Thứ Tư, 4 tháng 4, 2012

Tổng thống không được "ăn gian"

Tổng thống không được “ăn gian”




Người thường cũng không gian nữa là người đứng đầu một đất nước! Nói đi thì thuận vậy, nhưng nói lại thì vẫn có chuyện của nó đấy.

Vấn đề ở đây là khi có sự ăn gian, người dân thường rất dễ bị phát giác. Trong khi đó kẻ có quyền thế bao giờ cũng có những cơ chế - khéo léo hoặc trâng tráo - nhằm bao che giấu diếm chối phắt.

Nên trong các thể chế dân chủ người ta tạo mọi điều kiện để người dân mở miệng. Nhân dân hoàn toàn có quyền phát giác các khiếm khuyết của bộ máy quyền lực. Và bằng những hành động hợp pháp phi bạo lực, người dân biểu hiện chính kiến của mình qua lá phiếu tín nhiệm, qua bầu cử hoặc trưng cầu ý dân. Thông thường và thường xuyên là họ sử dụng qua đơn thư khiếu nại tố cáo đích danh tới cơ quan công quyền, tòa án; mặt khác thông qua công luận báo chí truyền thông giúp sức. 

Trường hợp bên Hungary vừa đây là một ví dụ điển hình. Vụ lùm xùm dối trá bằng cấp của ông tổng thống đương nhiệm xảy ra từ mấy tháng trước cũng do dân và báo chí phát lộ. Cũng tưởng rằng dẹp yên được nhưng rồi lại bùng nổ trở lại!

Hôm 2/4 vừa qua ông Schmitt Pál đã phải chính thức tuyên bố rằng mình từ chức tổng thống. Nay việc này chỉ còn chờ một sự duyệt y của Quốc hội theo quy định là trong vòng nửa tháng tới.

Bước rung chuyển quyền lực cấp tối cao ở Hungary chỉ có duyên cớ từ một sự “đạo văn”. Chép “công trình lao động” của người khác thôi mà mất hẳn một chức vụ tổng thống cho thấy sự kiểm soát quyền lực của một thể chế dân chủ phát huy hiệu quả như thế nào. Nếu ở các chế độ độc tài - hoặc mang danh dân chủ nhưng là giả vờ, tức dân chủ ít thực chất -  thì ngay cả những chuyện tày đình to gấp trăm ngàn lần chuyện đạo văn cũng đều bị tảng lờ hoặc giấu nhẹm.

Cũng nên nhớ là ông S. Pál đạo văn là từ thời học xong ngành Y, và đã từng là một bác sĩ có kiến thức thì mới được làm tiếp luận văn tiến sĩ tại trường y khoa đó. Chứ ông không phải loại cán bộ học tại chức cóc nhảy đâu nhá. Mà sai sót trong bản luận văn tiến sĩ là ông Pál chép ra một số kiến thức và lập luận của người khác “quên” không nói nguồn mà thôi. Nhưng ở tất cả các nước phát triền, người ta không được phép làm như thế trong nghiên cứu khoa học. Hơn đâu hết công việc này phải thật sự trong sạch!

Sự việc tưởng đi vào quên lãng. Mấy thập kỷ qua đi rồi thế mà khi ở ngôi cao, ông S. Pál vẫn không nằm ở biệt lệ nào. Và ông ta vẫn chịu một sự chỉ trích nghiêm khắc. Đủ thấy cái cơ chế kiểm soát quyền lực ngặt nghèo đến thế nào ở một thể chế dân chủ thực sự.

Xem đó một cơ chế mà phát huy tối đa quyền dân chủ của người dân và có một sự cạnh tranh chính trị trong xã hội thì tự nhiên bộ máy quyền lực được kiểm soát tốt hơn. Nó tránh hoặc giảm được lạm quyền. Lợi ích người dân có được hưởng hay không còn lệ thuộc vào nhiều điều khác nhưng riêng việc khống chế lạm quyền và bộ máy bị kiểm soát đã làm người dân dễ thở đi nhiều.
 

Từ chức tổng thống chỉ có đạo văn, đạo văn xảy ra từ rất lâu rồi, câu chuyện ở một nước bên Đông Âu đáng để chúng ta suy ngẫm.


Vệ Nhi

-----


Xem tin đăng trên một trang mạng tiếng Việt ở Hungary:


DÍNH ÁN ÐẠO VĂN, TỔNG THỐNG HUNGARY TỪ CHỨC

[02.04.2012 15:30 - Nhịp Cầu Thế Giới Online]

Vào hồi 13 giờ 16 phút chiều hôm nay, thứ Hai 2-4-2012, Tổng thống Hungary Schmitt Pál đã từ chức trong phiên họp của Quốc hội Hungary sau bê bối đạo văn đã khiến ông bị Ðại học Y khoa Budapest tước học vị tiến sĩ vào cuối tuần trước.



Tổng thống Schmitt Pál khi bước vào phòng họp của Quốc hội Hungary... - Ảnh: index.hu

Trong đoạn cuối của bài phát biểu dài hơn 5 phút, ông nói rằng ý muốn của Thượng đế và lòng tin của các dân biểu Hungary đặt ông trước nhiệm vụ nặng nề. Hiến pháp Hungary định nghĩa tổng thống biểu thị sự thống nhất của dân tộc và ông Schmitt Pál cho rằng, điều này đối với ông có nghĩa là, trong tình trạng hiện tại, ông cảm thấy có bổn phận phải chấm dứt nhiệm vụ của mình, tức là từ chức nhiệm kỳ tổng thống.

Các dân biểu phe cầm quyền đã đồng thanh đứng dậy vỗ tay trước quyết định ít nhiều có thể là đột ngột và bất ngờ của ông Schmtt Pál. Theo nguồn tin của index.hu, cho đến tối hôm qua, ông Schmitt Pál vẫn chưa muốn từ chức. Tối Chủ nhật, ông đã gặp vợ, bà Makray Katalin (khi đó đang tham gia chuyến hành hương ở vùng Dobogókő), và dường như ông còn bảo vợ “tôi không từ chức”.

Sự từ chức (bằng văn bản) của ông sẽ có hiệu lực nếu được Quốc hội Hungary chấp nhận. Trước mặt, dường như đơn tưù chức chưa được nộp chính thức lên Quốc hội. Trong vòng 15 ngày, các dân biểu có thể quyết định đề nghị tổng thống nghĩ lại. Nếu ông Schmitt Pál vẫn bảo lưu quyết định của mình, sự từ chức của ông sẽ là dứt khoát.

Theo Luật về tổ chức Quốc hội của Hungary, sau khi đơn từ chức được thông qua, Chủ tịch Quốc hội Kövér László (người trước đây đã cực lực phản đối việc đảng của ông, FIDESZ, muốn đưa ông Schmitt Pál lên ghế tổng thống) sẽ giữ cương vị Tổng thống Lâm thời, và Quốc hội sẽ chỉ định ra một Chủ tịch Quốc hội Lâm thời trong số các Phó Chủ tịch Quốc hội đương nhiệm.

Một điều đáng chú ý: cho dù khẳng định sẽ không kiện cáo Ðại học Y khoa trong phát biểu tối thứ Sáu tuần trước, nhưng đến Chủ nhật, ông Schmitt Pál đã nói thêm rằng, Hội đồng Trường lẽ ra không có quyền tước học vị của ông, chỉ có tòa mới có quyền làm việc đó, và đặt câu hỏi tại sao Ðại học Y khoa lại bỏ qua MAB (Hội đồng Nhà nước có nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Hungary) khi ra quyết định này.

Sáng hôm nay, phát biểu trên Ðài Phát thanh Kossuth (MR1), Chủ tịch MAB Balázs Ervin khẳng định việc Ðại học Y khoa Budapest tước học vị dr. univ. của ông Schmitt Pál là hợp thức. Vậy mà trong phát biểu trước Quốc hội, một lần nữa thay đổi quan điểm, ông Schmitt Pál lại thông báo rằng ông sẽ kháng nghị quyết định của trường vì nó vô đạo đức và bất hợp pháp: “Nếu cần, tôi sẽ chứng tỏ cái lý của mình thông qua tòa án!”.


*

Ngay sau khi ông Schmitt Pál tuyên bố từ chức, mạng tin index.hu đã thu thập một số dấu hiệu mà theo họ, qua đó, có thể nhận ra việc tổng thống Hungary đã thay đổi quan điểm “giữ ghế đến cùng” trước đây của ông:



... và sau khi tuyên bố từ chức - Ảnh: index.hu

- Ông Schmitt Pál thông báo ông muốn phát biểu trước Quốc hội. Cho dù đây là quyền của tổng thống, nhưng trước nay ông chưa sử dụng nó bao giờ.

- Trong
phiên họp của nhóm nghị sĩ đảng cầm quyền FIDESZ sáng hôm nay, Thủ tướng Orbán Viktor có nói bóng gió đến suy nghĩ của ông về một Tổng thống Cộng hòa sau ông Schmitt Pál.

- Giữa buổi họp, ông Orbán Viktor nhận được một cú điện thoại từ tổng thống, và lập tức chạy tới Dinh Tổng thống (Cung Sándor).

- Nội dung trên trang chủ chính thức của Văn phòng Tổng thống Cộng hòa không được thay đổi, không có các bài trả lời phỏng vấn của tổng thống hôm thứ Sáu và Chủ nhật tuần trước, không có các chương trình của tổng thống trong tháng Tư, thậm chí không có cả tin tổng thống sẽ phát biểu trước Quốc hội hôm nay.

- Hai tờ báo cánh hữu thân chính quyền “Dân tộc Hungary” (Magyar Nemzet) và “Câu trả lời của Tuần” (Heti Válasz) đều giục giã tổng thống từ chức.

- Cuối cùng, ngày hôm qua, tổng thống đã dùng bữa trưa một mình (vợ ông đang đi hành hương), và đây là dịp rất thích hợp để ông có thể suy nghĩ thấu đáo mọi việc.


*

Như vậy, ông Schmitt Pál là tổng thống đầu tiên của Ðệ tam Cộng hòa Hungary rời nhiệm sở trước khi hết nhiệm kỳ. Theo luật định, mặc dù từ chức nhưng ông Schmitt Pál vẫn được hưởng một số “đặc quyền đặc lợi” như được lương tháng từ nay đến cuối đời, bằng 39 lần mức cơ bản của công chức (tính theo hiện tại là 1.507.350 Ft - chưa trừ thuế - hàng tháng).

Cho đến cuối đời, ông Schmitt Pál được đảm bảo nhà công vụ (nếu mất trước phu nhân thì vợ ông sẽ được hưởng) với các khoản chi phí điện, nước, sưởi, tiền sửa chữa... miễn phí; ông được dùng xe công vụ và tài xế, được có một Ban Thư ký (2 người), được hưởng các dịch vụ y tế VIP... và đặc biệt, được sử dụng đến cuối đời cách xưng hô “Tổng thống Cộng hòa”.

Bất bình vì điều này, một số dân biểu đối lập đã đề xuất một dự luật, theo đó, một tổng thống phải từ chức trong những hoàn cảnh bất xứng như ông Schmitt Pál phải bị cắt bỏ những đặc lợi.



Trần Lê tổng hợp, theo index.hu

Nguồn: http://nhipcauthegioi.hu/modules.php?name=News&op=viewst&sid=3315






Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...