Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Myanmar tăng tốc


MYANMAR TĂNG TỐC

Tình hình ở Myanmar ngày càng có nhiều chuyển biến theo hướng dân chủ hóa các mặt đời sống xã hội. So với thời ông Thống tướng Than Xuề tại vị, xã hội Myanmar nay đã cởi mở hơn rất nhiều chỉ với chưa đầy năm cho chính quyền dân sự qua bầu cử nắm quyền. Cứ đà này đất nước Myanmar hứa hẹn sẽ tiến nhanh để hòa nhập với thế giới hiện đại.

Nhớ lại mấy năm trước đây, Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean cứ mỗi lần thấy Mỹ và phương Tây tỏ ra chỉ trích nhắm vào nước hội viên này thì lại có sự phân rẽ về lập trường trong khối. Có nước đứng về phương Tây, như tiếp thêm sức ép đòi Myanmar thay đổi; nhưng vẫn có nước bênh vực, dĩ nhiên là bênh rất khéo - trong số này có Việt Nam. Bênh thì vẫn một giọng... "rằng thì mà là" trong quan hệ quốc tế là bình đẳng, không can thiệp vào việc nội bộ của nước khác.

Thì đúng cả thôi, cứ thiên kinh địa nghĩa ấy mà lặp lại, mà lên lớp về lý thuyết về đạo đức quốc tế. Nhưng cũng có một sự thực và một yêu cầu thúc bách mới của cuộc sống, đó là những tiêu chí về dân chủ hóa đời sống xã hội mà rõ ràng Myanmar còn rất thiếu. Nói cho công bằng, với một quốc gia như Myanmar, từng có công dân làm đến chức TTK LHQ (là ông U Than) mà nay còn "chậm tiến" đến mức như mấy năm vừa qua, bị đa số trong cộng đồng quốc tế cô lập (và họ tự cô lập mình nữa), vậy thì cần phải có cách tiếp cận và nhìn nhận khác thì mới giúp nước bạn tiến lên với cộng đồng chứ đừng bao che bằng những lý thuyết chung chung...

Lý do trì kéo đất nước này là do chế độ độc tài quân sự ở đây đã kéo quá dài, hàng mấy chục năm liền, lại với một chính sách hà khắc với dân và bế quan tỏa cảng với thế giới bên ngoài. Chứ nhìn về tiềm lực đất nước, về số dân đông đảo, lại có vị trí địa lý thuận lợi và truyền thống dân tộc Miến đâu có thua kém ai...thì nhất định sớm muộn đất nước này sẽ phải thức tỉnh và từ đó cất cánh...

Quả thật mấy tháng gần đây những dấu hiệu đổi mới, canh tân đất nước từ Myanmar phát đi khiến cả cộng đồng các quốc gia Asean vui mừng chào đón và lấy lại niềm phấn chấn tin tưởng ở quốc gia này.

Với đà tiến như thế, đất nước Myanmar quả là xứng đáng với sự tín nhiệm của cộng đồng Asean - đó là đất nước này sẽ là nước chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Asean; và cũng là nơi sẽ diễn ra ngày hội lớn nhất của thể thao khu vực - là SeaGames lần thứ 27 - trong một vài năm tới đây.

Vệ Nhi g-th

---------

Miến Điện bãi bỏ kiểm duyệt báo chí kinh tế


                 Khẩu hiệu: hãy đề nhân fân quyết định - Dân chủ cho Miến Điện ngay bây giờ!

Theo tin từ Myanmar Times hôm nay, 11/12/2011, được hãng AFP đưa lại, Miến Điện đã bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với hơn một chục loại ấn bản trong đó có báo chí kinh tế. Tuy nhiên báo chí tin tức thời sự nói chung vẫn được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền, cho đến khi có lệnh mới.

Theo một quyết định cải cách ngày 9/12, có tổng cộng 54 nhật báo, tạp chí, đặc san chuyên đề từ nay không phải trình nội dung để kiểm duyệt trước khi in ấn. Các báo chí thời sự, giáo dục và tôn giáo không nằm trong số này, nhưng được hưởng một chế độ « quá độ » cho phép tự kiểm duyệt, trước khi có được quyền như các báo khác. Ông Tint Swe, người đứng đầu cơ quan kiểm duyệt Miến Điện đã cam đoan như trên, theo như trích dẫn của tờ Myanmar Times.
Xin nhắc lại, gần đây ông Tint Swe, giám đốc cơ quan đăng ký và giám sát báo chí đã tuyên bố là việc kiểm duyệt « không phù hợp với thực tiễn dân chủ », và « cần phải được bãi bỏ trong tương lai gần ». Tổng thống Miến Điện Thein Sein nhậm chức hồi tháng Ba sau khi tập đoàn quân sự giải thể, đang cố gắng chứng tỏ với phe đối lập và với phương Tây quyết tâm cải cách sâu rộng.
Sau cuộc bầu cử gây tranh cãi vào tháng 11/2010 và việc trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi, báo chí Miến Điện nay đã có thể đưa tin về các hoạt động của nhà đối lập nổi tiếng này, trong khi cách đây vài tháng hãy còn là điều cấm kỵ.
Cho đến nay, chế độ kiểm duyệt của Miến Điện vẫn được xem là một trong những chế độ hà khắc nhất thế giới. Nhiều nhà báo hiện vẫn đang bị giam giữ, trong đó có hai người vừa mới lãnh án tù. Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp Miến Điện hàng thứ 174/178 về tự do báo chí trên toàn cầu.
Từ tháng Sáu, kiểm duyệt bắt đầu được nới lỏng đôi chút đối với một số tờ báo chủ yếu về thể thao và giải trí. Tờ báo nhà nước New Light of Myanmar hôm nay cho biết, chính quyền cũng đang muốn giảm nhẹ việc kiểm duyệt phim ảnh.
Thụy My (Đài RFI)
Nguồn: http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/000010A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20111211-zvra-qvra-onv-ob-xvrz-qhlrg-onb-puv-xvau-gr
------
Tham khảo một thông tin liên quan đến tướng Than Xuề để thấy xu hướng tiến tới một nền dân chủ thật sự đang đến với đất nước và người dân Myanmar:
Chủ tịch Hạ viện Myanmar xác nhận Thống tướng Than Xuề đã về hưu
ĐCSVN- 2 tuần trước87 lượt xem 1 tin đăng lại
Ngày 25/11, trong tuyên bố công khai lần đầu tiên, Chủ tịch Hạ viện Mianma Thura Xuề Man (Thura Shwe Mann) cho biết Thống tướng Than Xuề (Than Shwe) - nguyên Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia Mianma, đã về hưu.


Trả lời phóng vấn báo giới trong phiên bế mạc kỳ họp Quốc hội Mianma ở thủ đô Nây Pi Đô, Chủ tịch Thura Xuề Man khẳng định Thống tướng Than Xuề đã chuyển giao lại toàn bộ quyền lực và không còn nắm quyền trong chính quyền mới. Đây là lần đầu tiên nhà chức trách Mianma chính thức xác nhận thông tin này sau một thời gian dài có tin ông Than Xuề đã về hưu.

Như vậy, sau hai thập kỷ cầm quyền, ông Than Xuề đã chính thức từ bỏ cương vị Chủ tịch Hội đồng Hòa bình và Phát triển quốc gia cầm quyền tại Mianma sau khi chính quyền quân sự giải tán hồi tháng Ba vừa qua. Theo giới phân tích, ông Than Xuề sẽ giành lại được một số ảnh hưởng đối với chính quyền sau các cuộc bầu cử.

Trong khi đó, sáng cùng ngày, Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của thủ lĩnh đối lập A-ung Xan Xu Ki (Aung San Suu Ki) đã nộp hồ sơ tái đăng ký là đảng chính trị lên Ủy ban Bầu cử quốc gia Mianma. Đây được coi là động thái mở đường cho bà Xan Xu Ki tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung sắp tới. NLD đã nộp cho ủy ban bầu cử danh sách gồm 21 người sáng lập đảng, trong đó có bà Xan Xu Ki. Theo kế hoạch, ủy ban bầu cử sẽ mất ít nhất một tuần để phê chuẩn đơn đăng ký của NLD và sau đó lãnh đạo của đảng này phải đến ủy ban để hoàn tất tiến trình đăng ký.

Nguồn: http://www.baomoi.com/Chu-tich-Ha-vien-Mianma-xac-nhan-Thong-tuong-Than-Xue-da-ve-huu/119/7429635.epi

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...