Tai hại là thiếu mấy chữ
hay vẫn là chính sách thông tin?
Từ hôm có chuyện xôn xao về tảo mộ nhân tiết thanh minh mà UBND Lạng Sơn gửi công văn tới thuộc cấp cho chủ trương mời phía TQ dự, tôi rất muốn viết mấy dòng. Nhất là công văn trên lại dùng hai chữ “liệt sĩ” cho lính chết trận TQ càng khiến không ít người hoang mang và phẫn nộ.
Giữa lúc đầy chuyện “nhạy cảm” về biển đảo biên giới như thế này, đưa lên như vậy ở một cổng thông tin điện tử chính thức của một tỉnh biên giới như Lạng Sơn, không hiểu điều đó có ẩn ý gì đây?
Nay thì mọi sự đã trôi qua, tôi định thôi không viết gì nữa, nếu như không có chuyện trannhuong.com đưa lên bài ngắn của bạn tôi Dương Đức Quảng (DĐQ) có đính theo các tư liệu liên quan. Cái tít “Miễn bình luận” (cũng có ý là miễn bàn đến nữa) của tác giả DĐQ nhắc tôi đừng viết gì nữa, nhưng trong thâm tâm cứ thúc giục tôi hãy viết ra đây ít dòng, hầu nói lại cho rõ thêm chút nào hay chút ấy cho một câu chuyện đâu còn là “tiểu sự” mà chuyển thành “đại sự” trong đối ngoại ngoại giao không chừng...
*
Là tôi muốn nhắc lại hồi còn đi làm ở bộ ngoại giao, dự các buổi giao ban mỗi sáng. Cứ tới gần “tiết thanh minh” (thường vào giữa tháng 2 lịch âm) câu chuyện tảo mộ lính TQ chôn cất ở Hữu Lũng Lạng Sơn (hoặc có năm diễn ra ở Thái Nguyên) là việc thường diễn ra.
Đơn giản bởi hồi chống Mỹ cứu nước, lính làm đường TQ sang giúp ta khá đông, họ đóng quân tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Cạn, Quảng Ninh… Đương nhiên chiến tranh, Mỹ ném bom bắn phá thì lính TQ cũng hứng chịu bom đạn như chúng ta, nghĩa là cũng bị thương bị chết như quân dân ta.
Những người lính đó do chính phủ TQ phái sang với sự thỏa thuận của nhà nước ta (khi đó Bác Hồ còn sống chỉ ưng người TQ làm công việc đường xá hậu cần khu trú tại các tỉnh biên giới và giáp ranh các tỉnh đó thôi). Cũng là đương nhiên, họ làm nhiệm vụ mà bị chết thì TQ người ta gọi đó là sự hy sinh cho Việt Nam , vì Việt Nam , gọi tất cả là các liệt sĩ (của nước họ) là đúng với họ.
Trong những trường hợp như thế, việc chúng ta tưởng nhớ tôn vinh các hành động hào hiệp khi đó của TQ giúp ta cũng hoàn toàn là sự cần thiết, hơn nữa cũng là đạo lý của người mình nữa. Nên việc chúng ta đứng ra tổ chức để đồng hương đồng bào của họ viếng thăm mộ phần là rất đúng chừng nào phía ngoại giao TQ (đại sứ quán nước họ thường gửi công hàm chính thức về việc này) trong đó yêu cầu nhà nước ta xếp đặt tổ chức để họ viếng thăm mộ phần.
Tôi nói cả hai ý hai vế như vậy vì cũng có ý kiến cho rằng tốt nhất là tạo điều kiện để người TQ - trong đó có thân nhân của người đã khuất - di chuyển mộ phần, đưa xương cốt về nước họ, tiện hơn cho cúng bái viếng thăm… Tuy nhiên tôi chợt nghĩ chắc là khó, bởi có yếu tố chính trị mà TQ muốn xen vào đây mất rồi. Chắc gì chính quyền hiện nay của TQ cho làm theo hướng trên chứ tôi nghĩ thân nhân thì họ rất muốn di chuyển mồ mả về quê hương.
Tại nhớ các buổi giao ban, có lần là một “báo cáo ngắn” của Vụ phụ trách về công việc với TQ, có lần là kiểu “nhắc việc” in trên tờ chương trình công tác tuần do văn phòng bộ ngoại giao cung cấp cho các đơn vị trong bộ.
Nội dung báo cáo hoặc chương trình trên thường là năm nay tổ chức việc thăm mộ các tử sĩ TQ mất ở nước ta nhân tiết thanh minh được tổ chức ở đâu, tiến hành như thế nào; rồi cách phối hợp ra sao với phía TQ theo đề nghị hằng năm của sứ quán TQ gửi sang ta với việc này ra làm sao?... Tất thảy đều được nêu công khai tại các buổi giao ban cấp vụ ở bộ ngoại giao và phổ biến đến các cán bộ chuyên viên liên quan trong cả bộ.
Tuy nhiên vì những lý do gì không biết, tôi cũng chưa hiểu tại sao bộ ngoại giao ít khi công bố cho báo chí truyền thông trong nước biết những chủ trương chính sách như thế - trừ khi đã diễn ra sự việc đi tảo mộ với sự tham gia của ông đại sứ hoặc cán bộ của sứ quán TQ mới thấy mấy tờ báo hằng ngày đưa tin trên trang cuối.
Ngay cả việc tôi làm ở tờ báo đối ngoại của bộ cũng không được yêu cầu công khai thông tin chuyện này trên mặt báo của mình (vì về nguyên tắc, chương trình công tác tuần không phổ biến rộng, có đóng dấu “mật”).
Cứ liên tục làm việc với những quy thức không thành văn ấy, mặc nhiên mọi chuyện chính quyền làm coi như đúng cả, cứ thế mà tiến hành như một kiểu “đến hẹn lại lên” hằng năm.
Chủ trương của bộ ngoại giao đã đưa ra (cũng tức là của chính phủ), thì tất nhiên về mặt đối ngoại các tỉnh liên quan như Lạng Sơn hoặc Thái Nguyên nói trên họ cũng cứ thế mà nhắc việc cấp dưới, cứ thế tuần tự như tiến hằng năm mà đưa ra thực hiện như một lối mòn.
Nên cái công văn mới đây, nhân tiết thanh minh năm Canh Dần này của ông ủy ban Lạng Sơn không ra ngoài con đường mòn này. Cứ tưởng việc trên mãi mãi là đúng nên cơ sự nên chuyện như vậy.
Nhưng trớ trêu ở chỗ, bối cảnh thời gian gần đây có chuyện biển đảo ngày càng nóng lên, sát phạt đến chủ quyền lãnh thổ của ta... Lại thêm chuyện hải quân TQ diễu võ quá mức cần thiết ngoài Biển Đông, bắt bớ giam cầm thuyền và ngư dân ta đi đánh cá ở các vùng biển mà ta tuyên bố chính thức là có chủ quyền, càng tấy lên dư luận cảnh giác với người láng giềng phía Bắc.
Cho nên cách làm việc “theo lối mòn”, gửi công văn mẫu sẵn có (chỉ chữa lại ngày tháng bây giờ) như ông ủy ban Lạng Sơn đã làm đâu có ổn nũa.
Lẽ ra công văn viết được thêm sau từ liệt sĩ: “liệt sĩ Trung Quốc chết ở Hữu Lũng trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước” thì có phải đúng và rõ ràng bao nhiêu hay không. Công văn dù kéo dài thêm mấy dòng như thế trong trường hợp này là rất cần thiết. Vậy sao người soạn thảo công văn trên không để ý viết them vào. Thật đáng tiếc và cũng đáng trách.
Hay là ý tứ đằng sau cái công văn kia có gì nữa như nhiều bạn đọc trên mạng nhắc đến thì tôi không dám bàn sâu.
Nhưng nói gì đi nữa, cái ý muốn gọi chung chung tất cả các tử sĩ TQ chết trận tại đất Việt ta là liệt sĩ (để ta phải ghi nhớ công ân) là không có được! Bởi nó đảo ngược luân thường đạo lý mất rồi nếu chúng ta buộc phải nhớ đến những vụ thảm sát dân ta tại các vùng đất giáp biên giới khi lính TQ tràn sang xâm lược nước ta hồi tháng 2/1979.
*
Thế thì chung quy là lỗi tại cái công văn, nội dung công văn!? Hay tại sự thiếu thốn thông tin, thiếu tính công khai trong cách thông tin cho dân, cho dư luận?
Tôi đưa chuyện giao ban trong bộ tôi là nhân đây muốn nói đến chuyện rất cơ bản: Quan niệm thế nào là mật/là không mật; thế nào là hết mật/giải mật; thế nào thuộc thông tin nội bộ hay thông tin rộng rãi, thông tin công khai… trong cách ứng xử, điều hành tại các công sở của ta trước đây và hiện nay thế nào cho đúng là rất quan trọng?
Theo tôi biết thì nước nào cũng có những quy định ngặt nghèo về các bí mật quốc gia, nhất là ngành quân sự, ngoại giao, an ninh tình báo…
Phải tôn trọng và tuân thủ những quy định về điều đó. Làm lộ bí mật quốc gia là bị chính quyền gọi hầu tòa, bị phạt tù, thậm chí xử tử hình.
Nhưng phải áp dụng đúng chỗ. Lạm dụng tràn lan cái sự mật lắm khi làm hỏng đại sự. Như chuyện tảo mộ tiết thanh minh kể trên chẳng hạn.
Nếu như bộ thông tin, bộ ngoại giao có chủ trương cho giải thích công khai trên báo chí truyền thông (ngay từ các năm trước đây việc này) thì đâu có chuyện dư luận hôm nay ồn ã lên những thắc mắc hoặc trách cứ các cấp chính quyền của ta như vừa qua.
Tóm lại là chính sách về thông tin phải minh bạch rõ ràng. Đã một bước rõ ràng minh bạch rồi thì càng phải tiến tới rõ ràng minh bạch hơn nữa trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay.
Nguyễn Vĩnh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét