Chủ Nhật, 21 tháng 10, 2012

Sao không viết về HNTW6?


 
Sao không viết về HNTW6?
 

 
Đã có nhiều bài viết về Hội nghị TW 6. Hầu hết thất vọng với các biện pháp nửa vời trong chuyện chống tham nhũng, trong việc chỉnh đốn Đảng. Càng thấm thía trò giơ cao đánh khẽ mà lãnh đạo từ cao đến thấp ở ta rất hay “diễn” với dân.

Mới đây nhận được ít dòng viết của anh Tô Văn Trường. Anh nói anh chẳng viết về hội nghị đảng vừa rồi vì anh tự lập luận “Viết để làm gì nhỉ, vì đã biết trước kết cục, cũng chỉ có đất nước là thua!”. Anh cũng thú nhận rằng anh cũng chẳng đến mức “quá bận công việc chuyên môn” để không dành được thời gian viết mà thực sự là anh “không ngạc nhiên về diễn tiến và kết quả của Hội nghị…” nên anh có lý, đúng là chẳng viết mà làm gì.

Rồi nhân chuyện cái kết quả chẳng đâu vào đâu về hội nghị mà người đứng đầu Đảng vừa đưa ra trước toàn dân, Tiến sĩ Tô Văn Trường lại khéo "chuyển làn" sang một vấn đề khác là câu chuyện về Đảng cộng sản Trung Quốc để mọi người cũng "ngẫm ngợi"... Anh Trường giới thiệu một bài viết rất có giá trị về nhận định cũng như nghiên cứu của một học giả người Trung Quốc là Cheng Li. (chính xác phải nói ông Cheng là người Mỹ gốc TQ; tấm danh thiếp của học giả này được tóm tắt như sau:  Cheng Li , Giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc, Viện Brookings. Washington. Email: cli@brookings.edu).
  
Nhận thấy câu chuyện “chuyển làn” này có nhiều điều thú vị, có tính liên tưởng và kích thích những vùng miền tư duy mới của con người ta, vậy xin giới thiệu cùng bà con mình chia sẻ. (Đầu đề bài viết dưới đây của anh Tô Văn Trường là của chủ blog đặt)

Vệ Nhi

(Ghi thêm vài lời: Dù được TS Tô Văn Trường chuyển cho nguyên văn (tiếng Anh) bài viết rất công phu và có sức thuyết phục của tác giả Cheng Li, chủ blog tôi vẫn không dẫn ra đây để bạn đọc tham khảo được.

Lý do vì trước đó đã được Ts Phạm Gia Minh thông báo rằng bản dịch của anh về bài viết nói trên đã chuyển cho Giáo sư Trần Hữu Dũng. Anh (TS Minh) nhấn mạnh, chỉ khi Gs Dũng công bố trên mạng và tạp chí Thời Đại Mới đăng bài đó (đầu tháng 11/2012) thì các trang blog ở trong nước như của chúng tôi hãy đưa bài lên. Tôn trọng bản quyền của tác giả dịch bài (là TS Phạm Gia Minh), xin thực hiện đúng như vậy nên bà con hãy chờ đợi ít ngày nữa đọc cả bản Việt một thể…). 

Dù thế một số ý chính của tác giả Cheng Li đã được TS Trường dẫn giải tại bài được post lên ngay dưới đây. 
 
--------

 
Sao không viết về HNTW6?

 Tác giả: TÔ VĂN TRƯỜNG

 
Nhiều người hỏi tôi sao không viết bài bình luận về kết quả Hội nghị TW lần thứ 6 nhất là hình ảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nghẹn ngào cùng tiếng nấc khi đọc diễn văn bế mạc?

 
 
 

Nhìn lại các bài viết của mình trước đây cho đến nay vẫn còn mang nguyên tính thời sự như : “Suy nghĩ về cách tiếp cận và lộ trình cải cách hệ thống chính trị ở Việt Nam”; “Mạn đàm về chiếc ghế”; “Chi thứ 5 trong cơ thể”; “Sửa đổi Hiến pháp 1992” ; “Dân tộc ta sẽ còn trầm luân”; “Tò mò để làm gì”? v.v…

Tôi lại ngẫm suy về định nghĩa của “Totalitarisme” ? Theo từ điển Petit Larousse 2002 “Hệ thống chính trị được đặc trưng bởi sự phụ thuộc hoàn toàn của cá nhân vào một trật tự chung theo sự cai trị của một chính quyền độc tài”.

Theo từ điển Bách khoa (Pháp) “Sự hợp nhất các quyền hành pháp, tư pháp và lập pháp. Sự tồn tại một đảng duy nhất, sự phổ cập một ý thức hệ thống trị, sự huy động quần chúng, sự kiểm soát của cảnh sát, sự đàn áp loại trừ các nhóm dân cư được coi như bung xung. Đó là nét chung của chế độ toàn trị”.

Bất cứ người dân nào khi đọc, ngẫm suy hai định nghĩa trên đây, thấy rõ chế độ chúng ta đang sống có phải là toàn trị hay không?

Có tài liệu rất đáng đọc và suy ngẫm: “The end of the CCP’s resilient authorianism? A tripartite assessment of shifting power in China” - Hồi kết cho chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai của Đảng cộng sản Trung Quốc? Đánh giá sự thay đổi quyền lực ở Trung Quốc hiện nay theo quan điểm tam quyền phân lập của tác giả Cheng Li đăng trên The China Quarterly, 211, September 2012, pp 595- 623. (TS Phạm Gia Minh đang biên tập bản dịch để đăng trên Viet-studies vào đầu tháng 11 tới).

Có thể tóm tắt bài tiểu luận này thách thức quan điểm đang thịnh hành về “chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai “của đảng cộng sản Trung Quốc, vốn từ trước tới nay vẫn cho rằng hệ thống chính trị độc đảng ở quốc gia này là hoàn toàn có khảnăng củng cố năng lực đất nước nhằm quản trị có hiệu quả xã hội thông qua những thích ứng về định chế và điều chỉnh chính sách. Những phân tích cuộc khủng hoảng gần đây vẫn còn tiếp tục được tiết lộ ra về Bạc Hy Lai cho thấy các vết nhơ trong hệ thống chính trị Trung Quốc, đó là tình trạng dung túng người thân và phe cánh cùng những mối liên kết kiểu bảo trợ - đỡ đầu trong quá trình lựa chọn các nhà lãnh đạo; Tham nhũng tràn lan, sự lũng đoạn quyền lực chính trị bởi một nhóm quan chức cấp cao ở các công ty thuộc sở hữu nhà nước ngày càng gia tăng, sự coi thường pháp luật của tầng lớp chóp bu và thất bại tiềm tàng trong các thỏa thuận mặc cả giữa các phe phái cạnh tranh lẫn nhau trong hàng ngũ lãnh đạo đảng. Bài tiểu luận cho thấy rằng chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai của đảng cộng sản Trung Quốc thực ra chỉ là một hệ thống trì trệ xét cả trên lý luận và thực tiễn bởi lẽ, hệ thống này chống đối lại những thay đổi mang tính dân chủ rất cần thiết ở quốc gia này.
 
 

Luận điểm về chế độ độc đoán chuyên quyền có tính bền bỉ và dẻo dai có nguồn gốc từ quan niệm cho rằng Trung Quốc là một thể thống nhất vững chắc đang đặt ra những vấn đề liên quan tới sự thất bại của nó trong việc đánh giá các xu hướng thay đổi dường như có tính nghịch lý ở quốc gia này. Trong tiểu luận, những nghịch lý đó được khắc họa bởi ba quá trình phát triển đồng thời, cụ thể là : 1/. Lãnh đạo yếu nhưng phe phái mạnh 2/. Chính phủ yếu nhưng nhóm lợi ích mạnh và, 3/. Đảng yếu nhưng đất nước mạnh.

Không nên nhầm lẫn giữa tính bền bỉ và dẻo dai của đất nước Trung Hoa nếu căn cứ vào vị thế của tầng lớp trung lưu đang hình thành, sự khôn ngoan, sắc bén của các nhóm lợi ích mới và tính năng động của toàn xã hội với năng lực và tính chính danh của đảng cộng sản Trung Quốc để điều hành đất nước. Bài tiểu luận này đưa ra kết luận cho rằng nếu như đảng cộng sản vẫn muốn lấy lại lòng tin của quần chúng và tránh một cuộc cách mạng hướng từ dưới lên thì đảng này phải tránh quan điểm về một “chế độ chuyên quyền bền bỉ, dẻo dai”, đồng thời đi theo đường lối chuyển đổi dân chủ một cách có hệ thống với những bước đi dũng cảm về phía bầu cử dân chủ trong nội bộ đảng, thiết lập sự độc lập của tòa án và dần dần mở cửa cho truyền thông chủ đạo.

Xin chuyển bản gốc bài tiểu luận nói trên (Tiếng Anh) để các anh chị và các bạn quan tâm tham khảo.

Tô Văn Trường

 

 

 

Không có nhận xét nào:

  Xin phép tâc giả và dịch giả đăng bài viết trên website "Nghiên cứu Quốc tế". Trung Quốc được lợi gì từ cuộc chiến ở Gaza? Nguồn...