Góp ý va vào đá tảng
(Một bức thư gây xôn xao
dư luận mạng)
Tôi nhớ là mình đã đọc được nhiều bức thư của các “công dân nhí”
gửi tổng thống thủ tướng của nước các em, rồi sau đó chúng nhận được thư trả
lời thật khiêm nhường và tử tế từ người lãnh đạo quốc gia của chúng tiếp thu
những góp ý, xác nhận những nguyện vọng đề đạt của các em nhỏ… Em nhỏ đã vậy thì thư của người lớn chắc chắn là có những hồi âm rõ ràng hơn, nghiêm túc hơn cho người yêu cầu, người đề đạt...
Lẽ ra chuyện ấy ở nước mình phải làm được hơn thế mới phải, vì
mình luôn tuyên truyền là chính quyền và nhà nước của chúng ta là của dân, vì dân.
Thế nhưng, lại “nhưng”… mới khổ! Nhung những chuyện như thế đã thật sự
“hơi bị hiếm” trong xã hội chúng ta lâu nay - dù có nói hoài trên mọi phương
tiện thông tin đại chúng và các loa phóng thanh tới cấp phường-xã là các cơ quan nhà nước luôn “sẵn sàng
tiếp thu mọi ý kiến góp ý của công dân”.
Chuyện cậu tân sinh viên trường ngoại giao sau kỳ thi đại học
vừa rồi đã lên tiếng góp ý với Bộ Giáo dục là một ví dụ điển hình. Cậu đã va
vào những hòn đá tảng như người ta vẫn nói về những góp ý “không hồi âm”.
Hãy gạt ngay ra bên có sự khiếu nại về điểm, đòi phúc tra cho
điểm của mình (bị thiệt) của cậu sinh viên mới kia. Bởi cậu đã đỗ đạt, và đỗ
hẳn điểm cao. Ba môn thi cộng là 25,5 điểm, trong đó 9,5 là môn Anh văn. Thế nhưng
cậu “thắc mắc” chính là cái môn Anh văn này (xem bài phỏng vấn ở dưới).
Hóa ra cậu thanh niên đầy nhiệt huyết kia chỉ muốn nêu vấn đề
với nơi ra đề thi, quyết đáp án và chấm điểm để thí sinh được đỗ hay phải trượt…
Là các vị nên xem lại cái sự quyết định (về “đáp án”) như vậy đã chính xác hay
chưa mà thôi!?
Có người, trong số đó có bạn
thân học hành với cậu, thấy cậu cứ thắc mắc hoài đã bảo cậu là nóng đầu, là hâm
nữa… Nhưng cậu vẫn quyết làm cho ra lẽ phải. Cậu chỉ muốn cái nơi cậu phản ánh
là “đáp án” chưa đúng (hoặc chưa hoàn toàn chính xác) cần có câu trả lời cho
công luận, hoặc chí ít trả lời cho riêng cậu biết. Ngay cả ý kiến góp ý của cậu
là sai thì một tiếng nói hồi âm rất cần phải có cho cậu biết. Đằng này là một
một sự im lặng đáng sợ.
Và với một thân trai 18 tuổi
đời, học hành giỏi giang kia giờ đây có biểu hiện là “quá thất vọng”, thậm chí
“mất hết niềm tin ở đời sống này” (trong lá Tâm thư gửi Bộ trưởng ngành Giáo
dục mới đây, cậu đã viết: “Nếu đã làm mọi việc có thể mà vẫn không được quan
tâm thì em sẽ mất hết niềm tin vào cuộc sống, xã hội”). Người lớn chúng ta nghe
vậy thật đau lòng!
Không muốn suy rộng những câu chuyện khác về sự góp ý cho
chính quyền, cho các công bộc của dân nhưng cũng buộc phải nghĩ ngợi nhân bức
Tâm thư của em tân sinh viên nói trên. Nó nói lên một điều là giữa lời nói và
việc làm của cơ chế bộ máy đang vận hành có điều gì đó không ổn. Biết thì người
ta có biết, nhưng người ta cứ buông đấy chừng nào không có một cơ chế giám sát
thúc ép, chế tài, thậm chí trừng phạt thì những sự ù lỳ thây kệ công dân như trường hợp
cậu tân sinh viên góp ý cho Bộ Giáo dục đã nói ở trên vẫn cứ ngang nhiên tồn tại. Góp ý va vào đá tảng, hay nói cách khác là Góp ý đã rơi vào thinh không.
Vệ Nhi
-----
Nam sinh viết tâm thư gửi Bộ trưởng: 'Thấy đúng đắn thì lên tiếng'
Bức tâm thư của tân sinh viên Học viện Ngoại giao (Trường Đại học Ngoại giao), Nguyễn Trung Dũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) hiện đang được dư luận quan tâm. Học sinh này cho rằng việc này được giải quyết thoả đáng để Dũng có lòng tin vào nền giáo dục.
Nguyễn Trung Dũng - tân sinh viên HV Ngoại giao đã gửi bức tâm thư tới Bộ trưởng GD&ĐT (ảnh nhân vật cung cấp).
|
Nguyễn Trung Dũng, cựu học sinh chuyên Anh THPT Phan Bội Châu, Nghệ An là người viết một bức tâm thư gửi tới Bộ trường GD&ĐT để phản ánh về lỗi sai trong đề thi tiếng Anh khối D, kỳ thi tuyển sinh ĐH - CĐ do Dũng phát hiện.
Nguyễn Trung Dũng đạt 25,5 điểm ở kỳ thi tuyển sinh khối D, khoa Quan hệ quốc tế - Học viện Ngoại giao, điểm số cụ thể là Văn 8,5 điểm, Toán 7,5 điểm, tiếng Anh 9,5. Quá trình làm bài thi môn tiếng Anh, Trung Dũng hoài nghi về đáp án câu hỏi số 23, mã đề 248 nên đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu nhiều tài liệu, tham khảo giáo viên uy tín để tìm ra câu trả lời.
Câu 23, mã đề 248, đề thi tuyển sinh đại học tiếng Anh khối D năm 2012 gây nhiều tranh cãi. Đáp án Bộ GD - ĐT đưa ra là "neither".
|
Đáp án của Bộ GD&ĐT với câu số 23, mã đề 248 là C, "neither". Nhưng Nguyễn Trung Dũng cho rằng đáp án này không chính xác, trong thực tế, đáp án c và d đều đúng và đều phải được tính điểm.
Chúng tôi đã liên hệ với Nguyễn Trung Dũng để tìm hiểu rõ hơn về sự việc.
- Tại sao em lại cho rằng đáp án Bộ GD&ĐT đưa ra là không chính xác?
Thư góp ý của em Nguyễn Trung Dũng có địa chỉ rất rõ ràng. Ảnh: Trụ sở Bộ GD&ĐT
Câu hỏi này có tới hai đáp án đúng, xoay quanh cách sử dụng cụm từ "me either" và "me neither" để nói rằng mình cũng đồng tình với một ý kiến có tính phủ định. Qua tìm hiểu nhiều tài liệu có uy tín và thầy cô giáo, em được biết "me either" được sử dụng rộng rãi ở Anh, còn "me neither" được sử dụng ở Bắc Mỹ. Cho tới nay, những nhà nghiên cứu về ngôn ngữ vẫn đang tranh luận về vấn đề này. Do đó, các tài liệu uy tín, điển hình là từ điển Oxford vẫn công nhận cả hai cách dùng từ đều đúng.
Điều đó cũng có nghĩa câu số 23 có hai đáp án đúng và việc chỉ công nhận đáp án C là đúng thì chưa thoả đáng.
- Trong bài thi của mình em chọn đáp án nào?
- Em không lo ngại việc lên tiếng chỉ ra lỗi đáp án có thể sẽ khiến em bị mất điểm sao?
- Thưa không. Em được 9,5 môn tiếng Anh, điểm số đó đã thể hiện nỗ lực của bản thân em. Hơn nữa, là một học sinh chuyên Anh, cũng là một thí sinh đi thi với nhiều tâm huyết và kỳ vọng em cảm thấy đây là một vấn đề cần phải lên tiếng. Câu hỏi này chiếm 0,125 điểm, không nhiều nhưng em chắc chắn nhiều người sẽ quan tâm vì đây là đề thi do Bộ GD&ĐT ra. Cho tới nay, rất nhiều trường học, giáo viên tin tưởng vào đáp án đề thi của Bộ và lấy đó làm quy chuẩn cho bài giảng của mình. Nếu đề thi - đáp án có lỗi mà mọi người không biết thì sẽ tiếp tục có rất nhiều người nhầm lẫn.
- Dũng đã phát hiện ra sự việc từ sau khi làm bài thi, tức ngày 10/7, từ đó tới nay em đã làm những gì để phản ánh tới những người có trách nhiệm?
- Sau khi nảy sinh nghi vấn em lập tức tra cứu các tài liệu và hỏi thầy cô giáo dạy tiếng Anh của em. Khi đã chắc chắn mình đúng, em và các bạn em đã gửi phản hồi tới email trên trang tin của Bộ GD&ĐT nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Tiếp đó, ngày 12/7 em có gửi thông tin này tới một số báo, nhưng chỉ có báo Giáo dục Việt Nam hứa sẽ tìm hiểu qua các chuyên gia và gửi phản ánh của em tới Cục khảo thí. Sau đó báo này cũng cho đăng tin nhưng tới nay em vẫn chưa nhận được câu trả lời từ các thầy cô trên Bộ GD&ĐT.
- Tại sao đến thời điểm này, khi mà đáp án, điểm số của thí sinh đã được công bố và Bộ GD&ĐT cũng không cho rằng có sai sót gì về đề thi - đáp án, em vẫn tiếp tục lên tiếng, mới đây nhất là bức tâm thư em gửi tới Bộ trưởng GD&ĐT?
- Việc ra đáp án, kết quả thi là việc đã xảy ra rồi. Em khá buồn vì mình đã lên tiếng sớm để những người có trách nhiệm có thể xử lý nhưng lại chưa được quan tâm. Vì theo tìm hiểu của em cũng như báo chí đã tìm hiểu qua các chuyên gia thì cả đáp C và D của câu số 23 đều đúng. Tuy nhiên, em vẫn mong muốn nhận được câu trả lời từ các thầy cô ở Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng. Dù em đúng hay em sai thì cũng mong có một câu trả lời.
- Giả sử Bộ GD&ĐT tiếp nhận phản ánh của em thì theo em nên xử lý ra sao?
- Em nghĩ thời điểm này không thể huỷ kết quả, chấm lại sẽ ảnh hưởng tới rất nhiều thí sinh. Những người ra đề cũng là những người đã nghiên cứu lĩnh vực ngôn ngữ rất kĩ và có kinh nghiệm nên em mong rằng mọi người phải cùng nhau xem xét lại, rút kinh nghiệm, sau đó có biện pháp ứng phó thích hợp.
- Nếu Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục không có phản ứng thì sao?
- Em đã cố gắng lên tiếng trong một tháng vừa qua nhưng mỗi ngày đều rất thất vọng vì không nhận được phản hồi. Trải qua 12 năm học tập ở trường, vừa bước vào đời, em cảm thấy việc lên tiếng là đúng đắn và em cho rằng đó là trách nhiệm của người học sinh. Nếu đã làm mọi việc có thể mà vẫn không được quan tâm thì em sẽ mất hết niềm tin vào cuộc sống, xã hội.
- Người thân, thầy cô, bạn bè phản ứng ra sao với việc em quyết tâm đề đạt ý kiến của mình?
- Chỉ có một vài bạn trong lớp ủng hộ, còn lại đều nói rằng "chắc không ai nghe phản ánh đâu". Thầy cô giáo khuyên em, nếu tự tin rằng mình đúng thì cứ làm, nhưng nếu mệt mỏi quá thì nên dừng lại.
Bố mẹ em ủng hộ và tin vào quyết định của em.
- Em đã đăng tải bức tâm thư gửi Bộ trưởng GD&ĐT trên mạng xã hội, nhận được khá nhiều phản hồi. Mọi người nói sao?
- Có người ủng hộ, cũng có người mỉa mai em, có người khuyên em dừng lại. Nhưng em có thể chắc chắn với những kiến thức em được học và đã tìm hiểu. Trong số những người quan tâm, có một giảng viên ĐH ở TP.HCM nói với em rằng cô có theo dõi sự việc trên báo chí và đọc lá thư gửi Bộ trường trên trang cá nhân của em. Cô nói rằng mình có tinh thần dám phát biểu ý kiến đúng của mình là việc làm tốt. Nếu cảm thấy hạnh phúc với việc mình đang làm thì nên theo đuổi đến cùng. Tuy nhiên, em cũng rất buồn vì khá nhiều bạn bè cùng độ tuổi với em có suy nghĩ tiêu cực về xã hội. Sự thực, em chẳng hề có ý kiện cáo, đụng chạm gì tới ai nhưng muốn giải quyết vấn đề thì buộc phải lên tiếng.
Em mong rằng sự việc này được giải quyết thoả đáng và sớm giúp em vững chãi, có lòng tin vào sự nghiệp giáo dục.
- Em có ý tưởng gì cho việc phản hồi từ học sinh, sinh viên tới các cấp, các ngành giáo dục không?
- Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều chủ trương khuyến khích chúng em chủ động trong học tập và phát
triển nền giáo dục theo lối học sinh tự nghiên cứu, thầy cô chỉ là người chỉ lối, dẫn dắt; đồng thời Bộ cũng rất khuyến khích học sinh đóng góp ý kiến. Nhưng thực tế còn nhiều điều bất cập. Đơn cử, việc lập ra hòm thư tiếp nhận góp ý thì nên có phản hồi với những ý kiến đó. Em mong rằng Bộ sẽ lập ra một đường dây nóng hoặc một hòm thư tiếp nhận ý kiến của học sinh, sinh viên không chỉ trong các kỳ thi mà kéo dài trong cả quá trình học tập, từ đó mới có thể phát triển giáo dục đi sát với thực tế được. Trong bức thư gửi Bộ trưởng em có trích câu nói của một triết gia em rất tâm đắc: “Sự học là sự tiếp nhận, không phải những người thầy người cô là không cần học nữa mà là họ dạy cho học sinh cách làm cho những người thầy người cô cần phải học”.
Bức tâm thư được đăng trên trang cá nhân của Nguyễn Trung Dũng. Dũng cho biết đã in và gửi bức thư tới Bộ trường GD&ĐT.
|
Mai Châm
Theo Infonet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét