Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012

Bà Đặng Bà Yến chấp nhận việc bãi miễn nhưng vẫn thanh minh


Bà Yến chấp nhận việc bãi miễn nhưng vẫn thanh minh...

Sau khi nhận "tín hiệu" xấu đánh đi từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội (100% số đại biểu được hỏi ý kiến tán thành bãi miễn) đương nhiên bà Yến buộc phải nói lời chấp nhận, nhưng vẫn kèm cả loạt những dẫn chứng thanh minh như mình là một "nạn nhân" của một thứ thủ tục, hướng dẫn khai lý lịch không rõ ràng, hướng dẫn "không đầy đủ"...

Tờ báo điện tử VnExpress ngày chủ nhật, 22/4, đã đưa bài phỏng vấn bà Đặng Thị Hoàng, toàn văn dưới đây. 

Vệ Nhi g-th

--------


Đại biểu QH Hoàng Yến: "Tôi chấp nhận việc bãi nhiệm"

Không ngăn nổi cảm xúc khi đối thoại với báo chí sáng 21/4, đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, đã gửi đơn tới Quốc hội xin chấp nhận việc bãi nhiệm.


Trong trang phục áo hoa xanh nhạt với khăn quàng cổ cùng tông, bà Đặng Thị Hoàng Yến dành hơn 2 tiếng để đối thoại với chừng 20 nhà báo tại Khu công nghiệp Tân Đức - Long An, nơi bà làm Chủ tịch HĐQT, xung quanh việc tư cách đại biểu Quốc hội của bà đang bị xem xét.

* Bà nghĩ sao khi 100% đại biểu đều đồng thuận kiến nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà, trong khi bà khẳng định mình đã "rất trung thực"?

- Tôi hiểu, mong muốn của cử tri được biết về những đại biểu mà họ đã bầu là hoàn toàn chính đáng. Nhưng chuyện của tôi là tai nạn hoàn toàn không mong muốn.

Theo tôi, Ban tổ chức đã không làm tốt việc hướng dẫn kê khai lý lịch. Khi tôi làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, nhận hồ sơ từ Sở Nội vụ, không ai hướng dẫn cần phải khai như thế nào. Tôi hiểu rằng các biểu mẫu khai lý lịch là do Hội đồng bầu cử trung ương quy định, thống nhất phát hành cả nước, nhưng các thông tin hướng dẫn không đầy đủ.

Tôi tự khai hồ sơ. Ngày 14/3 tôi nộp hồ sơ ở Sở Nội vụ, Sở yêu cầu bổ sung một số nội dung. Ngày 18/3 hạn cuối nộp hồ sơ, tôi nộp lại và Sở nhận mà không yêu cầu khai tên chồng ly hôn.

Tôi tin trong số các đại biểu Quốc hội hiện nay cũng có những trường hợp tương tự tôi, hầu như không ai khai ly hôn cả.

* Bà cho rằng lỗi ở đây là do Ban bầu cử không hướng dẫn kê khai?




- Nếu nói là lỗi của Ban bầu cử thì cũng không đúng. Mọi người đã thực hiện theo trách nhiệm của mình, chỉ là không có ai nghĩ sẽ xảy ra việc như hôm nay. Nếu tôi nghĩ có ngày như hôm nay thì tôi đã làm khác, đã khai đầy đủ thông tin về chồng hay đã được kết nạp Đảng nhiều năm trước.

Về những thiếu sót trong các biểu mẫu khai của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ Hội đồng bầu cử khóa sau sẽ bổ sung chặt chẽ và hoàn thiện hơn để không ai vướng vào trường hợp giống tôi.

* Bà nghĩ thế nào về khả năng sẽ bị bãi nhiệm tư cách đại biểu?

- Thông tin một chiều gần một năm qua khiến nhiều cử tri khắp cả nước hiểu không đúng sự việc. Cá nhân tôi thấy tiếc là vì tôi mà nhiều cơ quan, đồng chí, cử tri bị chất vấn.

Việc phải xem xét bãi nhiệm tư cách của tôi là đúng, nhưng sẽ có người không tâm phục khẩu phục trong bối cảnh đất nước hội nhập như hiện nay. Tôi là một trong 3 thành viên được Chính phủ cử tham gia Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, do đó việc bãi miễn càng phải làm cho rõ.

Tôi cũng đã viết đơn trình bày, sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, nhưng yêu cầu làm rõ 3 vấn đề.

Thứ nhất: Việc khai theo biểu mẫu không đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri khác xa với việc khai không trung thực;

Thứ hai: Đề nghị làm rõ nhiều đại biểu khác trong tình trạng hôn nhân như tôi có ai khai trong hồ sơ không;

Thứ ba: Từ tháng 11/2011 tôi đã có văn bản gửi Ban công tác đại biểu Quốc hội, phản ánh bản lý lịch của tôi đã bị sửa đổi, tẩy xóa viết thêm bằng tay. Tôi đã yêu cầu làm rõ nhưng đến nay chưa nhận được trả lời.

Tôi đang chờ kết luận của Ban công tác đại biểu Quốc hội.

* Bản lý lịch của bà đã bị tẩy xóa, chỉnh sửa nội dung nào?

- Bản lý lịch đã bị sửa đổi ở phần khai hôn nhân. Tôi khai không có chồng; không hiểu lý do vì sao bị cạo sửa và thay vào bằng thông tin người chồng đã mất. Việc khai tên người chồng đã mất của tôi thì không có gì sai bởi dù sao anh ấy cũng là chồng tôi và là cha của 2 con tôi. Nhưng vấn đề là tại sao người ta tẩy xóa rồi buộc tội tôi làm hồ sơ lem nhem?

Võ đoán là không nên, tôi kiến nghị làm rõ.




* Từ nay đến thời điểm Quốc hội họp, bà sẽ chọn lựa cách ứng xử nào với cử trí bầu ra bà?

- Chắc chắc tôi vẫn tiếp xúc với cử tri, nếu tôi không gặp gỡ là có lỗi với cử tri dù có bị bãi nhiệm. Tôi không phải là kẻ hèn nhát. Tôi đủ dũng khí để đối mặt với mọi việc. Theo tôi, cuộc đời con người quan trọng không chỉ riêng việc nghĩ cho cá nhân mà còn phải lo cho gia đình, người thân. Việc của tôi, tôi phải giấu ba tôi nhưng cuối cùng ông cũng biết. Hôm qua ba tôi (83 tuổi), đang bị tai biến mạch máu não, lẩy bẩy đi ra khuyên tôi đừng buồn (bà Yến dừng lời, rút khăn lau nước mắt).

* Trở thành đại biểu Quốc hội hơn một năm nay, nghiệm lại bà đã thực hiện được những gì cho cử tri?

- Nhiều người hỏi, sao tôi hay phát biểu ở nghị trường. Tôi nói nếu vào Quốc hội mà hèn nhát, không dám nói thì tôi xin ra.

Ngay từ kỳ họp thứ nhất, tôi phát biểu phân tích tỷ lệ thu thuế Việt Nam chiếm 27-28% GDP cả nước, cao nhất Châu Á. Sau đấy Chính phủ ra nghị quyết 2012 thu thuế kéo xuống 22-23% GDP. Kỳ họp thứ hai tôi phát biểu cảnh báo hơn 3.000 hồ thủy lợi như quả bom nguyên tử, vỡ thì ảnh hưởng lớn đến dân. Hiện nay, Thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt là một ví dụ cho cảnh báo này. Mới đây, tôi cũng đã đề cập đến loại tội phạm mới liên quan đến ngân hàng, lợi dụng chính sách thôn tính doanh nghiệp.

* Bà nói gì về khả năng từ nhiệm trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội họp xem xét tư cách đại biểu Quốc hội của bà?

- Tôi đã làm đơn gửi Quốc hội và nói rõ tôi sẵn sàng chấp nhận mọi quyết định của tổ chức, Quốc hội. Tôi lấy làm tiếc là các đại biểu, tổ chức đã tốn nhiều thời gian cho tôi trong khi đất nước còn nhiều vấn đề khác cần lo hơn.

Tôi xin chấp nhận việc bãi nhiệm.

Phan Anh - Hữu Công






Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...