Thứ Năm, 19 tháng 8, 2010

Hồ Ba Bể và “hội chứng dự án”

Hồ Ba Bể và “hội chứng dự án”
Anh em chúng tôi vừa có vài ngày nghỉ trên khu vườn quốc gia Ba Bể. Thích nhất là hôm đi thuyền ngắm cảnh đẹp xung quanh lòng hồ. Nước hồ nhiều nơi trong xanh ngăn ngắt. Núi non vây bọc với cây xanh rừng xanh in bóng xuống lòng hồ. Đi trên con sông Năng thơ mộng thông thương nước với hồ tạo cho mình cảm giác như được thiên nhiên ban tặng vỗ về. Thấy phút chốc có sự hài hòa giữa chúng và con người. Lâu nay mưa bão, nóng bức, cháy rừng, lũ úng, đất lở, triều cường... khiến con người thấy thiên nhiên như xây lưng với mình, như kiểu trả thù chúng ta vì bao điều tệ hại do chúng ta gây cho nó... Nghĩ cũng sợ và lo, nhưng chẳng làm gì được trước sự tham lam bất chấp của người đời.

Chuyến đi phải nói là mỹ mãn cho những người sống ở thị thành bức bối, nhất là người cao tuổi như nhiều thành viên trong một câu lạc bộ hưu trí như chúng tôi hôm đó… Không ít lần chúng tôi buột miệng, đúng là du lịch sinh thái. Bõ công đi xe trên 250 cây số, có đoạn còn rất khó đi, xe sóc mạnh và những khúc cua ngoặt chóng mày chóng mặt. Nhưng bù trì đã được vài ngày nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thật sự giữa thiên nhiên xanh. Cái màu xanh của rừng núi sông hồ, trời mây ngút ngát như ở Ba Bể thế này thì thật là có duyên mới nhận được.
Được hưởng thế này nên bứt rứt về câu chuyện hồ Ba Bể có thể biến mất trong tương lai không xa. Chả lẽ đất nước mình bất lực trước nguy cơ mất Ba Bể vì chặt phá rừng bừa bãi, thói quen canh tác du canh du cư đã tạo nên sự bồi lắng bùn đất, nó dần dần "ăn hết" mặt nước hồ? Chả lẽ sau 3, 4 thế hệ nữa sẽ không còn cái di sản thiên nhiên xanh khổng lồ này nữa với các con cháu của chúng ta. Qua 200 triệu năm Ba Bể tồn tại giữa thiên nhiên, khởi nguồn từ một sự sắp đặt kỳ vĩ của tự nhiên, mà nay chỉ mất 80 năm nữa thôi đã đủ thời gian giết chết nó. Thật là điều gây sốc quá nặng nếu đúng là như thế với người Việt mình.
Câu chuyện đến đây như không tin được. Hẳn là có sự thổi phồng, bịa đặt thêm thắt nào đó chăng? Không phải vậy đâu, xin bạn đọc thêm mấy đoạn dưới đây:
Chả là trước khi thăm hồ Ba Bể, tôi đọc được một bài báo đăng liền 2 kỳ trên Lao Động điện tử vào các ngày 10 và 11/8. Thật sự là giật mình về những cứ liệu khoa học mà bài báo dẫn các nhà khoa học nêu lên rằng, chừng 80 năm nữa cái hồ nước mênh mông này sẽ biến mất! Điều trớ trêu là cảnh báo này được các nhà nghiên cứu chuyên về thủy lợi đưa ra từ năm 2002 (hồi đó kết luận là 90 năm thì nay đúng chỉ còn chừng 80 năm nữa thật!). Nên một kế hoạch “cứu” hồ được đưa ra với dự án mà kinh phí chừng 300 tỉ. Số tiền này được tính toán tỉ mỉ khoa học nhằm làm cho con hồ lớn này không bị bùn đất lấp dần như tiến trình diễn ra trước mắt chúng ta hiện nay. Dự án không được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Lý do lãng xẹt, kinh phí tiền trăm tỉ vậy là quá lớn! (Chao ơi người ta vung tay làm hại cả ngàn tỉ, chục ngàn tỉ chỉ với lý do là "quản lý kém", thì so với chuyện cứu được Ba Bể bằng ngần ấy tiền thôi, ngẫm nghĩ thấy mà xót xa).
Chuyện trên còn treo đấy thì đáng kinh ngạc hơn là năm ngoái, 2009, tại tỉnh Bắc Cạn - địa phương quản lý trực tiếp hồ Ba Bể - lại được người ta trình lên một dự án mới. Nội dung nó hầu như đi ngược hẳn lại. Ý chính là xin đục một hòn núi đá, làm một tuy-nen dài khoảng 1 cây số. Như vậy tức là dồn thêm nước từ một khu vực rộng mênh mông khác vào lòng 3 con hồ này. Lý do đưa ra là để thoát lũ và “cứu” lúa và các cây nông nghiệp khác cho vùng đất bên cạnh hồ Ba Bể. Nếu làm như thế cũng đồng nghĩa là cho bùn đất bối lắng thêm, cũng tức là đẩy nhanh hơn nữa việc “lấp hồ Ba Bể”. May mà ban quản lý hồ quốc gia này đã cùng một số nhà nghiên cứu khoa học thủy lợi quyết liệt can gián và dự án đó cũng bất thành.
Lạ không, cùng dưới một nhà nước một chính quyền nhân dân của chúng ta mà ông nói tây bà nói đông, người nói đen kẻ nói trắng, anh nói gà ả nói vịt. Chẳng biết đằng nào mà lần.
Đi thăm Ba Bể xong trên đường về nhà, tôi và bạn bè cùng chuyến đi cứ miên man nghĩ ngợi và trao đi đổi lại những câu chuyện trên. Thậm chí một ý nghĩ lo lắng cứ day dứt xung quanh số phận chung của các danh lam thắng cảnh trên đất nước ta thời nay. Không khéo trong lúc kinh tế thị trường khó kiểm soát này, lợi dụng sơ hở tranh tối tranh sáng, đục nước béo cò, người ta dễ bỏ mất các kế hoạch dự án mang tính xây dựng vì con người để chạy theo những kế hoạch viển vông, chuốc hại nhưng được che lấp bởi lợi ích cục bộ, phe nhóm đan xen chi phối.
Dự án thời nay nhiều lắm. Thật giả tốt xấu cứ chồng chéo lẫn lộn vào nhau, không phải là dễ phân biệt nếu cái tâm không sáng, cái tài không tới ở những người nắm quyền phê duyệt. Những người hiểu biết và có đầu óc châm biếm đã phải gọi tên nó là thời của "hội chứng dự án" quả cũng không ngoa. Đáng lo thật.
Nguyễn Vĩnh
---------------
Đọc thêm bài phóng sự trên Báo Lao Động:
Kỳ 1: Hồ Ba Bể đợi ngày... biến mất!
10.8.2010
(LĐ) - Có một thông tin chính thống và rất sốc rằng: Nếu không có biện pháp "bước ngoặt" nào, chỉ khoảng 80 năm nữa (tính từ năm 2010), hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đồng thổ - sẽ biến mất sau hơn 200 triệu năm tồn tại cùng vỏ trái đất.
Bắc Cạn có suối đãi vàng/ Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh”. Nếu kể tên chỉ một cái hồ đẹp và nổi tiếng nhất miền Bắc Việt Nam, nhất định người ta phải vinh danh hồ Ba Bể. Nếu nghĩ đến hai cái hồ nổi tiếng thế giới nhất đang hiện diện ở Việt Nam, người ta không thể bỏ quên hồ Ba Bể. Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể được liệt hạng là Vườn di sản ASEAN năm 2004, từng được nước ta đưa vào tiến trình lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, là vùng đất có tầm quan trọng toàn cầu theo Công ước Ramsar, cũng bởi vườn chứa trong mình hồ Ba Bể - viên ngọc xanh treo trên núi đá mỹ miều của miền đông thổ. Hồ Ba Bể là một trong 100 cái hồ nước ngọt tự nhiên lớn lớn nhất thế giới, là một trong 20 hồ nước ngọt có tầm quan trọng đặc biệt, cần bảo vệ nghiêm cẩn nhất của loài người (thông tin từ Hội nghị các hồ nước ngọt thế giới, tổ chức năm 1995, tại Mỹ, đã được công bố rộng rãi suốt hơn chục năm qua).
Theo giới khoa học, nằm trên các dãy núi “lưng chừng trời”, địa hình caxtơ với quá nhiều hang động và kẽ nứt thoát nước khổng lồ, nhưng hệ thống hồ của di sản hồ Ba Bể vẫn tồn tại suốt mấy trăm triệu năm qua, đó quả là một sự nhiệm màu, một sự bí hiểm thú vị mà thiên nhiên ban tặng cho loài người! Và, hiếm có bài dân ca Tày nào ở miền Đông Bắc, mà thiếu được hình ảnh lung linh của hồ Ba Bể. Thế nhưng...
Cái án 80 năm nữa sẽ “khai tử”
Tháng 7.2010, chúng tôi thêm một lần đi khảo sát tình trạng bồi lấp đáng sợ ở hồ Ba Bể. Từ năm 2002, nhiều người thạo tin đã hiểu, hoá ra, vụ “khai tử” có thể có của hồ Ba Bể không phải là một thông tin vỉa hè. Nó đã được đưa lên bàn nghị sự của lãnh đạo tỉnh Bắc Cạn và cơ quan hữu trách ở trung ương rất nhiều lần, nó được các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp ở Viện Khoa học thuỷ lợi nghiên cứu trên từng mét vuông mặt hồ, đáy hồ và các vùng dân cư xung quanh trong suốt 3 năm qua rồi đưa ra kết luận trong Hội đồng nghiệm thu cấp bộ hẳn hoi (năm 2002).
Sự việc cụ thể như sau: Từ đầu những năm 1990, nhiều người yêu mến di sản thiên nhiên, kho báu đa dạng sinh học hồ Ba Bể phải đắng lòng. Bởi rừng bị phá, núi xói mòn, lại thêm lối “hoả canh” (đốt nương làm rẫy) của không ít bà con miền thượng du, đã khiến cho mưa lũ cứ vần vũ đưa đất đá, rều cát về san lấp đặc kín 3 cửa sông, suối đổ vào hồ. Những diện tích mặt hồ xanh như ngọc, đẹp đến nao lòng cứ dần biến thành ruộng nương, thậm chí bà con làm nhà cửa trên bãi bồi cách đó chưa lâu còn là mặt hồ với dáng bao áo chàm và thuyền độc mộc tung tăng. 400ha diện tích mặt nước, với độ sâu trung bình 20 - 30m của “viên ngọc xanh” Ba Bể sẽ đi về đâu?
Chuyện ầm ĩ đến mức, tháng 7.1999, đích thân Bộ trưởng Bộ NNPTNT (bấy giờ) là ông Lê Huy Ngọ phải lên thị sát rồi giao nhiệm vụ cho Viện Khoa học Thuỷ lợi nghiên cứu, đề xuất giải pháp cứu hồ. PGS - TS Lưu Như Phú - cán bộ của viện - đã được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm đề tài “Dự án điều tra cơ bản xác định thực trạng, nguyên nhân và định hướng giải pháp chống bồi lắng tại các cửa sông đổ vào hồ Ba Bể”, với kinh phí ban đầu 1 tỉ đồng, được thực hiện trong 3 năm. Ông Phú và các cộng sự đi đến thuộc lòng từng bản làng, từng hang động, từng cánh đồng và các đỉnh núi trong khu vực. Họ chia thành từng nhóm, lập các trạm thuỷ văn, mỗi ngày hai lần đo đạc. Họ đi bộ cả tuần trong rừng, leo lên thượng nguồn sông Chợ Lèng, suối Tà Han tìm hiểu. Đi thực địa chưa đủ, họ phải mua ảnh vệ tinh của nước ngoài để “so sánh” tốc độ phá rừng trong toàn khu vực (nguyên nhân gây ra xói mòn đất trôi về lấp hồ) trong các mốc cụ thể suốt 30 năm (tính từ năm 1970). Các nhà khoa học thậm chí còn dùng cả máy siêu âm hiện đại để có thể tường tận từng mét vuông đáy hồ, từng kẽ nứt của địa hình caxtơ, để tính toán về tình trạng cũng như tốc độ bị bồi lấp của hồ.
Năm 2002, công trình trên đã được Hội đồng nghiệm thu cấp bộ đánh giá cao, với 7/9 thành viên “chấm” xuất sắc. Theo đó, thì câu chuyện rất rõ ràng: 90 năm nữa (tính từ năm 2002), nếu không có biện pháp hiệu quả để “cấp cứu”, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Dự án tiền khả thi được bàn đến, phải mất 263 tỉ đồng để cứu “viên ngọc xanh treo trên núi đá”. Các nhà khoa học dự kiến sẽ “nắn” không cho các con sông suối đem theo bùn đất vào “lấp” hồ Ba Bể. Ví dụ, muốn chống úng cho Nam Cường (vùng dân cư phía trước một cửa suối lớn góp nước vào hồ Ba Bể) thì phải làm một cái hồ trên sông, cách Nam Cường 7km. Hồ đó phải cao hơn hồ Ba Bể để vừa tích nước cung cấp tưới tiêu cho cánh đồng rộng lớn và phì nhiêu bậc nhất Bắc Cạn (đồng Nam Cường); vừa tránh ngập úng cho khu vực xã Nam Cường. Đồng thời, một hồ khác xây trên sông (suối) Tà Han - một cửa suối lớn nữa dẫn nước và bùn đất vào gây bồi lấp hồ Ba Bể - rồi nối thông hai hồ bằng đường hầm tuynen dài 3km. Nước của hai cái hồ nước khổng lồ này sẽ được xả qua sông Năng ở đoạn phía sau thác Đầu Đẳng - chứ không xả vào hồ Ba Bể rồi mới ra sông Năng như hiện nay nữa.
Tưởng như chỉ cần khoan địa chất vài mũi nữa, đo đạc cụ thể vài số liệu nữa, là dự án có thể thành hiện thực ngay. Nhưng, PGS Phú buồn bã lắm, gần 10 năm nay, bao công sức của ông và cộng sự đang bị xếp xó. Có người bảo, dự án tốn tiền quá, không “xuống tay” được. Dừng đề án kia gần 300 tỉ đồng kia, nhưng tình trạng bồi lấp hồ Ba Bể dĩ nhiên là “nó” vẫn diễn ra với tốc độ có thể cắm cọc mà nhìn thấy và đo đạc được. Ai cũng sợ. Thế là một vài dự án khác lại được tiến hành.
Đi xem “quái vật ăn thịt lòng hồ”
Mỗi lần du ngoạn hồ Ba Bể, chúng tôi lại thấy nỗi lo hồ biến mất càng hiển hiện rõ rệt hơn. Mỗi năm, các bãi bồi tràn lấn lấp đi thêm một vành đai nước hồ xanh ngăn ngắt dài mấy chục mét dài, cả nghìn mét rộng và chừng ba chục mét. Việc “ăn thịt” hồ Ba Bể diễn ra âm thầm mà quyết liệt, các chuyên gia rất có lý khi cho rằng: 90 năm nữa hồ Ba Bể biến mất. Đó là con số theo tính toán của các nhà khoa học, khi họ căn cứ theo tốc độ phá rừng và xói mòn đất ùn vào các cửa (sông) suối ở thời điểm trước năm 2002. Giờ đây, rừng bị đẵn ngày càng trọc trơ và bạo liệt, tốc độ khai mỏ và xây dựng các công trình nhà cửa càng nhiều, thì chắc gì đã cần đến 80 năm nữa (tính từ năm nay - 2010) để xoá sổ hồ Ba Bể? Đây cũng là “nhận định mới” của PGS Lưu Như Phú khi trò chuyện với nhà báo.
Chúng tôi đi thuyền khảo sát, quay phim tài liệu về tất cả các cửa suối tiếp nước cho hệ thống hồ Ba Bể, các bản làng người Tày sống ven hồ. Qua các lần khảo sát trong 5 năm qua, tôi thấy rõ các doi đất, mũi đất, các ruộng ngô đỗ và bản làng tiến dần ra... giữa mặt hồ một cách vô cùng đáng sợ. Cả ba “nguồn” tiếp nước của hồ, gồm: Sông Chợ Lèng, suối Pó Lù và suối Tà Han đều đang bị biến thành các “sát thủ” chung sức hằng ngày hằng giờ san lấp hồ Ba Bể. 5 năm trước, chúng tôi cũng đi thuyền độc mộc vào tận cái cửa mà suối Tà Han nhập mình với hồ Ba Bể, chỗ ấy bây giờ đã biến thành những bãi ngô xanh ngọc ngà, dài hàng cây số. Đất ụ lên, rắn chắc như đất “thổ cư ngàn đời”, điều đó khiến bà con phải khơi một con mương to (hai chiếc thuyền độc mộc khua mái chèo tránh nhau vẫn vừa) để dẫn nước hồ ngược trở vào “đất liền trên mặt hồ” nhằm “tưới tiêu” cho phần hồ đã biến thành nương rẫy. Cửa suối này, hồi PGS Phú lên nghiên cứu, nó nằm cách cửa suối hôm nay hơn 1.000m. Nơi cửa suối cũ, giờ mọc lên một ngôi nhà bề thế.
Tương tự, cách đó nửa tiếng đi thuyền, cửa suối Pó Lù - nơi có bản Tày Bắc Ngòi tuyệt đẹp tôi từng sống nhiều ngày để làm xêri phim “Việt Nam vẻ đẹp tiềm ẩn” trước đây, giờ... hoang tàn, mênh mông rác rưởi như một cái chợ lộn xộn vừa mới giải tán mà người phu ngái ngủ còn chưa kịp quét dọn. Các bãi đất khổng lồ như độn thổ từ dưới đáy hồ lên, ở rìa còn mềm mụp luễnh loãng. Hàng trăm con trâu đang tung tăng gặm cỏ, Hội xuân Ba Bể với các hoạt động nhảy múa, hội chợ, ném còn, nấu cơm thi diễn ra từ lâu lắm, giờ rác rưởi vẫn thống lĩnh không gian. Dường như hội xuân ngày càng lớn, hệ thống bếp lò khoét vào lòng đất giữa hồ để thổi lửa nấu cơm thi (theo phong tục người Tày) ngày càng quy mô, nên mặt hồ cũng phải đội càng nhiều đất bùn lên để... chào mừng đại lễ!
Đi tiếp, đến cửa sông thứ ba góp nước cho hồ Ba Bể, sông Chợ Lèng, tôi đã nghĩ đến câu “thương hải tang điền” trong tích cổ (biển xanh biến thành bãi trồng dâu). Hun hút ruộng nương, hun hút nhà cửa, anh cán bộ làm ở Ba Bể 20 năm kể, hồi anh mới nhận công tác, toàn bộ bờ bãi, đất đai, nhà cửa này... còn là của mặt hồ. Bây giờ, mỗi năm lưỡi đất khổng lồ này “liếm” ra hồ hàng chục mét. Bãi bồi đến đâu, bà con cắm cọc xí phần cập rập chuẩn bị mùa vụ đến đó.
Theo công trình kể trên do PGS Phú làm chủ nhiệm: Trong 20 năm, kể từ năm 1969 đến năm 1989, hồ Ba Bể bị lấp từ 4 hướng bờ khác nhau, diện tích bị lấp lên tới 15ha. Chỉ tính riêng năm 2002, theo đo đạc, lượng bùn bồi lấp hồ đã lên tới hơn 42 vạn mét khối, có hướng “tấn công lấp hồ”, bãi bồi đã ăn ra mặt hồ tới 60m. Đáy hồ bị bùn làm cho “nâng cao” lên tới 30cm. Đáng cảnh báo hơn nữa: Từ năm 1989 đến năm khảo sát 2002, tốc độ bồi lấp kia tăng đến 2,7 lần so với quãng thời gian khảo sát trong 20 năm trước đó - do phá rừng càng ngày càng bạo liệt hơn. Và, theo đó thì: Chỉ bằng ba phép tính, có thể thấy, 80 năm nữa, hồ Ba Bể sẽ biến mất. Khi ấy, điển tích “bãi biển nương dâu” sẽ được cụ thể hoá như sau: Ba cái biển - bể (Ba Bể) biến thành một cái nương trồng ngô hoặc dâu!
Kỳ 2: Loay hoay cứu hồ Ba Bể
Thứ Tư, 11.8.2010 | 08:10 (GMT + 7)
(LĐ) - Khoan hãy bàn về việc dừng dự án gần 300 tỉ đồng và những hệ lụy do bùn đất "ăn sống, nuốt tươi" hồ Ba Bể. Chỉ cần là một công dân có trách nhiệm với báu vật thiên nhiên có tầm quan trọng toàn cầu như "viên ngọc xanh" này, chúng tôi cũng đã thấy quá nhiều bất cập trong việc cơ quan chức năng loay hoay cứu hồ, cứu ngô lúa của bà con bản xứ gần hồ, trong thời gian vừa qua.
Những dự án làm rầu lòng báu vật
Một dự án gần 300 tỉ đồng nhằm triệt để ngăn chặn bùn đất từ 3 cửa sông suối chính cung cấp nước cho hồ Ba Bể được đệ lên UBND tỉnh Bắc Cạn và Bộ NNPTNT, sau đó đã không được thực thi. Vấn đề đáng báo động hiện nay là việc phá rừng, đô thị hoá, xây dựng công trình công cộng, khai thác mỏ lớn ở các khu vực Đồng Lạc... gần hồ tăng mạnh, khiến lượng đất đá, bùn rác xả về hồ ngày càng nhiều hơn.

Sau "dự án 300 tỉ" bị dừng lại, mới đây, Ban quản lý dự án 2, Cục Thuỷ lợi, Bộ NNPTNT cũng lại đề xuất giải pháp tiêu úng cho Nam Cường với kinh phí là 82 tỉ đồng. Dự án lần này bạo gan vạch kế hoạch cứu cánh đồng Nam Cường, huyện Chợ Đồn (cách hồ Ba Bể một trái núi với những cái động lớn) bằng cách... dùi lỗ tiêu úng. Tức là lũ lụt, lở đất vùi chết người, lúa ngô trồng lên mất trắng vì giặc nước và bùn đất, khiến bà con kêu trời, thì bây giờ... tìm đường mà đẩy nước đi. Đẩy dễ nhất là đục thủng núi, xây dựng đường hầm tunnel có đường kính khoảng 1,3m; dài gần 1km, “băng” qua động Nà Phòng của núi Nam Cường, theo suối Pó Lù, chảy tuột sang phía hồ Ba Bể. Toàn bộ bùn đất, nước lũ của Nam Cường sẽ được gom vào một bể chứa khổng lồ, chờ nó lắng thì xả vào hồ. Nhưng, từ xưa đến nay, hồ Ba Bể trong văn vắt, xanh ngằn ngặt, là kỳ quan của nhân loại, tồn tại 200 triệu năm qua như một phép màu trên đỉnh trời các dãy núi đá cáxtơ, là bởi vì nước đục từ các nguồn tiếp nước được lắng lọc qua các cửa sông, cửa suối, đặc
biệt là qua khu núi lớn Nam Cường. Sự lắng lọc tự nhiên, thẩm thấu tự nhiên đó vô cùng hoàn hảo. Sau mấy cuộc hội thảo lớn, tốn bao công sức giấy mực, dự án kia đã phải dừng lại vào năm 2009.
Quả thật là, qua tìm hiểu ngọn nguồn mớ bòng bong cứu hồ Ba Bể, chúng tôi không thể hiểu được rất nhiều “chi tiết” buồn cười đến xót xa đã diễn ra và đang phi lý tồn tại. Thí dụ, cùng một bộ, nhưng trong vài năm, có tới 2 dự án ngược hẳn nhau về quan điểm, đều được đưa ra và.... suýt nữa triển khai. Công trình nghiên cứu do PGS-TS Phú làm chủ nhiệm, ông cùng các cộng sự bỏ tâm huyết và tiền tỉ của Nhà nước ra làm trong 3 năm, chi tiết đến từng chân tơ kẽ tóc các vấn đề và nguy cơ bồi lấp hoàn toàn của hồ Ba Bể, lại đã được bộ đánh giá xuất sắc. Nhưng nó bị “gác” lại. Nhưng, đến khi đề án đục núi Nam Cường được coi là “điếc không sợ súng” xuất hiện, thì ai cũng choáng! Ông Giám đốc VQG Ba Bể trăn trở bảo: “Chúng tôi mà không quyết liệt là họ “làm (đục núi) thật đấy”. Và ông Diễn dùng tư liệu bị xếp hộc tủ của PGS Phú để “chống” lại dự án liều lĩnh kia.
Thế mà, đùng một cái Sở NNPTNT Bắc Cạn lại được giao nghiên cứu, viết dự án chống bồi lấp cho hồ Ba Bể và cả dự án thoát lũ cho Nam Cường! Xin hỏi, khi quý sở kia xé lẻ các phần việc giao cho các “tiểu ban” và sở liên quan của mình mỗi người viết một “chương đoạn”, thì các vị cán bộ không được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thuỷ lợi, chống bồi lấp sông hồ kia, họ phải xoay xở thế nào? Không lẽ chúng ta biến vấn đề khoa học nghiêm túc này trở thành một phong trào: Ngành ngành, nhà nhà chung tay bới vớt đất cát lên nhằm chống bồi lấp “hòn ngọc xanh hồ Ba Bể” ư? PGS-TS Lưu Như Phú là người kiệm lời và cẩn trọng, ông cũng phải thở dài chua chát: Làm gì có ai làm “tốt” hơn, với đề án tiền tỉ, máy móc vô cùng hiện đại và tiến hành rất khoa học như chúng tôi đã làm? Cán bộ ở sở và các chi cục thì bất quá cũng chỉ là học trò của chúng tôi. Đúng là giao cho các chi cục của một sở vùng cao cùng xé lẻ vấn đề bức thiết và cần nhiều hàm lượng trí tuệ khoa học như chống bồi lấp hồ Ba Bể, thì không... tưởng tượng nổi.
Đầu năm 2010, đích thân Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Cạn đã phải kêu trời về sự chậm chạp của các “tiểu ban” dự án của sở này, Ông lệnh trong tháng 3.2010 là phải “hòm hòm” và báo cáo. Theo ông Nông Văn Chí - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Cạn - cuối cùng thì dự án cũng được các tiểu ban viết cũng hòm hòm được một phần nào đó (chất lượng thế nào ta chưa bàn) và trình UBND tỉnh Bắc Cạn vào cuối tháng 4.2010. Tuy nhiên, như lời ông Phạm Tất Thắng - Phó Giám đốc sở này - thì: Với phương châm đề án gồm lâm nghiệp và thuỷ lợi kết hợp, hiện nay các tác giả mới chỉ viết xong phần đề xuất về mặt thuỷ lợi. Tóm lại, tất cả còn là dở dang và là... dự kiến.
Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”?
Có lẽ, việc của những người tâm huyết thật sự với số phận của hồ Ba Bể hiện nay là ngồi nín thở và chờ đợi. Cứ chờ đã, đề án “chắp vá” kia liệu có thật sự cứu được viên ngọc xanh Ba Bể hay không, lúc này thì chỉ có đáy sâu mấy chục mét của hệ thống hồ triệu năm tuổi tuyệt mỹ kia may ra mới biết được. Trong khi đó, các cửa suối vẫn bẩn thỉu với rêu rác từ rừng rú, từ các hội xuân cẩu thả. Các bãi bồi cứ như những mũi tên khổng lồ bắn dần vào phía “trái tim” của đẹp tuyệt trần của hồ Ba Bể.
Giữa lúc dự án đang ngổn ngang, cũng có người đánh bài cùn... lạc quan: 200 triệu năm qua, hồ Ba Bể đã tồn tại, nó có “chết” đâu. Và, ai dám chắc được rằng, những dòng sông ngầm, những kẽ nứt ngầm ở dưới đáy hồ bí ẩn sâu đến 30m kia, nó sẽ không có cách tống bùn đi hoặc tích cực cứu hồ bằng một cơ chế huyền diệu “trời sinh voi, trời ắt sinh cỏ” nào đó? Nhưng cũng có người nương theo chuyện “con bò” này mà phản đối: Sao bạn không tin rằng, 200 triệu năm trước, khi vỏ trái đất cựa mình sinh ra hòn ngọc xanh Ba Bể, hồ không hề như chúng ta thấy bây giờ mà rộng và đẹp gấp ngàn lần, hồ đã từng bị giết đi quá nhiều vẻ đẹp và đây là giai đoạn “giọt nước tràn ly”: Cần đúng 80 năm để thiên nhiên và con người hùa sức giết chết nốt 400ha mặt hồ một cách trọn vẹn. Nếu không hành động thì tất cả chúng ta lại vướng phải một bi kịch lớn hơn cũng liên quan đến con... bò: “Mất bò mới lo làm chuồng”. Nghĩa là, một khi hồ Ba Bể đã biến mất, không bao giờ chúng ta đào bới hay nạo vét “hà hơi tiếp sức”, làm sống dậy cho một hệ thống “hồ Ba Bể thứ hai” được nữa. Là bởi vì, hệ sinh thái hồ sẽ chết, màu nước xanh trong kỳ diệu kia sẽ chết, các cơ chế, công năng “trời sinh ra thế” của đáy hồ và các thành hồ sẽ không còn nữa. Khi đã coi hồ là kỳ quan không thể hiểu được của tạo hoá, thì bạn buộc phải tin rằng, để cho hồ bị biến mất trong một lần sa sẩy, cũng có nghĩa là... nó sẽ biến mất vĩnh viễn!
Dự án nào cũng có thể tranh luận, số liệu nào cũng có thể bị nghi ngờ, chỉ có việc các doi đất như những mũi tên nhọn, như những mũi dao bầu sắc cứ tiến dần từng ngày, gần sát vào “trái tim” chờ ngừng đập của “nàng công chúa áo chàm” kia là không còn nghi ngờ gì nữa. Phải làm sao?
Phạm Thị Thao Giang

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...