Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Hồ sơ Ukraina (tiếp) - Biến động ở Ukraine: Cơ hội mở rộng biên giới an ninh của NATO?

Hồ sơ Ukraina (tiếp)

Thông tin được nhìn nhận từ khối NATO. Và dưới đây là một bài mới đăng trên Dân Việt online (12/3).

Vệ Nhi

----  

Biến động ở Ukraine: Cơ hội mở rộng biên giới an ninh của NATO?

Biến động chính trị - xã hội ở Ukraine chính là cái cớ hợp pháp để biên giới an ninh của NATO mở rộng thêm về phía Đông. Tuy nhiên đây là điều không dễ thực hiện...

“Với tư cách là một cường quốc đang trên đường lấy lại vị thế oai phong trước đây của mình, Nga đương nhiên không muốn không gian địa chính trị của mình bị co hẹp” - ông Phạm Tiến - nghiên cứu viên chính Phòng Chính trị quốc tế, Viện Kinh tế và Chính trị thế giới nhận định khi trao đổi với phóng viên NTNN ngày 11.3.

Khủng hoảng ở Ukraine vẫn chưa có lối thoát, ông nhận định tình hình này sẽ đi đến đâu và nước cờ tiếp theo của Tổng thống Nga Putin sẽ như thế nào?

- Truyền thông thế giới những ngày gần đây đưa nhiều tin về những biến động chính trị - xã hội của Ukraine, nhưng những bình luận về sự đối đầu giữa Nga và phương Tây gắn liền với sự kiện trên cũng nhiều không kém.

Điều đó cho thấy, lợi ích và sinh mạng của người dân ở một quốc gia đôi khi chỉ là “ván bài” để các cường quốc mặc cả nhằm tranh giành ảnh hưởng và khẳng định vị thế của họ trên bản đổ quyền lực thế giới.

Biểu tình ở Crimea ngày 10.3.
Biểu tình ở Crimea ngày 10.3.

Việc Mátxcơva đưa quân vào Crimea dưới lý do lo ngại cho sự an toàn của người dân gốc Nga, cùng lời đề nghị của tổng thống bị lật đổ là có thật, song ẩn đằng sau động thái can thiệp này là Nga vẫn muốn kiểm tỏa Ukraine (cũng như với nhiều nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết trước đây) trong vòng ảnh hưởng của mình. Theo đó, tái tạo dựng và củng cố không gian địa chính trị và an ninh cho sự trỗi dậy của Nga.

Với phương Tây, nhất là Mỹ việc chứng kiến một nước Nga ngày càng mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của cặp bài trùng Putin – Medvedev, đang có những quan điểm và biện pháp hành động độc lập, trái ngược với lợi ích của Mỹ và đồng minh về kết cấu của hệ thống quyền lực thế giới hiện nay, là điều không hề dễ chịu. Do vậy, biến động chính trị - xã hội ở Ukraine chính là cái cớ hợp pháp để biên giới an ninh của NATO mở rộng thêm về phía Đông. Tuy nhiên đây là điều không dễ thực hiện cho dù giới lãnh đạo chính trị và quân sự phương Tây luôn thừa quyết tâm.

Việc Crimea trưng cầu dân ý liệu có giúp hạ nhiệt tình hình không, thưa ông?

- Việc ngày 16.3 tới đây số phận chính trị của Crimea sẽ lại một lần nữa được quyết định thông qua cuộc trưng cầu dân ý (nếu điều này thực sự xảy ra và được quốc tế thừa nhận về tính hợp pháp của nó), cũng sẽ không giúp giải quyết hạ nhiệt được những mâu thuẫn chính trị, kinh tế - xã hội và sắc tộc ở Ukraine. Bởi trong bối cảnh hiện nay, dù Crimea có lại trở thành một khu vực tự trị thuộc Nga hay vẫn thuộc Ukraine, thì đồng nghĩa với việc nó xoa dịu và làm thỏa mãn tính tự tôn dân tộc của bộ phận này, song lại cũng đào sâu thêm mâu thuẫn ở một bộ phận khác.

Trường hợp Crimea thuận theo ý nguyện của 58% dân số nói tiếng Nga tại đây, thì với Mátxcơva, đây cũng chưa hẳn là một thắng lợi, bởi đây là một khu vực phức tạp mang tính lịch sử, luôn chứa đầy những nguy cơ về xung đột nội bộ.

Nhìn rộng hơn, trong trường hợp một chính phủ thân phương Tây được dựng lên ở Ukraine và gia nhập vào EU (trong bối cảnh hiện nay, điều này cũng không hề đơn giản), thì cũng chỉ có thể thỏa mãn được bộ phận dân chúng ở phía Tây và Trung vốn có lợi ích kinh tế gắn kết nhiều hơn với các nước thành viên EU, còn cử tri phía Đông Nam và Crimea vẫn sẽ tiếp tục phản đối bởi lợi ích của họ sẽ bị đụng chạm nếu gặp phải sự “ghẻ lạnh” từ Nga.

Do vậy, nếu các cường quốc thật sự vì lợi ích của Ukraine, thì hãy thôi toan tính lôi kéo, dụ dỗ, gây sức ép vì lợi ích vị kỷ của mình, mà hãy ngồi lại cùng các nhóm chính trị lợi ích của Ukraine tạo lập một chính phủ hòa giải có khả năng đoàn kết được mọi giới và sắc dân.

Trong cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay, nhằm gây sức ép với Nga, các nước phương Tây đe dọa trừng phạt Mátxcơva về kinh tế và theo như tuyên bố của họ, chỉ trong “ít ngày tới”, nếu Mátxcơva không nhượng bộ, lệnh trừng phạt sẽ được áp đặt. Ông đánh giá như thế nào về tuyên bố này?

- Thực tế cho thấy, trong quan hệ chính trị quốc tế, không phải cứ nói thế nào là làm thế và thực thi ngay. Mọi tuyên bố cứng rắn hàm ý về khả năng xấu nhất có thể xảy ra khi những biện pháp ngoại giao khác không đạt được kết quả như mong muốn của các bên. Nhưng thực tế chính trường thế giới những năm qua cho thấy, luôn có chỗ cho giải pháp ngoại giao để những đối thủ xứng tầm nhau có thể thỏa mãn tính tự tôn của mình.

Nếu chúng ta đặt ra giả định, trường hợp trừng phạt kinh tế vẫn xảy ra khi không có giải pháp nào làm thỏa mãn cả Nga và phương Tây, ai sẽ thiệt hại nhiều hơn từ lệnh trừng phạt này?
- Nếu Nga và phương Tây đưa ra các biện pháp trả đũa nhau về mặt kinh tế thì chỉ có bên thua, không ai chiến thắng trong “trận chiến” này. Trong đó người thua thiệt nhất chính là nhân dân. Người dân Ukraine sẽ tiếp tục bị giằng xé bởi các thế lực trong bối cảnh kinh tế ngày càng khó khăn, còn máu thì vẫn tiếp tục đổ trên các con đường từ thủ đô Kiev đến các thành phố khác trên toàn Ukraine.
Còn trong trường hợp lệnh trừng phạt được áp đặt, thì không chỉ có Nga chịu thiệt hại, mà sẽ là thất bại chung, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thế giới mới bắt đầu le lói dấu hiệu hồi sinh sau khủng hoảng. Hơn nữa, xét theo mối quan hệ kinh tế giữa Nga với Mỹ và phương Tây, và các đối tác khác thì gánh nặng có lẽ sẽ thuộc về bên áp đặt lệnh trừng phạt nhiều hơn.

Trong khi sự tháo lui của Mỹ và phương Tây sẽ lại tạo khoảng trống thị trường cho giới kinh doanh ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác chia thêm phần bánh béo bở từ thị trường Nga.

Những thứ hàng hóa đang được giới kinh doanh phương Tây cung cấp tại Nga sẽ dễ dàng được thay thế bởi hàng hóa của các nhà cung cấp khác. Sự thiệt hại với Nga có lẽ chỉ liên quan đến số ít tầng lớp nhà giàu mới nổi đang tập làm quen với việc tiêu xài “hàng hiệu”. Nhưng số này thì luôn thừa tiền và mánh khóe để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Một vũ khí kinh tế nữa tạo ưu thế cho Nga đó là tài nguyên thiên nhiên. Khoảng 30% nguồn cung cấp khí đốt cho EU là đến từ Nga, trong khi đó giới đầu tư đến từ Đức, Anh, Pháp… cũng sẽ không sẵn sàng từ bỏ những món lợi nhuận khổng lồ đến từ việc được cấp giấy phép khai khoáng cho các đối thủ khác đến từ Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi đó, chương trình nghiên cứu ngoài không gian và một số dự án vũ khí công nghệ cao của Mỹ sẽ không thể thực hiện nếu thiếu sự hợp tác của Nga.

Tôi nghiêng về khả năng Nga và phương Tây sẽ thương lượng đi đến một giải pháp nhằm thỏa mãn cả hai.

Xin cảm ơn ông!

Crimea thông qua “tuyên ngôn độc lập”

Ngày 11.3, các nhà lập pháp tại Crimea đã bỏ phiếu tách khỏi Ukraine, một động thái chuẩn bị cho cuộc trưng cầu dân ý dự kiến tổ chức vào cuối tuần này để Crimea trở thành một phần của LB Nga. Thông cáo của cơ quan báo chí thuộc Nghị viện Crimea cho biết, Crimea đã thông qua “Tuyên ngôn độc lập của nước Cộng hòa tự trị Crimea và thành phố Sevastopol” với tỷ lệ 78/81 nhà lập pháp có mặt bỏ phiếu thuận. Cùng ngày, quyền Tổng thống Ukraine Oleksander Turchynov tuyên bố nước này sẽ thành lập một Lực lượng Vệ quốc mới từ các cựu chiến binh để đối phó trong tình huống bắt buộc. Ông Turchynov khẳng định Ukraine hiện chỉ có lực lượng bộ binh 6.000 quân sẵn sàng chiến đấu. 

Tác giả Quang Minh
Nguồn: http://danviet.vn/the-gioi/bien-dong-o-ukraine-co-hoi-mo-rong-bien-gioi-an-ninh-cua-nato/20140311112621977p1c26.htm

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...