Thứ Hai, 16 tháng 7, 2012

Hai năm rõ mười

Hai năm rõ mười

Một bản "tóm tắt" cô đọng và quá rõ ràng (bài post dưới đây; bài đã đăng trên báo Tuổi trẻ online ngày hôm qua, 15/7), nó lý giải chính xác sự "ngả bài" của Campuchia sang lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ngẫm mà xem, và suy cho cùng, sự thể để xảy đến cả những điều mà mấy dòng trên đã gọi tên là sự "ngả bài" thì ta cũng chẳng nên coi là lạ, hoặc khó hiểu gì cả. Người ta đều đã tính toán ngã giá với nhau từ lâu - bằng cả tiền bạc và chính trị - thì việc "ông cho chân giò bà thò chai rượu" là lẽ tất nhiên phải xảy ra mà thôi.

Còn phía lãnh đạo ta, tôi không nghĩ là các vị nhà mình không biết. Với Trung Quốc thì ta đã kinh nghiệm đầy mình, trải qua quá nhiều bài học máu xương cả rồi. Còn Campuchia cũng "giúp bạn" tới mấy chục năm trường. Hy sinh mất mát không biết bao mà kể. Và rồi cũng "năm tao bẩy tiết" lời bấc tiếng chì với nhau chứ đâu mọi chuyện xuôi chèo mát mái...

Chỉ đáng trách là cái cách lép vế âm thầm nín nhịn quá lâu nay... Hoặc cứ cố đậy điệm những cái được gọi là ung với nhọt... Rồi lấy ngậm bồ hòn làm ngọt, coi đây là "phương châm xử thế" với người bên ngoài nên đối phương họ đâm nhờn nhã, tệ hơn là thỏa sức rắp tâm những tìm mọi lợi lộc trên lưng chúng ta, rình mò những "sơ hở chết người" của chúng ta, rồi thừa cơ mà thọc gươm giáo vào lưng vào sườn chúng ta. ừng bị nhiều lần như thế. Và chỉ đến khi ấy chúng ta mới giật mình tỉnh ngộ!... Đau là ở chỗ đó! 

Thì nay mà xem, đã rõ ràng cả rồi. Chu kỳ lại hình như lặp lại. Lần này một điều phải nhận thức sớm ngay! Là coi chừng cái vòng vây sẽ điệp trùng hơn các lần trước: Phía Bắc, rồi thêm suốt dải phía Đông như hiện nay là bị quây chặt... Và cũng chẳng mới một hướng nữa, vẫn là lặp lại thôi: Tây Nam.  

Vệ Nhi g-th

------


BÀI TRÊN BÁO TUỔI TRẺ TP HCM

Chuyện đã rõ

Từ đầu năm 2012 đến nay, liên tiếp diễn ra những chuyến thăm Campuchia của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao Trung Quốc cùng kèm theo những “món quà” có ý nghĩa. Vào thời điểm này, Campuchia lại đang giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN.



Ảnh trên: Ông Hun Sen tiếp ông Dương Khiết Trì trước AMM-45

Mở đầu là vào cuối tháng 2 với “món quà đầu tiên” khi Trung Quốc trợ giúp Campuchia trang thiết bị trị giá 430.000 USD để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN mà Campuchia là nước chủ nhà. Đón nhận sự trợ giúp này tại một buổi lễ ở trụ sở Bộ Ngoại giao Campuchia, Ngoại trưởng Hor Namhong đã mô tả nào là “Trung Quốc là nước đầu tiên chủ động trợ giúp dù Campuchia chưa chính thức lên tiếng”, nào là “Trung Quốc luôn là nước bạn bè số một của Campuchia và đã liên tục viện trợ cho Campuchia trên nhiều lĩnh vực”, nào là “món quà hôm nay rất đúng lúc và quý hơn giá trị thực tế của nó”, nào là “món quà của Trung Quốc hôm nay càng khẳng định thêm tình đoàn kết đặc biệt giữa hai nước sẽ ngày càng gắn bó trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư”!


Cuối tháng 3, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã thăm Campuchia với cam kết ủng hộ Campuchia trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và nỗ lực của phía Campuchia khi làm chủ tịch luân phiên ASEAN. Hai nước nhất trí tiếp tục quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện và ký một loạt văn bản hợp tác song phương.

Tiếp đó vào cuối tháng 5, chỉ vài ngày trước Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Phnom Penh, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã đến thăm Campuchia và cùng Bộ trưởng quốc phòng Campuchia Tea Banh ký nghị định thư về hợp tác song phương. Theo đó, Trung Quốc sẽ giúp Campuchia 20 triệu

USD để củng cố quốc phòng.  Ảnh: Ông Hô Nam Hong và ông Dương Khiết Trì 



Ngày 10-7, ngay trước thềm Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN và Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cũng đã có cuộc gặp trước với Thủ tướng Campuchia Hun Sen.


Đề cập đến những “món quà” của Bắc Kinh, TTXVN trong bản tin đã bình luận: “Nhiều nhà phân tích ở Campuchia nói rằng việc Trung Quốc chủ động giúp Campuchia càng làm dấy lên lo ngại gần đây về tính trung lập của Campuchia khi đề cập đến nhiều vấn đề nhạy cảm, trong đó có vấn đề biển Đông vốn là nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và nhiều nước ASEAN”.

Việc Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN không ra được tuyên bố chung xem như đã rõ.

Theo VIỆT PHƯƠNG - TRUNG NGUYỄN, báo TT (từ nguồn Phnom Penh Post, Reuters)


Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...