Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Chuyện "Một nửa"


CHUYỆN "MỘT NỬA"

Vừa thấy ở trang Lều văn Thăng Sắc có entry mới. Cái tít gợi sự tò mò muốn đọc: "Bài ca Một nửa". Không hiểu là Một Nửa gì đây?...


Đọc rồi thì biết, cũng là những câu chuyện cuộc đời này thôi. Nội dung muốn bật lên, nêu lên một cách sống, một cách đối nhân xử thế. Mà ở đây là một quan niệm sống, có gì đó cũng là đặc thù riêng biệt, hoặc là một kinh nghiệm riêng của người ta theo đuổi và đúc kết - cụ thể là tác giả người Trung Quốc xưa này đã dẫn ra...


Những điều như vậy nó có thể sát hợp hoặc chưa/không sát, khớp với các quan niệm sống khác của mọi người. Không sao cả, mỗi cá thể sống đều có những quan niệm sống ở đời riêng rẽ, khó ai mà giống ai lặp lại ai. Nhưng phải nói rất nhiều điều trong đoạn văn ngắn tác giả xưa này nhắc đến đều gợi cho chúng ta về một cách sống, cũng là một cách ứng xử hay giao thiệp giữa con người với nhau diễn ra hằng ngày. Nó đều có cái lý, cái thực tế của nó. 


Hầu hết những điều nêu ra vẫn thấy đây đó trong cuộc sống, trong sự tồn tại của kiếp người cũng như những gặp gỡ giao đãi va chạm luôn luôn xảy ra giữa con người-con người với  nhau. Thì muốn hay không muốn, ta cũng phải phản ứng giao tiếp trở lại, khó mà ai lảng tránh được...


Theo Thăng Sắc thì Chu tiên sinh, tức Cụ Chu Công Phùng (người gửi bài này) "đã sưu tầm và giới thiệu "Bài ca Một nửa" này cùng với lời bình hay, rất hay". Nhà văn viết thêm: "Gọi là Cụ là để gọi cho vui, là gọi theo kiểu của mấy lão về hưu đang vui với nhau..., ...., (chứ) thực ra phải gọi Chu tiên sinh là Ngài vì ông hiện đang là Sứ thần Việt Nam tại đất nước Myanmar". Và Thăng Sắc kết lại: "Rất mong Tiên sinh, Cụ, Ngài kể cho bạn bè những chuyện thường ngày, tất nhiên là không dây gì đến báo cáo điện mật cả, ở đất nước đang có những thay đổi rất lạ lùng này".


Xin phép hai anh, đều là những người bạn và đồng nghiệp, tôi đưa lại bài viết về trang nhà để bạn bè các bên, các nơi khác ta cùng thưởng lãm, chia sẻ.


Vệ Nhi g-th

--------

Bài ca “MỘT NỬA”

Lý Mật Am (học giả đời Thanh – Trung Quốc)

     
Dịch ý như sau:

Ta đã thấu hiểu nửa kiếp phù sinh, một “nửa” đó vô biên đầy ý nghĩa,

Hưởng nửa kiếp đời vui nhàn nhã, giữa biển trời rộng rãi bao la.

Chốn quê nhà nửa tỉnh nửa quê, vườn tược thì nửa đồi nửa ngập,

Nửa sách đèn, nửa cày cấy, nửa tiểu thương; nửa bình dân, nửa mang danh kẻ sĩ.


Đồ dùng nửa đẹp nửa xấu,, nhà cửa nửa sang nửa dở,

Áo quần nửa mốt nửa thô,, đồ ăn nửa quê nửa tỉnh

Kẻ giúp việc nửa vụng nửa khéo, thê tử nửa dại nửa hiền,

Tấm lòng ta nửa Phật nửa Tiên, tên tuổi cũng nửa chìm nửa nổi.

Một nửa hiến dâng trời đất,, nửa còn lại đem tặng kiếp người,

Nửa lo toan tích cóp để đời sau, nửa nghĩ đến đời người ngắn ngủi.

Uống rượu tới lúc nửa say, ngắm hoa khi hoa nở một nửa.

Thuyền giương nửa buồm thuyền khỏi lật, ngựa thả nửa cương chạy vững vàng..

Chưa đầy một nửa chưa thoả mãn, quá một nửa rồi hoá chán chê,

Trăm năm trong đời nửa vui nửa khổ, hưởng một nửa vui là đủ rồi.”



Bài ca "Một nửa”do một học giả đời Thanh tên là Lý Mật Am sáng tác, được lưu truyền suốt mấy trăm năm nay. Rất nhiều người bình luận về bài ca này. Có người phê phán nội dung bài ca tránh né sự đời, mang tính trung dung. Có người ca ngợi bài ca thể hiện một triết lý sống khoáng đạt…

Không thể phủ nhận rằng bài ca này rất đáng để suy ngẫm, rất thú vị và cũng chỉ cho chúng ta một cách hay để sống. Kiểu ăn cơm gần no, uống rượu đến khi ngà say chính là tư tưởng của “chủ nghĩa gần đủ”, nó nhắc nhở chúng ta cần giữ lại cho cuộc sống của mình một dư địa. Giữ lại dư địa mới có đường lui cho mình khi lâm sự. Giống như khoảng cách an toàn giữa hai xe - một khoảng cách đủ dùng làm khoảng đệm, để điều chỉnh lại mình bất cứ lúc nào, tiến lui đều được.

Khi người hoạ sĩ vẽ một bức tranh, anh ta nhất định phải để lại một khoảng trắng trên tranh, đó mới thực là bức tranh đẹp; in sách cũng cần chừa phần lề, không thể in đầy kích thước của một trang giấy; quần áo sau khi may xong cũng phải giữ lại một mảnh vải cùng màu để phòng khi cũ rách còn có cái để vá; những gia đình khá giả khi làm cơm thường làm nhiều hơn vài bát, đó là để chuẩn bị cho những vị khách bất ngờ đến thăm. Đạo làm người, chính là không nên nói quá cặn kẽ, công việc không nên quá dứt khoát, tiền không thể kiếm đến đồng bạc cuối cùng, đánh giặc không nên đánh tới viên đạn cuối cùng...

Lời nói thật cố nhiên là quan trọng, nhưng nếu nói thật quá thì rất dễ làm tổn thương đến lòng tự trọng của người khác. Ai cũng có tâm lý muốn được người khác tin cậy và tán thưởng. Lời nói thẳng lặp lại quá nhiều sẽ rất dễ khiến đối phương cảm thấy bị coi thường, từ đó sinh ra tâm lý phản cảm, họ phải nghe với tâm trạng rất ngao ngán, lâu dần tâm lý họ bắt đầu “giằng co” và chuyển dần sang đối đầu với bạn, những người kém cá tính hơn thì “bất hợp tác phi bạo lực”, chống đối một cách tiêu cực. Đó gọi là “thái quá như bất đạt”, ví dụ như lời nói quá tuyệt đối cũng dễ mắc sai lầm, càng hạ thấp uy tín của mình trong mắt người khác, càng phá hỏng mối quan hệ hợp tác hữu nghị.

Nói rõ ràng, nói vừa đủ, biết dừng đúng lúc là được rồi. Ngầm hiểu ý nhau và đạt được đến mức có thể cảnh tỉnh đối phương, khiến cho sự thông minh, hiểu biết của đối phương có cơ hội phát huy, đồng thời, điều quan trọng nhất là, đối phương cảm nhận được rằng mình được tôn trọng, từ đó có được đủ sự tự tin. Thêm vào đó, người thường ai cũng có khả năng suy luận, nên nếu người nói có thể dẫn dắt một cách thích hợp, thì chẳng phải càng tốt hơn sao.

Những lời phê bình dành cho bạn bè cũng không nên quá rõ ràng mà chỉ nên nói vừa phải, không thái quá. Trong trường hợp không có lợi cho việc người bạn đó tiếp nhận lời nói thật, mà bạn lại nói ra, thì chẳng khác nào bạn cố ý làm mất mặt họ. Khi đó, cách tốt nhất là nói bóng gió, tế nhị hoặc nói một nửa vời. Miễn làm sao để đối phương hiểu ra là được, không nhất thiết phải nói rõ ràng rành mạch, để cho những người khác cũng đều hiểu theo.

Khi chúng ta muốn biết rõ nguồn cơn của sự việc thì càng phải điều chỉnh chính xác “nhiệt độ” của lời nói, đạt được hiệu quả “ném đá dò đường”. Trong “Quỷ cốc tử - phản ứng chi sách” có nói đến phương pháp tỉ mỉ để “dẫn dắt” người khác thông qua lời nói “dĩ vô hình cầu hữu hình, kỳ điêu ngữ hợp sự, đắc nhân sự dã. Nhược trương trí mạng nhi thủ thú dã, đa chương kỳ hội nhi ty chi. Đạo hợp kỳ sự, bỉ tự xuất chi, thử điêu nhân chi mạng dã.” Câu này có nghĩa là chỉ nói một phần thôi, dùng ngôn từ hàm súc, ẩn dụ để không phải nói hết ra, như thế chính là gợi lời cho người khác, càng dễ dàng dẫn dắt đối phương nói ra điều ta cần biết.

Khi giải quyết một việc, nên dành trước ra cho mình một khoảng trống để “sửa đổi”. Khi lên kế hoạch, nên chú ý sao cho kế hoạch sát với thực tế, không nên quá lý tưởng hoá.

Giữa các cây để lại một khoảng đất trống thì cây mới có thể mọc cao hơn, hãy dành cho bạn bè một khoảng không, vì “đất không chịu trời thì trời chịu đất”, bạn bè phạm sai lầm thì cũng nên tha thứ, nương tay để giữ lại cái tình người. Kể cả khi người đó mắc lỗi nghiêm trọng thì cũng không nên hành xử quá tuyệt tình; chia cho người khác một bát canh, cho họ một không gian và thời gian, chắc chắn bạn sẽ nhận được sự đền đáp của họ. Điều này giống như quy định trong luật kiến trúc về độ che lấp của công trình, bạn chỉ được phép xây 40%, 60% phần không gian còn lại dành cho vườn hoa, không khí và ánh mặt trời, như thế mới nâng cao được chất lượng cuộc sống.

Con người trong xã hội hiện đại luôn phải giữ được trạng thái của người theo “chủ nghĩa một nửa”. Thắp sáng cho người khác, tiết kiệm năng lượng cho mình, lưu giữ cho cuộc sống của bản thân một đoạn kết luôn rộng mở, tạo cho người khác một không gian để phát huy khả năng, để mưu cầu một kết quả bất ngờ. Nếu đã có không gian tiến lui thoải mái, đã tạo được cho mình một vị trí không thể đánh bại, thì từ đó nhất định sẽ tìm được trạng thái cân bằng giữa mức hợp lý và hoàn mỹ.

CCP sưu tầm và bình

Công khai trước dân



CÔNG KHAI TRƯỚC DÂN





Vừa qua tại thành phố Đà Nẵng, ông Bí thư Thành ủy, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố này đã có một hoạt động công khai hiếm thấy trước nhân dân địa phương. Đó là buổi nói chuyện với trên bốn ngàn cán bộ các cấp tại địa phương về đủ loại vấn đề đã được truyền hình tại chỗ phát ra bên ngoài cho dân chúng cùng theo dõi. Nghe nói buổi nói chuyện này kéo dài tới 3 giờ đồng hồ, gây một hiệu ứng tốt với quần chúng nhân dân về tính công khai minh bạch về những điều mà quần chúng quan tâm nhất hiện nay…


Xin phép đưa lại đây một bài viết của nhà báo Việt Nam, các bản tin trên website Đài tiếng nói VN và đài Anh BBC về sự kiện trên.


Vệ Nhi g-th



-----



Bài của nhà báo Đào Tuấn:


Sự kiện Nguyễn Bá Thanh



Đăng ngày: 22:05 26-02-2012



Sau vụ án Cống Rộc, trên mạng Internet lưu truyền câu chuyện tiếu lâm thời hiện đại “Nguyên nhân vụ án Cống Rộc”. Một trong những nguyên nhân là vì “Ông Vươn tên là…Vươn”. (Nếu bỏ chữ V để tên Ươn thì cán bộ nào thèm “quan tâm”). Và nguyên nhân chính: Nông dân Đoàn Văn Vươn hơi bị thiếu “đạo làm dân”, đòi hỏi cán bộ phải quan tâm sâu sát với dân trong khi lại không thèm “quan tâm sâu sát” tới cán bộ”. Tiếu lâm, dù thời nào, nghĩ cho cùng, cũng là một cách nói thấm thía thể hiện cách nhìn, lối nghĩ của dân. Và câu chuyện tiếu lâm nghe xong không thể cười của thời hiện đại hôm nay có lẽ đã khái quát chính xác một trong những căn bệnh điển hình: Khoảng cách giữa quan chức và người dân.

Bởi vậy, một Ủy viên TƯ Đảng, Bí Thư Thành ủy như ông Nguyễn Bá Thanh công khai nói về “đạo làm quan”, về những biểu hiện quan liêu, xa dân, dù đứng trên bục đỏ, trong hội trường, với cử tọa là 4.500… quan chức, đã được coi như một “sự kiện”. Nhất là khi buổi nói chuyện diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ giữa cán bộ và nhân dân đang có một khoảng cách mênh mông về niềm tin và tình cảm.

Ông Thanh từng “nói chuyện tay bo” với các ông chồng vũ phu. Cũng từng “đối thoại đối mặt” với cả ngàn…tiểu thương. Nhưng đến giờ, cuộc nói chuyện mà người dân cần nhất, mới diễn ra, dù đó là chuyện “đạo làm quan”, dù việc ông đăng đàn công khai trước đến 4.500 cán bộ, cũng là “chuyện lạ” trong lịch sử nền hành chính.
“Cán bộ trẻ bây giờ có rất nhiều anh quan liêu, xa dân. Mới được bổ nhiệm hôm trước, lập tức hôm sau đã lên giọng quát tháo. Một bộ phận cán bộ lười nghiên cứu, lười đi cơ sở, mắc căn bệnh thành tích, hình thức, kèn cựa địa vị, tự thỏa mãn, ngại va chạm”.
Lãnh đạo TP thì “chưa bao quát hết mọi vấn đề, chưa chịu va chạm, đối thoại. Ít phê bình, ít kỷ luật cán bộ, cái gì cũng đều đều đến cuối năm thì vỗ tay tặng bằng khen”. Một trong những biểu hiện xa dân là bệnh nghiện họp. Hồi trước “Đâu có giặc là ta cứ đi”. Cán bộ bây giờ thì “Đâu có họp là ta cứ đi”. Xa dân nảy sinh tình trạng quan liêu. Quan liêu đến mức thẩm phán trước khi xử án không thèm xuống hiện trường kiểm tra, nghe ngóng, xem xét cụ thể. Rồi thì câu chuyện hành dân "Cán bộ, công chức đừng để tình trạng có bỏ bì thì mới làm, không cho thì im re". Thậm chí vị Bí thư còn không tiếc lời “Cán bộ mà có được cái gì mới làm thì khác gì con cá heo cho ăn mới nhảy múa. Họ cho mình tức là mình đã bị họ mua”.

Và điểm nhấn cho cuộc nói chuyện cách mạng này là việc Bí thư Thành ủy nói về chuyện chạy chức chạy quyền, về công tác tổ chức cán bộ, câu chuyện “tế nhị, nhạy cảm”nhất, kể cả đối với các chức danh Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND TP. Lưu ý: Đà Nẵng là địa phương có một Phó chủ tịch trẻ nhất nước. Và sau khi cựu Chủ tịch “ra TƯ” đã không ít những lời “quán nước vỉa hè” xung quanh.

Tất cả những điều ông Thanh nói không mới. Thậm chí, chúng là những căn bệnh cố hữu của nền hành chính, có trong bài học vỡ lòng ở những giáo trình hành chính, chính trị. Sự công khai, cũng là vấn đề “cốt lõi” của dân chủ. Nó trở thành sự kiện, là bởi những chuyện công khai đó trước nay vẫn là quá hiếm đối với quần chúng nhân dân, dù về mặt lý thuyết họ có quyền được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đề ra phương trâm “Nói phải đi đôi với làm”: Nói phải nói đúng. Không được nói một đằng làm một nẻo. Tránh nói, tránh hứa mà không làm.
“Sự kiện Nguyễn Bá Thanh” với câu chuyện “đạo làm quan”, với việc đề cập đến những căn bệnh tự thân cố hữu, và cả những vấn đề “nhạy cảm”, được truyền hình trực tiếp suốt gần 3 tiếng rưỡi đồng hồ, gây ra sự chú ý đặc biệt trong dư luận, đôi khi đơn giản chỉ là bởi ít nhất ông đã nói, nói công khai với quần chúng nhân dân hầu như toàn bộ nội tình của Thành phố, kể cả những vấn đề nhạy cảm nhất là nhân sự, kể cả những vấn đề tế nhị nhất là xử lý kỷ luật cán bộ.

“Nói phải đi đôi với làm”, nhưng trước hết, làm quan cũng cần phải nói, và nói công khai, để chí ít đảm bảo được quyền được biết của dân cái đã.



------


Bản tin trên trang web Đài Tiếng nói VN


Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt”

(VOV) - “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Một sự kiện ở miền Trung được dư luận quan tâm đó là buổi đối thoại của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với 4.500 cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp của thành phố.


Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh


Tại buổi đối thoại, những vấn đề gai góc, tế nhị... lâu nay của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố bên bờ sông Hàn được đặt ra như một trở ngại trên con đường phát triển nhanh, bền vững của thành phố Đà Nẵng, qua đó tạo sức thu hút đặc biệt đối với các nhà đầu tư. Đó cũng là những việc cần chỉnh đốn Đảng, chỉnh đốn tác phong, lề lối làm việc của cán bộ Đảng viên.

Tại buổi đối thoại, những vấn đề nan giải, các nguy cơ của bộ máy lãnh đạo, quản lý các cấp ở thành phố Đà Nẵng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đặt ra công khai. Một số kết quả đạt được chưa đủ để tự mãn. Thành phố Đà Nẵng không chấp nhận và cũng không để tình trạng đó kéo dài. Cán bộ ở Đà Nẵng phải phải bứt phá, phải nhìn xa hơn.


TP Đà Nẵng phấn đấu xây dựng lực lượng cán bộ mạnh về chuyên môn, có trách nhiệm với nhân dân


Lấy ví dụ những việc chưa làm được, ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: Danh hiệu Thành phố môi trường bền vững ASEAN là phần thưởng xứng đáng với nỗ lực của Đảng bộ và nhân dân thành phố Đà Nẵng, nhưng công tác quản lý môi trường vẫn còn buông lỏng, không quyết liệt xử lý những điểm nóng về ô nhiễm của Đà Nẵng như ở Khu hậu cần nghề cá và dịch vụ thủy sản Thọ Quang, rồi khu dân cư Phú Lộc hay tại Nhà máy thép Thái Bình Dương... Tiếp đó là tình trạng lạm thu trong nhà trường, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan...

Nhiều năm nay, việc tổ chức đối thoại trực tiếp được lãnh đạo thành phố Đà Nẵng duy trì. Nhưng, đầy đây lần tổ chức quy mô nhất. Trong một buổi sáng, hơn 4.500 cán bộ, công chức UBND, Sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Đà Nẵng “tạm gác” lại việc công để nghe những điều tưởng chừng khó nghe nhất, nhưng cũng thiết thực nhất với tư cách là công bộc của nhân dân.

Quang cảnh buổi đối thoại


Sau 3 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước (2008, 2009 và 2010), vị trí thứ 5 về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 của thành phố Đà Nẵng là biểu hiện của việc thiếu tâm huyết và nhiệt tình của một bộ phận cán bộ của thành phố.

Bí thư thành ủy Đà Nẵng cho rằng, đó cũng là dịp để lãnh đạo chính quyền nhìn nhận lại thái độ, trách nhiệm đối với doanh nghiệp và thấy những việc chưa làm được để có hướng cải thiện, phấn đấu cho mục tiêu thời gian tới.

Nói về triển khai Nghị quyết T.Ư 4 tại Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho rằng: “Nguy hiểm nhất là cán bộ tự thấy mình quan trọng, rời xa dân, quan liêu, thiếu trách nhiệm, bệnh thành tích, tự thỏa mãn, ngại va chạm. Lúc đó, dễ nảy sinh việc lạm dụng quyền lực”.
Cảnh báo về biểu hiện quan liêu, xa dân trong nhiều cán bộ chính quyền. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng khẳng định: “Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt mà chỉ cần phấn đấu. Đà Nẵng được như hôm nay cũng nhờ có khát vọng”.

Hơn 4.500 cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp tham dự buổi đối thoại


Khát vọng của cán bộ trẻ ở Đà Nẵng được ươm mầm từ nhiều năm trước khi ông chỉ đạo thành lập và là Chủ tịch danh dự CLB Cán bộ trẻ thành phố Đà Nẵng. Từ cách làm này, một bộ phận cán bộ trẻ, trí thức ở phương xa đã về cống hiên cho thành phố động lực của miền Trung.

Chấn chỉnh kịp thời bệnh quan liêu, thiếu trách nhiệm, xa rời nhân dân, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị toàn Đảng bộ và nhân dân thành phố tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong từng vị trí công tác cụ thể, để Đà Nẵng có đội ngũ cán bộ thực sự có năng lực chuyên môn, trách nhiệm với nhân dân./.



Hải Sơn/VOV Miền Trung

Nguồn: http://vov.vn/Home/Bi-thu-Thanh-uy-Nguyen-Ba-Thanh-Da-Nang-khong-co-chuyen-chay-chot/20122/201298.vov


------------

Bản tin trên BBC



Một trong những chính khách nổi bật nhất tại Việt Nam lại vừa gây chú ý khi có buổi nói chuyện với hơn 4.000 cán bộ, được đài địa phương truyền hình trực tiếp để người dân theo dõi.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, hôm 24/02, đã đề cập một loạt vấn đề của thành phố trong suốt ba tiếng đồng hồ.

Đây được xem là cuộc đăng đàn diễn thuyết quy mô lớn nhất từ trước tới nay của ông Thanh tại Đà Nẵng.

Nhà báo Nguyễn Thế Thịnh tường thuật trên blog: “Lần đầu tiên tui nghe một bí thư Tỉnh ủy công khai vì sao ông này làm chủ tịch mà không phải ông kia, vì sao ông này làm phó chủ tịch mà không phải ông kia, vì sao ông này làm giám đốc sở mà không phải ông kia…”
“Cuộc nói chuyện của ông thú vị ở chỗ ông nói về các vấn đề được gọi là “nhạy cảm” bằng một ngữ điệu thản nhiên với ngôn ngữ dân dã, điều đặc biệt là ông vận dụng những câu chuyện vui chêm vào đầy ngụ ý nhưng nghe rất thoải mái.”

Người là trưởng văn phòng báo Thanh Niên ở Đà Nẵng nhận xét ông Thanh đã “công khai toàn bộ ‘nội tình’ của thành phố, trên tất cả các lĩnh vực, kể cả công tác cán bộ vốn được coi là vấn đề nhạy cảm xưa nay.”

Tại một sự kiện được truyền hình trực tiếp, ông Thanh làm một điều dường như chưa có tiền lệ ở Việt Nam khi nhận xét về từng cá nhân lãnh đạo ủy ban thành phố.

Nhắc về ông Văn Hữu Chiến, đương kim Chủ tịch UBND thành phố, ông Thanh nói: “Nếu về tài và đức, anh Chiến chưa hẳn đã hơn anh Võ Duy Khương (Phó Chủ tịch UBND Đà Nẵng). Nhưng vì đại cục chung, chúng tôi phải chọn anh Chiến.”

Ông cũng chê trách thẳng ban lãnh đạo hiện nay của Đà Nẵng: “Hồi tôi còn làm Chủ tịch UBND TP, mỗi tháng họp báo một lần, có vấn đề gì thắc mắc, chưa rõ nêu hết ra đó trao đổi với nhau.”

“Còn bây giờ nhiều lúc mấy tháng không họp báo, không cung cấp thông tin,” ông Thanh nói.

Trong bài phát biểu, ông Nguyễn Bá Thanh kêu gọi “mỗi chức danh quy hoạch từ hai đến ba người” kể cả cho chức Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

“Ít nhất là phải hai, và không làm lấy được. Công khai hóa quy hoạch cho toàn đảng, toàn quân, toàn dân biết.”

“Mấy ông thi đua với nhau, tới hồi ông nào tốt nhất, mình chọn, thế thôi, phải có cạnh tranh,” ông Thanh tuyên bố.

Dấu ấn

Đà Nẵng được đánh giá là một trong những địa phương tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp và có cơ sở hạ tầng hàng đầu của Việt Nam.

Thành tựu của nơi này những năm qua gắn chặt với cái tên Nguyễn Bá Thanh, người từng là Chủ tịch UBND và sau đó nắm chức Bí thư Thành ủy.

Những người ủng hộ nói rằng ông là nhà lãnh đạo năng động, quyết đoán, đã giúp Đà Nẵng thành một trong số ít thành phố đẹp và phát triển nhất nước.

Blogger Trương Duy Nhất, người quen biết ông Thanh, ca ngợi: “Tôi đố trong 63 tỉnh thành có nơi nào mà Bí thư lên thuyết giảng cả buổi, hơn 4.000 con người từ Phó Bí thư, Chủ tịch đến quan chức đủ loại của thành phố ngồi nghe như… nuốt từng lời?”

Ông Nhất cũng thừa nhận ở vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng còn có “sự độc tài”.

Có những tin đồn không tốt về ông, và vụ xử Thiếu tướng công an Trần Văn Thanh, nguyên Giám đốc Công An Đà Nẵng, đã từng dấy lên cáo buộc về nguồn gốc “mờ ám” trong quá trình duy trì quyền lực của ông Thanh.

Tuy vậy, dư luận trong nước cho rằng so với nhiều chính khách “không nói cũng không làm”, thì ông Nguyễn Bá Thanh là dạng lãnh đạo biết tạo ấn tượng cả qua lời nói và việc làm.

Một cán bộ nghỉ hưu ở TP. HCM nói với BBC: “Nhiều quan chức bây giờ phát biểu một đằng, làm một nẻo, mình không biết tin vào đâu.”

“Nếu những gì ông Thanh nói là thật lòng, thì đó là quan điểm tiến bộ.”


Nhưng người này nghi ngờ liệu ông Thanh có làm được những gì mình tuyên bố, ví dụ việc chọn chức danh lãnh đạo thành phố.

“Trước đây, ông Thanh từng đề nghị nên bầu trực tiếp chủ tịch UBND thành phố. Nhưng hiện tại, bí thư xã còn không cho bầu trực tiếp, huống hồ thành phố.”

Cá nhân và cơ chế

Vai trò cá nhân của vị Bí thư Thành ủy Đà Nẵng lại cũng rọi ánh sáng vào một hệ thống chính trị “không ai dám chịu trách nhiệm”.

Không ít người dân và cán bộ đảng kỳ vọng từ thành công ở Đà Nẵng, ông sẽ có chân trong chính phủ trung ương, thậm chí Bộ Chính trị, để tạo dấu ấn trên cả nước.

Theo blogger Trương Duy Nhất, ông Thanh “cần sự thay chuyển để bản thân mình khác đi và cũng là cách để tìm được những hứng khởi khác, ở tầm cấp khác”.

Dịp Đại hội Đảng XI năm ngoái, đã có tin đồn ông sẽ trở thành Phó Thủ tướng, nhưng rốt cuộc đó chỉ là lời đồn.

Và không phải không có người nghi ngờ ông Thanh có còn tạo ấn tượng nếu ông được thăng chức ra Hà Nội.

Một đảng viên nói với BBC: “Các bộ ngành dây mơ rễ má. Ra Trung ương, chưa chắc ông làm được việc.”

“Cơ chế ở Việt Nam là cấp ủy đảng lãnh đạo, bàn bạc, dựa dẫm nhau. Ai cũng sợ trách nhiệm, nên người đứng đầu không dám quyết,” người này nói.

@bbc







Thứ Hai, 27 tháng 2, 2012

Nhìn nhận từ nước ngoài


Nhìn nhận kinh tế VN từ nước ngoài

Đánh giá sự phát triển kinh tế Việt Nam có những góc nhìn và quan niệm khác nhau, không những từ chuyên gia trong nước mà cả từ các giới theo dõi Việt Nam ở nước ngoài.

Để rộng đường tham chiếu và có sự đánh giá sâu sát và khách quan nhất có thể, xin giới thiệu một tạp chí có uy tín, tờ "Chính sách đối ngoại" (Foreign Policy) của Mỹ vừa in bài viết của Marco Brew và Ri Dchardobbs. Mời bạn bè tham khảo.

Vệ Nhi

-------  





VIỆT NAM: CON HỔ CHÂU Á MỚI

Nguồn: Marco Brew, Ri Dchardobbs - Foreign Policy
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ

Rõ ràng đã có nhiều đổi thay ở Đông nam Á kể từ sau cuộc chiến Việt Nam. Việt Nam đã tự chuyển hoá trong 25 năm qua. Năm 2007, Việt Nam đã trở thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới. Nó đã trở thành một nơi thu hút đầu tư nước ngoài và đang chuyển hoá nhanh chóng từ một nền kinh tế nông nghiệp trở thành một nền kinh tế chú trọng vào sản xuất và dịch vụ giá trị cao. Nhưng nếu Việt Nam muốn giữ tỉ lệ tăng trưởng nổi bật của mình lâu dài, nó cần phải thúc đẩy lực lượng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ vào những năm tới.

Dưới đây là 10 tóm tắt từ báo cáo của Học viện McKinsey Global “Giữ nhịp tăng trưởng bền vững tại Việt Nam: Thách thức về năng suất” có thể khiến bạn ngạc nhiên.

1. Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng hơn bất kỳ nền kinh tế nào tại châu Á ngoại trừ Trung Quốc




Việt Nam, một đất nước từng bị chiến tranh tàn phá, hiện đã trở thành một trong những câu chuyện thành công về kinh tế tại Châu Á trong vòng một phần tư thế kỷ qua. Kể từ khi Đảng Cộng sản bắt đầu quá trình cải cách với tên gọi “Đổi mới” vào năm 1986, quốc gia này đã tháo bỏ những rào cản đối với thương mại và hướng đi của nguồn vốn, mở rộng kinh tế hơn cho lĩnh vực tư nhân. Trong giai đoạn này, nền kinh tế đã phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Á ngoại trừ Trung Quốc, với tỉ lệ tăng trưởng GDP bình quân vào mức 5,3% mỗi năm. Mức tăng trưởng này đã tiếp tục bất chấp cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á ở thập niên 1990 cũng như cuộc suy giảm kinh tế toàn cầu gần đây (nền kinh tế đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm từ 2005-2010) — một kỷ lục mạnh mẽ hơn nhiều nền kinh tế khác ở châu Á có được.

2. Việt Nam đang bước ra khỏi ruộng đồng




Kinh tế Việt Nam không còn quanh quẩn với nông nghiệp. Trên thực tế, đóng góp của nông nghiệp vào GDP quốc gia đã bị cắt giảm phân nửa từ 40% xuống còn 20% chỉ trong vòng 15 năm, một chuyển đổi nhanh chóng hơn nhiều so với những nền kinh tế châu Á khác. Một chuyển biến tương tự phải mất đến 29 năm ở Trung Quốc và 41 năm ở Ấn Độ.

Trong vòng 10 năm qua, phần lượng việc làm nông nghiệp toàn quốc đã giảm 13%, trong khi phần lượng việc làm công nghiệp tăng 9,6% và dịch vụ tăng 3,4%. Sự chuyển đổi lao động từ kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ đã đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam vì sự khác biệt về năng suất giữa các lĩnh vực này. Kết quả là, đóng góp của ngành nông nghiệp vào GDP đã giải 6,7% trong khi đóng góp công nghiệp tăng 7,2% trong vòng 10 năm qua.

3. Nhưng Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu tiêu, hạt điều, gạo và cà phê hàng đầu thế giới



Việt Nam là nhà xuất khẩu hạt tiêu hàng đầu của thế giới với 116.000 tấn vào năm 2010 và cũng đã đi đầu thế giới trong xuất khẩu hạt điều trong suốt 4 năm liền. Việt Nam cũng là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai trên thế giới sau Thái Lan và chỉ sau Brazil trong việc xuất khẩu cà phê với sản lượng tăng gần gấp ba chỉ trong vòng bốn năm. Việt Nam đứng thứ năm thế giới về sản xuất trà và thứ sáu về xuất khẩu thuỷ sản như cá da trơn, mực, tôm và cá ngừ.

4. Việt Nam không phải là “Trung Quốc+1”


Giá lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc đã thúc đẩy một số chủ xí nghiệp chuyển khâu sản xuất sang Việt Nam, vốn đang có nguồn lao động giả rẻ dồi dào. Xu hướng này đã thúc đẩy thêm những thảo luận giữa các Tổng giám đốc về việc Việt Nam đang trở thành điểm tựa lớn sắp tới cho việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu ở châu Á — một phiên bản nhỏ hơn của Trung Quốc, hay Trung Quốc+1.
Nhưng Việt Nam thì rất khác biệt với Trung Quốc trong hai khía cạnh. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam được thúc đẩy bởi động lực tiêu thụ cá nhân nhiều hơn Trung Quốc. Mức tiêu thụ bởi mỗi gia đình chiếm đến 65% GDP của Việt Nam — một tỉ lệ cao bất thường tại châu Á. Ngược lại, tại Trung Quốc, mức tiêu thụ chỉ chiếm có 36% GDP.

Thứ hai, trong khi sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc được thúc đẩy bởi việc sản xuất hàng hoá xuất khẩu và mức độ đầu tư vốn cao bất thường, nền kinh tế Việt Nam thì cân bằng hơn nhiều giữa sản xuất và dịch vụ, với mỗi lĩnh vực chiếm khoảng 40% GDP. Tăng trưởng của Việt Nam có nền tảng rộng hơn với những lợi thế cạnh tranh trên khắp khu vực kinh tế. Trong 5 năm qua, sản lượng công nghiệp (bao gồm cả xây dựng, sản xuất, khai thác mỏ và cung cấp điện nước) và lĩnh vực dịch vụ đã tăng trưởng ở mức 8% hàng năm.

5. Việt Nam là nơi hấp dẫn đầu tư nước ngoài




Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường đang lên hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những thăm dò bởi bộ thương mại và đầu tư Anh Quốc và Cơ quan Kinh tế đã đều xếp hạng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất trong những thị trường đang lên đối với đầu tư trực tiếp từ nước ngoài chỉ sau bốn nước trong khối BRIC gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Đầu tư nước ngoài trực tiếp có đăng chỉ đổ vào Việt Nam đã tăng từ 3,2 tỉ Mỹ kim vào năm 2003 lên đến 71,7 tỉ Mỹ kim vào năm 2008 trước khi bị giảm xuống 21,5 tỉ trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu 2009.

Ở lĩnh vực này, một lần nữa Việt Nam cũng khác với Trung Quốc. Gần 60% Đầu tư nước ngoài trực tiếp ở Trung Quốc được đổ vào lĩnh vực sản xuất thủ công, so với chỉ 20% tại Việt Nam. Tại Việt Nam, đa phần lượng đầu tư còn lại được chú trọng vào khai thác mỏ, dầu và khí đốt (40%) và bất động sản (15-20%), phản ánh sức tăng trưởng nhanh chóng của ngành kỹ nghệ du lịch tại Việt Nam. Con số du khách ngoại quốc đến Việt Nam đã tăng 1 phần 3 từ năm 2005.

6. Cơ sở hạ tầng giao thông của Việt Nam tiến bộ hơn Philippines hoặc Thái Lan



Việt Nam đã bắt đầu có những đầu tư quan trọng vào cơ sở hạ tầng. Nhiều du khách đến Việt Nam vẫn xem hệ thống đường xá của quốc gia này thì rất đơn giản. Nhưng, với giai đoạn phát triển kinh tế hiện nay của mình, Việt Nam đang bổ sung cơ sở hạ tầng đường bộ với một tốc độ cao. Mật độ đường bộ đã đạt đến 0,78 ki lô mét trong mỗi ki lô mét vuông vào năm 2009, vốn cao hơn mật độ đường bộ tại Philippines hoặc Thái Lan, những nơi vốn phát triển hơn Việt Nam. Cũng trong cùng năm, mạng lưới điện đã phủ hơn 96% diện tích quốc gia. Những bến cảng hàng hoá như Dung Quất và Cái Mép và những sân bay tại Đà Nẵng và Cần Thơ đã tăng cường kết nối với toàn thế giới.

7. Giới trẻ Việt Nam đang nối mạng



Dân số Việt Nam trẻ, có trình độ cao và ngày càng nối mạng nhiều. Thuê bao di động tại Việt Nam tăng gần 70% mỗi năm từ 2000 – 2010 so với ít hơn 10% mỗi năm tại Hoa Kỳ trong cùng thập niên. Đến cuối năm 2010, Việt Nam có 170 triệu người thuê bao điện thoại, trong đó có 154 triệu người dùng di động.

Tầng xuất xâm nhập mạng của Việt Nam ở mức 31%, ít hơn nhiều so với những nước châu Á khác như Malaysia (55%) và Đài Loan (72%). Nhưng điều này đang thay đổi nhanh chóng. Thuê bao đường truyền mạng băng rộng tại Việt Nam tăng từ 0,5 triệu vào năm 2006 lên đến khoảng 3,8 triệu vào năm 2010, cùng năm khi thuê bao di động tốc độ 3G đạt 7,7 triệu. Một khi cơ sở hạ tầng viễn thông đuổi kịp, tầng số sử dụng di động và mạng chắc chắn sẽ bùng nổ. Đã có đnế 94% người sử dụng mạng truy cập tin tức trực tuyến. Hơn 40% người dùng truy cập mạng mỗi ngày.

8. Việt Nam đang trở thành địa điểm tốt nhất để chuyển dịch vụ và sản xuất ra nước ngoài



Việt Nam đã mướn hơn 100 nghìn người trong lĩnh vực thuê mướn và phục vụ bên ngoài, đến nay đã có được thu nhập hơn 1,5 tỉ Mỹ kim mỗi năm. Một số tập đoàn đa quốc gia đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, bao gồm Hewlett-Packard, IBM và Panasonic. Trên thực tế, quốc gia này đang có tiềm năng trở thành một trong 10 địa điểm lý tưởng nhất của lĩnh vực này nhờ thành phần sinh viên vừa ra trường tương đối trẻ (các trường đại học đưa 257 nghìn thanh niên tham gia vào lực lượng lao động mỗi năm) và lương tương đối thấp. Một lập trình viên tại Việt Nam có thể được thuê với giá rẻ hơn 60% giá thuê tại Trung Quốc, trong khi những nhân viên xử lý dữ liệu và đánh máy ghi âm tại Việt Nam chỉ tốn 50% giá lương so với tại Trung Quốc.

Dịch vụ và sản xuất bên ngoài tại Việt Nam có thể tạo ra thu nhập hàng năm vào khoảng 6 – 8 tỉ Mỹ kim, đa số có mục đích xuất khẩu — nếu có đủ nhu cầu và Việt Nam có thể bảo đảm đáp ứng được nhu cầu này. Lĩnh vực có thể trở thành một guồng máy tạo công việc tại các khu đô thị, mướn thêm khoảng 600 nghìn đến 700 nghìn người vào năm 2020 và đóng góp từ 3% đến 5% vào mức tăng trưởng GDP.

9. Các ngân hàng tại Việt Nam đang cho vay với tốc độ nhanh hơn so với tại Trung Quốc, Ấn Độ hoặc các nước khối ASEAN



Tổng số nợ ngân hàng tồn đọng ở Việt Nam trong vòng mười năm qua đã tăng 33% vào năm nay — một tỉ lệ tăng mạnh hơn so với ở Trung Quốc, Ấn Độ hoặc ở bất kỳ quốc gia thành viên khác trong khối ASEAN. Đến cuối năm 2010, trị giá các nợ tồn đọng đã đạt đến khoảng 120% của GDP, so với 22% vào năm 2000. Mặc dù điều này có thể là dấu hiệu của một tính năng động mới trong nền kinh tế Việt Nam, được bôi trơn bởi việc mở rộng hệ thống ngân hàng, vẫn còn tồn đọng nỗi lo rằng một sự đi lên liên quan đến nợ xấu có thể dẫn đến sự căng thẳng kinh tế trầm trợng tại Việt Nam (như nó đã xuất hiện ở những nơi khác) và bắt buộc chính phủ phải can thiệp vào lĩnh vực tài chính để bảo vệ người cho vay, hệ thống ngân hàng và cuối cùng là người đóng thuế.

10. Lợi thế dân số của Việt Nam đang yếu đi



Từ 2005 đến 2010, lực lượng lao động trẻ Việt Nam nhanh chóng tăng lên và rời khỏi lnh vực nông nghiệp đã góp tăng nhân đôi tỉ lệ tăng trưởng của Việt Nam. Một phần ba còn lại đến từ hiệu quả sản xuất. Nhưng giờ đây hai động cơ thúc đẩy tăng trưởng đang yếu dần. Dữ liệu chính thức dự đoán rằng lực lượng lao động sẽ sút giảm vào khoảng 0,6% mỗi năm trong thập niên tới, so với mức tăng 2,8% hàng năm từ 2000 đến 2010. Và dường như việc chuyển dịch từ đồng ruộng sang nhà máy khó có thể tiếp tục ở tốc độ mà chúng ta từng chứng kiến trước đây.

Việc năng cao hiệu quả sản xuất vì thế phải cần bù đắp sự thiếu hụt này nếu Việt Nam muốn giữ nguyên tỉ lệ tăng trưởng lịch sử này. Đúng hơn là tỉ lệ tăng trưởng về thành quả lao động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ cần phải tăng hơn 50% từ 4,1% lên 6,4% mỗi năm để nền kinh tế bắt kịp mục tiêu tăng trưởng hàng năm ở mức 7 – 8% của chính phủ vào năm 2020. Nếu việc tăng trưởng sản lượng này không đạt được, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam chắc chắn sẽ suy giảm từ 4,5 – 5% mỗi năm. Ở nhịp độ này, GDP của Việt Nam vào năm 2020 sẽ thấp hơn 30% nếu nó vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7% mỗi năm.

* * *

Việt Nam có rất nhiều sức mạnh tiềm ẩn — một lực lượng lao động trẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào và sự ổn định chính trị. Nếu nó hành động dứt khoát để đối diện những nguy cơ ngắn hạn và theo đuổi một lịch trình tăng trưởng dẫn đầu bởi sản lượng, nó có thể có được một thời kỳ tăng trưởng và thịnh vượng  thứ hai.


@X-Cafe

Nguồn:  http://anle20.wordpress.com/2012/02/26/vi%e1%bb%87t-nam-m%e1%bb%99t-con-h%e1%bb%95-chau-a-m%e1%bb%9bi/













Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2012

Những bài học đắt giá





Những bài học đắt giá


Cuối tuần bạn tôi, anh Nguyễn Thạc Dĩnh, vừa gửi cho mấy mẩu chuyện. Đọc thấy ý tứ người viết gửi gắm sâu sắc và thâm thúy. Đơn giản chỉ là những mẩu chuyện ngắn gọn về sự đời, về cách dùng người, về đối nhân xử thế nói chung. Đôi khi chuyện kể về loài vật mà con người mình thấy giật thót mình, suy tư và thấm thía cái lẽ đời... Và cuối mỗi câu chuyện đều có thể rút ra một bài học về quản lý đắt giá.


Xin giới thiệu bạn bè cùng chia sẻ ngày nghỉ cuối tuần.


Vệ Nhi g-th


-------


Những bài học quản lý đắt giá


Bài học 1

Hai con bồ câu trống và mái tha hạt thóc về đầy tổ, cả hai rất ư hạnh phúc. Gặp mùa khô hanh, hạt thóc ngót lại. Con trống thấy tổ vơi đi liền trách con mái ăn vụng. Con mái cãi lại liền bị con trống mổ chết. Mấy hôm sau mưa xuống, hạt thóc thấm nước và nở to ra. Bồ câu trống ngẩn tò te.

Bài học rút ra: không nên nóng vội khi chưa hiểu rõ nguyên nhân.





Bài học 2

Một ông vua nọ do chán chuyện triều đình nên mua một con khỉ đem về. Con khỉ làm trò rất hay nên được vua sủng ái, đi đâu cũng mang theo, cho mặc quần áo, giao cả kiếm cho giữ. Một hôm, vua ra vườn thượng uyển ngủ. Có con ong bay đến đậu lên đầu vua. Khỉ muốn đuổi ong, lấy kiếm nhắm vào ong mà chém. Đức vua băng hà.

Bài học rút ra: trao quyền cho những kẻ không có năng lực thì luôn luôn phải cảnh giác.


Bài học 3

Quạ thấy chó ngậm khúc xương quá ngon, bèn đánh liều lao xuống mổ vào đầu chó. Bị bất ngờ, chó bỏ chạy để lại khúc xương. Quạ ngoạm lấy khúc xương nhưng nặng quá không tha nổi. Chó, sau khi hoàn hồn, thấy kẻ tấn công chỉ là con quạ nên quay lại táp một cú, quạ chết tươi.

Bài học rút ra: đừng chiếm thị trường nếu ta biết là không giữ được nó.


Bài học 4


Ba con thú dữ là sói, gấu và cáo thay nhau ức hiếp đàn dê. Dê đầu đàn bèn nói với cả bầy: “Ta nên mời một trong ba gã sói, gấu hay cáo làm thủ lĩnh của chúng ta”. Cả đàn dê bất bình, nhưng ba “hung thần” nghe tin này rất mừng. Thế là chúng quay sang tranh giành nhau quyền lãnh đạo, cuối cùng cáo dùng bẫy hại chết được sói và gấu. Nhưng rồi một mình nó không còn ức hiếp đàn dê được nữa.

Bài học rút ra: hãy thận trọng khi nghe tin ta sắp được làm Sếp!



Bài học 5

Một nhân viên bán hàng, một thư ký hành chính và một sếp quản lý cùng đi ăn trưa với nhau, họ bắt được một cây đèn cổ. Họ xoa tay vào đèn và thần đèn hiện lên. Thần đèn bảo: “Ta cho các con mỗi đứa một điều ước”. Tôi trước! Tôi trước! – Cô thư ký hành chính nhanh nhảu nói: Tôi muốn được ở Bahamas lái canô và quên hết sự đời. Vút. Cô thư ký biến mất. Tôi! Tôi! anh nhân viên bán hàng nói: Tôi muốn ở Hawaii nằm dài trên bãi biển có nhân viên massage riêng, nguồn cung cấp Pina Coladas vô tận và với người tình trăm năm. Vút. Anh nhân viên bán hàng biến mất. Ok tới lượt anh. Thần đèn nói với ông quản lý. Ông quản lý nói: tôi muốn hai đứa ấy có mặt ở văn phòng làm việc ngay sau bữa trưa.

Bài học rút ra: đừng vội phát biểu trước cấp trên.


Bài học 6


Một con đại bàng đang đậu trên cây nghỉ ngơi, chẳng làm gì cả. Con thỏ nhìn thấy thế hỏi: Tôi có thể ngồi không và chẳng làm gì như anh được không? Ðại bàng trả lời: Được chứ, sao không. Thế là con thỏ ngồi xuống gốc cây nghỉ ngơi. Bỗng dưng một con cáo xuất hiện, vồ lấy con thỏ mà ăn thịt.

Bài học rút ra: đừng bao giờ muốn được ngồi không để chẳng cần làm gì. Và một bài học khác: Để được ngồi không, bạn phải ngồi ở vị trí rất, rất cao.


Bài học thứ 7

Một con gà tây trò chuyện với một con bò: “Giá mà tôi có thể bay lên ngọn cây kia thì thích quá, nhưng tôi không đủ sức”, gà tây thở dài.

"Được rồi, tại sao bạn không nếm tý phân của tôi nhỉ? Nó có nhiều chất bổ lắm đấy”, bò trả lời . Gà tây mổ ăn phân bò và nó thấy quả là nó đã đủ sức bay lên cái cành thấp nhất. Ngày hôm sau, ăn thêm phân bò, nó bay lên được cành thứ hai. Cuối cùng, sau đêm thứ tư, gà tây khoái chí lên tới được ngọn cây. Nó lập tức bị một nông dân phát hiện, anh này bắn nó rơi xuống đất.

Bài học rút ra: sự ngu dốt có thể đưa ta lên đỉnh cao nhưng không thể giữ cho ta ở đó mãi.


Bài học thứ 8


Một con chim nhỏ bay về phương Nam tránh rét. Trời lạnh quá con chim bị lanh cứng và rơi xuống một cánh đồng lớn. Trong lúc nó nằm đấy, một con bò đi qua ỉa vào người nó. Con chim nằm giữa đống phân bò nhận ra rằng nó đang ấm dần. Ðống phân đã ủ ấm cho nó. Nó nằm đấy thấy ấm áp và hạnh phúc, nó bắt đầu cất tiếng hót yêu đời. Một con mèo đi ngang, nghe tiếng chim hót liền tới thám thính. Lần theo âm thanh, con mèo phát hiện ra con chim nằm trong đống phân, nó liền kéo con chim ra ăn thịt.


Bài học xương máu:

1. Không phải người nào bôi nhọ ta cũng là kẻ thù của ta.

2. Không phải kẻ nào kéo ta ra khỏi bùn nhơ cũng là bạn của ta.

3. Và khi đang ngập chìm trong vũng lầy thì tốt nhất là nên im lặng.





Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

Lời cảnh báo đáng ngẫm sâu...



Lời cảnh báo đáng ngẫm sâu...


Trưa nay gặp nhau, nhà văn Thăng Sắc báo có bài Tô Văn Trường trên blog của anh. Ngay lúc đó tôi đã lướt mạng và thấy, đây là loại "bài độc", nêu một ý kiến như sự cảm nhận vừa trực quan, vừa đúc kết từ suy nghĩ và kinh nghiệm. Nó là thứ cảnh báo xã hội mà ai tỉnh táo cũng phải lưu tâm.

Xin chỉ nói vài câu theo cảm nghĩ cá nhân như vậy, còn bài dưới đây của anh Tô Văn Trường các bạn sẽ đọc và tự rút ra nhận xét của mình.

Những ai theo dõi thời cuộc đều đọc nhiều bài viết của Tiến sĩ Tô trên các trang điện tử, báo mạng - cả chính thống cả "bàng thống". Là nói cho vui thế thôi, ai chứ bài viết của anh Tô Văn Trường thì nơi nào đăng cũng là niềm vinh hạnh, chứ phân ra lề phải lề trái làm gì. Ngay cái Blog con con của tôi đây cũng vài ba lần gửi email để xin phép được đăng bài viết của anh... Cũng như nhiều người làm nghề thông tin báo chí, chúng tôi đều biết những cống hiến tâm huyết của anh Tô Văn Trường với khoa học thủy lợi, với nông nghiệp và nông dân Nam Bộ những thập niên qua. Đồng thời Tiến sĩ Tô Văn Trường cũng là một trong những người được nhiều năm gần gặn Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, góp nhiều ý kiến xác đáng cho Thủ tướng, xứng là một trong những think tank của đất nước mình - như đánh giá của nhiều anh em trí thức trong và ngoài nước. 

Với vụ Tiên Lãng ngòi bút phản biện của Tô Văn Trường đã từng góp mặt, bữa nay là một bài viết của anh theo hướng khác. Tức là tác giả lại hướng vấn đề Tiên Lãng sang một ngả khác, với cách nhìn nhận có tính cảnh báo, hay đúng hơn là cảnh tỉnh dư luận.



Dư luận chung chung thì rõ rồi, nhưng cá nhân tôi mong cái cách đặt vấn đề nghiêm túc và cảnh báo này không chỉ tới cư dân mạng chúng ta, giới truyền thông trong nước mà mong nó tới trực tiếp lãnh đạo cấp cao, tới thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - người đã có kết luận rõ ràng ngày 10/2 mà cả nước đều đã tường... 

Bài viết của anh Tô Văn Trường chỉ có mấy dòng phía đầu và phía cuối bài nêu lên chuyện PMU-18, phần còn lại chủ yếu tác giả nêu những vấn đề của báo chí, blogger phản ánh. Nếu như cách phản ánh chỉ không/thiếu tính trung thực – dù chỉ chút thôi, ở một chi tiết cụ thể nào thôi – là cũng có thể châm ngòi cho các đòn phản pháo lúc nào hầu như cũng sẵn sàng của kẻ mắc khuyết điểm, ngay cả kẻ đã chắc phần phạm tội…

Nói ra điều này vì đã có dấu hiệu của việc đó. Vậy nên người làm thông tin truyền thông, người giữ vai phản biện... phải luôn tĩnh tâm, không để hết cho tình cảm chi phối. Nói cụ thể là các chứng cứ, lập luận chúng ta đưa ra phải chính xác, tuyệt đối chính xác càng tốt. Đặc biệt là sự việc – bất cứ sự việc nào, sự việc dính dáng đến bất kỳ ai, ở cấp bậc nào trong giới quan chức Hải Phòng, Tiên Lãng nói chung – thì người làm báo, làm truyền thông của nhà nước cũng như những cây bút tự do, các trang mạng và blogger đưa ra nhằm tố cáo những sai lầm, làm trái pháp luật của những người và cơ quan mà Thủ tướng nhắc đến nhằm cuối cùng là bênh vực cho người nông dân (như đại gia đình anh Vươn bị cưỡng chế thu hồi đất… ) đều cần phải chính xác. Gặp điều gì chưa rõ thì hãy nêu câu hỏi, nêu nghi vấn chứ đừng kết luận sớm, đừng áp đặt một điều gì…

Đó là cái ý nhắm tới của Tiến sĩ Tô Văn Trường trong bài viết dưới đây với mong muốn đừng để cái kết cục xử Tiên Lãng lại biến thành một thứ PMU-18 lần thứ hai. Nhớ lại những cái sơ hở, nhùng nhằng trong các nguồn thông tin đưa ra của báo chí hồi có PMU-18 mà hai nhà báo tích cực chống tiêu cực sa cơ, vướng vòng lao lý. Và cùng với một số lý do khác hội lại, vụ án tham nhũng về ngành giao thông mấy năm trước đã có những diễn biến không thể ngờ tới...       

Trở lại câu chuyện nói ở đầu bài, nay vấn đề quan trọng là hãy phát huy sức mạnh của công luận đúng đắn. Những phát hiện và phân tích khách quan mọi sự kiện và sự việc nêu ra ở cơ sở Tiên Lãng, ở người dân sống tại mảnh đất này sẽ góp phần tạo nên tư liệu, chứng lý cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho giới luật sư được tham dự vào sự vụ, vào giải quyết các vụ án ở Tiên Lãng sắp tới. 

Ngoài ra một điều tối quan trọng nữa là các hành xử sắp tới đây của bộ máy hành chính nhà nước phải đủ tính nghiêm cẩn đối với cả loạt vấn đề đã được kết luận của người đứng đầu ngành hành pháp đất nước. Điều đó sẽ có tính quyết định để tránh không để cái dớp của vụ việc PMU-18 trước kia có thể lởn vởn quay trở về với Tiên Lãng?

Xin phép tác giả và blog của nhà văn Thăng Sắc đăng lại bài viết có giá trị tiên báo này. 

Vệ Nhi g-th

--------

NGUY CƠ VỤ PMU 18 TRỞ LẠI

Tô Văn Trường



Ngay sau khi bài báo “Bí thư Hải Phòng không nói trái với kết luận của Thủ tướng” đăng trên một vài tờ báo, nhiều ngưòi báo động các nhà báo phải thận trọng, đừng để nguy cơ vụ PMU 18 trở lại. Hy vọng các tờ báo đó khi đăng tin là tôn trọng thông tin đa chiều chứ không phải chịu tác động của các chuyến viếng thăm của đoàn công tác Hải Phòng hay chỉ thị của cấp nào đó để “tự kiểm duyệt”!

Suốt thời gian qua, ngoại trừ hệ thống tuyên truyền của thành phố Hải Phòng và vài tờ báo mang danh “tiếng nói của nhân dân”, hầu hết các tờ báo, nhà báo đã có cơ hội khẳng định, vượt lên chính mình nói lên tiếng nói của công lý về sự kiện Tiên Lãng.

Nói, viết, làm đúng sự thật, tôn trọng, bảo vệ sự thật là một nét văn hóa đẹp, một phẩm hạnh đẹp của con người, một tiêu chuẩn cơ bản của lòng tin giữa người với người, một điều cần thiết cốt tử của cuộc sống yên lành, trong sáng. Người làm báo trong nghề nghiệp của mình càng cần sống thật, viết thật, tôn trọng, bảo vệ sự thật. Đó là điểm số một của lương tâm nghề nghiệp, của lòng tôn trọng bạn đọc và tự trọng bản thân. Bài báo sai sự thật, xuyên tạc sự thật, dù vô tình hay cố ý, đều có tác dụng xấu, hại người, hại việc, và bôi nhọ sự cao quý của nghề làm báo.

Có ý kiến cho rằng nhà báo cũng là một nghề. Trong xã hội tham nhũng trở thảnh chuyện “thường ngày của huyện” thì chả có nghề nào được phép làm người lương thiện 100% cả đâu, thậm chí 50% còn khó. Một số nhà báo tử tế cũng bị áp lực kiếm tiền để sống nên đôi khi cũng phải viết theo chỉ đạo, chưa kể lỗi kỹ thuật vì lĩnh vực đó không hiểu hết. Báo chí có mặt trái là tìm kiếm người đọc, lợi nhuận và tranh thủ đánh bóng mình, đôi khi bằng mọi giá và không từ các thủ đoạn.

           Vấn đề của Tiên Lãng mà bây giờ chỉ chăm chăm đánh cá nhân, địa phương là sai lầm, dễ bị phe phái lợi dụng, lái đi chệch khỏi các vấn đề chính để đánh lạc hướng.

Đó là chỉnh đốn Đảng, là sửa đổi Hiến pháp và luật đất đai, là mức độ quan liêu của bộ máy chính quyền đã đến mức báo động, tham nhũng tràn lan.


 

Nhìn rộng ra cả đất nước thấy tương lai Việt Nam nằm trong đường hầm vì điều này là do chính mình tự chọn và không muốn thoát. Một nền kinh tế nào muốn phát triển đều cần thứ nhất là một nền khoa học và công nghệ tiên tiến. Điều này đòi hỏi một nền giáo dục có thực chất. Phát triển bền vững phải dựa tăng năng suất lao động. Cái gì làm tăng năng suất? Thứ hai là một xã hội có công lý, công bằng và có kỷ cương. Điều này đòi hỏi một nền tư pháp hoàn toàn độc lập, không bị chính trị thống soái và một nền hành chính được tuyển chọn dựa trên nghiệp vụ và đạo đức. Thứ ba, một giai cấp lãnh đạo (nếu còn giai cấp như hiện nay) được tuyển lựa dân chủ. Thử hỏi, nước ta liệu đã có đuợc 1 trong 3 điều kiện kể trên?

Trở lại vụ Tiên Lãng, chính một số nhà báo không thận trọng, sơ hở để một vài sai lầm kỹ thuật dễ bị đối tượng vin vào đó phản pháo! Không có dẫn chứng cụ thể nào để nói ông Nguyễn Văn Thành bí thư thành ủy đứng ra chỉ huy cuỡng chế. Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh lấy ảnh chiếc xe ủi ở nơi khác để minh họa cho việc phá ông Vuơn (báo Sài gòn tiếp thị đăng lại). Tuy chỉ vài ngày sau biết sai đã rút bài xuống nhưng không xin lỗi bạn đọc là thiếu sòng phẳng!

Nhà báo đại tá Bùi Văn Bồng đã tổng kết về ông bí thư thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành sai lầm có hệ thông, còn vụ Tiên Lãng chỉ là giọt nước làm tràn ly. Thực tình, nếu như Hải Phòng không xảy ra vụ rùm beng Tiên Lãng thì cũng chưa ai để ý nhiều đến hiện tượng độc chiêu ngôn ngữ ở xứ này. Điều tất nhiên là mỗi người đều có một vùng quê, cuộc đời gắn bó biết bao kỷ niệm với dòng sông quê hương: “Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng ? / Tất cả trả lời sinh bên một dòng sông / …Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng / Mỗi con người gắn bó một dòng sông…” (Bế Kiến Quốc). Nhưng vì thế nên ai cũng cần phải biết sống thê nào để phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương mình, đem lại niềm tự hào cho quê hương mình. Còn như các vị “tham quan lại nhũng” gây nhiều chuyện trái đạo lý nhân tâm, làm rối xã hội, gây sự kiện thành dư luận xấu cho xã hội, thì tự nhiên họ đã làm cho thiên hạ có những bình phẩm đa chiều về quê hương mình. Thế là cũng có tội với quê hương, dòng tộc. Như thế là họ đã tự mình đánh mất những truyền thống tốt đẹp của quê hương, gây phản cảm cho thiên hạ. Dù có trăm phương ngàn kế “chạy tội” nếu liêm sỉ và tự trọng, khá nhiều vị lãnh đạo ở thành phố Hải Phòng phải xin từ chức trước khi bị cách chức! (Mời đọc bài “Liêm sỉ và Từ chức” đăng trong mục sự kiện nóng của TuanVietnam.net ngày 22/2/2012- tác giả Tô Văn Trường).

Tuy chỉ là nhà báo nghiệp dư, không biên chế của hàng chục tờ báo, tôi nghiệm ra chân lý nhà báo trước tiên về nhân cách phải trung thực, tôn trọng sự thật. Về nghề nghiệp, phải bản lĩnh, khi đã viết phải có nguồn trích dẫn hoặc mình đi thẩm tra đảm bảo sự khách quan, tin cậy của nguồn tin. Khi biết sai phải mạnh dạn xin lỗi công khai, minh bạch.

Nhớ lại, có lần lúc tôi còn làm Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, bức xúc trước việc thi công bê bối của nhà thầu Trung Quốc, tắc trách trong quản lý của một số cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến dự án Nhiêu Lộc-Thị Nghè, và kẽ hở của quy chế chấm thầu dự án ODA, tôi viết lá thư riêng phản ánh gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ngay sau khi nhận thư, Thủ tướng đã quan tâm, có bút phê yêu cầu Bộ Kế hoạch Đầu tư cho đi kiểm tra xử lý, báo cáo Thủ tướng! Đoàn kiểm tra của Bộ KHĐT, do ông Vụ trưởng (kiêm Tổng biên tập báo Đầu tư) vào TP.HCM, cử một thành viên trong đoàn gọi điện thoại mời tôi sang làm việc. Tôi trả lời qua điện thoại đại ý tôi không sang, vì không viết thư cho Bộ KHĐT, nếu các vị quan tâm thì sang gặp tôi tại trụ sở của Viện, sẵn sàng đón tiếp, đối thoại. Hôm sau, đoàn sang, lúc đầu họ chỉ quan tâm truy hỏi vì sao tôi lại có những nguồn tin chỉ ít người trong cuộc mới am hiểu hết ngọn ngành. Tôi đáp lại, nhiệm vụ của đoàn là cần xác minh các điểm trong thư tôi nêu đúng sai ra sao, biện pháp khắc phục như thế nào để báo cáo Thủ tướng chứ không phải mục đích là đi truy tìm “chính ủy nằm trong đống rơm”! Thực tế diễn biến sau này tất cả các điểm tôi nêu trong thư đều chính xác để lại bài học khi viết hay nói phải trung thực, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể (có nguồn hoặc do chính mình đi thẩm tra) nhưng vẫn phải biết bảo vệ nguồn tin riêng của mình.

Tin rằng Tiên Lãng với tiếng súng “hoa cải” chính là thuốc thử cho việc đưa cuộc sống vào Nghị quyết Trung ương 4 của Đảng. (không phải chỉ đưa Nghị quyết vào cuộc sống!). Nhân dân, các vị lão thành cách mạng, các tướng lĩnh, các nhà báo và đặc biệt người dân thành phố hoa phượng đỏ cần phải cảnh giác không để vụ Tiên Lãng biến thành vụ PMU18!





Tin buồn


TIN BUỒN


Bữa nay gặp mặt anh em ngoại giao cũ bọn tôi "tự nguyện" hội vui với nhau. Vừa tan cuộc trở về thì nhận email Nhật Tuấn từ Sài Gòn.

Nhà văn phương Nam báo tin nhà văn Hoàng Yến vừa mất, hưởng thọ 90 tuổi. Trong thư Nhật Tuấn bảo tôi đăng trên mạng tin của anh báo để bạn bè, anh em viết lách trong Nam ngoài Bắc mình cùng biết.

Nếu coi chuyện anh em bọn tôi ngồi vài ba tiếng đồng hồ trước là chuyện vui, thì ập đến là ngay một chuyện chia ly, đau buồn rồi. Đời người chả biết thế nào...

Đành rằng ở tuổi anh Hoàng Yến, sự ra đi cũng là quy luật tạo hóa, nhưng thử ngoảnh lại nhìn vào cuộc đời và cơ nghiệp văn chương chữ nghĩa, cũng như cách sống nhiều năm nay anh Hoàng Yến chọn cho mình, không người viết nào lại không dâng trào một niềm thương cảm xen lẫn sự nể trọng kính phục.

Xin mời bạn bè chia sẻ với lời thông báo phân ưu của nhà văn Nhật Tuấn dưới đây.

Xin kính gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà văn Hoàng Tiến. 

 

Nguyễn Vĩnh blog

 

--------

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC NHÀ VĂN HOÀNG YẾN




Nhà văn Hoàng Yến (15-10-1922), sinh tại Hòa Vang, Quảng Nam Hội viên sáng lập Hội nhà văn 1957, thân phụ nhà văn Hiền Phương, đã trở về nơi vĩnh hằng vào 19 giờ 30 ngày 23 tháng 2 -2012 tức ngày 2 tháng 2 năm Nhâm Thìn tại tư gia ở Tp Hồ Chí Minh.
Hoàng Yến tham gia cách mạng từ 1942, chủ sự phòng tư pháp Công an Trung Bộ. Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông đưa gia đình ra khu 4 làm thư ký tòa soạn báo khu 4, thư ký riêng của ông Nguyễn Chí Thanh, chuyển sang sư đoàn 304 tham gia nhiều chiến dịch, kể cả Điện Biên Phủ.
Năm 1957, tập thơ “Tình người soi dặm đường” (NXB Hội nhà văn) của Hoàng Yến ra đời với giọng điệu đa cảm khiến vài cây bút phê bình “mao ít hơn cả tuyên huấn” phê phán kịch liệt. Tập thơ đó đã dẫn tới một vụ “án văn chương” âm thầm không qua “xét xử” . Nguyên do Hoàng Yến viết một bài phê bình thẳng thắn thơ Tố Hữu đăng báo Nhân Dân khiến ông này nổi giận, quy tội "phản động" bắt Hoàng Yến đi cải tạo lao động 3 năm tại Văn Lĩnh (Phú Thọ) . Sau khi ở tù ra , ông không in thơ nữa, chuyển sang viết tiểu thuyết lích sử , kịch bản sân khấu và chuyển công tác sang Cục sân khấu Bộ Văn hóa Thông tin.
Nhà văn Hoàng Yến viết khá nhiều , nổi bật là:
“ Câu thơ yên ngựa” (Tiểu thuyết lịch sử )
“ Chân mây khép mở”( Tiểu thuyết lịch sử (1991)
“ Thanh gươm cô đô đốc “ - Tuồng, có tiếng vang lớn, được gửi đi Paris công diễn.
“ Hình và bóng” kịch nói, gây chấn động dư luận , tuy nhiên chỉ sau hai đêm diễn ở Hải Phòng, vở kịch đã bị cấm.
“ Kẻ trôm nước trời” ( Tiểu thuyết 1996)
“ Suối Hoa”
“ Đêm Tiền Hải”
“ Lý Thường Kiệt”
và nhiều tác phẩm khác...
Ông từng được nhiều giải thưởng: 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc cho các kịch bản sân khấu.
Nhiều năm nay nhà văn Hoàng Yến sống lặng lẽ, xa lánh hẳn những hoạt động ồn ào của Hội nhà văn VN, tức cách sống như vô vi, coi cuộc đời và văn chương như giấc mộng thoảng qua...
Linh cữu quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm, Q3, TP Hồ Chí Minh từ ngày 24-2-2012.
Vĩnh biệt ông – vĩnh biệt một nhà văn tài năng, một con chim chỉ hót trong bóng tối.
Xin trân trọng gửi lời chia buồn sâu sắc tới nhà văn Hiền Phương cùng gia quyến.

Nhật Tuấn
(Nguồn: Blog Nhật Tuấn)




  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...