Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Dọc mạn tây phần Bắc Giang

Dọc mạn tây phần Bắc Giang
Chuyến đi dọc theo sườn phía tây Bắc Giang (từ Lục Ngạn, Lục Nam xuống Lạng Giang, Yên Dũng), cuối tháng 8/2010
Câu lạc bộ cán bộ hưu trí BNG thường tổ chức những chuyến đi thăm các vùng miền đất nước.
Hay đi như thế vì cán bộ làm công tác ngoại giao hồi đương nhiệm thường nhắm tới các chuyến công cán ra nước ngoài vì đó là mảng công tác chính, chứ đi trong nước thì ít có dịp. Nên nay về nghỉ rồi, các anh phụ trách CLB sáng kiến tổ chức các chuyến đi gần đi xa, ngắn ngày dài ngày, để mọi người hiểu biết thêm về đất nước con người Việt Nam mình. Nhu cầu xem ra được đa phần hội viên hoan nghênh hưởng ứng.
Riêng năm nay 2010 đã có tới hai chuyến đi đáng chú ý: Lên Điện Biên Phủ thăm chiến trường xưa và chuyến đi Xuyên Việt những 29 ngày liền. Cả hai chuyến đều đi xe chứ tuyệt nhiên không chặng nào dùng máy bay. Các cụ lão cả rồi, thế mà gân sức khiếp, bởi dòng dã tới tháng trời trên đường chứ đùa à. Mà vẫn đi vẫn vui một cách khỏe khoắn và dai dẳng như vậy. Kính bái phục!
Tôi về hưu đã lâu. Dù cũng được bác chủ nhiệm CLB thông tin có nhiều chương trình du lịch hấp dẫn như thế này nhưng do vướng bận việc riêng nên chỉ mới tham gia được hai chuyến đi gần đây. Là chuyến đi lên Hồ Ba Bể tỉnh Bắc Cạn 3 ngày mới qua vài ba tuần trước. Và mới đây, trước ngày QK 2/9 là chuyến đi chỉ có một ngày – từ sáng sớm đến cuối chiều – thế mà cả đoàn 90 người trên hai cái xe đã “diễu” được một vệt dài suốt dọc đất của mấy huyện tây phần tỉnh Bắc Giang – Lục Ngạn, Lục Nam, Lạng Giang và Yên Dũng.
Đi trong tâm thế người không còn công tác như thế này nó khác nhiều so với ngày còn làm công chức. Vì đi thoải mái hơn nhiều. Các mối lo công việc đâu còn – ngoại trừ chuyện gia đình cuộc sống riêng tư từng người thì lúc nào chẳng tồn tại. Không còn những quan hệ ràng buộc vô hình hoặc hữu hình giữa mình đi công tác với nơi mình đến, con người hoặc cơ quan mình gặp, nên tất nhiên không hoặc đúng hơn là ít phải giữ bộ giữ kẽ gì nữa… Lại thêm bạn bè cũ, lớp trước lớp sau sát gần nhau, cùng có thời làm việc bên nhau trong một ngành, đương nhiên có nhiều kỷ niệm, gợi lên ở từng người những câu chuyện buồn-vui bất tận… Và dù vui hay buồn đều thấy nhớ, rất đáng nhớ. Rồi vui, ngay cả khi vướng nhắc một chuyện buồn. Bởi vì đã qua hết rồi. Sống ở đời sướng nhất là biết “đã qua là cho qua” luôn, chẳng phải là thế sao. Người già, chuốc thêm buồn lo làm gì. Chuộng cái tâm nhàn là điều cần hơn hết vậy.
Các chuyến đi của cánh hưu trí CLB này còn thoải mái hơn vì một lẽ nữa. Là tất tất đều tự tiền túi anh cán bộ về hưu bỏ ra. Đi như vậy không phiền nhiễu một ai, một tổ chức cơ chế nào cả, ngay cả đơn vị cơ quan cũ mình từng công tác.
Thôi thì tháng tháng bớt tiêu, cán bộ hưu ta dành chút cho nhu cầu đi đây đi đó. Giả như đi du lịch bên ngoài thì cũng phải chi tiền kia mà.
Bác chủ nhiệm CLB cho biết những năm đầu tổ chức cũng có đề đạt với bộ chủ quản hỗ trợ, chẳng hạn tiền xe pháo mỗi chuyến đi một vài cái xe mà trong bộ này cũng sẵn có. Nhưng dần dần thấy không nên phiền. Tự anh chị em góp tiền để bao hết chi phí các chuyến đi.
Được cái người tổ chức là một đại ca hết sức nhiệt tình và biết việc. Bác ấy đã trên 70, nghĩa là U80 chứ sao. Trước kia làm lễ tân cỡ quốc gia như thế nên bác quen biết khắp nơi. Và kinh nghiệm tổ chức đi đứng, nghỉ ngơi cũng như chốt các chỗ thăm thú hấp dẫn ở các địa phương thì “đầy mình” rồi. Như thứ kiến thức nghiệp vụ đã thấm vào máu, gọi đến đâu ra đến đấy. Nên ai đã tham gia các chuyến đi như vậy đều thích. Và muốn tổ chức nhiều chuyến sau nữa.
Vấn đề là anh em hưu trí có dành dụm được tiền bạc và thì giờ. Nghe nói từ giờ tới hết năm còn tổ chức mấy chuyến hấp dẫn nữa. Sang năm có thể một chuyến vào Tây Nguyên. Người có máu đi chơi, thích xê dịch thì chuẩn bị.
Viết đến đây đã dài tôi muốn dừng. Mời bạn bè xem các tấm ảnh tôi chụp bữa xuất hành lên hướng bắc hôm đó tại địa chỉ bên WP: http://vinhnv43.wordpress.com/2010/09/07/di-d%e1%bb%8dc-ph%e1%ba%a7n-tay-b%e1%ba%afc-giang/
Nguyễn Vĩnh

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...