Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2012
Quá nhơ bẩn và nhẫn tâm
Quá nhơ bẩn và nhẫn tâm!
Gần đây ta nghe nhiều về thịt thối, về các loại thực phẩm nhiễm bẩn, về các thứ thuốc tăng trọng gia súc gia cầm, thuốc tạo nạc cho lợn nuôi..., những thứ thuộc về của "ngọc thực" kia được mua bán trên thị trường Việt Nam một cách nghiễm nhiên tự do, chỉ khi bị phát lộ mới gây ầm ĩ dư luận, điều ấy đã làm mọi người hoang mang và lo lắng - nhất là các bà các chị nội trợ.
Từ lâu nhiều chuyện tương tự làm hàng nhái hàng giả, những của thiu thối, bỏ đi được chế biến, tái chế, thậm chí phù phép bằng hóa chất độc hại để biến thành của ăn được đã có những nguồn tin hé lộ là các thứ đồ quái quỷ kia có xuất xứ từ nước ngoài, nói cụ thể phần lớn là từ nước láng giềng phương Bắc. Việc ấy là thật, nó nói lên điều gì thì ai cũng biết. Chỉ có điều khó hiểu là ở những biện pháp ngăn chặn, chống trả, tức phải có những thiết chế nhà nước, những hành lang pháp lý và biện pháp cụ thể vừa đúng luật, vừa cao tay và kiên quyết thì mới "tiêu diệt" được tận gốc rễ vấn đề... thì hiện chưa thấy xuất hiện - hoặc có thì cũng yếu ớt, chẳng triệt để, nên kết quả là chuyện này cứ tái diễn lặp đi lặp lại hoài...
Hôm nay nhận thư mail của nhóm bạn bè tôi gửi cho nhau nói về một chuyện khủng khiếp hơn nhiều: Là những túi thạch thơm ngon làm quà cho con trẻ không ai có thể nghĩ rằng nó được làm từ chính những đôi giày cũ nát các gia đình thải ra.
Nhân chuyện làm đồ ăn, làm quà bánh ở bên nước các ông bạn láng giềng Trung Quốc tôi bất chợt nhớ đến những ngày còn đi làm, cụ thể là các cuộc họp giao ban báo chí.
Hồi đó mỗi khi thấy tờ báo nào đó đưa tin rộ lên chuyện các ông bạn bên phương Bắc làm ăn "bậy bạ" như hàng nhái hàng giả, các đồ dùng vật dụng hằng ngày gây độc hại cho người tiêu dùng, các thứ đồ chơi ảnh hưởng xấu tới cả đời sống tinh thần cũng như sức khỏe của con trẻ... thì thường bị các cấp quản lý báo chí nhắc nhở theo hướng thận trọng. Cái ý truyền tới các vị tổng biên tập cả nước lúc đó phải chăng được hiểu là chúng ta phải thận trọng, nhìn sự việc bình tĩnh..., là chớ có hùa với thông tin phương tây, hùa với những nước khác ở đâu đâu người ta thiếu thiện chí nói "không có cơ sở", hoặc cao hơn gắn cho cái mũ "chạy theo luận điệu xuyên tạc của kẻ địch" nói xấu Trung Quốc là mốt bây giờ trên thế giới (vì TQ đang trỗi dậy)... Ghê và lạ không? Cái gì cũng có thể bị quy kết vào mấy cái sự vớ vẩn, chính trị hóa tào lao đó...
Thì hôm nay mọi người chúng ta hãy đọc những dòng dưới đây cùng những bức ảnh đi kèm. Lại từ chính nguồn tin của công dân Trung Quốc họ phát giác ra.
Chuyện là thế này: Ngày 9/4 vừa qua, trên blog của Triệu Phổ - một biên tập viên nổi tiếng của đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV đăng tải khuyến cáo của anh và một số phóng viên đồng nghiệp, người tiêu dùng không nên sử dụng trân châu, thạch hoa quả vốn là những món khoái khẩu của nhiều người, nhất là trẻ em.
Theo điều tra của nhóm phóng viên này, rất có thể những túi thạch thơm ngon làm quà cho con trẻ hay bạn đang thưởng thức được làm từ chính đôi giày cũ mà bạn bỏ đi. Một lần nữa dư luận Trung Quốc lại dấy lên hồi chuông báo động về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có công nghệ hô biến giày rách thành thạch hoa quả, kem sữa chua hay trà trân châu.
Giày rách, áo da cũ được nghiền nát chế thạch hoa quả
Collagen dùng trong thực phẩm để tạo ra các món giải khát khoái khẩu trong mùa hè như kem, trân châu, thạch hoa quả... thông thường được chiết xuất từ da và xương động vật tươi sống. Tuy nhiên do hám lợi, rất nhiều cơ sở sản xuất các loại thực phẩm này sử dụng nguồn collagen công nghiệp chủ yếu lấy từ rác thải của công nghiệp giày da.
Từ các mảnh da vụn thu gom từ các nhà máy sử dụng da nguyên liệu sản xuất giày, ví hay các đôi giày da, ví da, thắt lưng da sau khi sử dụng đã cũ, rách được gom lại tái chế và chiết xuất ra nguồn collagen rẻ tiền. Những hóa chất có trong đó là mối đe dọa không nhỏ cho sức khỏe của cộng đồng, nhất là khi mùa hè sắp đến, nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm này ngày càng tăng cao.
Quy trình sản xuất
Công nghệ biến giày rách thành thạch hoa quả: Giày rách, các mảnh da phế liệu sau khi được thu gom cho vào máy nghiền, ngâm nước 3 ngày, sau đó được lọc qua nước sạch, vắt đi vắt lại khoảng 4 giờ, pha dung dịch lọc được với muối để 1 ngày, pha thêm lưu huỳnh để 4 tiếng rồi cho vào nồi đun sôi, để nguội, pha thêm Hydrogen peroxid để làm trắng ngâm tiếp 8 tiếng là có ngay thạch, trân châu thô. Số nguyên liệu này được sắt thành miếng hoặc viên nhỏ đổ cho các đầu mối sản xuất đồ uống giải khát, sau khi đã pha thêm phẩm màu và hương liệu để cho ra các loại thạch hoa quả hương vị khác nhau.
Khó ai ngờ những thứ rác rưởi này có thể làm ra thạch
Ông Vương Kính Trung, Chủ tịch hiệp hội Collagen Trung Quốc cho biết, một tấn collagen nguyên liệu dùng trong thực phẩm có giá 2000 đến 3000 nhân dân tệ, trong khi 1 tấn collagen nguyên liệu "bẩn" làm từ giày rách chỉ có giá 100 đến 200 nhân dân tệ, chính sự chênh lệch giá cả này khiến cho nhiều doanh nghiệp bất chấp các quy định pháp lý và đạo đức kinh doanh, sức khỏe người tiêu dùng, ngày ngày vẫn cung cấp cho các lò sản xuất đồ uống giải khát với số lượng không thể kiểm soát.
Mẻ trân châu bẩn mới ra lò
Mùa hè sắp đến, nhu cầu sử dụng các đồ uống giải khát có thạch, trân châu, collagen ngày càng tăng, người tiêu dùng cần hết sức cẩn thận khi lựa chọn kẻo tiền mất, tật mang.
Theo nguồn tin nước ngoài
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...
-
Ông Trần Đình Bá và Đề án MỞ RỘNG & HIỆN ĐẠI ĐƯỜNG SẮT QUỐC GIA Trong nhiều năm nay ông Trần Đình Bá là một người có nhiều ý ...
-
Kể chuyện Myanmar 10 Bài 10. Văn học nghệ thuật Myanmar Tác giả CHU CÔNG PHÙNG BÀI 1 - http://vinhnv43.blogspot.com/201...
-
Kể chuyện Myanmar - bài 12 Xin giới thiệu bài cuối trong chùm bài (12 bài) của tác giả Chu Công Phùng hiện đang làm việc tại Myanmar gửi ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét