Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Kỹ thuật hay Chính trị?

Kỹ thuật hay Chính trị?

Những ai chăm theo dõi những động thái đối ngoại xảy ra ở Biển Đông lâu nay đều biết đến nhiều tính toán mang ý đồ chiến lược dài hạn của các cường quốc. Trong số đó đương nhiên có Ấn Độ, một quốc gia Nam Á có chỗ đứng ngang ngửa mà chỉ có Trung Quốc hoặc Nhật Bản ở châu Á này mới sánh được. Có nghĩa là các nước cờ của New Dheli sẽ chẳng bao giờ chỉ tính đếm thuần túy tới đối nội mà đều nghĩ xa vượt ra ngoài biên giới. Đó cũng là thuộc tính bất di bất dịch xưa nay của các quốc gia tầm cỡ lớn rộng với nhiều lợi ích đan xen trong các quan hệ quốc tế.

Thế nên việc chính quyền nước này vừa mới đây bật đèn xanh cho tập đoàn dầu khí của họ ngững hợp tác thăm dò với Việt Nam ở vùng biển ngoài khơi Nha Trang (tỉnh Phú Khánh) là một tín hiệu không phải là khó hiểu lắm trong cuộc cờ chính trị ở Biển Đông hiện nay.

Sự kiện rút lui này nên được hiểu rộng ra trong bối cảnh Trung Quốc nằng nặc đòi hỏi chủ quyền về vùng biển rộng lớn này cũng như những áp lực có mùi chiến hạm và cả khói đạn nữa mà Bắc Kinh đã và đang triển khai giàn khoan dầu ở gần vùng tranh chấp với Philippines gây ồn ào dư luận suốt tuần qua.

Chưa hiểu bên trong cái quyết định của New Dheli ẩn chứa yếu tố đối ngoại đối nội gì nữa nhưng một khi phải rút một cam kết cũng có ý nghĩa chiến lược với Việt Nam như vậy là người ta nghĩ được ngay cái quả cân lợi ích đang nghiêng về đâu giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong những tính toán toàn cầu của cường quốc Nam Á này. 

Nên nhớ hồi giữa tháng 10 năm ngoái 2011, chính Ấn Độ và Việt Nam đều chủ động đẩy nhanh và sâu hơn sự hợp tác song phương - với chuyến thăm cấp cao của chủ tịch nước ta tới Ấn - rồi nhiều thỏa thuận được ký kết giữa hai quốc gia nhân dịp đó thì phải coi động thái "ngoại giao kinh tế" lúc này của New Dheli là một cái cách cài số lùi hơi khó giải thích. Càng thấy khó cắt nghĩa cho rành rõ khi người ta đối chiếu với những tuyên bố về sự phối hợp hợp tác chính trị và phát triển kinh tế mà hai phía đều đồng thuận công bố suốt lâu nay.

Vì vậy người ta càng lấy làm tiếc khi tạm đặt lên bàn cân quyết định rút hợp tác dầu khí với Việt Nam của Ấn Độ vừa qua phải chăng là do yếu tố chính trị đối ngoại chi phối chứ không phải trở ngại từ yếu tố ký thuật và kinh doanh?! Nếu đúng như vậy thì không chỉ là đáng tiếc mà còn là một nỗi buồn cho cả hai phía.

Tuy vậy, với tư cách và tư thế của một nước lớn trên thế giới như Ấn Độ, người ta vẫn kiên nhẫn chờ xem sự giải thích kỹ càng hơn nữa về sự việc này từ New Dheli trong những ngày sắp tới.

Xin mời bạn đọc tham khảo bản tin mới được phát đi về sự kiện này của một cơ quan truyền thông phương Tây - đài phát thanh quốc tế RFI của Pháp.    

Vệ Nhi g-th

-------

Ấn Độ đồng ý cho ONGC ngừng hợp tác với Việt Nam về dầu khí ở Biển Đông


Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC ( ảnh: en.wikipedia.org)
Một giàn khoan dầu của tập đoàn Ấn Độ ONGC (ảnh: en.wikipedia.org)

Bản tin của Trọng Nghĩa
Đúng như dự kiến, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã bật đèn xanh cho tập đoàn dầu khí quốc gia ONGC rút ra khỏi đề án thăm dò lô dầu khí 128 ngoài khơi tỉnh Phú Khánh đã được Việt Nam cấp phép. Khi loan báo tin trên, báo chí Ấn Độ vào hôm qua, 12/05/2012, ghi nhận là động thái đó có khả năng giảm nhẹ căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh.

Theo báo chí Ấn Độ, Bộ Ngoại giao nước này đã đề nghị với Bộ Dầu khí là nên để cho tập đoàn ONGC Videsh (OVL), toàn quyền quyết định – trên cơ sở "thương mại - kỹ thuật" - duy trì hay hủy bỏ hợp tác với Việt Nam trong đề án thăm dò lô dầu khí ngoài Biển Đông mà họ trúng thầu từ năm 2006. OVL là chi nhánh đặc trách các hoạt động quốc tế của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Ấn Độ ONGC.

Mới đây, tập đoàn ONGC đã có công văn gởi lên Bộ Dầu khí, xác nhận ý định từ bỏ đề án thăm dò lô còn lại trong số hai lô mà họ đã được Việt Nam trao quyền khai thác. Theo đúng thủ tục, Bộ Dầu khí đã xin ý kiến của Bộ Ngoại giao về vấn đề này trong một công văn đề ngày 10/04 ghi rõ là ý định của OVL muốn rút khỏi đề án thăm dò lô 128 " hoàn toàn căn cứ vào các thẩm định về mặt kỹ thuật và thương mại ".

Theo OVL, các cố gắng liên tiếp của họ nhằm khoan giếng tại khu vực đó đều không thành công, đáy biển quá cứng, do đó nếu tiếp tục thì sẽ rất tốn kém.

Một quan chức cấp cao của Bộ Dầu khí xác nhận : “Chúng tôi đã nhận được sự trả lời từ Bộ Ngoại giao để cho ONGC quyền quyết định rút hay không rút khỏi lô 128 ở Biển Đông, căn cứ vào các lý do kỹ thuật thương mại ".

Cũng theo báo chí Ấn Độ, trước đó, vào tháng 11/2011, các khó khăn và công nghệ đắt tiền cần phải có trong việc khoan dưới đáy biển tại khu vực đó cũng đã được thảo luận trong một cuộc họp giữa hai bộ Ngoại giao và Dầu hỏa.

Cho đến nay, mặc dù New Delhi luôn luôn khẳng định rằng hoạt động thăm dò dầu khí của họ tại Biển Đông mang tính chất thuần túy thương mại, Bắc Kinh vẫn luôn luôn coi đó là những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc. Với việc bật đèn xanh cho OVL từ bỏ lô khai thác còn lại ngoài khơi Việt Nam, Ấn Độ tạm thời không còn bị Trung Quốc công kích. Tuy nhiên, do việc New Delhi và Hà Nội đã quyết định tăng cường hợp tác năng lượng năm ngoái, những sự cố trong quan hệ Ấn Độ - Trung Quốc về hồ sơ Biển Đông không hoàn toàn biến mất.

Nguồn: http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20120513-an-do-dong-y-cho-ongc-ngung-hop-tac-voi-viet-nam-ve-dau-khi-o-bien-dong


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...