Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2013

“Đọc lại” lịch sử



“Đọc lại” lịch sử

Sáng nay đi Mỹ Đình dự mít tinh 40 năm ký Hiệp định Paris. Làm bên ngành ngoại giao thì những cuộc như thế này thường là được góp mặt dù tại vị hay cán bộ đã hưu.

Đây là buổi mít tinh kỷ niệm cấp Nhà nước đứng ra làm nên trọng thể là cái chắc rồi. Mình xuống hội trường sớm đếm được cả chục cái xe Hundai cỡ to nhất chở dàn nghi lễ với kèn đồng trống phách sáng choang cùng với đội ngũ tiêu binh chuẩn nhất quốc gia. Đông đảo bà con mình đi mít tinh thôi nhưng ăn mặc rất bảnh. Cánh đàn ông thì toàn đại lễ, là com-lê cà vạt đủ lệ bộ. Còn phụ nữ thì ắt là bận quần trắng áo dài rồi.

Nước mình nó thế, làm ăn kinh tế, công việc quản lý điều hành bộ máy thì ít sự xuất sắc nổi trội với thế giới, như kiểu là làm cho được việc thì thôi, thậm chí lem nhem cẩu thả nên chẳng mấy khi gặt hái hiệu quả lâu bền. Thế nhưng cái khoản mít tinh hội họp, có tổ chức sắp đặt để quay phim chụp ảnh và lên truyền hình, tuyên truyền thì tỏ ra rất mả, rất “p’rồ” (nhà nghề). Đâu ra đấy, chắn vén chi ly và bài bản phết…

Về Hội nghị Paris thì chả phải nói nhiều bởi ai chẳng nhớ, chẳng biết. Chỉ nói riêng về bản lĩnh xử lý giữa đánh và đàm của ban lãnh đạo Việt Nam khi ấy. Đó là đánh và đàm, đàm và đánh kết hợp với nhau, “cái nọ” chuyển hóa thúc đẩy “cái kia”/và ngược lại “cái kia”, đến lượt nó, lại tác động trở lại “cái nọ” hết sức lô-gic và uyển chuyển... Người tài như Henri Kissinger, chất Do Thái cộng tinh hoa của “Hợp chủng quốc” xuất sắc cả nhé, mà chịu, đành hàng-thua Việt cộng.

Sau này Mỹ bảo khoản này (vừa đánh vừa đàm, vừa đàm vừa vận động mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ VN) thì“Việt cộng” họ quá tài, Mỹ thua là cái chắc, khỏi phải bàn phải thắc mắc.

Đúng xưa oai hùng, đáng tự hào thật. Nhưng vấn đề giờ đây những sự tài giỏi của lứa cha anh kia vận dụng nó ra làm sao để giải “bài toán quốc tế” hiện nay mới là cách học tốt bài học “40 năm HN Paris”.

Sáng nay ngồi bên một bậc đàn anh nổi tiếng là nhiều cao kiến, ông khẽ nhắc mình: Lứa cán bộ, con người xưa họ ghê gớm thật, đều là những người tài ba và đảm lược (lúc ấy chưa mít tinh nhưng trên màn ảnh lớn đang chiếu những cảnh về HN Paris và bối cảnh lịch sử những năm tháng ấy). Ông còn thêm: Khi mới họp Paris là vẫn còn ông cụ. Nên sau này cứ nếp ông cụ đã căn dặn mà làm tới. Cậu xem, dưới ông cụ lúc ấy bao người tài giỏi thao lược như thế (ông điểm tên tuổi một số sau này đều cỡ lãnh tụ của ta)... Rồi ông hạ giọng, nay thì khác. Có thể lắm cậu ạ, là cái vấn đề trong cách lựa chọn cán bộ lãnh đạo các cấp của mình bây giờ nó quá dở, người tài thật và có tâm khó ngoi lên được (ý ông chê cơ chế tuyển dụng người tài bây giờ). Chứ chả lẽ nước Nam mình hết người tài…

Mình ngồi nghe ông tự nhiên thấy lòng buồn rũ, vơi hẳn đi sự hứng thú với mít tinh...

Vệ Nhi

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...