ngồi Nhà Trắng (20/1/2017), nhiều cú ra đòn của vị tổng thống này nhằm tới quyền lực của Bắc Kinh đã gây tác động lớn đến mối quan hệ, đến cán cân thương mại (theo hướng công bình hơn giữa TQ và nước Mỹ). Đòn của Mỹ không dừng ở quan hệ 2 nước mà có tác động toàn cầu, như những cam kết và gia tăng sức mạnh của Mỹ ở khu vực rộng lớn châu Á - Thái Bình Dương đã có sức răn đe nhất định chống lại âm mưu bành trướng bá quyền ngày càng ngạo mạn và bất chấp lý lẽ của Bắc Kinh. 

Thấy trên mạng có bài viết dưới đây, post lên để bà con đọc mạng và bạn bè tham khảo.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh g-th

-----  

Trung Quốc xuống giọng với Mỹ?

Sáng ngày 01/08/2018, Thời báo Hoàn Cầu phát đi bài xã luận dưới tiêu đề: “Phải chăng Trung Quốc-Mỹ sẽ đối kháng chiến lược và [điều đó] sẽ ảnh hưởng tới cả một thế hệ?” nhằm xoa dịu nỗi lo của giới trẻ Trung Quốc sợ rằng do Trung Quốc – Mỹ chống nhau toàn diện mà họ sẽ không được tiếp tục hưởng thụ cuộc sống khấm khá hiện nay. Bài báo phản ánh tâm trạng bất an của Bắc Kinh trước quyết tâm sắt đá của TT Trump đòi lập lại sự công bằng trong buôn bán Trung – Mỹ. Nên nhớ rằng Thời báo Hoàn Cầu từng đăng những bài với giọng lưỡi khoa trương kiểu hảo hán thời xưa, nói Mỹ gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc thì chỉ có thua, Trung Quốc sẽ trị cho Mỹ nhớ đời…

Bài xã luận viết tiếp:

Chúng tôi cho rằng quan hệ Trung – Mỹ đúng là đứng trước thách thức lớn; trên thực tế chiến tranh thương mại là quá trình định nghĩa lại mối quan hệ Trung – Mỹ sau khi so sánh lực lượng hai nước và tình hình quốc tế đã có biến đổi. Nhưng khả năng Trung – Mỹ đi tới đối kháng toàn diện là cực thấp. Nước Mỹ tồn tại nguyện vọng ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy, đồng thời vẫn muốn tối đa hóa lợi ích trong mỗi thời kỳ của dân chúng Mỹ; chính sách quốc tế của Mỹ nhất định sẽ là kết quả do hai khuynh hướng đó tạo ra.

Vì Trung Quốc đã là nước lớn số một trong ngành chế tạo, có tiềm lực thị trường lớn nhất, hơn nữa lại là quốc gia hạt nhân lớn, Mỹ quyết không thể dùng phương thức cắt đứt đơn giản, thậm chí bắt chẹt về quân sự để ngăn chặn Trung Quốc; chiến lược ngăn chặn của Mỹ cũng ắt phải là “phương thức sáng tạo đổi mới” thích hợp với thế kỷ 21.

Trong tình hình đó Trung Quốc nhất định phải giữ vững chỗ đứng của mình, giữ sức, vừa không mù quáng tự tin vừa cũng không được sợ Mỹ. Chúng ta phải làm được mấy điểm dưới đây một cách có lý trí:

Thứ nhất, về chiến lược phải giữ thái độ khiêm tốn và thế thủ, trong bất kỳ tình thế nào cũng không được chủ động khiêu khích Mỹ, cũng không chủ động thể hiện cho Mỹ thấy mặt mạnh của Trung Quốc.




Thứ hai, khi bị Mỹ chèn ép phải kiên quyết chống lại, quyết không dung túng cách làm vô lý của phía Mỹ, đồng thời phải giữ sao cho sự chống đối của ta không vượt quá phạm vi phản kích ngang hàng, không chống đối quá mức.

Thứ ba, phải cố gắng tối đa tránh xảy ra xung đột quân sự Trung – Mỹ. Muốn vậy cần làm được hai điểm. Một là quân đội Trung Quốc không triển khai tại bên ngoài khu vực lợi ích cốt lõi của chúng ta những hành động quân sự mà Mỹ phản đối. Hai là phải kiên quyết bảo vệ lằn ranh đỏ do chúng ta vạch ra bên trong khu vực lợi ích cốt lõi [của Trung Quốc], đồng thời tăng tốc phát triển lực lượng chiến lược kể cả lực lượng hạt nhân lớn mạnh, khiến cho Mỹ không dám ngửa bài với chúng ta trong khu vực lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Thứ tư, tăng cường hợp tác với Mỹ trên những lợi ích không cốt lõi của Trung Quốc, không đứng ra đối kháng với Mỹ, dùng nhiều cách triển khai đấu tranh chống lại hành vi bá đạo của Mỹ.

Thứ năm, về mặt kinh tế, phải tôn trọng bản quyền tri thức, xử lý tốt mối quan hệ giữa việc nâng cấp ngành nghề sản xuất của Trung Quốc với mong muốn của Mỹ muốn giữ ưu thế về khoa học công nghệ đỉnh cao, nghiêm chỉnh tìm kiếm mô thức cả hai bên cùng thắng, không để cho nan đề này bùng nổ, để thời gian giải quyết vấn đề trí tuệ cho hai bên.

Thứ sáu, nghiêm chỉnh tìm kiếm phương thức hiện thực sao cho Trung Quốc trỗi dậy sẽ không thay thế Mỹ hoặc áp đảo Mỹ, hai nước đả phá cuộc chơi có tổng bằng zero [zero-sum game], Mỹ phải chấp nhận xu thế Trung Quốc, với tư cách là nước lớn về số dân, cuối cùng sẽ có tổng lượng kinh tế vượt Mỹ, Trung Quốc nên chấp nhận khả năng Mỹ tiếp tục là trung tâm sáng tạo đổi mới số một trên thế giới, đi trước Trung Quốc trong một thời gian dài trên rất nhiều mặt. Việc xử lý mối quan hệ này là vấn đề cốt lõi trong đối thoại chiến lược Trung – Mỹ.

Thứ bảy, Trung Quốc không cùng Mỹ chơi trò chơi địa chính trị toàn cầu và cạnh tranh chiến lược, nhưng chúng ta sẽ đấu tranh cụ thể với cách làm bá quyền của Mỹ, không do dự bảo vệ lợi ích của Trung Quốc.

Thứ tám, Trung Quốc quyết không từ bỏ quyền lợi phát triển bình thường của mình, trong bất cứ tình hình nào chúng ta đều sẽ không dùng cách ngừng tiến lên, cam chịu lạc hậu để cầu hòa với Mỹ.
Tóm lại, Trung Quốc không chủ động khiêu khích Mỹ đồng thời phải làm tăng cái giá phía Mỹ phải trả do ngăn chặn Trung Quốc, và với sự chân thành nhất, Trung Quốc tìm kiếm mô thức hai bên cùng thắng. Như vậy đối với Mỹ, sức hút hợp tác với Trung Quốc sẽ lớn hơn sức hút đối kháng Trung Quốc, mối quan hệ Trung – Mỹ sẽ tránh được khả năng trở thành bản sao mối quan hệ Mỹ-Xô trong thế kỷ 21.

Chiến tranh thương mại Trung – Mỹ là cuộc xung đột tất nhiên phải xảy ra, nó sẽ khiến hai bên phải tái suy ngẫm. Bởi lẽ quyết sách khoa học và quyết sách dân chủ đã chiếm ưu thế trên phạm vi thế giới, phương thức liều lĩnh dùng vận mạng của cả một quốc gia để đánh cược đã rất khó trở thành chính sách hiện thực của nước lớn. Công chúng Trung Quốc cần phải có niềm tin vào sức mạnh quốc gia của chúng ta, có niềm tin vào năng lực của Chính phủ Trung Quốc trong việc xử lý tình thế phức tạp. Chúng ta cần tin chắc rằng Trung Quốc đã vượt qua điểm giới hạn có thể bị ngăn chặn, bất cứ sức mạnh nào muốn đánh ngã chúng ta đều chỉ là mơ tưởng hão huyền.

Nguyễn Hải Hoành biên dịch từ bản tiếng Hoa của Thời báo Hoàn Cầu, ngày 01/08/2018.

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...