Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

Tản mạn về Bình Dương Thủ Dầu Một


Tản mạn về Bình Dương Thủ Dầu Một  
(hay là "Để có một đô thị dễ sống")

Thấy tin báo chí đưa Bình Dương có Trung tâm hành chính hiện đại nhất nước mình không bất ngờ chút nào. Vì đơn giản mình đã có nhiều dịp qua Bình Dương mấy năm vừa rồi. 

Cái cảm giác có một đô thị “dễ sống” ở nước mình bây giờ thấy khó phết. 

Nơi quá đông đúc bụi bậm, thêm nữa mới khiếp: tệ nạn. 

Nơi thoáng rộng hơn thì môi trường văn hóa giáo dục kém, cản bước thăng tiến giới trẻ. 

Có nơi đô hội phồn hoa, trình độ phát triển cao thì lại khó kiếm chỗ ở, sinh hoạt đất đỏ. Và tệ nhất là những nơi như vậy là luôn phải va chạm với các thủ tục hành chính rườm rà, tiêu tốn thời gian chờ đợi giấy tờ, cấp phép. Thôi thì đủ chuyện “hành” là “chính” mà…
   
Nên có lúc tới Bình Dương đã thoáng ý nghĩ, cái đô thị kiểu mới này là Bình Dương chăng, bởi mình thấy ấn tượng với một số công trình xây dựng ở đây. Thoáng nghĩ vậy thôi, chứ thực mà nói, để có một đô thị ra đô thị, đô thị tử tế theo nhiều nghĩa của nó cần hội tụ thì chắc gì Bình Dương đã có được ngay. Chỉ một trung tâm chứa đủ các cơ quan hành chính mà dân cần tiếp xúc và đòi hỏi được phục vụ các dịch vụ công thì đã đủ điều kiện dễ thở dễ sống đâu chứ. Còn bao đòi hỏi khác trong cuộc sống của cư dân đô thị nữa phải thỏa mãn? Thật là bài toán khó. Nhưng như những gì Bình Dương có, đang có và sẽ có, thấy tiềm năng tiềm lực của nó đã trưng ra, mình rất tin cái hướng Bình Dương đi là khả dĩ…  


 
  

Trên nói mình đi đến đây nhiều lần, xin nhắc lại đúng vậy. ban đầu chỉ là đi chơi cho biết đây biết đó. Là ông hưu trí rồi chả nên ngồi nhà chờ lĩnh lương hưu, hoặc sa đà những chuyện loăng quăng xì xào to nhỏ nhân sự cấp cả nước như mấy vị hưu cấp trung cấp cao ra vẻ là hiểu biết hoặc xì ra những bực bõ bất bình trước xã hội xuống cấp mà chả đi đến đâu. Vả, có người cảnh báo nếu nghiện thì chính nó làm người hưu chóng già và suy sụp sức khỏe kia đấy. Vậy thì lánh là điều tốt.
Còn vài năm gần đây lại thêm có cậu em tậu đất dự án đô thị ở chính Bình Dương nên mình càng hay vi vu lên đó. Nói vi vu mới đúng vì hai anh em đều rất thích đi lên Bình Dương Thủ Dầu Một bằng xe gắn máy. Đi loại phương tiện này dễ tạt ngang tạt ngửa, quá thuận lợi cho việc thám thính, thu thập thông tin  giá cả đất cát. Đóng các vai lang bạt dân dã thế này nói chuyện với dân bản địa, với cánh cò nó cũng dễ vào, dễ moi thông tin hơn cưỡi xế hộp. Nhiều vị từ xế hộp bước xuống đã bị thiên la địa võng cho vào tròng, quẫy ra không nổi về địa ốc đất cát… 

Chưa kể sức hút đến với Bình Dương còn nhiều điều khác. Như khu vui chơi giải trí (và nay có cả du lịch tâm linh) của ông Dũng “lò vôi” với tên kêu như chuông - Đại Nam Văn Hiến Lạc Cảnh (tên đặc Tàu, cả chữ nghĩa cả ngữ pháp cũng là ghéo từ ngữ toàn Hán-Việt). Mặc vậy khách vẫn kéo lên nườm nượp, nhất là ngày nghỉ cuối tuần và tết lễ. 

Xung quanh việc quy hoạch, xây dựng, lối kiến trúc và cách thức bày biện, thơ phú khoe chữ… đều trăm chuyện muốn nói muốn bàn. Khối người bảo Đại Nam nó ngốn tiền (ý là tay chủ đầu tư), cũng nhiều thứ nhố nhăng khoe của từ chỗ “lấy không” được đất nên dửng mỡ… Nhưng thôi nó lại là đề tài khác mất rồi, đợi ở một entry khác khi hứng sẽ viết sau.

Nhân bữa nay có chuyện Bình Dương cần hút thêm các nhà đầu tư, kéo nhân lực người tài về làm “công dân Thủ Dầu Một” (qua thông tin tỉnh này chủ động khoe khéo trên truyền thông khánh thành một trung tâm đặt trọn bộ máy điều hành quản lý đô thị hiện đại), mình lại nhớ về Bình Dương.

Và nhớ lại hồi đó đã chụp khá nhiều ảnh. Mình sẽ tìm lại để post lên bạn bè cùng xem ở các entry sau nhé...

Vệ Nhi


------ 


THÔNG TIN BÁO CHÍ MỚI ĐƯA --->>>

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VNTrung tâm hành chính lớn nhất VN


Tòa nhà là nơi bố trí 54 sở ngành đơn vị cấp tỉnh

Thứ Năm, ngày 20/02/2014 18:33 PM (GMT+7)
Tại trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương người dân có thể truy cập máy tính kết nối internet miễn phí. Thủ tục được giải quyết ở một cửa. Có cả dịch vụ cà phê, giải khát ngay trong khu vực chờ đợi giải quyết thủ tục. 



Chiều 20/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới Bình Dương cắt băng khánh thành tòa tháp đôi là trung tâm hành chính tập trung của tỉnh Bình Dương. Tòa tháp đôi tọa lạc tại dự án Thành phố Mới Bình Dương (phường Hòa Phú, thị xã Thủ Dầu Một – Bình Dương).

Đây là tòa nhà do Singapore thiết kế, với chiều cao 104 m, bao gồm 2 tầng để xe, 20 tầng lầu và bãi đáp trực thăng, diện tích sàn hơn 104 ngàn m2.

Nơi chính quyền tương tác với người dân là ở khu hành chính mở rộng 4.000m2 tại tầng trệt của tòa nhà. Cán bộ đại diện của tất cả các sở ngành bộ phận của tỉnh và giải quyết thủ tục theo “dịch vụ một cửa”. Nghĩa là hồ sơ của người dân sau khi được cán bộ ở khu vực này tiếp nhận sẽ được chuyển tiếp lên cơ quan chuyên môn và được chuyển về lại cho dân ở khu vực này.
Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 1
Thủ tướng xem tòa cảnh dự án TP. Mới với hạt nhân là tòa nhà hành chính tập trung

Tại khu vực hành chính mở ở tầng trệt, người dân có thể sử dụng miễn phí máy tính có kết nối internet để truy cập xem tiến độ giải quyết hồ sơ của mình đến đâu hoặc cũng có thể tra cứu thông tin trên mạng. Ngoài ra, tại đây người dân còn được cán bộ tư vấn pháp lý. Để tạo cảm giác thư thái cho người dân, ngay sát khu hành chính này có khu vực phục vụ cà phê, giải khát….

Mặt chính của tòa tháp hướng ra hồ nước với quảng trường nhân dân có sức chứa 10.000 người.
Ở tầng 16 của tòa tháp đôi này là nơi làm việc UBND tỉnh. Tầng này có phòng khách chuyên dùng để lãnh đạo tỉnh tiếp các đoàn công tác. Tầng 17 là của Tỉnh Ủy. Nơi đây có phòng họp với sức chứa hàng trăm người.

Từ những tầng cao của tòa tháp đôi này có thể nhìn bao quát cả dự án TP. Mới Bình Dương với các hạng mục khá ấn tượng như công viên nước, các khu đô thị, thương mại, đại học quốc tế Miền Đông…
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định, Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh sẽ trở thành biểu tượng cho sự phát triển của Bình Dương trong kỷ nguyên mới.


Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 2
Toàn cảnh tòa nhà hành chính tập trung

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 3
 Khung cảnh khá nên thơ

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 4
Tòa nhà là nơi bố trí 54 sở ngành đơn vị cấp tỉnh

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 5
 Nhiều người dân tới giải quyết thủ tục hành chính cảm thấy hài lòng

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 6
 Phía trong tầng 17 nơi Tỉnh ủy Bình Dương làm việc

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 7
Phía trong tòa nhà có dịch vụ cà phê giải khát cho người dân và cán bộ

Cận cảnh trung tâm hành chính lớn nhất VN - 8
 Hàng chục máy tính nối mạng cho người dân tra cứu miễn phí

Cát Tường

Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

Chuyện vui - Liệu tác giả FlappyBird có GATO?*

Chuyện vui
Liệu tác giả FlappyBird có GATO?*

Chuyện này nghe được ở một câu lạc bộ tin học trẻ:

– Ê tụi bay, sáng nay tớ vừa đi chùa, phát hiện có một đề tài làm game bảo đảm ăn đứt Flappy Bird!
Cả đám liền xúm lại hỏi:
– Nói mau đi rồi cho bọn này tham gia với!
– Tớ thấy ở chùa người ta thả chim phóng sinh xong, chim bay một chốc thì… rơi, tức là rụng hết ráo. Thì không hiểu do bị bỏ đói hay cắt cánh để người bán chim bắt lại? Thế là tớ nảy ngay ra ý định làm cái game cho người chơi sao người điều khiển con chim bay giữa cổng chùa và người bắt, chim nào bay thoát là chấm điểm, là win là thắng…!
Mọi người ồ lên vẻ thất vọng:
– Thế thì đằng ấy ăn cắp bản quyền của Nguyễn Hà Đông trắng trợn quá. Thế không sợ phạt, bị ném đá trên Phây à?

Một nhà tin học rất trẻ bỗng chen ngang:
– Tôi có cái đề tài game khác và bảo đảm rằng ông Hà Đông phải GATO * mà không kiện cáo gì được. Nó lại rất phù hợp với giới trẻ nhé. Game này mang tên “Không cho yêu là giết”!
– Nghe hấp dẫn quá, mà sao thấy… quen quen?
– Quen là phải. Vì hồi này các đằng ấy chả thấy tin tức trong giới trẻ đang lên rộ lên hội chứng không cho yêu là đâm, đốt, lấy đá đập đầu đấy sao! Nên tôi đã nảy ra ý làm cái game điều khiển một cô gái chạy giữa những sát thủ đòi yêu. Nếu như cô gái chạy thoát thì ghi điểm, không thoát thì… bị giết tắp lự!
- Kinh, kinh! … khắp xung quanh thấy lào xào bình bán…




Một nhà tin học trông có vẻ chững chạc hơn hết trong đám trẻ này lên tiếng:
– Thôi dẹp đi, đề tài thế này người lớn không khoái chơi đâu. Khó tiếp thị, khó tăng số lượng người chơi, doanh thu sẽ rất cà mèng.  
– Tại sao vậy chứ?
– Thế tụi bay không thấy nhiều người lớn cũng muốn bày tỏ lòng yêu nước nhưng người ta không cho đấy sao! Người lớn người ta lập luận ngon ơ à: “không cho chúng tui iu thì ông bà cứ thoải mái iu hết đi, khỏi khỏi nhá”, chứ người ta chẳng vạ gì mà phạt mà giết, mệt người tốn sức…

Cả đám trẻ cười ồ.
Xin lỗi tác giả FlappyBird đặt cái tít ăn theo người nổi tiếng, chứ thực ra câu chuyện mua vui này chả liên quan gì mấy đến anh Nguyễn Hà Đông tài ba cả thế giới tin học biết mặt biết tài...

Tác giả: Khuyết danh
*(GATO: ghen ăn tức ở)

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

Chút ký ức và nghĩ ngợi nhân 17/2



Chút ký ức và nghĩ ngợi nhân 17/2





Bước vào năm 1978, nhất là dịp cuối năm, tình hình biên giới cả Tây Nam và phía Bắc đều căng thẳng. Cán bộ làm việc ở các cơ quan trung ương khi đó cử nhiều đoàn (từng tốp/nhóm gọn dưới 10 người) đi “tăng cường biên giới”. 

Cuối tháng 11 đầu tháng 12/1978 mình đi lên biên giới vào đoàn có rất đông cán bộ bộ Văn hóa. Nhóm của mình gọn nhẹ, đi Bát Xát, Mường Khương thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn (lãnh đạo đất nước khi đó chẳng biết nghĩ sao hăng hái gộp 3 tỉnh lại là Lào Cai, Yên Bái và Nghĩa Lộ vài 1 tỉnh cho nó to lớn và... hoành tráng; sau một thời kỳ lại buông bỏ, tản thành 3 như cũ !). 

Mình còn nhớ dù đã hơn 35 năm trời trôi qua rồi mà những gương mặt anh em trong tốp mình vẫn in sâu - mặc cho sau đó rất ít khi gặp nhau do mỗi người mỗi công việc. Chẳng hạn anh Toán anh Hùng là người trên Văn phòng bộ Văn hóa tính nết hai anh lớn tuổi nhất tốp này đều hết sức hiền lành. Các bạn Hiến, Ngân, Lập trẻ hơn thì đều vui tính; như Hiến "Hàng Gai" làm dưới trường Nghiệp vụ bộ Văn hóa, Hiến kéo phong cầm (accordéon) thì thôi rồi, nghe xong em nào cũng theo; còn Ngân và Lập đều làm ở Triển lãm trung ương (giờ là TL Giảng Võ), trong đó Ngân là một Trưởng nhóm hết sức gương mẫu và yêu quý anh em trong tốp. Được như thế là hồi đó mọi người đều thiếu thốn nghèo khó cả, đi với nhau lại “ba cùng”, nên tình thương yêu đùm bọc là điều ai cũng tự nguyện tự giác, như đều muốn nêu gương để bạn mình đỡ nghĩ ngợi thiệt thòi. Một thời tuyệt như vậy đấy các bạn trẻ ngày nay ạ.



Chuyến đi vài tháng này cho mình nhiều điều hiểu biết mà đặc biệt có lẽ là có cái nhìn về TQ hết sức cụ thể, thấy được thực chất của người anh (thứ) 2 này (anh cả hồi đó là Liên Xô mà).

Điều rõ nhất, gây ấn tượng ngay và rất mạnh là cái nhìn về tư cách một đất nước (có lẽ khu lại ở “giới lãnh đạo” thôi thì nó đúng thực chất hơn). Mình không biết dùng từ gì, có người dùng từ “tiểu khí”, “tiểu nhân”. Nói thật mình rất ngại nói thế lại bảo hạ nhục người ta?. Chứ nói thực, hồi đấy tuy chỉ mới ở tuổi “băm” (35 tuổi) mà mình đã có nhận xét với anh em trong đoàn là một nước lớn, dân tộc có lịch sử-văn hóa nhiều chiều kích đến như TQ mà sao bên ấy lãnh đạo họ chủ trương "hạ sách" đến như vậy? Đó là cứ cho thả cửa vu khống vu vạ láng giềng. Là một cứ một mình một cửa chơi cái trò rất trẻ con là chõ loa, mở hết công suất hết ngày đêm để “nói xấu hết nước hết cái” phía Việt Nam chúng ta !? Mà xem ra đều là kiểu vu oan giá họa, ít xít ra nhiều, nặng về suy diễn chụp mũ... Hồi đó anh em và mình cứ lên chốt Mường Khương, rồi có lúc quay về thị xã, ở ngay các thôn, xã, khu phố sát biên gần bên cầu Cốc Lếu là đã inh tai nhức óc các lời lẽ đài đóm từ đài Bắc Kinh cho đến các đài địa phương nói xấu Việt Nam.  
  
......

Sau này chiến tranh biên giới xảy ra, quân xâm lược TQ phạm nhiều tội ác tày trời với dân ta, mình có cơ hội đọc nhiều tài liệu, tiếp xúc với những người am tường về TQ, về văn hóa Trung Hoa, mình hiểu sâu thêm “thế nào là TQ?” theo cả nghĩa ưu điểm và khuyết điểm của đất nước này. 

Ở đây mình muốn nói ngay một điều: Chắc chắn là mình không thuộc dạng người cực đoan, là bài ngoại bài Hoa gì cả. Mà là cố gắng hết sức theo hướng nhìn đúng thực chất của vấn đề, nói lên vừa đủ để cắt nghĩa điều định nói.

Với cách nhìn đó thì thấy ra một điều khá là dễ nhận ra về TQ là bất cứ triều đại nào của bên nước láng giềng này (ngay giờ đây là các “triều đại” kế tiếp nhau của ĐCSTQ cũng vậy), là những người cầm quyền TQ chỉ một mực nghĩ mình là đúng, hình như không muốn người khác (người đối thoại với họ cũng vậy) là đúng là có lý hơn hơn họ đâu! Họ áp đặt lối nghĩ, lối giải thích theo cách họ muốn, hình như không cho ai nói khác?! Với họ đã yêu ai thì quý hóa ra mặt. Sự quý hóa đó đến mức người được quý hóa cũng lắm khi tự hỏi mình xứng đáng hưởng ưu ái thế không, có khi đến “phát ngượng” vì được quý. Nhưng một khi đã không ưa ai (là không làm vừa lòng, không hợp lợi ích của họ) thì họ tung hê hết, kiểu không ưa dưa có dòi! Rồi là không ngần ngại vu cho đủ điều, không chừa cho người ta một lỗ mà chui xuống đất... Ghê gớm và tàn độc hết chỗ nói là cái cách lãnh đạo nước này khu xử với nước yếu hơn nhỏ hơn. Chứ với nước lớn và mạnh, nước tỏ ra đàng hoàng cứng cỏi thì họ lại phải nhũn, phải kiềng mặt...

Cho nên với một quốc gia to rộng với nhiều tham vọng này, VN mình là láng giềng "không cách nào dọn đi chỗ khác được" thì nên khéo mà khu xử kiểu “kính nhi viễn chi” thôi, đừng dại dột mà thiết tha tin cậy… Và nếu như ở khía cạnh kẻ cầm quyền, thì hãy biết lo cho dân cho nước được dân chủ hùng cường đặng có thế và lực đủ mà chuyện trò bình đẳng với TQ. Nghĩa là không so vai rụt cổ, bởi luôn có dân một khối kết chặt đứng đằng sau... thì mới là đại phúc hồng phúc cho quốc gia dân tộc một khi phải sống gần, sống bên cạnh TQ.

 Vệ Nhi
 

 

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Ấn vẫn còn thiêng ?

 Ấn vẫn còn thiêng ?


Chủ Blog tôi mới nhận được những dòng biếm & vui về Ấn. Là về những dòng người cứ sau Tết lại lũ lượt quây tụ các phủ đệ đền đài chùa chiền khắp nơi - nhất là đền Trần Nam Định là rõ nhất - để cầu cạnh tranh giành nhau xin Lộc xin Ấn mang về...

Hóa ra cái tâm lý thích làm Quan vẫn nguyên vẹn trong dân mình. Và cơ chừng còn tăng lên hơn vì nghề này xem ra "hái ra tiền" (cứ nhìn các vụ đại án đã và sắp xét xử thì biết). Hãi thật.

Blog tôi đưa tiểu phẩm ngắn lên đây bà con cùng... cười, cười đầu Xuân nhé.

Vệ Nhi


------



Ấn vẫn còn thiêng ?

 Trong hội đền Trần năm nay, có một khách dự hội cứ quay sang hỏi người này đến người khác:

– Bác nào biết năm nay có bao nhiêu ấn được bán ra ạ?
– Nghe nói 50 vạn.

Người hỏi hốt hoảng:

– Ối giời, nhiều thế a! Thế thì chết em rồi!

– Sao lại chết? Bộ nhà bác kinh doanh… ấn chợ đen à?

– Chết vì thế này: em là công chức, vừa nghe bộ Nội vụ công bố dự thảo chính sách tinh giản biên chế 100.000 người, nên vội lên đây xin cái ấn cho nó yên tâm. Nhưng mà ấn bán ra nhiều thế, ai cũng mua được cả thì lấy ai tinh giản cho đủ số 100.000? Thế thì lo lại hoàn lo!

Nghe xong, cả đám đông chùng xuống lo lắng. Một người thú nhận:

– Tụi em cũng giống bác, lên đây chỉ cốt cầu cho cái ghế công chức được yên ổn, nay bác nói thế thì đáng lo thật!

Trong đám đông, một khách phá lên cười:

– Không sao không sao! Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội vừa cho biết: sau năm năm tinh giản biên chế, bộ máy công chức nhà nước phình thêm 20%! Cho nên không chừng cái chỉ tiêu 100.000 đó vài năm nữa là số… tăng thêm đấy! Mọi người cứ vô tư, nhá!

Tất cả thở phào, lại háo hức chờ mua ấn. Còn người khách ban nãy thì gật gù tự nhủ:

– Thế thì đợi chừng nào bộ Nội vụ tinh giản biên chế trong chính bộ máy của mình trước mới đáng lo, nhỉ?

Tác giả: Khuyết danh 

Chủ Nhật, 9 tháng 2, 2014

Về các mối quan hệ: Việt Nam-Hoa Kỳ & Việt Nam-Trung Quốc


Việt Nam-Hoa Kỳ & Việt Nam-Trung Quốc


 Đầu Xuân mới xin mở đầu đề cập đến 2 mối quan hệ song phương có thể nói là quan trọng bậc nhất với Việt Nam hiện nay (trước đây cũng từng là vậy) trong công tác đối ngoại và ngoại giao - là mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cùng với mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc.

Xét về hoạt động và đời sống ngoại giao thì có thể xem bài viết mới đây đăng trên Website của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) là cách thức “cùng bày tỏ” và “cùng làm thêm cho công khai, rõ ràng hơn” về mối quan hệ Việt Nam – Mỹ. Cách thức mà Đài Hoa Kỳ đề cập là một lối đưa tin,  trích từng đoạn nội dung lời phát biểu của vị Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ hiện nay – ông Nguyễn Quốc Cường - ; và xen vào thỉnh thoảng lại dẫn dắt câu chuyện rồi bình luận theo những kiểu riêng mà báo chí và truyền thông nước Mỹ thường hay sử dụng.

Ngoài quan hệ hai nước, bài viết còn trích dẫn ý kiến của ông Đại sứ Việt Nam về một mối quan hệ song phương quan trọng khác, đó là mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Và chính tổng hợp lại cách thức trình bày mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc, bài viết này vô hình trung đóng vai trò như “một sự bắn tin”, “một sự gợi ý ngầm” đối với chuyến công chu châu Á của Tổng thống Mỹ Obama dự định vào tháng 4/2014 tới đây.

Xin mời mọi người cùng tham khảo tại chính nguyên văn bài viết đó.

Vệ Nhi

 ----- 

 

Về các mối quan hệ:

Việt Nam-Hoa Kỳ & Việt Nam-Trung Quốc

Đại sứ Việt Nam Nguyễn Quốc Cường nói đại ý rằng, Việt Nam muốn làm việc với Mỹ và các đối tác khác để hoàn tất TPP sớm nhất có thể.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Cường mới nói như vậy tại một cuộc hội thảo nhận định về tình hình khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2014 tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC.




Tin cho hay ông Obama sẽ công du tới một số nước châu Á vào tháng Tư tới đây, và nhà ngoại giao của Việt Nam đánh giá đây là chuyến thăm ‘hết sức quan trọng’, cho thấy sự chú tâm của Washington dành cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Đại sứ Việt Nam bày tỏ hy vọng về một điểm mà phía Hà Nội đã vận động ráo riết thời gian qua, đó là Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (tức TPP).
Phía Việt Nam chúng tôi muốn làm việc với Mỹ và các đối tác TPP khác để hoàn tất TPP sớm nhất có thể.

Ông Nguyễn Quốc Cường nói.
Ông nói: “Khi Tổng thống Obama tới thăm khu vực vào tháng Tư tới, chúng tôi kỳ vọng rằng sẽ có thông báo quan trọng về TPP.  Phía Việt Nam chúng tôi muốn làm việc với Mỹ và các đối tác TPP khác để hoàn tất TPP sớm nhất có thể”.

Trong khi đó, mới đây, lãnh đạo khối chiếm đa số thuộc phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, cho biết ông phản đối dự luật liên quan tới TPP.

Có nhận định cho rằng dự luật liên quan, được đưa ra Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng Một, ‘sẽ không đi tới đâu’.

Nhiều người trong chính đảng Dân chủ của ông Obama cũng cùng với các liên đoàn lao động Mỹ phản đối việc hạ thấp rào cản thương mại vì họ cho rằng nó sẽ gây ra tình trạng mất việc làm do tình trạng cạnh tranh gia tăng.

Một số nhà hoạt động có tiếng nói trái chiều với Hà Nội thời gian qua cũng lên tiếng kêu gọi Mỹ dùng TPP để gây áp lực yêu cầu Việt Nam chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền.
Tiến bộ sẽ tăng tốc chừng nào hai nước chúng ta tiếp tục nhận thức được các quyền lợi chung về các vấn đề kinh tế, môi trường và an ninh trong khi thấu hiểu các quan ngại của nhau về nhân quyền.
Ông Nguyễn Quốc Cường viết.
Trong một bài mới đăng trên tờ The Hill của Quốc hội Mỹ, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường viết rằng các cuộc đàm phán về TPP đang ‘tiến triển’.

“Tiến bộ sẽ tăng tốc chừng nào hai nước chúng ta tiếp tục nhận thức được các quyền lợi chung về các vấn đề kinh tế, môi trường và an ninh trong khi thấu hiểu các quan ngại của nhau về nhân quyền”, ông Cường viết.

Hiện có 12 nước đang tham gia đàm phán về TPP, trong đó có Việt Nam và Mỹ, chiếm tới 40% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Ngoài TPP, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, ông Cường nói thêm rằng Việt Nam và các nước khác ‘hoan nghênh chính sách chuyển trọng tâm sang châu Á của Mỹ, chừng nào chính sách đó đóng góp vào hòa bình, an ninh và phát triển của khu vực’.

Theo nhà ngoại giao này, Hà Nội ‘muốn chứng kiến thêm nữa sự hợp tác về kinh tế và thương mại của Mỹ’.

Ông Cường nói: “Không phải mọi quốc gia trong khu vực đều là thành viên của TPP. Tôi nghĩ rằng Mỹ và các nước khác trong khu vực nên đổ nhiều công sức thêm nữa vào sáng kiến E3 của Mỹ [về kinh tế, năng lượng và môi trường]. Có rất nhiều vấn đề mà chúng tôi muốn Hoa Kỳ quan tâm hơn nữa”.
Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước nhiều năm qua, nhưng nó chưa bao giờ được sử dụng. Năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng đường dây này. Hiện nay chúng tôi cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện với Trung Quốc.
Ông Nguyễn Quốc Cường nói.

Ngoài ra, ông Cường còn đề cập tới mối quan hệ mà ông nói là ‘truyền thống với lịch sử hàng nghìn năm’ với Bắc Kinh.




Nhà ngoại giao này nói rằng Hà Nội muốn có mối bang giao tốt đẹp với nước láng giềng lớn của Việt Nam.

Ông cũng cho rằng trong năm 2013, quan hệ song phương ‘đã cải thiện’ với các chuyến thăm cấp cao và các cuộc tiếp xúc thường xuyên giữa Hà Nội và Bắc Kinh.

Đại sứ Việt Nam nói: “Chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước nhiều năm qua, nhưng nó chưa bao giờ được sử dụng. Năm ngoái, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng đường dây này. Hiện nay chúng tôi cũng đã thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện với Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Việt Nam".

Ông Cường nói thêm: "Dẫu vậy, tôi cũng phải nói rằng chúng tôi [Việt Nam – Trung Quốc] vẫn có quan điểm hết sức khác nhau về các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông. Chúng tôi đã  thể hiện mối quan ngại của chúng tôi. Chúng tôi đã nhiều lần lặp lại quan ngại của chúng tôi về các động thái gần đây của Trung Quốc ở biển Đông như lệnh cấm đánh bắt cá chẳng hạn”.

Ông Cường cũng nói rằng vấn đề tranh chấp ở biển Đông ‘rất phức tạp’, và Việt Nam không kỳ vọng các tranh chấp sẽ được giải quyết một sớm một chiều.

Nhà ngoại giao này cũng kêu gọi các bên liên quan giữ ‘cái đầu lạnh’ trong bối cảnh ‘chủ nghĩa dân tộc gia tăng trong khu vực’.

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...