Thứ Năm, 2 tháng 5, 2013

Sự đàng hoàng trong phê bình văn học



Cần sự đàng hoàng trong phê bình văn học


Trong giới phê bình văn học có những người, những cây bút mỗi khi xuất hiện những dòng chữ trên công luận thì ký tên tuổi đàng hoàng. Chưa nói tới nội dung hoặc mức độ chất lượng của những bài viết, những công trình kia thế nào, chỉ riêng “cái dấu ấn đóng rõ vào bài viết” kiểu như vậy nó đã cho người đọc thấy tác giả bài viết có trách nhiệm và sự đàng hoàng sòng phẳng khi "lập ngôn" trước thiên hạ...  

Nói như vậy bởi không ít những bài viết về loại này xuất hiện ít năm nay ở ta có kiểu “gần như vô danh”. Thực ra thì ở những bài viết như thế có ký một cái bút danh nào đó đấy. Nhưng những bút danh kia đố ai biết đó là ai, và có thật là người ta giữ nó trong các bài viết tiếp tục sau này hay là một kiểu cố ý giấu đi tên thật người thật nào đó (?). Có những câu chuyện lan truyền là người ta nghĩ ra một cái tên nào đó ở một số tòa báo mỗi khi cần ký cho một bài viết nào đó (đại loại như Trực Ngôn, Công Minh, Thanh Tâm...), hoặc trong một nhóm nào đó bàn soạn với nhau theo kiểu đánh đấm phong trào, nhằm phục vụ cho một ý đồ của ai đó gợi ý. Lại có khi do yêu cầu của một cơ chế, tổ chức nào đó thấy không tiện công khai trước công luận thỉ rỉ tai ai đó quen viết lách, cho ra một vài bài như kiểu viết thuê, lính Pak như giới văn nghệ báo chí đùa nhau... Tóm lại là một cách mượn mặt giấu tên, phê người ta nhưng không có chính danh đàng hoàng, không công khai tên tuổi…

Chuyện cái danh dù quan trọng (để đánh giá sự đàng hoàng, trung thực) thì một vấn đề hết sức cơ bản khác nữa là “cái cách phê bình, phê phán”. Hình như có người phê bình một tác phẩm nhưng không đọc/hoặc có đọc nhưng không đọc kỹ nên khi nói đến một vấn đề gì đó trong tác phẩm là lòi ra kiểu “nói lấy được”, thường là có định kiến rồi chụp mũ cho tác giả. Ví dụ khi nói là người ta “xuyên tạc chủ nghĩa xã hội”, hoặc là “đầy những luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội” thì chết nỗi chẳng đưa ra được chứng cứ là xuyên tạc CNXH như thế nào, xuyên tạc CNXH ở điểm nào, hoặc những luận điểm sai trái về CNXH là luận điểm nào, tại sao lại thế, v.v… Tức là nói để mà nói, nói cho sướng mồm sướng miệng mà thôi.  

Trong bối cảnh có thứ phê bình văn học thiếu tính chuyên nghiệp và không được đàng hoàng đó (cả phê bình văn hóa - nghệ thuật nói chung cũng có tình trạng như vậy), một người bạn tôi – anh Vũ Đức Tâm - có gửi cho bài viết sau đây nhân sự xuất hiện cuốn tiểu thuyết “Trại súc vật” của George Orwell mà ở bản dịch NXB Hội Nhà văn mới xuất bản mang tên “Chuyện ở nông trại”, xin giới thiệu cùng bà con và bạn bè cùng tham khảo.

Vệ Nhi


------

 Tít ban đầu:

« TRẠI SÚC VẬT »,  CÓ VẤN ĐỀ VÀ « GÂY BỨC XÚC TO LỚN » ?

Tít tác giả sửa lại:

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược

TÁC GIẢ: Vũ Đức Tâm

Trại súc vật (Animal Farm) hay còn được dịch là Chuyện ở nông trại, một kiệt tác văn học thế giới của nhà văn Anh George Orwell đã được in lần đầu năm 1945 ở Anh và được dịch ra 70 thứ tiếng. Đây là cuốn tiểu thuyết đứng ở vị trí 31 trong “Danh sách Tiểu thuyết hay nhất thế kỷ 20 (100 Books of the Century) do Nhà sách Fnac và báo Le Monde (Pháp) bầu chọn. Cách đây đã lâu mình đã đọc nguyên bản tiểu thuyết này (tỏ vẻ ta biết ngoại ngữ !). Mình thích nó và cứ vừa đọc vừa tủm tỉm cười, đôi lúc vỗ đùi đen đét. Thậm chí mình đã có lúc định dịch nó ra tiếng Việt. Cách đây khoảng hai ba tháng,  Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam đã cho ấn hành bản tiếng Việt của tác phẩm này dưới tiêu đề « Chuyện ở nông trại ». Thế là gần bảy mươi năm kể từ khi ra đời, tiểu thuyết này mới ra mắt ở nước ta. Cũng là quá muộn. nhưng muộn còn hơn không bao giờ. Cùng với rất nhiều độc giả Việt Nam, mình mừng lắm và hi vọng Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam tiếp tục cho độc giả được thưởng thức những tinh hoa văn chương của nhân loại mà vì một lí do nào đó vẫn chưa được giới thiệu ở Việt Nam.



Hỡi ôi, niềm vui ngắn chẳng tầy gang, mình đã loáng thoáng nghe thấy người ta đồn đại «hình như tiểu thuyết này có vấn đề». Mình chẳng tin, nghĩ rằng đó chỉ là một chiêu lăng xê của người phát hành. Nhưng rồi, đến khi một anh bạn nhà báo gửi cho đường link đến bài «Những cuốn sách gây bức xúc của Nhã Nam » do Trúc Vân viết trên báo mạng PetroTimes ngày 25/4/2013 (http://petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/nhung-cuon-sach-gay-buc-xuc-cua-nha-nam.html) thì mình mới tin là cuốn sách « có vấn đề ».

Trong bài báo, Trúc Vân đề cập đến ba cuốn sách do Nhã Nam xuất bản (« Những thứ họ mang », « Phê như con tê tê » và « Chuyện ở nông trại »). Trong phần « Chuyện ở nông trại », tác giả đưa ra những nhận định thiếu cơ sở khoa học, kiểu nói lấy được, không có bất cứ dẫn chứng nào để thuyết phục người đọc, như : « …tác phẩm chứa rất nhiều luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội và nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này » và «…với một đất nước như Việt Nam, việc ấn hành « Trại súc vật » đã gây nên bức xúc to lớn trong dư luận ».  Mình hoang mang quá ! Cuốn sách này cổ súy cho tự do, dân chủ, bình đẳng và hạnh phúc cho muôn loài, phê phán sự độc đoán, chuyên quyền, chủ nghĩa cá nhân, sự tha hóa của quyền lực, thói hư tật xấu như xa hoa, lãng phí, ăn chơi, hưởng lạc, vì tư lợi bất chấp luật pháp… Mà những điều này cũng phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng ta cơ mà. Xin Trúc Vân hãy làm ơn chỉ rõ, chương nào, đoạn nào, câu nào, từ nào, ở trang nào của cuốn sách « chứa rất nhiều những luận điểm sai trái về chủ nghĩa xã hội » và « những luận điểm sai trái » đó cụ thể là gì để cho công chúng tỏ tường và, nếu tâm phục khẩu phục, còn kịp thời điều chỉnh lập trường tư tưởng của bản thân cho phù hợp.

Trái với khẳng định của tác giả « nó bị cấm lưu hành ở những quốc gia theo tư tưởng này », tác giả An Khê trong bài « Tiểu thuyết kinh điển-Chuyện ở nông trại của George Orwell đã có mặt » đăng trên Báo Gia đình Việt Nam ngày 3/3/2013, đã viết : « Ngay tại Trung Quốc, Chuyện ở nông trại cũng đã được xuất bản từ rất sớm. Tới nay đã có khoảng gần 20 bản tiếng Trung (do các dịch giả khác nhau được xuất bản ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan). Bản mới nhất, do NXB Văn Học Nhân Dân xuất bản năm 2012. » ( http://giadinhvn.vn/vn/Tintuc/TinVan...da-co-mat.aspx ). Chả nhẽ Trung Quốc không còn « theo tư tưởng này » nữa ư???




Còn về « bức xúc to lớn », không hiểu Trúc Vân dựa vào cơ sở nào để khẳng định như vậy. Mình đã hỏi nhiều người quen, cả già, trẻ, nam, nữ và đều có trình độ ít ra cũng tốt nghiệp đại học thì đa số không biết « Trại súc vật » là gì, thì làm sao mà « bức xúc » được, lại còn « to lớn » nữa chứ ! Bây giờ người ta đua nhau làm ăn kinh tế, mải lo cơm, áo, gạo, tiền, thử hỏi mấy ai quan tâm đến văn chương, chữ nghĩa ? Đến những « cây đa, cây đề » của nền văn học nước nhà như cụ Ngô Tất Tố, cụ Nguyễn Du… ối người vẫn còn nhầm lẫn, thậm chí không biết là ai thì làm sao người ta biết đến một ông nhà văn, dù nổi tiếng, ở cái xứ Ăng Lê xa xôi kia ! Xem ra « vấn đề » cũng như sự « bức xúc » không nằm trong cuốn « Trại súc vật » mà lơ lửng ở đâu đó trong giới hữu trách của văn nghệ nước nhà ? Mình cũng không cho rằng NXB Hội Nhà văn và Công ty Nhã Nam « thiếu chuyên nghiệp, không đủ trình độ chuyên môn » trong việc xuất bản « Chuyện ở nông trại » như tác giả viết.

Tuy vậy, mình vẫn cho rằng đó chỉ là ý kiến riêng của PetroTimes, thậm chí của riêng Trúc Vân mà thôi, chứ không phải là ý kiến chính thức của giới hữu trách. Bởi vì trước đó, mình được biết Báo QĐND Online, tờ báo lớn và có uy tín của ta, trong bài viết Cuốn tiểu thuyết kinh điển của George Orwell đến tay độc giả Việt ... ngày 2/3/2013 của Thu Thủy, đã giới thiệu sách bằng những lời có cánh, đã đánh giá : «…cuốn sách nhanh chóng tìm được sự đồng cảm của đông đảo bạn đọc khắp nơi và mang lại cho Orwell thành công cả về tiền bạc lẫn danh tiếng » và kết luận : « Nội dung câu chuyện mà Orwell xây dựng trong “Chuyện ở nông trại” đã khiến người đọc không thể rời mắt khỏi trang sách khi đã cầm lên. Có thể nói rằng, Orwell đã kể nên một câu chuyện ngụ ngôn có màu sắc khôi hài mà ngay cả trẻ thơ cũng đọc được ».

Xưa nay, các báo chính thống đều nhất trí về mọi vấn đề, đồng loạt đưa tin giống nhau để áp đảo, chiếm lĩnh trận địa dư luận vì thường xuyên được Ban Tuyên giáo Trung ương quan tâm định hướng, nhắc nhở sát sao. Tuy nhiên, mình thấy rất lạ là trong chuyện này giữa những tờ báo anh em lại có hiện tượng « Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược » như thế cơ chứ?

Mình mong cái tin đồn « Trại súc vật », cuốn tiểu thuyết « có vấn đề » và « bị thu hồi » đúng là tin đồn thật. Điều mình mong hơn là đến lúc nào đó, những độc giả có quyền công dân, được học hành tử tế, biết phân biệt phải, trái, không bị thiểu năng trí tuệ… không còn bị/được người khác chọn hộ, thẩm định hộ rồi mới được phép đọc một tác phẩm này hay tác phẩm kia ! Mong ước này có quá đáng không nhỉ ?

30/4/2013
V.Đ.T.

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...