Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Hoan hô các trang mạng văn chương


Hoan hô các trang mạng văn chương

Tôi vừa thấy người bạn già Trần Nhương post lên trang mạng của ông một bức tranh vui. Nét vẽ châm biếm trào lộng quen thuộc như tính nết chính người Chủ trang này. Kèm theo tranh là mấy lời thơ giản dị mộc mạc nhưng "ý tại ngôn ngoại". Tranh, thơ là nói về những "Nhà văn xịn" ở ta lúc này. Vẽ-viết của Trần Nhương là thế nào, xin mời các bạn xem nó ở dưới bài này...

... Còn trên Website của Lê Thiếu Nhơn (lethieunhon.com) cũng tuần này không hẹn mà nên, xuất hiện bài viết của nhà thơ Phan Cung Việt. Anh Việt là bạn đồng môn một thưở đại học của chúng tôi - lớp Văn khóa 8 ĐHTH (1963-1967). Phan tiên sinh vốn tính rủ rỉ rù rì, có phần trầm mặc là đằng khác. Nghĩa là chàng thi sĩ người phủ Đức này (Đức Thọ, Hà Tĩnh) không có thích sự ồn ào phô diễn. Nhiều năm qua anh lặng lẽ làm việc, làm thơ và viết văn. Cũng không mấy người nghĩ anh lại thú vị "cỡ đó" với cuộc sống mạng mủng. Anh Việt rất thiện cảm với những trang mạng văn chương do các nhà văn nhà thơ tự do tự cất công xây dựng. Cái hay là nó thu hút ngày càng đông đảo người truy cập khắp nơi, cả trong và ngoài nước. Anh thấy ở trên đó xuất hiện nhiều những bài thơ đoạn văn hay, mang hơi thở đời sống thực sự của những con người chẳng bao giờ nổi tiếng, bởi họ là "những người ẩn sĩ vô danh ở ngóc ngách xóm làng, ngõ phố" - như Phan Cung Việt viết. Bài viết này bạn cũng sẽ đọc ở phía dưới đây.
........
Thế là cả hai bài đều nói về chủ đề văn chương. Mỗi người mỗi ý nhưng đều hướng về một mong ước văn chương phải tải được cuộc sống, văn chương hãy gánh lấy sứ mệnh mà nhân dân và đất nước đang lo âu, bức xúc chứ đừng "thoát tục" để tôn thờ mấy khẩu hiệu đại ngôn mà rỗng tuyếch trong nội dung, ví như "vì phẩm giá con người" rất chung chung như Trần Nhương nói đến chẳng hạn; hoặc là chạy theo "những 'quan báo', 'quan sách', 'quan hội hè'… mà anh Phan Cung Việt đã đề cập trong bài viết của mình. Với tư cách người đọc, nhà thơ họ Phan còn nói là rất cần chú ý đến các trang mạng xã hội chuyên về văn học nghệ thuật, bởi vì trên đó có bao điều tốt đẹp, ích lợi cho đất nước và nhân dân này.

Từ cách hiểu như thế về giá trị các mạng văn chương, Phan Cung Việt cho rằng đã đến lúc xã hội và "trước hết là Hội Nhà văn và Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật nên có sự đánh giá xác đáng, kịp thời sự đóng góp của những trang mạng này vào đời sống văn chương nghệ thuật".

Xin giới thiệu bạn bè trang blog của tôi chia sẻ với ý kiến hai nhà văn tôi vừa nói tới trên kia mà tôi nghĩ nó đều rất có ý nghĩa đối với văn chương trên mạng và lợi ích của công nghệ thông tin. Và đúng là các trang mạng của họ xứng đáng nhận những phần thưởng cao quý của đông đảo công chúng trong thời đại chúng ta đang sống hiện nay.

Vệ Nhi g-th  
   

------

Bài trên trannhuong.com:

<><><><><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><><><><> <><><><><><><><><><><><><><><><><><>
NHÀ VĂN XỊN

của tác giả Trương Tuần



Văn chương ở trên trời

Văn nhân tít mù khơi

Bao trầm luân mặt đất

Việc gì bận đến tôi


Vì cường thịnh đất nước

Vì phẩm giá con người

Hai, ba nào cùng hát
Tiến lên anh em ơi...
Nguồn: http://trannhuong.com/news_detail/12944/NHÀ-VĂN-XỊN


-----------


Bài trên lethieunhon.com:

THẾ GIỚI ẢO, GIÁ TRỊ THẬT VÀ ĐỜI SỐNG VĂN NGHỆ NHIỄU NHƯƠNG



PHAN CUNG VIỆT


10:46 - 13/02/2012 | Chuyện mục : Ý kiến - đối thoại] 

Nhà thơ Phan Cung Việt nhận định: “Ở ta xưa nay chỉ toàn độc những “quan báo”, “quan sách”, “quan hội hè”… Trong khi đó bạn đọc và công chúng văn học của một đất nước có bề dày hiểu biết và khao khát văn chương nghệ thuật. Một nhà văn nhà thơ quốc doanh xịn, tự vỗ ngực này nọ, cao đàm khoát luận như thánh nhân, chưa hẳn đã hiểu biết và có sự nồng nhiệt khát khao văn chương thẩm mỹ bằng một người ẩn sĩ vô danh ở ngóc ngách xóm làng, ngõ phố. Bởi vậy các trang mạng ra đời trao cho họ sự đọc, sự cảm thụ , sự tin yêu. Và biết đâu từ đó họ vào cuộc. Mùa màng văn chương nghệ thuật mai hậu không phải ở cái bề nổi phèng la mà ta đang thấy, mà sự kì vọng đích thực ở cái vùng tiềm ẩn khuất danh này chăng?”


Tôi chỉ xem đây là một ý kiến nhỏ. Không phải của một nhà văn nhà thơ gì, mà chỉ của một người có mặt hàng ngày trong đời sống văn học. Bởi lúc này những “ ý kiến nhớn” xem ra khó kết luận đồng thuận. Hơn nữa từ thực tiễn mà nói là hay hơn cả, ít cãi nhau hơn cả.

Trước hết cũng phải có dăm câu ba dòng. Rằng đời sống văn học nghệ thuật hiện nay cầm cự được cũng nhờ sự cố gắng rất lớn của bộ phận quản lí, chuyên trách. Và phải nói là cũng có nhiều sáng kiến tâm huyết. Nhưng, lại xin thưa nhưng, lãnh vực nào cũng khó, riêng lãnh vực món ăn tinh thần này càng khó hơn. Người thưởng thức, người tự nguyện có mặt đều đặn trong lãnh địa này, cảm thấy khô khan thiếu thốn. Người lao đông trực tiếp vẫn thấy vắng lặng cô đơn. Đó là sự thực.

Hằng ngày tìm được một tờ báo, một ấn phẩm là rất khó. Tiền nong, thời gian, phương tiện…đủ cả. Và hình như ngày một khó. Mừng thay cuộc sống đã ban tặng, đã từ thiện , một thành tựu khoa học công nghệ. Người ta vào mạng để biết để học, để phản biện hoặc tự phản biện, để nâng cao chất lượng sống, để dinh dưỡng cảm thụ mỹ học và tâm hồn.

Các trang mạng tôi đọc, hầu hết là các trang mạng chuyên văn học nghệ thuật, có đóng góp rất lớn ở hai mặt: Thông tin và Phản biện. Khi đang “đói khát” thì được tiếp sức. Khi đang bực bội buồn chán thì được thông tin để lấy lại thăng bằng. Vào thăm nhà các bạn mạng thân thiết nhận được hơi ấm đồng nghiệp, cả sự giản dị…Tức là dân chủ công bằng văn minh. Tức là chân lí hoặc cận chân lí. Vậy là tạm ổn để vui sống.

Đó là chưa nói ở ta xưa nay chỉ toàn độc những “quan báo”, “quan sách”, “quan hội hè”…Trong khi đó bạn đọc và công chúng văn học của một đất nước có bề dày hiểu biết và khao khát văn chương nghệ thuật. Một nhà văn nhà thơ quốc doanh xịn, tự vỗ ngực này nọ, cao đàm khoát luận như thánh nhân, chưa hẳn đã hiểu biết và có sự nồng nhiệt khát khao văn chương thẩm mỹ bằng một người ẩn sĩ vô danh ở ngóc ngách xóm làng, ngõ phố. Bởi vậy các trang mạng ra đời trao cho họ sự đọc, sự cảm thụ , sự tin yêu. Và biết đâu từ đó họ vào cuộc. Mùa màng văn chương nghệ thuật mai hậu không phải ở cái bề nổi phèng la mà ta đang thấy, mà sự kì vọng đích thực ở cái vùng tiềm ẩn khuất danh này chăng ?

Xin phép lấy mình ra mà suy. Hàng ngày không có các trang mạng bạn bè thì hẳn tôi buồn lắm. Tiền chỉ đủ thuốc thang cơm cháo, tìm nguồn ở những hội hè giao lưu này nọ nhiều khi cũng thấy vô bổ. Hàng ngày vào mạng, nhất là trang của những người bạn tin cậy, hiểu biết , tri âm. Để học , để làm mới, để tiếp sức, để chống cô đơn…Tôi xin cám ơn các trang mạng bạn bè : trannhuong.com

 http://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/
http://lethieunhon.com/
http://trieuxuan.info/
http://quechoa.info/


Tôi nghĩ trước hết Hội Nhà văn và Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật nên có sự đánh giá xác đáng, kịp thời sự đóng góp của những trang mạng này vào đời sống văn chương nghệ thuật. Và điều này mới là quan trọng: Hằng năm , cùng với tặng thưởng tác giả tác phẩm, cần có tặng thưởng cho những trang mạng có nhiều đóng góp. Trao tặng một cách bình đẳng như các hoạt động sáng tạo khác. Bởi rõ ràng đó là một tác phẩm văn chương nghệ thuật, hoặc là một sáng tạo công nghệ truyền thông .Và có thể các lĩnh vực thông tin khoa học khác, cũng nên trao thưởng như vậy.

Vì sự đóng góp đích thực, khoa học , công bằng. Vì sự nghiệp chung mà !

Mổ Phè, 2.2012

Nguồn: http://lethieunhon.com/read.php/5649.htm


Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...