Đã hơn 3 thập kỷ hòa bình Việt Nam ngày nay vẫn còn là một trong một số quốc gia nghèo. Thu nhập khoảng trên dưới 1.000 USD cho mỗi đầu người một năm bởi chia đều tổng sản lượng toàn dân 87 triệu người là chỉ như vậy. Nhưng thực chất tài sản lại nằm hết trong tay một thiểu số người, là kẻ có quyền có tiền, là những giới đầu cơ và kinh doanh địa ốc, ngân hàng tài chính... Tức là sự phân phối trong xã hội có sự bất công, tình trạng phân hóa giàu nghèo ngày càng tăng...
Có thể nói nhìn chung đại đa số dân nghèo thành thị và nông dân vùng sâu vùng xa - còn chiếm khá đông đảo trong dân số - vẫn hằng ngày phải chịu đựng, phải sống trong cảnh thiếu thốn và nghèo khó. Công cuộc giảm đói nghèo cũng đã thu được một số thành tựu, nhưng tình trạng nghèo khổ chưa mấy cải thiện đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Hiện nay ta có thể thấy những hình ảnh giàu có bề mặt tại các đô thị phố phường, nhưng kiếp sống dân nghèo của Việt Nam lúc này vẫn đang hiện hữu. Đó là những túp lều lè tè ven sông rạch, trong những mái nhà tranh dột nát, lụp xụp vùng nông thôn xa xôi. Người già, trẻ em phải lang thang bán vé số hay ăn xin, ăn mày nơi phố chợ là những cảnh thường gặp ở nhiều thành phố Việt Nam. Dân mình còn nghèo, còn khổ lắm!
Buồn thật, lo lắng thật. Thực trạng xã hội này có trách nhiệm của nhiều ngành nhiều cấp. Nhưng báo chí, chúng ta phải làm gì? Chắc chắn người làm báo chúng ta không thể cưu mang đỡ đần gì cho người nghèo về tiền của vật chất, bởi đó không phải là "thế mạnh" của báo chí. Có chăng là làm cho đúng sứ mạng giao cho cây bút là đừng làm ngơ, là phải phản ánh bằng cách này cách khác trên những trang viết, trên mặt báo, trên các chương trình nghe-nhìn... để mọi công dân, để cả xã hội phải biết đến, biết một cách thực chất nhất các vấn đề của cuộc sống quanh ta. Rất cần một cái nhìn trách nhiệm và thiện cảm, một cách "báo động" đúng mức đúng cách tới người lãnh đạo, tới các cơ quan chức năng và hữu trách để họ phải đưa tới các tiếp cận, vạch chính sách công và các hành động thiết thực nhằm giúp dân nghèo vượt qua khó khăn trong đời sống.
Nhân ngày báo chí Việt Nam, chủ blog tôi có dịp đi đây đó trước đây và nhất là từ ngày về nghỉ hưu cũng vẫn cố gắng dịp đi được là đi, ghi lại và sưu tầm được một số hình ảnh... Tập hợp bước đầu dưới đây, chúng có thể nêu lên một bức tranh chung về cảnh đời nghèo khổ. Quan trọng nó là chuyện có thực trong xã hội chúng ta - mà ai cũng có dịp thấy quanh mình.
Để mọi người có dịp gặp lại, và chiêm nghiệm theo góc độ sống của mình...
Thấy là một chuyện, cũng đã cần. Nhưng điều cần hơn là tìm ra con đường, ra cách thoát được những cảnh đời khổ sở kia cho dân chúng cần lao.
Người làm báo biết vậy mà đôi khi thấm buồn vì... bất lực, lực bất tòng tâm. Nhưng dẫu sao nhà báo chúng ta là phản ảnh chân thực cuộc sống, và theo tôi đấy là trách nhiệm cao nhất cho nghề nghiệp của chúng ta. Còn trách nhiệm tháo gỡ nó, chính là người nghèo phải tự lo cho mình, nhưng các giới hữu trách, những người lãnh đạo chính quyền và các cơ chế của xã hội không thể thoái thác.
Vệ Nhi
1 nhận xét:
Hoan nghênh anh Vĩnh có bài hay đúng ngày báo chí cách mạng. xin chúc mừng anh nhân ngày này nhé, nhớ luôn luôn cách mạng đấy, không cách mạng thì chỉ là báo chí không thôi, đừng lớ xớ vào cái ngày này !!! Đùa một tí cho vui, nghĩ tới người nghèo và làm việc vì người nghèo thì bao giờ cũng là cách mạng. chúc anh khỏe thân và khỏe nghiệp để có nhiều bài vì người nghèo nhé.
Đăng nhận xét