Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

"Lều văn" của nhà ngoại giao

"Lều văn" của nhà ngoại giao

Nguyễn Chiến Thắng sau một chặng đường dài tận tụy với nghề ngoại giao, về hưu anh vẫn mê say với đời sống mạng. Anh mở blog như một cuộc chơi chữ nghĩa và tâm sự chuyện nghề đối ngoại của mình. Trên blog, Nguyễn Chiến Thắng có điều kiện đăng tải những tác phẩm anh mới viết, có khi là truyện ngắn, truyện vừa hoặc tiểu thuyết. Anh post lên nhiều trang viết cũ, có khi để nguyên có khi sửa sang, nhuận sắc lại cho phù hợp với những suy nghĩ mới của mình... Thảng hoặc Nguyễn Chiến Thắng còn đăng lên những nghĩ ngợi hoặc suy tư về nghề nghiệp, về những trăn trở của một công dân còn nặng lòng với các vấn đề xã hội đang đặt ra. Anh đặt tên cho blog mới của mình là "Lều văn Thăng Sắc".

Thực ra blog của anh mở ra đã từ vài năm rồi, nhưng mấy tháng nay anh đã dựng lại ngôi nhà của mình cho nghiêm ngắn hơn. Anh chuyển địa chỉ từ bên Yahoo360Plus sang bên blog của Google vì thấy địa chỉ mới quản trị thuận lợi hơn. Blog mới của anh bắt đầu có nhiều bạn bè đến thăm nom, động viên hơn blog cũ.

Nói về sự mê say với đời sống mạng, tôi vẫn nhớ câu của Nguyễn Chiến Thắng nhắc lại từ một người bạn thân của anh - hiện còn nhiệm kỳ đại sứ ở nước ngoài - rằng "tôi blog tức là tôi tồn tại". Nó y hệt ý tứ câu nói của nhà văn Pháp mà lâu nay đã trở thành một ngạn ngữ nổi tiếng về tư duy con người (penser): "Je pense donc je suis" – tôi tư duy tức là tôi tồn tại.

Mới đây loạt bài về cuộc trao đổi với nhà ngoại giao kỳ cựu Vũ Khoan khá hút độc giả trong và ngoài ngành. Bài đã được VietnamNet đưa lên.

Nếu nói về sự nghiệp viết lách, ngay tại vị Nguyễn Chiến Thắng - với bút danh Thăng Sắc - anh đã có mấy chục truyện ngắn và vài ba tiểu thuyết công bố bên một số nhà xuất bản, trong đó có xuất bản của Hội nhà văn Việt Nam. Anh đã được trao giải thưởng danh giá, giải thưởng văn học Mekong về tác phẩm "Chú Tư, con là ai".

Cả chục năm về trước truyện dài "Hoa tầm xuân" của anh được Truyền hình Việt Nam dựng phim dài 4 tập và phát sóng nhiều lần, có tiếng vang xa như một nhà ngoại giao thành đạt lại có tác phẩm văn học nghệ thuật hiến dâng cho đời. Theo đuổi ngoại giao chuyên nghiệp mà lại viết lách được, gia nhập nghề văn chương cũng chỉ ít người thôi, phải đam mê lắm mới thành tựu được.

Cứ lặng lẽ vừa làm công việc ngoại giao hằng ngày vừa viết văn khi xếp được thời gian, Nguyễn Chiến Thắng có lúc cũng muốn trở thành một hội viên của Hội nhà văn. Nhưng rồi điều ấy cũng chỉ thoảng qua như mọi chuyện khác trên đời khi anh chưa có được danh hiệu ấy. Tôi có thể nói rõ được như thế vì cũng là một trong mấy người chứng kiến chuyện Thăng Sắc thực hiện đầy đủ thủ tục nhập hội. Hai nhà văn văn danh tiếng Nguyễn Khắc Phục và Phạm Quang Đẩu rất ưng ý khi giới thiệu anh vào hội... Việc qua lâu rồi, mà theo tôi biết Nguyễn Chiến Thắng chưa một lần nhắc với bạn bè hoặc hai người bạn viết văn tử tế kia về chuyện xin vào hội nữa. Thôi thì công việc viết lách của anh như thế, nó như tấm bánh bày ra cả rồi, nay tùy hội mà thôi.

Mới đây Nguyễn Chiến Thắng đùa khoe với tôi, anh mới nộp đơn gia nhập câu lạc bộ cán bộ hưu trí bộ ngoại giao. Cán bộ nhân viên trong ngành tôi hưu trí, tự nguyện ngỏ ý tham gia đều được các anh chị ban chủ nhiệm đón chào nhiệt tình. Với cương vị một cán bộ ngoại giao thâm niên lâu năm như anh Nguyễn Chiến Thắng, từng là chánh văn phòng bộ, trợ lý bộ trưởng và cả 3 khóa làm đại sứ đặc mệnh toàn quyền ở nước ngoài, lặng lẽ cống hiến cho công việc ngoại giao gần bốn thập kỷ lien tục, tôi chắc ban chủ nhiệm rất quý mến chào đón những người như anh Thắng làm hội viên.

Và tôi cũng nghĩ rằng, chính sự quý mến lẫn nhau qua lại như vậy mà đậu lên tình nghĩa. Nên chỉ qua buổi tiếp xúc đầu tiên như thế, Thăng Sắc Nguyễn Chiến Thắng đã rất có tình khi phác họa đôi nét về những con người rất đáng trân trọng trong ban chủ nhiệm câu lạc bộ cán bộ ngoại giao về hưu. Những con người lẽ ra hoàn toàn được nghỉ ngơi thoải mái sau bao năm tháng cống hiến cho công tác mà nay vẫn dành thời gian gánh vác việc chung như chủ nhiệm Trần Tam Giáp, các anh Nguyễn Văn Đắc, Trần Ngọc Quyên, Nguyễn Văn Phán, Đinh Văn Cược, Lê Thế Khải... đúng là các anh đều là những con người thật vô cùng quý hóa, đáng trân trọng. Cơm vẫn là "cơm nhà", còn "tù và vác" là những lo lắng để sao cho hội viên vui vẻ, năng được gặp mặt nhau, ốm đâu thăm hỏi, việc vui việc buồn... câu lạc bộ có bao nhiêu việc tốt lành có thể làm được, tất cả vì hội viên thân mến của các anh… Xin tạm dừng, vì đây có thể là nội dung cho một Entry khác sau này của tôi.

Bữa nay blog tôi xin phép post lại bài và ảnh của chính tác giả Nguyễn Chiến Thắng đăng trên trang nhà “Lều văn” của anh.

Nguyễn Vĩnh



------------------



Nghỉ việc nhưng không nghỉ làm




Anh Trần Tam Giáp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao


Gọi bằng anh cho nó trẻ, cho nó vui, chứ kỳ thật thì anh đã có 77 cái mùa xuân rồi, đã dư đủ để gọi bằng cụ rồi, những người mới về hưu, nhận thẻ tham gia Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao còn được gọi bằng « cụ » nữa là !

Nhìn lại thời trẻ, anh thấy thời gian đi nhanh quá, quả thật chỉ như một cái chớp mắt. Mới ngày nào còn là một tùy viên trẻ măng ở Sứ quán ta tại Ai cập, vậy mà nay đã ông lão 77 rồi, đã là ông nội của 4 đứa cháu, hai trai hai gái. Gần như cả cuộc đời ngoại giao của anh gắn bó với sứ sở Kim Tự tháp, tổng cộng thời gian có tới 10 năm chứ ít gì đâu. Từ một anh tùy viên vào năm 1972, anh đã kinh qua ba nhiệm kỳ ở đây, nhiệm kỳ thứ hai từ 1985 đến 1989 anh là tham tán, nhiệm kỳ thứ ba từ 1992 đến 1995 anh là Đại sứ, là người đứng đầu cơ quan đại diện. Kỷ niệm có thật nhiều nhưng có một kỷ niệm mà bây giờ mỗi lần nhắc đến anh vẫn thấy gai người vì cảm động. Đó là vào nhiệm kỳ đầu tiên, khi anh còn công tác ở Sứ quán ta tại Ai cập cũng là lúc trong nước giải phóng hoàn toàn miền Nam. Anh nhớ rất rõ lúc ấy khi đi ra ngoài phố người Ai Cập thường chỉ vào mình và bảo người Việt Nam đấy. Người Việt Nam lúc ấy là thần tượng. Một ông già Ai cập đang đi thì giữ anh lại và hỏi có phải Việt Nam không. Anh nói đúng, ông già ôm chầm lấy anh mà hoan hô và nói : các bạn đã rửa nhục cho chúng tôi, chúng tôi đánh 5 lần với Israel mà không thắng, các bạn đánh thẳng người đỡ đầu cho Israel mà thằng được, vậy nên chúng tôi trân trọng và tôn quý lắm.

Anh bảo : đấy, đã có lúc người Việt Nam tự hào như thế đấy, đã có những thời khắc khắc sâu mãi vào trí nhớ và tâm hồn người Việt như thế đấy.


Anh Giáp với chiếc xe đạp đã cùng anh trên từng cây số trong 4 nhiệm kỳ Chủ nhiệm Câu lạc bộ


Về hưu anh nghỉ việc nhưng không nghỉ làm. Anh đã đảm nhận cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bộ Ngoại giao liên tục trong 4 nhiệm kỳ, tức là trong 12 năm, vị chi là liên tục trong khoảng 4500 ngày. May quá, trong suốt thời gian ấy anh chỉ đôi lúc khật khừ chứ trời cho anh được mạnh khỏe. Hàng ngày anh đạp xe đạp từ nhà đến Câu lạc bộ ở 46 Trân Hưng Đạo, rồi lại từ đây đạp xe lên Bộ ở số 1 Tôn Thất Đàm, nghĩa là, như anh em nói đùa, suốt ngày trên từng cây số. Cần mẫn đúng như một Chủ nhiệm của những người về hưu, với một trái tim chân thành và một tinh thần trách nhiệm rất cao, không mệt mỏi.





Anh Trần Ngọc Quyên, nguyên Tham tán Công sứ tại Đức



Anh Đinh Văn Cược, nguyên cán bộ vụ Tổ chức Cán bộ

Anh hào hứng kể Câu lạc bộ bây giờ có 1604 hội viên, đã có nhiều cụ về nên con số thực còn sinh hoạt là khoảng hơn 1200 cụ. Ban Chủ nhiệm của anh gồm các vị là anh Nguyễn Văn Đắc, anh Trần Ngọc Quyên, Anh Nguyễn Văn Phán, anh Đinh Văn Cược, anh Lê Thế Khải và chị Hoàng Thị Cư đều nguyên là các cán bộ gộc cội của Bộ. .Anh đang cùng ban chủ nhiệm phối hợp chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Câu lạc bộ Hưu trí (8/1991 theo chỉ đạo của Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch). Anh cười đôn hậu nói : Ai rồi cũng về hưu, ai rồi cũng phải qua cái mùa thu vàng của đời người. Câu lạc bộ đã thực sự là mái ấm của các « nhà » hưu trí, là nới mọi người tâm tình và chia sẻ cùng nhau trong cái mùa thu vàng ấy.

------

Nguồn: http://chienthang47.blogspot.com/2011/07/nghi-viec-nhung-khong-nghi-lam.html

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...