Thứ Năm, 29 tháng 12, 2016

2016: SỰ KIỆN THẾ GIỚI NỔI BẬT

2016: SỰ KIỆN THẾ GIỚI NỔI BẬT

Như thường lệ vào những ngày kết thúc một năm, rất nhiều cơ quan thông tấn, báo chí đã bình chọn và công bố các sự kiện nổi bật. 

Cho dù cách bình chọn là khác nhau bởi mỗi cơ quan báo chí thường ưu tiên lựa chọn lĩnh vực này hay một lĩnh vực khác, hoặc có khi nhấn mạnh tới khía cạnh nào đó mà độc giả báo nhà quan tâm. Cũng có tờ báo hình như muốn tăng tính hấp dẫn cho độc giả của mình khi chỉ điểm lại những sự kiện thuộc thành quả xứng đạt được của con người nhưng cạnh đó còn có những mất mát đau thương, rồi cả ngạc nhiên và bất ngờ trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, y tế, văn hóa, xã hội và giải trí.

Có thể nói tất cả các sự lựa chọn nói tới đều nêu bật lên một đặc điểm chung nhất của năm 2016 sắp qua đi: Đó là một năm thế giới chứng kiến nhiều biến động lớn và chứa đựng không ít những điều bất ngờ. Sự bất ngờ này là rất lớn bởi chẳng mấy ai ngay trong chính giới tinh hoa cũng như các nhà phân tích kỳ cựu họ lại dự đoán ra được hồi bắt đầu bước vào năm 2016 này.

Chính đây là điều lý thú và hấp dẫn cho cho những người theo dõi tình hình thế giới và giới nghiên cứu về thế giới và các quan hệ quốc tế hiện đại. 

Xin phép các báo và tác giả để đưa lại dưới đây một số bình chọn đã nói tới...

Vệ Nhi

------

BÁO THANH NIÊN

Bầu cử Tổng thống Mỹ: Donald Trump đấu Hillary Clinton
 
Từng được xem là những người bạn của nhau, năm 2016 chính trường Mỹ sẽ chứng kiến cảnh hai ứng viên Donald Trump đấu Hillary Clinton trong cuộc đua bầu tổng thống Mỹ năm 2016.
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 1
Bà Hillary Clinton (trái) và ông Donald Trump liệu có phải đối đầu trực tiếp trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016? - Ảnh: Reuters

Không phải đợi lâu, ông Donald Trump, ứng viên tranh cử phía đảng Cộng hòa nổi bật với hàng loạt phát ngôn gây sốc, đã chuyển hướng “tấn công” sang bà Hillary Clinton, một trong những đại diện nổi bật đang tranh cử bên phe Dân chủ, theo tạp chí Time ngày 30.12.
Hiện cả ông Trump lẫn bà Clinton đều là những người dẫn đầu các cuộc thăm dò về mức độ ủng hộ bên mỗi đảng ở Mỹ, và báo chí quốc tế đều dự đoán có khả năng cuộc bầu cử năm 2016 sẽ là cuộc đối đầu trực tiếp của họ.

Căng thẳng Biển Đông: Mỹ - Trung Quốc tăng đối đầu

Năm 2016, Trung Quốc sẽ hoàn tất việc bồi đắp và xây đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của các nước trên thế giới. Các đường băng, hải đăng và tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo phi pháp này sẽ hoàn thành.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 2
Đường băng Trung Quốc xây dựng phi pháp trên Đá Xu Bi - Ảnh: DigitalGlobe
 
Sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông được dự báo tiếp tục căng thẳng, theo nhận định của tờ The Economist (Anh). Theo đó, Washington tiếp tục điều máy bay và tàu chiến áp sát các đảo nhân tạo phi pháp này để khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không. Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa ở các đảo nhân tạo và có khả năng lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Và Trung Quốc sẽ tiếp tục phản đối Mỹ tăng cường hỗ trợ, hợp tác an ninh với các đồng minh và đối tác trong khu vực vì lo sợ động thái này của Mỹ là nhằm cô lập Trung Quốc.

Xung đột, chiến tranh nhiều hơn hòa bình

Các chuyên gia dự đoán thế giới trong năm 2016 sẽ chứng kiến nhiều cuộc chiến và xung đột hơn là hòa bình, từ châu Á cho đến châu Mỹ.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 3
Quân đội Iraq tiến vào tái chiếm thành phố Ramadi từ tay quân IS, ngày 298.12.2015 - Ảnh: Reuters
 
Trên tờ The Economist (Anh), ông John Andrews, tác giả quyển sách World in Conflict (tạm dịch: Thế giới trong xung đột), dự đoán: “Nhiều khu vực ở Syria, Iraq và châu Phi được dự đoán sẽ chìm trong bạo lực; những băng đảng ma túy sẽ đe dọa sự ổn định của Mỹ Latinh; và những ‘xung đột đóng băng’ từ bán đảo Triều Tiên cho đến vùng Caucasus có nguy cơ kích ngòi cuộc chiến tranh mới”.
 
Ông Andrews dự đoán trong năm 2016, quân đội các nước chuyển sang chiến tranh chống lại phiến quân hay các tổ chức cực đoan, khủng bố; hoặc chiến tranh ủy nhiệm, hay tình trạng nội chiến.

Tổng thống Putin và nước Nga xoay chuyển cục diện

Năm 2015 qua là quãng thời gian khó khăn cho kinh tế của Nga, bên cạnh vụ máy bay Nga chở 224 người rơi tại bán đảo Sinai của Ai Cập vào ngày 31.10 được cho là do bị khủng bố gài bom.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 4
Tình hình nước Nga và những quyết định của Tổng thống Vladimir Putin luôn gây sự quan tâm trên toàn thế giới - Ảnh: Reuters 

Mặc dù vậy, với việc Tổng thống Vladimir Putin liên tục “ghi điểm” qua hàng loạt hành động ở Syria, năm 2016 hứa hẹn tiếp tục là thời điểm người Nga đặt hy vọng vào ông. Nga sẽ chịu lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây thêm 6 tháng (tới tháng 7.2016) và liệu họ sẽ xoay chuyển cục diện?

Giải pháp chính trị cho Syria và chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad

Tổng thống Bashar al-Assad và người ủng hộ ông vẫn hy vọng nhiều vào sự hậu thuẫn của Nga, trước các cuộc nổi dậy của những nhóm chính trị trong nước do Mỹ và phương Tây chống lưng.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 5
Mỹ có phần nhượng bộ về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Syria, nhưng kết cục vẫn chưa được định đoạt - Ảnh: Reuters 

Đầu năm 2016, một ủy ban đàm phán gồm 33 thành viên đối lập sẽ cử đại diện đàm phán với chính quyền Syria hiện tại. Đó có thể là lúc mở ra một loạt diễn biến mới cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria, và có thể chấm dứt được cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài.

Giá dầu 2016 tiếp tục lao dốc

Đây là điều được báo trước, vì Ả Rập Xê Út không thay đổi chính sách cung ứng dầu của mình, The Wall Street Journal hôm 31.12.2015 dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê Út, ông Ali al-Naimi.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 6
Ả Rập Xê Út sẽ khiến giá dầu thêm lao dốc? - Ảnh: AFP 

Việc Ả Rập Xê Út, một thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tiếp tục bơm dầu vào thị trường đã khiến giá dầu giảm mạnh trong thời gian dài. Và nếu họ giữ nguyên chính sách ấy, năm 2016 dự kiến sẽ chứng kiến cảnh các đại gia dầu mỏ gồng mình chiến đấu trong bối cảnh giá dầu thấp do cung lớn hơn cầu.

Cuộc khủng hoảng tị nạn sẽ còn tiếp tục

Năm 2015, thế giới và đặc biệt các nước châu Âu đối mặt cuộc khủng hoảng người tị nạn. Cả triệu người từ Libya, Syria đã tràn vào châu Âu và nhiều nơi, gây áp lực lớn cho chính phủ các nước.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 7
Thách thức từ dòng người tị nạn sẽ tiếp tục đè nặng lên nhiều nước trên thế giới - Ảnh: AFP 

Với việc tình hình chiến sự ở Syria chưa kết thúc, song song các cuộc không kích nhằm vào IS, năm 2016 vẫn đứng trước viễn cảnh không mấy tốt đẹp về vấn đề người tị nạn. Theo thông tin mới đây, Reuters cho biết chính phủ Đức đã chuẩn bị kế hoạch 17 tỉ euro để đối phó vấn đề tị nạn trong năm 2016.

EU và nỗi lo nước Anh chia tay

Là nền kinh tế thuộc loại hàng đầu thế giới, khối Liên minh châu Âu (EU) có tác động lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, và từng biểu hiện trục trặc bên trong của nó cũng sẽ có tác động lớn với bên ngoài. Hiện tại sau khi tạm “cứu” được Hy Lạp, EU đang thảo luận tìm giải pháp trước việc nước Anh, một thành viên lớn của EU, có khả năng rời khối này.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 8
Thủ tướng Anh David Cameron liệu sẽ tổ chức trưng cầu về việc ở lại hay rời EU năm 2016? - Ảnh: Reuters 

Thủ tướng Anh David Cameron từng hứa chậm nhất vào năm 2017 sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để quyết định có ở lại EU hay không. Tuy nhiên theo đánh giá của FX Street (cổng thông tin và phân tích kinh tế, thị trường), một cuộc bỏ phiếu nhiều khả năng sẽ xảy ra vào năm 2016.
Vận mệnh của EU theo đó cũng phụ thuộc nhiều vào viễn cảnh nước Anh rời EU (gọi là Brexit).

IS sẽ suy sụp?

Năm 2016 dự kiến tiếp tục là giai đoạn toàn cầu đối phó mạnh tay với tổ chức cực đoan nguy hiểm nhất hiện nay: IS.
 
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 9
Năm 2016 sẽ chứng kiến sự suy tàn của IS? - Ảnh: Reuters 
 
Trong năm 2015, các nước như Nga, Pháp, Úc, Anh, Đức và mới nhất Trung Quốc đều có nhiều hoạt động mang tính bước ngoặt trong nỗ lực chống IS. Việc quân đội Iraq giành thắng lợi ở thành phố Ramadi cuối năm 2015, cũng như việc IS liên tục bị Nga, Mỹ và liên quân dội bom cấp tập ở cả Syria lẫn Iraq cũng như cắt đứt nguồn lợi tài chính từ dầu mỏ cho thấy sức mạnh của tổ chức khủng bố này suy yếu dần. Chính vì vậy, năm 2016 cũng có thể là thời kỳ suy tàn của IS.

Kinh tế Trung Quốc đối diện khả năng sụp đổ

Đó là nhận định của National Interest ngày 19.12, phản ánh những khó khăn kinh tế mà Trung Quốc đối mặt sau 30 năm phát triển liên tục.
 
 
Thế giới 2016: Nhiều thay đổi mang tính bước ngoặt - ảnh 10
Các tòa nhà đang xây ở Nhật Chiếu, tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc) trong ngày đầy sương mù và khói bụi 18.10.2015 - Ảnh: Reuters


Năm 2015 chứng kiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng khoảng 7%, con số thấp kỷ lục của nước này. Bất chấp chính phủ Trung Quốc hai lần đưa ra đợt giảm lãi suất, chỉ số tiêu dùng vẫn thấp do tâm lý người dân muốn giữ tiền và đợi giảm thêm. Nhập khẩu của Trung Quốc vào tháng 11 giảm 8,7%, đánh dấu kỷ lục 13 tháng suy giảm liên tiếp. Xuất khẩu cũng giảm 6,8% và đó là tháng thứ 5 liên tiếp giảm.

Nguy cơ kinh tế sụp đổ đột ngột vào năm 2016 có thể vẫn được ngăn chặn từ các biện pháp cải cách của Trung Quốc, nhưng có thể nó sẽ phát triển theo hình chữ “L”, tức kéo dài trì trệ trong thời gian tới, The Wall Street Journal dẫn lời một quan chức cấp cao Trung Quốc nhận xét.

----- 

THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN



1. Chiến thắng bất ngờ của ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump

Cuộc bầu cử ngày 8-11 đi vào lịch sử Mỹ với chiến thắng vang dội của ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump. Đây là lần đầu tiên, Mỹ có tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân, là một tỉ phú, chưa có kinh nghiệm chính trị.
Việc ông Trump đưa vào nội các mới nhiều tỉ phú cũng gây thích thú cho giới phân tích. Trong đó, có một số gương mặt xuất sắc về ngoại giao, tài chính, quốc phòng, an ninh, tình báo.
Với sự thân thiện với Tổng thống Vladimir Putin, ông Trump được cho là có thể cải thiện mối quan hệ Nga – Mỹ (NATO) căng thẳng lâu nay.

Hiện trường vụ tấn công bằng xe tải ở Berlin, Đức. Ảnh: Reuters

2. Bất ổn an ninh tiếp tục ám ảnh châu Âu

Hàng loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra tại nhiều nước Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp, Bỉ, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ… với mức độ tàn bạo gia tăng gây chấn động dư luận và cho thấy những lỗ hổng an ninh cũng như sự hợp tác lỏng lẻo giữa các nước trong EU.
Bên cạnh "bóng ma" khủng bố, cuộc khủng hoảng di cư dai dẳng, những rối ren chính trị sau cuộc đảo chính bất thành tại Thổ Nhĩ Kỳ, cùng những lo ngại về chính sách của chính quyền mới tại Mỹ... đang đặt EU trước những thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
* Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ trong 2 ngày 15-7 và 16-7 nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thất bại khiến hơn 37.000 người bị bắt và hàng chục ngàn người bị sa thải trong các cuộc thanh trừng sau đó. Cuộc đảo chính bất thành này khiến Tổng thống Erdogan ngày càng xa rời Mỹ, xích lại gần Nga, qua đó ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến Syria và tình hình Trung Đông.

3. Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit)

Đa số cử tri Anh đã bỏ phiếu lựa chọn rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6.
Sự kiện trên đã gây chấn động thế giới, làm thay đổi toàn bộ cục diện chính trị bên trong quốc gia vốn được coi là một trong những trụ cột của EU, đồng thời làm thay đổi kết cấu địa chính trị trên thế giới, kéo theo những nguy cơ bất ổn lớn cho EU cả về chính trị, an ninh lẫn kinh tế.
Hiện, Thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực vừa khôi phục nền kinh tế Anh vừa kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon giúp Anh rời EU nhanh chóng và an toàn.

4. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực

Sau khi được gần 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có các nước phát thải nhiều nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ... phê chuẩn, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu chính thức có hiệu lực từ ngày 4-11, sớm hơn nhiều so với dự kiến.
Điều này cho thấy nhiều nước nhận thức rõ hơn về hiểm to lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Điển hình nhất là đợt El Nino kéo dài từ cuối năm 2015 đến đầu năm 2016, gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục tại Nam Á; cháy rừng tại Đông Nam Á, châu Phi và Mỹ; lũ lụt nghiêm trọng tại Mỹ Latinh; bão, động đất gây sóng thần tại một sối nước châu Á.

     Hàng ngàn thanh niên Cuba tập trung tại Đại học Havana tưởng nhớ lãnh tụ Fidel Castro. Ảnh: Reuters

5. Lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời

Nhà cách mạng của thế kỷ XX, Fidel Castro, qua đời ngày 26-11 ở tuổi 90.
Do có công tập hợp và lãnh đạo các lực lượng cách mạng Cuba, sáng lập Nhà nước XHCN đầu tiên tại Tây bán cầu, ông đã trở thành huyền thoại không chỉ trong lịch sử Cuba mà còn của cả Mỹ Latinh và thế giới. Tang lễ của ông đã được Nhà nước Cuba tổ chức theo nghi thức quốc tang trong 9 ngày.

6. Colombia đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử

Sau gần 4 năm đàm phán khó khăn, ngày 26-9, chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã ký kết thoả thuận hòa bình, chấm dứt 52 năm xung đột, mở ra cơ hội cho hòa bình, hòa giải dân tộc tại nước này.
Sau khi bị bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân, thoả thuận sửa đổi giữa 2 bên đã được ký kết ngày 24-11 và được Quốc hội Colombia chính thức thông qua ngày 1-12. Thỏa thuận được đánh giá là hình mẫu giải quyết các cuộc xung đột ở nhiều nước khác như Syria, Yemen và Nam Sudan...
Nhờ những đóng góp cho việc ký văn kiện lịch sử trên, Tổng thống Colombia J.M.Santos đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2016.

  Vụ rò rỉ 11 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca trụ sở tại Panama gây chấn động thế giới.
 
7. Hồ sơ Panama gây chấn động thế giới

Vụ rò rỉ 11 triệu tài liệu mật của công ty luật Mossack Fonseca trụ sở tại Panama đã vén màn bí mật về các hoạt động trốn thuế và rửa tiền từ giữa thập niên 1970 đến nay, liên quan đến hàng trăm ngàn công ty trên toàn cầu.
Vụ việc gây chấn động cả thế giới, buộc chính quyền và cơ quan chức năng nhiều nước phải vào cuộc điều tra; nhiều quan chức, chính trị gia một số nước phải từ bỏ vũ đài chính trị.

8. Căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên

Đầu năm, CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân và cuối năm, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị bãi chức…Bán đảo Triều Tiên bất ổn định chưa từng có.

9. Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej băng hà

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej, băng hà vào lúc 15 giờ 52 phút chiều ngày 13-10 ở tuổi 88, sau 70 năm trên ngai vàng.
Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua có thời gian trị vì lâu nhất thế giới, lên ngôi sau khi anh trai ông qua đời năm 1946. Trong suốt 7 thập kỷ trên ngai vàng, ông được xem là người đem lại “sự ổn định và thống nhất cho một quốc gia có nhiều thay đổi và vẫn còn chia rẽ sâu sắc".
Lên nối ngôi là Thái tử Maha Vajiralongkorn.

10. Virus Zika lan rộng trên thế giới

Từ đầu năm 2016, virus Zika, tác nhân gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo, đã lây lan mạnh tại hàng chục nước và vùng lãnh thổ ở Mỹ La-tin và Caribe, buộc Tổ chức y tế thế giới (WHO) phải ban bố tình trạng khẩn cấp.
Sau đó, dịch Zika lan sang Mỹ, Canada, một số nước châu Âu và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Hiện, chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị hữu hiệu loại virus này.

----



BÁO CÔNG AN NHÂN DÂN

Chúng ta đã đi gần hết năm 2016, một năm đầy thách thức nhưng đã nỗ lực không ngừng, mang lại những thành quả xứng đáng song song cùng những mất mát đau thương, rồi cả ngạc nhiên và bất ngờ trong tất cả các lĩnh vực từ chính trị, y tế, văn hóa, xã hội, giải trí …

Những hình ảnh dưới đây để các độc giả, một phần nào đó có được góc nhìn toàn cảnh và chiêm nghiệm lại những diễn biến của chính mình. 

1. Đầu năm nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO đã tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do bệnh dịch Zika hoành hành. Theo báo cáo của Brazil, kể từ tháng 10 năm 2015, khoảng 4000 trẻ sơ sinh nước này sinh ra bị mắc bệnh đầu nhỏ với bộ não kém phát triển do người mẹ bị nhiễm virus Zika trong quá trình mang thai. 
 
 
Nguồn: Nacho Doce/Reuters 

2. Một người ủng hộ đã bị choáng ngợp khi ứng cử viên đảng Cộng Hòa Mỹ Donald Trump lại gần và chào hỏi cô trong một cuộc mít tinh ở Lowell, bang Massachusetts hồi tháng Một. 
Ông Trump bước vào cuộc bầu cử với làn sóng phản đối dữ dội. Tuy nhiên ông đã ngoạn mục vượt qua ứng cử viên nặng ký đảng Dân Chủ là bà Hillary Clinton để dành chiến thắng. Ông Donald Trump sẽ chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ vào cuối tháng Một năm 2017. 

Nguồn: Brian Snyder/ Reuters 

3. Trong một bữa tối thuộc khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Argentina vào hồi tháng Ba, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đệ Nhất phu nhân đã được mời nhảy điệu tango – điệu nhảy đặc trưng của đất nước Argentina. 

Nguồn: Pablo Martinez Monsivais/ AP

4. Ieshia Evans, một nữ y tá 27 tuổi đến từ New York đã trở thành biểu tượng của phong trào bênh vực quyền người da đen Black Lives Matter sau khi bức hình chụp cô ngày 9-7 được phát tán trên mạng xã hội, trong cuộc tuần hành phản đối cảnh sát giết người da đen tại Baton Rouge. 

Nguồn: Jonathan Bachman/ Reuters

5. Ngày 11-7, người dân New York đã chứng kiến một hiện tượng mặt trời lặn nơi thành thị giữa các tòa nhà chọc trời, khiến người ta nhớ đến khung cảnh này ở Stonehenge, nước Anh. 

Nguồn: Xinhua/Rex/Shutterstock
 
6. Cầu đáy kính khai trương hồi tháng Tám ở núi Thiên Môn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Cây cầu này dài 100m bên cạnh vực sâu cheo leo chính là địa điểm tham quan lý tưởng đối với những người mê mạo hiểm, không sợ độ cao.
 
Nguồn: Reuters

7. Ca sỹ da màu Beyonce và Kendrick Lamar đã cùng hát bài Freedom mở đầu lễ trao giải thưởng giải trí truyền hình cho người da đen tại Los Angeles, Mỹ. Cô cũng đã thắng giải thưởng video của năm với MV Formation.


Nguồn: Danny Moloshok/ Reuters

8. Ít nhất 3.800 người di cư đã thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Địa Trung Hải năm 2016 khi vượt biên. Năm 2015, con số này là gần 3.800 người. Đây là những người di cư từ Eritrea nhảy xuống biển, mong được cứu ở phía Bắc Sabratha, Libya.  

Nguồn: Emilio Morenatti/ AP

9. Hai vận động viên điền kinh tham gia Olympics Rio được ca ngợi vì đã hỗ trợ nhau sau khi đụng chạm và cùng ngã trên đường đua 5.000m. VĐV Mỹ Abbey D'Agostino trợ giúp VĐV New Zealand Nikki Hamblin khi thấy cô bị choáng.

Nguồn: Ian Walton/ Getty Images

10. VĐV Jamaica Usain Bolt cười với ống kính của phóng viên khi đua bán kết cự ly 100m. Vòng chung kết anh chạy mất 9,81 giây, giành huy chương vàng thứ ba.

Nguồn: Cameron Spencer/ Getty Images  

11. Hình ảnh cậu bé người Syria tên là Omran Daqneesh, 5 tuổi,  bàng hoàng và bị thương khi được cứu ra khỏi một tòa nhà bị phá hủy tại Aleppo đã gây chấn động thế giới. 


12. Binh lính Congo bắt giữ một dân thường tham gia biểu tình tại thị trấn Butembo hồi tháng Tám. Người dân phản đối chính phủ đã không đủ nỗ lực chấm dứt căng thẳng sắc tộc tại tỉnh Bắc Kivu. Trước đó, những kẻ nghi là phiến quân đã giết 30 người tại Cộng hòa Dân chủ Congo.

Nguồn: Kenny Katombe/ Reuters


13. Lễ hội thờ thần Ganesh của đạo Hindu kéo dài 10 ngày ở Mumbai, Ấn Độ.

Nguồn: Shailesh Andrade/ Reuters


14. Chiến dịch quân sự giành lại thành phố Mosul ở Iraq từ tay Nhà nước Hồi giáo (IS) đã khiến hàng nghìn người Iraq phải đi sơ tán. Chiến dịch này bắt đầu hôm 17-10, hơn hai năm sau khi IS dành quyền kiểm soát phấn lớn miền Bắc và miền Tây Iraq.

Nguồn: Zohra Bensemra/Reuters  


15. Nữ hoàng Anh Elizabeth II thăm quan mọt siêu thị trong chuyến thăm của bà tới Poundbury, sau khi tượng của bà được khai trương tại Dorset.

Nguồn: Justin Tallis/ Getty Images   


16. Kể từ năm 1948, đây là lần đầu tiên Mặt Trăng tới gần Trái Đất nhất. Ngày 14-11, Siêu Mặt Trăng sáng nhất tại châu Á và đã được chiêm ngưỡng khắp nơi trên thế giới. 

Nguồn: Hein Htet/ EPA

Linh Bùi

Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THẾ GIỚI 2016

ĐẶC ĐIỂM NỔI BẬT CỦA THẾ GIỚI 2016

Thấy trên mạng có 2 bài viết với khá nhiều tư liệu và nhận định về một khía cạnh nổi bật của thế giới 2016: Chủ nghĩa Dân túy xuất hiện khắp nới trên thế giới. Giới phân tích nhận định do làn sóng toàn cầu hóa đẩy lên quá cao, nó động chạm đến lợi ích của một số quốc gia, dân tộc nên trào lưu Dân túy tự nhiên được đẩy mạnh, xem ra "lên ngôi" mạnh mẽ ở một số nước phương Tây chú chốt...

Xin phép tác giả đưa lên để bạn bè và bà con xem blog cùng đọc tham khảo.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

-------

Sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa dân túy 

Trong năm 2016 làn sóng dân túy, chủ nghĩa dân túy... đã gây ra một loạt cơn "địa chấn" làm rung chuyển các nước phương Tây.

Những người biểu tình giương cao cờ của Liên minh châu Âu trong cuộc tuần hành phản đối quyết định Brexit tại London hồi tháng 7. Ảnh: AFP/TTXVN
Bắt đầu được nhắc tới nhiều từ kết quả một số cuộc bầu cử ở châu Âu, song cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 ở Anh mới thực sự gây sốc cho toàn thế giới khi người dân "xứ sở sương mù" lựa chọn rời Liên minh châu Âu, sự kiện được gọi là Brexit, dù kết quả thăm dò luôn cho thấy phe ở lại thắng thế. Chỉ vài tháng sau, đến lượt các cử tri Mỹ bất ngờ chọn tỷ phú Donald Trump làm tổng thống thứ 45, bất chấp trước đó lợi thế luôn nghiêng về đối thủ Hillary Clinton.

Các "cơn địa chấn" đó không dừng lại mà đang và sẽ tiếp tục tấn công vào các thành trì châu Âu. Từ Hà Lan tới Ba Lan, từ Thụy Điển tới Italy, thậm chí cả Pháp, Đức, Séc... thái độ bất mãn của người dân với các vấn đề như chênh lệch giàu nghèo hay làn sóng nhập cư sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến các lá phiếu, kéo theo là những hệ quả khó lường. Đến tháng cuối cùng của năm 2016, châu Âu vẫn chưa hết bàng hoàng về sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy. Thủ tướng Italy Matteo Renzi đã phải từ chức sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Thất bại của ông Renzi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho "Phong trào 5 sao" - vốn là phong trào dân túy chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị, và kinh tế truyền thống.

Tại Áo, ứng cử viên Norbert Hofer của đảng Tự do chủ trương chống nhập cư suýt làm nên cơn "địa chấn" nữa khi chỉ thua rất sít sao ứng viên đến từ đảng Xanh Alexander Van der Bellen trong cuộc bầu cử tổng thống. Số cử tri ủng hộ ông Hofer tăng nhanh trong thời gian qua là do ứng cử viên tổng thống này biết khai thác những bức xúc và nỗi sợ hãi trong xã hội Áo. Ông nói nhiều về nạn thất nghiệp, về sự cần thiết phải kiểm soát chặt hơn dòng người tị nạn và những đối tượng “di cư vì kinh tế”, chống lại việc hội nhập chính trị sâu hơn vào EU và phản đối sự hình thành “một nước Mỹ tại châu Âu”.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump phát biểu tại một sự kiện ở Grand Rapids, bang Michigan ngày 9/12. Ảnh: AP/TTXVN
Có thể thấy chủ nghĩa dân túy đang trở thành kênh hợp pháp để những cử tri bị thiệt thòi thể hiện nỗi thất vọng của mình và kêu gọi thay đổi đường lối. Thể hiện rõ nhất là trong các cuộc tranh luận về nhập cư. Ở Mỹ, đề xuất của ông Trump về việc ngăn chặn, không để người Hồi giáo vào nước Mỹ và xây dựng bức tường để ngăn người nhập cư vượt qua biên giới từ Mexico đã giành được ủng hộ. Tương tự như thế, ở châu Âu, các nhà lãnh đạo dân túy đã lợi dụng hàng triệu người tị nạn chạy trốn khỏi những cuộc xung đột ở Trung Đông để thuyết phục người dân rằng các chính sách mà EU áp đặt đe dọa không chỉ sự an toàn của người châu Âu mà còn đe dọa cả nền văn hóa của họ.

Nguyên nhân chính của chiến thắng Brexit là do chủ nghĩa dân túy ảnh hưởng đến cử tri hơn là những số liệu về kinh tế. Những người theo chủ nghĩa dân túy thường được xem là ít cởi mở, chậm đổi mới và khó dự đoán hơn. Bởi vậy, những mối lo về an ninh, về làn sóng nhập cự ảnh hưởng tới công ăn việc làm của người dân Anh, khiến cử tri Anh dễ quay lưng lại với EU.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, để chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, tỷ phú Trump - người hoan nghênh quyết định Brexit và thậm chí kêu gọi Mỹ ngừng quá trình toàn cầu hóa - đã mô tả đời sống ở Mỹ hiện nay thành một bức tranh xám xịt, tập trung vào chỉ trích mạnh toàn cầu hóa, đặc biệt là người nhập cư và những nhà lãnh đạo “quyền uy”, những người "đã thúc đẩy toàn cầu hóa nhằm chống lại những người công nhân bình thường" ở Mỹ. Khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" là màn trình diễn đỉnh cao của tình cảm dân túy, luyến tiếc quá khứ. Cũng như người Anh muốn nước này rút khỏi EU, ông Trump muốn rút Mỹ khỏi các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế mà Washington là thành viên, điển hình là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông Trump cam kết những lao động nhập cư giá rẻ tại Mỹ sẽ bị đuổi về nước và các nhà máy sẽ được đưa trở lại nước Mỹ.

Dường như không quốc gia nào ở phương Tây "miễn dịch" với chủ nghĩa dân túy cánh hữu. Tuy nhiên, chiều hướng này cũng không hẳn là quá bất ngờ nếu xét tới thực trạng xã hội phương Tây hiện nay, vốn đã thay đổi đáng kể do quá trình toàn cầu hóa và vấn đề người di cư, Trên thực tế, chủ nghĩa dân túy phát triển là do một bộ phận người dân "cảm thấy rằng mình đang bị tổn thương". Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng các lao động địa phương đang bị lấn át và mất việc làm vào tay những người di cư, hay sự tràn lan của hàng hóa giá rẻ - sản phẩm của các thỏa thuận thương mại tự do, đang tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa.

Giới phân tích cũng lo ngại chủ nghĩa dân túy có thể lan rộng hơn nữa ở châu Âu trong năm 2017. Hà Lan, quốc gia sẽ khởi động mùa bầu cử 2017 của châu Âu với cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào ngày 15/3, hiện được coi là "liều thuốc thử" cho nền chính trị châu Âu. Chính khách Geert Wilders, lãnh đạo đảng Tự do và là đảng chủ trương chống người Hồi giáo, muốn người Hà Lan sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mang tên “Nexit”, tương tự như "Brexit" ở Anh.

Còn tại Pháp, các cử tri nước này đã 2 lần ủng hộ đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối dân túy cực hữu ra tranh cử. Sự kiện Brexit và chiến thắng của ông Trump cho thấy không gì không thể xảy ra. Trong bối cảnh phe cánh tả đang suy yếu, ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen có thêm nhiều cơ hội trong cuộc đua vào Điện Elysee.

Với nền kinh tế hùng mạnh nhất ở châu Âu, Đức được cho là có sức kháng cự mạnh nhất trước chủ nghĩa dân túy. Tuy nhiên, cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào mùa Thu năm sau sẽ cho thấy liệu nước Đức có đứng vững hay không. Uy tín của Thủ tướng Angela Merkel vừa qua đã sụt giảm mạnh do bà mở cửa đón người nhập cư và khiến nhiều người Đức bất bình. Bà Merkel sẽ phải đối chọi với đảng AfD bài Hồi giáo vốn đang nhận được sự ủng hộ của 13% cử tri Đức và hơn cả là chính những chỉ trích trong nội bộ Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) cầm quyền.

Các lực lượng dân túy và hoài nghi châu Âu cũng đang tăng cường lực lượng trước các cuộc bầu cử sắp tới ở khu vực Trung và Đông Âu. Séc sẽ tổ chức bầu cử hạ viện vào tháng 10/2017. Tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Xã hội (CSSD) cầm quyền giảm mạnh trong cuộc bầu cử hội đồng địa phương gần đây. CSSD đã thất bại trước Phong trào ANO, chính đảng đã tận dụng được sự mất lòng tin của cử tri Séc đối với các đảng phái truyền thống ở nước này. Chiến thắng của các đảng dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước thành viên chủ chốt Tây Âu chắc chắn sẽ đem lại lợi thế cho ANO. Chưa kể đảng "Hiện thực" (Realists) mới ra đời và theo chủ nghĩa dân túy, cũng đặt mục tiêu giành được khoảng 20% sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử này.

Rõ ràng, chủ nghĩa dân túy hay chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang là một triệu chứng của các thể chế dân chủ phương Tây, trong bối cảnh tình trạng bất bình đẳng xã hội gia tăng có thể đóng vai trò quyết định đối với sự lựa chọn của cử tri. Nếu chính phủ các nước phương Tây không nỗ lực hơn nữa để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế và xã hội mà họ đang đối diện và nếu các nhà chính trị không cải thiện các thông điệp gửi đến mọi công dân, thì chủ nghĩa dân túy sẽ còn gây ra nhiều cơn địa chấn mới.

Trần Thanh Bình

----- 


Lời dự báo sớm về cơn sóng thần chủ nghĩa dân túy

Dựa trên tiểu thuyết trào phúng bán chạy nhất năm 2012 của Timur Vermes với tự đề “Hãy xem, ai đã trở lại”, tác phẩm điện ảnh hài đã mang đến một giả định đáng sợ về sự trỗi dậy của Adolf Hitler trong thế kỷ 21 với những lập luận chính xác đến khó cưỡng.
 
 
Nước Đức đương đại sẽ phản ứng thế nào với sự trở lại đột ngột của đứa con bản địa khét tiếng nhất trên mảnh đất này? Họ liệu có tin rằng đây thực sự là Hitler bằng xương bằng thịt đã trở về hay biến nỗi hoài nghi thành thú vui, sự nhạo báng về bóng ma lịch sử đã trôi qua.
 
Bộ phim của David Wnendt dẫn dắt người xem vào một mạch phim không tưởng khi Hitler đã hồi sinh từ căn hầm và dần thích nghi với nước Đức trong kỷ nguyên của quảng cáo, truyền hình và Internet. Sau hơn 70 năm, khi biểu tượng Quốc trưởng đã lui vào quá khứ và biến thành trò cười điện ảnh thì đạo diễn đã nhanh chóng chứng minh cho khán giả rằng, sự quyến rũ của một nhà hùng biện chủ nghĩa dân túy kiểu Hitler vẫn vô cùng quyến rũ. Thậm chí, nó còn có sực hút rợn người trong một thế giới đa nguyên mất hướng của chủ nghĩa tự do kiểu Mỹ.
 
Khi Hitler xuất hiện trở lại, một trong những người đầu tiên phát hiện ra là phóng viên truyền hình thua cuộc sắp bị đuổi việc - Fabian Sawatzki. Fabian trở thành biểu tượng đúng nghĩa của truyền thông hiện đại đang tìm kiếm những nhân vật giải trí, biến các nguy cơ thành đề tài giật gân và dễ dàng trở thành công cụ của những kẻ biết thao túng số đông. Kế hoạch lắng nghe tiếng nói của dân và lời thổ lộ “nước Đức sẽ vĩ đại trở lại” của Hitler nhanh chóng biến các câu chuyện tầm thường thời bình thành tẻ nhạt. Viễn cảnh lớn lao về tương lai đất nước và sức mạnh dân tộc khiến những người trẻ hăng say. Hãy lắng nghe lời Hitler đả kích truyền thông trong bộ phim này:
“Chúng ta đang chạy đua về phía vực thẳm, nhưng chúng ta mù lùa vì chính màn hình  TV. Các bạn không thể nhìn thấy vực thẳm.”
 
Một bộ phim được quay cách đây 2 năm tại Đức, nhưng như tiếng vọng của các bài bùng biện của các chính trị gia cánh hữu như Berlusconi, Nigel Farage và Donald Trump!
 
 
Tác giả Ramesh Ponnuru đã bình luận cay đắng trên tờ Bloomberg gày 10/11 nhận định, nền văn hóa của chủ nghĩa tự do đã từng giúp đảng Dân chủ hồi sinh nay lại là gánh nặng kéo chìm kết quả bầu cử gây chia rẽ nước Mỹ. Lợi thế của 4 năm trước mà Obama đã dùng để chỉ tập trung vào biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, hôn nhân đồng tính, hợp pháp hoa cho người nhập cư vốn được sự hưởng ứng đông đảo của nên văn hóa đô thị, tập trung đông dân và nhiều thành niên tốt nghiệp đại học nhưng đi cùng với đó là gạt sang bên lề những công dân nằm sâu trong đại lục. Sự phân bổ địa lý và đặc thù giai tầng xã hội vốn sống trong vùng đất rộng lớn, nhân khẩu thưa thớt thực ra không quan tâm đến nền văn hóa cầu vồng là mấy. Họ trở thành tử địa của cuộc tranh giành đại cử tri, nhấn chìm đảng Đân chủ vào khủng hoảng nhân sự. Và họ rất cần một tiếng nói đại diện cho sự bất mãn, nỗi lo sợ và khao khát tìm một minh chủ có khẩu khí mạnh mẽ như Donald Trump.
 
Giống như phương pháp của Hitler trong Look Who’s Back khi tận dụng tối đa truyền hình, từ năm 2004 đến 2015 trò chơi The Apprentice (Nhân viên tập sự) của tỷ phủ tóc vàng đã là bước đệm kỳ công cho cuộc chạy đua vào Nhà trắng. Và truyền thông Mỹ cũng giống như nhân vật Fabian đã nhanh chóng cắn câu, tham gia vào cuộc chơi vô bổ “những phát ngôn lố” góp phần nhấn chìm các cảnh báo của giới trí thức về sự trối dẫy của làn sóng dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
 
Tuy nhiên, nhà văn Timur Vermes hay đạo diễn David Wnendt không phải là các nhà tiên tri. Chỉ cần nhìn vào quá khứ lịch sử và liên hệ với các hiện tượng toàn cầu là có thể xây dựng được các biểu tượng của các chính trị gia dân tộc cánh hữu. Hãy xem tổng kết của Jerry Falwell, Jr., Chủ tịch HĐQT trường Đại học Liberty chia sẻ trên New York Times, từ tháng 2 năm nay:
- Họ có xu hướng rất giỏi phá vỡ các phương pháp chính trị thông thường, và sử dụng phương tiện truyền thông đại chúng.
- Họ không phải người bảo thủ và thuyết phục đám đông về sự hữu dụng của một chính phủ tập trung quyền lực.
- Họ chinh phục đám đông bằng việc sử dụng tiền cá nhân vào hoạt động chính trị
- Họ biết cách gây xung đột nhận thức và tạo ra các tiền lệ tiền hậu bất nhất trong chính các phát ngôn và hành động của mình.
 
Tất cả những đặc điểm cơ bản này vốn dĩ tồn tại trong các bài giảng về lý luận chính trị và các trường phái chính trị đang tiến hóa trong lịch sử thế giới. Tuy nhiên, đó không phải là những thông tin dễ nuốt đối với một xã hội quá nỗi đa dạng và phong phú của thế kỷ 21. Truyền thông đã đóng góp phần lớn vào sự xao nhãng của đám đông. Cuộc sống sung túc cũng khiến các cử tri say ngủ. 46,9% cử tri Mỹ không đi bầu, bao nhiêu trong số đó cảm thấy hối tiếc? Liệu có giống như những người đã hối tiếc khi không bước vào đám đông quyết định cuộc ly hôn nước Anh khỏi EU?
 
Ngay trong những thành trì vững chắc của nền dân chủ châu Âu và châu Mỹ, vẫn là những đòi hỏi không ngừng về tự do ngôn luận trong trường đại học nơi tạo ra những công dân không thờ ơ với chính trị và sẽ là các nhà lãnh đạo tương lai quyết định vận mệnh quốc gia. Timur Vermes đã cảnh báo châu Âu, giống như đạo diễn Michale Moore đã cảnh báo người Mỹ về thời đại tất định của Donald Trump từ nhiều tháng trước. Và thời kỳ của những người hành động cũng đã đến. Bải giảng chính trị và lịch sử có thể kết thúc tại đây.
 

Nguyễn Minh

Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

Nhìn lại thế giới năm 2016

Nhìn lại thế giới năm 2016

Đài phát thanh Quốc tế của nước Pháp (RFI) nêu đặc điểm lớn nhất của năm 2016 là tình hình thế giới đã xảy ra "mọi sự bất ngờ". Xin phép tác giả đưa lên đây bài viết này (Vệ Nhi).

-------


2016: Năm của mọi sự bất ngờ




  Một trong những bất ngờ lớn trong năm 2016: Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa KỳREUTERS/Shannon Stapleton
Có lẽ sẽ không ngoa chút nào khi đánh giá năm 2016 là « năm kinh khủng », như Victor Hugo đã từng ví cho năm 1871, năm mang đậm dấu ấn của cuộc xâm lăng Đức và thời kỳ Công Xã Paris. Nhưng năm 2016 cũng phong phú những sự kiện ngoài dự đoán mà chúng ta có thể xem đấy như là năm của mọi sự bất ngờ. Vì sao ?




Ông Renaud Giraud trên mục Ý kiến độc giả của báo Le Figaro ngày 20/12/2016 điểm lại những sự kiện nổi bật nhất trong năm qua và đề xuất hai hướng đi cho ngành ngoại giao Pháp.
Brexit khai màn
Bất ngờ thứ nhất chính là Brexit. Thông qua lá phiếu cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6/2016, cử tri Anh quốc đã quyết định chấm dứt 43 năm chung sống với Liên Hiệp Châu Âu. Mối họa tan rã dần dần Liên Hiệp Châu Âu lăm le xuất hiện. Kết quả của cuộc bỏ phiếu này trước hết thể hiện sự nổi dậy của người dân Anh chống lại tầng lớp lãnh đạo. Hiện tượng bất mãn này giờ trở nên phổ biến ở khắp các quốc gia phương Tây.
Đúng như mô tả của nhà địa lý học Christophe Guilluy, toàn cầu hóa làm gia tăng sự bất bình đẳng và tạo ra một sự chia rẽ xã hội và lãnh thổ ngay trong lòng xã hội phương Tây, giữa một bên là vài khu đô thị hội nhập tốt với toàn cầu hóa và bên kia là những vùng phụ cận rộng lớn, những vùng thiệt thòi của sự toàn cầu hóa. Về mặt chính trị, những khu vực này bỗng trở nên náo nhiệt do một cơn phẫn nộ chống lại tầng lớp ưu tú, bằng cách chỉ dựa vào đòi hỏi một chính sách bảo hộ và đường biên giới.
Donald Trump và chính sách đối ngoại với Nga và Trung Quốc
Cũng chính cơn phẫn nộ đó là nguyên nhân của một sự bất ngờ thứ hai trong thế giới Anglo-Saxon : Thắng lợi của Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016. Người ta đã lầm khi nghĩ rằng chiến thắng của ông Trump sẽ là sự khởi đầu của một bước ngoặt chuyên chế của Hoa Kỳ.
Nhưng sự gắn kết vào quyền và tự do chính là nền tảng về bản sắc chính trị người Anglo-Saxon. Khi bỏ phiếu chọn Trump, cử tri Mỹ không mong muốn đoạn tuyệt với nền dân chủ, mà chối bỏ tầng lớp lãnh đạo của họ nhưng vẫn ở lại trong cái khung nền dân chủ.
Trong chính sách đối ngoại, cũng chính làn gió thực tiễn đó đang thổi qua ba cường quốc quân sự phương Tây. Theresa May (Anh), Donald Trump (Mỹ) và Franҫois Fillon (Pháp) chia sẻ ý tưởng là đã đến lúc nối lại quan hệ ngoại giao với Matxcơva.
Mặt khác, một sơ đồ ngược so với tình hình năm 1972 đang được thiết lập tại Washington : Vào đầu những năm 1970, Nixon và Kissinger xích lại gần với Trung Quốc để chống Liên Xô, thì ngày nay, Trump sẽ tìm cách xích lại gần Nga, để chia rẽ nước này với Trung Quốc.
Rodrigo Duterte, bất ngờ lớn thứ ba
Việc Mỹ xích lại gần Nga trở nên khẩn cấp cũng do một bất ngờ lớn thứ ba trong năm 2016 : Tiến triển chính trị của Philippines hướng đến sự chuyên chế. Tháng 5/2016, Rodrigo Duterte có xu hướng dân túy đã đắc cử tổng thống và tung ra một chiến dịch bài trừ ma túy ngoạn mục. Một chiến dịch chà đạp lên tất cả các nguyên tắc Nhà nước pháp quyền.
Những người tiêu thụ chất gây nghiện bình thường tại các khu ổ chuột đã bị các biệt đội tử thần bắn hạ một cách lạnh lùng. Bề ngoài, ông Duterte đang dẫn đất nước đi đến sự sụp đổ. Hoa Kỳ đã có những lời chỉ trích mạnh mẽ chống lại chính sách được cho là phản tác dụng. Nhưng những lời chỉ trích này chẳng mang lại một chút tự do nào cho người Philippines, mà còn dẫn đến việc định hướng lại chính sách đối ngoại của Manila.
Trên thực tế, Philippines vẫn nằm dưới sự bảo hộ của Hoa Kỳ kể từ khi giành được độc lập, nay ông Duterte đã quyết định chấm dứt mối quan hệ đặc quyền này và xích lại gần với Trung Quốc. Việc mất đồng minh Philippines đã gây chao đảo thế cờ tại vùng Đông Nam Á.
Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ hạ màn
Bất ngờ thứ tư, tấm bản đồ Trung Đông đang được nắn lại do sự lật ngược ngoạn mục tình hình Syria theo hướng có lợi cho chế độ Bachar al Assad. Tháng 9/2015, quân nổi dậy Syria, được phương Tây, các nước vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ đã tưởng có thể chiếm được Damas. Nhưng chính sự can thiệp của Nga đã cứu chế độ trong đường tơ kẽ tóc và cho phép tái chinh phục Aleppo, thành phố lớn thứ hai của Syria. Giờ thì Nga đang thay thế Hoa Kỳ đóng vai quốc mẫu trong khu vực.
Cũng trong vùng này, cú đảo chính hụt tại Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/7 do một nhóm binh sĩ quân đội, có liên hệ với giáo phái Gulen thực hiện đã tạo nên mối bất ngờ lớn thứ năm. Thất bại của cuộc đảo chính này đã tạo cơ hội cho tổng thống Erdogan củng cố quyền lực và dẫn đến một chiến dịch thanh trừng lớn chưa từng có, vượt ra khỏi phạm vi giáo phái Gulen.
Được củng cố ở trong nước và mong muốn giữ khoảng cách với Hoa Kỳ, ông Erdogan với cái nhìn thực dụng đã thực hiện thành công một cú hòa giải ngoạn mục với Nga, khép lại trang quan hệ song phương năm 2015 do vụ không quân Thổ bắn hạ chiến đấu cơ Nga. Vụ ám sát đại sứ Nga tại Ankara hôm thứ Hai 19/12/2016 có lẽ chẳng làm thay đổi tình thế.
Bài học nào cho ngoại giao Pháp ?
Bài học nào cần được rút ra từ một năm như thế cho nền ngoại giao Pháp ? Tác giả cho rằng có hai hướng chủ đạo.
Thứ nhất là phải có óc thực tiễn. Trước sự bất ngờ, cần có sự mềm mỏng và thực dụng, như hình ảnh của những con báo. Hãy xem xét thực tế như chính bản thân nó : chúng ta không nên tự khép mình trong một khuôn khổ cứng nhắc, từ bỏ việc lên lớp đạo đức để chỉ tỏa sáng bằng chính tấm gương của mình, hãy xem xét vấn đề trên phương diện tính hiệu quả và bảo tồn các lợi ích của Pháp.
Thứ hai là độc lập quốc gia. Trong một thế giới ngày càng bấp bênh, nơi mà sự bất ngờ và ngẫu nhiên làm chủ, ngay chính những đồng minh lâu đời nhất, họ cũng chỉ có thể sống sót, đối phó được với những điều bất ngờ bằng cách dựa vào chính sức lực của mình.
Nguồnhttp://vi.rfi.fr/quoc-te/20161222-2016-nam-cua-moi-su-bat-ngo

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Hình thù chính sách đối ngoại của ông Donald Trump



Hình thù chính sách đối ngoại của ông Donald Trump 

Sáng nay nhận được điện thoại của tác giả Nguyễn Quang Dy, báo là vừa gửi cho một bài viết về chính sách đối ngoại của ông Donald Trump. 

Thư ông viết: "Đây là bài thứ 5 về Trumpism và là bài cuối của Nguyễn Quang Dy trong năm 2016, muốn gửi cho chủ blog Vĩnh (Nguyễn Vĩnh Blog) để thay lời chúc mừng Noel và Năm mới (bài này không gửi cho blog THD).

Nôi dung bài này chủ yếu rút ra từ nội dung bài nói chuyện hôm trước tại Cafe T7, được biên soan lại và bổ xung thêm, như tài liệu tham khảo (cho bạn đọc nào quan tâm). Xin lỗi trước các nhà ngoại giao, nếu kẻ ngoại đạo này "múa rìu qua mắt thợ". Happy Christmas & New year season! (Nguyễn Quang Dy)"".


Cám ơn tác giả và xin giới thiệu bài viết để bà con và bạn bè của trang blog tôi cùng tham khảo.

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh
------


Hình thù Chính sách đối ngoại của Trump


Nguyễn Quang Dy

“Ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và ai thống trị Châu Á sẽ thống trị thế giới”.



Còn quá sớm để phán đoán chính sách đối ngoại của Donald Trump, vì bố trí nhân sự vẫn chưa xong và tổng thống đắc cử vẫn chưa nhậm chức (20/1). Nhưng một tổng thống phi truyền thống như Trump không đợi nhậm chức mới ra tay tạo dấu ấn. Và bổ nhiệm nhân sự chủ chốt thế nào cũng là một chỉ dấu về chính sách. Muốn tránh sai lầm như cũ, các nhà quan sát không cần đợi bàn cờ sắp xếp xong, mà cần thay đổi thước đo và lăng kính (paradigm). Bánh xe đối ngoại của Trump đã chuyển động, và hình thù đang rõ dần.

Trước hiện tượng Trumpism, đảng Dân Chủ (cũng như Cộng Hòa) đã sai lầm và thất bại. Không chỉ có các chính khách, mà cả các chuyên gia và nhà báo cũng nhầm. Kết luận vội vàng, thích khẳng định hoặc phủ định, dễ sa vào bẫy cực đoan và ngộ nhận. Muốn tránh cái bẫy đó, cần khiêm tốn lắng nghe, để đổi mới tư duy và hành động. Không phải biết nhiều hay biết ít, mà là biết chưa đủ (nhưng tưởng đã biết hết). Một nửa ly nước chưa phải là ly nước, nhưng ly nước đã đầy thì không thể rót thêm. Cố chấp và ngộ nhận là vấn nạn chung, không chừa ai. Muốn tránh vô cảm và vô minh, phải vượt qua chấp và ngã. 


Đặc thù Trumpism về đối ngoại


Theo lịch sử Trumpism (với truyền thống dân túy của Pat Buchanan) không phải ngẫu nhiên mà tỷ phú Donald Trump, với tham vọng và cơ hội chính trị, đã trúng cử tổng thống. Đó là biểu tượng của một trào lưu có tư tưởng khá đồng nhất. Tuy Trumpism không giống quan điểm của chính giới (establishment) về thương mại, nhập cư, chủng tộc, và đối ngoại, nhưng nó lại khác với giới bảo thủ vốn lãnh đạo đảng Cộng Hòa. 

Trước hết, có thể khẳng định chính sách đối ngoại của Trump là một chính sách “phi truyền thống”, không giống các chính quyền trước. Nó thực dụng và linh hoạt, chủ yếu dựa vào biến số (chứ không phải hằng số). Thay vì dựa trên di sản của Obama (như Hillary Clinton), Donald Trump bỏ qua các quy ước truyền thống khi quyết sách (như vô chấp, vô chiêu). Nó có thể tiềm ẩn rủi ro thất bại, nhưng cũng có thể tiềm ẩn cơ hội thành công. Có lẽ một người thông minh như Bill Gates chắc không nhầm khi lạc quan nhận xét như vậy, tuy lúc này mọi thứ liên quan đến Donald Trump đều có thể gây tranh cãi. 

Thứ hai, chính sách đối ngoại của Trump có thể đoạn tuyệt (departure) với chính sách truyền thống (di sản của Kissinger) là hợp tác với Trung quốc trên cơ sở “một nước Trung Hoa” (theo thỏa thuận Shanghai Communique từ 1972). Chính sách đó đã lỗi thời, vì Trung Quốc đã trỗi dậy như quái vật Frankenstein, đe dọa các nước láng giềng là đồng minh của Mỹ, thách thức lợi ích cơ bản của Mỹ và trât tự thế giới. Đã đến lúc Mỹ thay đổi tư duy về trật tự thế giới giữa các nước lớn và bàn cờ quốc tế. Có nhiều dấu hiệu Trump muốn hòa hoãn với Nga để vô hiệu hóa liên minh Trung-Nga, nhằm đối phó Trung Quốc.

Thứ ba, có thể nói chính sách đối ngoại của Trump dựa trên học thuyết “hòa bình qua sức mạnh” (Peace Through Strength), mà tổng thống Ronald Reagan trước đây đã áp dụng khá thành công. (Xem Peter Navarro & Alexander Gray, Donald Trump’s Peace Through strength Vision for the Asia-Pacific, Foreign Policy, November 7, 2016). Quan điểm này có thể là trụ cột cho chính sách Châu Á của Trump, trong khi ưu tiên đầu tư lớn (1.000 tỷ USD) để xây dựng hạ tầng trong nước làm đòn bẩy để phục hồi sức mạnh Mỹ.

Quan điểm này dựa trên hai nguyên tắc chính: một là không được hy sinh lợi ích kinh tế trong nước cho những mục tiêu đối ngoại (tức “America first”). Hai là chính sách đối ngoại mới sẽ dựa trên quan điểm “hòa bình qua sức mạnh” (với một hạm đội gồm 350 tàu chiến). Nói cách khác, Trump sẽ từ bỏ chủ trương “kiên nhẫn chiến lược” (strategic patience) của Onbama (mà tôi thường gọi là “tiếng kèn ngập ngừng”). Obama thích “lãnh đạo từ phía sau” (leading from behind) nên thiếu một chiến lược hiệu quả để đối phó với Trung Quốc, làm vô hiệu hóa chủ trương xoay trục sang Châu Á (là tầm nhìn đúng).  

Muốn có một chiến lược Châu Á hiệu quả, phải dựa trên vai trò lớn hơn của Nhật, như là “cánh tay phải” của Mỹ ở Đông Á, nhưng Nhật phải sửa đổi điều 9 hiến pháp. Đồng thời phải dựa trên quan hệ đồng minh gắn bó với Philippines. Theo Michael Austin (giám đốc chương trình nghiên cứu Nhật Bản tại American Enterprise Institute), cải thiện quan hệ với Philippines là ưu tiên hàng đầu trong chính sách Châu Á. Việc Duterte xoay trục sang Trung Quốc là một thất bại của Obama, mà Trump phải tìm cách đảo ngược. 


Những bước đi ban đầu


Ngay sau hội nghị Apec tại Peru (21/11) Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, trong khi TPP là một chân kiềng của chiến lược “tái cân bằng” (dựa trên 3 yếu tố kinh tế, ngoại giao, và an ninh). Dù  Trump có nâng tổng số tàu chiến lên 350 chiếc (như tuyên bố), thì cũng không thay thế được TPP. Vì vậy, uy tín của Mỹ ở khu vực sẽ giảm sút. Thủ tướng Singapore Lee Hsien Loong nói, “Uy tín đồng minh của Mỹ đang bị thử thách. Làm sao đồng minh còn tin được vào Mỹ nữa?” (Berkshire Miller, Foreign Policy, Nov 23, 2016).



Hệ quả là các nước khu vực buộc phải: (1) Chạy đua vũ trang (như Việt Nam đang đàm phán mua tên lửa BrahMos của Ấn Độ); (2) Xoay trục theo hướng hợp tác với Trung Quốc (như Duterte và Abdul Razak); (3) Co cụm lại thành các nhóm nước để đối phó, như ý tưởng về tứ giác “Japan- Australia-Vietnam-India Partnership” (JAVI). 

Trong quá trình tranh cử, thủ tướng Abe đã gặp Hillary Clinton, mà không gặp Donald Trump. Chính vì vậy mà sau khi Trump thắng cử, Abe đã phải vội vàng đến New York gặp Trump “không chính thức” (17/11), mặc dù tổng thống Obama không hài lòng. Cùng ngày, Michael Flynn (cố vấn an ninh quốc gia của Trump) đã gặp phái đoàn đại diện tổng thống Hàn Quốc. Nhật và Hàn Quốc là hai đồng minh chủ chốt của Mỹ tại Đông Á, trong tam giác chiến lược Mỹ-Nhật-Hàn. Dù muốn hay không, Nhật phải đáp ứng yêu cầu của Trump, đóng vai trò cánh tay phải của Mỹ để đảm bảo an ninh Đông Á, cũng như hỗ trợ cho các đồng minh ASEAN ở Biển Đông (như Philippines và Việt Nam).  

Ngoài vai trò của Nhật và Hàn Quốc, vai trò của Đài Loan đang nổi lên như một lá bài chiến lược quan trọng, trong chính sách Châu Á của Trump, để đối phó với thách thức của Trung quốc. Trong khi Kissinger đến Bắc Kinh hội đàm với Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn (1-2/12), thì tổng thống đăc cử Donald Trump đã điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Trong bối cảnh căng thẳng Trung-Mỹ, cuộc điện đàm này không những làm Bắc Kinh bất ngờ và tức giận, mà còn làm chính giới Mỹ lo ngại và phản ứng.  

Trump còn có một quyết định gây tranh cãi khác là bổ nhiệm Rex Tillerson (ExxonMobil CEO) làm ngoại trưởng Mỹ. Tillerson không những là một ông chủ dầu khí có uy quyền và kinh nghiệm đàm phán với nhiều nguyên thủ, mà còn có quan hệ gần gũi với tổng thống Nga Putin. Với quyết định gây tranh cãi này (vì Tillerson thân Putin), Trump bộc lộ xu hướng muốn hòa hoãn với Nga để giải quyết các vấn đề rắc rối ở Syria và Ukraine, đồng thời để cô lập và đối phó với thách thức của Trung Quốc. Vì vậy, trong khi các cơ quan tình báo Mỹ kết luận Putin đứng sau các vụ hacking của Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ (và Obama tuyên bố sẽ trả đũa), thì Trump lại kiên quyết bác bỏ các cáo buộc đó. 


Lý giải lá bài Đài Loan


Không chờ nhậm chức (20/1), Trum đã đi một nước cờ phi truyền thống rất táo bạo, không có tiền lệ, bỏ qua nghi thức ngoại giao thông thường, thậm chí không tham khảo Nhà Trắng hay Bộ Ngoại Giao. Trump ngang nhiên goi bà Thái Anh Văn là “tổng thống”, bất chấp phản ứng của Bắc Kinh. Theo Harry Kazianis (editor, National Interest, December 10, 2016), “lá bài Đài Loan chỉ là bước một của chiến lược Châu Á mới”.

Ngày 4/2, Trump còn viết trên twitter:  “Trung Quốc có hỏi chúng ta không khi họ phá giá đồng tiền (làm khó cho các công ty của chúng ta cạnh tranh), đánh thuế nặng sản phẩm của chúng ta nhập khẩu vào nước họ (Mỹ không đánh thuế họ), hay xây dựng một khu liên hợp quân sự lớn giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ như vậy.”

Ngày 11/12, Trump nói với Fox News: “Tôi hoàn toàn hiểu chính sách Một nước Trung Hoa, nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bị giàng buộc bởi chính sách Một nước Trung Hoa trừ phi chúng ta thỏa thuận với họ liên quan đến các thứ khác bao gồm thương mại… Tôi không muốn Trung Quốc ra lệnh cho tôi được phép nói chuyện với ai… Và tại sao một số quốc gia lại có thể nói rằng tôi có được nghe điện thoại hay không”…

Các cố vấn của Trump cũng ủng hộ chơi lá bài Đài Loan:

John Bolton (cựu đại sứ LHQ): “Mỹ có cái thang ngoại giao…lúc này cần chơi lá bài Đài LoanKhông ai ở Bắc Kinh có quyền phán quyết chúng ta được nói chuyện với ai”.

Peter Navarro (cố vấn chính sách Đông Á): “Đài Loan là ‘ngọn đèn dân chủ’ ở Đông Á… có vị trí quân sự xung yếu… không được bỏ rơi”.

Michael Pillsbury (Cố vấn Bộ Quốc phòng): “Trump muốn đàm phán ván bài mới với Trung Quốc và muốn làm Trung Quốc thức tỉnh”.

Daniel Blumenthal (học giả về Đông Á): “Đây là bước khởi đầu tốt để khôi phục sự cân bằng trong quan hệ Mỹ-Trung”.

Tony Fabrizio (chiến lược gia về bầu cử): “Trump là người “hậu ý thức hệ”, không thể xem xét qua lăng kính “ý thức hệ truyền thống”. 

Nước cờ đó có tính toán, có chủ định, do các cố vấn chủ chốt (thân Đài Loan) lên kế hoạch từ trước. Ngoài vai trò chính của Bob Dole (senator, presidential candidate), còn Reince Priebus (Chief of Staff), Edwin Feulner (Heritage Foundation president, transition team). Reince Priebus đã đến Đài Loan lần cuối vào 10/2015, và Edwin Feulner đã đến Đài Loan sau bầu cử. Nước cờ này có thể làm thay đổi cuộc chơi (game changer), đe dọa đảo ngược chính sách truyền thống “một nước Trung Hoa” của các chính quyền trước.

Trump đã chủ động chơi “lá bài Đài Loan”, để tỏ ra cứng rắn với Bắc Kinh, và bảo vệ Đài Loan là “ngọn đèn dân chủ” (bacon of democracy). Chưa rõ Trump định dùng Đài Loan làm lá bài để mà cả, hay là bước khởi đầu cho một chiến lược mới cứng rắn nhằm thay đổi nguyên trạng “một nước Trung Hoa”, theo chủ thuyết “Hòa bình qua sức mạnh”. Dù sao, Trump đã gửi thông điệp cho các đồng minh Châu Á là Mỹ không bỏ rơi họ, đồng thời gửi thông điệp cho các bên liên quan là Trump không muốn chơi theo luật chơi cũ. Có thể Trump không vướng gánh nặng quá khứ nên sẵn sàng chơi sát ván với Trung Quốc.   

Trong khi một số người chỉ trích Trump về “nước cờ vụng về thiếu suy nghĩ, của một người non nớt về ngoại giao”, một số khác lại khen Trump “tính toán khôn ngoan”, làm đảo lộn thế cờ truyền thống và nguyên trạng “Một nước Trung Hoa”. Nó mở ra hướng đi mới, biến Đài Loan thành lá bài chiến lược, nhằm “tái cân bằng” Đông Á theo cách của Trump. Bắc Kinh đã bị bất ngờ, nên phản ứng khá lúng túng (và dè dặt) khi Trump chủ động tạo ra tình huống khủng hoảng bằng nước cờ gambit (và “brinkmanship”), để dồn Trung Quốc vào thế bị động đối phó: hoặc Trung Quốc phải xem xét lại lập trường cứng rắn đối với Đài Loan (có thể phải xuống thang), hoặc phải phản ứng quyết liệt hơn (khi chưa sẵn sàng).

Các cuộc điện đàm hay gặp mặt vừa diễn ra, đều liên quan đến thay đổi chính sách, và bắt đầu theo một quy luật (dù có hay không có vai trò Ivanka Trump). Tiếp theo điện đàm giữa Trump và Thái Anh Văn, ngày 6/12, TNS Marco Rubio còn đề xuất một dự luật trừng phạt Trung Quốc (phong tỏa tài sản và không cấp visa) cho những người Trung Quốc nào góp phần xây dựng các dự án hạ tầng tại khu vực đang tranh chấp ở Biển Đông. 

Với đội ngũ cố vấn chống Trung Quốc có thể tham gia bộ máy an ninh quốc gia, khu vực Châu Á-TBD sẽ là trọng tâm của Mỹ, và chủ trương xoay trục sang Châu Á của Trump sẽ chú trọng hơn về sức mạnh quân sự, và tăng ngân sách quốc phòng. Hải quân sẽ tăng từ 273 lên 350 tàu chiến, với 3 tàu chở sân bay mới (nâng tổng số lên 13 chiếc). Chương trình sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình F-22 có thể sẽ tiếp tục (ngoài loại F-35). 

Hai quan điểm đối ngoại

Kissinger là kiến trúc sư của Chính sách Trung Quốc, nên tư duy và lợi ích của ông gắn liền với “China Lobby” và quan điểm “Một nước Trung Hoa”. Với trò chơi “constructive engagement”, Kissinger và các chính quyền Mỹ đã giúp Trung Quốc trỗi dậy như Frankenstein (lời Nixon). Nay 93 tuổi, Kissinger đã thăm Trung Quốc 80 lần (kể từ 1971) và quen biết hầu hết lãnh đạo Bắc Kinh. Kissinger khen Tập Cận Bình “không giống Mao”.

Trong cuốn sách “World Order” của Kissinger (Penguin, 9/2015), ông ấy khuyên Washington hợp tác toàn diện với Bắc Kinh để “cùng diễn biến” (co-evolution) và tránh bẫy chiến tranh “Thucydides”.  Nếu Trump nghe Kissinger, ông “có thể theo đuổi trò chơi nước lớn với Bắc Kinh như G2”, hy sinh hoặc bỏ qua lợi ích các nước nhỏ”. (“Deciphering Trump’s Asia Policy”, Mira Rapp-Hooper, Foreign Affairs, Nov 22, 2016).

Vậy Trump sẽ nghe theo Henry Kissinger (đã 93 tuổi) hay các cố vấn (muốn cứng rắn với Trung Quốc)? Cuộc tranh luận về chính sách còn đang tiếp diễn.

Theo Kazianis, ván bài Đài Loan của Trump là “bước một trong chiến lược mới về Châu Á, với tầm nhìn rộng cho cả khu vực Indo-Pacific”. Cú sốc này (làm rung động thế giới) đã đáp ứng khuyến nghị lâu nay của các chuyên gia Châu Á là phải cứng rắn trước “sự hung hăng của Trung Quốc” (Chinese aggression). Nếu Trump nghe lời khuyên của các chuyên gia về Châu Á (như Peter Navarro, Michael Pillsbury, Randy Forbes, Alexander Gray), Mỹ có thể kiềm chế được Trung Quốc. (Xem “Donald Trump’s Taiwan Call just Step One of a New Asia Strategy”, Harry Kazianis, National Interest, December 10, 2016).  

Kazianis cho rằng “dưới thời Trump, quan hệ của Mỹ với Việt Nam sẽ tăng cường, với khả năng hải quân Mỹ sẽ sử dụng quân cảng Cam Ranh”. Kazianis cũng khuyến nghị nếu bỏ TPP, chính quyền Trump cần đàm phán thương mại song phương với tất cả các thành viên TPP, với trọng tâm đặc biệt là Japan, Vietnam, Taiwan và Australia. Theo Kazianis, đây là cơ hội tốt để thay đổi chính sách đối ngoại Mỹ, trong đó xoay trục sang Châu Á phải là ưu tiên hàng đầu (như “Asia first”). Chính quyền Trump cần sớm thỏa thuận thương mại song phương với Việt Nam và Đài Loan. (Xem How Donald Trump Can Make the Pivot to Asia Great Again”, Harry Kazianis, National Interest, Nov 14, 2016).  

Để đối phó với Trung Quốc, Kazianis khuyến nghị chính quyền Trump: (1) Không sợ nói ra sự thật; (2) Bổ nhiệm một đội ngũ điều hành giỏi nhất; (3) Đừng hứa gì nếu không làm được; (4) Sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài. (Xem “4 Ways America Can Push Back Against China”, Harry Kazianis, National Interest, Nov 25, 2016).

Trong khi quan điểm của Kazianis về Trung Quốc phản ánh quan điểm cứng rắn của nhóm cố vấn cho Trump (như Peter Navarro), một số chuyên gia hàng đầu khác về đối ngoại và an ninh Châu Á, lại tỏ ra ôn hòa và gần hơn với quan điểm “realist” của Kissinger. Trong một “bàn tròn chính sách” gần đây, “How America Can Lead in Asia”, Joseph Prueher, Stapleton Roy, Paul Heer, David Lampton, Michael Swaine, Ezra Vogel, (National Interest, December 12, 2016) đã khuyến nghị như sau (chỉ tóm tắt mấy điểm chính):

       “Trung Quốc không có khả năng bá quyền khu vực (China is in no position to seek regional dominance)

      “Trung Quốc không phải là kẻ thù cũng không phải là bạn, và Trung Quốc không nhất thiết có ý đồ xâm chiếm hay bành trướng

      “Mỹ cần tìm cách cân bằng lực lượng một cách ổn định với một Trung Quốc mạnh hơn và có nhiều ảnh hưởng hơn trước

      “Mỹ nên thừa nhận những lo lắng và lợi ích an ninh sống còn của Trung Quốc… và nên nhìn nhận Đài Loan trong khuôn khổ “một nước Trung Hoa”

      “Trong mối quan hệ Trung-Mỹ phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau, Mỹ cần duy trì cán cân quân sự ổn định với Trung Quốc ở mức cả hai bên có thể chấp nhận…

Mặc dù giáo sư Ezra Vogel (một học giả hàng đầu về Nhật và Đông Á) là thầy giáo cũ của tôi ở Harvard, nhưng tôi không tán thành quan điểm của họ đánh giá về Trung Quốc trong bài này, (không đúng với thực tế diễn ra tại Biển Đông). Tuy là những học giả và chuyên gia hàng đầu, nhưng họ có thể không được lòng chính quyền Trump. Nước Mỹ và thế giới đang trong một bước ngoặt lịch sử, để bước sang một trang mới.  

Việt Nam cần làm gì

Trong 8 năm dưới thời Obama, khi Hillary Clinton & John Kerry làm ngoại trưởng (khá thuận lợi), nhưng Việt Nam đã bỏ phí cơ hội nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ (thành “chuyện đã rồi”). Nay chính quyền Mỹ thay đổi (không còn TPP), quan hệ Mỹ-Trung-Việt trở nên khó hơn cho Việt Nam tiếp tục đu dây và mà cả với Mỹ về nhân quyền hay Cam Ranh (dù Cam Ranh có trở nên quan trọng hơn đối với Mỹ).

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tăng cường đối tác chiến lược với Nhật (và các nước có liên quan) để vận động cho mô hình tứ giác “Japan-Australia-Việtnam-India Partnership”. Trước những biến động bất ngờ đang “ập đến cùng một lúc”, Việt Nam cần nhạy bén thay đổi tư duy để thích ứng với cục diện mới, tránh nguy cơ lệ thuộc hơn vào Trung Quốc (bài học Thành Đô). Muốn tránh tụt hậu, Việt Nam phải đổi mới “vòng hai” (reform 2.0) trước khi quá muộn. Trong bối cảnh đó, hợp tác song phương sẽ thay thế cho đa phương.       

Trong tam giác Mỹ-Nhật-Hàn, Trump tìm cách trấn an hai đồng minh chủ chốt tại Đông Á. Trong Tam giác Mỹ-Trung-Đài, Trump đang chơi “lá bài Đài Loan” để kiềm chế Trung Quốc ở Đông Á và Biển Đông bằng chính sách “Brinkmanship”. Trong tam giác Mỹ-Trung-Việt (thời “hậu  Obama”), với chủ trương xoay trục què quặt (vì thiếu TPP), Việt Nam cần lấp lỗ hổng đó bằng tứ giác “Japan-Australia-Vietnam- India Partnership”.

Theo Dr Thitinan (đồng tác giả của Báo cáo Asia Foundation), “Nhật có thể phải đảm đương vai trò thay Mỹ trong bức tranh an ninh Đông Nam Á ”.  Vì vậy, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan sẽ có vai trò quan trọng hơn trong chiến lược xoay trục mới của Trump. Việt Nam cần tăng cường hợp tác với Nhật và Đài Loan (vì an ninh Biển Đông và v/đ Formosa).  


Thay lời kết


Liên Xô đã sụp đổ vì chạy đua vũ trang, làm quốc gia khổng lồ này kiệt quệ, trong khi thể chế chính trị thối nát và lòng tin trong nước khủng hoảng. Bài học của Liên Xô cũng là bài học cho Trung Quốc. Dù Tập Cận Bình cố làm khác với Gorbachev, nhưng nếu không chịu đổi mới chính trị, thì màn kịch cuối cùng của Trung Quốc (endgame) sẽ không khác với Liên Xô (David Shambaugh, The Coming Chinese Crackup, Wall Street Journal, March 6, 2015). Một khi tài chính kiệt quệ, chế độ suy tàn, thì vũ khí hiện đại cũng trở thành vô dụng. Sức mạnh một siêu cường phải gồm cả “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. 

Gót chân Asin của một quốc gia không hẳn là sức mạnh quân sự, mà là sức khỏe tài chính (và chính trị nội bộ). Vấn đề không phải là quốc gia đó có bao nhiêu tàu chiến và máy bay, mà là ngân sách và dòng tiền thế nào, nội bộ và lòng dân ra sao. Chỉ cần quan sát dòng tiền là biết quốc gia đó sẽ đi về đâu. Chỉ cần quan sát dòng người bỏ đất nước ra đi là biết quốc gia đó còn tồn tại được bao lâu. Một quốc gia dù tiềm lực quân sự vẫn còn hùng mạnh, nhưng có thể bị kiệt quệ về tài chính và suy xụp về chính trị và xã hội. Theo Bloomberg, số tiền chạy khỏi Trung Quốc là $1.000 tỷ/năm (nay dự trữ chỉ còn hơn $3.000 tỷ).  Mô hình “chuyên chế dẻo dai” (Resilient Authoritarianism) đã giúp Trung Quốc cất cánh và tăng trưởng 2 con số trong gần 3 thập kỷ. Nhưng nay mô hình đó đã hết đà và Trung Quốc đang suy thoái (“China’s Great Leap Backward”, James Fallow, Atlantic, December 2016). 


NQD. 20/12/2016 





  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...