Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Đổi mới Báo chí

Đổi mới Báo chí

Về bên quê Bắc Ninh ăn tết trở ra Hà Nội thì nhận được thư chúc tết và bài viết này của anh bạn Nguyễn Quang Dy. Trong thư tác giả viết: "Đây là bài định viết cho ngày mồng Một để chúc Tết bạn hữu, nhưng vì mắc bận Tết nên hôm nay mới viết xong để kịp ngày "hóa vàng" (mồng ba Tết là ngày đẹp). Chúc chủ blog và độc giả năm mới an lạc và may mắn. Happy new year again!". (NQD).

Cám ơn tác giả Nguyễn Quang Dy, cây bút ghi nhiều dấu ấn trong năm 2016 vừa qua với những bài viết phân tích và bình luận sâu sắc về tình hình VN và thế giới. Nhiều độc giả VN và người đọc được tiếng Việt ở nước ngoài đã thành thói quen là đón chờ và tìm đọc Nguyễn Quang Dy.

Hầu hết các bài viết tiếng Việt của anh thường cũng có tiếng Anh do chính anh viết trực tiếp vì NQD sử dụng thành thạo ngoại ngữ này ngay từ những năm anh còn đi lam như một công chức ngành ngoại giao.

Trở lại bài viết " chúc tết" nhân ngày đầu xuân mới Đinh Dậu, điều mà tôi thích nhất là cái nhóm từ, cái mệnh đề được anh nhắc đi nhắc lại trong bài - là "Trở về Tương lai".

Tương lai là hướng đi tới, là ở thì vị lai. Ấy thế mà NQD lại bảo tương lai là "Trở về"?! Nói thế, viết thế mà không sợ người ta bảo là viết ngược, nói ngược ư ?!

Nhưng thực ra tác giả rất có lý bởi ngày xưa (1986), thời ông Nguyễn Văn Linh là Tbt đảng, chẳng đã có một thời đối mới đất nước rất ấn tượng, thì ngày nay là "quay về thời đổi mới đó", để mà duy trì, để mà đưa đất nước - trong đó có sự nghiệp báo chí - cùng đi tới, tiến lên hơn nữa chứ đâu có gì lạ...

Anh Nguyễn Quang Dy viết về báo chí cần đổi mới. Nhiều năm xưa anh Dy từng là một "hướng dẫn viên" rất có nghề cho đội ngũ báo chí phương Tây hùng hậu xin vào VN đưa tin viết bài về cuộc chiến tranh trước 1975.

Bản thân chủ blog cũng là nhà báo, theo đuổi nghề báo này suốt thời kỳ công tác của mình...

Như vậy là "tri kỷ, tri âm" với nhau, nên rất trân trọng giới thiệu với bà con và bạn bè bài viết của tác giả Nguyễn Quang Dy về báo chí như món quà tinh thần để chúng ta hãy cùng với nhau "khai đọc đầu xuân...

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

----- 

Đổi mới Báo chí: Trở về tương lai

Nguyễn Quang Dy



Chính phủ muốn “kiến tạo”, phải đổi mới thể chế (cải cách “vòng hai”), vì tình trạng kinh tế, chính trị, an ninh (đặc biệt là tài chính) đang ở mức báo động. Không có cách gì khác, và không còn chỗ lùi. Muốn đổi mới thể chế, phải đổi mới cả báo chí (vòng hai). Điều đó đã từng diễn ra sau Đại hội Đảng VI (12/1986), với khẩu hiệu “đổi mới hay là chết”, “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu”, “nhìn thẳng vào sự thật và nói rõ sự thật…” (Nguyễn Văn Linh). Nói cách khác, đổi mới báo chí là “trở về tương lai” (back to the future). 

Bước ngoặt lịch sử

Thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng mới, tạm gọi là khủng hoảng chính trị, mà đặc trưng là khủng hoảng thể chế, với quy mô toàn cầu. Hiện tượng Brexitism (tại Anh), Trumpism (tại Mỹ) có mẫu số chung là sự trỗi dậy của trào lưu dân túy và dân tộc. Chúng ta đang chứng kiến một bước ngoặt lịch sử, kết thúc một giai đoạn (toàn cầu hóa và thương mại tự do) để bước sang một giai đoạn mới (tạm gọi là “hậu toàn cầu hóa”).

Người ta ví tình trạng nước Mỹ (và thế giới) hiện nay gần giống với bối cảnh Liên bang Xô viết bị sụp đổ. Trật tự thế giới (world order) đang trở thành “disorder”, trước khi có một trật tự mới. Tại Mỹ, bầu cử tổng thống trở thành phong trào phản kháng của một bộ phận dân chúng bị toàn cầu hóa gạt ra lề. Nhưng họ bị phái dân túy lợi dụng bằng những khẩu hiệu dân tộc đầy mị dân để giành chính quyền bằng một cuộc “chính biến” (thông qua bầu cử). Trong bối cảnh đó, báo chí cũng bị khủng hoảng, phân hóa, và mất dần vai trò.


Báo chí truyền thống bị suy yếu do sự phát triển của mạng xã hội, và báo cực hữu lên ngôi (như Breitbart News). Công chúng bị thao túng bằng “fake news” và “fake policy”. Những nhà báo chính thống (như Dan Rather) bất bình và bất lực, trong khi những học giả có uy tín (như Paul Krugman) bi quan và thất vọng. Tại Việt Nam, báo chí cũng bị khủng hoảng và phân hóa thành “lề phải” và “lề trái”, cả hai cùng bị thao túng như nhau.

Trong bối cảnh đó, muốn giành lại vai trò và chức năng báo chí (như “Fourth Estate”) giới báo chí (nói chung) phải có tiếng nói độc lập và khách quan. Để có nội lực nhằm khẳng định vai trò phản biện và chức năng phê phán trong quá trình đổi mới thể chế, báo chí Việt Nam (nói riêng) cũng phải độc lập (Make journalism independent again!)   

Trở về tương lai

Báo chí độc lập và phê phán (independent & critical journalism) đã có cơ hội khởi sắc sau năm 1986, trong quá trình đổi mới (vòng một) cho tới thập niên 1990. Những nhà báo như Kim Hạnh (nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ) là những tấm gương dũng cảm đi đầu trong phong trào đổi mới báo chí thời kỳ đó. Hãy nhớ lại không khí đổi mới (vòng một) để tìm cảm hứng cho đổi mới (vòng hai). Nói cách khác là “trở về tương lai”.

Thực ra cách đây khoảng một thế kỷ, người Việt đã “khởi nghiệp” nền báo chí độc lập, với những nhân vật tiên phong tiêu biểu như Nguyễn Văn Vĩnh và Trương Vĩnh Ký. Đó là một giai đoạn lịch sử đáng ghi nhớ với sự xuất hiện đồng thời của công nghệ in ấn hàng loạt và phong trào dùng chữ quốc ngữ. Giao thoa văn hóa với thế giới phương Tây, đặc biệt là dòng văn học lãng mạn và nhân văn của Pháp, đã truyền cảm hứng và làm hình thành một tầng lớp trí thức Việt mới đầy năng động (như một “giai cấp sáng tạo”).

Đó chính là “cách mạng truyền thông lần thứ nhất”, cái nôi của báo chí hiện đại, cùng với phong trào “Tự lực Văn đoàn”, phong trào “Thơ mới” và “Tranh mới”…Tại Viêt Nam đã xuất hiện một thế hệ trí thức mới gồm những nhà báo, nhà thơ, họa sỹ tài hoa, mà tên tuổi đã đi vào lịch sử như một di sản và “sức mạnh mềm” của dân tộc. Họ mang đậm dấu ấn nhân văn và dân tộc trước buổi hoàng hôn của chủ nghĩa thực dân cũ. Đó là hệ quả không định trước tại một bước ngoặt lịch sử. Liệu lịch sử có lặp lại để “trở về tương lai”?



Ngày nay, sự phát triển bùng nổ của Internet và truyền thông kỹ thuật số, đã làm xuất hiện các thể loại “báo mới” (new media) như “social networks & blogosphere”. Đói là hệ quả và dấu ấn của trào lưu toàn cầu hóa, cái nôi của “cách mạng truyền thông lần thứ hai”. Sự hình thành các “xa lộ thông tin” không chỉ làm hạ tầng kỹ thuật cho sự phát triển công nghệ mới và thương mại tự do, mà còn làm vô hiệu hóa hệ thống kiểm duyệt báo chí truyền thống, mở cửa cho thế giới mạng phát triển và lấn sân báo chí chính thống.

Vai trò của báo chí “chính thống” (mainstream media) với hơn 700 cơ quan báo chí “lề phải”, đang bị lu mờ và mất dần vai trò, trong khi báo chí “ngoài luồng” (fringe media) như các trang mạng “lề trái” và Facebook phát triển vô tội vạ, làm “vàng/thau” lẫn lộn. Vì vậy, muốn báo chí có tiếng nói độc lập, khách quan và xây dựng, phải nâng cao dân trí và đổi mới thể chế báo chí (cả “lề phải” và “lề trái”) để hợp nhất thành một dòng chảy.   

Báo chí độc lập

Báo chí muốn độc lập phải khách quan (objective, impartial), một nguyên tắc hàng đầu của báo chí. Điều đó có nghĩa là nhà báo không tham gia phe phái nào, và không ủng hộ bên này chống bên kia. Độc lập còn thể hiện bằng chức năng phản biện và phê phán, để phản ánh đúng sự thực và bênh vực lẽ phải, không khuất phục cường quyền.  

Báo chí muốn độc lập phải trung thực (truthful, honest), không nói sai sự thật hoặc làm sai lạc thông tin để bóp méo sự thât (fake news/half truth). Nhà báo không được trở thành công cụ của các phe phái hay nhóm lợi ích (do bị mua chuộc hay bị đe dọa), vì vậy phải liêm chính, không được lợi dụng nghề nghiệp để kiếm tiền hay lợi ích riêng.  

Báo chí muốn độc lập (có thái độ khách quan và trung thực) phải kiểm chứng nguồn tin (verify sources). Đó là cam kết và nguyên tắc hàng đầu để tránh hồ đồ và ngộ nhận, và tránh không bị các nhóm lợi ích lợi dụng và thao túng, trở thành cái loa tuyên truyền và làm tay sai cho họ. Trong bối cảnh hiện nay, khi các phe phái đang phân hóa và tranh giành lợi ích quyết liệt, thì báo chí vừa là công cụ vừa là mục tiêu bị tấn công.  



Sức mạnh của ngòi bút (power of a pen) không dựa vào thế lực hay tổ chức nào, mà do giá trị thông tin dựa trên sự thật, nhằm mục đích cuối cùng (bottom line) là phục vụ lợi ích công chúng (public interest). Muốn thông tin có giá trị thuyết phục thì nguồn tin phải trung thực, và người đưa tin phải độc lập và khách quan. Trong số các nguyên tắc báo chí hàng đầu, thì cam kết đối với sự thật và trách nhiệm đối với công chúng là cao nhất (first and formost), dù sự thật có thể chưa công bằng (fair) hay thiếu cân bằng (balanced).
Theo Bill Kovach (Chairman, the Committee of Concerned Journalists), “Mục đích của báo chí là cung cấp cho nhân dân thông tin mà họ cần để họ được tự do và tự quyết”. (“The Elements of Journalism: What News People Should Know and the Public Should Expect”. Bill Kovach & Tom Rosenstiel, Crown Publishers, 2001).

Sự thật (facts & truth) về bản chất không có phe phái và không thể thay thế. Không thể có “sự thật khác” (alternative facts): đó chẳng qua là “fake news” để các nhóm lợi ích hù dọa (bully) hay lừa gạt, làm công chúng lẫn lộn (confused). Báo chí độc lập phải tôn trọng sự thật, vì đó là “nền móng” (bedrock) của nền dân chủ (Dan Rather). 

Khó thay đổi    

Trong bối cảnh các nước chuyển đổi và khủng hoảng về thể chế (như Việt Nam), nhà báo có thể “tự diễn biến”, đánh mất lòng tin của công chúng. Ví dụ, tổng biên tập một tờ báo “chính thống” đã hồn nhiên dạy đời, “nghề phóng viên là phải như con chó ấy” (biết phục tùng chủ). Gần đây, một số báo “lề phải” đã tham gia vào “cuộc chiến nước mắm”,  làm tổn hại lợi ích cộng đồng, do đó đánh mất hết lòng tin của công chúng đối với báo chí “chính thống”. Vì vậy, muốn độc lập, trước hết nhà báo phải có tư cách (integrity).


Trong thời đại Internet, với sự bùng nổ của truyền thông trực tuyến (online media), vai trò của “truyền thông công dân” ngày càng lớn. Các nhà báo (dù là “lề trái” hay “lề phải”) muốn có tư cách trong thế giới truyền thông kỹ thuật số (khó bị kiểm duyệt) thì trình độ dân trí cần phải cao. Không phải chỉ để họ nắm vững và ứng dụng công nghệ mới, mà họ cần hành xử với nhau trên mạng một cách có văn hóa. Tình trạng “chửi bới và ném đá” tràn lan trên mạng chứng tỏ dân trí còn thấp. Làm sao đổi mới để “trở về tương lai”?   
Một số quan chức có tư duy độc lập, nhưng phải chờ nghỉ hưu mới dám lên tiếng (do lo sợ hay ám ảnh bởi quy chế): Hiện tượng đó nay được gọi là “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Hầu hết những người cộng sản (bên thắng cuộc) và chống cộng (bên thua cuộc), tuy chống đối nhau quyết liệt, nhưng lại giống hệt nhau vì cùng cực đoan: Hơn 40 năm sau cuộc chiến, họ vẫn không thể hòa giải chỉ vì “treo cờ đỏ hay cờ vàng”. Mỗi lần Tết Nguyên đán đến, người Việt lại được xem chương trình “Gặp nhau Cuối năm” (Táo quân). Suốt 13 năm qua, người Việt vẫn ăn một món ăn tinh thần ngày Tết, được sào nấu lại mà không chán!

Tết đến, xuân về là thời điểm ý nghĩa nhất của năm mà người ta thường tự vấn để gột sạch lương tâm và mở rộng tấm lòng với đồng loại, để chào đón một năm mới với hy vọng đổi mới. Vì vậy, hãy đổi mới thể chế và báo chí để “trở về tương lai!”   

NQD. 30/1/2017 (3 Tết Đinh Dậu)


Thứ Hai, 23 tháng 1, 2017

Câu chuyện đổi mới và trọng dụng nhân tài

Câu chuyện đổi mới và trọng dụng nhân tài

Cây bút Nguyễn Quang Dy bảo ông viết bài này như để có một lời tiễn ông Công ông Táo cưỡi chép đi chầu Trời, kết thúc năm cũ đầy biến động và đón chờ một năm mới chắc cũng rất nhiều chuyển biến...Vấn đề với một quốc gia là cần không những là nhận thức đúng, còn phải biết vận dung, tự đổi mới không ngừng để thích nghi và tiến lên.

Mình đọc hết bài và chợt nghĩ, kể ra Táo Quân nếu bỏ chút thời giờ vàng ngọc bận rộn cuối năm mà đọc cho kỹ được thì biết đâu có thể trích lược ra một số ý tứ, một số chi tiết trong nội dung của bài để bổ sung và làm phong phú cho bài Sớ tâu trình lên Thiên đình đúng vào thời điểm chia tay năm cũ Bính Thân của con Khỉ, và đón năm mới Đinh Dậu của con Gà. Trên Thiên đinh với đầu não tối cao sẽ lọc lựa những điều tốt điều hay để "chỉ đạo" dưới trần thế, biến năm con Kế  (vàng) đạt thành tựu cao hơn nữa về mọi mặt.

Bài viết của Nguyễn Quang Dy đã xuất hiện ở một số trang Blog mấy hôm vừa qua thu hút nhiều người vào đọc. Hôm nay tác giả có xem lại và thấy cần sửa chữa ít đoạn. Làm vậy cũng là để "vừa ý" về nội dung cho một tờ báo ở trong Tp HCM có thể đăng tải rộng rãi được. và tác giả đã gửi bài sửa chữa này cho trang blog của tôi. 

Xin cám ơn tác giả Nguyễn Quang Dy và giới thiệu bài viết này đến với bà con làng blog và bạn bè cùng đọc như thể lời tiễn biệt Đông tàn, đón Xuân Mới đã bước gần tới ngưỡng cửa mọi nhà...

Vệ Nhi

-----



Đổi mới thể chế và trọng dụng nhân tài


Tác giả Nguyễn Quang Dy
 
Các đế chế trong tương lai là các đế chế của trí tuệ…Cuộc chiến trong tương lai là cuộc chiến vì nhân tài” (Winston Churchill, 1943).

Mỗi lần Tết đến, người Việt theo truyền thống thường tự vấn lương tâm, xem lại bản thân mình và hiện trạng đất nước, để đổi mới. Thật là vô lý khi năng suất lao động của Viêt Nam lại thua Singapore tới 23 lần. Nên nhớ, trong thập niên 1960 Singapore chỉ mong ước được như Sài Gòn. Nhưng nay Việt Nam ngày càng tụt hậu, phải sang Thái Lan và Căm Pu Chia học cách trồng lúa. Nếu không đổi mới, Việt Nam sẽ thua các nước “KLM”. Muốn đuổi kịp thiên hạ, phải đổi mới thể chế và cách quản trị, để trọng dụng nhân tài. 




Đổi mới tư duy quản lý nhân sự (hành chính sự vụ) thành tư duy quản trị nhân lực (coi trọng con người) là quá trình thay đổi nhận thức, đòi hỏi phải hiểu biết thực sự về con người. Từ phủ nhận (và coi rẻ) trí thức đến thừa nhận (và coi trọng) trí thức là chặng đường dài, đòi hỏi phải từ bỏ ý thức hệ đã lỗi thời. Từ quản trị nhân lực đến quản trị nhân tài (trọng dụng tài năng) là quá trình đổi mới tư duy quản trị cao hơn, đòi hỏi phải biết: (a) nhận dạng đúng tài năng, (b) thu hút và giữ được tài năng, (c) quản trị và phát triển được tài năng.

Đổi mới tư duy

Người xưa đã nói “nhân tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn” (Thân Nhân Trung, đời Lê). Nhưng trong một thời gian dài, xã hội Việt Nam đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chủ nghĩa Mao. Thời Cách mạng Văn hóa, Mao đã từng nói huỵch toẹt “trí thức không bằng cục phân”. Người ta đã phủ nhận vai trò trí thức và nhân tài, đánh đồng trí thức với kẻ thù cách mạng, phải “đào tận gốc, trốc tận rễ”. Hai thế hệ người Việt đã bị “tẩy não” đi theo mê lộ Maoism (nên dẫn đến Thành Đô). Nay muốn phản tỉnh để “thoát trung” thì e quá muộn. 

Khi chủ trương “vừa hồng vừa chuyên”, người ta muốn “trí thức” có vai trò trong xã hội, nhưng vẫn đặt “chuyên” dưới “hồng”, do “hồng” chỉ đạo, phải phục tùng “hồng” như là công cụ để trang trí. Nếu “ngoan” thì được chấp nhận cho tồn tại, nếu không sẽ bị ngược đãi và vô hiệu hóa. Về cơ bản, đó vẫn là hệ tư tưởng chính thống xuyên suốt, dần dần đi vào tiềm thức, và được “nội địa hóa” một cách “sáng tạo”. Điều đáng nói là khi người Trung Quốc thấy sai phải sửa, thì người Việt vẫn tiếp tục đi theo mê lộ cũ (như mộng du).  

Theo quy luật thông thường, muốn thay đổi một thực trạng xã hội, phải bắt đầu bằng đổi mới tư duy của mọi người trong cộng đồng, để biến tư duy thành hành động. Nhưng rất khó thay đổi nếu tư duy và tư tưởng đã đi sâu vào tiềm thức. Muốn thay đổi tiềm thức, trước hết phải phản tỉnh để giác ngộ. Gần đây, khi trao đổi với một nhà khoa học (prof Paul Brown) về tư duy, ông ấy khẳng định “tư tưởng có thể di truyền”. Thật đáng sợ!   

Vì vậy, lâu nay chúng ta không trọng dụng nhân tài, mà chỉ quan tâm đến “chân dài” và các đại gia, dù họ sẵn sàng hy sinh lợi ích chung (như môi trường) vì lợi ích riêng (vì “ngu gì mà không làm thép”); Hoặc các quan chức và học giả ngọng (nhưng sẵn bằng cấp giả), và các quan tham cho đến khi bị truy cứu trách nhiệm thì nhanh chân chạy ra nước ngoài “chữa bệnh”; Hay các quan chức báo chí hồn nhiên tự ví mình “như con chó”, và một số báo “lề phải” đã bán rẻ tư cách và đạo đức nghề nghiệp trong “cuộc chiến nước mắm”.

Đổi mới quản trị 

Những năm qua, hàng trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, không phải chỉ vì tác động của suy thoái toàn cầu, mà còn vì nguyên nhân nội tại. Trong bối cảnh bất ổn vĩ mô và khủng hoảng thể chế, các doanh nghiệp lãnh đủ hệ lụy của hệ thống giáo dục đào tạo lạc hậu, với tư duy trì trệ đã làm thui chột hai thế hệ. Muốn đổi mới để phát triển, các doanh nghiệp phải tự mình xoay sở, không ngồi chờ “trời cứu”. Phải tái đào tạo nhân lực và đổi mới quản trị, để trọng dụng nhân tài. Muốn tránh tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình, phải đổi mới tư duy “truyền thống”, vốn hay chấp vào “quy trình” và hình thức (như “cờ đèn kèn trống”).    

Quốc gia nào đổi mới triệt để thì phát triển nhanh và giàu mạnh. Quốc gia nào không nghiêm túc đổi mới thì tụt hậu trở thành “trâu chậm uống nước đục”, dẫn đến khủng hoảng. Doanh nghiệp cũng tương tự như quốc gia, chỉ khác nhau là vi mô hay vĩ mô mà thôi. Câu chuyện hưng thịnh hay suy vong của một quốc gia hay doanh nghiệp không phải mới, nhưng cần tìm lời giải mới, khi thế giới biến động chuyển sang giai đoạn mới. 

Để phân tích và tìm lời giải, hãy liên hệ mấy ví dụ điển hình để so sánh: (1) Israel và các nước láng giềng Arab; (2) Nước Đức và các nước láng giềng Đông Âu; (3) Singapore và các nước láng giềng “KLMV”. Nước Mỹ hiện nay là một hiện tượng mới đáng suy nghĩ, với những biến cố khôn lường, dẫn đến những hệ quả bất định. Đối với các nước đang chuyển đổi, thì quản trị nhân lực và trọng dụng nhân tài càng quan trọng.
   
Thay đổi thể chế

Muốn phát triển phải thay đổi. Đó là quy luật tự nhiên (như “Sinh-Lão-Bệnh-Tử). Nhưng thay đổi (một thực trạng xã hội) nhanh hay chậm, triệt để hay nửa vời, phụ thuộc nhiều vào thay đổi thể chế. Một rào cản lớn gây ách tắc là chậm thay đổi thể chế toàn diện, bao gồm cả thể chế kinh tế và chính trị. Nếu chỉ đổi mới về thể chế kinh tế, nhưng không đổi mới về thể chế chính trị
(như Trung Quốc và Việt Nam), thì mới chỉ giải được một nửa bài toán phát triển, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro nguy hiểm như một quả bom nổ chậm.

Trung Quốc đã cất cánh về kinh tế, vì đã cải cách một cách thực dụng (“mèo trắng mèo đen miễn là bắt được chuột”). Còn Việt Nam vẫn chưa cất cánh về kinh tế, vì chưa thực sự đổi mới kinh tế thị trường, còn duy trì “định hướng XHCN”, vẫn bảo hộ các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ và phá sản (như Vinashin, Vinalines). Mặt khác, trong khi Trung Quốc vơ vét nguyên liệu thô để sản xuất hàng tiêu dùng bán ra khắp thế giới để tích tụ tư bản, thì Việt Nam bán hết nguyên liệu thô lấy tiền nhập hàng tiêu dùng, dẫn đến nhập siêu. Đó là “vấn nạn kép” của nền kinh tế Việt Nam như là một mô hình “không chịu phát triển”.  

Trong bối cảnh bất ổn vĩ mô, các nhóm lợi ích thân hữu thao túng, làm tham nhũng tràn lan, môi trường ô nhiễm nặng nề, các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy quản trị, để tránh những hệ lụy của một thể chế lỗi thời, làm thui chột nhân tài. Nếu không muốn tụt hậu và mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, Việt Nam phải đổi mới thể chế như Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã phát biểu tại Đại Hội Đảng 12, theo tinh thần “Vietnam Report 2035” (do Bộ KH-ĐT và World Bank chủ trì). Nói cách khác, muốn tháo gỡ ách tắc, “Người ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính tư duy đã tạo ra nó” (Albert Einstein, 1879-1955).

Tôn trọng con người

Ngày nay, ai cũng biết con người là tài nguyên quan trọng nhất và bền vững nhất. Nhưng không được bóc lột và coi con người như công cụ lao động. Mô hình khai thác nguồn nhân lực bằng bóc lột và coi thường nhân phẩm đã lỗi thời và bị lên án, nhưng vẫn còn tồn tại ở các nước lạc hậu và độc tài. Đó là nguyên nhân gây bất ổn và xung đột. Những biến động tại các nước Arab Bắc Phi là một minh chứng. Gần đây, hiện tượng Brexitism và Trumpism là một dấu hiệu mới về khủng hoảng thể chế toàn cầu. Đó cũng là lời cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn, đối với những nước nào còn duy trì những thể chế lỗi thời đầy bất công.  




Trong xã hội văn minh có nền kinh tế tri thức, muốn khai thác tài nguyên con người (mỏ người), nhất là nhân tài (như mỏ vàng) thì phải thực sự tôn trọng con người, tôn trọng nhân quyền, xây dựng một xã hội dân sự. Đó chính là “hạ tầng mềm” cần thiết để khai thác tài nguyên con người, nhằm phát triển bền vững. Đó là sự khác biệt cơ bản của các quốc gia khởi nghiệp (như Israel), hay các quốc gia tái tạo (như nước Đức thống nhất).

Đối với các doanh nghiệp cũng tương tự như vậy. Doanh nghiệp nào thực sự tôn trọng con người, khai phóng được tiềm năng con người, sẽ phát triển nhanh và bền vững. Năng lực sáng tạo và năng lượng tích cực của con người là tài sản quý nhất, tạo ra của cải. Những người làm công tác nhân sự phải có hiểu biết sâu sắc về con người, chứ không phải chỉ thạo về “quy chế” nhân sự, vì tư duy hành chính sự vụ là một rào cản. 

Bài học Trung Quốc

Theo “Lý thuyết Rào cản” (Theory of Constraints), thì phải phát hiện chính xác “nút thắt” (bottleneck) để tháo gỡ từng điểm một. Muốn tháo gỡ ách tắc, phải áp dụng “Quy tắc 20/80” (Pareto Principle) có trọng tâm trọng điểm, tập trung vào “những việc cốt yếu” (vital few), chứ không sa vào “những việc vặt” (trivial many). 

Năm 1999, để đối phó với khủng hoảng giáo dục và tháo gỡ ách tắc về nguồn nhân lực, phục vụ cho chiến lược “4 hiện đại hóa”, lãnh đạo Trung Quốc đã thông qua “Luật Giáo dục Đại học”, với các đề án trọng điểm như “211 và 985”, nhằm mục tiêu đưa các trường Đại học hàng đầu Trung Quốc lên ngang tầm thế giới (vào đầu thế kỷ tới). Theo “Đề án 985” Trung Quốc đã đầu tư 217 triệu USD cho 2 trường ĐH đứng đầu là Bắc Kinh và Thanh Hoa. Sau đó đầu tư tiếp hơn 500 triệu USD cho 7 trường ĐH hàng đầu khác.

Tuy chưa cải cách thể chế toàn diện, nhưng Trung Quốc đầu tư có trọng điểm (Pareto). Chỉ sau dăm năm, trường ĐH Thanh Hoa và Bắc Kinh đã bắt đầu khởi sắc như “world class”. Trong khi “China Program” tại Harvard hợp tác với ĐH Thanh Hoa, mỗi năm đào tạo 60 cán bộ cao cấp (theo đơn đặt hàng của Bắc Kinh), thì “Vietnam Program” tại Harvard không làm được điều đó, vì Việt Nam sợ Mỹ “diễn biến hòa bình” (thật là nghịch lý).  

Nhờ đầu tư có trọng điểm nên chỉ trong vòng một thập kỷ, Trung Quốc đã có một số trường ĐH đạt tầm “world class”. Cuối 2009, có 9 trường ĐH hàng đầu tuyên bố thành lập “Liên minh C9”, được gọi là “Ivy League” Trung Quốc. Cũng trong những năm đó, số lượng sinh viên ĐH đã tăng gấp đôi. Tính tới năm 2010, Trung Quốc đã có 40 triệu sinh viên. Số lượng các trường ĐH tăng từ 1.022 trường (1998) lên 2.358 trường (2010).

Bài học Viêt Nam

Năm 2003-2004, Việt Nam cũng bắt chước làm “Dự án Phát triển Nhân tài”, do một ủy viên Bộ Chính trị (ông Trần Đình Hoan) chủ trì, giao cho Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai. Dự án tầm quốc gia này, cũng như nhiều đề án hoành tráng khác nhằm cải cách giáo dục, đều lần lượt phá sản, lãng phí bao công sức và nguồn lực. Tại sao? Đơn giản vì: (1) Vẫn trọng hình thức, thay cho thực chất, (2) Vẫn đầu tư dàn chải, không có trọng tâm trọng điểm, (3) Vẫn làm theo quy trình với “đặc thù Việt Nam” (exceptionalism). 

Kết cục là, trong khi Trung Quốc đột phá, tháo gỡ được nút thắt về nguồn nhân lực, giúp nền kinh tế cất cánh, thì Việt Nam tiếp tục ách tắc và tụt hậu (sau Singapore gần 200 năm, và sau Thailand hơn 50 năm). Trong khi đó, người Việt vẫn lẩn quẩn tranh luận về “định nghĩa trí thức” (như còn mê ngủ). Có nhiều dự án “nâng cao năng lực” tiêu tốn nhiều nguồn lực quốc gia và quốc tế, nhưng kết quả vẫn “bình mới rượu cũ”.  Vì vậy, một chính phủ “kiến tạo” phải dám đổi mới thể chế, biết thu hút và trọng dụng nhân tài để xây dựng một nền kinh tế tri thức. Trọng dụng nhân tài không có nghĩa là “dân vận” bằng mị dân và nghị quyết, làm Việt Nam ngày càng tụt hậu và thua trong cuộc chiến thu hút nhân tài.

Đến nay, 12/13 quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” ở lại nước ngoài. Nguyên nhân chính làm tài năng trẻ bỏ đất nước ra đi là do không biết trọng dụng nhân tài, chỉ quan tâm đến bằng cấp, môi trường làm việc lạc hậu, chế độ đãi ngộ thấp kém. Việt Nam có 412 trường đại học, với 2,2 triệu sinh viên, nhưng tính đến năm 2016, có 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp, vì nền giáo dục thiếu khai phóng nên chất lượng tụt hậu. Giới trẻ không nên “tự sướng” vì thành tích xếp hạng PISA, và đừng chạy theo phong trào “khởi nghiệp” thiếu thực chất, vì giấc mộng làm giàu dễ như gameshow “Ai là Triệu phú”. Đó là những trò dễ gây ngộ nhận (một căn bệnh kinh niên khó chữa của người Việt).  

Thay lời kết 

Cơn sốt săn lùng nhân tài (“The War for Talent”, Steven Hankin, McKinsey, 1997) là cuộc chiến khốc liệt trong thời đại công nghệ cao, không chỉ giữa các công ty mà còn giữa các quốc gia, để “cân bằng nhân tài” (như “cân bằng quyền lực”). Hiện nay, Mỹ, Canada, Anh, Úc là 4 đế chế trí tuệ hàng đầu (“empires of the mind”) thu hút nhân tài toàn cầu, chiếm 75% nhân lực tay nghề cao của các nước OECD (riêng Mỹ chiếm 40%). Tại Silicon valley (một vườn ươm tài năng công nghệ cao) gần 70% kỹ sư đến từ ngước ngoài.   




Chỉ số Phát triển (Development Indicators) của một quốc gia (như tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân đầu người, và năng suất lao động…) thường tỷ lệ thuận và tương ứng với Chỉ số Tài năng (Talent Indicators) của quốc gia đó (thu hút, trọng dụng nhân tài và “giai cấp sáng tạo”). Nhân tài là yếu tố đầu tiên để phát triển, nên quốc gia nào càng thu hút được nhiều nhân tài, thì càng phát triển bền vững. Hơn 3/4 các nhà quản trị nguồn nhân lực trên toàn cầu (được khảo sát) cho biết việc thu hút và giữ chân nhân tài là ưu tiên số một.

Muốn tháo gỡ các nút thắt quản trị, để tái cấu trúc nguồn nhân lực, phải đổi mới thể chế nhằm: (1) Tạo ra sân chơi mới, để phát triển xã hội dân sự; (2) Thay đổi luật chơi, để giải phóng năng lượng sáng tạo; (3) Tạo ra mũi nhọn, để đột phá tháo gỡ các nút thắt. Thông điệp đổi mới “vòng hai” là đổi mới thể chế và quản trị để biến tư duy đột phá thành hành động quyết liệt, taọ ra sự khác biệt để “biến điều không thể thành có thể”. Khẩu hiệu đổi mới là “đổi mới hay là chết” và “hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” (Nguyễn Văn Linh).

NQD. 20/1/2017 (tức 23/12 âm lịch)







Chủ Nhật, 22 tháng 1, 2017

DONALD TRUMP NÓI GÌ TRONG LỄ NHẬM CHỨC?

DONALD TRUMP NÓI GÌ TRONG LỄ NHẬM CHỨC?

Đây là mối quan tâm không chỉ người dân Mỹ mà còn là sự chờ đợi của rất nhiều con người ở các quốc gia khác trên thế giới - nhất là chính giới, những nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế cũng như các giới doanh nghiệp và hoạt động xã hội khác...

Dưới đây là toàn văn bài phát biểu hôm 20/1/2017 tại thủ đô Washinton trong buổi lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Ông Trump là tổng thống thứ 45 trong lịch sử quốc gia này.

Một ý lớn bao trùm trong bài phát biểu là ông Donald Trump khi ông nhấn mạnh sẽ "đặt lợi ích của nước Mỹ lên hàng đầu", và khẳng định "người dân sẽ trở lại làm những người cai quản đất nước".

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

MỜI ĐỌC BẢN DỊCH TOÀN VĂN BÀI PHÁT BIỂU TỔNG THỐNG MỸ DONALD TRUMP.

--------

Xin cảm ơn Thẩm phán trưởng Roberts, Tổng thống Carter, Tổng thống Clinton, Tổng thống Bush, Tổng thống Obama, người dân Mỹ và người dân toàn thế giới.

Chúng tôi, công dân của nước Mỹ, đang tham gia vào nỗ lực quốc gia lớn lao để tái thiết đất nước và khôi phục lời hứa với toàn thể người dân. Chúng ta sẽ cùng nhau quyết định hướng đi của nước Mỹ và thế giới trong rất nhiều năm tiếp theo. Chúng ta sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Chúng ta sẽ đương đầu với những khó khăn, nhưng chúng ta sẽ làm được.



Cứ mỗi 4 năm, chúng ta lại tập hợp lại trên những bậc thềm này để thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình và trật tự. Chúng ta biết ơn Tổng thống Obama và Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama vì sự trợ giúp đầy tử tế của họ trong suốt quá trình chuyển giao này. Họ rất tuyệt vời. Xin cảm ơn.

Tuy nhiên, buổi lễ hôm nay có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi vì hôm nay, chúng ta không chỉ đơn thuần chuyển giao quyền lực từ một chính quyền sang chính quyền khác hay từ một đảng này sang đảng khác. Chúng ta đang chuyển giao quyền lực từ Washington DC và đưa nó trở lại với các bạn - người dân của chúng ta.

Từ lâu một nhóm nhỏ ở thủ đô đã thu lợi từ chính phủ trong khi người dân phải chịu thiệt. Washington đã phát triển mạnh mẽ nhưng người dân không được hưởng chung sự giàu có đó. Các chính trị gia ngày càng thành công phát đạt, nhưng việc làm lại ra đi, các nhà máy thì đóng cửa.
Tầng lớp lãnh đạo bảo vệ chính họ chứ không phải người dân. Chiến thắng của họ không phải là chiến thắng của các bạn. Trong khi họ sung sướng ăn mừng tại thủ đô thì những gia đình đang gặp khó khăn trên khắp đất nước không có điều gì để vui mừng. Tất cả điều đó sẽ thay đổi ngay tại đây và ngay bây giờ. Bởi vì thời điểm này là thời điểm của các bạn. Nó thuộc về các bạn.

Nó thuộc về tất cả mọi người tập trung ở đây hôm nay và những ai đang theo dõi trên khắp nước Mỹ. Hôm nay là ngày của các bạn. Đây là đại tiệc của các bạn. Và đây, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, là đất nước của các bạn.

Vấn đề thực sự không phải là đảng nào kiểm soát chính quyền, mà là chính phủ của chúng ta có được người dân kiểm soát hay không. Ngày 20/1/2017 sẽ được nhớ đến như là ngày người dân lại trở thành những người cai quản đất nước này. Những người đàn ông, phụ nữ bị lãng quên của đất nước sẽ không còn bị quên lãng nữa.

Mọi người giờ đây đang lắng nghe các bạn. Hàng chục triệu người các bạn đã trở thành một phần của phong trào lịch sử, điều mà thế giới chưa từng thấy trước đây.

Tâm điểm của phong trào này là một tín điều trọng yếu, rằng quốc gia tồn tại để phục vụ người dân. Người Mỹ muốn những ngôi trường tốt cho con em mình, môi trường sống an toàn cho gia đình mình và công ăn việc làm tốt cho chính bản thân họ.

Đó là những nhu cầu chính đáng và hợp lý của những con người chính trực và dư luận chính trực. Nhưng với rất nhiều người dân chúng ta, một thực tế khác đang tồn tại. Các bà mẹ và trẻ em ngập trong nghèo đói ở các thành phố, những nhà máy lụi tàn nằm rải rác như bia mộ khắp mọi nơi trên đất nước, một hệ thống giáo dục được chi rất nhiều tiền nhưng lại để những học sinh trẻ trung, xinh đẹp của chúng ta thiếu hụt mọi kiến thức. Và tội phạm, băng đảng, ma túy đã cướp đi quá nhiều sinh mạng, tước đoạt của đất nước quá nhiều tiềm năng chưa được nhận ra. Hành động giết chết nước Mỹ này phải chấm dứt tại đây, ngay tại lúc này.

Chúng ta là một quốc gia, nỗi đau của họ cũng là nỗi đau của chúng ta. Giấc mơ của họ là mơ ước của chúng ta và thành công của họ cũng là thắng lợi của chúng ta. Chúng ta có chung một trái tim, một mái nhà và một số phận vinh quang.

Lời tuyên thệ nhậm chức của tôi hôm nay là lời thề trung thành với toàn thể người dân Mỹ. Trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã làm giàu cho các tập đoàn nước ngoài bằng cái giá của nền công nghiệp Mỹ, chi tiền cho quân đội các nước khác trong khi lại để cho quân đội chúng ta cạn kiệt nguồn lực một cách đáng buồn.

Chúng ta bảo vệ biên giới của các nước khác, trong khi không chịu bảo vệ biên giới của chúng ta.
Chúng ta đã chi hàng nghìn và hàng nghìn tỷ USD ở nước ngoài, trong khi cơ sở hạ tầng của nước Mỹ đang rơi vào tình trạng xuống cấp và hư hỏng.

Chúng ta làm giàu cho các nước khác, trong khi sự thịnh vượng, sức mạnh, sự tự tin của đất nước đã tản mát ngoài đường chân trời. Các nhà máy lần lượt đóng cửa và rời khỏi đất nước mà không mảy may nghĩ đến hàng triệu công nhân Mỹ bị bỏ lại phía sau.




Của cải của tầng lớp trung lưu bị tước đoạt khỏi ngôi nhà của họ để rồi phân phát cho khắp thế giới.
Nhưng đó là quá khứ và bây giờ chúng ta chỉ nhìn về tương lai.

Chúng ta tập hợp ở đây hôm nay để dõng dạc đưa ra một sắc lệnh sẽ vang vọng ở mọi thành phố, mọi thủ đô nước ngoài và mỗi trụ sở quyền lực. Từ ngày này về sau, một tầm nhìn mới sẽ dẫn dắt đất nước. Từ nay về sau sẽ chỉ có nước Mỹ trước tiên, lợi ích nước Mỹ được đặt lên hàng đầu.

Mọi quyết định về thương mại, thuế, xuất nhập cảnh và đối ngoại sẽ đều nhằm mang lại lợi ích cho người lao động Mỹ và gia đình Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ biên giới khỏi sự tàn phá từ những nước sản xuất sản phẩm của chúng ta, ăn cắp công ty của chúng ta và hủy hoại công việc của chúng ta. Việc bảo hộ hàng nội địa sẽ dẫn đến thịnh vượng và sức mạnh.

Vì các bạn, tôi sẽ chiến đấu không ngừng nghỉ. Và tôi sẽ không bao giờ, không bao giờ làm các bạn thất vọng.

Nước Mỹ sẽ lại chiến thắng và chiến thắng vang dội chưa từng thấy.

Chúng ta sẽ mang việc làm, biên giới, thịnh vượng và những giấc mơ trở lại. Chúng ta sẽ xây dựng những con đường, những cây cầu, sân bay, đường hầm và đường sắt mới trên khắp đất nước tuyệt vời của chúng ta. Chúng ta sẽ giúp nhiều người không còn phải sống nhờ trợ cấp và đưa họ trở lại làm việc để xây dựng đất nước bằng chính bàn tay và sức lao động của Mỹ. Chúng ta sẽ thực hiện theo hai quy tắc đơn giản - mua hàng Mỹ và thuê người Mỹ.

Chúng ta sẽ thúc đẩy tình bạn và thiện chí với các quốc gia trên thế giới, nhưng chúng ta làm vậy với sự thấu hiểu rằng tất cả quốc gia đương nhiên phải đặt lợi ích của chính mình lên trước. Chúng ta không tìm cách áp đặt cách sống của mình vào bất cứ ai mà để nó tỏa sáng như một tấm gương. Chúng ta sẽ tỏa sáng cho mọi người noi theo.

Chúng ta sẽ củng cố những liên minh cũ và tạo nên những liên minh mới. Và đoàn kết thế giới văn minh chống lại chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo cực đoan, thứ sẽ bị chúng ta xóa bỏ hoàn toàn khỏi thế giới.

Nền tảng của nền chính trị chúng ta sẽ là sự trung thành tuyệt đối với nước Mỹ và thông qua lòng trung thành của các bạn với đất nước, chúng ta sẽ tìm lại được sự trung thành lẫn nhau.

Khi bạn mở lòng bằng tình yêu nước, sẽ không còn chỗ cho định kiến. Kinh thánh nói với chúng ta rằng "thật tuyệt vời và dễ chịu khi người dân của Chúa sống đoàn kết cùng nhau". Chúng ta phải nói ra suy nghĩ của mình một cách cởi mở, tranh luận những bất đồng một cách thẳng thắn nhưng luôn theo đuổi sự đoàn kết. Khi nước Mỹ đoàn kết, sẽ không ai có thể cản bước được nước Mỹ.

Chúng ta không nên sợ hãi. Chúng ta được bảo vệ, và chúng ta sẽ luôn được bảo vệ. Chúng ta sẽ được bảo vệ bởi những người lính trong quân đội và lực lượng hành pháp. Và quan trọng nhất, chúng ta được bảo vệ bởi Chúa.

Cuối cùng, chúng ta phải nghĩ lớn và mơ ước còn lớn hơn. Ở nước Mỹ, chúng ta hiểu rằng một quốc gia chỉ tồn tại khi còn cố gắng. Chúng ta sẽ không tiếp tục chấp nhận những chính trị gia chỉ biết nói mà không làm, không ngừng than phiền nhưng chẳng bao giờ làm gì để cải thiện nó.

Thời của những lời nói suông đã qua rồi. Giờ là thời khắc của hành động.

Đừng cho phép bất cứ ai nói với bạn rằng việc đó không thể thực hiện được. Không có thách thức nào có thể so bì được với lòng nhiệt huyết, ý chí và tinh thần chiến đấu của Mỹ. Chúng ta sẽ không thất bại. Đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ và thịnh vượng trở lại. Chúng ta đang ở thời khắc ra đời của một thiên niên kỷ mới, sẵn sàng mở khóa những bí ẩn của không gian, giải phóng hành tinh khỏi những nỗi đau bệnh tật và khai thác các nguồn năng lượng, công nghiệp và công nghệ của ngày mai.
Một niềm tự hào quốc gia mới sẽ khích lệ bản thân chúng ta, nâng cao tầm nhìn của chúng ta và hàn gắn chia rẽ. Giờ là lúc nhớ đến câu châm ngôn mà binh sĩ của chúng ta sẽ không bao giờ quên - rằng cho dù chúng ta da đen, da nâu hay da trắng, chúng ta đều cùng đổ dòng máu đỏ yêu nước. Chúng ta đều hưởng sự tự do vinh quang giống nhau, tất cả chúng ta đều chào trước lá cờ Mỹ.

Dù là một đứa trẻ được sinh ra ở khu đô thị mới tại Detroit hay vùng đồng bằng lộng gió của Nebraska, chúng đều nhìn lên một bầu trời đêm, mang trong mình những giấc mơ giống nhau và cùng được trao hơi thở sự sống bởi cùng một Đấng Tạo hóa Toàn năng.

Bởi vậy với toàn thể người dân Mỹ trên mọi thành phố gần xa, lớn nhỏ, từ vùng núi tới vùng biển, hãy lắng nghe những lời này - các bạn sẽ không bao giờ bị bỏ quên nữa.

Tiếng nói, hy vọng và giấc mơ của các bạn sẽ định hình số phận của nước Mỹ. Lòng dũng cảm và tử tế cùng tình yêu của các bạn sẽ mãi mãi dẫn dắt chúng ta trên con đường đó.

Cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ hùng mạnh trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ giàu có trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ tự hào trở lại.

Chúng ta sẽ làm nước Mỹ an toàn trở lại.

Và vâng, cùng nhau, chúng ta sẽ làm nước Mỹ vĩ đại trở lại.

Cảm ơn, Chúa phù hộ các bạn, và Chúa phù hộ nước Mỹ.

Thứ Tư, 11 tháng 1, 2017

Obama - Diễn văn chia tay/Farewell Speech



Obama - Diễn văn chia tay/Farewell Speech


7 tiếng đồng hồ qua thế giới nóng lòng hướng về những bản tin mới nhất từ CHICAGO phát đi. Chỉ muốn biết ông Obama đã nói gì với người dân Mỹ...

.... Đọc hết bài diễn văn chia tay (Farewell Speech) người dân Mỹ này ta sẽ hiểu thế nào là giá trị của một nhà lãnh đạo do dân cử. Người lãnh đạo đó dù sắp hết quyền hành nhưng không phủi tay "tôi về, thế là xong việc nhá".

Trái lại ông ta rất có trách nhiệm đến cùng với nhân dân của ông ta. Obama rất lo nền dân chủ Mỹ lâu này vận hành (tốt mấy cũng có những khiếm khuyết khuyết), thì nay có dấu hiệu "nguy cơ khựng lại"; và ông cảnh báo điều đó.

Dù rất nhiều ý kiến khác nhau, nhưng tôi tin không mấy ai phủ nhận được ông Obama là một tổng thống có 8 năm cầm quyền ghi dấu ấn riêng mạnh mẽ nhất trong nhiều đời tổng thống ở quốc gia này...

Vệ Nhi/Nguyễn Vĩnh

-----


Toàn văn bài phát biểu chia tay của Tổng thống Obama


Tổng thống Barack Obama đã có bài diễn văn chia tay cương vị Tổng thống Mỹ tại thành phố Chicago, thành phố quê nhà của mình vào tối ngày 10-1 giờ Mỹ, tức sáng ngày 11-1 giờ Hà Nội. Sau đây là nội dung bài phát biểu của ông:

Xin chào Chicago
Thật vui khi trở về nhà. Cảm ơn tất cả mọi người.


Michelle và tôi cảm thấy rất xúc động vì những lời chúc mà các bạn đã gửi tới chúng tôi trong hai tuần qua. Nhưng tối nay, đến lượt tôi nói lời cảm ơn. Dù chúng ta đã từng nhìn hòa thuận hay không hề đồng tình với nhau, những cuộc trao đổi giữa tôi với các bạn - người dân nước Mỹ, trong các phòng khách, nông trại, nhà máy, các bữa tiệc hay những tiền đồn quân sự xa xôi, đã giúp tôi trung thực, giúp tôi có nguồn cảm hứng và tiếp tục công việc. Mỗi ngày tôi đều học được từ các bạn.
Các bạn đã giúp tôi trở thành tổng thống tốt hơn, một người đàn ông tốt hơn.
Tôi lần đầu tiên đến Chicago khi mới ngoài 20 tuổi, đang cố tìm hiểu xem mình là ai, vẫn đang tìm kiếm mục đích của đời mình. Tôi bắt đầu làm việc trong một nhóm nhà thờ, gần một nhà máy thép đã đóng cửa ở gần đây. Trên những con phố đó, tôi đã chứng kiến sức mạnh của lòng tin, cùng phẩm chất thầm lặng của những người lao động khi đối mặt với khó khăn, mất mát.
Đây chính là nơi tôi học được rằng thay đổi chỉ có thể diễn ra khi những người bình thường được tham gia, cùng nhau đòi hỏi điều đó. Sau 8 năm làm tổng thống của các bạn, tôi vẫn tin tưởng vào điều đó.
Đó không chỉ là niềm tin của tôi, đó là nhịp đập của lý tưởng Mỹ chúng ta, trải nghiệm của chúng ta về chế độ tự quản.
Đó là niềm tin rằng chúng ta đều sinh ra bình đẳng, tạo hóa ban cho chúng ta quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.
Cần phải thừa nhận rằng những quyền đó dù là hiển nhiên nhưng không thể tự nhiên mà có. Chúng ta - người dân, thông qua công cụ của nền dân chủ, có thể tạo nên một thể thống nhất hoàn hảo hơn.
Đó là món quà lớn mà những người lập quốc đã trao cho chúng ta. Quyền tự do theo đuổi những giấc mơ của bản thân bằng mồ hôi, lao động và trí óc, cùng nghĩa vụ phải phấn đấu cùng nhau, nhằm đạt được những điều tốt đẹp hơn.
Trong 240 năm, lời kêu gọi của đất nước với người dân đã mang lại công việc và mục đích cho mỗi thế hệ mới. Đó là điều khiến những người yêu nước chọn nền cộng hòa chứ không phải sự chuyên chế, khiến những người tiên phong đi về phía Tây, những người nô lệ lên những đường sắt tạm bợ để đến với tự do. Đó là những điều khiến người nhập cư và tị nạn vượt đại dương và sông Rio Grande. Đó là điều thúc đẩy phụ nữ yêu cầu quyền bầu cử, thôi thúc người lao động làm việc và những người lính Mỹ sẵn sàng hiến dâng cuộc sống tại bãi biển Omaha, Iwo Jima, Iraq và Afghanistan và lý do đàn ông và phụ nữ từ Selma đến Stonewall cũng sẵn sàng làm vậy.
Vì vậy, đó là những gì chúng tôi ám chỉ khi nói rằng nước Mỹ rất đặc biệt. Không phải là đất nước này hoàn mỹ ngay từ đầu mà chúng ta đã thể hiện được năng lực thay đổi và làm cho cuộc sống tốt hơn . Đúng, sự tiến bộ của chúng ta đã không đồng đều. Công việc của nền dân chủ luôn khó khăn và gây tranh cãi, đôi khi còn đẫm máu. Cứ bước hai bước về phía trước, chúng ta lại có cảm giác có một bước lùi. Nhưng lịch sử dài của Mỹ đã được xác định bởi nỗ lực tiến về phía trước, được xác định bởi sự tiếp nối tín điều lập quốc là nước Mỹ mở rộng vòng tay với tất cả mọi người chứ không chỉ là một số.
Nếu tôi đã nói với bạn cách đây 8 năm rằng nước Mỹ sẽ đảo ngược cuộc suy thoái lớn, khởi động lại ngành công nghiệp ôtô và mở ra nhiều việc làm nhất trong lịch sử. Nếu tôi đã nói với các bạn rằng chúng ta sẽ mở ra một chương mới với người dân Cuba, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Iran mà không phải nổ một phát súng nào và tiêu diệt kẻ chủ mưu vụ 11/9. Nếu tôi nói với các bạn rằng chúng ta sẽ thắng trong cuộc đấu tranh giành quyền bình đẳng trong kết hôn và đảm bảo quyền được chăm sóc y tế cho thêm 20 triệu đồng bào.
Nếu tôi nói với các bạn rằng, các bạn có thể nghĩ tầm nhìn của chúng ta hơi cao. Nhưng đó là những gì chúng ta đã làm, các bạn đã làm. Các bạn chính là sự thay đổi. Các bạn đáp lại niềm hy vọng của người dân, và chính nhờ các bạn cùng gần như tất cả những biện pháp đó, nước Mỹ là đã trở nên hùng mạnh hơn trước đây, khi chúng ta khởi đầu.
Trong 10 ngày nữa, thế giới sẽ chứng kiến một bước ngoặt trong nền dân chủ của chúng ta. Việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình sẽ diễn ra giữa một tổng thống dân bầu cho người kế nhiệm. Tôi cam kết với Tổng thống đắc cử Trump rằng chính quyền của tôi sẽ đảm bảo quá trình chuyển giao thuận lợi nhất có thể, giống như những gì Tổng thống Bush đã từng làm cho tôi.
Bởi vì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đảm bảo cho chính phủ có thể đối phó được với những thách thức mà chúng ta vẫn đang đối mặt. Chúng ta có những thứ cần thiết để làm như vậy. Chúng ta có mọi thứ để đáp lại những thách thức đó.
Rốt cuộc, chúng ta vẫn là quốc gia giàu có nhất, hùng mạnh nhất, được tôn trọng nhất trên thế giới. Sức trẻ, động lực, sự cởi mở và đa dạng, khả năng chấp nhận mạo hiểm và tái tạo vô tận của chúng ta đồng nghĩa với việc tương lai sẽ thuộc về chúng ta. Nhưng ý chí đó chỉ có thể trở thành hiện thực khi nền dân chủ của chúng ta hoạt động, nếu nền chính trị của chúng ta phản ánh tốt hơn nguyện vọng của nhân dân.
Chỉ khi tất cả chúng ta, bất kể đảng phái hay lợi ích, cùng góp tay vào mục tiêu chung, chính là thứ mà chúng ta đang rất cần đến. Đó chính là điều mà tôi muốn tập trung đề cập tối nay. Tình trạng nền dân chủ của chúng ta.



Dân chủ không có nghĩa là tất cả đều có ý kiến như nhau. Những người lập quốc của chúng ta cũng đã tranh luận, cãi nhau, nhưng cuối cùng họ đã thỏa hiệp, họ kỳ vọng chúng ta cũng làm như vậy. Nhưng họ biết rằng nền dân chủ cần đến nền tảng cơ bản của sự đoàn kết, với niềm tin rằng dù có những khác biệt, tất cả chúng ta đều cùng chung một đất nước. Dù trỗi dậy hay đi xuống, chúng ta luôn đồng hành cùng nhau.
Có những thời khắc trong lịch sử, sự đoàn kết đó đã bị đe dọa. Thời kỳ đầu của thế kỷ này là một trong những thời khắc như vậy. Một thế giới suy thoái, sự bất bình đẳng gia tăng, thay đổi nhân khẩu học và sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố. Những thế lực đó không chỉ thử thách an ninh, thịnh vượng của chúng ta, mà còn thách thức nền dân chủ.
Cách chúng ta đối phó với những thách thức của nền dân chủ sẽ quyết định khả năng giáo dục con em, tạo ra công ăn việc làm, và bảo vệ đất nước. Nói cách khác, nó sẽ quyết định tương lai của chúng ta.
Nền dân chủ của chúng ta sẽ không hoạt động nếu không có niềm tin rằng mọi người đều có cơ hội về kinh tế. Tin tốt là kinh tế chúng ta đang tăng trưởng trở lại, lương, thu nhập, giá trị nhà đất và tiền hưu trí cũng tăng, trong khi đói nghèo đang giảm bớt.
Người giàu đang phải trả một khoản thuế công bằng. Thị trường chứng khoán đang phá vỡ các kỷ lục. Tỷ lệ thất nghiệp ở gần mức thấp nhất trong 10 năm. Tỷ lệ người không có bảo hiểm chưa bao giờ thấp hơn thế.
Chi phí y tế đang tăng với tốc độ chậm nhất trong 50 năm. Nếu ai có thể vạch ra kế hoạch tốt hơn so những cải tiến chúng tôi đã làm được với hệ thống y tế - đáp ứng được nhiều người với chi phí ít hơn - thì tôi sẽ công khai ủng hộ nó.
Bởi vì sau tất cả, đó là lý do chúng tôi phục vụ đất nước, không phải để ghi điểm hay được kể công, mà là để cho cuộc sống của người dân tốt hơn. Nhưng với tất cả các tiến bộ thực sự mà chúng tôi đã làm được, chúng tôi biết như thế là chưa đủ. Nền kinh tế không thể hiệu quả và phát triển nhanh khi sự giàu có của một vài người lại gây ảnh hưởng đến tầng lớp trung lưu và nấc thang cho những người muốn được vào tầng lớp trung lưu.
Đó là lý luận về mặt kinh tế, nhưng sự bất bình đẳng rõ rệt cũng làm xói mòn tư tưởng dân chủ. Trong khi nhóm 1% tích lũy được lượng của cải và thu nhập lớn thì rất nhiều gia đình, các khu vực nghèo khó, cộng đồng thiểu số và vùng nông thôn bị bỏ lại phía sau.
Những công nhân nhà máy, bồi bàn hay nhân viên y tế bị sa thải gặp quá nhiều khó khăn để xoay xở cuộc sống tin rằng cuộc chơi chống lại phía họ, rằng chính phủ chỉ phục vụ cho lợi ích của những người quyền lực và điều đó càng làm tăng thêm sự hoài nghi và phân cực chính trị.
Không có cách nhanh chóng để sửa chữa xu hướng đã kéo dài này. Tôi đồng ý rằng thương mại của chúng ta nên công bằng chứ không chỉ tự do. Nhưng làn sóng tiếp theo của sự phân rã kinh tế sẽ không đến từ nước ngoài, nó sẽ đến từ tốc độ tự động hóa không ngừng khiến rất nhiều công việc của tầng lớp trung lưu trở nên lỗi thời.
Vì vậy, chúng ta phải có một sự sắp xếp xã hội mới để đảm bảo tất cả trẻ em đều nhận được sự giáo dục chúng cần, để cho người lao động đấu tranh yêu cầu thu nhập cao hơn, để củng cố lưới an toàn xã hội, để phản ánh cách chúng ta sống và tiến hành nhiều cải cách thuế hơn, nhằm khiến các công ty và cá nhân hưởng lợi nhiều nhất từ ​​nền kinh tế mới này không trốn tránh được nghĩa vụ của họ với đất nước đã giúp họ làm nên thành công.
Chúng ta có thể tranh luận về cách để đạt được những mục tiêu đó tốt nhất.
Nhưng chúng ta không thể tự mãn về những mục tiêu đó, bởi nếu chúng ta không tạo cơ hội cho tất cả mọi người, sự bất mãn và chia rẽ cản trở tiến bộ sẽ chỉ càng sâu sắc hơn trong những năm tới.
Nền dân chủ của chúng ta còn phải đối mặt với mối đe dọa thứ hai, mối đe dọa có từ ngày đầu lập quốc. Sau khi tôi đắc cử, đã có nhiều tranh luận về một nước Mỹ không còn nạn phân biệt chủng tộc. Viễn cảnh đó, dù rất được kỳ vọng, đã không trở thành hiện thực.
Chủng tộc vẫn là một thế lực gây chia rẽ trong xã hội chúng ta. Tôi đã sống đủ lâu để biết rằng quan hệ giữa các sắc tộc hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với 10 hay 20 năm trước, dù ai nói gì đi chăng nữa.
Bạn có thể thấy điều đó qua các con số thống kê, qua thái độ của thanh niên Mỹ thuộc các trường phái chính trị. Nhưng chúng ta vẫn chưa đạt được mục tiêu mong muốn.
Tất cả chúng ta phải nỗ lực hơn nữa. Nếu tất cả vấn đề kinh tế đều được quy về như cuộc đấu tranh giữa tầng lớp trung lưu da trắng lao động miệt mài và cộng đồng thiểu số không xứng đáng thì người lao động thuộc mọi sắc tộc sẽ phải giành nhau từng miếng ăn, trong khi giới nhà giàu rút sâu thêm vào những ốc đảo của họ.
Nếu chúng ta không muốn đầu tư vào con cái của người tị nạn chỉ vì họ không giống chúng ta, chúng ta sẽ tước bỏ sự thịnh vượng của chính con em mình, bởi những đứa trẻ da màu kia sẽ gánh vác một phần ngày càng lớn trong lực lượng nhân công của Mỹ.
Chúng ta đã cho thấy nền dân chủ của mình không phải là trò chơi “người thắng hưởng tất”. Năm ngoái, mức thu nhập tăng lên với mọi chủng tộc, mọi lứa tuổi, giới tính. Thế nên nếu chúng ta nghiêm túc về vấn đề chủng tộc, chúng ta phải củng cố những điều luật chống lại nạn phân biệt chủng tộc trong tuyển dụng lao động, trong cung cấp chỗ ở, giáo dục và trong hệ thống tư pháp.
Đó là điều Hiến pháp và những lý tưởng cao nhất của chúng ta đòi hỏi.
Nhưng chỉ luật pháp thôi là chưa đủ. Trái tim cũng phải đổi thay. Chúng không thể thay đổi chỉ trong một đêm. Thái độ xã hội thường phải mất nhiều thế hệ mới đổi khác.
Nhưng nếu nền dân chủ của chúng ta hoạt động theo đúng đường đi của nó trong một quốc gia ngày càng đa dạng, mỗi chúng ta cần phải nỗ lực lưu tâm đến lời khuyên của nhân vật Atticus Finch (trong tác phẩm "Giết con chim nhại"), người nói rằng bạn không bao giờ thực sự hiểu một người cho đến khi bạn nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người đó, cho đến khi bạn "khoác trên mình tấm da của người đó".
Đối với người da màu và các nhóm thiểu số khác, điều đó có nghĩa là gắn kết cuộc đấu tranh cho công lý với những thách thức mà rất nhiều người dân ở nước này phải đối mặt, không chỉ là người tị nạn, di dân, người nghèo nông thôn hay người chuyển giới Mỹ mà còn cả những người nam giới da trắng trung niên. Bên ngoài họ có vẻ có lợi thế nhưng họ lại thấy thế giới của mình đảo lộn bởi sự thay đổi về kinh tế, văn hóa và công nghệ.
Đối với người Mỹ da trắng, điều đó có nghĩa là thừa nhận rằng những ảnh hưởng của chế độ nô lệ và Jim Crow (chế độ giai cấp đặt cơ sở trên màu da) không đột nhiên biến mất trong những năm 1960. Đó là nhờ các nhóm thiểu số đã cất tiếng nói bất mãn, tham gia vào việc đảo ngược nạn phân biệt chủng tộc hay thực hành chính trị đúng đắn. Khi họ tiến hành biểu tình ôn hoà, họ không đòi hỏi được đối xử đặc biệt mà họ muốn sự đối xử công bằng mà những người lập quốc đã hứa hẹn.
Đối với người Mỹ bản địa, điều đó có nghĩa là nhắc nhở mình rằng những thành kiến ​​giờ họ nói về người nhập cư cũng giống như những thành kiến năm xưa được quy chụp cho những người gốc Ireland, Italy hay Ba Lan - những người được cho là sẽ hủy hoại giá trị cơ bản của Mỹ. Cuối cùng thì nước Mỹ không bị suy yếu bởi sự hiện diện của những người mới đến, họ chấp nhận tín điều của dân tộc này và nó càng được củng cố.
Thế nên dù ở đâu chăng nữa, chúng ta đều phải nỗ lực hơn. Chúng ta phải khởi đầu với tiền đề rằng mỗi công dân đều yêu mến đất nước này nhiều như chúng ta, họ cũng trân trọng giá trị của lao động và gia đình như chúng ta. Con em của họ cũng tò mò, tràn đầy hy vọng và đáng được yêu thương như con em chúng ta.
Đó không phải là điều dễ dàng. Nhiều người trong chúng ta cảm thấy an toàn hơn với việc rút vào bong bóng của riêng mình, dù là ở khu phố hay trường đại học, nơi thờ tự hay trên mạng xã hội, nơi được bao quanh bởi những người có ngoại hình giống chúng ta, cùng chia sẻ quan điểm chính trị và không bao giờ chất vấn những giả thuyết của chúng ta. Sự trỗi dậy của lòng trung thành trần trụi với đảng chính trị, sự gia tăng phân tầng kinh tế và khu vực, sự phân mảnh của truyền thông để đáp ứng mọi thị hiếu – tất cả khiến thái độ phân loại này trở nên tự nhiên, thậm chí là không thể tránh khỏi.
Chúng ta ngày càng trở nên an toàn trong bong bóng của mình đến mức bắt đầu chỉ chấp nhận những thông tin phù hợp với quan điểm của mình, dù thông tin đó có đúng sự thật hay không, thay vì xây dựng quan điểm dựa trên những bằng chứng thực tế.
Xu hướng này tạo nên mối đe dọa thứ ba cho nền dân chủ. Chính trị là cuộc chiến về ý tưởng. Trong cuộc tranh luận lành mạnh, chúng ta ưu tiên những mục tiêu khác nhau, cùng những biện pháp khác nhau để đạt được các mục tiêu đó. Nhưng khi không có nền tảng cơ bản dựa trên sự thật, không có thái độ sẵn sàng tiếp nhận thông tin mới, cùng sự thừa nhận rằng đối thủ của bạn đang đưa ra quan điểm đúng, không dựa trên khoa học và lý lẽ, chúng ta sẽ liên tục cướp lời nhau, khiến quan điểm chung và sự đồng thuận trở nên vô vọng.
Đó có phải là một phần nguyên nhân khiến mọi người nản chí vào chính trị? Làm sao các quan chức được bầu lại nổi giận về thâm hụt ngân sách khi chúng tôi đề xuất chi tiền cho trẻ em học mẫu giáo, nhưng lại không nói gì khi chúng tôi cắt giảm thuế doanh nghiệp? Làm sao chúng ta có thể bỏ qua những sai sót về đạo đức trong đảng của mình, nhưng lại sửng cồ khi đảng khác làm như vậy? Đó không chỉ là không trung thực, việc tự chọn lọc thực tế này chính là hành động tự đánh bại mình. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng, sự thật luôn có cách để bám theo bạn.
Về thách thức của vấn đề biến đổi khí hậu. Chỉ trong 8 năm qua, chúng ta đã giảm một nửa sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, tăng gấp đôi nguồn năng lượng tái tạo, dẫn dắt thế giới tới một thỏa thuận có thể cứu lấy hành tinh này. Nhưng nếu không có hành động quyết liệt, con em chúng ta sẽ không có thời gian để tranh luận về sự tồn tại của biến đổi khí hậu, chúng sẽ phải đối phó với hậu quả của nó: thảm họa môi trường, suy thoái kinh tế, cùng những làn sóng tị nạn khí hậu tìm nơi trú ẩn.
Chúng ta giờ đây nên tranh luận về cách tốt nhất để giải quyết vấn đề. Việc phủ nhận vấn đề một cách giản đơn không chỉ là hành động phản bội các thế hệ tương lai, nó còn đi ngược lai tinh thần đổi mới, giải quyết vấn đề một cách thực tế mà các nhà lập quốc đã đề ra.
Chính tinh thần đó đã biến chúng ta thành một cường quốc kinh tế, tinh thần đã giúp chúng ta chinh phục không gian, chữa trị các căn bệnh nan y và biến máy tính thành những thiết bị bỏ túi.
Tinh thần đó – lòng tin vào lý lẽ, vào doanh nghiệp và sự thắng thế của lẽ phải trước cường quyền, đã cho phép chúng ta chống lại sự cám dỗ của chủ nghĩa phát xít và tài phiệt trong thời kỳ Đại Suy thoái, xây dựng một trật tự hậu Thế chiến II cùng các nền dân chủ khác, một trật tự không dựa trên sức mạnh quân sự hay kéo bè kết cánh, mà dựa trên các nguyên tắc thượng tôn pháp luật, nhân quyền và các quyền tự do khác.
Trật tự đó giờ đây đang bị thử thách, đầu tiên là bởi những kẻ cuồng tín tự cho mình đại diện cho đạo Hồi, gần đây hơn là bởi những kẻ độc tài coi thị trường tự do, dân chủ cởi mở và xã hội dân sự là những mối đe dọa đối với quyền lực của họ. Mối đe dọa đối với nền dân chủ của chúng ta không dừng lại ở một quả bom xe hay tên lửa. Nó thể hiện nỗi sợ phải thay đổi, nỗi sợ của những người nhìn, nói hay cầu nguyện khác nhau, sự phớt lờ quy tắc thượng tôn pháp luật vốn buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm, và sự thiếu khoan dung với những tư tưởng tự do, bất đồng. Cùng với đó là niềm tin rằng súng gươm, bom đạn hay bộ máy tuyên truyền là kẻ phán xử cuối cùng cho sự thật và lẽ phải.
Nhờ lòng dũng cảm phi thường của những người lính, các sĩ quan tình báo, lực lượng thực thi pháp luật, các nhà ngoại giao, không tổ chức khủng bố nước ngoài nào có thể lên kế hoạch và thực hiện thành công một vụ tấn công trong lòng nước Mỹ suốt 8 năm qua. Dù vụ tấn công ở Boston và Orlando nhắc nhở chúng ta về mối nguy hiểm của sự cực đoan hóa, các cơ quan hành pháp Mỹ đang hoạt động hiệu quả và cảnh giác hơn bao giờ hết.
Chúng ta đã tiêu diệt hàng chục nghìn kẻ khủng bố, trong đó có Osama bin Laden. Liên minh toàn cầu chống IS mà chúng ta dẫn đầu đã lấy lại khoảng một nửa vùng kiểm soát của chúng. IS sẽ bị tiêu diệt và những kẻ đe dọa nước Mỹ sẽ không bao giờ được an toàn. Với những người lính phục vụ cho đất nước, việc tôi được làm Tổng Tư lệnh của các bạn là niềm vinh dự cả cuộc đời.
Nhưng để bảo vệ cuộc sống của chúng ta, quân đội là chưa đủ. Nền dân chủ có thể bị khuất phục khi chúng ta sợ hãi. Thế nên chúng ta, những công dân của nước Mỹ, cần phải duy trì cảnh giác với những mối đe dọa từ bên ngoài, đề phòng sự suy giảm những giá trị đã đưa chúng ta đến ngày hôm nay.
Đó là lý do trong 8 năm qua, tôi đã nỗ lực đặt cuộc chiến chống khủng bố trên nền tảng pháp lý vững chắc. Đó là lý do chúng ta chấm dứt tình trạng tra tấn tù nhân, nỗ lực đóng cửa nhà tù Gitmo, cải cách các điều luật về do thám để đảm bảo quyền tự do cá nhân và dân sự.
Đó là lý do tôi bác bỏ sự phân biệt chống lại người Mỹ theo Hồi giáo. Đó là lý do chúng ta không thể rút khỏi các cuộc chiến khắp toàn cầu – để mở rộng nền dân chủ, nhân quyền, quyền phụ nữ, quyền của cộng đồng LGBT. Nếu tự do và sự tôn trọng pháp luật suy giảm trên khắp thế giới, nguy cơ nổ ra chiến tranh giữa các nước và trong lòng mỗi quốc gia sẽ tăng lên, khiến tự do của chúng ta cuối cùng sẽ bị đe dọa.
Vậy nên hãy cảnh giác, nhưng đừng sợ hãi. IS sẽ tìm cách giết hại người vô tội, nhưng chúng không thể đánh bại được nước Mỹ, trừ phi chúng ta phản bội lại chính Hiến pháp và các nguyên tắc của mình trong cuộc chiến. Các đối thủ như Nga và Trung Quốc không thể sánh được với chúng ta về tầm ảnh hưởng toàn cầu, trừ phi chúng ta từ bỏ những gì đang bảo vệ, tự biến mình thành một nước lớn khác chuyên đi bắt nạt những quốc gia láng giềng nhỏ hơn.
Tất cả chúng ta, dù thuộc đảng phái nào, cũng cần tham gia nỗ lực xây dựng lại các thể chế dân chủ của mình. Khi tỷ lệ đi bỏ phiếu xuống đến mức thấp nhất trong các nền dân chủ tiến bộ, chúng ta cần phải làm cho việc bầu cử trở nên dễ dàng hơn, chứ không phải khó khăn đi. Khi niềm tin vào thể chế xuống thấp, chúng ta cần phải giảm bớt ảnh hưởng của đồng tiền trong chính trị, bám vào các nguyên tắc minh bạch và đạo đức trong các cơ quan nhà nước. Khi quốc hội bị tê liệt, chúng ta cần khuyến khích các chính trị gia tuân theo giá trị chung chứ không phải những quan điểm cực đoan cứng rắn.
Tất cả những điều đó phụ thuộc vào sự tham gia của chúng ta, vào việc mỗi chúng ta chấp nhận trách nhiệm công dân của mình, dù cán cân quyền lực có nghiêng về bên nào đi chăng nữa.
Hiến pháp Mỹ là món quà tuyệt vời, nhưng nó cũng chỉ là một tấm giấy da dê. Nó không hề có quyền lực của riêng mình. Chúng ta, người dân Mỹ, trao quyền lực cho nó, với sự tham gia của mình, với những lựa chọn chúng ta đưa ra. Nó tùy thuộc vào việc chúng ta có đứng lên cho tự do của mình hay không, có tôn trọng và thực thi pháp luật hay không. Nước Mỹ không hề mong manh, nhưng những thành tựu của chúng ta trên hành trình tự do lâu dài vẫn chưa được đảm bảo.
Trong diễn văn từ biệt của mình, George Washington viết rằng chế độ tự quản là xương sống cho sự an toàn, thịnh vượng, tự do, nhưng "vì những lý do khác nhau, chúng ta thường phải chấp nhận đau đớn để làm suy yếu tư tưởng bác bỏ sự thật này", rằng chúng ta cần phải bác bỏ "ngay từ trong trứng nước những nỗ lực nhằm tách bất cứ bộ phận nào của đất nước ra khỏi phần còn lại hay làm suy yếu mối ràng buộc thiêng liêng" đã giúp nước Mỹ là một thể thống nhất.
Chúng ta làm suy yếu những mối ràng buộc đó khi chúng ta cho phép những cuộc tranh luận chính trị trở nên tai hại khiến người tốt phải im lặng, những lời lẽ đầy hận thù đến mức những người Mỹ mà chúng ta không có cùng ý kiến không chỉ bị lầm lạc mà còn trở nên hận thù. Chúng ta làm suy yếu những ràng buộc đó khi chúng ta tự cho rằng mình "Mỹ" hơn những người khác, khi chúng ta coi toàn bộ hệ thống là sự thối nát không thể tránh khỏi, khi chúng ta đổ lỗi cho các lãnh đạo do mình bầu ra mà không tự xem lại vai trò của mình khi bỏ phiếu cho họ.
Mỗi chúng ta phải là những người bảo vệ chặt chẽ cho nền dân chủ, chấp nhận sứ mệnh mà chúng ta được trao để không ngừng nỗ lực cải thiện quốc gia vĩ đại này. Bởi vì dù tồn tại bất cứ bất đồng nào, chúng ta đều có chung một danh hiệu đáng tự hào: Công dân Mỹ.
Trên hết, đó là những điều nền dân chủ của chúng ta yêu cầu. Chúng tôi cần các bạn, không chỉ khi có bầu cử, không chỉ khi lợi ích riêng bạn bị đe dọa mà trong suốt toàn bộ cuộc đời. Nếu bạn đã phát chán tranh cãi với người lạ trên Internet thì hãy cố gắng nói chuyện với một người trong cuộc sống thực. Nếu có gì cần sửa chữa, hãy đứng dậy và làm việc đó. Nếu các quan chức dân cử làm bạn thất vọng thì hãy tự ra ứng cử. Hãy thể hiện. Nhiệt huyết. Kiên trì.
Đôi khi bạn sẽ thành công, đôi khi lại thất bại. Tin tưởng rằng người khác sẽ đối tốt với mình có thể là rủi ro và sẽ có những lúc quá trình làm bạn thất vọng. Nhưng đối với những người đủ may mắn để tham gia đóng góp vào công việc này, nhìn nó thật cận cảnh thì hãy để tôi nói với bạn, nó sẽ tiếp thêm sinh lực và truyền cảm hứng, niềm tin của các bạn vào nước Mỹ và người Mỹ sẽ được củng cố.
Và thực sự, niềm tin của tôi đã được củng cố. Trong suốt 8 năm qua, tôi đã nhìn thấy những gương mặt đầy hy vọng của sinh viên trẻ tốt nghiệp và những người lính mới. Tôi đã chia buồn với những gia đình đau khổ tìm kiếm câu trả lời và cầu nguyện ở nhà thờ Charleston (nơi xảy ra một vụ thảm sát năm 2015). Tôi đã nhìn thấy các nhà khoa học giúp một người đàn ông bị liệt lấy lại cảm giác và khiến các thương binh bước đi trở lại. Tôi đã nhìn thấy các bác sĩ và tình nguyện viên xây dựng lại cơ sở vật chất sau những trận động đất và ngăn chặn dịch bệnh. Tôi đã nhìn thấy những đứa trẻ nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ chăm sóc cho người tị nạn, làm việc trong hòa bình và trên tất cả là quan tâm đến nhau.



Từ lâu tôi đã đặt niềm tin vào sức mạnh của những người Mỹ bình thường rằng họ có thể mang lại thay đổi và niềm tin đó đã được đáp lại bằng nhiều cách mà tôi không thể tưởng tượng. Tôi hy vọng các bạn cũng như vậy. Một số bạn ở đây tối nay hoặc đang xem truyền hình ở nhà đã đồng hành với chúng tôi trong năm 2004, năm 2008, năm 2012 và có lẽ các bạn vẫn không thể tin rằng chúng ta lại làm được những điều đó.
Em không phải là người duy nhất nghĩ vậy, Michelle. Trong 25 năm qua, em không chỉ là người vợ và mẹ của các con mà còn là người bạn thân nhất của anh. Tuy em chưa từng yêu cầu phải được đảm nhận trọng trách này, em đã thực hiện nó với sự tinh tế, táo bạo, phong cách và sự hài hước. Em khiến Nhà Trắng trở thành nơi thuộc về tất cả mọi người. Thế hệ mới có tiêu chuẩn cao hơn bởi vì họ coi em là hình mẫu. Em đã làm anh tự hào. Em đã làm cho đất nước tự hào.
Malia và Sasha, trong một hoàn cảnh sống đặc biệt nhất, hai con đã trở thành những thiếu nữ tuyệt vời, thông minh, xinh đẹp và quan trọng hơn là tốt bụng, chu đáo và đầy đam mê. Các con đã gánh vác gánh nặng trở thành tâm điểm chú ý trong nhiều năm thật dễ dàng. Trong tất cả những điều bố đã làm trong đời, điều bố tự hào nhất là làm bố của các con.
Còn Joe Biden, cậu bé hay gây gổ ở Scranton trở thành người con đáng mến của Delaware – anh là lựa chọn đầu tiên và tốt nhất tôi đã quyết định khi làm ứng viên tổng thống. Không chỉ vì anh là một phó tổng thống tuyệt vời và còn bởi vì tôi đã có thêm một người anh em. Chúng tôi yêu quý anh và Jill giống như gia đình, tình bạn của anh là một trong những niềm vui lớn nhất trong cuộc sống của chúng tôi.
Gửi đến những nhân viên tuyệt vời của tôi, trong 8 năm qua tôi đã được truyền năng lượng từ các bạn và cố gắng phản ánh lại những gì các bạn thể hiện hàng ngày: nhiệt huyết, nghị lực và lý tưởng. Tôi theo dõi các bạn trưởng thành, lập gia đình, sinh con và tự bắt đầu hành trình tuyệt vời của mình. Ngay cả vào những thời điểm khó khăn và mệt mỏi, bạn không bao giờ để Washington khiến bạn đánh mất bản thân. Điều duy nhất khiến tôi tự hào hơn tất cả những điều tốt đẹp chúng tôi đã làm là suy nghĩ về những điều tuyệt vời các bạn sẽ làm được sau này.
Và với tất cả mọi người - những nhà tổ chức đã chuyển tới sống tại một thị trấn xa lạ và những gia đình tốt bụng đã chào đón họ, những tình nguyện viên đã gõ cửa từng nhà, những thanh niên đi bỏ phiếu lần đầu tiên, những người Mỹ đã sống và cảm nhận được những nỗ lực thay đổi - các bạn là những người ủng hộ và nhà tổ chức tốt nhất bất cứ ai có thể mong muốn và tôi sẽ mãi mãi biết ơn các bạn. Bởi vì các bạn đã thay đổi thế giới.
Đó là lý do khi tôi rời khỏi sân khấu này tối nay, tôi thậm chí còn lạc quan hơn về đất nước này khi tôi mới bắt đầu lãnh đạo đất nước. Bởi vì tôi biết công việc của chúng tôi không chỉ giúp đỡ mà còn truyền cảm hứng cho rất nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người trẻ, để tin rằng bạn có thể tạo ra sự khác biệt, để cố gắng cống hiến cho điều gì đó lớn lao hơn bản thân mình.
Thế hệ sắp tới - những người không ích kỷ, vị tha, sáng tạo, yêu nước - tôi đã nhìn thấy các bạn trong mọi ngõ ngách đất nước. Các bạn tin vào sự công bằng, tin vào nước Mỹ bao dung, bạn hiểu rằng sự thay đổi liên tục đã là dấu ấn của nước Mỹ - đó không phải là điều đáng sợ hãi mà là điều phải dang tay đón nhận. Các bạn sẵn sàng thực hiện công việc khó khăn này để đưa nền dân chủ của chúng ta tiến về phía trước. Thế hệ các bạn sẽ sớm vượt qua chúng tôi và tôi tin tương lai sẽ nằm trong tay những người tài giỏi.
Những đồng bào Mỹ của tôi, niềm tự hào của đời tôi là được phục vụ các bạn. Tôi sẽ không dừng lại, tôi sẽ luôn ở bên các bạn với tư cách là một công dân trong những ngày sau này. Hiện giờ, cho dù các bạn tuổi còn trẻ hay tâm còn trẻ, tôi cũng có một đề nghị với các bạn với tư cách tổng thống.
Tôi đề nghị các bạn tin tưởng, không phải tin tưởng vào khả năng mang lại thay đổi của tôi mà là chính các bạn.
Tôi đề nghị các bạn giữ vững đức tin đã được viết thành văn bản lập quốc, những ý tưởng được thì thầm bởi những nô lệ và người theo chủ nghĩa bãi nô; những tinh thần được hô vang bởi những người nhập cư, những người sống trên đất nhà nước cấp và những người tuần hành đòi công lý; những tín điều đã được tái khẳng định bởi những người cắm cờ tại các chiến trường nước ngoài cho đến trên bề mặt mặt trăng - tín điều cốt lõi của mọi câu chuyện Mỹ còn chưa được viết.
Đúng vậy, chúng ta có thể làm được.
Đúng vậy, chúng ta có thể làm được.
Đúng vậy, chúng ta có thể làm được.                       
Xin cảm ơn. Chúa phù hộ các bạn và xin Chúa tiếp tục phù hộ nước Mỹ".



  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...