Tuần trước tôi nhận được thư mời dự buổi thuyết trình của một bạn Pháp gửi qua hộp thư e-mail. Có thể do mấy người Pháp quen cũ họ cho địa chỉ hòm thư tôi chứ thực ra tôi không quen người mời.
Người mời là một nhà nghiên cứu. Tên ông là Pierre Daum. Trong các tài liệu ông gửi kèm thư mời, tôi được biết ông mới in một cuốn sách về lịch sử vào năm ngoái tại Pháp, cuốn Immigrés de force, Les Travailleurs indochinois en France, 1939 – 1952 (tôi tạm dịch « Dân nhập cư cưỡng bức - Những người lao động xứ Đông Dương ở Pháp - từ 1939 đến 1952 »). Sách do Nhà xuất bản ‘Actes Sud’ ấn hành – Paris, tháng 5/2009.
Điều gây ấn tượng với tôi chưa phải là sách, vì đâu đã có sách đọc. Mà chính là lịch công việc của ông Daum. Chỉ với hai tuần lễ ở nước ngoài, nhà nghiên cứu này đã lên lịch tới 6 buổi thuyết trình liên tục trên suốt dải đất từ Nam ra Bắc Việt Nam. Mới đầu ông nói ở Huế (1 buổi), rồi quay vào Sài Gòn (3 buổi) và cuối cùng ông trở ra để kết thúc tại Hà Nội (2 buổi). Điều đặc biệt, và đó cũng là cách chuẩn bị chu đáo, là các buổi thuyết trình của ông sắp tới đều công bố được tên tuổi một số nhân vật danh tiếng của Việt Nam đã nhận lời dự.
Tôi nghĩ với lao động trí óc, lại thuộc lĩnh vực khoa học xã hội luôn có sự tế nhị và phức tạp thì việc đề ra một thời gian biểu làm việc nặng và căng như thế là đáng nể.
Trở lại chủ đề ông Pierre Daum sẽ thuyết trình. Đó là vấn đề người nhập cư cưỡng bức ở xứ Đông Dương vào nước Pháp những năm đầu thế chiến thứ 2. Họ buộc phải đến Pháp làm thợ, lao động cực nhọc trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt như “nô lệ”. Ở Việt Nam, là người ngoại đạo của sử học nên tôi cũng không biết gì nhiều về một mảng sử liệu quan trọng này. Tôi cũng không rõ có nhà sử học hoặc công trình nghiên cứu nào ở ta có đề cập sâu về vấn đề trên hay chưa?
Còn ông Pierre Daum thì dành tới 3 năm cho một công việc như vậy. Ông mở nhiều đợt sưu tầm tài liệu tại các vùng ngoại ô của thủ đô Paris và thành phố cảng Marseille ở Pháp. Ông Daum còn tới Hà Nội và một số làng mạc xa xôi khuất nẻo ở Việt Nam để nghiên cứu và thẩm tra “thực địa”.
Đáng kể nhất trong công trình nghiên cứu của mình, ông Pierre Daum đã tìm ra và trực tiếp gặp gỡ 25 người Việt Nam từng là lao động nhập cư “cưỡng bức” thời kỳ lịch sử đó. Đây có thể là những chứng nhân sống cuối cùng của lớp người lao động khổ sai tại Pháp những năm 1939-1952.
Biết được thêm là hồ sơ khoa học này đã từng là vấn đề bị quên lãng 70 năm nay ở nước Pháp. Với công trình của ông Baum, một “trang sử” thuộc địa Đông Dương được hé lộ. Khía cạnh hé lộ không phải là không “nhạy cảm” - là việc những người lao động thuộc địa bị cưỡng bức sang Pháp - và hơn thế nữa, những người này bị chính quốc sử dụng như nô lệ. Chắc chắn đó là điều chẳng người Pháp nào muốn khui ra trưng ra. Vì đâu có vinh hạnh gì cho nước Pháp. Càng hiểu sự im lặng bảy thập kỷ là có lý của nó! Và càng thấy lương tri trong sáng của những nhà nghiên cứu khoa học lịch sử chân chính ở Pháp, những người như ông Piere Baum.
Trong công trình, ông Daum còn cho biết nước Pháp khi bước vào đại chiến thế giới thứ hai không những cần lính tráng mà cần cả những người công nhân để thay thế cho số người Pháp bị động viên ra mặt trận. Họ - những lao động thuộc địa mà chủ yếu từ Việt Nam – đã bị cưỡng bức sang Pháp, ban đầu cập cảng Marseille, bị nhốt vào nhà tù Baumettes ở đây rồi bị phân về các công binh xưởng thuộc bộ quốc phòng trên khắp nước Pháp.
Về số lượng, ngay năm 1939 đã có 20 nghìn người được đưa gấp sang Pháp. Lúc đó nước Pháp đã bị cuốn vào chiến tranh. Các người thợ thuộc địa da vàng này phải làm việc trong những điều kiện cực khổ nhất, không lương bổng không bảo hiểm… Sau khi sử dụng, chính quyền Pháp đã trả họ về nước từng đợt một, suốt từ năm 1946 và kéo dài tới năm 1952 là đợt cuối cùng. Người ta chỉ ghi nhận chừng một ngàn người được chọn ra để định cư ở Pháp mà thôi.
… Đại thể bức tranh lịch sử như thế lần đầu tiên được khởi lộ với sự chân thật của nghiên cứu điều tra và đi kèm các chứng cứ sử liệu xác thực. Các buổi diễn thuyết của ông Daum dù chưa diễn ra, nhưng với lời giới thiệu trước về nội dung như trên, người Việt Nam chúng ta hiểu cái thông điệp gửi đi của giới nghiên cứu lịch sử ở Pháp về thời kỳ thuộc địa Đông Dương cũng như trách nhiệm của nước Pháp đối với những vấn đề thuộc địa.
Như vậy cũng có nghĩa trong nghiên cứu ở Pháp người ta không giấu đi những gì thuộc khách quan lịch sử, không chối bỏ trách nhiệm tinh thần mà các thế hệ cha anh của họ đã một thời gây ra cho các dân tộc thuộc địa ở Đông Dương. Lịch sử và sự thật lịch sử tồn tại như nó đã trải qua. Không ai hoặc thế lực nào trong xã hội có thể bưng bít che giấu hoặc ngụy tạo.
Trong giới sử học nước ta tôi cũng nhớ có một phát biểu, đại ý là lịch sử và sự thật lịch sử lúc này lúc khác vì những lý do nào đó có thể “chưa được”/”chưa phải” là lúc nói ra, nhưng “một khi đã nói ra thì phải nói đúng sự thật”.
Nhân câu chuyện thuyết trình của người bạn Pháp chúng ta thử ngẫm nghĩ kỹ mà xem. Sẽ thấy chúng ta vẫn còn nợ nần không ít trước lịch sử và các vấn đề của lịch sử của chính chúng ta. Tuy nhiên chúng ta vẫn có niềm tin “cái gì của Cesar” sẽ đến lúc được “trả về cho Cesar”. Lịch sử trước sau bao giờ cũng sòng phẳng.
Nguyễn Vĩnh
----------------------
Nguồn: http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1339&prev=-1&next=1338
Thứ Sáu, 4 tháng 6, 2010
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...