Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Khủng hoảng kinh tế Trung Quốc có đáng sợ ?


Khủng hoảng kinh tế Trung Quốc có đáng sợ ?

Nếu nói cụm từ nào được nói tới nhiều nhất trên thế giới vài tuần lễ qua thì đó là cụm từ “Ngân hàng Trung ương Trung Quốc”. 

Có thể một số cụm từ khác cũng được nhắc tới như tỉ giá, đồng đô-la Mỹ, chứng khoán, các chỉ số và cổ phiếu (rớt giá)…, nhưng chung quy thế nào cũng được nhắc “ngược lên” tới sự điều chỉnh của đồng Nhân dân tệ của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tới hệ lụy mà nó gây ra cho sinh hoạt kinh tế tài chính toàn cầu. 

Chúng ta nhớ lại sau khi cơ quan thuộc chính phủ TQ là Ngân hàng Trung ương nước này công bố liên tiếp 3 đợt điều chính giá trị đồng tiền quốc gia (là đồng Nhân dân tệ), thì không những các giao dịch ngân hàng, tài chính, các hoạt động vốn liếng, tiền tệ của TQ biến động (đi xuống, giảm thiểu, khó khăn…) mà hầu khắp các họat động tương tự ở các quốc gia khác (nhất là tại các trung tâm kinh tế tài chính châu Á, rồi Mỹ và Tây Âu…) đều đồng loạt ảnh hưởng. 

Giới quan sát tài chính tiền tệ thế giới thấy rõ các chỉ số và giá cổ phiếu gần như toàn cầu đều ít hoặc nhiều giảm điểm. Bức tranh kinh tế thế giới vốn đã ít khởi sắc trong vài năm nay giờ báo hiệu sự khó khăn hơn…Việt Nam chúng ta đang phát triển và hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới đương nhiên không tránh khỏi những khó khăn và tác động tiêu cực của sự kiện này.

Trong số rất nhiều bài viết về những biến động, suy thoái tiền tệ này, các hệ lụy của nó gây ra với nền kinh tế của các nước lớn và với nền kinh tế thế giới nói chung, chủ blog tôi xin giới thiệu dưới đây cuộc trao đổi có khá nhiều thông tin và nhận định đáng lưu ý. 

Xung quanh cái chủ đề đang hot trên đây đã được trao đổi giũa một nhà báo và một chuyên gia kinh tế một cách kỹ càng và sâu sắc hơn, đồng thời từ đấy nảy thêm ra một khía cạnh khác của vấn đề: Đó là liệu sự suy thoái - và có thể hiểu là khủng hoảng kinh tế - mà lần này Trung Quốc vấp phải, điều này trong hiện tại có “đáng sợ” với thế giới? Và nhất là với các nước lân bang hàng xóm của họ, hay không ? Đơn giản, bởi sự khủng hoảng của một cường quốc kinh tế được mệnh danh số 2 thế giới chắc có thể gây khó đối với các quốc gia khác...

Hãy quan sát và chờ xem !

Vệ Nhi g-th

-----

Hiệu ứng Trung Quốc

Nguyễn Lam và Nguyễn Xuân Nghĩa

Sau nhiều hoài nghi, kịch bản Trung Quốc có thể tăng trưởng thấp hơn đang trở thành hiện thực, nhất là từ các biến động tài chính tại Trung Quốc đã làm thị trường thế giới chao đảo từ Á Châu qua Âu Châu đến tận Bắc Mỹ trong mấy ngày liền. Nếu kinh tế Trung Quốc hạ cánh nặng nề thì tình hình sẽ ra sao cho kinh tế thế giới? Xin quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn của Nguyên Lam với chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa về câu hỏi này. 



Ảnh chụp tại một sàn chứng khoán ở TQ: Không thể không lo âu, cay đắng khi những đồng tiền đầu tư  của mình "không cánh mà bay"?!

 
Nguyên Lam: Xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, là một trong những người đã cảnh báo từ lâu rằng Trung Quốc không thể duy trì chiến lược phát triển cũ và sẽ bị suy trầm là hạ cánh nhẹ nhàng, hoặc suy thoái, là hạ cánh nặng nề, ông nghĩ sao về viễn ảnh kinh tế của xứ này sau những biến động tài chính vừa qua? Và về hiệu ứng của Trung Quốc cho kinh tế thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Sản lượng kinh tế Trung Quốc có thể đứng hạng nhì sau Hoa Kỳ và trước Nhật Bản nhưng xứ này vẫn là một quốc gia lạc hậu về thông tin nên người ta mới ngạc nhiên về những tin xấu đang đồng loạt xảy ra từ hai tháng nay. Nhưng tin xấu này gây hốt hoảng toàn cầu, làm các thị trường cổ phiếu mất nhiều ngàn tỷ đô la trong mươi ngày, nhưng cũng xác nhận rằng kinh tế Trung Quốc chẳng là sự kỳ diệu và sau ba chục năm có mức tăng trưởng khoảng 10% thì cũng có lúc phải hạ cánh. Bây giờ, chúng ta sẽ tìm hiểu trước tiên về các chỉ dấu hạ cánh này.

Nguyên Lam: Trên diễn đàn chuyên đề của chúng ta, ông dự báo nhiều lần là kinh tế Trung Quốc sẽ bị suy trầm là tăng trưởng chậm hơn và thậm chí suy thoái là còn bị tăng trưởng âm, là hạ cánh nặng nề, với hàng loạt khủng hoảng tài chính, ngoại hối hay ngân hàng. Nghịch lý ở đây là kinh tế Trung Quốc có sản lượng rất cao, có khi bằng 15% của sản lượng toàn cầu, nhưng lại nghèo nàn về thông tin như ông vừa trình bày, thế thì làm sao thế giới bên ngoài có thể biết mà chuẩn bị?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thế giới bị mê hoặc, và nhiều người mất tiền oan, vì cái gọi là sự kỳ diệu kinh tế của Trung Quốc. Chúng ta sẽ khởi sự từ đó để nhìn trên toàn cảnh và dự đóan về hiệu ứng Trung Quốc cho thế giới.

– Người ta nông cạn mà cả tin vào thống kê kinh tế của Trung Quốc, vào những chỉ tiêu tăng trưởng như 7,4% hay 7% một năm được Chính quyền Bắc Kinh đưa ra, rồi từ đó lập kế hoạch đầu tư hay giao dịch với thị trường Trung Quốc. Diễn đàn của chúng ta đã nhiều lần đề cập tới tính chất thiếu minh bạch và bất khả tín của thống kê Trung Quốc dù Bắc Kinh đã nhiều lần cải sửa và tránh dùng số liệu báo cáo từ các địa phương.
– Năm 2007, khi còn là Bí thư tỉnh Liêu Ninh, đương kim Thủ tướng Lý Khắc Cường phát biểu rằng số liệu Tổng sản lượng GDP của Trung Quốc là “nhân tạo”, tức là không đáng tin. Ông còn nói thầm với Đại sứ Hoa Kỳ khi đó rằng bản thân thì ông tìm vào số liệu về tiêu thụ điện lực, lượng hàng hóa vận chuyển bằng hỏa xa và tín dụng cấp phát để ước tính sản lượng kinh tế của quốc gia. Cứ theo nguyên tắc thực tiễn ấy, nhiều trung tâm nghiên cứu của nước ngoài mới tính lại sản lượng thật của Trung Quốc. Gần đây nhất, trung tâm Capital Economics tại Anh quốc đưa ra mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ có 4,8%, còn trung tâm Lombard Street Research cũng của Anh thì tính ra một đà tăng trưởng là 3,7%. Những biến động liên tục trên thị trường địa ốc, cổ phiếu rồi ngoại hối đã xác nhận rằng tình hình Trung Quốc không được khả quan mà thật ra còn nguy ngập.




Nguyên Lam: Cho đến nay, người ta chưa đánh giá được mức độ nguy ngập ấy và Nguyên Lam còn nhớ rằng ông đã cảnh báo về khối nợ rất cao của Trung Quốc, với hậu quả tai hại cho hệ thống ngân hàng xứ này. Thưa ông, bây giờ nếu quả thật là kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng bằng phân nửa tiêu chí chính thức thì sự thể sẽ ra sao cho thế giới?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Trước khi đi vào lớp mây mù kỳ ảo đó thì tôi xin phép nhắc lại vài chuyện có tính chất tiên báo cho sau này.

– Thứ nhất, kinh tế Trung Quốc bị nhiều nhược điểm nội tại, như cựu Thủ tướng Ôn Gia Bảo rồi cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã nói nhiều lần; là thiếu cân đối, không phối hợp, ít công bằng nên chẳng bền vững. Yếu tố không phối hợp ấy rất quan trọng vì chế độ cứ dành cho đảng và nhà nước quyền can thiệp vô giới hạn vào kinh tế. Người dân thì tin là nhà nước có thẩm quyền và khả năng giải quyết mọi vấn đề để đem lại thịnh vượng cho quốc dân. Vậy mà bộ máy đầy quyền hạn ấy lại chẳng phối hợp thì làm sao điều tiết được thị trường? Điều đó mới giải thích những lúng túng hốt hoảng bùng nổ từ Tháng Sáu trên thị trường cổ phiếu và lan qua thị trường ngoại hối.

– Thứ hai, Trung Quốc có núi nợ rất cao, bằng 280% Tổng sản lượng, gần như cao nhất trong các nền kinh tế lớn mà bên trong là nhiều nợ xấu, không sinh lời, khó đòi và sẽ mất. Đa số khoản nợ lại thuộc hệ thống kinh tế và ngân hàng của nhà nước, đã cấu kết với nhau nên dễ gây tác động dây chuyền và có thể dẫn tới vỡ nợ hay phá sản đồng loạt.

– Thứ ba, người ta lầm tưởng rằng lãnh đạo Trung Quốc có khối dự trữ ngoại tệ vĩ đại, tương đương với bốn nghìn tỷ đô la cho một nền kinh tế có sản lượng là 10 nghìn tỷ. Sự thật thì số dự trữ đã giảm từ năm 2013, nay chỉ còn khoảng ba nghìn 650 hay3 nghìn 600 tỷ, và đa số được đầu tư vào việc khác nên không dễ gì chuyển ra thanh khoản đề cấp cứu kinh tế khi hữu sự.

– Sau cùng, khi kinh tế thịnh đạt thì người ta có thể khỏa lấp hay đẩy lui các chứng tật nguy hại đó. Nhưng nếu đà tăng trưởng sút giảm, như một cơ thể bị suy yếu, thì ngần ấy vấn đề lập tức bùng phát và dễ gây ra khủng hoảng. Thí dụ như kinh tế Hoa Kỳ bắt đầu bị suy trầm từ cuối năm 2007 thì vụ khủng hoảng tài chính vào Tháng Chín năm 2008 đã dẫn tới tai họa lớn, bên Âu Châu cũng có vấn đề tương tự và tới nay vẫn chưa giải quyết được.

Nguyên Lam: Xin cám ơn ông Nghĩa về bối cảnh rất phức tạp này. Bây giờ chúng ta nhìn vào tương lai, thưa ông, khi mà nền kinh tế được đánh giá là “công xưởng toàn cầu” mà bị đình trệ hay suy thoái thì thế giới sẽ ra sao, các nền kinh tế khác sẽ gặp vấn đề gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi phải “giải ảo” nữa về sự lầm lạc của nhiều người nên dễ đưa tới kết luận sai. Tôi xin tạm dùng khái niệm gọi là “phân công lao động” giữa nền kinh tế tiêu thụ và nền kinh tế sản xuất.
– Một quốc gia có thể là đầu máy lôi kéo đà tăng trưởng của các nền kinh tế khác nếu tiêu thụ nhiều và tạo ra nhu cầu sản xuất cho xứ khác. Trung Quốc không là đầu máy lôi kéo đó vì xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu, và tiêu thụ ít hơn đầu tư cùng xuất khẩu. Chính là kinh tế Trung Quốc mới lệ thuộc vào sức tiêu thụ của thế giới. Cũng vì vậy, sau vụ sụp đổ tài chính Âu-Mỹ năm 2008 thì nạn Tổng suy trầm năm 2008-2009 làm nhập khẩu sút giảm – tức là xuất khẩu của Trung Quốc bị sụt. Vì vậy Bắc Kinh mới ào ạt tăng chi và bơm tín dụng vào kinh tế để kích thích sản xuất và chất lên núi nợ.

– Nói cho gọn, các nước tiêu thụ nhiều nên nhập cảng mạnh mới là đầu máy kinh tế của thế giới.
– Đầu máy mạnh nhất chính là Hoa Kỳ với tiêu thụ chiếm 70% của Tổng sản lượng và nhập siêu – là nhập cao hơn xuất – lên tới mức kỷ lục là 800 tỷ đô la cách nay mươi năm. Trái lại, Trung Quốc là xứ tiêu thụ ít mà xuất khẩu mạnh nên mới trông chờ túi tiền của xứ khác. Khi nhập siêu của Mỹ giảm từ năm 2006 thì Trung Quốc trông vào nhập siêu của các nước còn lại kể từ 2008. Khốn nỗi các nước đó lại mắc nợ và mắc nghẹn nên Trung Quốc mới chết kẹt. Ngày nay, nếu “công xưởng toàn cầu” là Trung Quốc mà suy sụp thì hậu quả cũng không bi đát như người ta thường nghĩ!



Nguyên Lam: Quả thật là ông Nghĩa đã giải ảo chuyện bất ngờ khi đảo ngược vấn đề như vậy. Nhưng Nguyên Lam xin hỏi ông hai điều. Thứ nhất,  trong chương trình kỳ trước ông nhắc đến, rằng thị trường thương phẩm sản xuất ra nguyên nhiên vật liệu bắt đầu sa sút từ năm 2011 chính là do Trung Quốc tiêu thụ ít đi. Như vậy, kinh tế Trung Quốc mới là đầu máy cho các nước sản xuất chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Các nước sản xuất đó, đa số tại Mỹ châu La tinh, hay Úc, Canada và vài xứ Đông Nam Á, cứ tưởng rằng họ là đầu máy mà thật ra lại giàng vận mệnh kinh tế của họ vào sức tiêu thụ của Trung Quốc về năng lượng, kim loại hay nông sản. Đà tăng trưởng và xuất khẩu của họ lên xuống là tùy theo giá thương phẩm và thật ra đã xuống từ lâu rồi. Ngày nay, khi kinh tế Trung Quốc suy sụp thì dòng tư bản trút vào các xứ này sẽ còn sút giảm nữa. Nhưng cũng vì vậy mà nhiều quốc gia lại có thể trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại, và hiệu ứng Trung Quốc sẽ là một trật tự sản xuất khác, trong đó vai trò của Trung Quốc bị lu mờ. Sau khi lầm tưởng rằng Trung Quốc là đầu máy, nhiều quốc gia nên nghĩ đến việc chính mình sẽ là đầu máy. Viêt Nam ở vào hòan cảnh đó nếu lãnh đạo thay đổi được tư duy và cải thiện được tổ chức.
Nguyên Lam: Câu hỏi thứ hai, thưa ông, sau khi Bắc Kinh tung ra hàng loạt biện pháp tiền tệ để bơm thêm tiền kích thích kinh tế vào ngày Thứ Ba 25 thì các thị trường tài chính thế giới đều có vẻ khởi sắc. Nếu như vậy thì Trung Quốc vẫn là một đầu máy đáng kể cho kinh tế thế giới chứ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ta nên thận trọng về phản ứng nhất thời của các thị trường. Các thị trường tài chính thế giới đều biến động mạnh từ hai tháng nay và tuần qua còn hốt hoảng vì sự thăng trầm không thể kiểm soát được tại Trung Quốc. Một thí dụ về sự hốt hoảng là thị trường chứng khoán Mỹ ngày Thứ Hai 24 khi chỉ số Dow Jones mất hơn ngàn điểm và chỉ số Standard & Poor’s mất gần 7% vào lúc mở màn. Chính là sự hốt hoảng tài chính mới gây tai họa kinh tế chứ Trung Quốc đã có dấu hiệu suy sụp từ trước rồi,
– Chúng ta đều biết kinh tế toàn cầu có thể bị suy trầm sau nhiều biến động, nhưng nguyên nhân lần này xuất phát từ Trung Quốc và hàng loạt quốc gia đang phát triển và ngược với nhận thức của nhiều người, yếu tố ổn định lại đến từ Hoa Kỳ và các nước công nghiệp hóa. Sau cùng, cũng nên nói thêm rằng hệ thống tài chính Trung Quốc vẫn còn bị kiểm soát và khép kín chứ không tỏa rộng và đan kết với các nước bên ngoài nên nếu Trung Quốc có bị khủng hoảng tài chính thì hậu quả cho xứ khác cũng sẽ giới hạn thôi, vì vậy mà người ta đừng nên hốt hoảng hay lạc quan vì những chao đảo của Bắc Kinh!

Nguyên Lam: Câu hỏi cuối, thưa ông Nghĩa, ông tổng kết thế nào về hiệu ứng suy sụp của Trung Quốc? 

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Ngày xưa, người ta thường nói du thuyền Titanic là con tầu không thể chìm được vậy mà nó vẫn vỡ đôi và chìm nghỉm. Trung Quốc ngày nay cũng vậy. Nhưng xứ này không là thủ phạm của nạn Tổng suy trầm sắp tới mà chỉ là nạn nhân của những sai lầm bên trong và cả sự hiểu lầm của thế giới bên ngoài. Và khác với các nước dân chủ tiên tiến đã từng vượt qua khủng hoảng kinh tế, Trung Quốc sẽ từ khủng hoảng kinh tế mà gặp khủng hoảng chính trị. Vì vậy, ta nên sợ rạn nứt chính trị tại Bắc Kinh hơn là cổ phiếu tuột dốc ở Thượng Hải!
 
Nguyên Lam: Xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích này.

Nguồn: http://www.rfa.org/vietnamese/programs/EconomicForum/chinese-effect-08252015173006.html?searchterm:utf8:ustring=Hi%E1%BB%87u+%E1%BB%A9ng+Trung+Qu%E1%BB%91c








Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Chút ưu tư của thế hệ chúng tôi về một trào lưu đang diễn ra - dựng tượng đài

Chút ưu tư của thế hệ chúng tôi về một trào lưu đang diễn ra - dựng tượng đài


Sau một số bài đã gửi và đăng trên trang blog này, hôm rồi tác giả là ông bạn Nguyễn Quang Dy có gọi điện  bảo sẽ gửi một bài mới viết xong về hội chứng tượng đài.

Về việc này tôi có ít dòng trên một Stt ở trang FB, đại ý là chủ đề về Ông cụ trước nay tôi không viết, là có ý tránh. Đúng là quay nhìn lại từ mấy năm nay, cả gần ngàn Entry ở Blog và hơn ngàn Stt trên FB của trang tôi đều không đề cập đến chủ đề hay đề tài về Ông cụ. Chỉ ngoại trừ bữa trước, thấy chuyện tượng đài dấy lên quá ồn ỹ với sự việc Sơn La thông tin về một dự án 1.400 tỉ thì tôi buộc phá lệ, có viết một Stt ngắn (mời đọc ở phần dưới đây).

Cho nên có thể coi bài của ông bạn Nguyễn Quang Dy của tôi nằm trong ngoại lệ đó. Mời bà con và bạn bè đọc tham khảo.

Vệ Nhi

----



 Hội chứng Tượng đài: phần nổi của tảng băng chìm


Tác giả: Nguyễn Quang Dy




Gần đây dư luận lại ồn ào phẫn nộ về “hội chứng tượng đài”. Mà không phẫn nộ sao được khi một tỉnh nghèo như Sơn La (với tỉ lệ nghèo đói 64%) dám bỏ ra 1.400 tỷ đồng để xây tượng đài theo kiểu văn hóa “cờ đèn kèn trống”. Nhà toán học trẻ Ngô Bảo Châu đã phẫn nộ dùng tới những từ ngữ nặng nề nhất: “hoặc là khốn nạn hoặc là thần kinh”. Lúc còn sống cụ Hồ thường kêu gọi “cần kiệm liêm chính”. Bây giờ họ “học tập” cụ bằng cách làm ngược lại ý cụ để “cúng cụ”, còn họ thì “xơi lộc”. Phải chăng “hội chứng tượng đài” phản ánh rõ khủng hoảng về nhân cách và dân trí trong công tác văn hóa tư tưởng hiện nay?   

Giọt nước tràn ly

Còn nhớ cách đây 5-6 tháng, Hà Nội đã ồn ào phẫn nộ phản đối thành phố quyết định chặt hạ 6700 cây xanh vô tội. Báo chí lề phải và lề trái đều vào cuộc, dư luận trong nước và ngoài nước cùng lên tiếng. Lãnh đạo thành phố buộc phải dừng tay, lùi bước trước dư luận, và buộc phải xử lý một số cá nhân có liên quan để đối phó với dư luận.  

Nhưng chặt cây chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”. Bề nổi thường dễ thấy nên dễ bàn, nhưng tảng băng chìm thì khó thấy nên dễ bỏ qua. Khi bề nổi bị chìm đi hay trôi qua rồi, thì đâu lại vào đấy. Trong khi đó tảng băng chìm vẫn còn nguyên, thỉnh thoảng nó lại nổi lên chỗ này chỗ khác, với hình dạng khác. Sau vụ việc chặt cây có lẽ là tượng đài. 

Thực ra chuyện xây tượng đài tốn kém, cũng như các lễ hội “cờ đền kèn trống”, đã diễn ra từ lâu rồi. Những vụ việc trước đây gây tai tiếng như cướp ấn Đền Trần, lộn xộn ở Đền Hùng, đánh lộn ở Đền Gióng, thất thoát 30% ở Điện Biên, v.v. tưởng đã chìm rồi, thì gần đây lại nổi lên ở Quảng Nam với dự án “Tượng Mẹ Anh hùng” tốn hơn 400 tỉ đồng, và ở Vĩnh Phúc với dự án xây “Văn Miếu” tốn gần 300 tỉ đồng, làm công chúng phẫn nộ.  

Nhưng lần này giọt nước làm tràn ly là tỉnh Sơn La. Lãnh đạo tỉnh đã quá tham chạy bằng được dự án “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” lên đến 1.400 tỉ đồng (trong khi tỉ lệ nghèo đói là 64%). Có một nghịch lý là các tỉnh càng nghèo, thì xây dựng tượng đài (hay công sở) càng tốn kém (và thất thoát càng lớn). Đây là một nghịch lý đau lòng, nhưng vẫn lặp đi lặp lại. Các quan tỉnh Sơn La vẫn thấy mình còn “thiệt thòi” so với tỉnh bạn. 

Trước đây Lai Châu nổi tiếng là tỉnh nghèo nhất nước (với 76%), nhưng lại xây dựng công sở có quy mô hoành tráng nhất nước (tốn mất 554 tỷ đồng). Những sai phạm tại Lai Châu đã lập một kỷ lục về “hội chứng công sở”, bị lên án. Phải chăng Sơn La định lập một kỷ lục mới về “hội chứng tượng đài”. Có lẽ lãnh đạo các tỉnh này quen được Trung ương ưu ái vì là “vùng cao vùng xa”, và quen nghĩ rằng tỉnh nghèo nên dân trí thấp, càng dễ bề thao túng, còn dư luận thì chắc họ không sợ, vì vô cảm nên chẳng hiểu gì về truyền thông.   
Dân trí thấp hay quan lại vô cảm

Muốn biết dân trí thấp hay quan lại vô cảm, hãy xem phản ứng của lãnh đạo tỉnh Sơn La. Trong khi dư luận phân nộ đến đỉnh điểm (như Gs Ngô Bảo Châu nói, “bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh”), và trong khi Thủ tướng đã yêu cầu UBND tỉnh Sơn La “báo cáo về việc đầu tư đề án này và làm rõ những nội dung báo chí phản ánh, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/8”, thì lãnh đạo tỉnh vẫn chưa tỉnh ngộ. Cùng ngày 5/8/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La nói, “dư luận đang hiểu sai về con số 1400 tỷ” cho công trình tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” và lý giải, “việc xây dựng tượng đài có ý nghĩa lớn về mặt giá trị văn hóa và lịch sử, Ban Bí thư đã cho phép xây dựng và xin ý kiến các Bộ, Ban ngành để thực hiện và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý”. Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch còn nói, “Đã là tình cảm của nhân dân Tây Bắc thì không thể cân đong đo đếm được. Do đó, cá nhân nào nói lãng phí là chưa đúng”… Tuyệt vời!  

Phải chăng dư luận đã nói sai và Thủ tướng cũng chỉ đạo sai? Hay là có thế lực thù địch nào đứng sau? Làm quan cấp tỉnh mà chẳng hiểu gì về chính trị và thời cuộc. Sắp lên thớt rồi mà vẫn cãi lấy được, hay tưởng rằng ai đó ở Ban Bí thư và Chính phủ sẽ tiếp tục bảo kê cho họ. Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ban Kiểm tra Trung ương, nghỉ hưu rồi cũng phải lên tiếng, “dân đang khổ, bão bùng ở khắp nơi, trường học còn thiếu, bệnh viện quá tải, sao lại xây tượng đài đồ sộ như vậy”, và kiến nghị Quốc hội vào cuộc.

Nhưng cũng không nên chỉ đổ lỗi cho mấy ông quan tham của tỉnh, mà bỏ qua trách nhiệm của “cấp trên nào” đã ký duyệt dự án thất nhân tâm đó. Nếu không được trung ương duyệt và cấp vốn thì UBND một tỉnh nghèo đói như vậy “bói” đâu ra 1.400 tỉ đồng để làm dự án “thần kinh” đó. Nghe nói, dự án tượng đài của Sơn La đã được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, đã trình Ban Bí thư và được sự đồng ý về chủ trương. Dù lãnh đạo tỉnh, hay các bộ ngành liên quan có đổ lỗi cho nhau, hay tranh cãi về tiểu tiết, thì bản chất câu chuyện đã quá rõ rồi. Vấn đề là xử lý thế nào thôi.

Đồng thời, cũng không được bỏ qua trách nhiệm của “cấp dưới” nào đã đồng lõa với họ để ăn theo. Nếu không có các kiến trúc sư, nghệ sĩ điêu khắc tạo hình và các nhà thầu tham gia thì mấy ông UBND tỉnh làm sao có thể tự tay làm đươc dự án khủng đó. Phải chăng “một bộ phận” trí thức và văn nghệ sĩ đã vô cảm hay vì tham lam, đánh mất nhân cách, tiếp tay cho các nhóm lợi ích thao túng công quỹ. Họ cũng phải chịu một phần trách nhiệm. 



Cả trên và dưới, cả trong và ngoài đã câu kết thành “nhóm lợi ích”. Bọn họ không những đã lãng phí quá nhiều công quỹ trong khi dân chúng vẫn trong vòng “xóa đói giảm nghèo”, mà còn dựng lên quá nhiều tượng đài không có giá trị nghệ thuật và tính dân tộc, sau này không biết để làm gì. Nhiều người nhận xét tượng vua Lê Thái Tổ có hình dáng giống một hoàng đế Trung Hoa, và tượng cụ Hồ có phong cách giống Mao, Lê Nin, Stalin (?). Đây không phải chỉ là hệ quả của hệ tư tưởng, mà còn do bàn tay của các nghệ sỹ tạo ra. Cụ Hồ mà sống lại, chắc ông cụ buồn lắm!

Thời trước, Việt Nam Cộng hòa cũng bỏ tiền ra xây tượng các anh hùng dân tộc ở khắp Sài Gòn (để khuấy động tinh thần dân tộc, chống cộng), nhưng không đến nỗi tốn kém như bây giờ. Các nghệ sỹ lúc đó không đến nỗi vô cảm như bây giờ, và các bức tượng đó còn có giá trị nghệ thuật nhất định. Khi nền móng nhân văn của đất nước đã bị phá vỡ, thì cái ngọn nghệ thuật dễ bị sâu bệnh. Không phải vô cớ mà người ta nói, “Dân nào thì Chính phủ nấy”.

Những góc khuất của tảng băng chìm

Có lẽ Việt Nam là một nước có nhiều tượng đài nhất nhì thế giới. Riêng Hà Nội đã có hơn 30 tượng đài, và người ta đang lên kế hoạch xây thêm hơn 30 tượng khác từ nay đến năm 2020. Theo thống kê, cả nước có 137 tượng đài Hồ Chí Minh các loại, tại 31 tỉnh thành. Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch đề xuất từ nay đến năm 2030 sẽ xây thêm 58 tượng đài Hồ chí Minh trên cả nước. Ngoài ra, người ta còn định đầu tư 11.000 tỉ đồng để xây Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, và 1.475 tỉ đồng xây khu tưởng niệm Chu Văn An. Những người trong cuộc nói rằng sau viện bảo tàng là đến Văn miếu, sau Văn miếu là đến tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh. Còn sau tượng đài Hồ Chí Minh là cái gì tiếp, thì chưa dám nói trước. Chỉ biết rằng họ đang lợi dụng biểu tượng của một người đã khuất như một công cụ. Thật là bất lương.

Xưa nay người ta nói “làm nghề gì ăn nghề ấy”. Chỉ có khác là bây giờ họ ăn trắng trợn hơn nhiều. Có lãnh đạo than thở, “họ ăn không chừa một cái gì”. Ngành điện lực xơi điện. Ngành than xơi than. Ngành dầu khí xơi xăng dầu. Ngành công chính xơi vỉa hè. Ngành giao thông xơi cầu đường. Ngành giáo dục xơi sách giáo khoa. Ngành xây dựng xơi nhà cửa và cây xanh. Còn ngành văn hóa tư tưởng xơi tượng đài, lễ hội. Tất nhiên họ không thể “xơi” một mình, mà phải “nộp tô” theo luật chơi của các nhóm lợi ích. Người dân không còn gì để xơi thì đi ăn cắp vặt. Người ta gọi Việt Nam là “đất nước tận thu” (rents seeking country).

Thực ra, bản thân tượng đài đâu có vấn đề. Nghệ thuật điêu khắc và tượng đài thì quốc gia nào cũng cần, cũng có. Nhưng “lạm phát” tượng đài với quy mô như trên thì chỉ có tại Việt Nam (hay Bắc Triều Tiên). Các tác phẩm điêu khắc, cũng như hội họa, nếu là sản phẩm của dân trí cao, có giá trị nghệ thuật, là một phần “sức mạnh mềm” (soft power) của một quốc gia. Nhưng đáng tiếc, tượng đài hiên nay là sản phẩm tuyên truyền của ngành văn hóa tư tưởng, do Đảng chỉ đạo. Nó là sản phẩm của dân trí thấp và tham nhũng, nên vô hồn và không có giá trị nghệ thuật. Vì vậy nó không góp phần tạo ra sức mạnh mềm, mà còn phản cảm.

Nếu lập luận rằng xây tượng đài lãnh tụ là để hấp dẫn khách du lịch trong nước, ngoài nước đến xem (như viếng lăng) thì đúng là thần kinh, nếu không phải là bịp bợm. Có thể nói “tham nhũng văn hóa” là thứ tham nhũng tệ hại nhất, vì nó hủy hoại tâm linh và nguyên khí quốc gia. Có thể gọi tham nhũng kiểu đó là “tham nhũng cùng cực” (extreme corruption).   
Nhà văn Phạm Đình Trọng gọi đó là “Một trào lưu, một phương cách tham nhũng tập thể, công khai, đang là những cơn bão, những trận mưa lũ tàn phá đất nước, như những trận mưa lũ đang tàn phá Quảng Ninh...”, và kêu gọi các tổ chức xã hội dân sự cần lên tiếng mạnh mẽ về những dự án vô cảm trước những cảnh nghèo đói của người dân. Còn giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì gọi Việt Nam là “đất nước của những tượng đài vô cảm”. Ví dụ, tranh thủ dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, họ có thể vô cảm phá mất những di tích lịch sử vô giá, hàng nghìn năm tuổi, để thay bằng một công trình “văn hóa” mới một tuổi, vô hồn.
Không hiểu sao, các chế độ độc tài rất thích dựng tượng lãnh tụ (có lẽ vì tệ sùng bái cá nhân, độc tài chuyên chế). Tại các nước có cơ chế điều hành thiếu minh bạch và mất lòng dân, họ phải tìm mọi cách để kiểm soát dân chúng bằng tuyên truyền. Họ cho rằng một phương tiện tuyên truyền hiệu quả là mượn tượng đài lãnh tụ để duy trì chính danh cho chế độ. Nhưng họ quên mất rằng thời thế đã thay đổi, nên cách làm này không còn tác dụng. 

Trong thời đại toàn cầu hóa và kết nối thông tin bằng kỹ thuật số, người dân đã biết sử dụng internet và blogosphere (như một cuộc cách mạng truyền thông) thì dân trí ắt thay đổi. Họ không thể bịt mắt, bịt miệng người dân dễ dàng như trước. Tuy họ có thể kiểm duyệt được báo chí “lề phải”, nhưng không thể kiểm duyệt được báo chí “lề trái”. Khi báo chí lề phải và lề trái cùng vào cuộc (như về vấn đề này), thì truyền thông báo chí có thể mạnh gấp đôi.

Trong bối cảnh đấu tranh quyền lực quyết liệt diễn ra trước Đại hội Đảng, thì những vấn đề “nhạy cảm” hiện nay (như ngân hàng hay văn hóa tư tưởng) có thể được sử dụng làm công cụ để hạ thủ nhau. “Chân dung Quyền lực” là một ví dụ ngoạn mục. Nhưng vở bi hài kịch về ông Phùng Quang Thanh còn ngoạn mục hơn. Sau Phùng đại tướng là ai, còn chưa biết rõ. Người dân chỉ mong mọi chuyện đau lòng này kết thúc “có hậu”, nhắm cái đích hòa giải dân tộc, để phát triển đất nước cường thịnh và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Muốn cường thịnh và độc lập phải nâng cao dân trí, sống tử tế hơn, và tránh cực đoan.

Trước đây người ta hay nói tới hai câu thơ đầy khí phách, “Người ta lớn, bởi vì ngươi cúi xuống. Hỡi nhân dân! Hãy đứng thẳng lên!” (On est grand, parce-que vous vous mettez à genoux. Citoyens! Levez-vous droitement!). Hình như đây là hai câu thơ của Jean-Paul Marat (1743 – 1793) mà Tố Hữu lúc còn trẻ rất tâm đắc. Nhưng bây giờ không thấy ai nhắc đến hai câu thơ cách mạng này nữa (kể cả Tố Hữu, nếu còn sống). Hay là cách mạng đã bị đánh tráo, và thay đổi khái niệm mất rồi? Phải chăng hai chữ cách mạng, và nhân dân, nay cũng trở nên “nhạy cảm”? Tại sao vô cảm thì không sợ, mà lại sợ nhạy cảm? Có lẽ đã đến lúc phải dẹp “Hội chứng Tượng đài”, cả phần nổi lẫn phần chìm. Thiện tai! Thiện tai!

NQD. 12/8/2015

----

Stt ngày 6/8/2015 trên trang FB (vinh.nguyenvan)
 

CHUYỆN XÂY, ĐÚC TƯỢNG...

Định chả nói. Trước nay, viết gì thì viết, gần ngàn cái entry post trên blog cá nhân rồi, lại thêm số lượng nhiều hơn thế cho các stt ở trang FB này mấy năm nay... mình tránh hoàn toàn đề tài về ông Cụ, bởi nó là một chủ đề nhạy cảm, dễ bị nã đạn, ném đá từ cộng đồng...

Nhưng gần tuần nay câu chuyện định dựng tượng Cụ ở Sơn La ầm ỹ náo động quá mức khiến mình có khi phải tính nước vượt qua "ngoại lệ".

Sẽ viết, nhưng cũng chỉ thu gọn ít dòng. Nói dài vấn đề này, nếu không làm chủ được ngòi bút, dễ đi vào các chi tiết lập luận dông dài, có thể là vô bổ với nhiều người đọc hiện nay...

Nếu nói về cuộc đời thì phải nói rằng ông Cụ của chúng ta khi sống tác phong thế nào, trải bao chục năm trên đất nước này Dân ai chẳng biết. Cả những lúc còn hoạt động trên núi rừng heo hút cũng như khi đã làm chủ tịch nước trở về nơi phồn hoa đô hội..., thì ông Cụ vẫn nếp giản dị mà sống, công dân Việt chúng ta quá rõ ông Cụ sinh hoạt ra sao rồi. Đó là một phong thái sống ung dung, giản dị, ghét cay ghét đắng thói phô trương lãng phí. Về điểm này viết thêm nữa là dư thừa, sa vào ngợi ca trùng lặp..
.
Tuy vậy cũng nên nói thêm một chi tiết đặc biệt sau đây. Chuyện kể rằng ông Cụ rất sợ Dân tung hô sùng bái mình. Cái tiếng hô "muôn năm" mà người dân biểu lộ với cụ chủ tịch thì Ông cụ lại thích biến thành câu đùa, nói trại là Bác bây giờ (chỉ) "muốn nằm" thôi (vì đó là một chuyến đi bộ vượt rừng mệt quá chẳng hạn!).

Thơ viết về Ông cụ có nhiều người viết. Trong số đó chắc mọi người nhớ hai câu sau này:

Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...

Hai câu thơ thôi nhưng nói lên hết cái chí khí vút cao lên của một nhân cách HCM, cũng là sự vượt lên bao cái tầm thường mà cứ tưởng dựng lên "tượng đồng bia đá" là thu lại được tất cả tiếng thơm thiên hạ. Đâu phải. Có khi là trái lại !

Áo vải (thì) hồn muôn trượng. Còn tượng đồng (có khi mãi mãi) chỉ là thứ vật chất phơi ra những lối mòn mà muôn đời sau có khi người ta vẫn chối bỏ, chả mất công ngắm nhìn đâu cũng nên ! Cái tầm của cụ Hồ là tầm nhìn xa, vượt qua thói thường mang danh hão tượng đồng bia đá...

Ai cũng biết hai câu thơ ca ngợi Ông cụ trích trên đây là của một nhà hoạt động chính trị cấp cao, làm tới chức ủy viên BCT, phó thủ tướng, lại có điều kiện rất gần với đời sống và hoạt động của Ông cụ, cũng là một nhà thơ lớn, đó là ông Tố Hữu.

Nếu nay chúng ta vẫn đồng tình với cách nhìn nhận đánh giá phẩm chất cao đẹp của HCM như thi sĩ Tố Hữu ca ngợi, vinh danh Người thì không lý gì chúng ta cứ ồn ào và thi thố nhau đúc dựng những bức tượng nó sẽ chả mấy ý nghĩa thực chất. Một Con Người lâu nay đã bước vào lịch sử dân tộc, là một trong một số huyền thoại đẹp nhất của Đất nước ta mà trong lòng nhân dân tự lựa chọn lưu giữ không nên đo bằng số lượng các pho tượng chúng ta bày đặt nên. Con người đó đâu cần chúng ta tạo dựng, xây đắp nhiều tượng thờ mà làm gì !

Sơn La hay bất cứ một địa phương nào khác còn/hoặc sắp có ý định như tỉnh Sơn La cũng chẳng nên thanh minh, cải chính dựng tượng "tiền to hay tiền bé" nữa, việc đó chẳng có ích gì. Chỉ nên tự nhắc nhở mình đã thấm lời nhắc nhở lúc sinh thời của ông Cụ hay chưa, hoặc là mình đã xứng với đạo đức và khí phách của ông Cụ "mong manh áo vải hồn muôn trượng" hay chưa mà thôi, phải không nào !?

Mà khi đã thấm, đã biết sống xứng đáng với Người xưa thì hãy biết chắt chiu, tiết kiệm tiền bạc và công sức của nhân dân đóng góp, tuyệt đối không được hoang toàng, lãng phí của công...

(Nguồn:  https://www.facebook.com/vinh.nguyenvan.165)

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Một bài Hịch hay

Một bài Hịch hay





Những ngày qua, một bài viết có tên 'hịch khoa học-công nghệ' với nội dung phản ánh những vấn đề của xã hội Việt Nam đang lan truyền với tốc độ chóng mặt và nhận được nhiều sự chú ý từ người dùng mạng.

Dưới đây là nội dung bài "Hịch khoa học - công nghệ".

Vệ Nhi g-th


------



Hịch Khoa học - Công nghệ



Ta cùng các ngươi.
Sinh ra phải thời bao cấp.
Lớn lên gặp buổi thị trường.

Trông thấy:
Mỹ phóng Con Thoi lên vũ trụ chín tầng.
Nga lặn tàu ngầm xuống đại dương nghìn thước.
Nhật đưa rô-bốt na nô vào thám hiểm lòng người.
Scôtlen dùng công nghệ gen chế ra cừu nhân tạo.

Thật khác nào:
Đem cổ tích mà biến thành hiện thực.
Dùng đầu óc con người mà thay đổi thiên nhiên!
Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa
Chỉ giận chưa thể đuổi kịp nước Nga, vượt qua nước Mỹ, mà vẫn chỉ hơn Lào, hao hao Băng la đét.
Dẫu cho trăm thân này phơi trên sao Hỏa, nghìn xác này bọc trong Tàu ngầm nguyên tử, ta cũng cam lòng.

Các ngươi ở cùng ta,
Học vị đã cao, học hàm không thấp
Ăn thì chọn cá nước, chim trời
Mặc thì lựa May Mười, Việt Tiến
Chức nhỏ thì ta… quy hoạch
Lương ít thì có lộc nhiều.
Đường bộ đi A tít, Cam ry
Hàng không leo Elai, Xi pic
Vào hội thảo thì cùng nhau tranh luận
Lúc tiệc tùng thì cùng nhau “dzô dzô”.


Lại còn đãi sỹ chiêu hiền
Giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, cử nhân, ai cũng có phần, không nhiều thì ít.
Lại còn chính sách Khuyến Khoa
Doanh nghiệp, giáo viên, trí thức, nông dân nhận cúp, nhận bằng còn thêm tiền thưởng.

Thật là so với:
Thời Tam quốc bên Tàu, Lưu Bị đãi Khổng Minh,
Buổi hiện đại bên Nga, Pu tin dùng Mét vê đép,
Ta nào có kém gì?

Thế mà, nay các ngươi:
Nhìn khoa học chậm tiến mà không biết lo
Thấy công nghệ thụt lùi mà không biết thẹn
Giáo sư ư? Biết “Thần đèn” chuyển nhà mà chẳng chạnh lòng
Tiến sỹ a? Nghe “Hai lúa” chế tạo máy bay sao không tự ái?
Có người lấy nhậu nhẹt làm vui
Có kẻ lấy bạc cờ làm thích
Ham mát xa giống nghiện “u ét đê”
Ghét ngoại ngữ như chán phòng thí nghiệm
Chỉ lo kiếm dự án để mánh mánh mung mung
Không thích chọn đề tài mà nghiên nghiên cứu cứu
Ra nước ngoài toàn muốn đi chơi
Vào hội thảo chỉ lo ngủ gật
Bệnh háo danh lây tựa vi rút com pu tơ
Dịch thành tích nhiễm như cúm gà H5N1
Mua bằng giả để tiến sỹ, tiến sý
Đạo văn người mà giáo sư, giáo sãi.
Thử hỏi học hành như rứa, bằng cấp như rứa, thì mần răng hiểu được chuyện na niếc na nô?
Lại còn nhân cách đến vậy, đạo đức đến vậy, thì có ham gì bút bút nghiên nghiên.


Cho nên:
“Tạp chí hay” mà bán chẳng ai mua
“Công nghệ tốt” mà không người áp dụng.
Đề tài đóng gáy cứng, chữ vàng, mọt kêu trong tủ sắt
Mô hình xây tường gạch, biển xanh, chó ị giữa đồng hoang.
Hội nhập chi, mà ngoại ngữ khi điếc, khi câm?
Toàn cầu chi, mà kiến thức khi mờ, khi tỏ?
Hiện đại hóa ư? vẫn bám đít con trâu
Công nghiệp hóa ư? toàn bán thô khoáng sản
Biển bạc ở đâu, để Vi na shin nổi nổi chìm chìm?
Rừng vàng ở đâu, khi bô xít đen đen đỏ đỏ?

Thật là:
“Dân gần trăm triệu ai người lớn
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con”!

Nay nước ta:
Đổi mới đã lâu, hội nhập đã sâu
Nội lực cũng nhiều, đầu tư cũng mạnh
Khu vực có hòa bình, nước ta càng ổn định
Nhân tâm giàu nhiệt huyết, pháp luật rộng hành lang
Thách thức không ít, nhưng cơ hội là vàng!

Chỉ e:
Bệnh háo danh không mua nổi trí khôn
Dịch thành tích chẳng làm nên thương hiệu.
Giỏi mánh mung không lừa nổi đối tác nước ngoài
Tài cờ bạc không địch nổi hắc cơ quốc tế.
Buồn là
Cặp chân dài mà nghiêng ngả giáo sư
Phong bì mỏng cũng đảo điên tiến sỹ.

Hỡi ôi,
Biển bạc rừng vàng, mà nghìn năm vẫn mang ách đói nghèo
Tài giỏi thông minh, mà vạn kiếp chưa thoát vòng lạc hậu.

Nay ta bảo thật các ngươi:
Nên lấy việc đặt mồi lửa dưới ngòi pháo làm nguy;
Nên lấy điều để nghìn cân treo sợi tóc làm sợ
Phải xem đói nghèo là nỗi nhục quốc gia
Phải lấy lạc hậu là nỗi đau thời đại
Mà lo học tập chuyên môn
Mà lo luyện rèn nhân cách
Xê mi na khách đến như mưa
Vào thư viện người đông như hội
Già mẫu mực phanh thây Gan ruột, Tôn Thất Tùng chắc cả trung đoàn
Trẻ xông pha mổ thịt Bổ đề, Ngô Bảo Châu cũng dăm đại đội

Được thế thì:
Kiếm giải “Phiu” cũng chẳng khó gì
Đoạt Nô ben không là chuyện lạ
Không chỉ các ngươi mở mặt mở mày, lên Lếch xút, xuống Rôn roi
Mà dân ta cũng hưng sản, hưng tâm, vào Vi la, ra Rì sọt.
Chẳng những tông miếu ta được hương khói nghìn thu
Mà tổ tiên các ngươi cũng được bốn mùa thờ cúng
Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí
Mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm.
Chẳng những tên tuổi ta không hề mai một,
Mà thương hiệu các ngươi cũng sử sách lưu truyền.
Trí tuệ Việt Nam thành danh, thành tiếng
Đất nước Việt Nam hóa hổ, hóa rồng
Lúc bấy giờ các ngươi không muốn nhận huân chương, phỏng có được không?

Nay ta chọn lọc tinh hoa bốn biển năm châu hợp thành một tuyển, gọi là Chiến lược
Nếu các ngươi biết chuyên tập sách này theo lời ta dạy bảo thì suốt đời là nhà khoa học chính danh.
Nhược bằng không tu thân tích trí, trái lời ta khuyên răn thì muôn kiếp là phường phàm phu tục tử.

Vì:
Lạc hậu, đói nghèo với ta là kẻ thù không đội trời chung
Mà các ngươi cứ điềm nhiên không muốn trừ hung, không lo rửa nhục
Chẳng khác nào quay mũi giáo mà đầu hàng, giơ tay không mà thua giặc.
Nếu vậy rồi đây khi nước Việt hóa hổ, hóa rồng, ta cùng các ngươi há còn mặt mũi nào đứng trong trời đất này nữa?
Cho nên mới thảo hịch này
Xa gần nghiên cứu
Trên dưới đều theo!

KHUYẾT DANH





  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...