Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Tiếp tục các tư liệu về vụ hạ sát Bin Laden

Tiếp tục các tư liệu về vụ hạ sát Bin Laden
Bài 4 - Mỹ tiêu tốn bao nhiêu cho Osama bin Laden?
Thứ tư - 05/04/2011 12:51
Theo ước tính, 10 năm tìm kiếm tên trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới, Osama bin Laden, đã tiêu tốn của nước Mỹ hàng ngàn tỷ USD. Chính vì vậy mà thủ lĩnh al-Qaeda được gọi với cái tên “kẻ nghìn tỷ đô la”.
Số tiền hàng ngàn tỷ USD này được chi cho các cuộc chiến, củng cố an ninh, như bảo vệ các bến cảng, các hoạt động quân sự khắp thế giới, cùng hàng tỷ đô la để xây dựng lại Ground Zero, chăm sóc y tế cho các cựu binh, phần lớn là trong cuộc chiến Iraq, mà chính phủ Bush từng cho rằng có liên hệ giữ Bin Laden và Saddam Hussein.
Số tiền khổng lồ được chi nhằm làm cho nước Mỹ an toàn hơn sau vụ khủng bố 11/9. Các cơ quan được tạo ra, mở rộng hoặc được trao nhiệm vụ mới. Chính phủ thuê hàng ngàn nhân viên mới để phân tích tình báo, lần theo các nguồn tài chính hỗ trợ cho khủng bố…(Mỹ đang chi 50 tỷ USD mỗi năm cho công tác tình báo)
Theo tính toán của hai giáo sư khoa học chính trị, John Mueller, Đại học bang Ohio và Mark Stewart, Đại học Newcastle tại New South Wales, kể từ sau vụ 11/9, chính phủ Mỹ cùng các công ty tư nhân đã chi hơn 1 ngàn tỷ đô la để củng cố an ninh nội địa. Thêm vào đó, theo hai giáo sư này, thời gian trung bình phải đợi ở sân bay để kiểm tra an ninh đã tăng lên khoảng 20 phút, tiêu tốn khoảng 10 tỷ USD mỗi năm. Theo hai chuyên gia này, tổng cộng Osama bin Laden đã “tiêu tốn” của Mỹ con số khổng lồ từ 280 tỷ USD đến 5 ngàn tỷ USD.
Chính quyền Tổng thống Bush đã nhanh chóng mở hầu bao sau vụ khủng bố 11/9 năm 2001. Quốc hội Mỹ ngay lập tức phê chuẩn khoản quỹ 40 tỷ USD để mở rộng an ninh quốc phòng, nhằm tìm kiếm tên khủng bố quốc tế Bin Laden.
Bộ an ninh Nội địa Mỹ đã được trao quyền lực rộng khắp và ít nhất 20 cơ quan liên bang được củng cố với một nhiệm vụ chính: ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố trong lòng nước Mỹ. Trong suốt 10 năm qua, Bộ này đã chi tiêu ước tính 424 tỷ USD và tuyển dụng 216.000 người.
Khi Bộ an ninh Nội địa mới được thành lập, chính phủ Mỹ đã chi 37,7 tỷ cho ngân sách của cơ quan này và tăng lên 50,6 tỷ vào năm 2008. Năm 2012, chính phủ Mỹ dự kiến chi khoảng 71,6 tỷ cho an ninh nội địa.
Số tiền trên lớn hơn cả tổng sản phẩm quốc nội của ít nhất 132 quốc gia vào năm 2009, trong đó có Iraq, CroatiaCuba.
Nhưng số tiền chi tiêu không dừng lại ở đó. Bộ Quốc phòng, hiện đang “bận rộn” với hai cuộc chiến tốn kém ở IraqAfghanistan, cũng được tăng ngân sách. Kể từ năm 2001, ngân sách quốc phòng của Mỹ tăng lên ít nhất 700 tỷ USD vào năm 2010. Con số này chiếm khoảng 20% tổng ngân sách toàn liên bang Mỹ.
Từ năm 2001-2011, Mỹ đã chi 18 tỷ USD cho Pakistan để hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố, mà chủ yếu là để truy lùng Osama bin Laden.
Tại quê nhà, các nhà hoạch định chính sách cũng xây dựng một bộ máy khổng lồ mới, tập trung vào an ninh biên giới, bom bẩn, những kẻ cực đoan trong nước và mối đe dọa về một cuộc tấn công khác của al-Qaeda. Quốc hội không ngại chi tiền cho Bộ An ninh Nội địa và các cơ quan khác tất cả những gì họ yêu cầu.
Chris Hellman, nhà phân tích chính trị cấp cao tại Dự án các ưu tiên quốc gia, nhóm giám sát ngân sách liên bang Mỹ cho hay: “Không ai muốn bị ngồi trong cảnh giống như vụ 11/9”. Còn Travis Sharp, nhà nghiên cứu tại Trung tâm an ninh mới của Mỹ bình luận, rất “hiếm khi” thấy các thành viên Quốc hội chất vấn về các yêu cầu tăng quỹ cho an ninh.
Trong khi đó, thiệt hại kinh tế đối với riêng thành phố New York, trong năm đầu tiên sau vụ khủng bố 11/9, từ năm 2001-2002 ước tính lên tới 83-95 tỷ USD. Còn thiệt hại đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ do vụ khủng bố 11/9 gây ra lên tới 2,5 nghìn tỷ USD.

Theo AP, AFP
-----------------
Bài 5 - Những mục tiêu tiếp theo của Mỹ sau bin Laden
Phan Lê
Mỹ đã giành một thắng lợi to lớn khi tiêu diệt được Osama bin Laden, nhưng cuộc chiến chống khủng bố sẽ còn tiếp tục với những mục tiêu tiếp theo.
Phó tướng Zawahiri
Nhân vật đứng đầu trong danh sách truy lùng của các lực lượng an ninh Mỹ sau khi Osama bin Laden bị gạch tên là Ayman al-Zawahiri, nhân vật số hai của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Cựu Bác sĩ phẫu thuật người Ai Cập thậm chí còn được coi là người điều hành thực sự mọi hoạt động của Al-Qaeda và giờ đây thế chỗ của bin Laden trong vai trò kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới.

Giống như bin Laden, Zawahiri lẩn trốn rất kỹ kể từ khi nước Mỹ tuyên bố cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố sau cuộc tấn công ngày 11/9/2001. Tuy nhiên, khác với chiến hữu vừa bị tiêu diệt tại Pakistan, người đàn ông 59 tuổi này không hoàn toàn chìm trong bóng tối mà vẫn tham gia những hoạt động mờ ám.

Không chỉ nhiều hơn bin Laden 4 tuổi, Zawahiri còn được đánh giá vượt trội hơn ở khả năng tổ chức, độ xảo quyệt và trí thông minh hiếm có. Lần cuối cùng người ta nhìn thấy y là vào tháng 10/2001 tại vùng Đông Bắc Afghanistan, gần biên giới với Pakistan. Kể từ đó, Zawahiri thường xuyên phát đi những video từ những nơi y lẩn trốn, nhằm kêu gọi cuộc chiến chống lại phương Tây. Trong danh sách những tên khủng bố bị truy nã hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), người này còn được coi là Bác sĩ riêng của bin Laden.
Nếu bin Laden được coi là nguồn cảm hứng và thủ lĩnh tinh thần của Al-Qadea, thì Phó tướng của y lại được thừa nhận là bộ não thực sự của mạng lưới khủng bố toàn cầu này. Chính Zawahiri đã trực tiếp tham gia vào việc tổ chức hàng loạt vụ tấn công khủng bố, trong đó đáng kể nhất là vụ 11/9 khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Hẳn nhiên, dù không "nổi tiếng" bằng bin Laden nhưng Zawahiri được đánh giá là nguy hiểm hơn nhiều. Chính vì vậy, không có gì là lạ khi Mỹ treo giải 25 triệu USD cho người nào tiêu diệt được kẻ giữ vai trò cố vấn chiến lược chính của bin Laden.
Khi Osama bin Laden hoàn toàn thu mình để lẩn trốn sự truy lùng từ sau năm 2004, hình ảnh của Zawahiri xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng nhiều hơn, với đặc trưng dễ nhận ra nhất là cái bướu nhỏ trên trán. Y khích lệ các phần tử Hồi giáo cực đoan bằng hàng loạt đoạn video đe dọa các nước phương Tây, với cánh tay phải luôn thể hiện những động tác giận dữ cùng cái nhìn lạnh lùng phía sau cặp kính cận.
Zawahiri gặp bin Laden khi hàng nghìn chiến binh Hồi giáo khắp thế giới đổ về Afghanistan, trong cuộc thánh chiến những năm 80 thế kỷ trước chống lại quân đội Liên Xô. Giống như bin Laden, Zawahiri cũng có xuất thân đáng nể. Y được sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ai Cập, có cha là một nhà vật lý danh tiếng còn ông nội là một Giáo sĩ hàng đầu ở Học viện Al-Azhar tại Cairo.
Zawahiri tham gia vào cộng đồng Hồi giáo cực đoan tại Ai Cập từ khi còn nhỏ và từng bị bắt lúc 15 tuổi, vì là thành viên của tổ chức ngoài vòng pháp luật "Huynh đệ Hồi giáo". Y sau này thậm chí đã xuất bản vài cuốn sách nghiên cứu về Hồi giáo chính thống được bán cho nhiều người để biểu tượng hóa phong trào Hồi giáo cực đoan.
Sau khi kết hôn năm 1979 và hành nghề Bác sĩ phẫu thuật tại Cairo, Zawahiri bị tống giam 3 năm vì các hoạt động quân sự và sau đó được cho là có dính líu tới vụ ám sát cựu Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat năm 1981, cũng như vụ thảm sát nhiều du khách nước ngoài tại thành phố Luxor 16 năm sau đó.
Đối mặt với án tử hình, y rời Ai Cập vào giữa những năm 80 thế kỷ trước để tới Ảrập Xêút, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển qua thành phố Tây Bắc Pakistan là Peshawar. Zawahiri làm việc trong vai trò của một Bác sĩ điều trị cho các chiến binh bị thương và có liên hệ với các phiến quân Hồi giáo Ảrập, những kẻ sau này tham gia vào cuộc thánh chiến chống Liên Xô, trong đó có bin Laden.

Đầu những năm 90, Zawahiri được cho là sống ở châu Âu trước khi nối lại liên lạc với bin Laden, khi đó đang ở Sudan hoặc Afghanistan. Năm 1996, y bị bắt tại Nga sau khi tham gia tuyển chọn các chiến binh tại Chechnya. Hai năm sau đó, người này là một trong 5 kẻ đã ký vào chỉ dụ tôn giáo (fatwa) của bin Laden, với nội dung kêu gọi những cuộc tấn công nhằm vào công dân Mỹ. Cũng kể từ đó, Zawahiri thường xuyên xuất hiện bên cạnh bin Laden.
Zawahiri nằm trong danh sách truy tố của Chính phủ Mỹ sau vụ đánh bom năm 1998 nhằm vào các Đại sứ quán của Mỹ ở Kenya và Tanzania. Sau đó một năm, y bị kết án tử hình vắng mặt sau một phiên tòa tại Ai Cập.
Phó tướng của bin Laden chìm vào bóng tối sau khi các lực lượng của Mỹ và Chính phủ Afghanistan tổ chức các đợt truy quét phiến quân Taliban hồi cuối năm 2001. Taliban đã che giấu bộ đôi bin Laden cùng Zawahiri và từ chối giao nộp chúng sau vụ 11/9. Sau đó, thủ lĩnh của Al-Qaeda và Phó tướng của y tung ra một loạt các đoạn video xuất hiện cùng nhau.
Quân đội Mỹ và Pakistan thường xuyên truy lùng Zawahiri và cả bin Laden tại những nơi ẩn náu được cho là ở khu vực núi non cằn cỗi giữa Pakistan và Afghanistan. Tháng 1/2006, Zawahiri đã kịp trốn thoát khỏi cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình của Mỹ tại một khu vực hẻo lánh của Pakistan. Khoảng 18 người thiệt mạng trong vụ này, gồm 4 thành viên Al-Qaeada và 7 thường dân, nhưng Zawahiri bình yên vô sự.
Tháng 12/2001, có thông tin cho rằng vợ, con trai và hai con gái của Zawahiri thiệt mạng trong một cuộc không kích của Mỹ tại thành phố Kandahar, Afghanistan. Cuộc tấn công này nằm trong kế hoạch truy quét của Mỹ nhằm tiêu diệt các lực lượng Taliban. Nhà báo người Pakistan Hamid Mir, người đã gặp Zawahiri vào các năm 1998 và 2001, nói rằng tên trùm khủng bố sau đó cưới vợ mới và có một cô con gái vào cuối năm 2005.
Những nhân vật khác
Saif Al-Adel, khoảng 50 tuổi, là bí danh của một nhân vật cấp cao người Ai Cập đồng thời là thành viên của Hội đồng quân sự trong mạng lưới Al-Qaeda. Adel đã thành lập những cơ sở huấn luyện của Al-Qaeda tại Ras Kamboni ở Somalia và huấn luyện nhiều phiến quân Somalia, những người sau đó tham gia vào cuộc chiến Mogadishu chống lại quân đội Mỹ. Hai máy bay trực thăng Black Hawk (Ó đen) của Mỹ bị bắn hạ bởi các súng phóng lựu tự hành sau này đã truyền cảm hứng để đạo diễn Ridley Scott tạo nên bộ phim Black Hawk Down. Adel có tên trong danh sách truy nã của FBI từ năm 2001 với khoản tiền thưởng lên tới 5 triệu USD cho ai cung cấp thông tin của y. Người ta cho rằng Adel đang ở Iran.
Nhân vật đáng kể tiếp theo là Sulaiman Abu Gaith, 45 tuổi và mang quốc tịch Kuwait, là một trong những lãnh đạo cấp cao của Al-Qaeda đồng thời là người phát ngôn của tổ chức khủng bố này. Abu Gaith nổi lên từ cuộc chiến vùng Vịnh năm 1991, khi y tuyên chiến với Saddam Hussein. Sau đó, người này chuyển hướng quan tâm sang Chính phủ Kuwait và Hoàng gia nước này, với đòi hỏi ban hành luật Sharia. Y ngay lập tức bị cấm thuyết giảng và trục xuất khỏi nhà thờ Hồi giáo. Vào năm 2000, Abu Gaith rời Kuwait để tới Afghanistan, nơi y gặp bin Laden và gia nhập Al-Qaeda. Sau vụ tấn công 11/9, tên này lớn tiếng tuyên bố rằng "những vụ tấn công bằng máy bay sẽ còn tiếp tục". Nơi ở hiện tại của Abu Gaith là một dấu hỏi lớn. Người ta đồn rằng y đã bị bắt giam ở Iran, nhưng các quan chức Kuwait lại cho rằng tên này đã được thả và trở lại Afghanistan.
Kẻ đứng thứ tư trong danh sách mục tiêu tiếp theo của Mỹ có thể là Abu Hafiza, một nhà tâm lý học quân sự người Marốc, đồng thời là một chuyên gia chiến lược của Al-Qaeda. Theo một trang web về tình báo của Israel, Hafiza là người lên kế hoạch các cuộc tấn công tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha hồi tháng 3/2004. Y còn tuyên bố rằng Iraq là chiến trường chính của Al-Qaeda.
Cuối cùng, nhân vật được Mỹ lưu tâm theo dõi là Fazul Abdullah Mohammed, 36 tuổi và được cho là thủ lĩnh của Al-Qaeda tại Đông Phi. Y bị Mỹ truy nã vì có liên quan tới vụ đánh bom đại sứ quán Mỹ tại Somalia năm 1998. Sau đó, có thông tin cho rằng tên này đã bị Mỹ tiêu diệt trong một đợt không kích. Tuy nhiên, các trang web tại Somalia đưa tin rằng y vẫn an toàn và thậm chí còn leo cao hơn trong nấc thang quyền lực của Al-Qaeda.
Phan Lê (Nguồn: Vnexpress.net)
----------------
Bài 6 - Tiết lộ kế hoạch thoát thân của Bin Laden
Cập nhật lúc 06/05/2011 06:10:00 AM (GMT+7)
Một loạt chi tiết mới về vụ tiêu diệt Bin Laden xuất hiện trong 24h qua cho thấy, trùm khủng bố đã có kế hoạch thoát thân nếu bị tấn công.

Có vẻ như thủ lĩnh mạng lưới Al Qaeda đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc rời khỏi nơi trú ẩn ngay khi nhận được thông báo. Theo đó, một tờ 500 euro và hai số điện thoại được khâu sẵn vào áo của nhân vật này.

Thư ký báo chí Nhà Trắng đã xác nhận thêm một số chi tiết về cái chết của Bin Laden tối 4/5. Đó là các thông tin Bin Laden đã sẵn sàng tiếp tục chạy trốn nếu vỏ bọc bị lật tẩy.

Dù 500 euro, khoảng 740 USD, không phải là một số tiền lớn nhưng nó đủ để trang trải cho một cuộc khởi hành gấp tới biên giới Afghanistan hoặc một nơi ẩn náu khác tại Pakistan. Euro là loại tiền được thế giới tội phạm quốc tế và bọn buôn lậu lựa chọn.

Giám đốc CIA Leon Panetta cho biết, Bin Laden không được bảo vệ chặt chẽ hơn bình thường vì tên này tin rằng mạng lưới Al Qaead đủ mạnh để thông báo trước cho hắn khi có bất kỳ một cuộc đột kích nào diễn ra.

Trước đó, WikiLeak từng tiết lộ tài liệu mật của Mỹ về vụ chạy trốn của Bin Laden sau cuộc tấn công nước Mỹ ngày 11/9/2001. Theo đó, Osama bin Laden và các phó tướng đã di chuyển điên cuồng trong 3 tháng liền không nghỉ ở Afghanistan sau vụ 11/9.

Tài liệu mật bị rò rỉ trên là một phần trong bản đánh giá tình báo về tù nhân Guantanamo. Nó cho biết, bốn ngày sau vụ 11/9, Bin Laden nói với các chiến binh Ả rập rằng hãy lấy vũ khí ở Afghanistan và chống lại những kẻ xâm lược vô đạo.

Trong một dấu hiệu cho thấy Bin Laden có chút tuyệt vọng sau khi trốn thoát trong đường tơ kẽ tóc khỏi khu vực hang động Tora Bora ở đông Afghanistan và giữa tháng 12/2001, trùm khủng bố thiếu tiền đến mức đã vay 7.000 USD của một người bảo vệ và sau một năm mới trả lại tiền.

Ngoài ra, trước khi thoát khỏi Tora Bora, Bin Laden và phó tướng người Ai Cập là Ayman al-Zawahiri đã tiếp một loạt khách viếng thăm và ra lệnh cho những kẻ đi theo tiếp tục tấn công các mục tiêu phương Tây từ trụ sở tạm thời tại một nhà nghỉ bí mật tại Kabul hoặc xung quanh thành phố này.

Ngày 7/10/2001, trong những ngày đầu tiên của chiến dịch đánh bom Afghanistan của Mỹ, Bin Laden đã gặp quan chức hàng đầu của Taliban là Mullah Mansour tại Kandahar. Trong tháng đó, Zawahiri tháp tùng Bin Laden đi gặp Jalaluddin Haqqani, lãnh đạo phong trào nổi dậy của Taliban chuyên tìm quân Mỹ và đồng minh của nước này để tấn công ở Afghanistan. Bin Laden sau đó chạy tới Tora Bora vào tháng 11.

* Hoài Linh (Theo Mail, AP)

------------------

Bài 7 - Nơi ẩn náu của Bin Laden và bốn sự thật ngỡ ngàng
Nơi ẩn náu của trùm khủng bố số một thế giới Osama bin Laden ẩn chứa không ít những chi tiết thú vị đến ngỡ ngàng!
1 - Cuộc sống không thiếu thứ gì
Ai cũng tưởng rằng, Osama bin Laden đang sống một cuộc đời ẩn dật, nay đây mai đó, thiếu thốn đủ bề. Thế nhưng, thật đáng ngạc nhiên, nhân vật khét tiếng này có thể sống ung dung trong căn biệt thự kín cổng cao tường ở một thị trấn rất gần thủ đô Islamabad của Pakistan.
Nơi Bin Laden trú ẩn là khu vực khá sầm uất, với một sân golf, các căn cứ quân sự, trại lính, đồn bốt, bệnh viện và một nhà hàng nổi tiếng.
2 - Sân sau nhà Bin Laden “nuốt” bóng

Vì cuộc sống khép kín, đầy bí ẩn của gia đình Osama bin Laden, cũng như các tùy tùng, hàng xóm cũng hết sức e ngại, không dám tiếp xúc với người sống trong căn biệt thự.
Nhiều người còn tưởng rằng, đó là một ổ buôn lậu ma túy. Khi đám trẻ vô tình đá bóng vọt qua bức tường cao 5m, bay vào sân sau nhà Bin Laden, chúng bị cha mẹ cấm không được gọi cửa để nhặt bóng. Thay vào đó, chúng được bố mẹ “đền” khoảng 2 - 3 USD để khỏi... khóc nhè.
3 - Luôn dùng hàng cao cấp
Bin Laden có hai người phụ tá tin cậy. Hai người đàn ông này được cho là anh em, và có thể nói được cả tiếng Afghanistan lẫn Pakistan. Họ có nhiệm vụ đưa tin, gửi thư, mua đồ ăn hàng ngày và những công việc cần phải ra ngoài.
Anjum Qaisar, chủ một cửa hàng tạp hóa ở thị trấn Abbottabad, cho biết, hai phụ tá của Bin Laden ngày nào cũng mua cả đống thực phẩm “đủ cho cả 100 người ăn”, và luôn thanh toán bằng tiền mặt. Họ mua những sản phẩm tốt nhất, đắt tiền nhất và có thương hiệu nổi tiếng.
4 - Hương cần sa thoang thoảng
Cần sa được trồng trong những chiếc chậu, đặt ở vị trí cách nhà của Bin Laden chỉ vài bước chân. Không loại trừ giả thuyết, Bin Laden từng hút cần sa để “xử lý” các vấn đề liên quan tới thận.
Thu Thảo (Nguồn báo Tienphongonline)

-----------------
Bài 8 - Tiền thưởng 25 triệu USD vụ Bin Laden chưa có chủ
Thứ tư - 05/04/2011 22:12 
Bức ảnh Osama bin Laden trên danh sách truy nã của FBI có dùng chú thích mới: đã chết. Nhưng hiện chưa rõ liệu có khoản nào trong giải thưởng lên tới 25 triệu USD sẽ được trao cho người cung cấp thông tin.
Người đứng sau vụ khủng bố tồi tệ nhất trong lịch sử nước Mỹ đã bị tiêu diệt tại Pakistan, trong một sự kiện mà Tổng thống Barack Obama miêu tả là "thành tựu quan trọng nhất trong nỗ lực tiêu diệt Al-Qaeda từ trước tới nay". Sự kiện đã kết thúc chiến dịch lùng sục trong suốt 10 năm kể từ cuộc tấn công 11/9/2001 của FBI, CIA và các cơ quan tình báo khác của Mỹ.
Trong khi đó, việc treo thưởng là một phần quan trọng trong chiến dịch chống khủng bố của chính phủ Mỹ. Chương trình Giải thưởng vì công lý do Bộ Ngoại giao Mỹ điều hành đã chi trả hơn 100 triệu USD cho hơn 60 người, kể từ khi chương trình này ra đời năm 1984.
Chương trình trên tặng thưởng cho những ai cung cấp "thông tin hữu ích giúp đưa các phần tử khủng bố ra vành móng ngựa hoặc ngăn chặn các hành động khủng bố trên toàn cầu", theo thông báo trên website của cơ quan này.
Chính phủ Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến bắt giữ hoặc tiêu diệt Osama bin Laden. Ngoài ra, Hiệp hội phi công hàng không và Hiệp hội giao thông hàng không Mỹ (ATA) cũng treo giải thưởng chung trị giá 2 triệu USD cho những ai cung cấp thông tin về trùm Al-Qaeda.
Tuy nhiên, sau vụ bắn hạ Bin Laden tại Pakistan vừa qua, có khả năng sẽ không có phần thưởng nào được trao. Theo các quan chức chính quyền Obama, những tù nhân giấu tên đã cung cấp thông tin quan trọng giúp các nhà điều tra xác định được nơi trú ẩn của trùm Al-Qaeda.
Trong khi đó theo CNN, Steve Lott, phát ngôn viên của ATA, cho biết tổ chức này cũng chưa nhận được yêu cầu chính thức nào về số tiền thưởng của họ, nhưng ông cho biết ATA sẽ tặng 1 triệu USD cho chương trình chống khủng bố dài hạn của chính phủ.
Trước đây, giải thưởng lớn nhất từng được trao theo chương trình chống khủng bố của Mỹ là 30 triệu USD, cho một người đã cung cấp thông tin về Uday và Qusay Hussein - hai con trai của cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Năm 2003, sau một cuộc giao tranh quyết liệt với lực lượng Mỹ, hai anh em này đã bị giết.
Chính phủ Mỹ hiện treo giải thưởng lên tới 25 triệu USD để đổi lấy thông tin về Ayman Al-Zawahiri - thủ lĩnh thứ hai của Al-Qaeda. Vì lý do an toàn, Bộ Ngoại giao Mỹ không cung cấp thông tin về những người được thưởng. Nhưng các quan chức có thể công bố số tiền được trao trong những vụ án lớn.
Nguồn: US Today


























Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...