Thứ Năm, 16 tháng 5, 2013

Trẻ con đang "học" thế nào?



Trẻ con đang "học thế nào?"

Thế hệ bọn mình không còn con cái ở tuổi đi học nữa, nhưng trong gia đình chung lại có cháu nội cháu ngoại đang cắp sách đến trường. Vì thế quan tâm đến giáo dục chẳng phải là câu chuyện hóng vào cho vui mà nó cũng rất trực tiếp và thiết thực nó động chạm đến cuộc sống với nỗi vui buồn và các mối quan hệ, cách bảo ban của ông bà cùng cha mẹ các cháu trong đời sống hàng ngày…

Hôm rồi anh bạn gửi cho một bài viết tập hợp các kiểu viết văn (môn tiếng Việt) của các cháu học sinh tiểu học (nội dung --->>> xin đọc dưới đây). Đọc xong tâm trạng thấy nao nao một nỗi buồn lo, song không giấu cũng có lúc phải "phá lên... cười"! Cười không phải chê trách các cháu nhỏ đã "làm văn" ngố dại quá, mà cười vào đâu nhỉ, nói thật nhá, cười vào mũi các nhà giáo dục nhà mình! Mong đừng giận.

Bởi chưng công trạng ở đâu không biết, nhưng cứ cho là kém cỏi đi (thì cũng không sao lắm), song cái tệ hơn là chính là "cái bệnh thành tích", cứ muốn dập khuôn bài vở đúng yêu cầu cô thày dặn thì cho điểm cao, để đến khi báo cáo lên trên sẽ có thành tích nhiều, được khen thưởng...  Nên tất cả đã biến những đầu óc non trẻ, đôi khi có chút sáng tạo tươi mới trong cách cảm thụ văn học nào đó rất đáng khuyến khích, thì lại trở thành những cái rô-bốt ăn theo viết theo đến là kệch cỡm và bi hài...

Trách nhiệm với con em là cả 3 phía (nhà trường, gia đình và xã hội), ai cũng biết thế, nhưng có phải không, phía nhà trường dạy dỗ trực tiếp nhất định phải chịu lấy một phần rất quan trọng, không nói là trách nhiệm chính của sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ. Câu hỏi đó đặt ra với ngành giáo dục đã từ lâu, giờ chỉ có nhắc lại.

Vệ Nhi 

----


Những câu văn khiến người lớn giật mình

"Ông nội em có hai cái râu vểnh lên", "con gà mái nhà em có mào đỏ chót", "mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới gốc cây cà chua"... là những câu văn của trẻ khiến phụ huynh lo lắng.


Chị Minh ở Đống Đa (Hà Nội) bất ngờ khi con trai học tiểu học thủ thỉ: "Đọc lại 8 bài văn con làm từ đầu năm đến giờ thấy hoang mang quá mẹ ạ". Rồi cậu kể, cô giáo yêu cầu cả lớp viết tập làm văn theo gợi ý cô cho sẵn nên khi làm bài văn tả bác sĩ, cậu dùng câu kết luận "Em mơ ước sau này lớn lên em là bác sĩ". Khi làm văn tả người nghệ sĩ, cũng kết "Em mơ ước sau này làm nhạc sĩ", và khi tả bác công nhân, cậu lại viết: "Em ước mơ lớn lên em làm công nhân".

"Con tả thầy giáo, ca sĩ, rồi kỹ sư... cũng phải lặp lại câu ước mơ lớn lên em làm nghề như họ. Thế sau này con làm gì, mẹ nhỉ?", cậu bé đặt câu hỏi.

Chị Minh vội xem lại tập văn con làm. "Đọc văn của con mình phì cười, phần mở đầu và thân bài, con trai có nhiều sáng tạo. Riêng cái kết thì đúng là 8 bài như một. Cái sự máy móc vớ vẩn đó làm hỏng cả ước mơ của con mình, phải rút kinh nghiệm thôi", chị Minh nói và cho hay lâu nay nhìn bảng điểm, bài văn nào con trai cũng được 8, 9, thậm chí 10 nên chị vẫn yên tâm.

Còn chị Hoài (Cầu Giấy, Hà Nội) kể, sau một lần hướng dẫn con làm bài tập về nhà, hôm sau bé mếu máo trách "vì mẹ dạy mà bài tập làm văn của con chỉ được cô cho 5 điểm". Kể từ đó, bé tự học thuộc văn trong sách tham khảo hoặc dàn bài mà cô cho, không nhờ mẹ hướng dẫn nữa vì sợ "không đúng ý cô".

Có lần, bé ghép nhầm cấu trúc cô hướng dẫn, viết "con gà mái nhà em có cái mào đỏ chót" khiến cả nhà phì cười. Lúc tả con mèo, bé nghe lời cô học theo văn mẫu, viết rất hay. Nhưng khi đề bài yêu cầu tả ông nội, bé lại lấy cấu trúc của bài trước ra tham khảo và viết "ông em có hai cái râu vểnh lên".

"Tả cây cối thì bé phải tả đầy đủ bộ phận theo lời cô dặn. Thế mới có bài tả cây cà chua: 'Trong vườn nhà em có rất nhiều loại cây nhưng em thích nhất là cây cà chua. Gốc cây to, rễ cây mọc thành từng chùm, thân cây sum suê cành lá. Mùa hè em thường ngồi hóng mát dưới bóng cây", chị Hoài kể và cho biết phải mất rất nhiều thời gian để giải thích cho con hiểu, nhưng bé vẫn giữ lập trường "học theo văn mẫu và lời cô dặn".

Bạn đọc Mỹ Tiên kể, mới đây chị về thăm nhà, kiểm tra vở của em trai đang học lớp 5. Khi xem đến vở tập làm văn thì chị giật mình. Như bài yêu cầu tả con vật nhà em nuôi, do nhà chị không nuôi con vật gì nên em trai đã viết mở bài: "Nhà em có một con chó của nhà dì Thúy".

Thân bài cậu bé mô tả: "Con chó có mắt đen như hạt nhãn, mũi to bằng mũi của em, còn mõm thì to như mõm cá sấu. Nó chỉ ăn thịt và xương. Khi có người lạ vào nhà nó sủa gâu gâu, nếu người ta chửi nó sẽ quay đít bỏ đi". Cuối cùng cậu kết luận: "Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã thương con chó".

Mỹ Tiên cười đến chảy nước mắt vì trong tất cả bài văn của em đều có câu kết 'Em xin hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ'. Ngay cả khi tả cây cổ thụ, cậu bé cũng viết: "Nhà em vừa mới có một cây cổ thụ, cây to bằng con lươn. Rồi kết lại cũng hứa sẽ học thật giỏi để không phụ lòng ba mẹ đã ngồi dưới gốc cây".
"Ở trường cô giáo dạy em mình học thuộc các bài văn mẫu của cô, cho nên khi em làm bài, lúc nhớ lúc không, đành lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia. Mình cảm thấy nản cho cách dạy văn và học văn của thầy cô giáo và các em học sinh bây giờ", Mỹ Tiên nói.

Bên cạnh những "sản phẩm học thuộc", có những bé lại viết văn rất ngô nghê. Nguyên là giáo viên dạy văn cấp 3 nhưng chị Linh tự nhận không thể dạy được con làm văn. Chị cho biết, bé My con gái chị đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy, bé viết chữ xấu, ngại học văn và tư duy nặng về tính toán. Có những bài văn của con chị đọc xong chỉ biết bò lăn ra cười.

Với đề bài tả con mèo, bé viết: "Nhà em có con mèo lười, không biết bắt chuột, đi chơi về thì lem luốc, lại kén ăn nên cả nhà đều ghét. Bà em còn dọa làm thịt quách con mèo ấy đi". Bé kết luận rất thật thà: "Em rất ghét con mèo ấy".

Khi cô giáo yêu cầu viết về giấc mơ với ba điều ước, bé đã viết bài văn hai trang giấy và ước tới 20 lần. Điều đầu tiên cô bé đã ước "có thật nhiều điều ước". Bé viết: "Điều ước đầu tiên của em là những người cùng hoàn cảnh với em không khổ nữa. Điều ước thứ hai là tất cả những người xấu tính, độc ác không có mặt trên đời. Điều ước thứ ba là bà ngoại em sống lại và thọ đến 10 tuổi".

"Do điều ước thứ nhất của em là có thật nhiều điều ước nên điều ước thứ tư của em là những người nghèo trở nên giàu có. Điều ước thứ năm của em là trên thế giới này sẽ không có bệnh nào nữa. Điều ước thứ sáu của em là đất nước Việt Nam sẽ rộng thêm, đông người thêm".

Cuối bài, bé tiếp tục viết rất thật: "Điều ước thứ hai mươi mốt của em vừa định ước thì em đã bị gọi dậy. Em vừa thấy vui vừa thấy tiếc. Tối nay em phải mơ tiếp mới được. Chắc chắn là em phải mơ tiếp mới được".

(Nguồn: Thư bạn bè)
 

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...