Thứ Tư, 20 tháng 5, 2015

Gorbachev và một câu chuyện 25 năm trước


Gorbachev và một câu chuyện 25 năm trước

Ở Việt Nam, sau khi Liên Xô tan rã, cách đánh giá chính thống cho đến nay nghiêng về “đổ lỗi” cho người mở đầu cho Pê-re-trôi-ka (Perestroyka) và Glat-nớt (Glasnos) là ông Mikhail Gorbachev; và nguyên nhân cũng được coi là cơ bản không kém là tác động đánh phá CNXH từ bên ngoài (phe đế quốc TBCN do Mỹ đứng đầu).Đương nhiên người ta cũng nêu có sự yếu kém của bản thân xã hội Liên Xô trì trệ trong nhiều thập kỷ... 

Tuy nhiên ở châu Âu, ở ngay các nước Đông Âu trong đó có Nga (chưa kể Mỹ), ở những nơi đó họ lại có cách lý giải sự đổ sụp của thành trì phe XHCN là Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết theo những nguyên nhân và lập luận khác, chưa nói là trong số đó có những phân tích trái ngược hẳn với cách đánh giá chính thống ở Việt Nam. 

Những điều kể trên rất dễ quan sát thấy trên mặt trận tuyên truyền thông tin chính thống. Ta cứ nhìn những trang báo của các tờ báo có quyền lực mạnh đằng sau, hoặc không hẳn như thế thì ở một số tờ báo có số lượng phát hành lớn, chúng ta đều dễ tìm thấy những trang báo đày đặc chữ, khi thì tổng hợp nguồn tin nước ngoài, khi là những phỏng vấn tràng giang đại hải in ra tới mấy trang báo khổ lớn... mà trong đó đều thấy ông Gorbachev “bị” quy lỗi là một trong mấy tác nhân chính đẩy nhanh Liên Xô sụp đổ...

Để có cái nhìn khách quan, tỉnh táo hơn khi đánh giá những nhân vật lịch sử (hoặc những nhân vật nổi tiếng gắn với các sự kiện lịch sử), từ hôm nay chủ Blog tôi dự định đưa một số thông tin khác xung quanh việc nhận xét về ông Gorbachev.

Chẳng hạn mới đây nhân sự kiện 25 năm ông Gorbachev gặp người đứng đầu nước chính phủ Litva khi đó, là Thủ tướng Kazimira Prunskienė, trên trang mạng nghiencuuquocte xuất hiện một bài báo ngắn dịch từ báo chí nước ngoài, trong đó kể về sự kiện gặp gỡ cấp cao này. 

Xin phép đưa lại lên trang blog này để bạn bè và bà con đọc tham khảo. Cách tốt nhất là đọc xong tự rút ra sự nhận định của riêng mình.
 
Vệ Nhi g-th

----
         
17/05/1990: Gorbachev gặp Thủ tướng Litva


Gorbachev meets with Lithuanian prime minister,” History.com (truy cập ngày 16/5/2015).
Biên dịch & Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 17 tháng 5 năm 1990, lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev* đã gặp Thủ tướng Litva Kazimira Prunskienė trong một nỗ lực để giải quyết những bất đồng phát sinh từ việc Litva tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô trước đó. Đối với Gorbachev, cuộc gặp mặt này là một bài kiểm tra kỹ năng và khả năng của ông trong việc duy trì đế chế Xô viết đang sụp đổ.





Litva trở thành một phần của Liên Xô trong suốt 50 năm sau khi bị Liên Xô chiếm giữ năm 1939. Năm 1989, Gorbachev công khai bác bỏ cái gọi là học thuyết Brezhnev. Học thuyết này – ra đời năm 1968 để biện minh cho sự can thiệp quân sự của Liên Xô nhằm dập tắt những cuộc biểu tình chống chính phủ ở Tiệp Khắc – cho phép Liên Xô sử dụng vũ lực để bảo vệ chính quyền cộng sản vốn đang tồn tại ở các quốc gia khác.

Việc Gorbachev không thừa nhận học thuyết Brezhnev rõ ràng là nhằm cải thiện quan hệ với các đồng minh ngày càng bất ổn của Liên Xô ở Đông Âu, nơi mà các cuộc biểu tình chống chính phủ và chống cộng sản đang nổi lên ngày một nhiều. Nhưng ở Litva, các nhà dân tộc chủ nghĩa chống Liên Xô đã hiểu tuyên bố của Gorbachev có nghĩa là người Nga sẽ không can thiệp vào bất cứ phong trào độc lập nào tại các nước cộng hòa thành viên. Ngày 11 tháng 3 năm 1990, Litva tuyên bố trở thành một nước cộng hòa độc lập.

Dĩ nhiên, Gorbachev không có ý định cho phép các nước cộng hòa của Liên Xô tự ý tách khỏi Liên bang. Ngày 17 tháng 5 năm 1990, Gorbachev đã gặp Thủ tướng Litva Kazimira Prunskienė tại Moskva để thảo luận tình hình. Bất chấp những thông cáo báo chí lạc quan về cuộc tọa đàm giữa hai nhà lãnh đạo, Litva ngày càng tỏ rõ sẽ không rút lại tuyên bố độc lập của mình.

Sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế và đe dọa hành động quân sự, Liên Xô đã phát động một cuộc tấn công quân sự tổng lực nhằm vào Litva vào tháng 1 năm 1991. Tuy nhiên, nỗ lực của Liên Xô là vô ích. Tháng 12 năm 1991, 11 trong số 12 nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (trong đó có Litva) tuyên bố độc lập và thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập. Vài tuần sau đó, Gorbachev từ chức tổng thống, Liên Xô sụp đổ.

Cuộc xung đột Liên Xô-Litva đã có tác động đáng kể đối với quan hệ Mỹ-Xô. Nhiều người ở Mỹ đã bàng hoàng trước sự can thiệp quân sự của Liên Xô vào Litva hồi tháng 1 năm 1991. Quốc hội Mỹ nhanh chóng chấm dứt sự hỗ trợ kinh tế dành cho Liên Xô khi đó. Một số quan chức Mỹ cũng tin rằng những hành động của Liên Xô đã chỉ ra rằng bất chấp những lời hứa hẹn cải cách, Gorbachev vẫn ngày càng chịu sự kiểm soát của những nhân vật có đường lối cứng rắn trong chính phủ Liên Xô

Theo Wikipedia thì Mikhail Sergeyevich Gorbachyov từng là lãnh đạo Liên bang Xô viết từ năm 1985 tới 1991. Ông sinh 2/3/1931 (năm nay 84 tuổi). Ông đã được Giải thưởng Nobel Hòa bình.



- Nguồn bài viết trên: http://nghiencuuquocte.net/2015/05/17/gorbachev-gap-mat-thu-tuong-litva/#sthash.cusAvoZn.dpuf

Không có nhận xét nào:

  Việt Nam trước các nguy cơ tiềm ẩn khó lường Nguyễn Quang Dy Trong bối cảnh thế giới đang biến động khó lường, các nước đang chuyển đổi nh...