Thứ Bảy, 16 tháng 10, 2010

Vụ 9 ngư phủ - nghĩ về công việc ngoại giao cần làm

Vụ 9 ngư phủ - nghĩ về công việc ngoại giao cần làm

Vụ 9 ngư dân Quảng Ngãi chưa/không trở về nhà phải coi là một bài học cho công việc ngoại giao chúng ta đang làm hiện nay.

Bởi trước khi quy trách nhiệm cho bất cứ ngành nào trong vụ đang “mất người” này thì một trong những nhiệm vụ hàng đầu của ngoại giao (cụ thể là công tác lãnh sự) là bảo vệ quyền lợi cho công dân ta khi ở nước ngoài lúc nào cũng phải xem trọng.

Trong khi đó thì ở vụ này, việc cơ quan lãnh sự rất ít thông tin về công dân bị bắt giữ cũng như không đạt được sự chứng kiến khi công dân ta được trả tự do về nước đã để lại cảnh “mịt mùng” thông tin cho việc tìm kiếm hiện nay.

Đọc bài trên tamnhin.net về nghề ngoại giao, tôi xin phép cóp về hầu chuyện bạn đọc vì nó đặt ra cho chúng ta nhiều chuyện phải nghĩ lại. Thấy một cái gì như cay đắng của thất bại ta phải luôn nếm trải gần đây về đối ngoại. Chứ không thuần túy là những thắng lợi, những ào ào bốc khen nhau mà khỏa lấp được. Hãy dành ít phút đọc bài viết của tác giả Nguyễn Huy Cường sẽ thấy được phần nào sự đòi hỏi ngày nay với ngành ngoại giao.

NV

--------------

Ngoại giao - năng lực và sứ mệnh

Ngày xưa, việc tuyển trạch sứ thần đại diện cho đất nước ta đi sứ tới các lân quốc là rất hệ trọng. Các vị này đã đem lại nhiều niềm vinh hạnh cho đất nước, kể cả khi ấy, đất nước ta còn là một quốc gia bé nhỏ. Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Mạc Đĩnh Chi còn được lưu danh như những danh nhân lớn từ “nghiệp” ấy.

Ngày nay, công tác ngoại giao đang đứng ở tuyến đầu của công cuộc hội nhập. Ngoại giao, nếu làm tốt, sẽ là người đi tiên phong, là định hướng cho sự nghiệp giao thương với thế giới bên ngoài và góp phần đem lại những nguồn lợi lớn cho đất nước.

Nhưng hơn hết, trong một số địa hạt, ngoại giao còn góp phần tôn cao những giá trị Việt Nam, gìn giữ những giá trị kinh tế hoặc nhân mạng cho con người của công dân nước mình khi có tranh chấp, xung đột.

Để làm được việc đó, tình hình mới yêu cầu ngành ngoại giao phải có tư thế sẵn sàng, chủ động và sáng tạo trong hành xử.

Nhiều nơi, nhiều lúc ngành ngoại giao chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Năm 2007 chỉ tại một nước Malaysia đã có 2007 lao động Việt Nam bị “đột tử”.

Trước và sau đó, nhiều lao động của ta bị ngược đãi nghiêm trọng nhưng phần lớn họ đều bất lực, đơn lẻ và chịu mọi thiệt thòi, kể cả nhân mạng họ.

Có trường hợp, cha của một lao động xuất khẩu tại Malayxia quê ở tỉnh Vĩnh Phúc nhận được tín hiệu cấp cứu của con mình và đồng đội, đã phải tự thân vận động những thế mạnh quan hệ trong cộng đồng, quen biết để tìm cách cứu con về một cách vô cùng gian nan, vất vả.

Cách ứng xử của cơ quan ngoại giao ta ở nước này thường đi sau các sự kiện , khi mọi sự đã an bài và phần thiệt thòi thường thuộc về công dân ta.

Những ngày này, nếu từ phía các cơ quan ngoại giao ta ở Trung Quốc có thông báo về những sự trợ giúp tối thiểu cho chín công dân Quảng Ngãi được thả về để họ có những điều kiện an toàn tối thiểu khi vượt biển cả sau những ngày tháng bị cầm giữ thì nhân dân ấm lòng biết bao. Từ nghĩa cử ấy, cộng đồng sẽ thấy được sức mạnh đoàn kết, dân tộc vốn có từ ngàn xưa để vượt qua những khúc quanh nhọc nhằn hôm nay. Cơ quan ngoại giao của ta ở Trung Quốc không khó để tiếp xúc, động viên hoặc hỗ trợ cho bà con gặp nạn khi họ được trả về.

Chúng ta vô cùng xúc động khi thấy ngày 13/10/2010 đích thân Tổng thống Bolivia sang tận Chile để đón công dân duy nhất của nước mình được cứu thoát từ tai nạn sập hầm mỏ.

Chúng ta cũng vô cùng xúc động khi thấy hồi năm 2005 Thủ tướng Australia John Howard trực tiếp can thiệp với giới hữu trách Singapore để xin giảm án tử hình cho một công dân Úc gốc Việt phạm tội đang chờ án tử hình tại Singapore. Sau khi không được phía Singapore chấp thuận, vị thủ tướng này đã xin nhà chức trách Singapore tội phạm Nguyễn Tường Vân được gặp gia đình mình trước khi hành quyết và Singapore đã chấp nhận.

Đó là những nghĩa cử thật sự cao cả, minh chứng tầm và tâm đáng kính quý của người lãnh đạo đất nước và làm cho uy tín của riêng các vị đó cũng như tư thế của đất nước các vị đó được nể trọng trên trường quốc tế.

Sứ mệnh cao cả, tấm lòng nhân bản, hành động kịp thời là những phẩm chất không thể thiếu của nhà ngoại giao, của công tác ngoại giao trong bất cứ thời đại nào.

Nguyễn Huy Cường
(Nguồn: tamnhin.net)

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...