Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2011

Giả thưởng và vấn đề giá trị giải thưởng


Giải thưởng và vấn đề giá trị giải thưởng


Về những tai tiếng để lại sau mỗi cuộc chấm thi, trao phát giải thưởng đã làm tốn không ít giấy mực. Điều này càng ồn ào dư luận hơn là trong lần xét đến Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh cho văn học nghệ thuật năm nay xuất hiện hiện tượng người được đề cử xin rút khỏi danh sách, hoặc chỉ nhận giải này chứ không giải kia làm cho không những người trong nghề trong giới mà còn là công chúng rộng rãi phải đặt ra câu hỏi: Vậy việc xét thưởng, trao giải có hoàn toàn công tâm công bằng và giá trị thật sự của các tác phẩm và con người nghệ sĩ được xét trao giải liệu có đáng được tôn vinh. Đã nói tới vậy tất suy ra, liệu có bao nhiêu nghệ nhân và tác phẩm thực ra là rất xứng đáng xét giải của họ đã bị gạt ra hoặc lờ đi chỉ do một lý lẽ vu vơ, ngụy tạo nào đó mà chẳng bao giờ được công bố công khai trước công luận?!


Với một góc nhìn khách quan nhất có thể, lại từ chỗ đứng của một nghệ sĩ có thực tài - nhà văn và đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn - mới đây đã là khách mời của trang Tạp chí điện tử Văn hóa Nghệ An. Thấy bài trả lời phù hợp và đáp ứng với dư luận bức xúc hiện nay xung quanh các giá trị văn hóa nghệ thuật nên được nhìn nhận như thế nào cho đúng, chủ blog tôi xin phép đưa nguyên văn bài viết nói trên về đây để bạn bè tham khảo.


Vệ Nhi g-th



-------


“Doping quyền lực” và “tham số nhân cách” đã tạo ra sự lùm xùm của các cuộc thi
(Hỏi chuyện nhà thơ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn)


Có thể nói, các cuộc thi văn chương nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay là cái ổ vi khuẩn văn hóa lớn gắn liền với thói sỹ diện háo danh và bệnh loạn chuẩn trong căn cốt người Việt. Những vụ việc lùm xùm diễn ra ngày càng nhiều trong các cuộc thi gần đây có nguyên nhân sâu xa từ một thứ “doping quyền lực” tiềm ẩn trong phương cách quản lý, mặt khác, có nguyên nhân trực tiếp từ một thứ “tham số nhân cách”, bộc lộ sự xuống cấp nhiều mặt của con người và văn hóa Việt Nam – Nhà thơ đạo diễn Đỗ Minh Tuấn đã chia sẻ về thực trạng thi cử và xét giải văn chương nghệ thuật ở Việt Nam hiện nay trong một lần làm khách mời của VHNA.

PV - Thưa anh, là một nhà văn và một nghệ sỹ đã từng tham dự nhiều cuộc thi và đoạt rất nhiều giải thưởng cao thuộc các lĩnh vực khác nhau như thơ ca, tiểu thuyết, điện ảnh và âm nhạc, đồng thời cũng là một người viết có quá trình quan sát đời sống văn chương nghệ thuật nước nhà trong mấy thập kỷ qua, anh có suy nghĩ gì về những lùm xùm diễn ra trong các cuộc thi và các cuộc xét giải thưởng gần đây? Đâu là nguyên nhân sâu xa của những vụ việc này?

ĐỖ MINH TUẤN - Có thể nói tất cả các cuộc thi của người Việt Nam hiện nay đều thể hiện hai đặc tính văn hóa ăn sâu trong căn cốt người Việt là thói sỹ diện hám danh và sự loạn chuẩn. Sự loạn chuẩn, phi chuẩn thì đã được mã hóa trong truyện Trạng Quỳnh mà tôi đã có dịp phân tích trong bài viết “Giải mã chiêu thức của Trạng Quỳnh”. Thói sỹ diện hám danh “con gà tức nhau tiếng gáy” thì GS Phan Ngọc đã tổng kết thành một trong 4 đặc điểm văn hóa của người Việt là sự quan tâm đến TỎ QUỐC, GIA ĐÌNH, THÂN PHẬN VÀ DIỆN MẠO. Thi là cách cải thiện diện mạo trước cộng đồng, cũng là cách đổi thay thân phận. Một số cuộc thi còn gắn liền với gia đình như thi để làm quan thời xưa, hay gắn với Tổ quốc như thi đối đáp khi đi sứ sang Tàu. Nhìn chung, các cuộc thi là nơi người Việt ký thác nhiều căn tính văn hóa vừa hay vừa dở, hay thì ít, dở thì nhiều.
Nói một cách công bằng thì trước đây các cụ ta thi cử rất nghiêm chỉnh, sòng phẳng, các kết quả đều phản ánh thực lực, tài năng. Trong lĩnh vực thể thao giải trí như các trò chơi thi ăn mía nấu cơm, thi thả chim, chọi gà…trong Hội làng đều diễn ra trung thực trước sự chứng kiến của người xem, không thể có sự sắp đặt hay gian lận nào. Ngày nay trong thể thao, kể cả chọi gà, đua ngựa, đua chó cũng có thể có sự dàn xếp, bán độ hay sử dụng doping. Sư thương mại hóa các cuộc thi đã phát huy những mặt xấu trong căn cốt dân tộc, khiến cho các cuộc thi từ địa phương đến TƯ hiện nay đều có vấn đề. Dù được diễn ra âm thầm trong các cuộc họp kín hay diễn ra sôi động công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng, dù chỉ có các quan chức ngồi cân chỉnh quan hệ hay “tái cơ cấu đội ngũ” bằng chấm giải (thay thủ lĩnh, thay ngọn cờ, thay đệ tử, thay đầu mối làm ăn…) hay có cả xã hội tham gia nhắn tin sôi động (ủng hộ thần tượng, ủng hộ nhà cung cấp dịch vụ, quật ngã đối thủ…) các cuộc thi đều luôn luôn hàm chứa những bất cập kinh niên về chuẩn mực, về sự thuyết phục của giải, về quan hệ chiều sâu của cộng đồng. Từ những giải nhỏ như cuộc thi thơ ở một địa phương đến các giải thưởng lớn như giải thưởng Nhà nước (GTNN) và Giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM), tất cả đều bộc lộ ít nhiều sự nhếch nhác, xuống cấp của văn hóa Việt, nhân cách Việt, sự rạn nứt phân hóa sâu sắc trong nội bộ cộng đồng người Việt, thói thực dụng văn hóa bất chấp chân giá trị hay cũng có thể coi là một kiểu mù thiêng về văn hóa vì không thấy chân giá trị của văn hóa, hoặc thấy nhưng dẵm đạp lên, không trân trọng tôn vinh như người xưa …

PV-Vậy là theo anh, ngay cả GTNN và GTHCM cũng bộc lộ những khiếm khuyết văn hóa lớn mang tính vĩ mô, gắn với sự xuống cấp nhiều mặt của con người, văn hóa và xã hội hôm nay?
ĐỖ MINH TUẤN - Đúng vậy! Việc trao GTNN và GTHCM đã bộc lộ rõ sự loạn chuẩn, sự dàn xếp, sự rối loạn về giá trị trong đời sống văn hóa Việt. Trước đây người ta không nhận ra những thực trạng này, hoặc có nhận ra cũng không dám đặt vấn đề công khai hay kiện cáo ầm ỹ., nhưng đến bây giờ thì xã hội đã bắt đầu soi vào cả GTNN và GTHCM để chỉ ra những bất cập, bất công và ngộ nhận trong các đợt trao giải trước đây.

Bất công loạn chuẩn thì thấy rất rõ. Như việc ba đợt đầu tiên các ngành văn học, âm nhạc, sân khấu, nhiếp ảnh, múa, kiến trúc,…đã được trao hàng trăm GTNN và GTHCM, nhưng ngành điện ảnh với hàng trăm tác phẩm có tiếng vang trong và ngoài nước, hàng trăm liệt sỹ đã hy sinh trong quá trình sáng tác giữa bom đạn chiến trường vẫn không có ai được vinh danh. NS nhiếp ảnh được trao giải thưởng HCM vì một bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng nghệ sỹ điện ảnh quay hàng ngàn thước phim lịch sử về Bác lại bị gạt ra khỏi giải. Tác giả sân khấu được vinh danh ngay từ đợt đầu tiên, nhưng tác giả kịch bản điện ảnh lại bị gạt ra. Khi đạo diễn điện ảnh được vinh danh hàng loạt, thì đạo diễn sân khấu vẫn nằm ngoài diện xét giải vì…đã có danh hiệu NSUT và NSND. Thậm chí, đạo diễn NSND Đình Quang không được nhận giải với những vở kịch nổi tiếng như “Bạch đàn liễu”, “Bệnh sỹ”…mà lại được trao giải cho các công trình lý luận không mấy người biết của ông.


“Doping quyền lực” đã chi phối các giải thưởng và các cuộc thi


PV- Theo anh, nguyên nhân gì đã dẫn đến tình trạng những giải thưởng vinh dự cấp nhà nước như GTNN và GTHCM về văn học nghệ thuật lại được trao một cách tùy tiện, bất công và có thể nói là lộn xộn như vậy? Phải chăng, nhà nước đã không quy định rõ ràng tiêu chí và chuẩn mực cho việc triển khai tổ chức các giải thưởng lớn này?


 ĐỖ MINH TUẤN - Không hẳn thế! Pháp lệnh về GTNN và GTHCM đã được công bố từ thập kỷ 80, nhưng tình trạng cảm tính, phi chuẩn và loạn chuẩn vẫn luôn chi phối quá trình xét giải và trao giải do các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc này đã không cụ thể hóa một cách chính xác, cụ thể và nhất quán các quy định trong Pháp lệnh. Trong tình hình bất cập về pháp lý đó, việc tổ chức xét giải và trao giải trên thực tế lại bị biến dạng, sai lệch do sự xuống cấp của văn hóa quản lý mà cốt lõi là thói tùy tiện áp đặt bất chấp chuẩn mực.v.v...
T
hái độ chuyên quyền độc đoán, thiếu khoa học và dân chủ chi phối mọi quá trình xét giải đã dẫn đến một thực trạng là các tác phẩm được trao giải thưởng cao quý nhất lại hầu như không ai biết đến, các tác phẩm nổi tiếng hơn lại được trao giải thấp, các tác phẩm làng nhàng chưa được thử thách qua thời gian lại được trao giải cao. Nguyên nhân là thói sống lâu lên lão làng đã chi phối giải. Khi nghệ sỹ văn nhân chưa có vị trí lão làng thì những tác phẩm xuất sắc nhất của anh ta cũng chỉ được trao GTNN là cùng, dù so với tác phẩm được trao GTHCM của các bậc lão làng thì những tác phẩm này hay hơn, nổi tiếng hơn. Đến khi các bậc lão làng thế hệ trước qua đời, các văn nhân nghệ sỹ thế hệ sau trở thành lão làng mới, nằm trong tầm ngắm của GTHCM thì họ lại chẳng có tác phẩm nào hay. Đành phải vơ bèo bọt tép trao GTHCM cho những tác phẩm họ mới viết, chưa ai biết đến. Vậy là cái tư duy sống lâu lên lão làng và cơ chế sắp xếp giải bằng các biện pháp mang tính quyền lực áp đặt thông qua các biện pháp dân chủ hình thức đã đưa đến một hệ thống giải thưởng có diện mạo giống như người ngoài hành tinh - đầu thì to đùng mà thân thể thì bé tý.


Khi giải thưởng cao nhất đã mang dáng dấp của sự chia phần, cấu tạo và áp đặt mà xã hội không dám phản ứng thì đó là một phản chuẩn mực chi phối ngầm tất cả các cuộc thi và các giải thưởng khác như một thứ “doping quyền lực” bị lạm dụng trong các cuộc thi tài. Biểu hiện cụ thể của thứ doping này là mua phiếu, vận động hành lang trắng trợn, tung tin thất thiệt, kiện cáo gây sức ép tùm lum hay cạnh tranh dìm hàng trên báo chí, tạo ra các xảo thuật hòm phiếu để nhân danh trách nhiệm định hướng quản lý lái kết quả bầu chọn, bỏ phiếu vào những kết quả mang tính lợi ích nhóm. Nếu không có quy chế chấm thi và bỏ phiếu kín một cách rõ ràng, khoa học, thì việc bỏ phiếu kín cũng bị lũng đoạn chi phối bởi những “tham số nhân cách” mà ta không để ý hay không nhận thấy.


Tham số nhân cách và các thủ thuật nhìn xuyên hòm phiếu


PV - “Tham số nhân cách” là gì vậy? Anh có thể cho ví dụ cụ thể về sự chi phối của tham số này trong quá trình bỏ phiếu?


ĐỖ MINH TUẤN - “Tham số nhân cách” là khái niệm tôi đặt ra để chỉ một đối tượng tâm lý chi phối hành vi con người trong môi trường tự do, không có chuẩn mực và quy chế cụ thể ràng buộc. Chẳng hạn, khi ngồi trước mâm cơm, ai gắp bao nhiêu lần, gắp cái gì trước cái gì sau tất cả phụ thuộc vào ý thức về chuẩn mực văn hóa trong chiều sâu nhân cách từng người. Kẻ ăn tham sẽ liên tục gắp thức ăn ngon nhất cho mình, dù việc sử dụng tự do của anh ta có làm phương hại thiệt thòi đến những người cùng mâm. Đó là tham số nhân cách đã tham dự vào hành vi của anh ta, tạo nên một bữa ăn kẻ no người đói, tóm lại là vô văn hóa, bất công, mặc dù anh ta chẳng vi phạm bất cứ một quy định thành văn nào cả.


Trong việc bỏ phiếu chọn lãnh đạo hay chấm thi cũng vậy, những người bình thường thì cho điểm chênh nhau vừa phải đối với các tác phẩm ứng viên, vì đã vào chung khảo rồi thì chênh nhau chút ít thôi, chứ đâu phải chênh nhau một trơi một vực. Nhưng những người bị tham số nhân cách “lợi ích nhóm” chi phối họ có thể cho những người cánh hẩu điểm tối đa, và cho người ở phe nhóm đối thủ điểm số tối thiểu, nghĩa là có thể cho một người điểm 10 và người khác điểm 1, chênh nhau tới 8, 9 điểm nếu như quy chế chấm giải không giới hạn số điểm chênh lệch giữa các ứng viên. Khi cộng điểm vào, dù họ là thiểu số, cách cho điểm quyết liệt này sẽ chắc chắn sẽ đưa đến thắng lợi cho phe nhóm họ.


Năm 1996, khi phát hiện ra nguy cơ “tham số nhân cách” của BGK sẽ chi phối kết quả LHP Quốc gia theo hướng bè cánh, TS Trần Luân Kim dã phải dùng bàn tính thực hiện ngay một ví dụ cho ông Nguyễn Đức Bình Trưởng Ban chỉ đạo LHPQG lần thứ 11 thấy rõ khả năng chỉ cần hai người bỏ phiếu theo lối phe cánh quyết liệt thì số điểm của họ dồn cho một phim nào đó sẽ cao hơn số điểm của 9 thành viên BGK bỏ phiếu khách quan. Phát hiện đó đã làm ông Nguyễn Đức Bình giật mình và ra quy chế quy định các điểm chấm cho các phim vào chung khảo không được chênh nhau quá 2 điểm. Chính quy định này đã hạn chế sự chi phối của tham số nhân cách vào quá trình bỏ phiếu, đem đến một kết quả tương đối khách quan.


Khi một xã hội thực hiện các yêu cầu khoa học, dân chủ một cách hình thức thì luôn luôn xuất hiện các xảo thuật hòm phiếu, các thủ thuật tổ chức để nhìn xuyên hòm phiếu, mở hòm phiếu ngay trước khi bầu theo các kiểu khác nhau (như bàn bạc tạo đồng thuận, tổ chức thằm dò nắm trước tình hình để tìm cách điều chỉnh[...].v.v..). Tất cả những cung cách xét giải và trao giải đó thể hiện một văn hóa quyền lựcvăn hóa phe nhóm phổ biến, chi phối các cuộc thi, các đợt xét giải, tạo ra những két quả quái dị, thậm chí kinh dị, gây bức xúc kiện cáo phê phán chê bai ầm ĩ trong dư luận và trên báo chí. Mặt khác, một tham số nhân cách kiểu khác cũng tác động rất mạnh vào diễn biến các cuộc thi, đó là thói vĩ cuồng của các “vĩ nhân tỉnh lẻ” với những hành vi gây sức ép không có điểm dừng đã gây ra những vụ lùm xùm như vừa diễn ra với giải thưởng Hồ Xuân Hương gần đây. Thậm chí có người còn muốn nổi tiếng kiểu đốt đền bằng cách gây nên các sự việc lùm xùm trong các kỳ giải thưởng. Vì vậy, muốn cải thiện bộ mặt nhếch nhác lem luốc của các giải thưởng, các cuộc thi, việc cốt tử là phải cách mạng văn hóa quản lý để xóa sổ kiểu quản lý áp đặt, hình thức chủ nghĩa, […]. Mặt khác, cần có những biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn thói kiêu binh vĩ cuồng của những người ảo tưởng háo danh.


Sự “liu điu hóa” các giải thưởng văn chương nghệ thuật?


PV- Nhiều người cho rằng những giải thưởng của các cuộc thi văn chương nghệ thuật hiện nay không “hoành tráng” và gây tiếng vang như các cuộc thi ngày xưa. Chẳng hạn, cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ thời chiến tranh đã phát hiện ra một Phạm Tiến Duật, một Nguyễn Duy lừng lững đến tận bây giờ, còn các cuộc thi gần đây thì các giải Nhất hầu như chẳng ai nhớ nữa? Sự xuống cấp đó bản chất là gì?


ĐỖ MINH TUẤN - Các cụ nói rồi, “Con rồng lại đẻ ra rồng/Liu điu lại đẻ ra dòng liu điu”. Trước đây, các vị giám khảo như Xuân Diệu, Hoài Thanh, Chế Lan Viên…là những con rồng trên bầu trời văn chương nên họ hào phóng tự tin phát hiện các tài năng đích thực. Sau này, các thi sỹ thuộc dòng giống liu điu ngồi ghế BGK, họ sẽ chỉ chọn ra các tài năng liu điu mà thôi! Họ không thể chọn rồng vì nhiều lẽ. Họ nghĩ rằng những đám rồng nhơn nhơ trên trời kia không thể có giá trị hơn loài liu điu trong ao làng gần gũi và thân thiết, những con liu điu gắn bó với cuộc đời nghèo khổ của nhân dân.


Vậy là cái chuẩn văn chương nghệ thuật đỉnh cao bị đánh tráo hồn nhiên bằng cái chuẩn tình đời, tình người, mở đường cho các đại diện của văn nghệ quần chúng chiếm lĩnh các ngôi vị cao trong lâu đài văn chương nghệ thuật. Đó là cốt lõi của quá trình mini hóa, xoàng xĩnh hóa, tầm thường hóa của các giải văn chương nghệ thuật thời nay. Ngay cả tên giải người ta cũng chuyển thành A, B, C chứ không để Nhất, Nhì, Ba như xưa. A, B, C là hệ giá trị tem phiếu, hệ phân loại học sinh, cán bộ. Nhưng việc chuyển tên giải thành A, B, C có vẻ như một phương cách “dìm hàng” của thế hệ đi trước với các thế hệ sau. Họ đã được cha anh trao cho giải Nhất, Nhì, nay họ không muốn san sẻ cho các thế hệ sau để mình trở thành những con khủng long văn nghệ cuối cùng trong lịch sử? Muốn thoát khỏi tình trạng liu điu hóa giải thưởng , cần chọn người lãnh đạo có thực tài, có bản lĩnh tự tin, dám khẳng định người có tài một cách đàng hoàng, mạnh mẽ.


PV- Xin cám ơn anh!
Vĩnh Khánh thực hiện

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...