Thứ Hai, 14 tháng 2, 2011

Lớp Văn 8 và người giữ chức tổng bí thư

Lớp Văn 8 và người học trò giữ chức tổng bí thư

(Ghi chép nhân cuộc gặp đầu xuân của một lớp Văn khoa đặc biệt)
Thành lệ nhiều năm rồi, cứ vào một ngày Chủ nhật của Xuân Mới sau Tết Âm lịch, lớp Văn khóa 8 của chúng tôi lại họp mặt. Ngày họp thường sắp xếp từ khoảng mồng 8 mồng 10 cho đến trước rằm tháng Giêng, vừa để bạn bè ăn tết xong vãn việc nhà, vừa chiều ai đó đi xa Hà Nội nghỉ tết cũng đã trở về nhà. Dĩ nhiên với người ở các tỉnh quanh Hà Nội thì phải đi xa một chút, trừ anh em trong thành phố Hồ Chí Minh thì không mấy khi có người ra họp được.

Những cuộc tề tựu vui vẻ là chính này những năm gần đây càng trở nên một nhu cầu không ai muốn lỡ vắng. Đơn giản vì lứa chúng tôi đều đã về tuổi xế chiều. Hầu như 100% đã hưu nghỉ. Không ít bạn đồng môn thậm chí còn rời bỏ việc công sở vài ba chục năm trước, hoặc ít hơn cũng cả một thập niên vì những lý do riêng. Chính xác còn có vài trường hợp đặc biệt hơn cả, là người tử tế và tài giỏi hẳn hoi, đang trong biên chế ở một tỉnh miền núi, nhưng lại xin bỏ việc về quê biển làm anh nông dân cày ruộng, chăn vịt thực thụ mà hoàn toàn chẳng phải bất mãn chán đời gì. Bằng cớ là người bạn mà tất cả lớp chúng tôi rất quý trọng đó anh đã có vài tập thơ xuất bản, hơi thơ anh độc đáo và đầy nỗi niềm dấu ấn riêng. Đáng mừng thay chàng ẩn sĩ tài hoa miền duyên hải.

Nhìn chung cả lớp tôi đều đã “về vườn đuổi gà” (ai mà có vườn để nuôi gà ở thành phố?). Riêng đến năm nay chỉ còn hai người "trăm phần trăm" tại vị: một ít tuổi nhất lớp (anh tốt nghiệp mới vào tuổi 21, lại là phó giáo sư-tiến sĩ được giữ lại qua tuổi 65 có thể mới được nghỉ); và một người khác đặc biệt hơn cả, đã là ủy viên bộ chính trị lâu nay, và mới đây đại hội 11 bầu làm tổng bí thư của đảng - anh Nguyễn Phú Trọng.

Sự việc trên có người biết chúng tôi học cùng lớp với nhau ngày xưa, giục giã rồi gợi ý tôi hãy viết ngay một điều gì đó về anh Trọng trên blog hoặc là gửi cho báo đăng. Tôi chọn cách từ chối. Hoàn toàn không phải lý do như kiểu ngại ngần hoặc sợ mang tiếng “thấy người sang…” gì gì đâu. Bởi nếu đặt bút viết tôi nghĩ chắc mình cũng sẽ gắng tìm được một cách trình bày diễn đạt sao đó để người ta không chê trách được mình. Khó nhưng cố là làm được. Là sẽ không viết kiểu cậy quen biết người có quyền lực để khoe mẽ, hoặc đơn sơ dễ dãi là “khen phò mã tốt áo”. Nhưng làm thế vào lúc này thì chẳng ra sao cả, thậm chí tôi hiểu đó không chừng là điều "cấm kỵ” với ai có chút tự trọng, không chừng phải hổ thẹn với các bậc sĩ phu quân tử lớp đàn anh một khi họ lướt đọc.

Tôi không viết về tân tổng bí thư đảng cũng bởi còn một lẽ nữa. Bởi như tất cả mọi người vào một chức mới quan trọng sẽ có vô khối các bài viết trên truyền thông báo chí xứ ta. Đại loại là ca tụng sự giản dị khiêm tốn, rồi là học rộng tài cao, là bản lĩnh kiên trì nguyên tắc, thương dân thương nước v.v... mọi sự tốt cứ như quy tụ đủ trong những con người mới nắm quyền lực mới. Lẽ đời thường thế, cũng chẳng chê trách chê bai làm gì. Nếu ăn cơm chúa thì múa tối ngày, nó vậy cả.

Ở đây do mình chẳng có dòng nào trên blog về anh Trọng đợt vừa qua, nên rất muốn nhân buổi gặp lớp Văn 8 ngày 13/2 này, tôi chỉ nhắn gửi tới anh Trọng một điều: Là hơn lúc nào hết, hơn tất cả các việc khác cần phải làm ngay của một vị tổng bí thư mới là anh hãy biết lắng nghe hơn nữa, lắng nghe một cách thật sự thật lòng dư luận và công luận.

Nói đơn giản đó là nghe cho biết thật sâu sắc lòng dân ý dân đang khát khao nhất những điều gì hiện nay? Cơm áo miếng ăn chỗ ở học hành... cho dù chưa vừa ý nhưng cũng phần nào đã đến với dân và rồi có thể sẽ đến tiếp với dân. Nhưng "thực phẩm" cho tinh thần thì còn đơn sơ nghèo nàn lắm. Dân no bụng mà ít dân chủ, thậm chí không có dân chủ theo nghĩa đích thực, thì sự no bụng là không ý nghĩa. Tôi và chắc nhiều người tử tế khác dám chắc nếu đại trưng cầu dân ý thì dân sẽ nói là dân chủ của chúng ta còn hình thức, chưa thực chất.

Dân ta tốt lắm, không ai có thể nói khác được cái điều hiển nhiên như chân lý đó. Dân lớn lao và vĩ đại nên vì thế người lãnh đạo khôn khéo tài giỏi là phải biết kính Dân, đặt Dân lên trên hết. Kính Dân tức cũng là kính Đất nước, đặt lợi quyền của Nước lên trên tất cả mọi thứ. Đó là cách làm yên xã tắc chính đáng và đúng đắn nhất. Yên xã tắc được thì rồi làm gì cũng thành công.

Đáng ghi nhận ở anh Trọng một nhiệm kỳ đứng đầu Quốc hội vừa qua, anh Trọng đã sống và làm công việc theo được chiều hướng này, nhất là những phiên họp QH cuối nhiệm kỳ. Phát huy điều tốt đó lên hơn nữa thì Dân sẽ yêu quý người lãnh đạo.

Với những gì bản thân tôi biết được về anh Nguyễn Phú Trong - từ ngày biết anh là sinh viên cùng lớp, đúng vào đầu thu 1963 ở dưới cơ sở trường cạnh chùa Láng, lại có với anh nhiều học kỳ cùng một tổ học tập, có lúc cùng chung sống một mái nhà người nông dân nơi sơ tán, và cho đến sau này khi anh Trọng trải qua các chức vụ cao cấp - dù ít gặp được nhau - nhưng những gì tôi tiếp xúc hoặc quan sát qua tin tức và truyền thông, tôi vẫn giữ ấn tượng hầu như bất biến trong tôi về một tính cách nhu mì, khiêm cung và thật nho nhã hơi có vẻ kiểu xưa. Xưa quý chứ không phải xưa cổ lỗ. Chỉ mong anh Trọng đừng vì quá nhu mì mà dĩ hòa vi quý, thậm chí là nhu nhược khi đã cầm quyền lớn, cái thế "đứng trên vạn người" mà sứ mệnh đất nước nay đặt trên vai anh. Nặng nề và nhọc nhằn lắm chứ không phải chỉ có vinh quang vinh dự đâu.

Buổi họp hôm nay, thày Hà Minh Đức có ý nói với sự tiếp thu sâu sắc những gì học được ở 4 năm đại học khoa ngữ văn hoàn toàn nội trú, cái lớp học trò như lứa chúng tôi - trong đó có anh Trọng - đều như có sự thượng tôn tình con người, thấm sâu tính nhân văn được cộng hưởng từ tác động của các giá trị văn học nghệ thuật đông-tây. Thầy Đức cũng bảo chính tất cả thuộc tính nhân văn, con người đó đã bồi đắp dần dà sâu lắng mấy thập kỷ nay cho cả thế hệ lớp chúng tôi, và riêng với người học trò Trọng, tạo nên phẩm hạnh con người đáng quý nhất và tiêu biểu nhất.

Đó là lời thày. Chúng tôi suy nghĩ và chia sẻ. Đương nhiên trong xã hội còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về anh Nguyễn Phú Trọng. Nó càng rộ lên tháng nay khi anh đã thành người quyền lực số 1 của đảng, cũng được hiểu như số 1 của đất nước. Khác nhau trong nhận định là lẽ tự nhiên. Từ nay trở đi, sự khác biệt trong những nhìn nhận đánh giá về con người và về thế sự phải thấy là sự rất bình thường. Đừng quy kết ai vội về các ý kiến không giống nhau. Đồng phục ý kiến thì xã hội sẽ tẻ lạnh, chán ngắt.

Còn khi nhìn sang những thách đố của công việc, của trọng trách ngút ngàn chờ đợi phía trước của đất nước và nhân dân đối với người tổng bí thư là anh Nguyễn Phú Trọng đang nắm giữ, vì là không khí gặp lớp vui chúng tôi ít nói với nhau về các điều hệ trọng đó. Nhưng một số nhắn gửi xuất phát từ lời nói thẳng thắn và lòng trung thực của thày Hà Minh Đức và của các bạn đồng môn, tôi tin là Nguyễn Phú Trọng không bỏ sót ý tứ nào. Bởi anh có tiếng là có óc tổng hợp và trời phú một trí nhớ hơn người. Các ý tứ đó, vì là chỗ thân tình trao đổi, đâu còn tranh thủ vụ lợi gì nữa với đám về hưu chúng tôi, nên dù “nghịch nhĩ” thì anh Trọng chắc cũng biết cách lắng nghe. Hy vọng như vậy.

Quay lại buổi gặp một chút trước khi kết thúc bài viết này. Năm nay Văn 8 của chúng tôi tổ chức họp mặt ở hội trường Đài tiếng nói VN 58 Quán Sứ. Có hơn 50 người dự, “lão ông lão bà” cả rồi. Đại diện các thầy cô là GS Hà Minh Đức, thày chủ nhiệm lớp chúng tôi. Trong không khí xuân, thấy nhau tay bắt mặt mừng. Người kể chuyện nhà, cảnh vợ chồng già hoặc bận bịu cháu con bìu díu. Người trút tâm sự những ốm đau bệnh tật, những là bệnh viện nhà thương và thuốc men. Rồi là những chia ly mất mát người thân mà càng tuổi già thì càng không tránh khỏi... Nhưng cao hơn cả, đứng trên tất cả là những tình cảm tốt đẹp luôn dành cho nhau. Ai ai cũng muốn gợi lại cho bạn mình những kỷ niệm không thể nào quên những năm tháng sống và học hành trong trường đại học - nhất là 2 năm học liền nơi làng quê đồng rừng sơ tán tận Đại Từ, Thái Nguyên (1965-1967). Cũng như tất cả chúng tôi, Nguyễn Phú Trọng cũng bồi hồi thương nhớ cảm kích về những kỷ niệm xưa. Anh tuyệt nhiên không nhắc một từ chức tước anh đang giữ, chỉ một mực nói rằng anh đến đây - như bao lần họp lớp các mùa xuân trước - là chỉ với tư cách một bạn học với các bạn học, một học trò của các thày giáo cô giáo khoa Văn ĐHTH của cuối thập niên 1960. Nói thế tôi tin là anh thật lòng.

Tôi sẽ không kể chi dài dòng nữa. Thay vào đó, tôi chọn cách tìm góc ngắm để ghi lại ít tấm hình mà tôi sẽ cố lưu giữ như những kỷ niệm khó quên sau 45 năm chúng tôi ra trường.


Còn viết về lớp Văn 8 này không có gì minh họa tốt hơn là xin post lên trọn vẹn một bài viết của chính anh Nguyễn Phú Trọng. (Đây là bài viết tôi chụp từ một cuốn sách nhiều tác giả, sách in dày tới hơn 864 trang; các thầy giáo dạy lớp chúng tôi và hầu hết các thành viên lớp tôi đều đóng góp bài vở cho cuốn sách này; cuốn “Dưới mái trường này” được Nhà xuất bản Khoa học Xã hội in cách đây đã gần 8 năm).

Nguyễn Vĩnh
------------------


Dưới đây giới thiệu:

1- Một số hình ảnh tôi ghi lại buổi gặp mặt ngày 13/2/2011;





2- Bài viết đã nói tới của Cựu sinh viên Văn 8 Nguyễn Phú Trọng (vui lòng đọc từ ảnh chụp);

3- Nếu muốn đọc thêm, mời bạn xem bài viết trên báo “Đất Việt” (tôi thành thật nói ý kiến của mình là không/chưa đồng tình lắm với một số nội dung bài viết này. Nhưng mở đường dư luận đa chiều, tôi vẫn xin phép tác giả cóp vào đây).

-----------------------------

Trang ảnh của Nguyễn Vĩnh chụp (39 ảnh):

Ảnh trên: Quang cảnh buổi họp (Đài Tiếng nói Việt Nam dành trọn hội trường của cả tầng thứ 22 tại 8 Quán Sứ, Hà Nội cho lớp Văn 8 chúng tôi. Xin cảm tạ ban lãnh đạo Đài).

Ảnh dưới: Trưởng Ban Liên lạc lớp, Phó GS, TS Nguyễn Ngọc Thiện chủ trì buổi gặp mặt.




Thày chủ nhiệm, GS Hà Minh Đức được lớp chúng tôi trân trọng mời thày lên phát biểu đầu tiên trong buổi gặp mặt.


Các ảnh dưới: Vài ba khuôn hình của đồng môn mà tôi "chộp" được bất chợt từ mấy điểm khá xa... nên trông các bạn khá "tự nhiên".

Bạn Đỗ Nguyện Lượng, chiếm Giải văn khi học lớp 10 ở Hà Nội. 
Ảnh dưới: Bạn Trung Đông, nắm giữ nhiều năm ban văn hóa văn nghệ tờ báo đầy thế lực - báo Nhân Dân. 

Bạn Nguyễn Kim Trạch là một người làm ở Nhà Đài kỳ cựu, cũng là một cây truyện ngắn một thời.  


Anh Nguyễn Phú Trọng chúc tết thày, chúc tết bạn bè.

"Ông trùm" ngành ảnh một thời đang săn hình (Bạn học Chu Chí Thành, nguyên là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam). 



Lưu ý nhỏ, ngoài cùng bìa phải là Vũ Huyến - "phó nháy nổi tiếng làng nhiếp ảnh", đương nhiên cũng là "ô-sin" phục vụ ảnh cho lớp xuất sắc nhất (anh Vũ Huyến nguyên là Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cùng nhiệm kỳ 5 năm với bạn CCThành nói ở ảnh phía trên)

Ảnh dưới: Bìa trái là chị Dương Bích Hồng đi từ Tp Hồ Chí Minh ra họp lớp, còn bìa phải là Phó GS, TS Nguyễn Văn Thịnh - người có nhiều giáo trình và công trình nghiên cứu về thư tịch cổ, chế độ khoa cử, một số tác phẩm Hán Nôm cổ.  
 

Hàng ngồi, từ trái sang: Các bạn Đinh Phương Anh (thày Hà Minh Đức ngồi hàng ghế trên), Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Quang LộcNguyễn Phú Trọng. 

Tác giả (NV) ra oai "dọa" các phóng viên ảnh nghiệp dư tác nghiệp! Chỉ được đóng VIP một chốc thôi mà, có hại đến ai đâu!
- Đứng phía bìa trái là bạn Nguyễn Thị Nam, nhà lý luận phê bình điện ảnh có đẳng cấp; bìa phải là bạn Nguyễn Trương Đàn, nguyên lãnh đạo các Đài PT-TH Huế rồi Đà Nẵng, nay định cư tận Đà Nẵng ra họp) 





Một lưu ý nhỏ, bìa trái là Trần Đình Thảo vừa làm thông tấn giỏi vừa là thày dạy thông tấn cừ với "khoa nói" thuộc loại siêu hạng của lớp; bìa phải là Nguyễn Huy Thông, vừa là nhà báo, phê bình văn học, vừa là một quan chức có thâm niên lâu năm bên Văn phòng Quốc hội, tự nhiên "lợi thế" là gần với CT QH NPTrọng.

Ba vị lãnh đạo lớp Văn 8 chúng tôi (lớp trưởng, lớp phó, phó bí thư chi bộ) chụp chung với anh Nguyễn Phú Trọng.


Vừa chụp ảnh chung vừa có bạn gửi gắm một điều gì đó góp ý cho  người không chỉ là bạn học, còn còn là một người đang đóng giữ một trọng trách cao nhất của đảng, của đất nước (người đang nói với anh Nguyễn Phú Trọng là chị Nguyễn Thị Nam); bìa phải là anh Trần Ngọc Thảo - anh Thảo từng là Hiệu trưởng Trường Văn hóa-Nghệ thuật một thành phố lớn thứ hai miền Bắc, thành phố Hải Phòng; anh Thảo từ đất Cảng lên họp mặt (người đứng giữa là Nguyễn Vĩnh).


Blogger Dương Đức Quảng (thứ hai từ trái sang), người đã viết bài trên blog Đầu Gối về tân tổng bí thư sớm nhất sau khi chính thức được thông báo anh Trọng trúng cử buổi sáng ngày 19/1/2011.


Ảnh dưới: Với lớp trưởng Văn 8, Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa.




Bìa phải là Trần Đức Chính, người giữ mục "Nói hay Đừng" là nổi tiếng nhất, đóng tròn vai Lý Sinh Sự liên tục trên báo Lao Động. Có lẽ TĐChính là người viết được số lượng tác phẩm báo chí khổng lồ nhất lớp Văn 8 chúng tôi. 


Khuôn mặt hiền khô này đặc biệt lắm - bạn Trần Quang Khải, nhiều năm nay chống chọi với bệnh tật, anh dần khỏe lên và góp mặt hôm nay với anh em. Anh Khải nguyên là phó tổng giám đốc Đài TNVN, nơi chúng tôi họp mặt.



Thày Hà Minh Đức nhiều năm nay thường nói, ít lớp ít khóa thày dạy học ở trường đại học tổng hợp mà lưu giữ trọn vẹn được tình bạn bè thủy chung chân tình dành cho nhau như học sinh lớp Văn Khóa 8 (1963-1967) của chúng tôi. Bìa phải là chị Nghiêm Thị Minh Mẫn, đã là nghệ sĩ từ trước 1963 khi chưa nhập trường, mấy năm nay trong Ban liên lạc lớp Văn 8, đảm đương công việc 'cơm nhà, vác tù và..." hết sức tích cực. 



Ảnh trên: Bạn bè vây quanh bạn bè - Bìa bên phải là Đại tá lương cấp tướng Trần Văn Vịnh (Ngôn Vĩnh), đã hồi hưu. Anh nhiều năm giữ chức Tổng biên tập báo CAND.






Các bạn nữ được ưu tiên mọi nhẽ. Ông phó nháy Vũ Huyến dành riêng tất cả 10 bạn nữ lớp tôi có mặt hôm đó được chụp chung với thày Đức và anh Trọng. Mọi thành phần khác coi như "đi ra rìa". Xin điểm danh - từ trái sang: Đinh Phương Anh, Vương Anh Hoàng, Nguyễn Thị Hòa, Vũ Thị Kim Hải, Nguyễn Thị Thái Thanh, Phạm Thị Cận, anh Nguyễn Phú Trọng, Dương Bích Hồng, thày Hà Minh Đức, Nghiêm Thị Minh Mẫn, Ngô Thị Tường Vân, Nguyễn Thị Nam.


Phó GS, Tiến sĩ chuyên ngành Hán Nôm 'bác' Ngô Đức Thọ bên người bạn học Nguyễn Phú Trọng thì bác thuộc lứa tuổi đàn anh của anh Trọng cũng như hầu hết bạn bè lớp Văn 8 chúng tôi.




Khuôn hình này chớp được phút giây đáng nhớ: Là đúng lúc anh Trọng "trả bài" thày Hà Minh Đức (khi thày phát biểu trước anh có đặt ra vấn đề "giáo dục đào tạo đã và đang xuống cấp quá", và thày nhắn nhủ với anh Trọng điều mà các thày cô trên khắp đất nước đang trông chờ, kỳ vọng vào các nhà lãnh đạo mới).

Mừng là anh Trọng rất chia sẻ và tán thành cách đặt vấn đề thẳng thắn của người thày giáo lão thành - thày đã có 54 năm trên bục giảng. Thấm lời thày cũ mà anh Trọng cùng ban lãnh đạo mới làm được điều gì có dấu ấn trong giáo dục đào tạo sắp tới thì hồng phúc cho đất nước này.


* Các ảnh chọn post lên này có thể không "bao quát" hết được những khuôn hình có thể đẹp hơn và đáng nhớ hơn... do tôi không thể chớp được hết cả các khuôn mặt đồng môn thân yêu của tôi. Kẻ cầm máy này xin nhận khiếm khuyết đó, chờ một dịp gặp mặt sau này nếu ơn trời lại hân hạnh có mặt để chụp hầu các bạn. 

Riêng việc viết 'Chú thích ảnh' trên đây cũng là từ những ý, những cách lẩy chữ chọn câu hoàn toàn "ngẫu hứng" và đầy cảm xúc mà viết ra. Cũng là viết ra để vui để nhớ đến nhau, vui đùa với nhau nữa như ngày còn cắp sách cặp đi học chữ nghĩa của các thầy. Nếu như thiếu sót không nhắc đến bạn nào, 'bác nào' (vì có anh có chị lớp ta thực sự cao tuổi hơn tác giả bài viết và người chụp ảnh này), thì rất mong được bạn ban cho hai chữ Đại Xá (Nguyễn Vĩnh).     


---------------------------


Bài viết dưới đây của anh Nguyễn Phú Trọng (tôi chụp lại từ cuốn sách của lớp Văn 8 chúng ta cho xuất bản năm 2003, khi ấy anh Trọng đang làm Bí thư Thành ủy Hà Nội, Uy viên Bộ Chính trị):




Lớp tôi - Có gì đặc biệt

Tác giả: NGUYỄN PHÚ TRỌNG




-----------------------------

Tham khảo (tùy ý thích):

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng qua lời kể bạn học

"Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hàng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui", ông Nguyễn Ngọc Thiện kể lại.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng học khóa 8 (1963 - 1967), khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp, nay là ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Giữ nhiều cương vị lãnh đạo quan trọng của đất nước và nay là người đứng đầu Đảng Cộng Sản Việt Nam, nhưng qua lời bạn cùng học, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn giữ nếp sinh hoạt rất bình dị, gần gũi.

Một con người bình dị, khiêm nhường

Nhớ về những năm tháng sinh viên, ông Nguyễn Ngọc Thiện, Tổng biên tập báo Diễn đàn văn nghệ, từng là bạn đồng môn với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hồi tưởng: “Không chỉ các bạn trong lớp yêu quý mà đi đến đâu anh Trọng cũng chiếm được cảm tình của mọi người vì anh ấy hiền lành, thân thiện, hòa đồng. Tôi còn nhớ rõ, năm thứ tư đại học, chúng tôi có đợt đi thực tế để làm luận văn tốt nghiệp, tôi và anh Trọng cùng một số người được phân về đội thanh niên xung phong N57 ở Lạng Sơn. Ngoài những giờ nghiên cứu tài liệu, học tập, hàng ngày, anh Trọng đều đi làm đường, cuốc đất cùng mọi người, buổi tối còn ngồi sinh hoạt tập thể, nói chuyện rồi đàn hát rất vui nên các anh chị em thanh niên xung phong, ai cũng mến”.

Không chỉ cởi mở, gần gũi trong thời sinh viên mà khi đã giữ nhiều cương vị quan trọng của đất nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đều giữ được những đức tính đáng quý ấy.

Sau một thời gian ra trường, các thành viên trong lớp đã lập gia đình rồi lên chức ông, chức bà, kẻ mất, người còn, mỗi người một hoàn cảnh, số phận nhưng lớp Văn khóa 8 vẫn thường tổ chức họp lớp đầu xuân. Ông Thiện cho biết, nếu không bận bịu công việc, Tổng bí thư Trọng đều tham dự, lần nào bận họp, đến muộn, ông cũng gọi điện báo trước để mọi người không phải chờ đợi.

“Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội, lớp tôi vẫn cảm nhận được sự thân thiện, khiêm nhường ở anh Trọng. Mỗi lần đến họp lớp, anh đều cho ô tô đỗ ở đầu con phố rồi đi bộ đến nơi họp mặt, dù nhiều khi quãng đường không phải là ngắn. Chính vì thế mà đã mấy chục năm trôi qua nhưng giữa anh và chúng tôi chưa bao giờ có khoảng cách”, ông Thiện cho hay.

Lần giở những tư liệu lưu giữ kỷ niệm của lớp Văn khóa 8, ông Thiện cho chúng tôi xem một bức ảnh được ông bọc cẩn thận trong một chiếc phong bì. Ông cho biết, bức ảnh chụp vào dịp cả lớp họp mặt đầu xuân Canh Dần 2010.

Trong bức ảnh Tổng bí thư Trọng giản dị với chiếc áo sơ mi xanh, áo khoác màu xám nhạt. “Lúc chụp ảnh, chúng tôi tha thiết mời anh Trọng lên ngồi ở hàng ghế trên vì khi đó anh ấy đã là người đứng đầu của cơ quan có tiếng nói cao nhất nước, nhưng anh Trọng nhất quyết phải đứng ở hàng sau cùng bạn bè và nói để hàng ghế đó cho những người cao tuổi hơn, là cán sự của lớp ngồi”, ông Thiện nói.

Học sinh phổ thông duy nhất tốt nghiệp thủ khoa

Không chỉ được quý mến tính tình, đức độ mà bạn bè còn rất nể phục cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng ở tài học tập.

Khoa Văn khóa 8 rất đông, gần 130 sinh viên với nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau: người là học sinh THPT qua kỳ thi tuyển vào trường, người đỗ vào ngành Cao đẳng Thư viện rồi được gửi vào lớp học chương trình văn học và cả lưu học sinh Ngữ văn, Nghệ thuật ở Đông Âu về nước, vì thế tuy cùng một lớp nhưng tuổi chênh nhau cả con giáp. Ông Trọng khi đó thuộc thế hệ học sinh phổ thông nhưng được giữ trọng trách là Bí thư chi đoàn lớp.

Lớp của ông rất “đặc biệt”, đặc biệt như chính những gì ông đã viết trong cuốn sách về lớp có tựa đề “Từ mái trường này” xuất bản năm 2003 do hai người bạn của ông là Nguyễn Ngọc Thiện và Vũ Duy Thông chủ biên. Mở đầu bài viết của mình Tổng bí thư đã khẳng định: “Tôi có thể nói ngay rằng lớp tôi là một lớp đặc biệt”.

Đặc biệt bởi lớp ông tập hợp rất nhiều nhân tài, ra trường, gần như ai cũng thành danh trong nhiều lĩnh vực. Và đặc biệt bởi trong một khóa học mà lớp ông đã thuyên chuyển chỗ ở, chỗ học đến vài lần. Trong đó, lần phải sơ tán lên Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên đầu hè 1965 là những ngày tháng đã lắng sâu thành kỷ niệm trong mỗi sinh viên khoa văn năm ấy.

Nếu như sinh viên bây giờ được học tập trong những mái trường kiên cố, thiết bị hiện đại thì các sinh viên khi đó phải leo núi, luồn rừng, chặt cây, lấy nứa về làm nhà, dựng lán làm nơi học tập, đồ ăn chỉ có cơm độn ngô, khoai, sắn. Nhưng những năm tháng học tập đầy gian truân với muỗi, vắt, gai cào, vực thẳm ấy cũng không làm nản ý chí, nghị lực của chàng sinh viên khoa văn Nguyễn Phú Trọng: “Chúng tôi xác định phải cố gắng vừa học tốt, vừa giúp đỡ đồng bào”.

Nguyễn Phú Trọng đã làm như chính những gì ông đã nói. Cuối khóa học, ông là sinh viên thuộc thế hệ học sinh phổ thông duy nhất đạt tốt nghiệp thủ khoa, luận văn của ông khi đó được các thầy đánh giá loại xuất sắc. Hai người còn lại đạt thủ khoa cùng với ông là Nhà giáo ưu tú, tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, nguyên là giảng viên khoa Báo chí, ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn và ông Nguyễn Thái Ninh, nguyên là Phó Trưởng ban tuyên giáo Trung ương đều là lưu học sinh từ Đông Âu trở về.

Có tố chất lãnh đạo từ khi còn là sinh viên

Có nhiều thành tích trong học tập và công tác Đoàn nên ngay từ khi còn học Đại học, cậu sinh viên Nguyễn Phú Trọng sớm được đề nghị bồi dưỡng để đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Tiến sĩ Trịnh Hồ Khoa, bạn đồng môn, lớp trưởng của lớp Văn khóa 8 và cũng là người trực tiếp đi thẩm tra lý lịch để kết nạp ông Nguyễn Phú Trọng vào Đảng, cho biết: “Anh Trọng từ khi còn theo học đã bộc lộ những tố chất của một người có khả năng làm lãnh đạo. Không chỉ học giỏi mà Trọng còn rất năng nổ, nhiệt tình trong mọi công tác tập thể. Bình thường anh Trọng rất điềm đạm và kiệm lời, nhưng mỗi khi đưa ra ý kiến về vấn đề gì đó lại cực kỳ sắc sảo”.

Ông Khoa cho biết, khi lớp đi sơ tán ở Thái Nguyên, Bí thư chi Đoàn Nguyễn Phú Trọng rất biết cách gắn kết các thành viên trong lớp, thương yêu, đoàn kết để cùng đương đầu với những khó khăn, vất vả. “Lớp tôi có nhiều thành phần, độ tuổi khác nhau nên làm được điều này là rất khó. Vừa học, chúng tôi vừa giúp đỡ đồng bào công việc đồng áng, sản xuất. Cuối tháng, mỗi sinh viên đều phải đóng góp củi cho nhà bếp… mà nhiệm vụ nào anh Trọng cũng hoàn thành rất tốt”.

“Chi ủy khi đó đang có chủ trương phát triển Đảng ở thế hệ trẻ, thấy những tính cách, tố chất ấy ở anh Trọng, chúng tôi mừng lắm nên đã quyết định sẽ theo dõi và bồi dưỡng đồng chí Trọng để đưa đồng chí đứng vào hàng ngũ của Đảng”, ông Khoa nói.

Ông Khoa cũng chính là Chi ủy viên được giao nhiệm vụ đi điều tra lý lịch để kết nạp Nguyễn Phú Trọng vào Đảng. Ông Khoa nhớ lại: “Gia đình anh Trọng thuần nông và mến khách lắm. Cái đêm về thôn Lại Đà, xã Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội, chúng tôi đi đò qua sông rồi đến nhà anh Trọng. Khi đó mới 4 giờ sáng mà ông Nguyễn Phú Nội, cụ thân sinh của anh Trọng chưa rõ chúng tôi về làm gì, chỉ biết là bạn học của con đã dậy tất bật lấy rơm nấu nước cho chúng tôi uống”.

Và cuối khóa học, sinh viên Nguyễn Phú Trọng đã vinh dự là một trong hai đoàn viên của lớp chính thức được kết nạp Đảng khi tuổi mới đôi mươi.

“Từ xưa, con người của anh Trọng như thế nào thì đến giờ vẫn thế”, ông Khoa nói.
“Chính cái thôn quê Lại Đà, những năm tháng ở Thái Nguyên với sự đùm bọc của nhân dân Tràng Dương và cái nôi trường Đại học Tổng hợp đã đào tạo nên thế hệ chúng tôi, trong đó có Nguyễn Phú Trọng ngày hôm nay. Một con người tài năng, khảng khái, thẳng thắn, dân chủ trong nghị trường nhưng cũng bình dị, đầy nghĩa tình trong cuộc sống”, ông Khoa tâm sự.

Theo "Đất Việt"












4 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nguyễn Phú Trọng, năm nay 67 tuổi, với nhiều đức tính tốt, có đức, có tài, Đảng CSVN bầu làm TBT rất xứng đáng !
Thời thế tạo Anh hùng và Anh hùng tạo thời thế !

Nặc danh nói...

Bác Trọng là bí thư mà không tình nguyện đi bộ đội à.

Nặc danh nói...

Bác Trọng là bí thư chi đoàn của lớp mà không tình nguyện đi bộ đội nhỉ.

Trần Đinh Thảo nói...

Kỷ niệm sâu sắc;Tâm sự thực lòng, anh chụp thời sự...Ngoài ra những lời "Mao Tôn Cương" dí dủm khac xa khâu khí ngoại giao hồi đương chức TBT Tuần báo Quốc tế Bộ Ngoại giao, hàm vụ trưởng, đại sứ... Có một vào lỗi nho nhỏ, nên sử.Chẳng hạn ban Trần Ngọc Thảo là Hiêu trưởng trường VH NT Hải Phòng chứ không phải lãnh đạo văn công .Trần Đinh Thảo nói

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...