Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Kể chuyện cuối tuần: "Thần y" có hay không?

 

"Thần y" có hay không?



Dân mình hay đồn thổi lắm. Chuyện nhỏ nhiều khi vô thức thồi phù cái thành chuyện to.

Như cậu bé ở đâu đó biết chữ sớm hơn tuổi 5-6, đọc vài trang báo liền hoặc làm mấy con toán, đùng cái qua nhào nặn truyền tin thành vị thần đồng tí hon nổi đình đám.

Một bác lang vườn mới đầu vô danh, ngẫu nhiên từ nhiều cớ mà người đến chữa tự nhiên "biến mất bệnh", thế là hóa thần y, thu hút con bệnh nườm nượp cả tỉnh cả nước.

Riêng cái vế thứ hai của lời đồn thổi vừa dẫn ở trên như càng có cơ phát triển thời nay. Bởi lúc này sao mà lắm bệnh tật, bách bệnh túa ra đến khiếp hãi - môi trường sống xuống cấp lại thêm ăn uống buông tuồng... - nên cứ đồn là thầy bà chỗ này chỗ kia chữa được bệnh là nháo lên, hàng chục hàng trăm con người đổ xô tới xin chữa bệnh...

Rất nhiều vụ việc và trường hợp đã qua là các thày lang vườn chẳng biết tí gì về y lý cứ phán bừa; rồi cho cả đống thuốc lá lẩu. Lại có loại thầy thuốc chẳng cần chữa bệnh bằng thuốc thang mà chỉ hô hoán bắt quyết, rồi chỉ mặt gọi tên náo loạn bất quyết bệnh phải lui. Y hệt các trò hề... Tất cả tạo nên nhiều câu chuyện bi hài.
Nhớ lại nhiều vụ bùng phát đến mức báo chí công luận phải lên tiếng cảnh báo. Còn bộ máy hành chính công quyền lúc mới nhen tin thường cố ý lờ đi, nhưng đến lúc ầm ĩ quá thì cũng phải xông vào, và dùng quyền lực để dẹp yên.

Trong cái mớ lang thật lang giả - giả thường nhiều hơn thật - bao giờ chẳng gây nên các giá trị lộn tùng phèo. Người tử tế chữa được bệnh thật có khi lại hóa thành đồng bọn với kẻ cà trớn, bởi chưng tất cả đã mang tiếng xấu chung mất rồi.

Chuyện ông thầy tên Võ Hoàng Yên ngụ ở tỉnh Bình Phước chữa được nhiều tật bệnh khó chữa (như câm điếc, bại liệt, thoái hóa cột sống...) là một ví dụ điển hình, nhưng theo chiều ngược lại. Nghĩa là ông thầy này chữa được bệnh chứ không "bịp bợm". Tuy nhiên cũng pải qua "thử lửa" với thời gian dư luận và thiên hạ người ta mới dám nói như vậy.

Việc là cách đây hơn 1 năm rộ lên chuyện ông Yên nói trên chữa bệnh giỏi. Báo chí truyền thông rầm rĩ. Ngay tờ báo của tỉnh đảng bộ địa phương cũng nói tới với sự trân trọng (Mời xem: http://www.binhphuoconline.com/2011/04/binh-ph%C6%B0%E1%BB%9Bc-xu%E1%BA%A5t-hi%E1%BB%87n-%E2%80%9Cth%E1%BA%A7n-y%E2%80%9D-tr%E1%BB%8B-b%E1%BA%A1i-li%E1%BB%87t-cam-di%E1%BA%BFc-trong-vai-phut/). 

Bản thân chủ blog tôi dõi theo vụ này qua báo mạng khá kiên trì. Bởi từ lúc đài báo đưa tin, phải 4 tháng sau chính quyền địa phương mới xác thực ông Võ Hoàng Yên là người chữa bệnh đứng đắn, cấp giấy phép cho ông.

Rồi sự việc tiếp diễn để vừa đây, anh bạn ngành ngoại giao gửi cho chủ blog tôi và nhiều bạn bè anh một bài viết về "thần y" ở Bình Phước trên trang mạng của một tổ chức uy tín về đối ngoại - Hiệp hội UNESCO của Việt Nam (bài đây: http://www.nguoiduatin.vn/chua-cam-diec-bai-liet-chi%CC%89-trong-vai-phut-a4367.html)

Lại nữa, 15 tháng kể từ lúc xuất hiện chuyện "thày lang cấp tỉnh" Võ Hoàng Yên trên công luận thì mới đây trên báo điện tử Dân trí ngày 21/6/2012 có đưa lại bài trên báo Lao Động tái khẳng định giá trị câu chuyện chữa bệnh của lương y Bình Phước. 

Đấy là điều đáng mừng không chỉ với người trong cuộc mà cũng là câu trả lời cho những chuyện vàng thau trong cuộc sống là không thể lẫn lộn! Người lao động chân chính và kẻ mượn gió bẻ măng, những người lúc nào cũng muốn ăn chặn từ lòng tin người dân... là hai thái cực không thể chung sống và nhân nhượng với nhau được.  

Thần y như vậy là có thật và giả, và nhiệm vụ của xã hội lành mạnh là ủng hộ thày thuốc thật và tẩy chay những vị "thần y" dỏm.

Vệ Nhi g-th

-----

Sự thật về “thần y” Võ Hoàng Yên

Rất đơn giản, người thanh niên 37 tuổi ấy chỉ dùng tay, vận dụng sức lực toàn thân bấm, day huyệt đạo và kéo, co, duỗi tay chân của người bệnh. Thế nhưng, bao nhiêu giấy mực báo chí phải nói về anh.

Thầy Yên đang chữa bệnh ở Hà Tĩnh. Ảnh: H.V.U
Thầy Yên đang chữa bệnh ở Hà Tĩnh. Ảnh: H.V.U
Đặc biệt, có tới hàng ngàn người ngày đêm mong mỏi được anh... bấm, day huyệt đạo. Người yêu mến, nhớ ơn, “tấn phong” anh là “thần y”. Nhưng không ít người nghi ngờ, chê bai anh “kung-fu” bệnh nhân...

Thấm thía cái khổ, cái đau của người bệnh, Võ Hoàng Yên đã ra tay bấm, day huyệt giúp họ mà không đòi hỏi điều gì. Khi bị phạt hành chính tiền triệu, Võ Hoàng Yên vẫn nhẹ tênh: “Giúp người bớt khổ là tôi vui rồi”.

Hành nghề chỉ để... cứu người
Gốc dân huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, Võ Hoàng Yên với vóc người tầm thước, đặc sệt chất miệt vườn Tây Nam Bộ. Để bộ ria đen nhánh, Yên có vẻ già giặn hơn nhiều so với cái tuổi “băm” của mình. Năm 16 tuổi, Yên được vào chùa Hưng Long Tự học bốc thuốc nam, cách bấm huyệt chữa bệnh cứu người của những nhà sư. Không biết tự bao giờ, anh đã học cho mình cách bấm, day huyệt đạo tài tình, hiếm người nào có được. Tuy nhiên, cái tài bấm huyệt ấy chưa có dịp được thể hiện.

Cho đến cái bận, người chị của anh bị đau ruột thừa buộc phải phẫu thuật. Nhà nghèo, không kiếm đâu ra tiền, phải bán lúa đứng, mới đủ lo cho chị... Rồi tới người mẹ già yếu, ốm đau, chị em Yên phải tất bật mọi nơi, lại bán lúa, cầm sổ đỏ nhà cửa, đất đai mới có tiền, ngõ hầu cứu mẹ qua cơn bạo bệnh...
Thấm thía cái khổ, cái đau vì bệnh của người thân, cách đây 7 năm, Yên đã tự phát bấm, day huyệt chữa bệnh miễn phí cho bà con, láng giềng ở quê nhà. Người khỏi bệnh thì coi như... êm, nhưng có người không khỏi, tránh sao tiếng chê trách? Chính quyền không cho phép Yên chữa bệnh, phạt hành chính tiền triệu. Nhưng rồi, không ít người vẫn gõ cửa cầu xin Yên chữa bệnh.

Thấy bệnh nhân, không nỡ chối từ, Yên lại ra tay bấm, day huyệt như một nghĩa cử thiện tâm cứu người, mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Nhưng, lại bị cấm, lại bị phạt 2 - 3 lần, với mức tiền lên tới 9 triệu đồng, vì “hành nghề” chữa bệnh không phép(?!). Năm 2010, Yên lên Bình Phước, thấy không ít người bệnh bại liệt, câm điếc vật vã trong nỗi đau, Yên lại ra tay.

Chị Lê Thị Hà (52 tuổi) - ở thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước – bị tai biến liệt chân, không đi được đã gần 10 năm. Nghe Yên chữa bệnh ở chùa Quang Minh, thị xã Đồng Xoài, chồng và con chị Hà vội vã khăn gói, chở chị Hà vượt 60 cây số tới chùa Quang Minh. Chỉ vài thao tác dùng chai dầu và thỏi gỗ tròn đầu, ấn vào huyệt đạo nơi đầu gối, bàn chân, co, duỗi bắp cơ... của Yên, thật bất ngờ, chị Hà đứng bật dậy... chập chững bước những bước đi, sau gần 10 năm chị ngồi yên, bất động. Hàng trăm người dân xung quanh vỗ tay, nhìn Yên đầy thán phục. Chị Hà thì không cầm được nước mắt, buộc miệng gọi Yên bằng “thầy”, “thầy đã cứu tôi”...

Tiếng lành đồn xa, liên tục nhiều ngày liền ở chùa Quang Minh trong năm 2011, hàng ngàn người từ khắp các xã, huyện ở tỉnh Bình Phước và nhiều địa phương lân cận đã đổ về, chỉ mong mỏi được thầy Yên chữa bệnh. Hàng trăm người, với... 1.001 hoàn cảnh bệnh tật, như: Ông A bị xuất huyết não, liệt một bên chân, tay đã 15 năm; bà B bị câm điếc 5 năm; hay em H. có tới 16 năm không nghe, không nói được...



                                Ông Võ Hoàng Yên
Chỉ thao tác bấm, day vào mang tai người bệnh; sau đó, kêu người bệnh lè lưỡi, thầy Yên dùng tay bấm, giật cuống lưỡi sang trái, sang phải. Xong, cho bệnh nhân uống hớp nước. Thầy Yên vỗ tay, hô lớn “1, 2, 3, 4... 9, 10”, người bệnh luống cuống... hô theo. Thầy Yên tiếp tục “Nam mô ai di đà phật”, người bệnh cũng “Nam mô ai di đà phật”. Thầy Yên khoanh tay “Cảm ơn thầy!”. Người bệnh nói theo “Cảm ơn thầy!”. Thế là người bệnh... khỏi bệnh lúc nào không hay biết.

Chỉ trong 10 – 15 phút thầy Yên chữa bệnh bằng day, bấm huyệt tai, lưỡi, họ đã nói, đã nghe được – điều mà họ đã không thể làm được trong đằng đẵng hơn chục năm trời. Tiếng tăm vang xa khỏi tỉnh Bình Phước, thầy Yên “Bắc tiến” ra tận Hà Tĩnh để chữa bệnh. Ngay trong ngày chữa bệnh đầu tiên ở Hà Tĩnh, bà Đậu Thị Huệ - đã bị liệt không đi lại, không nói năng được trong suốt 15 năm - vậy mà chỉ qua vài động tác bấm huyệt, co, duỗi cơ, bà Huệ đã đứng dậy, rời xe lăn và nói lắp bắp trong niềm sướng vui tột độ của người con trai đứng kề bên.

Ông Lê Phùng Cửu - dân tộc Nùng, ở Lạng Sơn, 59 tuổi - bị tai biến gây điếc, không nói được hơn 1 năm nay. Nhiều lần qua Trung Quốc chạy chữa, bệnh cũng không khỏi. Lặn lội gặp thầy Yên, chỉ 3 lần bấm huyệt, day huyệt, không những ông Cửu nghe và bật nói được tiếng Kinh, ông còn phát âm được cả tiếng Nùng, mà suốt thời gian dài, ông không thể phát âm được một từ nào...
Thầy Yên đang chữa bệnh ở Bình Phước. Ảnh: H.U.V
Thầy Yên đang chữa bệnh ở Bình Phước. Ảnh: H.U.V
Tôi không ham được gọi là... thần y
Chưa từng được phong tặng bất cứ danh nghĩa nào; thế nhưng, với nghĩa cử chữa bệnh cứu người hoàn toàn miễn phí, trong số hàng ngàn người được thầy Yên chữa bệnh, có vô số người đã khỏi bệnh hoàn toàn hoặc tiến triển 70 – 80% ngay sau khi bấm huyệt đã không ngại ngần gọi Yên là “thần y”, rồi “lương y”.

Tuy nhiên, Yên trả lời rất rõ ràng: “Không phải tất cả các loại bệnh, tôi đều chữa khỏi. Nhóm bệnh tôi có thể giúp bà con là bại liệt, câm, điếc do nguyên nhân tai biến, xuất huyết não, có khi do bẩm sinh, với điều kiện cơ bắp người bệnh không bị tổn thương. Chính vì vậy, tôi không hề ham muốn gì là “thần y” cả. Tôi chỉ mong mỏi giúp người bệnh bớt khổ là vui lắm rồi, là hạnh phúc rồi”.

Thật vậy, có bao nhiêu người bệnh ngỡ ngàng, với bệnh tật đeo đẳng họ cả chục năm, tốn kém bao nhiêu tiền bạc, công sức, vẫn không hết. Vậy mà chỉ vài phút bấm huyệt, day huyệt của thầy Yên, không tốn một đồng xu cắc bạc nào, họ đã có thể đi lại bình thường, nói được những câu nói đầu tiên, dù chưa rõ ràng và nghe được âm thanh của thế giới xung quanh.

Với họ, thầy Yên là “thần y” cũng không ngoa. Trong “Tứ diệu đế”, có một mục gọi là “Khổ đế”, Đức Phật đã dạy: “Sinh ra là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, lo lắng – than thở - buồn rầu – tuyệt vọng là khổ, không đạt được điều mình ưa thích là khổ. Nói tóm lại, mọi thứ dính đến Ngũ uẩn là khổ”. Thầy Yên đã phần nào thấm được một cái khổ của con người do bệnh tật, đau được cái đau của đồng loại lỡ bị con bệnh hành hạ, nên không quản ngại bất cứ điều gì, cốt giúp mọi người bớt khổ.
Đơn giản vậy thôi, thầy Yên đã trở thành ân nhân của biết bao phận người trên khắp đất nước này.

Trung tướng, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Cốc – từng bắn rơi máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh – sau này bị bại liệt, đã nhờ thầy Yên bấm huyệt 6 lần, mà bệnh tật đã bị đẩy lùi. Gần đây, vào cuối năm 2011, nhà văn Lê Lựu – tác giả tiểu thuyết “Thời xa vắng” nổi tiếng - bị liệt đã 3 năm nay do xuất huyết não, cũng tới để thầy Yên bấm huyệt...

Theo Cao Nguyễn Hoàng Hưng
 (Lao Động)

Nguồn: http://dantri.com.vn/c20/s20-609548/su-that-ve-than-y-vo-hoang-yen.htm
Sự thật về “thần y” Võ Hoàng Yên Sự thật về “thần y” Võ Hoàng Yên
91094739

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...