Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Chính sách chiến hạm

Chính sách chiến hạm

Xưa nhóm từ ngữ này thường dùng cho Mỹ, đúng hơn là "đế quốc Mỹ". Nay dùng nó với Trung Quốc trong chính sách của họ ở Biển Đông thì cũng không có gì khiên cưỡng cả.

Với những người theo dõi sát tin tức các hãng thông tấn quốc tế đưa ra gần đây thì rõ. Mới đây để lấn tới trong việc sẽ khoan được dầu ở Biển Đông, nhiều tàu chiến TQ đã được triển khai ở vùng biển này. Mục đích ai cũng rõ là đe dọa các quốc gia có biển, trước hết là Philippines, là yêu cầu họ phải ngừng sự phản kháng của mình đối với việc TQ đưa giàn khoan khổng lồ 958 ra khoan thăm dò. Địa điểm đặt giàn là gần bãi cạn Scarborough/ TQ gọi là Hoàng Nham -  mà Philippines cho là của họ.

Xem ra lần này cách làm của TQ không chỉ là hùng hổ ngổ ngáo ra mặt mà xem ra thực chất của hành động là vừa ngạo mạn vừa rất quyết liệt, như là cách muốn bắt nạt cho bằng được quốc đảo này. 

Làm vậy không phải Bắc Kinh chỉ có ý "trị" một mình quốc gia hoàn toàn độc lập Philippines. 

Không thể không nghĩ đến tình cảnh của Việt Nam lúc này. Chúng ta vốn đang có những tranh chấp cơ bản với Trung Quốc về biển đảo - đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Những hành động bắt nạt đe nẹt Philippines rõ ràng là TQ còn nhắm tới cái đích khác, như một kiểu bắn tiếng, "cảnh cáo" Việt Nam. 

Và vì vậy, đương nhiên Việt Nam mình không thể chỉ thúc thủ, kiểu "cháy nhà hàng xóm" mà "bình chân như vại" cho được!

Vệ Nhi g-th 

------

XIN MỜI ĐỌC THAM KHẢO MỘT SỐ THÔNG TIN DƯỚI ĐÂY



Trên báo Thanh Niên điện tử:


Trung Quốc điều tàu chiến đến gần Philippines

 

Trung Quốc đã điều năm tàu chiến tối tân đến gần Philippines sau khi đưa ra cảnh báo rằng Bắc Kinh chuẩn bị cho mọi hành động leo thang trong vụ tranh chấp tại đây.

Theo truyền thông Nhật, máy bay do thám của Lực lượng phòng vệ Nhật lần đầu tiên phát hiện nhóm tàu Trung Quốc ở cách đảo Okinawa 650 km về phía tây nam trong hôm 6.5, sau khi chúng băng qua eo Miyako và hướng về phía nam.

Đây là năm tàu chiến thuộc hạm đội Nam Hải của Trung Quốc, gồm hai tàu khu trục lớp 052B Quảng Châu và Vũ Hán; hai tàu hộ vệ lớp 054A Ngọc Lâm và Sào Hồ; và một tàu tấn công đổ bộ lớp 071 Côn Lôn Sơn.

Các tàu đó đã rời đảo Hải Nam và đi qua eo biển Đài Loan trước khi rẽ phải ở vị trí cách Đài Loan 180 km, theo tờ Taipei Times hôm 10.5.

Với trọng tải 18.000 tấn, tàu Côn Lôn Sơn là một trong những tàu chiến lớn nhất của hải quân Trung Quốc.

Tàu chiến này có thể chở theo một đội quân tiếp viện lên đến 800 lính thủy cùng xuồng đổ bộ và trực thăng cỡ vừa. Nó từng tham gia vào các chiến dịch chống cướp biển ở vịnh Aden vào năm 2010.
Sau khi tiến vào Thái Bình Dương, các con tàu đã tiến hành các sứ mệnh huấn luyện trực thăng và sắp xếp đội hình chiến thuật tại vùng biển quốc tế nằm giữa Đài Loan và đảo chính Luzon của Philippines.
Tờ Hong Kong Standard dẫn lời các chuyên gia nhận xét các con tàu dường như đang diễn tập tình huống khẩn cấp trong lúc di chuyển với tốc độ tối đa.

Trong khi đó, các tường thuật từ Philippines nói rằng có số lượng lớn tàu bè Trung Quốc, chủ yếu là tàu cá, tại bãi cạn Scarborough, trung tâm trong vụ đối đầu căng thẳng giữa hai nước từ vài tuần qua.
Có khoảng 33 tàu Trung Quốc được phát hiện cách đây hai ngày sau khi có 14 chiếc được nhìn thấy vào tuần trước..

Tin của Pv Sơn Duân

----------
... và bản tin trên BBC:

 


Chiến tranh đến gần?
Tàu Trung Quốc chạm trán tàu chiến Philippines ở Biển Đông
Cuộc đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc ở một bãi cạn trên Biển Đông đã leo thang đến mức độ nguy hiểm

Căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc xung quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham đang ngày càng leo thang không có điểm dừng và dường như đang ở bờ vực của một cuộc xung đột vũ trang.
Mới đây, tờ Hoàn cầu thời báo đã có một bài xã luận mạnh mẽ kêu gọi chiến tranh với Philippines trên Biển Đông.
Trong các diễn biến khác, Trung Quốc đã cảnh báo công dân nước này ở Manila tránh ra đường do các cuộc biểu tình chống Trung Quốc dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
Trong lúc này, các công ty Trung Quốc cũng tạm dừng đưa du khách của họ đến Philippines do tình cảm chống Trung Quốc đang dâng cao ở người dân nước này.

‘Đến lúc hành động’

Dưới tiêu đề: ‘Hòa bình chỉ là chuyện trong mơ nếu khiêu khích vẫn tiếp diễn’, bài xã luận có giọng điệu rất hiếu chiến này được đăng trên trang mạng của tờ Hoàn cầu thời báo hôm thứ Tư ngày 9/5.
Vốn là phụ bản của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, Hoàn cầu thời báo là tờ báo có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và thường xuyên cất tiếng nói đe dọa các nước láng giềng có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Hoàn cầu thời báo thì lý do Trung Quốc cần có hành động chiến tranh với Philippines là vì đối với Trung Quốc thế đối đầu ở Đảo Hoàng Nham ‘là vấn đề chủ quyền’ và đã đến lúc ‘Philippines cần bị đánh bại’.

“Nếu không thì sự quấy nhiễu của các tàu Philippines sẽ không bao giờ chấm dứt vì họ nghĩ rằng sẽ không mất mát gì cả để làm nhục Trung Quốc chỉ để phục vụ ý đồ đoàn kết người dân của họ,” bài xã luận viết.
"Philippines cần được dạy một bài học về tinh thần dân tộc quá hung hăng."
Hoàn cầu thời báo

Tờ báo này nhận định “tình hình đã leo thang đến giai đoạn mà Trung Quốc cần phải giành được chiến thắng”.

Thậm chí, ngay cả khi “cái giá mà Trung Quốc phải trả vượt quá sự mường tượng” thì hành động chiến tranh vẫn cần thiết vì, theo Hoàn cầu thời báo, “kéo dài cuộc khủng hoảng (ở Scarborough/Hoàng Nham) chỉ làm tổn thương đến sự đoàn kết của Trung Quốc”.

“Hòa bình là xa xỉ nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng.”

“Ngay bây giờ, Manila rất muốn khuấy động tình hình với việc dư luận người dân nước này đang thể hiện một tinh thần dân tộc quá khích và nhà cầm quyền (Philippines) hiện nay đang lợi dụng tình cảm này để củng cố quyền lực,” bài báo viết.

“Trong tình hình đó, Philippines cần được dạy một bài học về tinh thần dân tộc quá hung hăng.”
Theo đánh giá của Hoàn cầu thời báo thì một hành động đáp trả quyết đoán của Trung Quốc vào lúc này sẽ nhận được “sự ủng hộ rộng rãi của người dân Trung Quốc” và rằng nếu thế đối đầu hiện tại leo thang thành một cuộc xung đột quân sự thì “cộng đồng quốc tế cũng đừng lấy làm ngạc nhiên”.
"Một hành động đáp trả quyết đoán của Trung Quốc vào lúc này sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân Trung Quốc"
Hoàn cầu thời báo

Bài xã luận cũng cho rằng “không nên thổi phồng” những “hậu quả chính trị của việc dùng vũ lực để đáp trả lại sự khiêu khích của Philippines.”

“Giải quyết cuộc khủng hoảng ở Đảo Hoàng Nham có thể sẽ dẫn đến những hậu quả phức tạp, nhưng hậu quả này không nghiêm trọng đến mức phải hy sinh vận mệnh quốc gia của Trung Quốc,” bài báo viết.

“Phải làm cho thế giới thấy được quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc.”

‘Nhân dân phẫn nộ’

Người dân Philippines đốt cờ Trung Quốc trong một cuộc biểu tình trước cơ quan ngoại giao nước này
Tình cảm chống Trung Quốc đang gia tăng ở Philippines


Tờ báo này cũng nhắc lại việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lưu ý với Philippines rằng Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ để đáp trả lại các động thái leo thang tranh chấp của Manila.

Theo Hoàn cầu thời báo thì lời cảnh báo này cho thấy Trung Quốc đang đánh tiếng rằng họ sẽ “không loại trừ sử dụng vũ lực”.

Đến hôm nay là tròn một tháng xảy ra cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham mà cả hai nước đều cho là thuộc chủ quyền của mình.

Vụ việc xảy ra vào ngày 10/4 khi hai tàu hải giám Trung Quốc xuất hiện ngăn cản tàu chiến của Philippines đang tìm cách bắt giữ ngư dân Trung Quốc bị phát hiện ‘đánh bắt trộm’ hải sản thuộc diện tối nguy ở vùng biển này.

“Philippines đã phớt lờ những cảnh báo liên tiếp (của Trung Quốc) kể từ khi họ khơi mào cuộc khủng hoảng ở Đảo Hoàng Nham hồi tháng Tư,” bài xã luận cho biết và nói rằng “dường như Philippines thấy cần phải hành động cứng rắn khi thế bế tắc tiếp diễn”.

“Người dân Trung Quốc đang cảm thấy khó hiểu trước các hành động khiêu khích liên tục của Philippines,” bài báo viết.
"Nếu thế đối đầu hiện tại leo thang thành một cuộc xung đột quân sự thì cộng đồng quốc tế cũng đừng lấy làm ngạc nhiên."
Hoàn cầu thời báo

“Một cảm giác phẫn nộ đang hình thành ở đất nước vốn luôn chọn cách tiếp cận không ồn ào.”
Tuy nhiên, bất chấp ‘những nỗ lực của Trung Quốc, thậm chí với việc không loại trừ lựa chọn quân sự’, các tranh chấp ở Biển Đông khó có khả năng được giải quyết nhanh chóng.

“Trong quá trình dài hơi này, chính phủ Trung Quốc phải thể hiện lập trường và cho mọi người thấy nguyên tắc của mình.”

Trong khi đó, hãng tin Tân Hoa Xã của Trung Quốc cũng có bài xã luận nhan đề ‘Với việc Philippines gia tăng căng thẳng, nhân dân Trung Quốc đang cạn dần kiên nhẫn’, còn trang mạng của Nhân dân nhật báo đêm ngày 9/5 cũng đăng bài báo dưới tựa đề ‘Trung Quốc không phải cây cỏ mà không đánh
trả khi bị tấn công’.

BBC Hoa ngữ cũng đã hỏi ý kiến một nhà bình luận chính trị ở Singapore và người này trả lời rằng vào lúc này không thể loại trừ một cuộc xung đột quy mô nhỏ kiểu như cuộc chiến ngắn ở Quần đảo Hoàng Sa vào năm 1974.

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2012/05/120510_globaltimes_war_philippines.shtml


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...