Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

Nếu ông Tập Cận Bình nói đúng


Nếu ông Tập Cận Bình nói đúng


* Nội bộ Trung Quốc qua góc nhìn của truyền thông nước ngoài

Ông Tập nói rằng Đảng “đang là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được trong sạch hóa”.

Vẫn ý ông Tập, là “những tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng”.

 Ai cũng biết - và chính điều này các đảng cộng sản cầm quyền ở nước nào cũng công khai nói vậy - đó là nguyên tắc đảng lãnh đạo toàn diện, nên trong thực tế tại Trung Quốc, khi mà tất cả những chức vụ quan trọng từ cấp thấp nhất đến cấp lãnh đạo cao nhất, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm trong tay đảng viên, vì thế ông Tập Cận Bình lo ngại rằng “đảng cộng sản đã biến thành nơi chia chác chốn đình chung; và nếu vậy thì vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân nữa”…

Trên đây là những ý ông Tập Cận Bình phát biểu tại một trường đảng hồi đầu tháng này mà vừa đây công bố trên cơ quan lý luận chính thức của Đảng cộng sản Trung Quốc, tạp chí Cầu Thị. Nên nhớ ông Tập phát biểu như vậy với tư cách chính thức là phó chủ tịch nước Trung Quốc, sắp lên làm chủ tịch và tổng bí thư đảng thay ông Hồ Cẩm Đào, điều đó chắc chắn là bắn đi một tín hiệu như thế nào đó trong cuộc tranh giành quyền lực nội bộ đang gay gắt hiện nay ở Trung Quốc.

Tuy nhiên ở đây chúng ta không bàn tới khía cạnh đó. Mà chỉ muốn nói, nếu vấn đề đã công khai như vậy trước đảng viên và công chúng cả nước Trung Quốc, điều đó cho thấy ở cấp cao nhất của đảng này đã phải công nhận thực tế mọt ruỗng sâu xa trong bộ máy đảng nắm giữ toàn bộ quyền lực, chỉ rõ những khuyết điểm và khiếm khuyết rất lớn của cán bộ đảng viên và bộ máy. Và từ đó có thể suy rộng ra toàn cảnh đất nước này, với độ xuống cấp thê thảm như thế, thì chắc chắn tình hình chung trong xã hội Trung Quốc phải nói đang đối mặt với nhiều vấn đề hết sức phức tạp.

Trở lại đầu bài, nếu những vấn đề ông Tập nói là đúng thì quả đất nước Trung Quốc đang trong một quá trình khủng hoảng về mặt cầm lái dẫn dắt xã hội, ở mức độ không phải là không nghiêm trọng.

Chuyện là của họ nhưng chúng ta cũng không thể bình chân, coi là chuyện đâu đâu... Bởi những căn bệnh trầm kha trong đảng lãnh đạo ở ta cũng được chính vị tổng bí thư phân tích không kém độ nghiêm trọng và quyết liệt tại Hội nghị trung ương 4; và mới đây nhất, tại hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai việc thực hiện nghị quyết chỉnh đốn đảng, cũng lại được nhấn mạnh một lần nữa.

Không sa vào lý luận dài dòng, hãy cùng điểm lại những tường thuật và nhận xét ngắn gọn của truyền thông báo chí Phương Tây nhìn vào sự kiện Tập Cận Bình đăng đàn mới đây ở Trung Quốc để từ đó tạo lập một cái nhìn khách quan và thực chất hơn về Trung Quốc hiện nay.

Vệ Nhi g-th



-------

Bài trên Đài Pháp RFI:

Tập Cận Bình: Đảng Cộng sản Trung Quốc là nơi tập trung mọi thối nát     

Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chờ đợi lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 14/03/2012.
Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang chờ đợi lễ bế mạc kỳ họp Quốc hội tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 14/03/2012.
REUTERS/Jason Lee

Tú Anh

Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định là nhân dân Trung Quốc gần như mất hết tin tưởng vào đảng Cộng sản. Lời tuyên bố này mới được công bố hôm nay 16/03/2012 trong bối cảnh tranh giành quyền lực ở cấp thượng tầng cùng lúc với lời cảnh báo của Thủ tướng Ôn Gia Bảo về nguy cơ xảy ra một vụ « Cách mạng văn hóa » như trong thập niên 60.

Theo tuyên bố của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thì đảng Cộng Sản mà ông sắp lên lãnh đạo vào vào tháng tới đây chỉ là nơi tập trung thành phần giá áo túi cơm cần phải được « trong sạch hóa ».

Những tệ nạn trong đảng cầm quyền suốt hơn 63 năm tại Trung Quốc là « thiếu lý tưởng, sa đọa, vô nguyên tắc và vô trách nhiệm đã xâm nhập mọi cấp đảng viên » với những mức độ khác nhau và làm mất uy tín trong dân chúng.

Bài phát biểu của lãnh đạo tương lai Trung Quốc được trình bày tại Trường Đảng hồi đầu tháng Ba và mới được công bố hôm nay trên báo đảng Cầu Thị, một ngày sau khi xảy ra vụ thanh trừng cách chức Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, thế hệ « hoàng tử đỏ ».

Theo AFP, vào lúc tất cả những chức vụ quan trọng tại Trung Quốc, từ cấp thấp nhất đến cấp lãnh đạo, từ trong chính quyền đến lãnh vực kinh tế, xí nghiệp, đều nằm trong tay đảng viên, ông Tập Cận Bình lo ngại rằng đảng Cộng sản đã biến thành nơi chia chác chốn đình chung. Vào đảng là để có cơ hội vinh thân phì gia, chứ không phải vì lý tưởng hay mục đích cao đẹp phụng sự đất nước và nhân dân.

Lãnh đạo tương lai của Trung Quốc nhận định : "Nhiều người gia nhập Đảng không phải vì chủ nghĩa Mác hay để nỗ lực xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa theo màu sắc Trung Hoa, hoặc là để chiến đấu cho đến giọt máu cuối cùng cho chính nghĩa cộng sản, mà họ vào Đảng vì được hưởng đặc quyền đặc lợi cá nhân".

Nhân vật sắp lên thay Hồ Cẩm Đào nhấn mạnh đến yếu tố mà ông gọi là « ý thức hệ trong sáng » để duy trì « tinh thần sáng tạo và tính chiến đấu». Sở dĩ đảng viên đảng Cộng sản Trung Quốc bị mất tín nhiệm, bị sa đọa là do « tư tưởng không trong sáng ».

Câu hỏi đặt ra là làm cách nào để kiến tạo « sự trong sáng » nơi người cộng sản Trung Quốc ?

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến giải pháp « củng cố tổ chức, kiểm soát việc kết nạp đảng viên , tăng cường giáo dục và thanh tra ». Sau cùng là « thanh lọc hàng ngũ một cách kiên quyết, khai trừ những phần tử thoái hóa nghiêm trọng không thế cứu vãn ».

Một ngày sau khi thanh trừng Bạc Hy Lai, lãnh đạo đảng Cộng sản tại Trùng Khánh, những lời tuyên bố đao to búa lớn này được giới quan sát xem là dấu hiệu của những xung khắc gay gắt trong nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo giáo sư Willy Lam, đại học Hồng Kông, thì Bạc Hy Lai là nạn nhân của cuộc tranh giành quyền lực giữa phe xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản do Hồ Cẩm Đào thống lĩnh và phe « con ông cháu cha » được gọi là giới hoàng tử đỏ như Bạc Hy Lai.

Phải ngăn chận được « phe bảo thủ » thì phe tạm gọi là « cải cách » mới có thể hy vọng kéo dài đặc quyền sau khi thế hệ Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ra đi. Thực chất thì cả hai phe đều thi hành chính sách áp bức với dân từ hơn 60 năm qua.

Thủ tướng Ôn Gia Bảo có vẻ không yên tâm cho tương lai của chế độ. Thứ Tư vừa qua, ám chỉ cuộc nổi dậy của dân oan làng Ô Khảm chống bất công và tham nhũng, Ôn Gia Bảo tuyên bố không loại trừ Trung Quốc sẽ gặp biến động mà ông gọi là « một bi kịch » như cuộc cách mạng văn hóa thời Mao nếu không « cải cách » kịp lúc.

Tuy nhiên, cũng như những lần kêu gọi trước, Thủ tướng Trung Quốc không nói rõ là « cải cách gì và cụ thể ra sao ».

Chuyên gia Jean-Philippe Beja thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp dự báo sẽ còn nhiều « diễn biến » bất ngờ trong thời gian tới.


Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20120316-dang-cong-san-trung-quoc-la-noi-tap-trung-cua-thoi-nat


------


Bài trên Đài Anh BBC:


Ông Tập Cận Bình kêu gọi đoàn kết

Tập Cận BìnhCập nhật: 08:58 GMT - thứ sáu, 16 tháng 3, 2012                 

Người được xem sẽ là lãnh đạo kế tiếp của Trung Quốc kêu gọi Đảng đoàn kết trong một diễn văn công bố hôm nay - một ngày sau vụ cách chức Bí thư Trùng Khánh.

Phó Chủ tịch nước, Tập Cận Bình, cũng nói uy quyền của Đảng bị suy yếu vì "tình trạng thiếu kỷ luật" trong một số đảng viên.
Bài viết trên tạp chí Cầu Thị - tờ báo lý luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc - dựa trên một diễn văn mà ông Tập đọc ở Trường Đảng Trung ương Trung Quốc hôm 1/3.

Nhưng giới phân tích nói việc cho đăng báo hôm nay là dấu hiệu giới chóp bu muốn ngăn ngừa hậu quả nguy hiểm của việc đấu đá nội bộ.

Ông Tập Cận Bình được cho là sẽ kế nhiệm ông Hồ Cẩm Đào ở chức Tổng Bí thư năm nay trước khi trở thành Chủ tịch Trung Quốc năm 2013.

Bài báo của ông viết: "Gìn giữ sự trong sạch tư tưởng cũng là bảo vệ đoàn kết của Đảng."

"Mọi quyết định lớn đều phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Chúng không thể được quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm người."

"Mọi quyết định lớn đều phải nghiêm khắc tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Chúng không thể được quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm người."
                                                                       Tập Cận Bình

Ông Tập Cận Bình không hề nhắc tên ông Bạc Hy Lai, nhưng đoạn sau đây có thể được diễn dịch như sự chỉ trích vị cựu Bí thư quen thuộc với giới truyền thông.

"Nếu anh muốn khoe khoang, lừa phỉnh quần chúng, tìm kiếm vật chất và quyền chức, nếu anh không hướng tới những mục tiêu cao hơn, thì không chỉ khó mà tiến hành công tác của Đảng và nhân dân, mà còn hủy hoại hình ảnh của Đảng, làm nhân dân thất vọng, và mất lòng tin."

Nhiều phân tích gia cho rằng ông Bạc Hy Lai sa cơ vì ông công khai vận động cho ghế vào Thường vụ Bộ Chính trị, và phong cách của ông - người cho là xông xáo, kẻ cho là mị dân - đã đe dọa hệ thống lãnh đạo tập thể.

Trái ngược với ông là sự kín đáo của ông Tập Cận Bình - nhiều người thừa nhận họ không thể biết ông sẽ là một lãnh tụ thế nào.
Ông Bạc Hy Lai, người nắm chức bí thư của Trùng Khánh từ năm 2007, bị cách chức vì liên quan vụ Vương Lập Quân, cựu giám đốc công an thành phố, người đã tìm cách lánh nạn trong Lãnh sự quán Mỹ trước khi bị bắt.

Chương trình tin tức của truyền hình Trùng Khánh ngày 15/3 đưa tin ông Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã chủ trì hội nghị cán bộ lãnh đạo tại Trùng Khánh.

Ông Lý được dẫn lời: "Sự điều chỉnh chức vụ lãnh đạo là do tác động chính trị nghiêm trọng từ vụ Vương Lập Quân."

Tuy vậy, một số nhà phân tích ở đại lục cho rằng ông Bạc Hy Lai sẽ không phải chịu những trừng phạt nặng nề như vụ bí thư Thượng Hải Trần Lương Vũ trước đây.

Dẫu sao ông vẫn là con của Bạc Nhất Ba, một trong những công thần số một của Đảng.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/03/120316_xi_jinping_speech.shtml





Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...