Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Xuyên Việt ký sự

Xuyên Việt ký sự


5/4



Hôm nay anh em chúng tôi ở câu lạc bộ hưu trí bộ ngoại giao bắt đầu một chuyến đi dài xuyên Việt, suốt từ 5/4 đến 5/5, tức 1 tháng liền. Với các vị đã trên 70 hoặc xấp xỉ tuổi đó thì đây là một chuyến đi có ý nghĩa cả về sự thăm thú nhiều vùng lạ của đất nước cũng như về mặt sức khỏe. Nghĩa là một bài luyện, bài thử sức khỏe của mình. Tách ra khỏi môi trường quen thuộc gia đình con cháu, một chuyến đi dài ngày như vậy nó "đo đếm" được bản thân mình có còn khỏe không? Và quan trọng hơn với người cao tuổi, nó còn cho mình biết là còn những ham muốn tìm hiểu gì không ở trên đời này khi nhìn thấy và tiếp xúc với những điều không quen thuộc hàng ngày lúc sống đều đều ở Hà Nội.

 
...…

... Xe xuất phát từ cổng Bộ lúc hơn 5g30 sáng một chút. Đoàn chúng tôi lúc này 41 người trong đó có 2 lái xe chính phụ. Tin từ câu lạc bộ cho biết các ghế sẽ kín 46 chỗ kiểu xe lớn Hundai khi các thành viên khác nhập đoàn ở Đà Nẵng, Đà Lạt và Tp Hồ Chí Minh...

Như nhiều chuyến đi có một sự công phu chuẩn bị và bắt tay tổ chức như thế này, nhất là được chính bác Nguyễn Văn Phán làm trưởng đoàn, các thành viên ai cũng yên tâm và phấn chấn. Bác Phán là thành viên ban chủ nhiệm câu lạc bộ, một con người có rất nhiều kinh nghiệm tổ chức các chuyến đi địa phương vì nghiệp vụ khi tại chức của bác Phán là lễ tân ở bộ ngoại giao nên đương nhiên bác Phán đã đi nhiều nơi trên đất nước, lại là con người hợp và thích xê dịch nên quá phù hợp với vai trò người dẫn dắt đoàn trong suốt bất cứ cuộc hành trình dài ngày nào nhiều năm nay của câu lạc bộ chúng tôi...


     Bắt đầu dải đất hẹp miền Trung từ tỉnh Hà Tĩnh - bên là biển cả bên là rặng núi Trường Sơn

 
Mới sáng ra, đường còn vắng vẻ nên chiếc xe bon bon vượt nhanh qua vùng ngoại ô Hà Nội, trước là phần đất của tỉnh Hà Tây.


Cũng như mọi chuyến đi khác sáng nay bác Phán vẫn một câu nói quen thuộc với tụi tôi là đi đâu cái quyết định thành công trên 50% phụ thuộc vào thời điểm xuất phát. Theo bác Phán, phải thật khẩn trương, kỷ luật đúng giờ khi xuất phát thì suốt chặng là thoải mái và gây sự hứng thú khởi đầu cũng như suốt chuyến đi. Chứ nếu uể oải, trễ nải, hoặc cứ mỗi người một phách ở cái giờ phút thượng lộ lên đường thì y như rằng sẽ bị vấp, hoặc có sự rắc rối chuyện dọc đường, hoặc là anh em bạn bè đồng hành có thể gây khó chịu cho nhau... Nên bác Phán chúa ghét thành viên nào chậm chạp, bắt bao người khác phải chờ đợi mỗi khi con xe du lịch sắp lăn bánh…

Thế mà sáng nay vẫn cảnh 41 người đợi… một người! Lý do bất khả kháng, là người lái ta-xi đón bác thành viên này đến chậm do cô vợ trở dạ đẻ. Tất nhiên bác phải đi đến điểm hẹn bằng phương tiện khác nên bị “trục trặc”. Tuy nhiên xe chỉ xuất phát chậm mất 5 - 7 phút gì đó so với kế hoạch định ra.

Thôi thì cho qua. Bắt đầu kể chuyện dọc đường.


Không thấy cần ghi gì dọc đường vào đến Ninh Bình. Rồi kế tiếp là Thanh Hóa nữa cũng vậy. Chắc là đoạn đường này đã đi lại nhiều lần nên thành ít hứng thú quan sát?

Chỉ có cái đáng ghi ra đây nhất là đường xá nhiều đoạn ở mấy địa phương này vẫn xấu quá vì đang chữa chạy, mở rộng lanh tanh bành. Xe cứ như thể rùa bò, con xe nọ chờ tốp xe kia... Thương những "bác tài" ngồi trên xe gắn máy thoải mái hít bụi đường. Người viết những dòng này khi ở Hà Nội đi lại thường xuyên bằng xe gắn máy quá hiểu cảnh ngộ khốn khổ đó...

Chắc rằng các ông tài đủ các loại xế hộp đang lăn bánh là sốt ruột hạng nhất, nhất là đối với cánh xe chở khách luôn luôn đặt trong đầu óc các con tính kinh doanh và kiếm miếng ăn làm thuê lái thuê.


12g30,



Tới Vinh: Nghỉ ăn trưa tại nhà khách của Ủy ban tỉnh. Thành phố Vinh, thủ phủ tỉnh Nghệ An vẫn dáng vẻ và những âm thanh rất địa phương “như xưa” - cái mà người xứ bắc mình gọi là "Nghệ ngữ".


Rộng dài và khắp nơi vẫn cảnh đông đúc. Đông như quân Thanh quân Nghệ là vậy (không phải quân Nguyên nhé, xin các bác Thanh-Nghệ chớ tự ái). Không những người Nghệ An đông trên đất Vinh mà người Nghệ, ngữ Nghệ (như trên viết, là nói giọng Nghệ An) đều như có mặt khắp nơi trên toàn đất nước, với mật độ đông đảo khó tỉnh nào sánh kịp, ngoại trừ là Thanh Hóa.


… Một chút ghi riêng tại Hà Tĩnh. Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc vùng Bắc Trung Bộ. Trước đây, Nghệ An cùng với Hà Tĩnh là một miền đất có cùng một tên chung là Hoan Châu (thời Bắc thuộc). Vùng đất rộng bắc sông Lam là Nghệ An, còn phía nam dòng sông lớn này là Hà Tĩnh, cả vùng trải qua những biến thiên lịch sử, có luật nhập lại 1 tỉnh, lúc lại tách ra riêng biệt (mới đúng mới phù hợp và vậy mới cùng nhau phát triển được).

Ngồi bên tôi là anh Đinh Tích, người Đức Thọ Hà Tĩnh. Nên tôi cũng nghe được vài câu chuyện ở quê hương của anh.


                                                      Một góc nhìn con sông Lam


Buổi tối nay đến Cửa Tùng tra mạng biết Hà Tĩnh vừa đi qua là một dải đất hẹp tây giáp Lào và đông giáp biển rộng 6.056km², với gần 1,3 triệu người (điều tra dân số ngày 01/04/2009).

Hà Tĩnh là một vùng đất nằm trên dải đất miền Trung phía nam sông Lam, thiên nhiên không mấy ưu đãi, nhưng lại được coi là nơi "địa linh nhân kiệt". Nhiều làng quê ở Hà Tĩnh nổi tiếng văn chương, khoa bảng và ý chí và nghị lực đều vững chãi kiên cường. Nhiều anh hùng, danh nhân Việt Nam xuất thân từ Hà Tĩnh.

Vài ba ví dụ dẫn ra đây: Núi Hồng Lĩnh với 99 ngọn cùng sông Ngàn Phố, sông Ngàn Sâu và sông La, sông Lam là nguồn cảm hứng cho các thế hệ thi nhân, nhạc sĩ. Núi Hồng Lĩnh là một trong số các địa danh được khắc vào Bách khoa toàn thư cửu đỉnh hiện đang đặt tại cố đô Huệ.
Các danh nhân lớn của dân tộc ở đây có nhiều. Cụ Nguyễn Du với kiệt tác Truyện Kiều là rất tiêu biểu. Mai Hắc Đế, Nguyễn Biểu, Đặng Tất, Nguyễn Thiếp La sơn phu tử, Phan Huy Ích, Ngô Văn Sở, Phan Huy Chú, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn và rất nhiều khuôn mặt sáng giá khác của đất nước đều là người Hà Tĩnh.

Thật đáng tự hào bạn Đinh Tích nhỉ, tôi nói đùa với vị chuyên gia về Thụy Điển này của bộ ngoại giao. Anh cho tôi biết, anh gắn với đất nước Thụy Điển cũng như các quốc gia vùng Bắc Âu này gần ba chục năm khi đương chức làm việc. Ấy vậy mà cuối đời công chức anh chưa một lần làm đại sứ ở vùng Bắc Âu mà dun dủi (run rủi?) thế nào của số phận, anh Đinh Tích lại nhận chức vị đại sứ ở một quốc đảo tại vùng châu Á là Philippines.

Thôi tạm nghỉ. Những ngày tới ghi tiếp.



22g30, Cửa Tùng Quảng Trị


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...