Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Phải cất tiếng nhiều hơn nữa về chủ quyền biển đảo

Phải cất tiếng nhiều hơn nữa về chủ quyền biển đảo

Giá như mọi cơ quan thông tin tuyên truyền, truyền thông báo chí nước nhà đều nói và làm như ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông trao đổi với báo chí về việc tuyên truyền cho chủ quyền biển đảo thì dân mình biết thêm và phấn chấn để bước vào cuộc đấu tranh quyết liệt với bọn bá quyền và ngạo mạn lúc nào cũng có dã tâm nuốt trọn Biển Đông của chúng ta. Nhà nước hơn lúc nào hết cần tạo điều kiện để truyền thông báo chí làm tốt việc này.

Vệ Nhi

----------

Thông tin tuyên truyền về Trường Sa, Hoàng Sa

Bên chứng cứ mạnh đang nói ít, bên yếu đang nói rất nhiều

> Chủ động tuyên truyền bảo vệ biển đảo

TP - Bằng chứng pháp lý và lịch sử của Việt Nam về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa rất vững, nhưng công tác tuyên truyền của ta chưa thực sự có hệ thống và phát huy hết hiệu quả. Trong khi đó, bằng chứng của Trung Quốc cực yếu, nhưng họ đang có chiến thuật cứ nói ào ào, nói có hệ thống trong và ngoài nước để gây tác động vào nhận thức.

Bản đồ Trung Quốc thường có một góc in riêng bản đồ “đường lưỡi bò”
Bản đồ Trung Quốc thường có một góc in riêng bản đồ “đường lưỡi bò”.

Ông Lê Văn Nghiêm, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và truyền thông (ảnh) trao đổi với phóng viên báoTiền Phong về sự mất cân bằng lớn giữa thông tin tuyên truyền của Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa.


Xin ông cho biết hiện trạng thông tin của hai bên về vấn đề này?

Yêu sách và luận điểm của Trung Quốc (TQ) về vấn đề Biển Đông thiếu căn cứ pháp lý và lịch sử, nhưng họ cứ nói và tuyên truyền liên tục và kết quả là có nhiều người nghe và thậm chí có nhiều người tin. Trong hai năm trở lại đây, trên báo chính thống của TQ như tờ Hoàn cầu (ấn phẩm tiếng Anh là Global Times của Nhân Dân Nhật báo), các ấn phẩm của Tân Hoa xã, và đặc biệt là các tờ báo mạng của Trung Quốc phản ánh thường xuyên lập trường và yêu sách của họ về Biển Đông mà thể hiện tập trung ở bản đồ “đường lưỡi bò”, theo đó TQ chiếm tới 80% Biển Đông.

TQ cũng có nhiều “nghiên cứu” về vấn đề này, với hàng trăm luận án tiến sỹ và thạc sĩ về Biển Đông, hầu hết thực hiện ở nước ngoài, bằng các thứ tiếng nước ngoài, rồi được xuất bản, phổ biến, kể cả trên mạng internet. Tại các cuộc hội thảo gần đây, các học giả TQ đều tìm cách bảo vệ lập trường và yêu sách của họ. Và cách đây hai năm, họ đã công khai đưa ra Liên Hợp Quốc bản đồ “đường lưỡi bò”.
Trong vấn đề Biển Đông, lập trường của Việt Nam là rõ ràng kiên định và nhất quán, thường xuyên được khẳng định lại, đó là Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Nhưng trên thực tế, mặc dù đã có quan điểm và đường lối chỉ đạo rõ ràng nhưng trong khâu thực hiện, chúng ta chưa tổ chức tốt việc đưa ra các bằng chứng và lập luận một cách đầy đủ, có hệ thống và liên tục để người dân trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài biết. Chúng ta cũng chưa giới thiệu nhiều bằng các thứ tiếng nước ngoài để cộng đồng quốc tế được biết. Đó là hạn chế trong công tác thông tin đối ngoại của chúng ta.

Vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để khắc phục điểm yếu đó?

Bằng chứng lịch sử của TQ rất yếu, nhưng họ nói rất nhiều, thậm chí họ không ngại nói những điều không có căn cứ. Chẳng hạn, lúc đầu họ nói Trung Quốc đã quản lý Hoàng Sa - Trường Sa hàng trăm năm, có lúc họ lại nói Trung Quốc quản lý Hoàng Sa - Trường Sa từ thế kỷ 15-16, rồi gần đây họ lại nói TQ đã quản lý Hoàng Sa - Trường Sa từ cách đây 2.000 năm!

Họ cứ nói như thế mà không có căn cứ gì cả. Trong khi đó, Việt Nam có bằng chứng lịch sử và đã đưa ra nhiều bằng chứng thuyết phục, nhưng chúng ta chưa thông tin một cách thường xuyên, đầy đủ, rộng rãi và có hệ thống để người Việt Nam ở trong và ngoài nước và cộng đồng quốc tế biết.

Chúng ta cần tập hợp đầy đủ các tư liệu một cách hệ thống và phổ biến bằng nhiều hình thức, nhất là qua các phương tiện thông tin đại chúng, bằng tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài, phổ biến trên mạng internet.

Chúng ta cũng cần tổ chức nghiên cứu để bác bỏ những yêu sách phi lý của Trung Quốc. Chúng ta đã có nhiều nhà nghiên cứu và đã có các công trình nghiêu cứu về Biển Đông nhưng cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu về vấn đề này.

Để làm tốt công tác thông tin đối ngoại về vấn đề Biển Đông, theo ông cần phải nhanh chóng xúc tiến những công việc gì?

Việc này cần có sự tham gia của các bộ ngành, địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng. Về mặt cung cấp thông tin, Ủy ban biên giới quốc gia đã có trang thông tin điện tử
http://www.biengioilanhtho.gov.vn, phổ biến và cung cấp thông tin chính xác cho công chúng và báo chí trong và ngoài nước. Nhưng hiện nay, mới có nội dung thông tin bằng tiếng Việt và lượng thông tin vẫn còn ít, chưa cập nhật thường xuyên, liên tục; còn thiếu nhiều thông tin, tư liệu cần thiết cũng như các công trình nghiên cứu liên quan Biển Đông. Được biết, sắp tới trang thông tin này sẽ có thêm bản tiếng Anh để phổ biến rộng rãi tới cộng đồng quốc tế.

Chúng ta cũng cần đưa các nội dung về chủ quyền biên giới và lãnh thổ, biển đảo vào trong sách giáo khoa các cấp ở phổ thông và đại học. Cần in và phổ biến rộng rãi các bản đồ mới về đường biên giới trên bộ và các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về Biển Đông, chú trọng vào các đề tài khẳng định vững chắc chủ quyền của chúng ta.

Một việc quan trọng là cần phổ biến Công ước quốc tế về luật biển rộng rãi tới mọi người dân. Bởi thực tế, những nội dung rất cơ bản, rất sơ đẳng như khái niệm lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế vẫn bị hiểu nhầm. Không chỉ người dân, các nhà báo mà cả nhiều cán bộ cũng chưa hiểu rõ và đầy đủ.
Điều vô cùng khó khăn là làm cho người dân Trung Quốc hiểu đúng vấn đề. Có thể nói số đông người TQ hiện nay chỉ được biết đến vấn đề tranh chấp Biển Đông thông qua hệ thống thông tin tuyên truyền của Trung Quốc, phản ánh lập trường, quan điểm và yêu sách phi lý của Trung Quốc. Chúng ta đã biết, họ công nhiên nói rằng các sự kiện vừa qua (tàu hải giám TQ cắt cáp của tàu Bình Minh 02 của Việt Nam, tàu cá Trung Quốc cắt cáp của tàu Viking 2 trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam) là do phía Việt Nam gây ra, trong vùng biển của TQ! Người ta cứ nghe báo chí TQ hằng ngày nói về điều này, và không ít người tin vào điều họ nói.

Trước tình hình như vậy, nhiệm vụ công tác thông tin đối ngoại của chúng ta vô cùng khó khăn, nặng nề. Nhưng nếu quyết tâm, có các biện pháp mạnh mẽ thích hợp, có sự phối hợp tốt, phát huy sức mạnh của cả dân tộc, biết tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế, công tác thông tin đối ngoại của chúng ta sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Xin cảm ơn ông.

Lan Anh thực hiện

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...