Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Ghé qua một "kinh nghiệm ruộng đất"




Ghé qua một “kinh nghiệm ruộng đất”

Tại nhiều quốc gia mà nông nghiệp và nông dân, nông thôn còn chiếm tỉ lệ đáng kể so với các khu vực kinh tê – xã hội khác thì vấn đề ruộng đất - không phải trước đây, bây giờ mà còn lâu mãi sau này – vẫn luôn là vấn đề quan thiết và nhiều lúc nóng bỏng các tranh chấp. Bất kể chính quyền, thời thế nào, nếu không xử lý tốt mối quan hệ ruộng đất – nông dân đều khó mà giữ yên sự ồn định xã hội chứ nói gì đến phát triển đi lên và bền vững.

Vụ Tiên Lãng ở Việt Nam và cách đây hơn 4 tháng, vụ Ô Khảm ở Trung Quốc là những ví dụ điển hình.











Vụ Tiên Lãng (ảnh trên);
và vụ Ô Khảm (ảnh dưới)



Hai sự vụ rất khác nhau - một đằng dân làng biểu tình tố cáo quan tham địa phương đã ăn cắp đất của họ, bán đến 80% đất canh tác cho những người kinh doanh bất động sản; còn một đằng hai anh em nhà họ Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý vùng lên chống trả lực lượng cưỡng chế của chính quyền thu hồi 40,3 ha đầm hồ đất đai với bao công sức cải tạo và khai phá để nuôi trồng thủy hải sản mà người nông dân họ Đoàn mới có được.

Tuy nhiên hai vụ giống nhau ở một điểm là lúc nổ ra đều bị chính quyền sở tại cản trở hoặc đàn áp khốc liệt, nhưng sau đó do những lý do và tính toán chính trị ổn định nên sự xử lý đều có dấu hiệu chính quyền muốn xoa dịu êm dân, và vì thế hệ quả là người dân được dư luận cả nước bênh vực.

Vụ Tiên Lãng Hải Phòng dù bước đầu có kết luận cấp Thủ tướng, khẳng định rõ ràng quan chức sở tại làm sai luật, và họ phải giao lại đất cho người dân khiếu kiện tiếp tục làm ăn, tuy nhiên cái kết cục thế nào với số phận anh em Đoàn Văn Vươn còn mập mờ chưa rõ. Hiện 4 người bị chính quyền quy tội và giam giữ trước thời điểm Thủ tướng xử lý. Còn vụ việc bên Quảng Đông Trung Quốc, người dân Ô Khảm tiến một bước khá xa. Họ vừa được phép tổ chức bầu chính quyền mới cho thôn làng mình (với quy mô khá lớn, có tới 13 ngàn dân). Tại đây người cầm đầu biểu tình, một đảng viên cộng sản lão thành ở địa phương này, ngay từ khi cuộc biểu tình thắng lợi đã trở thành người đứng đầu tạm thời của cấp ủy tại địa phương. Trong một quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện như Trung Quốc cần xem đó như những bước tiến tới dân chủ hóa xã hội - dù có thể nghĩ đến hoặc nghi kỵ như một thủ thuật mị dân từ giới cầm quyền cấp cao ban phát! Tuy vậy nó vẫn báo hiệu một điều gì đó đã nổi lên và khó cản lại trong xã hội Trung Quốc hiện nay. 

Báo chí truyền thông nước ta có thông tin và nêu vấn đề Ô Khảm, tuy nhiên các khía cạnh thực chất còn ít được phân tích hoặc đi sâu. Và quan trọng hơn là giới hữu trách ở ta cũng vẫn nhìn nhận việc này như chuyện “của người ta”. Chứ đâu biết rằng bản chất vấn đề ruộng đất ở Trung Quốc nay đang “mắc phải” không mấy xa lạ với nước ta. Đó là quan niệm về sở hữ đất đai có “nhiều vấn đề lắm”, nó cần đến một tư duy chiến lược và đột phá mới mong gỡ nổi. Ở đây, qua Ô Khảm, nếu chúng ta biết trông người, rút tỉa kinh nghiệm thì chắc chắn là có ích cho việc tháo ngòi nổ những vụ việc như “Tiên Lãng” có không ít ở ta.

Rất tiếc Ô Khảm xảy ra đã lâu, mở đầu từ tháng 9 năm ngoái rồi kéo mấy tháng dằng co cho tới khi sự vụ rõ nét mà giới hữu trách ở ta – chắc chắn đều theo dõi cả - nhưng đâu có thấy rút ra được gì nhiều từ kinh nghiệm ruộng đất này? Vẫn biết mỗi nước có những điều kiện lịch sử và thực tiễn đời sống riêng, nhưng quả thật quá trình giaỉ quyết tranh chấp, xử lý thỏa đáng mâu thuẫn xung quanh chuyện ruộng đất của nông dân ở những nước nông nghiệp... đều có những mẫu số chung, đều có thể rút ra được những điều hữu ích cho các bài học quản lý của người lãnh đạo. 

Đương nhiên những sự kiện như Ô Khảm xảy ra luôn luôn là tâm điểm của nhiều tập đoàn truyền thông phương Tây và các nước khác và họ biết hướng vào khai thác đưa tin, bình luận. Tất cả những vấn đề thực chất - như sở hữu đất đai và việc xử lý, giải quyết của nhà cầm quyền với nông dân đang mất đất như thế nào - đều thấy rải rác trên mặt báo, tạp chí và truyền đi trên phát thanh truyền hình mấy tháng liền vừa qua. Trong số này có những bài viết giật tít lớn và ấn tượng, như “Cuộc khởi nghĩa Ô Khảm”, “Tiếng sét dân chủ”, “Công xã Paris ở Ô Khảm đã thắng”, "Dân làng Ô Khảm thực tập dân chủ", "Cuộc chiến đất đai ở Trung Quốc"…

Mời bạn bè ghé lại mấy câu chuyện Ô Khảm:

VỆ NHI g-th

--------


BÀI TRÊN BÁO BA LAN:

Công xã Paris ở Ô Khảm đã thắng

Maria Kruczkowska Wyborcza

Đinh Minh Đạo dịch

Wukan (Ô Khảm), một làng làm nghề cá với 13 nghìn dân ở phía nam Trung Quốc hôm qua đã tổ chức chào mừng thắng lợi đầu tiên trong cuộc đấu tranh đòi thực thi luật pháp và bảo vệ quyền lợi của dân làng. Người lãnh đạo cuộc đấu tranh, 67 tuổi ông Lin Zuluan ( Lâm Tổ Luyến), thay vì phải đi tù, đã trở thành người đứng đầu tổ chức đảng cộng sản của địa phương.


Người dân Ô Khảm biểu tình chống tham nhũng từ đất đai

Cuộc phản kháng đã nổ ra vào tháng 09 năm ngoái. Đứng đầu là một số người dân của làng, những người đã làm việc ở thành phố, nay trở về làng do tác động của cuộc khủng khoảng kinh tế toàn cầu, các nhà máy sản xuất hàng xuất khẩu của Trung Quốc phải đóng cửa. Nằm trong tỉnh Quảng Đông kề biển, Wukan ở trong tình trạng thật tồi tệ.

Yang Semao 44 tuổi, trở về nhà sau nhiều năm làm quản lý ở một xí nghiệp tại thành phố lớn Shenzhen, cách Hồng Kông chỉ 1 giờ đường ô tô.

- Khi trở về nhà, tôi đã nhận ra ngay tình hình rất xấu. Nhiều người dân đã mất hết đất, lạm phát đã làm họ mất hết số tiền dành dụm được lâu nay. Yang Semao nói với các nhà báo. Đi bên Yang Semao là Zhang 20 tuổi, người phụ trách đưa tin của cuộc phản kháng trên internet và Lin Zuluan, cũng mới trở về làng sau những năm làm việc ở thành phố.

Ba người trên đây đã thuyết phục dân làng, rằng chính quyền đã ăn cắp đất của họ, bán đến 80% đất canh tác cho những người kinh doanh bất động sản trị giá tới 110 triệu USD.

Wukan là một làng làm nghề cá, nhưng hiện nay chỉ còn một nửa duy trì nghề, dân làng còn lại sinh sống nhờ vào mảnh đất riêng ít ỏi.

Những nông dân bất bình đã tập trung đi đến trụ sở huyện Lufeng với những biểu ngữ phản đối. Tại Trung Quốc, những người biểu tình không được phép mang theo các khẩu hiệu. Nhưng Quảng Đông nằm cạnh Hồng Kông, nên các nhà báo, các bloger kéo đến nhanh chóng.

Đầu tháng 12 năm ngoái, chính quyền nóng lòng muốn giải quyết nhanh chóng vụ nổi dậy của dân làng bằng bạo lực. Công an dùng dùi cui giải tán dân làng, bắt bốn người lãnh đạo biểu tình đưa về trụ sở huyện. Ngày hôm sau, công an báo cho con gái của một trong những người bị bắt, cha cô đã chết trong đồn công an do bệnh tim. Nhưng dân làng thì tin chắc rằng, Xue Jinbo (Tiết Cẩm Ba) đã bị công an đánh chêt. Dân làng yêu cầu trả thi hài Xue Jinbo và thả hết những người bị bắt.

Đó là diễn biến ban đầu của sự kiện mà “New York Times” gọi là Công Xã Pari ở Wukan. Suốt 11 ngày, ngôi làng trở thành nơi tự do, tự quản ở Trung Quốc. Những người nông dân đuổi chính quyền ra khỏi làng, chặn các con đường vào làng và bắt đầu chống lại các đợt tấn công của công an. Họ thành lập cả trung tâm báo chí, phía trước có treo ảnh chúa Jesu và ảnh Đức Chúa Trời cùng với các thông cáo báo chí bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc.

- Chúng tôi không nổi loạn. Chúng tôi ủng hộ Đảng Cộng Sản. Chúng tôi yêu đất nước. Họ nói.

Đối với những người phương tây, những điều họ nói trên đây có vẻ không thành thật. Nhưng ở Trung Quốc, những điều hoang đường để ca ngợi hoàng đế và các tầng lớp quan chức được tiếp nhận như một thói quen đáng hoan nghênh. Những người nông dân cho rằng, vần đề của họ là tham nhũng và quan liêu của chính quyền địa phương, còn Bắc Kinh thì mong muốn tốt đẹp hơn, nhưng họ không biết gì về tinh hình thực tế ở địa phương.

Chính quyền bao vây muốn dân làng bị đói. Nhưng những người nông dân đã huy động số lương thực dự trữ để nấu cháo cung cấp cho những người tình nguyện giữ làng và cả các nhà báo. Họ quyết không đầu hàng.

Sau 11 ngày của vụ việc không tiền khoáng hậu, bí thư tỉnh ủy Quảng Đông Wang Yang (Uông Dương) đã mềm lòng, thay vì gửi những đơn vị vũ trang tấn công vào làng, ông cử phái viên đến để thương thuyết.

Chính quyền công nhận một số yêu sách của dân làng.

Chính quyền đã trao trả thi hài người chết để dân làng mai táng. Thả hết những người bị bắt, phía dân làng ra tuyên bố kết thúc cuộc chống đối. Hiện nay thôn trưởng mới sẽ tổ chức cuộc bầu cử chính quyền của Wukan. Ở Trung Quốc, bắt đầu từ đầu năm 80, các làng có quyền bầu cử trưởng thôn, nhưng phải dưới sự kiểm soát của đảng.

Câu hỏi được đặt ra: Chiến thắng đã mang lại những gì? Ruộng đất mà chính quyền đã lấy của nông dân sẽ được xử lý ra sao? Sự kiện Wukan có là tấm gương cho các địa phương khác noi theo? Nhưng câu hỏi bao quát nhất là, sự nhượng bộ của chính quyền là thay đổi về chính trị, hay đó chỉ là bước đi mang tính chiến thuật?

Dân làng sợ rằng, khi các nhà báo đi khỏi, những sức ép bắt đầu. Trên mạng internet đang có nguồn tin tức không hay, đó là phát biểu của người đại diện của chính quyền Quảng Đông, ông Zheng Yan Xionga. Ông trách những người dân Wukan rằng, thay vì tin tưởng vào chính quyền lại dựa vào các nhà báo. Ông bác bỏ sự kết tội đối với công an. Ông cũng phàn nàn rằng, những người dân quê ngày một có trình độ học vấn cao hơn và lãnh đạo họ rất khó khăn.

Vác-xa-va, 18-01-2012



----

 

VÀ MỘT BÀI TRÊN TẠP CHÍ MỸ


 

Chiếm giữ Ô Khảm: 99 phần trăm của Trung Quốc



ElizabethC. Economy, Council on Foreign Relations

by X-Cafevn on Tuesday, December 20, 2011 at 11:22am 
vofob, x-cafevn.org chuyển ngữ

Tất cả bắt đầu từ một vụ phản đối mua bán đất bất hợp pháp và giàn xếp bầu cử. Theo điều tra của tạp chí Trung Quốc Tài Kinh, chính quyền địa phương ở thôn Ô Khảm của tỉnh phía nam Quảng Đông đã kiếm trên 700 triệu nguyên (tương đương khoảng 110 triệu USD) từ việc bán đất của hợp tác xã nhưng họ chỉ trả 550 nguyên (khoảng 86 USD) cho mỗi dân làng. Ngoài ra, bí thư đảng và trưởng thôn đã dàn xếp những vụ bầu cử địa phương để tại vị hơn 40 năm. Dân làng đã không hài lòng về tình trạng này trong nhiều năm và đã gửi thư kiến nghị từ năm 2009. Tuy nhiên chẳng có giải pháp nào cho đến khi dân chúng cuối cùng xuống đường vào tháng Chín.

Tin tốt là vào cuối tháng Mười Một sau vài tháng biểu tình -- một số là bạo động -- những dân làng đã thành công trong việc khai trừ hai người lãnh đạo thôn. Truyền thông Trung Quốc lý luận vào lúc đó rằng Quảng Đông, dưới quyền Bí thư tỉnh Ủy Uông Dương (một ứng viên cho Ủy Ban Thường Vụ, Bộ chính trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc cho thời kỳ chuyển tiếp 2012-2013) đang theo đuổi một cách tiếp cận mới đối với bất ổn xã hội. Ông cố gắng "cân bằng giữ vững ổn định và những quyền cơ bản cùng lúc giúp đỡ nhân dân bày tỏ nhu cầu của mình."

Tin không hay là cân bằng đó không hẳn là đúng. Trong những ngày gần đây, dân làng Ô Khảm đã giành quyền kiểm soát thôn, biểu tình chống lại sự tàn bạo của công an đã dẫn đến cái chết của Tiết Cẩm Ba vào 11 tháng 12, một người lãnh đạo biểu tình. Truyền thông Trung Quốc đã im bặt. Chẳng có bàn tán gì về cách thức mới mẻ đối phó với những nhà biểu tình. Vào ngày 14 tháng 12, quyền thị trưởng của thành phố Sán Vĩ, Vương Mông Huy nói rằng đối với những tổ chức có kế hoạch "gây rối", chính quyền sẽ quyết tâm bẻ gãy những hành động phá hoại tài sản công và cản trở công vụ. Chính quyền địa phương hiện giờ đang cố gắng bỏ đói dân làng bằng cách thiết lập chốt chặn với lính canh chung quanh làng để ngăn thực phẩm và các tài nguyên khác đến và lao động bỏ đi.


Ông Lâm Tố Luyến, người cầm đầu biểu tình được bầu làm Bí thư Đảng ủy

Cuối cùng thì việc vây hãm sẽ chấm dứt nhưng thách thức căn bản đối với Bắc Kinh thì không. Mỗi
năm, cho dù có sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc, con số những cuộc biểu tình tiếp tục gia tăng. Theo một con số ước đoán, Bắc Kinh hiện nay đương đầu với 180.000 vụ được gọi là "tập trung đám đông". Câu hỏi tại sao cho những vụ biểu tình này chẳng phải là bí ẩn gì: sự vắng bóng của cai trị theo pháp luật [tạm dịch từ rule of law -- ND], minh bạch, và trách nhiệm của quan chức. Những điều này là những nguyên tố xây dựng nên hệ thống chính trị quốc gia và cho phép tham nhũng nở rộ. Trong trường hợp Ô Khảm, những dân làng đang biểu tình phản đối tham nhũng ở cả những vụ bán đất và quy trình bầu cử. Cho dù những người biểu tình phản đối vì những vấn đề này hay môi trường hay sản phẩm kém, căn nguyên là như nhau.

Bài học mà Bắc Kinh học từ biểu tình ở Ô Khảm có lẽ sẽ không hơn "Đã đến lúc phát động [không hiệu quả] chiến dịch chống tham nhũng". Bài học thật sự, tuy vậy, là đã đến lúc lắng nghe những gì Thủ tướng Ôn Gia Bảo phát biểu cách đây vài tháng ở Đại Liên: Chúng ta phải điều hành đất nước bằng pháp luật...Chúng ta cần giữ vững công bằng pháp lý...Những quyền dân chủ và lợi ích của nhân dân được ghi trong Hiến Pháp phải được bảo vệ. Những điều quan trọng nhất là quyền được bỏ phiếu và được biết, tham gia, và giám sát công việc của chính phủ. Nói thẳng ra, nếu thế hệ thứ năm của giới lãnh đạo Đảng không nghe lời Ôn Gia Bảo và nắm bắt lấy chủ động về cải cách chính trị, tình hình càng trông có vẻ rằng nhân dân Trung Quốc sẽ làm điều đó.








Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...